Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh (Phần 3)

Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh (Phần 3)

(Tiếp theo Phần 1Phần 2)

3. Quan hệ gia đình trong lịch sử văn minh

Quan hệ nam - nữ

Trong những giải thích tư tưởng Fukuzawa về lịch sử văn minh, tôi đã chỉ ra rằng, ông đề cập tới tất cả các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả quan hệ gia đình, bằng từ 'công'; và chỉ dùng 'tư' để chỉ chính bản thân con người. Đồng thời, lập luận của ông về quan hệ xã hội bắt đầu từ quan hệ gia đình. Một lần nữa, ông mô tả 'thế giới hòa bình và văn minh' như một gia đình. Như vậy, 'gia đình' là mối quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng trong xã hội theo tư tưởng của Fukuzawa. Đây là đặc trưng của tư tưởng Fukuzawa, và nó khác biệt rất xa so với lý thuyết xã hội của phương Tây.

Trong tư tưởng Fukuzawa về xã hội, gia đình là quả cầu đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự tiến bộ trong các mối quan hệ xã hội trong lịch sử văn minh. Ông nghĩ rằng mối quan hệ giữa nam và nữ là cơ bản và quan trọng nhất bởi vì tất cả các mối quan hệ đạo đức giữa người và người bắt đầu từ đây. Ông giải thích mối quan hệ nam - nữ cũng sẽ thay đổi theo sự phát triển của văn minh, nghĩa là thay đổi theo sự phát triển 'tri thức' và 'hiểu đức' của con người.

Tại thời kỳ 'man rợ', khi mà đàn ông (và đương nhiên cả đàn bà) không có 'tri thức' và 'hiểu đức', nam và nữ luôn quan hệ theo bản năng tự nhiên. Fukuzawa lập luận rằng cảm giác 'tình yêu' tại thời điểm này chỉ là nhu cầu tình dục bản năng như ở động vật. Họ cảm nhận tình yêu bởi vì cơ thể của họ khác biệt. Do đó, mối quan hệ của họ chủ yếu mang tính cơ thể. Ông gọi đó là 'quan hệ liên lạc bằng cơ thể' (physically communicated relation - 'niku-kou').

Khi lịch sử tiến lên, con người tiếp thu 'tri thức' và 'hiểu đức', và trở thành độc lập. Fukuzawa nghĩ rằng đặc điểm quan trọng nhất của sự phát triển này, xét theo mối quan hệ xã hội, là khả năng sử dụng ngôn ngữ dựa vào lý trí. Và như thế, sự phát triển của 'tri thức' là chìa khóa quyết định dẫn tới việc tình hình thay đổi. Đàn ông và đàn bà liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ, không phải bằng các hành vi cơ thể trực tiếp. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ, họ tiến tới hiểu nhau hơn, cảm nhận được tâm hồn của người kia. Do đó, Fukuzawa gọi loại quan hệ này là 'quan hệ liên lạc bằng tâm hồn' (relation communicated by feeling - 'jou-kou’).

Và như thế, họ yêu nhau bằng trái tim. Cảm nhận được tâm hồn của nhau là điều quan trọng, bởi lẽ nó có nghĩa là hai bên hiểu phía trong [nội tâm] của nhau. Như tôi đã đề cập trong phần sự độc lập của con người, Fukuzawa nghĩ rằng mối quan hệ của con người với bên ngoài phải tới từ bên trong, chứ không phải bị ép buộc từ bên ngoài. Do vậy mối quan hệ lý tưởng giữa người và người phải bắt nguồn từ trái tim tới trái tim.

Một khi người ta đã có thể hiểu nhau, thì người đàn ông sẽ bắt đầu nghĩ về người đàn bà như 'linh ư vạn vật' (tinh khôn hơn vạn vật), giống anh ta (và ngược lại). Anh ta hiểu rằng cô ta cũng độc lập giống như mình. Và cách để tỏ 'tình yêu' là 'tôn trọng' cô ta và đối xử nhẹ nhàng và tử tế với cô ta (tương tự, phụ nữ cũng sẽ tôn trọng người yêu của mình). Khi đó, hành vi của họ trở nên đạo đức và họ cuối cùng đã có 'tình yêu và sự tôn trọng' (kei-ai) song phương.

