[Rothbard Tinh hoa] Những năm đầu trở thành người theo chủ nghĩa tự do cá nhân của Rothbard (Phần 1)
Murray Rothbard sinh ngày 2 tháng 3 năm 1926, là con trai của David và Rae Rothbard. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã là một học sinh xuất sắc, với thành tích học tập vô cùng nổi bật tại Đại học Columbia, nơi ông theo học chuyên ngành toán học và kinh tế.
Tại Đại học Columbia, triết gia Ernest Nagel đã gây ấn tượng mạnh với Rothbard. Nagel luôn khuyến khích sinh viên tham gia thảo luận: Rothbard nói rằng thầy giáo ông luôn hào hứng khuyến khích sinh viên giải thích các vấn đề khúc mắc mà thầy đưa ra. Nagel nhấn mạnh việc phân tích cẩn thận các lập luận; và trong một lớp học mà Rothbard tham dự về triết học khoa học xã hội, Nagel đã chỉ trích trường phái thể chế vì sự phủ nhận của nó với lý thuyết kinh tế. Nagel cho rằng các nhà kinh tế không nên tự giới hạn mình trong việc xử lý những khối dữ liệu. Một lý thuyết tốt cần phải giải thích được các sự thật (facts) chứ không chỉ tái tạo chúng.
Nếu vậy, lý lẽ phản đối chính của những nhà thể chế học đối với các quy luật kinh tế là sai. Họ tuyên bố rằng không thể tránh khỏi việc các mệnh đề lý thuyết chỉ gần đúng, vì chúng không bao giờ có thể tái tạo các chi tiết của thế giới thực với độ chính xác hoàn hảo.
Những nhà thể chế học quan niệm lý thuyết kinh tế chỉ tương đối đúng với những tình huống lịch sử cụ thể; do đó các quy luật lý thuyết kinh tế phổ quát là không hợp lý. Theo các nhà thể chế học, mỗi lý thuyết gia chỉ thảo luận về những vấn đề cấp bách nhất trong thời đại của họ... Vì vậy, họ kết luận rằng các lý thuyết gia kinh tế chỉ làm công việc chọn lọc. Nhưng bất kỳ nghiên cứu khoa học nào cũng có tính chọn lọc!1
Nagel thừa nhận tiền đề nhưng bác bỏ kết luận. Một giải thích không nhằm mục đích tái tạo thế giới mà chỉ nhằm giải thích thế giới. Ví dụ, nếu nhà kinh tế học nói rằng trong những điều kiện nhất định, nếu giá hàng hóa giảm, lượng cầu sẽ tăng lên, thì không thể phê phán lập luận giải thích của nhà kinh tế bởi nó không liệt kê chi tiết về từng thị trường cụ thể.
Một lý thuyết phải: (1) giải thích được, (2) tạo ra công năng dự đoán… Phê bình một lý thuyết (như cách của các nhà thể chế học) vì các giả định nền tảng không được hỗ trợ bởi số liệu thống kê là cách chỉ trích thiếu căn cứ - vì phải mất hàng thế kỷ để tích lũy bằng chứng.2
Rothbard tiếp thu quan điểm của Nagel về công năng giải thích của lý thuyết và không bao giờ đi chệch khỏi hướng đó; nhưng ông sớm bác bỏ quan điểm của Nagel về công năng dự đoán của lý thuyết.
Với việc chấp nhận lý thuyết, ông có quan điểm khác biệt về nội dung giảng dạy với hầu hết các giảng viên của khoa kinh tế tại Đại học Columbia. Nhiều giáo sư hàng đầu đã chấp nhận tín điều của trường phái thể chế. Arthur Burns và John Maurice Clark, những giáo sư chịu ảnh hưởng lớn từ Wesley Clair Mitchell, nhân vật chủ chốt của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, đã nhìn lý thuyết kinh tế với con mắt hoài nghi.3 Burns là một lý thuyết gia xuất sắc, nhưng ông dùng phần lớn năng lực của mình để phê bình tác phẩm của người khác.4 Burns đã biết Rothbard từ khi Rothard còn nhỏ, và David Rothbard đã yêu cầu Burns “trông chừng” con trai ông. Tuy nhiên, không có mối quan hệ học thuật thân thiết nào phát triển giữa hai người trong thời gian Rothbard ở Đại học Columbia.
