Nghèo đói, Đạo đức và Tự do
Hiểu biết về nghèo đói và những giải pháp phù hợp để giảm đói nghèo đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Bài viết này viện dẫn triết lý đạo đức, kinh tế học, sử học và những môn khoa học khác để xem xét bản chất và nguồn gốc của đói nghèo và thịnh vượng theo cách hiểu của những người theo trường phái tự do cổ điển, đồng thời liệt kê các quan điểm của trường phái này về vai trò tương xứng của tự lực, viện trợ tương hỗ, từ thiện và sự cưỡng bách của Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo. Một bài viết đầy đủ hơn được xuất bản lần đầu trong cuốn sách Poverty and Morality: Religious and Secular Perspectives (Cambridge: Cambridge University Press, 2010), [Nghèo đói và đạo đức: quan niệm tôn giáo và thế tục – ND] do William A.Galston và Peter Hoffenberg chủ biên.
“Chủ nghĩa tự do cổ điển” và “chủ nghĩa tự do cá nhân” đề cập tới truyền thống của tư tưởng đạo đức, chính trị, luật pháp và kinh tế mà trong đó tự do cá nhân được đặt ở vị trí trung tâm của mối quan tâm chính trị. Theo cách nói của John Locke, tự do được hiểu như là niềm vui của mỗi người đối với “Quyền tự do quyết định và định đoạt Con người, Hành động, Tư hữu và toàn bộ Tài sản của anh ta trong sự cho phép của luật pháp nơi sinh sống; và bởi vậy, anh ta không phải lẹ thuộc vào Ý chí độc đoán của bất kì cá nhân nào, mà được tự do theo đuổi ý chí của riêng mình.”
Mặc dù thường có những bất đồng sâu sắc về những nền tảng của tự do và giới hạn phù hợp của quyền lực nhà nước, những người theo phái tự do cổ điển lại thường đồng thuận về tiền đề của tự do; đó là, chính hành động gây trở ngại cho tự do của người khác mới phải được biện minh, chứ không phải tự thân hành động tự do ấy. Việc sử dụng quyền lực cần sự biện minh, chứ không phải việc sử dụng quyền tự do.
Ba khía cạnh cơ bản được thừa nhận chung của tư tưởng tự do cổ điển đó là:
1. Niềm tin, được diễn tả theo nhiều cách khác nhau, cho rằng các cá nhân có quyền và có những việc không ai hay bất cứ nhóm nào có thể làm đối với những cá nhân đó (mà không xâm phạm tới các quyền của họ);
2. Đề cao khả năng xuất hiện tự phát của trật tự xã hội và sự hài hòa, mà không cần tới bất cứ định hướng tư tưởng chủ quan hay áp đặt bất kì kế hoạch nào. Đó là hệ quả tự nhiên khi mọi người tương tác tự do trên nền tảng các quyền con người (quyền sở hữu) – những quyền được định nghĩa, bảo vệ và xây dựng dựa trên những bản giao kết có sự hỗ trợ của luật lệ;
3. Cam kết theo đuổi mô hình chính chế hạn quyền theo hiến định, chính phủ được trao quyền thực thi luật pháp một cách chính đáng, nhưng quyền lực bị giới hạn chặt chẽ.
Do vậy, truyền thống của tư tưởng chủ nghĩa tự do cổ điển chủ yếu rút ra từ ba lĩnh vực: triết học đạo đức, khoa học xã hội và khoa học chính trị (hay khoa học pháp lý), và được bổ trợ bởi một số ngành khác như tâm lý học, sử học và xã hội học. Mỗi yếu tố trên được củng cố bởi hai yếu tố còn lại, tạo nên một học thuyết chặt chẽ về mối quan hệ giữa tự do, nhân quyền, chính phủ và trật tự.
Adam Smith, cha đẻ của chủ nghĩa tự do cổ điển đồng thời là người đóng góp cho cả ba lĩnh vực chính – đó là triết học đạo đức (Lý thuyết về cảm nhận đạo đức), khoa học xã hội (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia) và khoa học chính trị hay khoa học pháp lý (Những bài giảng về luật học). Ông đã liên kết cả 3 trụ cột trên trong một câu nói nổi tiếng:
Để đưa một quốc gia từ man rợ tột đỉnh lên mức thịnh vượng cao nhất thì không cần gì ngoài hòa bình, thuế khóa nhẹ nhàng, và bộ máy hành chính tư pháp bao dung; tất cả những điều kiện còn lại sẽ diễn ra theo tiến trình tự nhiên. Chính quyền trở nên bất thường nếu chính quyền ấy cản trở quá trình tự nhiên này bằng cách lái các sự việc theo hướng khác, hay cố gắng kìm hãm sự tiến bộ của xã hội tại một thời điểm nhất định, và việc chính quyền tự ủng hộ chính mình bị xem là đàn áp và chuyên chế.
Các định nghĩa
Trường phái tự do cổ điển có mối quan tâm lâu dài đến vấn đề nghèo đói, một phần bởi mối liên hệ mật thiết với khoa học kinh tế nói riêng và nghiên cứu về các hình thái tự phát của trật tự xã hội và sự tiến bộ nói chung.
Những người theo phái tự do cổ điển đã nhấn mạnh rằng câu hỏi về “sự thịnh vượng của các quốc gia” về logic cần đặt trước câu hỏi về “sự nghèo đói của các quốc gia”. Nghèo đói chỉ có ý nghĩa khi so sánh với sự thịnh vượng và sự thịnh vượng phải được tạo ra. Nghèo đói là ranh giới tự nhiên để xác định mức độ thịnh vượng; và nghèo đói là điều tất nhiên nếu như của cải không được tạo ra. Nhà kinh tế học phái tự do cổ điển Peter Bauer thuộc Trường kinh tế Luân Đôn đã có phán bác nổi tiếng quan điểm của John Kenneth Galbraith về “nguyên nhân của nghèo đói”: “Nghèo đói không có nguyên nhân, nhưng thịnh vượng thì có”. Như hai nhà sử học Nathan Rosenberg và L. E. Birdzell Jr. đặt vấn đề, “Nếu nhìn nhận suốt lịch sử loài người và đánh giá đời sống kinh tế tổ tiên dựa trên những tiêu chuẩn hiện đại thì đó sẽ là câu chuyện về sự thống khổ tột đỉnh.” Nghèo đói lan rộng là một khái niệm lịch sử; sự bùng nổ của cải trong hai thế kỷ qua là sự khác thường cần được lý giải.
Ngày nay sự thịnh vượng được xem là một hiện tượng duy nhất chỉ có ở thời hiện đại. Hầu hết những gì loài người trải qua trong quá trình tồn tại, tới tận ngày nay, là chết sớm, ốm đau, ngu muội, công việc tay chân nặng nhọc, sự bấp bênh trong việc tiếp cận nguồn thức ăn nhằm duy trì sự sống. Bức tranh quá khứ do các học giả xây dựng nên lại vô cùng lệch lạc, bởi nó cũng chỉ dựa trên những ghi chép của các học giả khác – họ là số ít cá nhân đủ may mắn để hưởng thụ thú vui viết lách tự sự về cuộc đời. Những mô tả ấy không thể đại diện cho cuộc đời của đại đa số loài người. Khoảng cách giữa điều kiện vật chất cho sinh tồn của con người trong quá khứ và hiện tại là rất lớn. Như nhà lịch sử kinh tế tự do cổ điển Deirdre McCloskey đã nói,
Trung tâm của vấn đề này chính là con số mười hai. Thu nhập thực tế trên đầu người hiện nay, như ở Anh và các nước đã trải qua công cuộc phát triển kinh tế hiện đại, cao gấp 12 lần so với thu nhập trên đầu người vào năm 1780.
…Nếu tính toán một cách chặt chẽ, trung bình một người có nhiều gấp 12 lần số bánh mỳ, sách, phương tiện đi lại và phương tiện giải trí so với một người cách đây hai thế kỷ. Trong quá khứ trước đây, không một quốc gia nào đạt được mức phát triển kinh tế như hiện nay - không phải Trung Quốc hay Ai Cập trong thời kỳ hoàng kim, cũng không phải Hi Lạp vinh quang hay đế chế La Mã hùng mạnh.
Vài trăm năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ về năng lực sản xuất, như có thể thấy qua những thay đổi phi thường trong thu nhập bình quân đầu người từ năm 1500 đến 1998 (Bảng 1). Càng đáng chú ý hơn khi theo dõi số liệu được thể hiện từ năm đầu tiên đến hiện tại (Biểu đồ 1).
Sự gia tăng thu nhập đột ngột và bền vững từ giai đoạn cất cánh giữa thế kỷ XVIII (đối với Tây Âu và Bắc Mỹ; sau một thế kỷ hoặc muộn hơn đối với các khu vực khác) là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người. Sự dịch chuyển một cách đột ngột từ đường gần như nằm ngang sang đường gần như thẳng đứng của đồ thị cần được lý giải.
Những điều kiện ở hầu hết các thế hệ trước, khi được đánh giá bởi những tiêu chuẩn của hiện tại thì không khác gì hơn là thảm họa. Việc tập trung vào nghiên cứu lịch sử tự do cổ điển, kinh tế và luật pháp nhằm giải thích được nguyên nhân của sự thay đổi to lớn đó, và sự đồng thuận chung lý giải cho sự thay đổi đó chính là sự phát triển các thể chế tạo điều kiện cho sản xuất của cải.
Những người theo phái tự do cổ điển khẳng định rằng lý giải cho nhân tố tạo nên xu hướng tăng đột ngột trong sản xuất của cải ở biểu đồ 1 không chỉ đơn thuần là do tính đột ngột của sự thay đổi mà còn vì lý do về sự rõ ràng của khái niệm. Đói nghèo là kết quả tất yếu nếu việc sản xuất của cải không diễn ra, nhưng của cải lại không phải là kết quả nếu việc tạo ra nghèo đói không diễn ra.
Sự bùng nổ của cải đột ngột được biểu thị trên biểu đồ 1 là lý do cho rằng câu chuyện chi phối trong truyền thống của trường phái tự do cổ điển là sự thịnh vượng được định nghĩa đối lập với nghèo đói lan rộng, chứ không phải sự sung túc tương đối.