'Tôn trọng' (kei) là tư tưởng rất cơ bản và quan trọng để trở thành người có đức trong triết lý Khổng Giáo. Và như thế chúng ta cũng thấy sự ảnh hưởng của Khổng Giáo tới tư tưởng Fukuzawa ở đây, trong mối quan hệ giữa nam và nữ.

Fukuzawaw cho rằng, ngay cả khi nam và nữ đã hiểu và yêu nhau sâu sắc, họ vẫn là hai thực thể tách biệt. Mối quan hệ của họ không giống như 'nửa kia' (the better half) của phương Tây. Họ không thể hành động giống hệt nhau được. Do đó ông nhấn mạnh sự quan trọng của cái ”jo” giữa người đàn ông và người đàn bà, nghĩa là ”đừng làm cho người khác điều mà bạn không muốn người ta làm với mình”. Điều này giống như những tư tưởng tự do của Phương Tây. Nhưng ông đã nói mình tìm thấy tư tưởng nói trên trong Khổng Giáo, và không cần phải lấy tư tưởng mới từ phương Tây.

Fukuzawa nghĩ rằng người đàn bà cũng là “linh ư vạn vật” chẳng thua kém người đàn ông, miễn là chị ta có ”tri thức” và ”hiểu đức”. Sự khác biệt duy nhất giữa họ là bộ phận sinh dục. Ngoài cái đó, họ hoàn toàn giống nhau, và không có sự khác biệt hay đánh giá khác biệt nào trong hoạt động xã hội của họ. Và như thế, gần 100 năm trước khi chủ nghĩa nam nữ bình quyền nói về ”giống” thay vì ”giới tính” vào những năm 1970, Fukuzawa đã tranh luận về cùng một cách phân chia dựa trên tư tưởng Khổng Giáo ”linh ư vạn vật”. Ông thậm chí còn đề cập tới khả năng có ”tình yêu tự do” trong ”thế giới văn minh hòa bình”. Nếu người đàn ông và người đàn bà phát triển trình độ nhận thức cùng với sự phát triển của nền văn minh, thì quan hệ của họ trong thế giới mới sẽ phụ thuộc thuần túy vào ý chí tự do và trái tim của họ. Họ sẽ thiết lập các mối quan hệ thuần túy dựa trên ”tình yêu”. Họ có quyền tự do gắn bó hay từ bỏ các mối quan hệ. Nhưng sau khi đề cập tới các tư tưởng này, Fukuzawa nhắc nhở bạn đọc rằng bây giờ chưa phải là lúc có thể làm như thế. Mối quan hệ lâu bền một vợ một chồng vẫn là lựa chọn tốt nhất tại thời điểm hiện tại của nền văn minh, ông nói.

Quan hệ bố mẹ và con cái

Chúng ta sẽ nói đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Mối quan hệ này khác với mối quan hệ nam nữ, bởi những đứa trẻ không có đủ nhận thức như bố mẹ để được coi là “linh ư vạn vật”, vì khả năng “trí tuệ” của chúng vẫn còn non nớt, bất chấp trình độ văn minh của xã hội tới đâu. Dù sao, mối quan hệ này vẫn thay đổi khi lịch sử tiến bộ. Tại giai đoạn lịch sử man dã, tình yêu cha mẹ dành cho con giống như tình yêu của thú vật dành cho con non. Nhưng dần dần tình yêu này thay đổi với trình độ văn minh xã hội. Cha mẹ bắt đầu nghĩ về sự hạnh phúc của con cái và cố gắng giúp con mình trở thành một “linh ư vạn vật” (cha mẹ nào đạt được cảnh giới này được coi là “hiểu đức” đối với con cái mình). Đứa trẻ luôn luôn còn non nớt, do đó tồn tại sự “bất cân bằng quyền lực” giữa bố mẹ và con cái. Nhưng khi còn sự mất cân bằng này, thì người có quyền lực phải luôn luôn tâm niệm rằng, quyền lực lớn hơn đó phải được dùng để nâng đỡ người yếu thế hơn, chứ không phải để đàn áp họ.