May mắn thay, một trong những người thầy của ông, George Stigler, không ác cảm với lý thuyết; và trong các bài giảng của thầy, Rothbard đã rất ấn tượng với những lập luận chỉ trích về việc kiểm soát giá cả và tiền thuê. Stigler, cùng với Milton Friedman, đã viết một cuốn sách nhỏ chỉ trích việc kiểm soát giá cả, được xuất bản bởi Foundation for Economic Education.5 Rothbard đã viết thư cho nhóm này và ngay sau đó đã đến thăm trụ sở của họ. Tại đây, ông đã gặp người sáng lập FEE, Leonard Read, cũng như F.A. (“Baldy”) Harper, một nhà kinh tế và triết học xã hội, người không chỉ ủng hộ thị trường tự do mà còn hoài nghi sự cần thiết của một chính phủ. Đáng kể hơn cả, ông đã gặp Ludwig von Mises. Quan điểm cứng rắn bảo vệ kinh tế học thị trường tự do của Mises đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của Rothbard; và khi kiệt tác Human Action [Hành động con người]6 của Mises, xuất bản vào năm 1949, ông đã đọc ngấu nghiến cuốn sách. Rothbard đã tham gia các seminar của Mises tại Đại học New York, trở thành một trong những thành viên chính. Từ các seminar, Rothbard đã viết một số bài báo mà sau đó chuyển thể một phần vào các xuất bản phẩm của mình: bao gồm báo cáo về phê bình của Harro Bernardelli, nhà kinh tế học tân-Kant, đối với lý thuyết về độ thỏa dụng và một phân tích về lý thuyết số lượng tiền tệ.
Cũng trong thời gian đó, Rothbard đã tốt nghiệp trường Columbia - ông được bầu làm thành viên của Hội Phi Beta Kappa - với chuyên ngành kinh tế và toán học và đã bắt đầu công việc sau đại học về kinh tế.7
Ở chương trình sau đại học, người hướng dẫn của Rothbard là nhà sử học kinh tế lỗi lạc Joseph Dorfman, tác giả của cuốn sách The Economic Mind in American Civilization [Tâm hồn kinh tế trong văn hoá Mỹ ]8, một tác phẩm giàu trí tuệ. Rothbard đã kể lại:
GS. Dorfman hoàn toàn không có đối thủ với tư cách là một học giả thuần túy về lịch sử tư tưởng kinh tế Hoa Kỳ. Ông đã khiến hầu hết các nhà sử học trông giống như các nhà báo... Dorfman là người đầu tiên phủ định lập luận của Arthur Schlesinger Jr. trong cuốn sách The Age of Jackson [Thời đại của Jackson]. Trong đó, Schlesinger đã phác hoạ Tổng thống Jackson như là nguyên mẫu của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người lãnh đạo lực lượng quần chúng đấu tranh với chủ nghĩa tư bản độc quyền. Thực ra, Dorfman đã chứng minh được rằng những người theo lý tưởng của Jackson là những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân: ủng hộ thương mại tự do, tự do kinh tế, quyền của các bang, và tiền bản vị, và ủng hộ thương mại.9
Rothbard cùng chia sẻ niềm đam mê nghiên cứu lịch sử của Dorfman và luận văn tốt nghiệp tiến sỹ của ông có tiêu đềThe Panic of 1819 [Cuộc khủng hoảng năm 1819]10, hiện vẫn là một tác phẩm chất lượng. Rothbard nhận bằng tiến sĩ năm 1956. Ông đã không thể hoàn thành sớm hơn do những bất đồng giữa Dorfman và Burns về cách tiến hành luận văn. Khi hiểu sâu hơn về kinh tế học laissez-faire, ông phải đối mặt với một thế lưỡng nan. Nếu các lập luận xác đáng chỉ ra rằng thị trường có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ tốt hơn Nhà nước, thì tại sao người ta phải coi quốc phòng và công lý là trường hợp ngoại lệ? Tại sao chúng ta lại phải đối mặt với một trường hợp duy nhất trong đó độc quyền cung ứng tốt hơn so với thị trường? Các lập luận ủng hộ thị trường cung cấp hàng hóa và dịch vụ được áp dụng một cách đại trà. Nếu vậy, liệu có nên để thị trường cung cấp dịch vụ an ninh, quốc phòng thay vì một nhà độc quyền có quyền năng cưỡng chế? Rothbard nhận ra rằng ông hoặc sẽ phải từ bỏ quan điểm laissez-faire hoặc phải chấp nhận tư tưởng vô chính phủ cá nhân chủ nghĩa (individualist anarchism). Đến mùa đông năm 1949, ông đã không còn cảm thấy khó khăn về lựa chọn của mình. Đối với vấn đề trên, Rothbard nhận ra rằng, dù có vẻ ngạc nhiên đến mấy, kể cả trong trường hợp này vẫn không thể từ bỏ thị trường tự do.