Chủ nghĩa tự do cổ điển tìm kiếm lý giải cho sự hiện hữu của của cải hơn là giải quyết vấn đề cơ bản của sự thiếu vắng của cải. Cách giải thích cho sự thiếu của cải bằng quan điểm “vòng luẩn quẩn của nghèo đói” bị chỉ trích bởi nhà kinh tế phát triển P. T. Bauer:
Có tiền của là kết quả của thành tựu kinh tế, chứ không là điều kiện tiền đề. Điều này có thể thấy rõ từ sự tồn tại của các nước phát triển, những nước này đều bắt nguồn từ trạng thái chưa phát triển và phát triển không dựa vào sự tài trợ từ bên ngoài. Thế giới không được tạo ra thành hai phần, một phần với cấu trúc hạ tầng có sẵn và của cải, và một phần không có những nguồn lực như vậy. Hơn thế, nhiều nước nghèo tiến bộ nhanh chóng trong vài trăm năm trước khi có sự xuất hiện của các nền kinh tế phát triển hiện đại và các tranh cãi về vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Thực vậy, nếu khái niệm vòng luẩn quẩn nghèo đói là đúng, con người có lẽ vẫn sống ở thời kỳ đồ đá cũ.
Tuy nhiên, gần như toàn bộ loài người đã thoát khỏi thời kỳ đồ đá. Ở những quốc gia có sự gia tăng thu nhập đầu người, tác động đến người nghèo là đặc biệt đáng chú ý, vị thế và thậm chí cách định nghĩa người nghèo cũng đã thay đổi đáng kể. Như Carlo Cipolla nhận xét về tác động của “Cách mạng công nghiệp”, đó là không thể phủ nhận một trong những đặc điểm chính của Châu Âu thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là thời của xã hội nông nghiệp truyền thống, là sự tương phản rõ rệt giữa một bên là số đông nghèo khổ và một bên là thiểu số giàu có và bề thế. “Người nghèo” ám chỉ những người ở bên bờ vực của chết đói:
Phần lớn người nghèo sống ở mức tối thiểu. Họ không có tiết kiệm, không có an sinh xã hội để giúp họ trong những trường hợp hiểm nghèo. Nếu họ không có việc làm, họ chỉ có hy vọng tồn tại nhờ từ thiện. Chúng ta tìm kiếm vô vọng trong ngôn ngữ của thời đại về khái niệm thất nghiệp. Người thất nghiệp bị nhầm lẫn với người nghèo, và người nghèo bị đánh đồng với người ăn xin và sự nhầm lẫn giữa các khái niệm phản ánh thực tế khắc nghiệt của các thời kỳ. Trong năm mùa màng thất bát hay kinh tế đình trệ, số lượng người cùng quẫn gia tăng rõ rệt… Những người ở thời kỳ tiền công nghiệp đã quen với sự dao động mạnh về số lượng người ăn xin. Đặc biệt, tại các thành phố, số lượng người nghèo tăng vọt trong những năm đói kém, bởi vì những người nông dân nghèo đói di chuyển từ các miền quê tiêu điều và tụ tập ở những trung tâm thành phố, bởi ở đây người nghèo được nhận từ thiện dễ dàng hơn nhiều và hy vọng người giàu có thức ăn dự trữ. Tiến sỹ Tadino cho biết trong nạn đói năm 1629 ở Milan, chỉ trong vài tháng số người ăn xin đã tăng từ 3.554 lên 9.715. Gascon cũng thấy rằng ở Lyon (Pháp) “trong những năm bình thường, người nghèo chiếm 6%-8% của dân số, trong những năm có nạn đói con số này tăng đến 15%-20%”.
Nét đặc trưng của người nghèo là họ không có thu nhập độc lập. Người nghèo chỉ có thể xoay sở sống sót là nhờ nguồn trợ cấp tự nguyện từ lòng từ thiện.
Sự tăng trưởng to lớn của công nghiệp làm cho người nghèo phần lớn mang hình thức của những công nhân ở thành thị, dưới góc nhìn của những người dân thành thị có học đây là một hình ảnh chưa từng có. Họ không còn là đám nông dân chết đói trông chờ vào sự bố thí. Vị trí của họ đã có sự khác biệt rõ. Dân số đã tăng lên nhờ công nghiệp hóa, không phải vì tăng tỷ lệ sinh nhưng nhờ giảm số người chết, đặc biệt là tỷ lệ chết non. F. A. Hayek viết:
“Nếu chúng ta hỏi rằng mọi người mắc nợ những người được gọi là nhà tư bản điều gì, thì câu trả lời chính là: mạng sống của chính họ. Việc nhà xã hội chủ nghĩa cho rằng sự tồn tại của giai cấp vô sản bị gây ra bởi sự bóc lột của nhóm người vốn từng có khả năng nuôi sống chính họ hoàn toàn là điều hư cấu. Hầu hết các cá nhân mà giờ đây gia nhập giai cấp vô sản đã không thể sống sót trước khi những người khác cung cấp cho họ phương kế sinh nhai”.
Những người theo phái tự do cổ điển đã kiên trì phá bỏ hình ảnh sai lầm về quá khứ – vốn phổ biến đối với những người xã hội chủ nghĩa và những người bảo thủ: hình ảnh về những người nông dân sống vui vẻ, hạnh phúc trong những vườn nho xanh, cuộc sống yên bình và không áp lực và mỗi gia đình nông dân có căn nhà xinh xắn. Sự khao khát chung về “quá khứ vàng son” là khao khát vẫn còn đọng lại với chúng ta (“Ah, vào những năm 1950, khi mọi người…”), được mô tả và bỏ qua bởi nhà sử học phái tự do cổ điển vào giữa thế kỷ XIX.
Bây giờ có một cái mốt là đặt Thời đại vàng son của nước Anh vào các thời điểm khi mà giới quý tộc thiếu thốn những tiện nghi, những nhu cầu mà một một người hầu hiện đại cũng không thể cảm thông, khi mà những người nông dân và chủ cửa hàng ăn sáng chỉ với bánh mì và cảnh này sẽ gây ra cuộc nổi loạn trong trại tế bần hiện đại, khi mà việc có áo sạch mỗi tuần một lần là đặc quyền của tầng lớp quý tộc.
Cách sống của thế hệ Macaulay ngày nay được xem như không thể chịu đựng nổi kể cả với những người nghèo nhất trong chúng ta, như Macaulay đã sớm nhận ra:
Đến lượt, chúng ta sẽ bị bỏ lại, và đến lượt, chúng ta sẽ bị ganh tỵ. Rất có thể ở thế kỷ XX, khi mà vô số tiện nghi và sự xa hoa chúng ta hiện tại không thể biết tới, hoặc biết rất hạn chế, có thể nằm trong tầm tay của những người lao động siêng năng và tiết kiệm. Và đó có thể là cách thức để khẳng định rằng sự gia tăng của cải và phát triển của khoa học đã làm lợi cho thiểu số với đánh đổi bằng thiệt hại cho đa số.
Như cách hiểu của Macaulay, không có ranh giới phân biệt tự nhiên giữa nghèo đói và sự giàu có. Người nghèo ngày nay hưởng những tiện nghi mà có khi người giàu trong quá khứ cũng không được hưởng, thậm chí cho đến tận gần đây. (Nếu bất kỳ ai nghi ngờ điều này, có thể so sánh (dịch vụ) nha khoa cho những người cực kỳ giàu có cách đây 50 năm với những người nghèo ở các nước phát triển ngày nay; liệu ai có thể nghi ngờ được, việc người giàu có trong quá khứ được trải nghiệm sự gây tê hay những kỹ thuật nha khoa hiện đại được cung cấp cho cả những người nghèo nhất của những nước công nghiệp ngày nay?)
Cách tiếp cận so sánh không thiếu trong truyền thống của trường phái tự do cổ điển. The Abbé de Condillac, tác phẩm có ảnh hưởng được xuất bản trong cùng năm với Tài sản của các quốc gia của Adam Smith, phân biệt giữa sự thiếu của cải đơn thuần và sự nghèo đói, “chỉ có sự nghèo đói tại nơi mà những nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng, và không phải nghèo đói nếu thiếu loại của cải mà không thiết yếu cho nhu cầu hoặc thậm chí không được biết đến”. Sự tiến bộ của nghệ thuật và khoa học và sự tạo ra của cải ngày càng nhiều hơn làm nảy sinh những nhu cầu mới, và để thỏa mãn những nhu cầu này đòi hỏi những hình thức tiêu dùng mới.
Adam Smith đã bổ sung thêm một yếu tố nữa. Nghèo đói không chỉ bao gồm nhận thức về nhu cầu không được thỏa mãn mà còn trong so sánh tình trạng của một người với những người khác theo cách gây nên sự hổ thẹn. Hổ thẹn là một đặc điểm xác định rằng cái gì là “thiết yếu”, là một thứ mà không có nó một người sẽ bị coi là nghèo:
Theo tôi hiểu, những thứ thiết yếu, không chỉ những hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ cuộc sống mà còn là bất cứ thứ gì mà nếu thiếu nó thì một người sẽ bị coi là không “đứng đắn” theo phong tục của nước họ, dù người này thuộc thứ bậc thấp nhất. Ví dụ: áo sơ mi, nói theo cách máy móc, không phải thứ thiết yếu của cuộc sống. Tôi giả định, người Hi Lạp và người La Mã vẫn sống rất thoải mái, mặc dầu họ không có áo sơ mi. Nhưng hiện nay, đa số ở Châu Âu, người lao động bình thường sẽ xấu hổ nếu đi đến nơi công cộng mà không có áo sơ mi, sự thiếu thốn này được cho là biểu thị cho mức độ đáng xấu hổ của nghèo đói, điều mà mặc nhiên không ai phải chịu trừ khi rơi vào cảnh cùng quẫn. Do đó tôi cho rằng, những thứ thiết yếu không chỉ bao gồm những thứ tự nhiên, mà còn bao gồm cả những thứ do các quy tắc được thiết lập về sự tươm tất (decency) khiến chúng trở nên cần thiết cho những nhu cầu thấp nhất của con người... Tất cả những thức khác, tôi gọi là những xa xỉ phẩm;… Theo lẽ tự nhiên, chúng không phải những thứ cần thiết cho nhu cầu cuộc sống, và không có phong tục nơi nào lại coi việc sống thiếu chúng là một điều khiếm nhã.