Tư tưởng này ngược lại với chữ Trung chữ Hiếu của ý thức hệ Khổng Giáo dưới thời Tokugawa, cái cho phép người có quyền lực lớn hơn đè nén kẻ kém thế. Fukuzawa căm ghét tất cả các hình thức đè nén. Đó là lý do tại sao ông đã tấn công ý thức hệ Khổng Giáo thời Tokugawa một cách mạnh mẽ. Ý thức hệ Khổng Giáo yêu cầu phải có “trật tự” trong mọi mối quan hệ xã hội (giữa vua chúa và dân thường, giữa bố mẹ và con cái, giữa chồng và vợ v.v…) và người dưới phải luôn luôn phục vụ người trên. Fukuzawa phản đối mạnh mẽ tư tưởng này và mong muốn người có quyền lực trở nên “hiểu đức” và sử dụng quyền lực mình có để giúp đỡ kẻ yếu. Ông coi kẻ yếu là ‘người già, trẻ sơ sinh, những người yếu đuối và nhỏ bé’. Vai trò quan trọng nhất của cha mẹ là giáo dục con em mình thành “linh ư vạn vật”. Đối với Fukuzawa, vai trò giáo dục của người lớn chính là một nhiệm vụ xã hội của con người. Ông luôn nhấn mạnh vào ảnh hưởng của hành vi của cha mẹ tới con cái, và nhấn mạnh rằng cha mẹ phải hành xử một cách đạo đức để tạo gương sáng cho các con. Đó là mối quan hệ xã hội lý tưởng dựa trên sự phát triển của văn minh. Ông cho rằng mối quan hệ gia đình như thế đã tồn tại vào thời gian đó ở Nhật Bản, trong một số gia đình ở tầng lớp samurai. Ông lấy đó làm ví dụ cho mối quan hệ lý tưởng trong lập luận của mình về các giai đoạn của văn minh.

4. Ý nghĩa của “Văn minh luận chi khái lược”

Mặc dù Fukuzawa viết “Văn minh luận chi khái lược” một cách tương đối lạc quan như đã nói ở trên, ông biết rõ rằng tình hình ở Nhật Bản khi đó không nhiều hy vọng. Khi bắt đầu chương cuối của cuốn sách, ông đã viết “nếu bạn so sánh văn minh phương Tây và Nhật Bản, bạn phải nói là Nhật Bản còn ở sau phương Tây rất xa. Nếu còn khoảng cách như thế, thì tự nhiên là kẻ mạnh sẽ chinh phục và xâm chiếm kẻ yếu. Và vì thế chúng ta phải thường xuyên cảnh giác và giữ gìn nền độc lập của chúng ta.”

Ông phân tích tình hình như sau: Người Nhật Bản đang trong tâm trạng vô lo bởi vì họ đã thành công với việc khôi phục Minh Trị và các cải cách chính trị sau đó đã tiến triển tốt. Nhưng ông cảnh báo, bây giờ không phải lúc nghỉ ngơi sau khi đã thành công thay đổi thể chế chính trị. Nhật Bản còn có một vấn đề khác. Đó là mối quan hệ với ngoại quốc. Họ đang hút máu người Nhật bằng con đường thương mại. Họ cũng đang hành xử cưỡng ép người Nhật, mặc dù họ chấp nhận rằng Nhật Bản có quyền lợi ngang với họ. Hãy nhìn Ấn Độ. Hãy nhìn Trung Quốc. Như thế, điều quan trọng nhất của Nhật Bản trong tình hình hiện tại là duy trì độc lập. Độc lập không chỉ có nghĩa là lãnh thổ của quốc gia tồn tại, mà chính người dân phải bảo vệ quốc gia mình và giữ vững quyền lợi và phẩm giá của mình. Và ông kêu gọi mọi người đứng dậy để giữ gìn độc lập của Nhật Bản.

