Tại sao nói "Thu nhập cơ bản phổ quát cải thiện hiệu quả của chính sách phúc lợi" là dạng lập luận ngu xuẩn?
Nhà kinh tế học Murray Rothbard đã từng viết, "điều duy nhất khiến hệ thống phúc lợi hiện tại của chúng ta có thể chấp nhận được chính là sự kém hiệu quả của nó...".
Một kế hoạch điên rồ đến mức biết đâu sẽ phát huy hiệu quả - đó chính là bản chất những lời mời chào của chính sách "Thu nhập cơ bản phổ quát" (Universal Basic Income). Lời mời chào này đang tỏ ra thuyết phục, ngay cả với giới bảo thủ. Họ hy vọng phúc lợi nhờ đó sẽ hiệu quả hơn, nhưng đó mới chính là vấn đề lớn nhất.
Bạn nhận được Trumpbux chưa? Đó là 1.200 đô la đảm bảo cho mỗi người dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 đô la - một phần của dự luật cứu trợ COVID trị giá 2 nghìn tỉ đô-la mà Quốc hội thông qua vào tháng trước.
Đặt chân lên ngưỡng cửa
Ngay cả những người thu nhập vượt quá điều kiện nhận trợ cấp cũng tỏ ra hào hứng. Thu nhập cơ bản phổ quát, hay UBI, đã đặt một chân lên ngưỡng cửa. Những nhà kinh tế học và học giả thúc đẩy quan điểm thu nhập cơ bản phổ quát trong suốt hàng thập kỷ cuối cùng cũng có ngày tỏa sáng khi UBI trở nên phổ biến hơn.
Một cuộc thăm dò trên chuyên trang phân tích Rasmussen tháng này (4/2020) cho thấy 40% cử tri ủng hộ UBI do chính phủ liên bang cung cấp. Đó là khoản thanh toán hàng tháng cho khoảng 300 triệu người Mỹ. Trong khi vào tháng 4/2011, một cuộc thăm dò tương tự cho thấy chỉ có 11% người ủng hộ một chương trình như vậy.
Không có gì ngạc nhiên khi một cuộc khảo sát do Đại học Chicago tiến hành gần đây cho thấy 51% người Mỹ từ 18-36 tuổi ủng hộ khoản UBI tầm 1.000 đô-la 1 tháng. Ngoài ra, theo khảo sát đó thì 35% thanh niên Mỹ ủng hộ hệ thống chăm sóc sức khỏe công.
Liệu các cử tri, hay nói thẳng ra là các chính trị gia, có khả năng chọn cách gác lại mong muốn chăm sóc sức khỏe toàn dân để đổi lấy chương trình thu nhập cơ bản phổ cập hay không?
Đáng buồn thay, một số nhân vật theo hướng bảo thủ lẫn hướng tự do cá nhân đang duy trì quan điểm sai lầm rằng UBI sẽ thay thế hệ thống phúc lợi đang mở rộng quá mức, hoặc đóng vai trò thay thế hệ thống phúc lợi đó. Tệ hơn nữa, họ cho rằng UBI sẽ khiến hệ thống hiệu quả hơn.
Chúng ta có muốn hiệu quả không?
Tính hiệu quả chính là ánh sáng dẫn đường của Milton Friedman, nhà kinh tế học theo trường phái Chicago, đồng thời là người tư vấn cho tổng thống Richard Nixon ủng hộ thu nhập đảm bảo hàng năm. Ý tưởng này khá giống với UBI, cung cấp một lượng tiền tối thiểu thông qua hệ thống thuế thu nhập.
Nhà kinh tế học theo trường phái Áo - Murray Rothbard, viết: "đây là ảnh hưởng tai hại nhất của Friedman". "Có lẽ hiệu quả hơn đấy”, Rothbard nói, "nhưng còn tai hại hơn nhiều, bởi điều duy nhất khiến hệ thống phúc lợi hiện tại của chúng ta còn có thể chấp nhận được chính là bởi tính kém hiệu quả của nó - để lấy được phúc lợi thì người ta phải vượt qua mớ hỗn độn khó chịu của bộ máy quan liêu”.
Chính bản chất lớp lang của hệ thống phúc lợi nhà nước đã gián tiếp bảo vệ người nộp thuế bằng việc khuyến khích không sử dụng hệ thống đó. Nói cách khác, hệ thống này khuyến khích làm việc hơn là ngửa tay nhận trợ cấp.
Đây là bản chất vấn đề, là quan điểm và logic bẻ gãy lập luận của những người tự xưng là nhóm bảo thủ ủng hộ UBI. Tôn vinh tính hiệu quả đã khiến ta mất đi sự thận trọng cần thiết.
