Ngành dệt may, da giày trước cơn sóng lừng Covid
Cuối năm 2019, Covid-19 lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc trước khi lan rộng ra toàn thế giới và gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm dịch bệnh chỉ bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá thuộc một trong các nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh phát triển tại Hàn Quốc và Nhật Bản thì Việt Nam được xếp vào nhóm bị ảnh hưởng rất mạnh. Tại thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện, các quốc gia chỉ thiết lập “bức tường” với Trung Quốc như cấm khách du lịch và hủy các chuyến bay. Tuy nhiên khi dịch bệnh lan rộng ra các nước trên toàn thế giới, các quốc gia đồng loạt triển khai các biện pháp can thiệp đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, không những ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu mà ngay cả hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước cũng đối mặt với thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu.
Châu Á: khu vực thượng và trung nguồn nguyên liệu
Châu Á là khu vực giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu của Việt Nam, chiếm hơn 80%(2019) kim ngạch nhập khẩu. Đây là khu vực đóng vai trò thượng và trung nguồn cung cấp các nguyên liệu cho ngành dệt may và da giày, với kim ngạch nhập khẩu tại 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm gần 70% (2019) tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu mặt hàng này(1). Trong khi nền ngành công nghiệp nội địa còn ở vị trí hạ nguồn nên rất dễ bị tổn thương và phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn nguyên liệu bên ngoài.
Tại thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp mạnh tay khi yêu cầu đóng cửa các nhà máy địa phương trong suốt tháng 1 và kéo dài sang tháng 2/2020. Khác với Trung Quốc, về phía Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia Châu Á chủ yếu sử dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với các công dân từ vùng dịch, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài. Không những vậy, các dịch vụ vận tải cũng bị trì hoãn, đóng hoặc siết chặt quản lý các cửa khẩu khiến việc tiếp cận nguồn nguyên liệu lại càng trở nên khó khăn dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.
Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2020 tổng kim ngạch nhập khẩu vải đã giảm 13% và hết quý 2/2020 tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may và da giày giảm mạnh ở mức 15,9% so với cùng kỳ(2).
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu không chỉ giảm tại các thị trường chính mà cũng suy giảm mạnh tại các thị trường khác ở Châu Á. Đơn cử, riêng trong 4 tháng đầu năm 2020 kim ngạch nhập vải tại Singapore giảm 77,6%, Ấn Độ giảm gần 30%, và Hồng Kông giảm 44% so với cùng kỳ(3). Trước thách thức thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) báo cáo rằng 70-80% các doanh nghiệp sản xuất may mặc bắt đầu giảm ca và luân chuyển công nhân vào tháng 3 và tăng dần vào tháng 4 và tháng 5(4). Do đó, hệ quả dẫn tới sự sụt giảm lao động trong ngành dệt may và da giày. Hết 2 quý /2020, số lượng lao động ngành dệt may giảm 21,22%, sản xuất trang phục giảm 19,66% và giảm 28,39% trong ngành sản xuất da và sản phẩm liên quan(5).
Gặp khó tại thị trường đầu ra Châu Âu và Mỹ
Khác với Châu Á, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho Việt Nam thì Mỹ và Châu Âu là các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may và giày dép với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 58,3% và 64% (2019)(6). Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát tại Châu Âu và Mỹ như một đòn tác động tiêu cực đến thị trường đầu ra của dệt may và giày dép Việt Nam.
Mặc dù các nước tại khu vực Châu Âu và Mỹ sử dụng biện pháp can thiệp nhằm mục đích kiểm soát sự lây lan dịch bệnh do sự di chuyển của các cá nhân chứ không phải tạm dừng hoạt giao thương hay các hoạt động xuất nhập khẩu với các nước khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát nhập cảnh và đi lại đã gây ra sự trì trệ cho ngành vận tải, dẫn tới quá trình lưu thông hàng hóa, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, do sự hạn chế đi lại khiến ngành dịch vụ suy giảm mạnh, nhiều cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, nhu cầu hàng hóa giảm.
Chỉ trong tháng 3/2020 chỉ số tiêu dùng mặt hàng giày dép của Mỹ giảm 30% so với cùng kỳ và lượng giày dép nhập khẩu giảm trên 31%(7). Trong vòng 7 tháng đầu năm 2020, giá trị nhập khẩu hàng may mặc Mỹ giảm 30,7%, sâu hơn mức 11% thời kỳ khủng 2008-2009(8). Về phía các nước EU, trong quý 1/2020 giảm nhập khẩu hàng may mặc cả về giá trị lẫn số lượng, với mức giảm 11,46% giá trị so với cùng kỳ(9).