Dưới những khái niệm cả tương đối lẫn tuyệt đối, của cải và nghèo đói là các tiêu chuẩn liên tục biến động. Lượng tài sản tích lũy trong một năm có thể là điều kiện đủ để coi một người là giàu có, nhưng trong năm tiếp theo chính lượng tài sản đó lại khiến người đó bị coi là người nghèo, và người giàu có trong xã hội này có thể là nghèo ở xã hội khác.
Nhất quán với sự tập trung của trường phái vào sự giàu có như là một hiện tượng cần được giải thích, vì thế, những người theo phái tự do cổ điển đã chuyên tâm vào những phân tích việc tại sao một vài hoàn cảnh (fare) lại tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn những hoàn cảnh khác.
Tác phẩm nổi tiếng của Smith là Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia. Hầu hết các tác gia trước đó đánh đồng sự giàu có của quốc gia (bản chất của nó) với sự giàu có của tầng lớp thống trị. Ngược lại, Smith bắt đầu tác phẩm của ông bằng cách định nghĩa nguồn gốc của cải của quốc gia, không phải với sức mạnh quân đội hay vàng bạc của ngân khố nhà vua, mà với lượng sản xuất hàng năm do sức lao động quốc gia cộng gộp chia cho số người tiêu dùng, một khái niệm vẫn tiếp tục tồn tại trong thuật ngữ hiện đại về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người.
Sự giàu có của quốc gia sau đó được đo lường, không phải bởi sức mạnh của nhà cầm quyền hoặc vàng trong ngân khố nhà nước, mà là bởi khả năng tiếp cận đến của cải của bất kì thành viên được chọn lựa ngẫu nhiên:
“Nhà nước thực sự giàu có nếu việc đạt được sự giàu có là dễ dàng, hay nếu một ít sức lao động, được thuê một cách hợp lý và đúng đắn, có thể đem lại cho bất kỳ người nào sự dư dật những thứ cần thiết hoặc thuận tiện cho cuộc sống.”
Nguyên nhân cơ bản hoặc yếu tố xác định sự giàu có là các thể chế tạo ra động lực cho sự sản xuất của cải. Nghèo đói, do đó, như là một thuật ngữ được đo lường dựa trên nền tảng của sự giàu có, thể hiện sự thất bại trong việc tạo ra những thể chế hoặc các tập quán làm mất động lực cho sản xuất của cải, và/hoặc động lực cho sự chuyển dịch trục lợi làm nghèo đi một số người để đem lại lợi ích cho người khác.
Nếu các cơ hội, được hiểu như là quyền tự do tham gia các hoạt động tự nguyện tạo ra của cải, được phân chia không bình đẳng, nó có khả năng sẽ đưa đến sự phân phối của cải không bình đẳng, không bởi vì lượng của cải “xã hội tạo ra” được chia không công bằng, mà bởi vì những cơ hội cho sản xuất của cải cho một số người đã bị ngăn cản, hệ quả là những người này có thể sản xuất ít hơn. Chủ nghĩa tự do cổ điển đã nhấn mạnh rằng mỗi hành động sản xuất tự bản thân nó là hành động phân phối. Nếu tự do sản xuất là không công bằng, việc nắm giữ của cải cũng trở nên không công bằng. Ví dụ, người được nhà nước cấp cho quyền sản xuất độc quyền có thể đưa ra các mức giá cao hơn trong điều kiện thiếu sự cạnh tranh và kết quả là gặt hái đặc lợi độc quyền; đó là quá trình (giờ đây được biết đến như là sự tìm kiếm đặc lợi) vừa chuyển của cải từ nhóm này sang nhóm khác vừa thu nhỏ toàn thể của cải được sản xuất, trong khi đó nguồn lực bị phân bổ lệnh hướng đến tìm kiếm đặc lợi và xa rời sản xuất giá trị, do đó khiến tổng thể xã hội kém giàu có hơn so với trường hợp không có hành vi tìm kiếm đặc lợi.
Nếu một vài người có quyền lực buộc người khác sản xuất không cho lợi ích của chính họ mà cho lợi ích của kẻ mạnh, họ sẽ chuyển của cải từ bên bị cưỡng chế sang bên cưỡng chế, đôi khi việc này tạo ra khoản mất mát ròng rất lớn trong năng suất. Sự chiếm hữu nô lệ, nông nô, chế độ cưỡng bách tòng quân và các hình thức lao động bắt buộc là các hành động thuyên chuyển của cải từ người này sang người khác. Trộm cắp và các hình thức khác của việc thuyên chuyển không tự nguyện chiếm đoạt từ người sản xuất, thông thường mang lại lợi ích cho bên chiếm đoạt. Việc khoanh vùng giúp một số người khỏi cạnh tranh với những người khác tạo ra đặc lợi cho thế lực độc quyền trên tổn thất của khách hàng và đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Trong xã hội nơi có một số người bị luật pháp cấm không sở hữu đất đai, tham gia những cuộc mua bán nhất định, hoặc mua hàng hóa ở giá tự do thỏa thuận, thì có thể dễ thấy sự khác biệt về thu nhập trên đầu người giữa nhóm người bị ràng buộc bởi luật pháp và nhóm không bị. Có rất nhiều ví dụ cho vấn đề này trong lịch sử.
Tính dễ tổn thương của đói nghèo
Những người theo phái tự do cổ điển nhìn nhận khả năng dễ tổn thương của đói nghèo phụ thuộc căn bản vào những thiết lập thể chế. Khi có những tưởng thưởng đối với bạo lực hay sự kiếm chác từ quyền lực và lực lượng chính trị, tham vọng bạo động và chính trị sẽ mang tới lợi ích do giành giật của cải từ những người cần cù tạo ra, đẩy họ lâm vào cảnh đói nghèo, cản trở động cơ mở rộng sản xuất của cải, dẫn đến nghèo đói tương đối cho số đông. Lịch sử văn minh nhân loại là lịch sử của các giới hạn về sức mạnh và bạo lực, đạt được bởi nhiều cách thức khác nhau.
Ở những nơi trật tự luật pháp được đặc trưng bởi những quyền sở hữu tài sản được xác định rõ ràng, đảm bảo bằng luật pháp và có thể chuyển nhượng, với những giới hạn chặt chẽ về hành vi trấn lột, thì nghèo đói có xu hướng chuyển biến từ ranh giới giữa sự tồn tại và sự thiếu ăn, trở thành vấn đề của sung túc tương đối, trong hoàn cảnh đó hầu như sự kém sung túc hơn của người nghèo là vấn đề của thiếu năng lực hay không mong muốn tạo ra của cải, hoặc biết tiết kiệm, thay vì phung phí, những gì mình kiếm được. Do vậy, “nhân cách” (cũng được biết như là việc có đức hạnh) là một nhân tố, vì khó có khả năng những người cần cù và tiết kiệm ở những nơi có trật tự luật pháp như vậy rơi vào cảnh nghèo đói, dù theo định nghĩa tuyệt đối hay tương đối.
Ở những xã hội thịnh vượng và khá tự do, chỉ số dự đoán tốt nhất về sự nghèo đói tương đối là mức độ mà một người trở thành người nhận sự hỗ trợ của nhà nước, vốn bị xem là thúc đẩy những kẻ lười biếng và thiếu trách nhiệm. Ví dụ kinh điển là hoạt động của “Luật tế bần” ở nước Anh tương đối thịnh vượng, đặc biệt là “hệ thống Speenhamland cứu trợ cho người nghèo ngoài trại tế bần”, với vai trò trợ cấp cho người lao động nghèo. Như Alexis de Tocqueville lập luận trong Memoir on Pauperism [Ký sự về sự bần cùng – ND], được viết sau chuyến đi đến Anh, rằng sự hiện diện của “từ thiện pháp lý” (legal charity) ở những nước giàu có như Anh quốc, trước khi có sự cải tổ của “Luật tế bần”, bản thân nó đã là nguyên nhân của sự nghèo đói, bởi theo ông nó đã tạo ra một tầng lớp nghèo đói cố định. Cuộc điều tra của ông nhằm giải quyết một nghịch lý hiển nhiên rằng
“Những quốc gia tỏ ra nghèo đói nhất lại là những quốc gia có ít người nghèo nhất, và trong lòng dân tộc được ngưỡng mộ nhất vì sự giàu có của họ, một phần dân số buộc phải dựa vào sự ban phát của người khác để mà sống”.
Như Tocqueville kết luận từ nghiên cứu của ông,
“Bất cứ biện pháp nào thiết lập từ thiện pháp lý trên cơ sở lâu dài và khoác lên từ thiện pháp lý hình thức hành chính sẽ theo đó tạo ra một tầng lớp lười biếng sống trên phí tổn của tầng lớp lao động và công nghiệp”.
Ngoài việc tạo ra động cơ cho một số người trở nên phụ thuộc vào những người khác, “Luật tế bần” tạo nên động cơ cho những người cần mẫn cố gắng để kiểm soát dòng người nhận trợ cấp “ngoài trại tế bần”, rằng những người mới tới trở thành gánh nặng cho những người đóng thuế. Theo Tocqueville,
Từ thiện pháp lý tác động đến quyền tự do của người nghèo như tác động đến đạo đức của anh ta. Điều này dễ dàng được chứng minh. Khi chính quyền địa phương bị buộc phải trợ cấp cho người nghèo, họ tất yếu chỉ trợ cấp cho người nghèo trong phạm vi thuộc thẩm quyền của họ. Đó là cách duy nhất làm công bằng hóa gánh nặng cộng đồng xuất phát từ luật pháp, và cách duy nhất cân đối gánh nặng cộng đồng tương ứng với khả năng kinh tế của người phải chịu đựng gánh nặng đó. Bởi vì từ thiện cá nhân không được biết đến trong quốc gia có từ thiện công có tổ chức, nên bất cứ ai do sự kém may mắn hoặc tật nguyền của bản thân không thể tạo thu nhập sống sẽ bị buộc phải ở lại nguyên quán, và chịu đau đớn cho tới chết. Nếu rời đi, anh ra sẽ đi vào lãnh thổ kẻ địch. Lợi ích cá nhân trong khu vực xứ đạo, chắc chắn có tác động và mạnh mẽ hơn lực lượng cảnh sát quốc gia được tổ chức tốt nhất, sẽ chú ý đến sự có mặt của anh ta, theo dõi mọi bước đi, và nếu anh ta ở lại, sẽ thông báo cho chính quyền địa phương để có người đưa anh về biên giới. Thông qua Luật tế bần, người Anh đã ngăn cản một phần sáu dân số của họ di chuyển. Họ ràng buộc dân số với đất đai như là giai cấp nông dân thời trung cổ. Do đó, con người bị buộc phải chống lại ý nguyên của mình và ở lại mảnh đất nơi mình sinh ra. Từ thiện pháp lý ngăn chặn mọi mong muốn được chuyển đi của anh ta.
