Khoa học Tập chí

Khoa học Tập chí

Đôi lời dẫn nhập

Ai cũng biết, tình trạng nghèo nàn lạc hậu của các nước châu Á vào thế kỷ XIII - XIX là nguyên nhân chủ yếu khiến họ bị các nước châu Âu thôn tính, chỉ trừ nước Nhật (và có lẽ, Thái Lan ở một mức thấp hơn) đã kịp thời tiến hành các chính sách duy tân, mở cửa đưa người sang Âu Mỹ học tập đồng thời đón các chuyên gia, nhà giáo từ các nước đó sang dạy cho thanh niên các kiến thức đã giúp họ phát triển thành các cường quốc: khoa học, cả khoa học tự nhiên và xã hội (triết học, chính trị, kinh tế học…). Về phần mình, sau những cố gắng tuyệt vọng của phong trào Cần vương, đầu thế kỷ XX một số sĩ phu yêu nước đã bắt đầu ý thức được yêu cầu học tập để hiện đại hoá đất nước: Phan Châu Trinh và những đồng chí của ông trong phong trào Duy Tân, trong Đông Kinh nghĩa thục, với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khi, hậu dân sinh”. Phan Châu Trinh thậm chí còn đánh giá yêu cầu này khẩn cấp hơn việc đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập, theo như chủ trương của Phan Bội Châu và của nhiều người khác sau này. Tuy thế, do chưa hề được trực tiếp tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật tây phương – mà chỉ qua các mô tả trong “tân thư” của các nhà nho Trung Quốc, và cũng do thời gian quá ngắn ngủi – Đông Kinh nghĩa thục chỉ hoạt động được 9 tháng rồi bị đóng cửa, các môn khoa học trong chương trình giáo dục của Đông Kinh cũng chỉ dừng lại ở mức độ sao chép từ giáo dục tiểu học Pháp[1].

Vậy thì, ý thức về khoa học (tinh thần, nội dung, thực tiễn hoạt động và các ứng dụng trước mắt cũng như tiềm thể của nó) đã bắt đầu nhen nhúm vào người Việt từ khi nào, phát triển ra sao, gặp những thuận lợi và khó khăn nào…?

Không biết đúng tới mức nào, nhưng người viết bài này luôn cảm thấy văn chương, thơ phú mới là mối quan tâm hàng đầu của người Việt kể cả trong vài thập kỷ gần đây, khi yêu cầu “đổi mới, hội nhập” sục sôi trong xã hội, mặc dù người đã đọc văn ai cũng nhớ câu thơ của Viên Mai mà cụ Phan Bội Châu thường nhắc lại: “lập thân tối hạ thị văn chương”. Người ta dễ dàng tìm thấy những bài nghiên cứu về các vấn đề của văn học Việt Nam thế kỷ XX, thậm chí về từng tác gia, từng áng văn thơ cho tới từng câu chữ. Bối cảnh xã hội, chính trị của chúng được phân tích kỹ lưỡng, ý nghĩa và giá trị tinh thần của chúng được rút ra về nhiều khía cạnh, dẫn đến nhiều cuộc tranh luận say mê không dứt v.v.. Trong khi đó, những nghiên cứu về các vấn đề đặt ra cho việc phổ cập các tri thức khoa học, việc nâng cao tinh thần khoa học từ nhà trường tới xã hội, có vẻ như chẳng được mấy ai quan tâm.

Thật ra, câu hỏi nêu trên quá rộng và đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Vai trò của các nhà nho duy tân, đã đành, dù như nói trên, có thể khá hạn chế nếu chỉ xét những bài viết trực tiếp nêu lên vấn đề này của họ. Nhưng cũng phải nói (và chắc phải nói nhiều hơn) tới vai trò của những người “Tây học” đầu tiên. Họ là những ai, đã làm những gì? Rồi vai trò của nhà cầm quyền Pháp, của xã hội Pháp nói chung qua sự tiếp xúc của thế hệ người Việt đầu tiên từng sang Pháp làm việc hay du học. Vai trò của chữ quốc ngữ, tất nhiên. Những cuốn sách đầu tiên trong lĩnh vực khoa học là những cuốn nào, có ảnh hưởng ra sao. Rồi tác động của những biến chuyển về chính trị, kinh tế, về đời sống xã hội dưới thời Pháp thuộc. Vân vân.