Mặc dù ông đã tưởng tượng ra một “thế giới đại đồng”, nhưng bây giờ không phải là lúc nó thành hiện thực. Khi tất cả các quốc gia đang đấu tranh để chiếm phần của mình trên thế giới, Nhật Bản cũng phải trở nên dũng mãnh để tranh chấp với họ, hoặc chí ít là bảo vệ bản thân mình. Ông biết rõ rằng chủ nghĩa dân tộc đó hơi hạn hẹp và thiên kiến so với tầm nhìn “thế giới đại đồng”, nhưng đó là điều cần phải làm tại thời điểm đó. Và như thế, trong đoạn cuối của cuốn sách “Văn minh luận khi khái lược”, ông viết “Bây giờ, mục tiêu của chúng ta là giữ gìn độc lập của dân tộc, và sự văn minh mà chúng ta hướng tới chính là biện pháp để giữ gìn độc lập”. Trong chương cuối, ông đã lôi kéo sự chú ý của độc giả nhiều lần vào thực tế rằng ông đang nói đến “tình hình hiện tại”, và bình luận rằng ông sử dụng từ “hiện thời” hoặc “hiện giờ” là để nói riêng về các vấn đề của Nhật Bản lúc đó. Ông đã cảnh cáo độc giả chớ nhầm lẫn giữa tình hình hiện tại và lý thuyết phát triển chung của văn minh.

Như thế, trong cuốn “Văn minh luận chi khái lược”, Fukuzawa viết về lý thuyết chung sự phát triển của văn minh như một con đường lý tưởng để đạt mục đích, và ở chương cuối, ông phân tích tình hình thực tế của Nhật Bản lúc bấy giờ. Ông không phải là người chỉ nghĩ về các lý thuyết thuần túy, hoặc chỉ nghĩ về chính trị thực tế. Ông luôn đánh giá tình hình thực tại và các lý thuyết về một thế giới hoàn hảo. Ông nhấn mạnh mục đích của mình khi viết cuốn sách này trong 2 chương đầu. Ông nhấn mạnh vào sự quan trọng khi quyết định mục đích của tranh luận, và ông nói mục đích của của mình khi viết cuốn sách này là để đuổi kịp văn minh Phương Tây. Do đó ông đề cập tới lý thuyết chung trước, và sau đó quyết định rằng người Nhật cần phải nhắm tới văn minh Phương Tây để đảm bảo độc lập của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Bằng cách duy trì hai cách nghĩ riêng biệt: thực tế và lý thuyết, ông đã chỉ cho người Nhật hai điểm quan trọng. Thứ nhất, tồn tại khoảng cách giữa nền văn minh Nhật Bản và Phương Tây. Thứ hai, Nhật Bản có thể đuổi kịp, bởi vì khoảng cách đó không quá xa nếu xét theo lịch sử lâu dài của nền văn minh. Nếu ông không nghĩ rằng nền văn minh lý tưởng còn nằm rất xa tầm với của các nước phương Tây, người ta sẽ có cảm giác Nhật Bản khó mà đuổi kịp phương Tây. Lịch sử lâu dài của nền văn minh đặt văn minh phương Tây vào một vị trí tương đối, và làm cho người Nhật nghĩ rằng khoảng cách giữa Nhật Bản và phương Tây tương đối nhỏ, nếu xét cả lịch sử văn minh lâu dài. Tranh luận của Fukuzawa đã vừa cảnh báo người Nhật, vừa cổ vũ họ theo đuổi văn minh phương Tây. Nhưng người Nhật cần làm gì để đuổi kịp phương Tây?

Fukuzawa nghĩ rằng sao chép cái vỏ ngoài của văn minh phương Tây là điều tương đối dễ dàng. Nhưng ông hiểu rằng bản chất của văn minh phương Tây là sự độc lập trong tâm hồn của người dân, điều mà ông cho rằng người phương Tây đã có, và khó tạo ra ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn có cách để làm được. Sẽ khó có thể tạo ra từ con số không, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sử dụng cái gì đó đã có ở Nhật, và biến đổi nó? Fukuzawa cho rằng điều này có thể làm được. Trong cuối cuốn “Văn minh luận chi khái lược”, ông viết: “các mối quan hệ đạo đức trong hệ thống phong kiến của Tokugawa có thể được dùng như những “biện pháp thiết thực” để thay đổi con người theo hướng văn minh, miễn là bạn hiểu mục tiêu ‘độc lập dân tộc’ một cách đúng đắn”. Như thế, mục tiêu chính của Fukuzawa là giữ gìn độc lập và ông rất mềm dẻo để đạt mục tiêu này. Như tôi đã đề cập ở trên, ông trông đợi tầng lớp samurai sẽ trở thành những người có suy nghĩ độc lập và gia đình samurai sẽ là hình mẫu gia đình văn minh. Ông coi người thuộc tầng lớp samurai như ứng cử viên cho các vị trí lãnh đạo trong tiến trình văn minh hóa của Nhật Bản, giống như tầng lớp trung lưu ở Anh Quốc.