Nói rõ hơn thì sự cẩn trọng mà các chương trình phúc lợi nhà nước đang áp dụng là phiên bản Bizzaro (nhân vật phản diện trong truyện tranh siêu anh hùng) của cách thức vận hành của các hoạt động từ thiện tư nhân tử tế. Dẫu sao, việc kiểm tra mức thu nhập (means-testing) hay các quy trình thủ tục để nhận phúc lợi phản ánh những gì các tổ chức từ thiện phải làm.
Hãy tưởng tượng một tổ chức từ thiện tư nhân bỏ qua mọi mối quan tâm về thúc đẩy đạo đức và phát triển cộng đồng. Thay vào đó, tổ chức nhân danh "bình đẳng" và "quyền riêng tư” để trao tiền mặt theo kiểu không có hệ thống kiểm tra gì hết. Liệu ai sẽ quyên góp cho kiểu từ thiện như vậy chứ?
Thuế cao hơn
Có một lợi ích lớn khác, đó là cố gắng tối ưu hóa chi tiêu phúc lợi theo cách này.
Chi phí hàng năm để gửi 1.000 đô la mỗi tháng cho mỗi người Mỹ trưởng thành, như cựu ứng cử viên tổng thống Andrew Yang tìm kiếm, ít nhất là 2,6 nghìn tỷ đô la. Đó là hơn một nửa tổng chi tiêu năm 2019 của chính phủ, theo nhận định của nhà kinh tế học David Henderson của Viện Hoover.
Henderson tính toán rằng nếu không tăng thuế lên mức 73% thì sẽ dẫn đến thâm hụt 1 nghìn tỷ đô la. Yang đề xuất mức thuế VAT lên 10% để chi trả, nhưng theo Henderson nhận định thì phải tăng VAT lên mức 20% mới đủ.
Vậy tiền thuế mới đến từ đâu? Đó chính là những khoản đáng lẽ ra có thể tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn hay có chất lượng cao hơn. Thuế cao hơn nghĩa là lượng tiền vốn đầu tư ít hơn, khiến lao động kém năng suất.
Những đợt phân phát phúc lợi mới sẽ dẫn đến việc tạo ra ít hàng hóa dịch vụ hơn, đẩy giá cao hơn, và lại khiến nhiều người kêu gọi UBI hơn.
Người tiêu dùng có thể tiết kiệm UBI, nhưng vì hệ thống này đảm bảo sẽ luôn có trợ cấp nên họ không có động lực tiết kiệm lâu dài. Hơn nữa, cần nhớ nguồn tiền chính của UBI đến từ thuế tiêu dùng.
Tiết kiệm hơn thì lại dẫn đến ít thuế hơn để hỗ trợ dự án không tưởng này. Để đi đến kết luận rằng UBI khả thi, ta không khỏi cảm thấy bối rối.
Antony Sammeroff, tác giả cuốn Universal Basic Income - For and Against [Lập luận ủng hộ và phản đối Thu nhập cơ bản chung] không đồng ý với lập luận của Yang (Yang cho rằng chỉ có UBI mới có thể giải quyết những thách thức của tự động hóa và mất việc hàng loạt).
“[Yang] nói như thể những chuyện chính sách như này xảy ra trong một trạng thái tự nhiên mà không xét đến các động cơ và yếu tố phức tạp khác ngăn cản mọi người làm việc", Sammeroff chia sẻ trong một tập của Tom Woods Show podcast.
Cơn bão hoàn hảo dành cho UBI
Liệu có phải bỏ qua thuế lương, mức lương tối thiểu, các điều luật cấp phép, chương trình chăm sóc sức khỏe bắt buộc và các quy định khác không? Nói theo kiểu nghịch nhĩ hơn thì chúng ta có thể hỏi liệu mọi người có đang quản lý tài chính một cách đúng đắn?
Nếu nhu cầu UBI bức thiết đến vậy do khan hiếm nguồn lực, thì tại sao lại để lãng phí tiền vào một chương trình dành cho cả những người khá giả?
Không ai đặt ra những câu hỏi này khi "cơn bão UBI" dần tiến đến. Sự hoảng loạn do COVID-19, cộng thêm cảm giác bối rối với thực tế mãi không thay đổi và khao khát thuộc về một cộng đồng gắn kết vào thời điểm đầy chia rẽ này - tất cả các yếu tố đó khiến UBI trở nên khó cưỡng.
Trên hết, Trumpbux sẽ có tác dụng tâm lý đối với người dân.
"Họ sẽ gãi cằm và nói, chờ một chút, tại sao chúng ta không áp dụng chính sách này mãi nhỉ", Yang nói với tờ Wall Street Journal.
Những người có tư duy mạch lạc, dù là người theo chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do cá nhân hay một chủ nghĩa nào khác, cần phải chỉ ra sự thật trần trụi này. Thật đáng tiếc là trong trận chiến này, lý trí có thể sẽ thua. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!
Nguồn: Gavin Wax, Universal Basic Income Makes Welfare More Efficient, Which Is Bad, Dummy, Foundation for Economic Education, 27/4/2020