Khi đưa ra quan điểm đi ngược lại số đông, Rothbard đã bị ảnh hưởng nhiều bởi một số nhà vô chính phủ cá nhân chủ nghĩa ở thế kỷ XIX. Ông gọi No Treason11 của Lysander Spooner là “tác phẩm vĩ đại nhất từng có về triết học chính trị vô chính phủ,” liệt kê nó trong “Những cuốn sách đã hình thành nên tôi”.12 Ông gọi Benjamin Tucker là “nhà triết học chính trị lỗi lạc” cho dù “thiếu hiểu biết về kinh tế học”.13 Nỗ lực của nhà kinh tế học người Bỉ Gustave de Molinari nhằm giải thích cách thức hoạt động của hệ thống bảo vệ tư nhân đã gây ấn tượng với ông:
Nói tóm lại, ông lập luận: [nếu] cạnh tranh tự do [có thể] cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ hiệu quả nhất, và độc quyền luôn có hại trong việc cung ứng tất cả các hàng hóa và dịch vụ khác, tại sao điều này lại không nên áp dụng cho dịch vụ quốc phòng an ninh? Ông khẳng định rằng các doanh nhân đơn lẻ sẽ có thể cung cấp dịch vụ bảo vệ ở các vùng nông thôn, trong khi các công ty lớn có mô hình giống công ty bảo hiểm có thể cung cấp dịch vụ này cho người tiêu dùng thành thị.14
(Xem tiếp Phần 2)
Chú thích:
(1) Ghi chú bài giảng trong lớp học của Ernest Nagel, do Rothbard thực hiện vào mùa hè năm 1948; Rothbard Papers. Murray N. Rothbard Papers được lưu trữ tại Viện Ludwig von Mises ở Auburn, Alabama, bao gồm các bức thư, phản hồi của Rothbard (1940–1995), các bản ghi nhớ và các bài luận chưa xuất bản (1945–1994), và các bản thảo của các tác phẩm đã xuất bản, cũng như Các bài viết về Cánh hữu cũ (the Old Right) và phong trào tự do cá nhân.
(2) Ghi chú từ bài giảng của Nagel; Rothbard Papers.
(3) Nagel đã phê phán Mitchell trong bài giảng của mình; Rothbard papers.
(4) Trong Man, Economy, and State, Rothbard ghi nhận đóng góp của Burns với một phản biện quan trọng đối với lý thuyết cạnh tranh độc quyền, được trình bày trong các bài giảng trên lớp của ông. Năm 2004, như dự định ban đầu của Rothbard, Man, Economy và State được xuất bản cùng với Power and Market. Tất cả các trích dẫn và đánh số trang tài liệu tham khảo ở đây đều lấy từ ấn bản này, Man, Economy, and State with Power and Market, Scholar’s Edition (1962; Auburn, Ala: Ludwig von Mises Institute, 2004), tr. 732
(5) George Stigler and Milton Friedman, Roofs or Ceilings?: The Current Housing Problem (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1946).
(6) Ludwig von Mises, Human Action: A Treatise on Economics, Scholar’s Edition (1949; Auburn, Ala.: Ludwig von Mises Institute, 1998)
(7) Những người phê phán kinh tế học trường phái Áo cho rằng việc trường phái này không hứng thú sử dụng toán học bắt nguồn từ việc những nhà kinh tế học người Áo thiếu khả năng về toán học nên lưu ý rằng Rothbard là một nhà toán học xuất sắc. Ông ấy đặc biệt thích lý thuyết tập hợp.
(8) Joseph Dorfman, The Economic Mind in American Civilization, 5 vols. (New York: Viking Press, 1946).
(9) Thư gửi Ivan Bierly, 14/11/1959; Rothbard Papers.
(10) The Panic of 1819 (New York: Columbia University Press, 1962)
(11) Lysander Spooner, No Treason (Larkspur, Colo.: Pine Tree Press, 1965).
(12) Bản ghi nhớ gửi Tom Fleming, 24/01/1994; Rothbard Papers.
(13) Bài viết chưa xuất bản, “A Reply by Benjamin Tucker II,” undated, c. 1954; Rothbard Papers.
(14) “On Gustave de Molinari,” chưa xuất bản, không rõ ngày; Rothbard Papers.
Nguồn: David Gordon, The Essential Rothbard, Mises Institute, p.9-13