5. Những nguyên tắc khác nhau trong gia đình và dân tộc

Trong phân tích của mình về lịch sử văn minh, Fukuzawa đã cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa con người và con người được cải thiện từ những mối quan hệ gần gũi nhất. Điều này có nghĩa là văn minh tiến từ quan hệ gia đình ra xã hội, ra dân tộc và ra toàn thế giới. Con người là trung tâm của những vòng tròn đồng tâm các mối quan hệ và quan hệ xã hội của anh ta bắt đầu từ vòng tròn gia đình – vòng tròn gần gũi nhất quanh anh ta. Mặc dù chúng ta đặt những ranh giới giữa các vòng tròn này, nhưng chúng không cố định. Biên giới sẽ bị mờ dần và biến mất khi lịch sử văn minh tiến bước, bởi các mối quan hệ xã hội xung quanh con người sẽ tiến bộ dần từ trong ra ngoài, từ biên giới của gia đình và quốc gia mà chúng ta thiết lập để phân chia chúng. Ông nghĩ rằng văn minh Nhật Bản lúc đó đã tiến bộ tới mức con người đã có những mối quan hệ lý tưởng trong gia đình. Và lúc này là lúc phải tập trung vào sự độc lập của quốc gia.

Fukuzawa nghĩ rằng có nhiều loại quan hệ xã hội dựa trên các nguyên tắc khác nhau trên các vòng tròn khác nhau trong xã hội lúc bấy giờ. Ông giải thích rằng quan hệ gia đình dựa trên mối “liên kết tình cảm” và “đạo đức”. Nhưng trong lúc đó, các mối liên hệ trong xã hội phương Tây lại dựa trên các quy định, hợp đồng, luật lệ và các hiệp ước quốc tế. Tất cả những thứ đó là phương tiện nhằm ngăn cản các hành vi xấu. Không có tí gì là tinh thần đạo đức trong đó. Ông chỉ trích một xã hội như thế nhưng thấy cần phải theo đuổi họ để bắt kịp. Và thế là ông bắt đầu dẫn dắt Nhật Bản đuổi kịp xã hội phương Tây bằng cách hiện đại hóa Nhật Bản. Thường thì gia đình không được tính đến trong “quan hệ xã hội” ở phương Tây, nhưng Fukuzawa đã đưa nó vào và coi mối quan hệ này dựa trên nguyên tắc khác với các quan hệ xã hội phương Tây.

Chúng ta biết từ các nghiên cứu lịch sử rằng mối quan hệ gia đình thực dưới thời Tokugawa không đến nỗi đè nén như người ta tưởng, xét theo lời răn dạy của Khổng Tử. Chúng ta có thể thấy rất nhiều ví dụ về mối quan hệ thân mật và quan tâm trong các gia đình, nếu chúng ta đọc các nhật ký, thư từ và các ghi chép thời đó. Phụ nữ tương đối độc lập và họ có thể đi lại tự do một mình (Tình trạng này khác xa so với Trung Quốc, rất nhiều người Trung Quốc đã phát hiện ra sự khác biệt này và kể lại trong các ghi chép của họ ngay sau khi Minh Trị được khôi phục). Đàn ông và đàn bà có vai trò khác nhau, nhưng họ tôn trọng vai trò của nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Vợ có quyền lực lớn hơn trong việc quản lý gia đình và họ có thể dời nhà chồng khi họ muốn ly dị. Các ông bố để ý tới con cái nhiều hơn so với ngày hôm nay (Tất nhiên, đó là một phần giáo dục để con nối nghiệp cha). Một số ông bố thậm chí còn đem con đến chỗ làm khi mẹ bị ốm. Có lẽ Fukuzawa đã viết tiểu luận của mình trong bối cảnh quan hệ gia đình đó. Ông nghĩ rằng người Nhật có thể giữ nguyên mối quan hệ gia đình thời đó và tập trung vào việc thay đổi trong lĩnh vực xã hội.