Một hình thức kiểm soát lưu chuyển tương tự được thiết lập bởi chủ nghĩa nhà nước phúc lợi lý giải sâu sắc các chính sách phi tự do về hạn chế quyền tự do di chuyển qua biên giới quốc tế, vì người nhập cư thường bị người dân của các nhà nước phúc lợi xem như kẻ ăn bám, những kẻ đe dọa hủy hoại của cải của những người bản địa, thay vì là những nhà sản xuất của cải tiềm năng và đến vì lợi ích chung.
Thể chế hóa các phương tiện chính trị và kinh tế để đạt được sự thịnh vượng
Nhân tố sản xuất chủ đạo, thực ra là quan trọng nhất, là khung thể chế tạo thuận lợi cho sự hợp tác tự nguyện vì lợi ích đôi bên. Sản xuất của cải là kết quả của những thay đổi thể chế vốn tạo ra động lực thúc đẩy năng suất và lợi ích tương hỗ đạt được từ thương mại. Như Benjamin Friedman đã ghi lại,
“Khái niệm mới và táo bạo này chứa đựng nội dung đạo đức mạnh mẽ. Với những người lần đầu tiên nhìn thấy khả năng đạt được sự giàu có theo cách không cần đến hình thức bóc lột mà ai cũng biết. Ở mức độ cá nhân, ý tưởng của trao đổi tự nguyện là trong mỗi giao dịch cả hai bên đều kỳ vọng đi đến kết quả”.
Nhưng ý tưởng này được áp dụng theo cách còn ấn tượng hơn ở mức độ toàn xã hội. Hành trình đi đến sự giàu có của quốc gia là thương mại, không phải sự xâm chiếm. Theo cách nhìn này, chủ nghĩa tự do cổ điển phân biệt hai phương thức đạt được của cải: “phương tiện kinh tế” của sản xuất và trao đổi và “phương tiện chính trị” của lực lượng quân sự. Herbert Spencer phân biệt hai dạng lý tưởng của xã hội, “quân đội” và “công nghiệp”: dạng đầu tiên được đặc trưng bởi mệnh lệnh và hệ thống cấp bậc, và dạng sau bởi sự hợp tác và giao kèo.
Vì những đặc quyền đặc biệt theo luật định sẽ tạo ra khác biệt trong của cải và thu nhập, các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển tranh đấu để xác định và loại bỏ những đặc quyền tổn hại đến lợi ích của những người khác. Do vậy, chủ nghĩa tự do cổ điển đã tích cực vận động chống lại những phường hội đặc quyền, hạn chế sự tham gia thương mại; những rào cản về chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, và giới tính đối với sự sở hữu tài sản hoặc gia nhập thương mại, những rào cản của thế lực bảo hộ công nghiệp (bảo hộ mậu dịch) trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu rẻ, làm tăng giá cho người tiêu dùng để làm lợi cho thiểu số những nhà sản xuất trong nước; và hàng loạt những rào cản cho nỗ lực nhằm cải thiện tình hình của họ. Bình đẳng pháp lý, tự do thương mại và cơ hội nghề nghiệp rộng mở để phát huy tài năng là khẩu hiệu của những các lý thuyết gia chủ nghĩa tự do cổ điển cho tiến bộ xã hội.
Các nhà Chủ nghĩa tự do cổ điển lấy làm tự hào về kết quả từ những nỗ lực của họ. Là nhà báo phái tự do cổ điển, E.L.Godkin ghi lại trên những trang của tờ Nation năm 1900:
“Với những nguyên tắc và châm ngôn của chủ nghĩa tự do, những tiến bộ phi thường về vật chất của thời đại đã chín muồi. Được tự do khỏi sự can thiệp phiền phức của chính phủ, con người cống hiến bản thân cho những trọng trách tự nhiên, cho việc cải thiện hoàn cảnh của họ, với những kết quả tuyệt vời quanh ta.”
Giàu có và sự bất bình đẳng
Cũng như việc không xem đói nghèo như là “nguyên nhân” của đói nghèo (theo “vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói”, quan điểm đã bị chỉ trích bởi P. T. Bauer), các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển không xem sự tồn tại của giàu có như là nguyên nhân của nghèo đói, như một vài nhà chủ nghĩa xã hội, những người lập luận rằng việc không cung cấp cho người nghèo hàng hóa dịch vụ là “nguyên nhân” tạo ra sự nghèo đói của người đó. Sự giàu có qua con đường tự lực, trên thực tế, là nguyên nhân mang lại sự giàu có, không phải sự nghèo đói, cho những người khác. Theo “Định luật Say”, “sản xuất mở ra nguồn cầu cho những sản phẩm” đưa ra định đề rằng sự giàu có của một người, một nhóm người hay một quốc gia là vì lợi ích của những bên thực hiện thương mại với họ.
Những việc gì mà một nhà sản xuất năng động hoặc một thương nhân thông minh có thể làm trong một thị trấn nhỏ, hoang vắng có phần chưa khai hóa ở góc hẻo lánh của Ba Lan hoặc Westphalia? Mặc dù không lo về đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên anh ta chỉ có thể bán được rất ít hàng, bởi vì, có rất ít hàng được sản xuất, trong khi ở Paris, Amsterdam hay Luân Đôn, mặc dù bị cạnh tranh bởi hàng trăm người bán trong cùng lĩnh vực, anh ta vẫn có thể kinh doanh trên quy mô lớn nhất. Lý do thật rõ ràng: xung quanh anh ta là những con người phần lớn sản xuất theo vô số cách, và những con người tạo ra giao dịch, mỗi người với sản phẩm tương ứng của anh ta, điều đó nói rằng, với số tiền sinh ra từ lượng hàng hóa mà anh ta có thể sản xuất.
Thể chế tạo ra các động lực và các động lực định hình hành vi. Như Douglass North đã phát biểu, “Các thể chế cung cấp cấu trúc động lực cho nền kinh tế; khi cấu trúc đó tiến hoá, nó định hình chiều hướng thay đổi kinh tế theo hướng tăng trưởng, đình trệ hay suy giảm”
Nói chung, các kết quả không bị ảnh hưởng bởi lựa chọn; trong trường hợp tốt nhất, một người có thể chọn một quy trình này thay vì một quy trình khác, không phải là chọn một kết quả này thay vì kết quả khác. Cái tưởng như là sự lựa chọn một kết quả (ví dụ, lương cao hơn) trên thực tế là sự lựa chọn một quy trình (ngăn cấm sự sáng tạo hoặc thực thi hợp đồng lao động với mức lương dưới một ngưỡng nhất định). Những quy trình không phải luôn luôn tạo ra những kết quả mà người lựa chọn có thể đã kỳ vọng. Daniel Shapiro ghi nhận rằng “không thể liệt kê đầy đủ các đặc trưng của các thể chế bằng mục tiêu của chúng”. Do vậy chủ nghĩa tự do cổ điển đã chỉ trích rất nhiều sự can thiệp vào sự trao đổi tự nguyện với lý do rằng sự can thiệp không giúp tạo ra những kết quả hứa hẹn. Chẳng hạn, các điều luật quy định mức lương tối thiểu không làm cho lương tăng - việc tăng năng suất lao động cận biên mới làm tăng lương, và điều đó thì không chịu chi phối bởi quy định hành chính, nhưng những điều luật này làm gia tăng thất nghiệp và buộc người ta phải rời khỏi thị trường tự do và bước vào thị trường chợ đen, do chúng ngăn cản những người có năng suất lao động cận biên thấp (cụ thể những người trẻ, những người không được giáo dục, và những người có kỹ năng thấp) không được cung ứng những dịch vụ của họ ở mức giá hấp dẫn người mua.
Cũng giống như trong một xã hội không có tự do, trong xã hội có đầy đủ quyền tự do và công bằng vẫn xuất hiện sự bất bình đẳng về thu nhập. (Không có chế độ xã hội nào loại bỏ được sự khác biệt về thu nhập; chúng thường đơn thuần che đậy sự bất bình đẳng, như Mancur Olson chỉ ra trong bài viết “The Theory of Soviet-Type Autocracies” [Lý thuyết về chế độ chuyên quyền Xô Viết – ND]). Điểm đặc trưng của những xã hội tự do là sự quay vòng của tầng lớp tinh hoa trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, chính trị, và kinh tế. Trong một nghiên cứu đại cương về “sự quay vòng của tầng lớp tinh hoa” trong những chế độ xã hội khác nhau, Vilfredo Pareto chỉ ra rằng, giống như những xã hội quân phiệt, các xã hội tự do, xã hội công nghiệp cũng được đặc trưng bởi sự quay vòng của tầng lớp tinh hoa, nhưng trên một nền tảng vận động hoàn toàn khác. Trong xã hội quân phiệt (hiếu chiến), chiến tranh tạo động lực cho “một người lính tầm thường trở thành vị đại tướng” nhưng trong “xã hội thương mại và công nghiệp” để những người nghèo nhất đạt được sự giàu có đòi hỏi cả tự do và “sự phát triển thương mại và công nghiệp ở quy mô đủ lớn sao cho một số đáng kể công dân có thể cùng thành công”. Mối quan hệ thương mại dựa trên sản xuất và trao đổi tự nguyên có xu hướng tạo ra những hệ thống bất bình đẳng luôn thay đổi, thay vì là những hệ thống bất bình đẳng cứng nhắc; nghĩa là, các cá nhân và gia đình thường chìm nổi trong các nấc thang tương đối của sự giàu có, trong lúc sự giàu có của toàn xã hội không ngừng tăng lên.