Bài viết nhỏ này có mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều: truy tầm những tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên ở Việt Nam, và nếu có thể, giới thiệu sơ lược về tạp chí đầu tiên (theo thứ tự thời gian!) trong số đó. Một câu hỏi phụ đặt ra, từ khi nào danh từ “khoa học” mới bước chân vào ngôn ngữ Việt Nam, sẽ được đề cập trong một bài riêng (xem tại đây).

Câu hỏi “tìm ở đâu” tương đối dễ trả lời. Trước 1954, Luật lưu chiểu (dépôt légal) của Pháp được áp dụng cho toàn Đông Dương (từ đầu chế độ thuộc địa), và mọi ấn phẩm đều được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale Française, viết tắt là BNF). Và, may mắn thay, một người bạn làm thủ thư tại đây cho biết, tất cả các thẻ thư mục của các ấn phẩm (sách, báo) của kho sách Đông Dương đã được số hoá!

Tra các từ “khoa học”, “tạp chí” trên catalogue.bnf.fr, từ 1900 đến 1954, và chỉ kể đến những tờ báo có hai từ kép này trên măng-sét, ta sẽ tìm thấy:

1/ Nam-Phong tạp-chí[2], với tiểu đề  “Văn-học Khoa-học Tạp-chí”, Hà Nội 1917-1934.

2/ Khoa-học tập-chí, Revue de Vulgarisation Scientifique, Sài Gòn 1923-1926.

3/ Khoa học tạp chí, Cơ quan truyền bá các khoa học[3]; directeur: Nguyễn Công Tiễu; Hà Nội 1931-1940.

4/ Khoa học phổ thông, mỗi tháng xuất bản hai kỳ; directeur-gerant: Lâm Văn Vãng; Sài Gòn 1934-1942 và 1950-1958.

5/ Báo Khoa học, mỗi tháng ra một kỳ; 1942-1944[4].

Nam Phong thì đã quá quen thuộc, và thực ra mục “Khoa học bình luận” trong đó cũng chỉ chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn[5], ta có thể coi rằng tờ tạp chí tiếng Việt đầu tiên đặt trọng tâm vào việc phổ biến khoa học – như tiêu đề tiếng Pháp của nó cho thấy – chính là tờ số 2/ trong danh sách trên: tờ “Khoa-học Tập-chí”. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về tờ tạp chí này[6], và mong sẽ có dịp khác trở lại với các tạp chí 3/, 4/, 5/ trong danh sách trên.