6. Các vấn đề của quan hệ nam nữ trong khung cảnh hiện đại hóa

Như chúng ta đã thấy, Fukuzawa nghĩ rằng độc lập của quốc gia là điều tối quan trọng ở Nhật lúc đó. Do vậy ông cống hiến sức lực của mình để hiện đại hóa dân tộc Nhật Bản. Về quan hệ gia đình, ông cho rằng để nguyên trạng cũng được. Đó là cách nhìn của ông khi ông viết “Văn minh luận chi khái lược” vào năm 1875. Nhưng tình hình thực tế đã không diễn ra như ông trông đợi. Năm 1880 chính quyền Minh Trị đã thay đổi chính sách sang hướng bảo thủ và cố gắng đưa tư tưởng Khổng Giáo trở lại vị trí ý thức hệ cơ bản trong các chính sách của họ. Và Fukuzawa đã buộc phải chống lại ý tưởng đó, và viết nhiều bài phản đối mạnh mẽ sự khôi phục của Khổng Giáo. Đấy là một việc khá khó khăn và "nhạy cảm" đối với ông, bởi vì chiến lược của ông để làm Nhật Bản văn minh là sử dụng mọi yếu tố dưới thời Tokugawa làm phương tiện trung gian để đạt tới văn minh. Việc ông làm (hay cổ vũ) rất dễ bị lầm tưởng là ủng hộ tư tưởng Khổng Giáo một cách bảo thủ. Do đó ông phải tấn công tư tưởng Khổng Giáo một cách toàn diện và mạnh mẽ hơn. Khi chúng ta đọc bài viết của ông ở thời điểm này, chúng ta phải cẩn trọng và nhìn nhận chúng trong khung cảnh chính trị lúc đó.

Điều này cũng đúng về các bài viết của Fukuzawa về gia đình và phụ nữ. Ông viết chúng chủ yếu vào những năm 1885 tới 1888, khi người ta đang xét lại các hiệp ước bất bình đẳng giữa Phương Tây và Nhật Bản, và vào năm 1899 - ngay sau khi luật Dân sự của Nhật được ban hành. Những bài viết này được viết chủ yếu để tranh luận về vấn đề ’hiện tại’ của mối quan hệ nam – nữ trong bối cảnh hiện đại hóa, với sự tấn công dữ dội vào tư tưởng Khổng Giáo. Vậy lúc đó người đàn ông Nhật có vấn đề gì vậy?

Đó là lối ứng xử vô đạo đức của đàn ông Nhật. Fukuzawa cho rằng đàn ông Nhật bắt đầu đối xử vô đạo đức với phụ nữ sau khi Minh Trị được khôi phục. Họ giống như “những con ngựa được thả rông không hàm thiếc trên đồng cỏ”. Dưới thời Tokugawa, tình hình có khác. Mặc dù đàn ông được quyền có thê thiếp, họ vẫn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. Nhưng Fukuzawa nói rằng mọi thứ đã thay đổi: “bây giờ đàn ông hành xử vô đạo đức mà không có gì ngăn cản cả. Đàn ông từ chối lắng nghe các ý kiến của cha mẹ về hôn nhân, và thậm chí bỏ rơi những người vợ của mình để cưới người khác”. Đặc biệt là ứng xử của các vị lãnh đạo càng tồi tệ. Họ mua dâm mà không phải chần chừ suy nghĩ. Một số còn cưới cả gái mại dâm. Đó không phải là cách ứng xử của những người văn minh. Ông thậm chí cho rằng đạo đức Khổng giáo được thiết lập bởi chính quyền Tokugawa còn là điều tốt để duy trì cách ứng xử đạo đức của đàn ông Nhật.

Fukuzawa lo lắng về tình hình bởi vì nó có thể ảnh hưởng tới việc xét lại các hiệp ước. Chế độ hôn nhân ở phương Tây là một vợ một chồng. Người phương Tây sẽ nghĩ gì về Nhật Bản nếu họ biết tình hình? Họ sẽ không coi Nhật Bản là một quốc gia văn minh không, điều này có nghĩa là việc đàm phán các hiệp ước kia sẽ không thành công. Fukuzawa mong đợi đàn ông Nhật ứng xử có đạo đức, hoặc chí ít là che dấu những hành vi vô đạo đức của mình. Ông biết rằng ngay cả ở các quốc gia phương Tây, người ta cũng không phải lúc nào cũng ứng xử đạo đức, nhưng họ đã cố gắng để dấu những hành vi xấu của mình. Vì thế ông khuyên người Nhật nên làm giống như những người phương Tây. Nó có thể không phải là một cách hay, nhưng đó là con đường thiết thực để trở thành một thành viên của các quốc gia văn minh.