Thông qua việc phân tích “sự phân phối của cải” trong xã hội tự do, các nhà xã hội học và kinh tế học theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển đã rút ra sự khác biệt chủ chốt giữa “quyền sở hữu”, một khái niệm luật định, và “của cải”, một khái niệm kinh tế. Trao đổi tự nguyện đưa đến sự tái phân bổ không chỉ về quyền sở hữu mà còn về của cải, và không chỉ giới hạn giữa những bên đã giao kết hợp đồng giao dịch. Khi Henry Ford mua thép, cao su và kính từ bên bán và tuyển dụng công nhân để sản xuất ô tô, ông không chỉ chuyển quyền sở hữu tài sản giữa các bên trực tiếp liên quan đến cuộc mua bán mà còn làm tăng giá trị của các nguồn lực đó, khiến giá trị của những nguồn lực được sử dụng trong làm yên ngựa giảm xuống, và làm tăng lương lao động bằng cách làm tăng năng suất cận biên của nó. Sự thuyên chuyển của cải liên quan có giá trị vượt xa giá trị của phần tài sản đã chuyển giao trong các giao dịch. Những sự thay đổi trong việc xác định giá trị quyết định liệu một tài sản có đáng giá, nghĩa là những tài sản này đại diện ngần nào thịnh vượng cho người chủ, và những giá trị thay đổi đều đặn, do quy trình sản xuất mới được đưa vào, thị hiếu thay đổi, và cứ như vậy, làm cho của cải của một số người tăng và số khác giảm.
Do vậy, nền kinh tế thị trường được xem như là một quá trình bình đẳng hóa. Trong nền kinh tế thị trường quá trình tái phân phối tài sản diễn ra mọi lúc trước khi các chính trị gia hiện đại đưa vào những quy trình có vẻ ngoài tương tự nhưng nếu mang ra so sánh thì chỉ có vai trò nhạt nhòa, không đáng kể; nếu không có lý do nào khác, thị trường sẽ trao của cải cho những người có thể nắm giữ chúng, trong khi các nhà chính trị sẽ phân phát của cải cho các nhóm cử tri của mình, những người, như đã là quy luật, không thể nắm giữ.
Chủ nghĩa tự do cổ điển phủ nhận học thuyết về sự giàu có bắt nguồn từ “nguồn lực tự nhiên” và ủng hộ cách tiếp cận công nghiệp. Sự giàu có không phải là thứ chúng ta tìm thấy, mà là cái ta tạo ra. Do vậy, nhà kinh tế tự do cổ điển có tầm ảnh hưởng Jean-Baptiste Say đã phân biệt “nguyên vật liệu hiện có” (những gì ngày nay gọi là “nguồn lực tự nhiên”) và “của cải”: Tất cả việc con người có thể làm là, tái sản xuất những nguyên vật liệu hiện có dưới một hình thức khác, từ đó có thể đem lại cho chúng tính hữu dụng mà trước đó chúng không sở hữu, hoặc đơn thuần mở rộng những gì chúng có trước khi hiện hữu. Do vậy, trên thực tế, đó là sự sáng tạo, không phải cho vật chất, mà là cho tính hữu dụng, và tôi gọi điều này là sự sản xuất của cải”.
Có nhiều xã hội được bao quanh bởi những nguồn lực tự nhiên dư thừa mà người dân lại nghèo hơn nhiều so với những xã hội với ít nguồn lực nhưng được vận hành bởi những thể chế tạo điều kiện cho việc tạo ra của cải. Đó là luận điểm thường thấy ở bộ môn kinh tế học phát triển có từ hàng trăm năm trước, theo đó những nguồn lực dư thừa không là yếu tố quyết định cho sự giàu có. Chủ nghĩa tự do cổ điển được đặc trưng bởi niềm tin rằng sản xuất của cải sẽ được thúc đẩy và nghèo đói tuyệt đối sẽ được loại bỏ nhờ các thể chế pháp lý có vai trò xác định rõ ràng và bảo vệ các quyền tự do trao đổi trên cơ sở một hệ thống hợp đồng và luật pháp, hay theo Adam Smith đó là “hoà bình, thuế ưu đãi, bộ máy hành chính tư pháp có thể chấp nhận được”. Hơn nữa, tự do sản xuất và trao đổi làm suy yếu hệ thống tôn ti thứ bậc và các hình thức sự bất bình đẳng cứng nhắc khác.
Nhưng sản xuất của cải thông qua thị trường tự do không bao giờ là lời giải đáp duy nhất của chủ nghĩa tự do cổ điển với nghèo đói. Những sự trao đổi đó chỉ là một thành tố trong mảng rộng hơn của các hoạt động hợp tác nhằm chống lại sự nghèo đói.
Tự lực cánh sinh, viện trợ tương hỗ, từ thiện và hỗ trợ công
Bình đẳng pháp lý là một yếu tố đặc trưng của truyền thống chủ nghĩa tự do cổ điển, và các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển là những nhà tiên phong trong việc mở rộng những ý tưởng về bình đẳng ở cả hai giới, và tất cả sắc tộc, dân tộc và nhóm xã hội. Họ ủng hộ những quyền bình đẳng cho phụ nữ tham gia vào nơi làm việc, không dựa trên các đạo luật cho phép tuyển vị trí công việc dựa trên giới tính, và quyền tiếp nhận, sở hữu và định đoạt tài sản một cách độc lập không chỉ vì tính nhất quán về đạo đức mà còn vì mục đích cải thiện số mệnh của phụ nữ và loại bỏ sự phụ thuộc miễn cưỡng của họ vào nam giới. Sarah Grimké, người theo chủ nghĩa bãi nô và là nhà nữ quyền thuộc phái tự do cổ điển thế kỷ XIX, nhận xét rằng “đối với việc cải thiện và nâng tầm phụ nữ đến vị trí xã hội thích hợp để làm những công việc hữu ích và có trách nhiệm, thì chỉ có ít thứ gây ra những trở ngại lớn hơn những điều luật đã được thông qua làm phá hủy sự độc lập và làm tiêu tan tự do cá nhân của người phụ nữ; những điều luật mà dù tạo nên khung pháp chế cho chính phủ của người phụ nữ nhưng cô ta vẫn không có tiếng nói trong việc thiết lập chúng, và những luật này đã đánh cắp những quyền cơ bản của cô ta.”
Tự do trong sử dụng tài năng của mình dẫn đến những cải thiện số phận của những người bị đè nén, những người không có tài sản, những người yếu thế hoặc số phận của những người nghèo. Tự lực cánh sinh được thúc đẩy bằng cách loại bỏ những rào cản và sự đòi hỏi chủ động về trách nhiệm cá nhân.
Nhưng vẫn còn những cách khác. Cách thứ nhất, vốn gắn liền với chủ nghĩa tự do cổ điển, là ủng hộ hoạt động từ thiện như là phương tiện cải thiện tình trạng kinh tế của người nghèo. Từ thiện giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh kém may mắn hoặc cần hỗ trợ từ người khác, và từ thiện được cung cấp tốt nhất bởi các tổ chức tình nguyện. Chìa khóa cho chủ nghĩa tự do cổ điển là tránh những điều kiện phụ thuộc vĩnh viễn. Do vậy, Bernard Bosanquet, một thành viên tích cực của Hội tổ chức từ thiện tại Vương quốc Anh, đã chỉ trích mạnh mẽ về việc thể chế hóa sự nghèo đói, về việc coi ““thể chế của người nghèo” như là một tầng lớp, đại diện – như là một ý tưởng đạo đức trong tư duy hiện đại – cho một mục tiêu bền vững của lòng trắc ẩn và sự vị tha. “Nghèo đói” như được nói “đã trở thành một địa vị xã hội”. “Những người bị giáng cấp” trở thành tầng lớp xã hội, với chức năng xã hội thụ động là kích thích lòng tốt của những người khác.” Mục đích của từ thiện không phải làm tăng tính phụ thuộc mà là thúc đẩy khả năng của người nhận nhằm tự chăm lo cho bản thân họ và gia đình. Bosanquet lập luận rằng nền kinh tế chủ nghĩa xã hội, dựa trên mệnh lệnh và kế hoạch tập trung, sẽ sinh ra sự ích kỷ, trong khi hợp tác tự nguyện sẽ tạo nên sự tôn trọng với người khác và tình bằng hữu. Sự trải nghiệm cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực dường như đã xác minh cho dự đoán trên. Và thậm chí trong trường hợp của nhà nước phúc lợi hiện đại, như Norman Barry lưu ý, “kinh nghiệm đương đại chỉ ra rằng, thay vì khuyến khích ‘bản ngã’ công xã và quan tâm đến xã hội, các thể chế của nhà nước phúc lợi đơn giản là tái tạo ra “home economicus” (con người kinh tế) trong bối cảnh khác.”
Sau giải pháp tự lực cánh sinh, vốn được thúc đẩy cơ bản bằng cách loại bỏ những rào cản đối với việc tự do sử dụng những khả năng của mỗi người, những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển chủ động thúc đẩy và tích cực tham gia vào các “hội bằng hữu”, “hội ái hữu” và “hội tương trợ”, nhằm san sẻ bằng cả nỗ lực và những rủi ro giữa những người có phương tiện giới hạn.Vào thời kì cao điểm, các hội thân hữu có hàng triệu người tham gia vào những trào lưu xã hội, lấn át cả công đoàn - trào lưu được biết đến nhiều ngày nay. Mặc dù một số trong đó có nguồn gốc từ những hội đã bị chôn vùi của Rome cổ, chúng đã phát triển mạnh như chưa từng có vào thế kỷ XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Khi Otto von Gierke quan sát năm 1868 về “Luật đoàn thể”: “Trong thế kỷ của chúng ta, sức mạnh của sự tiên phong và sáng tạo quay trở lại với loài người: đoàn thể cá nhân tự do, vốn dĩ không bao giờ hoàn toàn biến mất, đã phát triển thành nhiều nhánh khác nhau, và có hình thức phù hợp với nhiều mục đích nhất.”