Trong bối cảnh hai thị trường xuất khẩu chính suy giảm mạnh khiến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam giảm 12,7% (2 quý đầu /2020) so với cùng kỳ(10). Hết quý 2/2020 xuất khẩu hai ngành này sang Mỹ giảm 11,9% và thị trường EU (28 nước) giảm 19,2% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ đã giảm gần 20% trong tháng 4/2020(11).
Bên cạnh đó ngành dệt may và da giày đang phải đối mặt với tình trạng các đối tác đang có xu hướng hoãn, hủy đơn hàng, lùi giao hàng và chậm thanh toán, khiến các doanh nghiệp trong ngành đã khó lại càng khó hơn. Các đối tác lớn trong ngành dệt may và da giày huỷ đơn hàng tháng 3 và tạm hoãn các đơn hàng tháng 4-6, với 20% đơn hàng vào tháng 4 và 50% trong tháng 5 đã bị hủy(12). Thậm chí nguy cơ khó thu hồi vốn khi các đối tác lớn phá sản, ngừng hoạt động như trường hợp của JCPENNEY và RTW Retalwinds. Như với RTW Retalwinds là khách hàng đóng góp 13%(2019) tổng doanh thu của May Sông Hồng, với các đơn hàng từ RTW Retalwinds thông qua thương hiệu New York & Co. Theo báo cáo cập nhật mới nhất vào 31/3/2020 của May Sông Hồng còn 166 tỷ đồng khoản phải thu của New York & Co, chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và 6,7% tổng tài sản của công ty(13).
Có thể nói ngành dệt may và da giày Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực về cả phía nguồn cung nguyên liệu ở Châu Á lẫn thị trường xuất khẩu tiềm năng ở Châu Âu. Vì vậy, kết thúc 2 quý đầu năm 2020 doanh thu ngành dệt may đã giảm 38,43%, ngành sản xuất trang phục giảm 22,06% và giảm 29,23% trong ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan(14).
Trong bối cảnh tác động nghiêm trọng về cả hai phía cung và cầu, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách cần có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt các nhà xuất khẩu chủ lực trong ngành dệt may bằng những biện pháp thiết thực, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, hoãn đóng bảo hiểm... Bên cạnh đó đối diện với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp chính bản thân doanh nghiệp nên tìm cách đa dạng hoá sản phẩm, thị trường hay thay đổi mô hình kinh doanh để biến thách thức thành cơ hội. Với một nguồn cầu dồi dào trên toàn thế giới về các sản phẩm may gia công ngành y tế, cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp có thể chuyển đổi sản xuất để xuất khẩu.
Tài liệu tham khảo:
(1) Hải quan Việt Nam, Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2019
(2) Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 6 và 2 quý/2020
(3) Báo Đầu tư, Nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đều giảm sâu vì Covid-19, 26/5/2020
(4) Vietnam Report, Nắm bắt cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, 11/8/2020
(5) NCIP, Tình hình ngành dệt may, da giày trong 6 tháng đầu năm 2020 và triển vọng 6 tháng cuối năm 2020, 29/7/2020
(6) Hải quan Việt Nam, Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2019
(7) Báo Công thương, Xuất khẩu giày dép sang Mỹ: Khó nhưng vẫn có cơ hội, 9/6/2020
(8) FASH455, FASH455 case study: Should the U.S. rejoin the Trans-Pacific Partnership (TPP)?
(9) Fashingnating World, EU APPAREL IMPORTS DWINDLE FROM JANUARY-MARCH ’20, 19/6/2020
(10) Hải quan Việt Nam, Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 6 và 2 quý/2020, 17/7/2020
(11) Báo Công thương, Xuất khẩu giày dép sang Mỹ: Khó nhưng vẫn có cơ hội, 9/6/2020
(12) Fashingnating World,VIETNAM ORGANIZATIONS COLLABORATE TO RESCUE APPAREL INDUSTRY FROM COVID-19 EFFECTS, 1/7/2020
(13) Báo Đầu tư, "Vận đen" của doanh nghiệp Việt khi đối tác tại Mỹ phá sản, 17/7/2020
(14) NCIP, Tình hình ngành dệt may, da giày trong 6 tháng đầu năm 2020 và triển vọng 6 tháng cuối năm 2020, 29/7/2020