Fukuzawa nghĩ rằng người phụ nữ Nhật lúc đó đã đủ đạo đức, ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn văn minh phương Tây. Vấn đề là họ thiếu các quyền chính trị và xã hội, cũng như trách nhiệm nếu so với phụ nữ phương Tây. Ông cổ vũ phụ nữ phải được giáo dục một cách bình đẳng như đàn ông ngay từ đầu, và họ phải có quyền sở hữu tài sản riêng. Ông nghĩ rằng phụ nữ có thể mang các trọng trách nếu họ có các quyền nói trên và thực hiện quyền đó. Fukuzawa đề cập tới việc phụ nữ phương Tây nhận nhiều công việc ở mọi lĩnh vực, nhưng còn quá sớm để người phụ nữ Nhật bản có thể bắt chước như thế. Phụ nữ Nhật cần phải được thay đổi từ từ. Trong bài viết của mình, ông mong muốn đưa địa vị xã hội của người phụ nữ Nhật lên ngang tầm của người phụ nữ phương Tây. Ông trông đợi người phụ nữ Nhật đón nhận vai trò quản lý gia đình như trước đây, trong lúc chờ đợi hiện đại hóa.

Năm 1894 Nhật Bản đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến Trung Nhật. Fukuzawa rất vui mừng và có lẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe tin chiến thắng. Đó là chiến thắng của nền văn minh Nhật, bởi Trung Quốc đã từng là một nền văn minh vĩ đại, nhưng sau đó bị thuộc địa hóa quá nửa bởi các quốc gia phương Tây. Fukuzawa viết các tác phẩm lớn cuối cùng của mình về gia đình và phụ nữ vào năm 1899. Nhật Bản đã thành công trong việc xét lại các hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây lúc đó, và đã công bố Luật Dân Sự vào năm trước. Đối với Fukuzawa, việc ban hành Bộ Luật Dân Sự là một “thay đổi to lớn” và “sự cách mạng trong não trạng của người dân”. Tờ báo mà ông làm chủ bút đã in các bài viết về Luật Dân Sự, và giải thích nó với độc giả. Ông có thể nghĩ rằng sự bình đẳng nam nữ đã có chỗ đứng vững chắc trong bộ luật này. Fukuzawa chấp nhận nó như một sự phát triển của văn mình. Đã đến lúc phải dựa trên pháp luật, chứ không phải là đạo đức do các nhà cai trị lập ra, để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người như ở các nước phương Tây. Đó là cách hiểu của ông. Ông vui mừng vì Nhật Bản đã vươn tới trạng thái văn minh giống như các quốc gia phương Tây, trong đó luật pháp là nền tảng, tại thời điểm cuối cuộc đời của ông.

7. Kết luận

Khi chúng ta nhìn lại lịch sử của mình, chúng ta hiểu rằng nhiều thay đổi to lớn đã diễn ra cho xã hội của chúng ta. Sự khôi phục Minh Trị là một trong những biến đổi đó. Nhưng cuộc sống của con người vẫn tiếp diễn, bất chấp những thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội. Không thể nào thay đổi cùng một lúc tất cả các khía cạnh của cuộc sống, từ bỏ tất cả những gì đã cũ kỹ. Fukuzawa hiểu điều này rất rõ, và cho rằng không thể, cũng như không cần thiết, đề làm cách mạng trên mọi phương diện như thế. Ông đã dùng thái độ tương tự khi nghiên cứu các lý thuyết xã hội phương Tây. Ông đã tìm hiểu lý thuyết phương Tây về lịch sử tiến hóa của nền văn minh thông qua cách suy nghĩ Khổng giáo. Ông đã tưởng tượng ra xã hội văn minh lý tưởng, nhưng đồng thời luôn luôn đánh giá thực tế Nhật Bản trong bối cảnh văn minh lý tưởng đó. Ông đã rất cố gắng để tìm cách ứng dụng những điểm thiết yếu của văn minh phương Tây, nhưng vẫn giữ cách sống của người Nhật. Fukuzawa quay đi quay lại giữa hai thế giới này, và như thế ông bàn chuyện rất thực tế lúc nào cần thiết.