Những đoàn thể như vậy không chỉ cung cấp bảo hiểm đối với bệnh tật, tai nạn, tử vong và những tai họa khác mà còn thúc đẩy những tính nết tốt và những đức tính như lịch sự, tôn trọng phụ nữ (những thành viên nam đánh vợ thường bị trục xuất ra khỏi đoàn thể/hội), không uống rượu và từ thiện. Thông qua những hiệp hội tự nguyện, họ đi xa hơn trách nhiệm cá nhân vốn thường gắn liền với chủ nghĩa tự do cổ điển, và tự nguyện ủng hộ trách nhiệm tập thể dưới nhiều hình thức khác nhau, những hình thức tương tác vẫn thường là phần chưa được hiểu đầy đủ bởi những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển về tự no và trật tự xã hội. David Schmidtz lập luận rằng “chính cái trách nhiệm được đồng nhất vào bản thân (thay vì là bản thân trách nhiệm cá nhân)” làm cho mọi người đều có lợi. Các thể chế khiến con người có trách nhiệm với chính họ với tư cách như là một nhóm người cũng hỗ trợ cho quá trình đồng nhất hóa trách nhiệm vào bản thân, mặc dù là dưới hình thức tập thể. Các thể chế cũng làm cho con người tốt hơn. Viện trợ tương hỗ là một cấu phần chính mang tính lịch sử trong cách tiếp cận chủ nghĩa tự do cổ điển đối với trật tự xã hội và sự tiến bộ. Cũng như hôn nhân, các hiệp hội không được các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển cho là những rào cản của tự do, mà là sự thi hành chúng.
Các hội bằng hữu có lẽ đại diện cho những xu thế xã hội lớn nhưng được ghi chép nghèo nàn nhất. (Đọc thêm bài viết của David Green and David Beito trong cuốn sách này). Các hội này phát triển mạnh ở nhiều quốc gia khi mà những cản trở đối với cộng đồng dân sự được giảm bớt hoặc loại bỏ, và chúng mờ nhạt đi khi các công ty hoạt động vì lợi nhuận cạnh tranh với chúng bằng cách đưa ra các chính sách bảo hiểm chắc chắn về mặt thống kê (thực tế, một số hội bằng hữu đã tự biến mình thành công ty bảo hiểm như Modern Woodmen of America, Prudential Insurance, and Metropolitan Life), và còn bởi vì nhà nước phúc lợi thay thế chúng.
Những người thuộc tầng lớp lao động tự vạch ra sự phân biệt giữa nghèo đói đáng trợ cấp và không đáng trợ cấp. Thay vì công nhận quyền nhận trợ cấp vô điều kiện, các nhóm người nghèo, những người đã góp nguồn lực của mình vào viện trợ tương hỗ, phân biệt giữa những người xứng đáng nhận sự hỗ trợ và những người không, hoặc bởi vì họ không sẵn sàng hỗ trợ người khác khi họ có thể hoặc bởi vì tình hình của họ là do họ tự nguyện.
Nhà tư tưởng chủ nghĩa tự do cổ điển, cũng như người đứng đầu các tổ chức tình nguyện, tập trung vào việc thúc đẩy sự hình thành những tính cách phù hợp cho thành công của xã hội dân sự. Theo cách nói của Green, thành viên của hội bằng hữu “đoàn kết không phải bởi sự gần gũi về mặt địa lý mà bởi cùng chia sẻ những lý tưởng chung. Đích đến của các hiệp hội là thúc đẩy các tính cách tốt, một nội dung có tầm quan trọng bậc nhất đối với tư tưởng chủ nghĩa tự do cổ điển, một số người ủng hộ có xu hướng coi đạo đức tốt và khát vọng cho một cuộc sống tốt hơn như là điều đương nhiên phải có.” Sự hỗ trợ từ một hội bằng hữu thực chất là vấn đề về quyền, nhưng không phải là thứ quyền không dưng mà có hay vô điều kiện.
Viện trợ tương hỗ cho phép những người nghèo thoát khỏi cái nhìn bị đánh giá thấp khi nhận từ thiện, cái nhìn mà thường được liên tưởng với những tình cảnh cực kỳ tuyệt vọng. Nghèo túng là hoàn cảnh mà một người nên cố tìm cách để tránh, chứ không phải là chấp nhận.
Từ thiện vẫn có mối liên hệ gần gũi với tư tưởng của chủ nghĩa tự do cổ điển, nhưng nó thường đứng thứ ba trong các giải pháp giúp đỡ người nghèo, sau giải pháp tự lực cánh sinh và viện trợ tương hỗ. Chi trả trợ cấp xã hội bởi những người đóng thuế được xem là giải pháp ít được kỳ vọng nhất, giải pháp này chỉ được sử dụng để cải thiện tình cảnh của những người nghèo khi các hình thức khác không áp dụng được hay không thỏa đáng. Như John Stuart Mill đã nhận xét trong bài viết “The Claims of Labour” [Các yêu sách của tầng lớp lao động - ND] rằng:
Đưa tiền bố thí, ở quốc gia này hay ở hầu hết quốc gia khác, chưa bao giờ là một đức hạnh hiếm có. Các hiệp hội từ thiện, và những hoạt động quyên góp để cứu trợ người nghèo đã có rất nhiều; và nếu như những hoàn cảnh nghèo khổ mới, hay những tầng lớp người nghèo từng bị xem nhẹ, nay được chú ý, thì không có gì tự nhiên hơn là giúp đỡ họ như theo cách đã được thực hiện với những người khác.
Trao của bố thí được gắn kết lâu dài với các nghĩa vụ thiêng liêng và, không ngạc nhiên rằng, những hoạt động đó thường được tiến hành bởi các tổ chức tôn giáo. Trong truyền thống của trường phái tự do cổ điển, trao của bố thí cho những người nghèo khổ nói chung thường được hiểu là cách thực hành những đức hạnh của sự rộng lượng và lòng trắc ẩn. Do vậy, những người theo phái tự do cổ điển thừa nhận đặc trưng của nghĩa vụ đạo đức là hỗ trợ những người cần giúp đỡ là nạn nhân của sự thiếu may mắn và họ thúc đẩy các hoạt động tự nguyện để mang đến những sự giúp đỡ như vậy. Trong khi sự hỗ trợ tự nguyện được tán dương và được cho là có đạo đức, còn sự cưỡng bách thì ngược lại. Đây là quan điểm tiêu biểu trong cuốn The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về cảm nhận đạo đức – ND] của Adam Smith. Mặc dù tình cảm khi làm từ thiện là yếu tố cần thiết trong các hoạt động đạo đức (“Không có hành động nào có thể được gọi thỏa đáng là có đức hạnh mà không đi cùng với sự đồng cảm”), nhưng việc làm phúc và từ thiện bị xếp dưới công lý: ông nhận xét rằng
“Chúng ta nhận thấy bản thân có nghĩa vụ tuân theo công lý nặng hơn khi hành động so với hành động tự do dựa trên cơ sở tình bạn, từ thiện hay là hành vi rộng lượng: nghĩa là, việc thực hành những loại đức hạnh thuộc nhóm sau thường tùy thuộc vào lựa chọn của chính chúng ta, nhưng ở những cấp độ khác nhau, tự thân chúng ta cảm thấy bị ràng buộc, bị giới hạn và buộc có nghĩa vụ một cách kỳ lạ với xét đoán về công lý”.
Theo Smith, trong đoạn trích đại diện cho một trong những cam kết đạo đức chủ đạo của hầu hết những nhà tự do cổ điển sau này, đó là:
“Dù vậy, chúng ta phải luôn luôn phân biệt cẩn thận những gì chỉ đáng trách, hay mục đích chính đáng của sự ích kỷ, khỏi những gì mà vũ lực có thể được sử dụng để trừng phạt hoặc ngăn chặn”.
Quan điểm thuyết công lợi sau này cho rằng sự tái phân phối của cải từ người giàu hơn đến người nghèo đơn thuần là lấy những thứ có ít giá trị với người giàu, nhưng lại được coi là có nhiều giá trị hơn khi đưa cho người nghèo. Quan điểm này hoàn toàn bị những người theo phái tự do cổ điển phản đối bởi họ nhận thấy rằng quan điểm này có khả năng đe dọa đến những nguyên tắc chung làm cơ sở cho các xã hội tự do và thịnh vượng dựa vào. Do vậy, Smith đã nói:
“Một cá nhân không được thiên vị bản thân nhiều thậm chí hơn các cá nhân khác, như việc làm tổn thương hay làm hại đến người khác, để làm lợi cho bản thân anh ta, mặc dù lợi ích cho anh ta đạt được có thể lớn hơn nhiều sự tổn hại của người khác. Người nghèo không được lừa gạt hay cướp từ người giàu, mặc dù thứ thu được có thể đem lại lợi ích cho người nghèo nhiều hơn khả năng mất mát làm tổn hại đến người giàu.”
Làm như vậy sẽ vi phạm “một trong những nguyên tắc thiêng liêng, dựa trên sự suy xét bao dung mà toàn bộ an sinh và hòa bình của xã hội loài người phụ thuộc vào”.
Bertrand de Jouvenel phản bác trực diện những lập luận của thuyết công lợi về tái phân phối như sau: việc san bằng thu nhập hay của cải để tối đa hóa phúc lợi (khoản giảm trừ nhỏ trên phúc lợi của người giàu có sự bù đắp lớn hơn bởi những cải thiện lớn trong phúc lợi của người nghèo) sẽ loại bỏ hữu hiệu các khoản chi tiêu cho những hoạt động văn hóa cao cấp (higher culture) gắn với sự thịnh vượng; đây là điều mà những nhà ủng hộ tái phân phối luôn đề cập khi kêu gọi đóng thuế để chuyển hướng các nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa. Như de Jouvenel nhận xét
“Tất cả những người ủng hộ cho tái phân phối cực đoan gắn hình thức này với hầu hết các chính sách rộng rãi của trợ cấp nhà nước cho toàn bộ kiến trúc thượng tầng phục vụ cho các hoạt động văn hóa”.
Ông chỉ trích những người đó về sự mâu thuẫn về luận điểm tối đa hóa phúc lợi theo chủ nghĩa công lợi và về luận điểm tái phân phối thu nhập đã bị nhà nước cắt xén bằng cách nhà nước chuyển hướng của cải sang các tổ chức văn hóa được ủng hộ:
“Đó là một mâu thuẫn, một mâu thuẫn trắng trợn, nhằm can thiệp vào sự hỗ trợ của nhà nước đến những hoạt động văn hóa như vậy vì các hoạt động này không tìm được thị trường. Những người thay đổi một cách tự phát hệ thống tái phân bổ bằng những kế hoạch cho những sự hỗ trợ như vậy trên thực tế họ đang phủ nhận khả năng phân bổ lý tưởng của các nguồn lực và các hoạt động có thể tối đa hóa tổng thể các nhu cầu”.
J. S. Mill cho rằng việc áp đặt “nghĩa vụ đạo đức hay pháp lý lên những tầng lớp địa vị cao hơn, sự áp đặt có thể được giải thích là nhằm mục đích mang đến những điều tốt đẹp và sung túc của tầng lớp địa vị thấp hơn”, là đặc trưng không phải của xã hội tự do mà là của xã hội phi tự do. Như ông lập luận, “nhà nước xã hội lý tưởng, kiểu nhà nước mà những nhà từ thiện mới [những người ủng hộ cho hỗ trợ bắt buộc] đang bảo vệ” là nhà nước của “những người nhà quê người Nga”. Ông tiếp tục,
“Còn có nhiều người lao động khác, không đơn thuần là người nông dân, mà là những người lao động trong những nhà máy lớn đang tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất, và với những người công nhân này thì luật pháp của đất nước chúng ta, thậm chí trong thời đại của chính chúng ta, đã ép buộc những người chủ của họ phải tìm kiếm thức ăn, quần áo, và nơi ở đầy đủ cho họ. Họ là ai đây? Đó là người nô lệ trong điền trang của người da đỏ miền Tây nước Mỹ”.
Hỗ trợ bắt buộc trong tư duy của các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển không chỉ được gắn với sự hạ cố mà còn gắn với những hệ thống kiểm soát có tính áp đặt và sự thiếu độc lập và tự do. Trải nghiệm thực hiện Luật tế bần và đi cùng với kiểm soát hành vi vẫn là những ký ức sống động cho những người theo phái tự do cổ điển thế kỷ XIX và XX. Như Mill nhận xét:
“Có nhiều chính phủ ở châu Âu xem việc quan tâm đến sự khỏe mạnh về thể chất và sự sung túc của người dân như là một phần trách nhiệm của họ … Nhưng sự quan tâm mang tính gia trưởng áp đặt gắn với chính quyền gia trưởng áp đặt. Trong những nhà nước này, chúng ta nhận thấy những hạn chế nghiêm ngặt trong hôn nhân. Không ai được phép kết hôn trừ khi anh ta thuyết phục chính quyền rằng anh ta có triển vọng có thể là trụ cột cho một gia đình”.
Nỗi sợ đối với những kiểm soát như vậy đã thúc đẩy sự phản đối, hoặc chí ít là sự lo lắng, của nhiều nhà tự do cổ điển,đối với kế hoạch “cải tổ phúc lợi” vốn đòi hỏi phải phục vụ nhà nước như là điều kiện để thụ hưởng sự hỗ trợ.
Mối quan tâm chính về vấn đề tái phân bổ cưỡng bách, vốn dĩ là mục tiêu chỉ trích đối với Luật tế bần và vẫn tiếp tục là chủ đề tranh luận hiện nay về chính sách phúc lợi và “hỗ trợ nước ngoài”, là liệu những chính sách nhà nước như vậy có thực sự cải thiện cuộc sống người nghèo, hay chỉ khiến cho những người ủng hộ những chính sách đó hài lòng về việc làm của họ, như thể họ đã hoàn thành nghĩa vụ đạo đức, không phải bằng cách giúp đỡ người khác mà qua việc ủng hộ các chính sách như vậy. Đối với hầu hết những người theo phái tự do cổ điển, kết quả cuối cùng, chứ không phải đơn thuần là những ý định được đưa ra, là trọng tâm trong đánh giá các chính sách. Do vậy, vấn đề liệu viện trợ nhà nước dựa trên sự cưỡng bách trong thực tế có cải thiện được cuộc sống của người nghèo luôn luôn là mối quan tâm chính của các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển khi đề cập đến các kế hoạch tái phân phối.
Khi liệt kê thứ tự những giải pháp được ưu tiên của các nhà chủ nghĩa tự do cổ điển, Wilhelm Röpke phát biểu rằng “các quy tắc, chuẩn mực và quan điểm được chúng ta tự nguyện chấp nhận nên được bảo đảm bằng nỗ lực và trách nhiệm cá nhân, và được hỗ trợ bởi viện trợ tương hỗ”. Röpke khác với những nhà tự do cổ điển ở chỗ ông chấp nhận điều luật nhà nước cung cấp sự hỗ trợ tối thiểu.
Ngày nay, chúng ta không thể không chấp nhận mức quy định tối thiểu nào đó trong các thể chế nhà nước bắt buộc đối với an sinh xã hội. Tiền trợ cấp hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, trợ cấp quả phụ, trợ cấp thất nghiệp - đáng lẽ tất cả những khoản trên phải có vị trí trong ý niệm của chúng ta về hệ thống an sinh xã hội vững chãi của một xã hội tự do, tuy nhiên chúng ta có thể cảm thấy là rất ít sự quan tâm đến chúng.
Do vậy, nhiều nhà tự do cổ điển chấp nhận một số sự trợ cấp của nhà nước, nhưng chỉ với trường hợp bất đắc dĩ và là giải pháp ít được ưu tiên nhất trong các hình thức hỗ trợ người nghèo. Chẳng hạn, Milton Friedman đưa ra hai trường hợp để ủng hộ sự cưỡng bách của nhà nước ở mức hạn chế trong mục đích hỗ trợ người nghèo. Trường hợp đầu tiên đó là quá trình thi hành chính sách cưỡng bách pháp lý để buộc người dân đóng bảo hiểm hưu trí thường niên bởi vì “những người sống hoang phí sẽ không chịu hậu quả cho bản thân hành động của mình mà sẽ đặt gánh nặng lên những người khác. Người ta cho rằng, chúng ta sẽ không muốn nhìn thấy những người già khốn khổ trong cảnh đói nghèo. Chúng ta sẽ hỗ trợ họ thông qua từ thiện cá nhân và từ thiện công. Do vậy, người không dự phòng cho tuổi già sẽ trở nên gánh nặng cho xã hội. Bắt buộc ông ta mua bảo hiểm hưu trí không chỉ là đúng đắn vì lợi ích của riêng ông ta mà còn cho số đông còn lại”. (Như Milton Friedman nhận xét “Ảnh hưởng của quan điểm này rõ ràng phụ thuộc vào thực tế”.) Trường hợp thứ hai là quá trình thi hành chính sách cưỡng bách pháp lý để buộc những người nộp thuế trở thành tầng lớp hỗ trợ người khó khăn, dựa trên lý do rằng sự bắt buộc của nhà nước nhằm cung cấp hàng hóa tập thể (hay hàng hóa công) là được chấp nhận trên lý thuyết tự do:
“Người ta có thể lập luận rằng từ thiện cá nhân là không đủ bởi vì những lợi ích từ hoạt động này có thể đổ dồn lên người khác hơn là những người làm từ thiện. …Tôi đau buồn trước cảnh nghèo đói; nhưng tôi có được lợi ích tương đương cả khi tôi hoặc ai khác bỏ tiền để giảm đói nghèo; các lợi ích từ các hoạt động từ thiện của những người khác do đó cũng chảy một phần về phía tôi”
Những vấn đề như vậy, theo Friedman, thiết lập “mức sàn dưới tiêu chuẩn sống của mỗi người trong cộng đồng”.
Mặc dù không phải là người chú tâm đến nhà nước phúc lợi, F.A. Hayek cũng lập luận, về các lý lẽ biện minh cho điều luật cung cấp hàng hóa công, rằng điều luật nhà nước cung cấp phúc lợi ở một giới hạn nhất định là phù hợp với nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cổ điển:
“tất cả chính phủ hiện đại có nghĩa vụ đối với người nghèo khổ, không may mắn, người tàn tật và có sự quan tâm đối với họ về vấn đề sức khỏe và phổ cập tri thức. Không có lý do tại sao quy mô các hoạt động dịch vụ đơn thuần như vậy không nên tăng cùng sự gia tăng nói chung của của cải. Đó là những nhu cầu thông thường mà chỉ có thể được thỏa mãn bởi hành động tập thể, và do vậy những nhu cầu đó có thể được đáp ứng mà không hạn chế tự do cá nhân”.
Quan điểm về hàng hóa công của Friedman và Hayek bị Robert Nozick phủ nhận. Ông là người đã đưa ra sự giải thích nhất quán hơn chống lại những người ủng hộ chủ nghĩa nhà nước từ phía chủ nghĩa tự do cổ điển. Sau khi bàn luận về các góc độ kinh tế học và luân lý học đối với hàng hóa công, Nozick kết luận “Bởi vì việc ép buộc những người nắm giữa tài sản đóng góp trái với mong muốn của họ là vi phạm những ràng buộc đạo đức, nên những người chống lại đề xuất cưỡng bách như vậy nên cố gắng thuyết phục người dân bỏ qua số tương đối ít những người không đồng hành với hệ thống đóng góp tự nguyện. Hay là, sẽ có tương đối nhiều người bị bắt buộc phải đóng góp mặc dù có lẽ họ không muốn làm vậy, bởi những người này không muốn cảm thấy họ là ‘kẻ dại dột’?”
Cuộc tranh luận giữa các nhà tự do cổ điển về những vấn đề trên đã trở nên sôi nổi và tập trung vào một số câu hỏi, ví dụ như các thể chế nhà nước có thẩm quyền và uy tín như thế nào – ngay cả khi có sự giám sát dân chủ - như liệu có bất kỳ sự cưỡng bách nào phù hợp với những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do, và liệu một điều luật nhà nước về một “lưới an sinh” (“safety net”) sẽ dẫn đến quá trình thúc đẩy sự phụ thuộc và thay thế mạng lưới các hiệp hội viện trợ tương hỗ, các hiệp hội mà gắn kết chặt với chủ nghĩa tự do.