Ngay cả khi văn minh phương Tây không phải là một con đường lý tưởng, Fukuzawa vẫn cố gắng đuổi kịp văn minh phương Tây, để duy trì độc lập cho Nhật Bản. Trong suy nghĩ của Fukuzawa, mối quan hệ gia đình của người Nhật cần phải được duy trì. Nhưng bên ngoài vòng tròn gia đình, nghĩa là trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, Nhật Bản phải trở nên tư bản và tự do giống như phương Tây. Người Nhật đã cố gắng bắt chước các hệ thống xã hội đó kể từ sau Minh Trị duy tân mà không phải thay đổi các mối quan hệ với những người thân thuộc. Và như thế chúng ta luôn có cấu trúc xã hội 2 lớp. Lớp ngoài cùng là phương Tây, nhưng lớp trong của xã hội là Nhật Bản. Chúng ta có thể thấy cấu trúc 2 lớp này, được thể hiện dưới nhiều cách pha trộn, trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội Nhật. Có lẽ điều này làm cho nhiều người nước ngoài bối rối khi họ cố gắng tìm hiểu con người và xã hội Nhật. Nhưng đó là cách mà Nhật Bản chấp nhận ảnh hưởng từ phương Tây.

Ý tưởng của Fukuzawa được hình thành bởi sự pha trộn ba nền văn minh: Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây. Chúng chứa đựng nhiều gợi ý mà chúng ta, những người sống trong thế giới văn minh hiện đại kiểu phương Tây bây giờ, đã lãng quên và có thể khám phá lại lần nữa. Nói đến những tư tưởng về gia đình, tôi có thể chỉ ra hai điểm quan trọng: Thứ nhất, chúng ta có mối quan hệ nam – nữ thay thế cho cách sống phương Tây. Fukuzawa đã chỉ cho chúng ta mối quan hệ hợp tác, trong đó người đàn ông và người phụ nữ tôn trọng lẫn nhau như những “linh ư vạn vật”, và đến với nhau vì “tình yêu và tôn trọng”. Mối quan hệ gia đình chính là mối quan hệ xã hội đầu tiên, như Fukuzawa đã nói, do đó mỗi người phải tư duy độc lập và phải tôn trọng lẫn nhau ngay cả trong gia đình. Điều này khác với tư tưởng của phương Tây về “nửa còn lại”, trong đó người đàn ông và đàn bà hợp lại thành một bởi “tình yêu lãng mạn”. Điểm quan trọng thứ hai trong lập luận của Fukuzawa là mối quan hệ với những người yếu hơn. Nếu chúng ta giả định rằng cá nhân nào cũng lý tính và độc lập, thì sẽ khó tưởng tượng ra một xã hội với những người không có lý tính và không độc lập. Ông nghĩ rằng mối quan hệ với những người yếu hơn khác với mối quan hệ giữa những cá nhân độc lập. Đó là gợi ý rất hay cho chúng ta để tái cấu trúc xã hội, để có thể bao gồm cả những người có thiểu năng xét trên khía cạnh nào đó.

Cuối cùng, chúng ta nhìn thấy sự đấu tranh của Fukuzawa như một ví dụ trong việc hái lượm thành quả của các nền văn minh khác và áp dụng vào một nền văn minh sẵn có. Chúng ta đang sống trong một thế giới được gọi là “sự va chạm của những nền văn minh”. Do đó tôi nghĩ rằng việc biết cách chấp nhận và sử dụng thành quả của các nền văn minh khác, cũng như cách Nhật Bản đã làm được điều này, sẽ ngày càng cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

Yukichi Fukuzawa, Văn Minh Luận Chi Khái Lược, tr. David A. Dilworth và G. Cameron Hurst, Tokyo, 1973

Yukichi Fukuzawa, Fukuzawa Yukichi viết về phụ nữ Nhật Bản, Eiichi Kiyooka, Tokyo,1988 Carmen Blacker, The Japanese Enlightenment, C.U.P., 1964

Nguồn: Toshiko Nakamura, Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh - Phần III, Nhóm Tqvn2004 chuyển ngữ, Dân luận, 11/4/2019 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả liên quan