Nhà lý thuyết pháp lý A. V. Dicey bày tỏ nỗi lo đối với sự cung cấp của nhà nước, cũng là nỗi lo chung của các nhà tự do cổ điển:
Tác động tích cực của sự can thiệp nhà nước, đặc biệt bằng các hình thức luật pháp, là trực tiếp, tức thì và theo một cách nào đó, là hữu hình, trong khi tác động tiêu cực lại từ từ và gián tiếp, khó nhìn thấy… chỉ vài người nhận ra sự thật không thể phủ nhận rằng sự giúp đỡ của nhà nước đang làm thui chột khả năng tự lực. Do vậy đa phần loài người gần như luôn thấy cần thiết phải tìm kiếm, với sự ưa thích quá đáng, sự can thiệp của chính phủ. Trong một xã hội cụ thể, thái độ thiên kiến tự nhiên này chỉ có thể được phủ nhận nhờ sự tồn tại của một tiền đề hoặc một định kiến ủng hộ tự do cá nhân – nghĩa là xã hội laisez faire – như ở Anh trong giai đoạn 1830-1860. Do đó, sự suy tàn nhất thời của niềm tin vào tự lực cánh sinh – sự suy tàn đó xảy ra là tất yếu – tự nó là đủ giải thích cho sự phát triển của hệ thống luật pháp theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội.
Vào giai đoạn cuối cuộc đời, Herbert Spencer chứng kiến hiện tượng gia tăng sự cung cấp của nhà nước đối với các dịch vụ và sử dụng các biện pháp cưỡng bức để thay thế cho hoạt động tự nguyện như “đường lối Bảo Thủ mới” (“the New Toryism”) và “chế độ Nô lệ tương lai” (“the Coming Slavery”). Như các nhà tự do cổ điển khác về cuối thế kỷ XIX, ông đã liên kết sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa xã hội, và chế độ nhà nước phúc lợi là những nhánh có cùng gốc là chủ nghĩa tập thể.
Nỗi lo về sự cung cấp của nhà nước đã không chỉ nằm trong phạm vi người Anglo-Saxons mà còn là nỗi lo phổ biến trong tư tưởng phái tự do cổ điển. Như François Guizot nhận xét,
“Không có gì là hiển nhiên và thiêng liêng hơn nhiệm vụ của chính phủ hỗ trợ các tầng lớp có số phận kém may mắn, xoa dịu tình trạng khốn cùng của họ và hỗ trợ họ nỗ lực nhằm hướng đến xã hội dân sự no đủ. Nhưng để làm điều này, với những khiếm khuyết trong tổ chức xã hội, thì tất cả đau khổ trong xã hội loài người được tạo ra, và để áp đặt vai trò của chính phủ trong việc đảm bảo và phân phối công bằng những thứ tốt đẹp trong cuộc sống, ta phải bỏ qua hoàn toàn điều kiện sống, loại bỏ trách nhiệm vốn có trong tự do và kích động những đam mê xấu thông qua những hy vọng sai lầm”.
Wilhelm von Humboldt xem thường Luật tế bần vì nó hủy hoại từ thiện và tình thương:
“Có bất cứ điều gì có khả năng làm suy yếu và phá hủy tất cả sự đồng cảm chân thành – tất cả những lời khẩn cầu hy vọng giản dị nhất – tất cả niềm tin giữa con người? Có phải mọi người đều không coi thường những người ăn xin, những người cho rằng những người ăn xin dễ dàng hơn khi được chăm sóc trong trại tế bần hơn là, sau khi đương đầu với tình cảnh nghèo khổ, để nhận ra, anh ta không đơn thuần cần ai đó ném cho anh ta một số tiền nhỏ, mà là sự đồng cảm?”
Vẫn còn những câu hỏi về phạm vi của những nghĩa vụ đạo đức đối với người nghèo. Chúng không dễ được trả lời từ quan điểm truyền thống của chủ nghĩa tự do cổ điển, vì lý do đơn giản đó là tư tưởng chủ nghĩa tự do cổ điển phân biệt giữa trách nhiệm và nghĩa vụ có thể thực hiện và những trách nhiệm và nghĩa vụ không thể thực hiện, trong khi các trường phái khác thì không phân biệt. Một nhà tự do cổ điển có thể chấp nhận nghĩa vụ đóng thuế lũy kế hay zakat nhưng sẽ khẳng định rằng nghĩa vụ đó không thể áp đặt là bắt buộc; đó là cách biểu hiện tôn giáo của một người và là nghĩa vụ đạo đức – không phải là nghĩa vụ pháp lý. Những khuynh hướng phổ quát luận của chủ nghĩa tự do cổ điển nói chung thúc đẩy mối quan tâm đến bản thân con người, thay vì đồng tôn giáo hay quốc gia. Trách nhiệm không làm tổn hại đến người khác là phù hợp với tất cả trường hợp, bất kể đó là những người thân trong cộng đồng hay là những người hoàn toàn xa lạ sống ở một đất nước xa xôi. Như Adam Smith nhận xét,
“công lý thuần túy, trong hầu hết các trường hợp, không là gì khác ngoài bản chất thụ động (negative), chỉ nhằm ngăn cản chúng ta làm tổn hại đến người hàng xóm. Người mà ít tránh làm tổn hại đến thân thể hoặc là tài sản hoặc danh tiếng của những người hàng xóm, sẽ chắc chắn ít phẩm chất chủ động (positive). Tuy vậy, anh ta tuân thủ tất cả nguyên tắc, thường được gọi là công lý, và làm mọi việc mà những người ngang hàng khác có thể, dựa vào quy tắc ứng xử đúng đắn, buộc anh ta phải thực hiện hoặc họ có thể phạt anh ta vì không thực hiện theo. Chúng ta vẫn thường tuân thủ mọi quy tắc công bằng bằng cách ngồi im không làm gì”.
Theo quan điểm chủ nghĩa tự do cổ điển, các nghĩa vụ chủ động thường đạt được trên nền tảng các hành vi của con người (chúng là hành vi ngẫu nhiên thay vì tự có); như thế, một người không có bổn phận hay không sinh ra với nghĩa vụ cụ thể đối với người nào cụ thể bởi vì sự nghèo đói tương đối của những người khác. Bởi vì tập trung vào loại bỏ bất công, dưới hình thức những tổn hại mà người này mang đến cho người khác, những người theo phái tự do cổ điển đi đầu trong những phong trào quốc tế để xóa bỏ lao động khổ sai và nô lệ, cũng là phong trào thúc đẩy tự do và sự sung túc cho những người nghèo khổ nhất và những người bị lạm dụng nhất trong cộng đồng. Tương tự, sự cấp bách mang tính đạo đức của nhà tự do cổ điển trong hoạt động tự do thương mại đã tập trung phần lớn sự chú ý vào việc phủ nhận các cơ hội để gia tăng phúc lợi cho người dân ở những nước nghèo, những người phải chịu thiệt hại do chính sách bảo hộ sản xuất trong nước nhằm bảo vệ tài sản của những người giàu có hơn họ nhiều. Giải phóng người nghèo khỏi những kiểm soát hành vi cưỡng bách đem lại lợi ích cho họ, cũng như tất cả những người tham gia vào thương mại; những nhà tự do cổ điển hiểu rõ những lợi ích chung từ thương mại. Đó không phải là sự nhượng bộ đối với các bên khác để loại bỏ những rào cản lên khả năng mua bán tự do của bên kia. Theo John Prince Smith, nhà kinh tế tự do cổ điển thế kỷ XIX người Đức và là nghị sĩ,
“Gỡ bỏ hàng rào thuế quan là sự nhượng bộ kinh tế để đảm bảo trước hết quyền lợi cho chính chúng ta chứ không chỉ là cho các nước khác.”
Lập luận tương tự được áp dụng cho hoạt động nhập cư, khi các nhà tự do cổ điển nói chung đẩy mạnh tự do đi lại cũng như cổ vũ tự do thương mại. Theo đó, những nhà tự do cổ điển là người chủ động khởi xướng “toàn cầu hóa” thông qua tự do ngôn luận, tự do thương mại và tự do đi lại. Mỉa mai thay, những người xã hội chủ nghĩa và những người theo chủ nghĩa nhà nước phúc lợi thường tự cho họ là những chiến sĩ bảo vệ người nghèo, đồng thời họ lại tạo ra những rào cản to lớn hạn chế sự nhập cư như sử dụng hàng rào thép gai, tuần tra vũ trang và cách hình thức vũ lực khác để ngăn chặn người nghèo nhập cư vào những nước giàu có, nơi mà họ có nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống. Các nhà tự do cổ điển thường phản đối những giới hạn như vậy và ủng hộ tự do thương mại, tự do đi lại và tự do nhập cư, những hình thức mà họ xem như là giải pháp thay thế tốt hơn những chương trình tái phân phối của nhà nước, những chương trình mà họ lập luận nói chung là không thành công trong việc đưa con người từ nghèo đói lên giàu có.
Các nhà tư tưởng tự do cổ điển, dù giữa họ thường vẫn tồn tại những bất đồng đáng kể, luôn đồng thuận rằng việc tạo ra nhiều của cải hơn chính là giải pháp giảm đói nghèo và rằng, bởi các kết quả tự thân chúng thường không phụ thuộc vào sự chọn lựa, những thể chế công bằng và hiệu quả chính là chìa khóa để gia tăng của cải và giảm đói nghèo. Hơn nữa, mặc dù nhiều người công nhận sự cần thiết của việc nhà nước cung cấp hỗ trợ người nghèo và bần cùng, tất cả các nhà tự do cổ điển đồng quan điểm rằng hệ thống các giải pháp để giảm đói nghèo, phải bắt đầu đi từ trách nhiệm cá nhân và tự lực cánh sinh, đến viện trợ tương hỗ, từ thiện, và lựa chọn kém ưu tiên nhất chính là biện pháp cưỡng bách của nhà nước.
Nguồn: Tom G. Palmer, After the Welfare State, Jameson Books, Inc., 2016