Như hình bìa 1 chụp dưới đây cho thấy, tạp chí ra đời ngày 4.10.1923, xuất bản hàng tuần vào ngày thứ năm. Trên bìa, 4 chữ Việt viết hoa, không có gạch nối, và chữ “TẠP” được viết với dấu mũ: “TẬP”. Đây không phải là một sai sót về việc sắp chữ, vì trong những bài bên trong, tên này được nhắc lại như vậy. Nói chung, Tiếng Việt trong tạp chí mang tính chất địa phương (Nam Bộ đầu thế kỷ XX) rất rõ, tuy nhiên không có gì đặc biệt “khó hiểu” đối với người đọc ngày nay. Trên 4 chữ KHOA-HỌC TẬP-CHÍ là tên báo bằng chữ Hán mặc dù bài vở hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ (với khá nhiều tiếng Pháp chen trong các bài[7]), và dưới là tiêu đề tiếng Pháp như đã nói, có nghĩa là “Tạp chí phổ biến khoa học”. Phía dưới, bên cạnh tên và địa chỉ nhà in, người phụ trách mang nộp lưu chiểu đã viết tay dòng chữ “tirage: 5000 ex.”, ngày nộp và chữ ký không rõ, không biết có phải của giám đốc – quản lý (directeur-gérant, nay ta gọi là “chủ nhiệm”) tờ báo, bác sĩ Trần Văn Đôn hay không? Thông tin này, cũng như danh sách toàn bộ ban biên tập (Comité de Rédaction) được đăng trên trang 2 cùng với giá báo (mua dài hạn: 6 đồng/năm, các số sau sẽ ghi rõ thêm 15 xu/1 số) và giá quảng cáo (theo chế độ khoán – forfait). Số ấn bản “5000” này được giữ cho ba số tạp chí đầu, sau đó xuống 3000 (các số 4,5) rồi 1500 (số 6), rồi 1000 (từ số 7), 800 (số 53) và từ số 116 là 650 cho tới khi tạp chí đình bản (số cuối: 156, đề ngày 28.10.1926 – ít ra, đó là số cuối cùng có trong bộ tạp chí ở BNF). Số trang được đánh liên tục, không tính bìa, các trang trắng và các trang quảng cáo: số 1 ngưng ở trang 18, số 2 tiếp tục từ trang 20 (trang 1 của số này: thông tin về ban biên tập, quản lý) v.v.. Từ số 6, trang thông tin về ban biên tập và quản lý được tổ chức lại, dành khoảng 5, 6 dòng cho mục lục (tóm tắt, chỉ có tên các mục và số trang). Trang cuối cùng là trang 2752, nhưng nhìn kỹ thì có hai lần số trang bị nhảy cóc (trong số 70, nhảy từ 1209 lên 1300 và 1309 lên 1400!), hai số bị bỏ quên (nhảy từ 33 lên 35 và 66 lên 67, nhưng lại có hai số 69: 69 và 69[2]!). Như vậy, nếu tính tổng số trang là 2552 và 155 số thì trung bình mỗi số báo 16,5 trang, tương đối khớp với thực tế mà người đọc có thể nhận xét!

Danh sách ban biên tập, 12 người ghi trên hình trang 1, số 1, sẽ không thay đổi trong suốt 156 số (ba năm). Hai mục văn chương (Partie littéraire) và mục “thời đàm” (chronique hebdomadaire), trên số 1 đã dành chỗ nhưng chưa có tên, rút cục sẽ không có người phụ trách. Danh sách này kể từ số 6 cũng không còn chia mục với người phụ trách mà chỉ đánh số thứ tự từ 1 tới 12, như sau:

1.    M. BUI QUANG CHIEU, Ingénieur Agronome, Inspecteur des Services Agricoles.

2.    M. LÂM VĂN HUÊ, Commis indigène des Services Civils.

3.    M. LƯƠNG VĂN MỸ, Ancien Elève diplômé de l’Ecole des Arts et Métiers Angers. Chef de Subdivision des Travaux Publics à Cholon.

4.    M. LƯU VĂN LANG, Ingénieur des Arts et Manifacatures. Ingénieur Principal des Travaux Publics.

5.    M. NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG, Ancien Elève diplômé de l’Ecole de Tissage de Lyon.

6.    M. NGUYỄN VĂN DỤNG, Vétérinaire auxiliaire.

7.    M. NGUYỄN VĂN THINH, Docteur en médecine, ancien Interne des Hôpitaux de Paris.

8.    M. NGUYỄN VĂN XUÂN, Ancien Elève de l’Ecole Polytechnique, Capitaine d’Artillerie Coloniale.

9.    M. TRẦN VĂN NHIỀU, Ancien Elève diplômé de l’Ecole Supérieure de Commerce Paris.

10.    M. TRẦN QUANG NGHIÊM, Commerçant, rue d’Espagne, Saigon.

11.    M. TRẦN VĂN ĐÔN, Docteur en médecine.

12.    M. TRẦN VĂN TỶ, Ancien Elève breveté de l’Ecole Coloniale.

Một số thông tin có trên mạng cho thấy phần lớn trong bọn họ xuất thân từ những “danh gia vọng tộc” ở Nam Bộ, được sang Pháp học từ khá sớm, và có thể nói, đó là những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với khoa học – kỹ thuật Pháp vào đầu thế kỷ XX.

- Người lớn tuổi nhất là ông Bùi Quang Chiêu sinh năm 1872, sang Pháp học Ecole Coloniale (1894-1895) rồi vào trường Kỹ sư Canh nông Paris (Institut National Agronome), nơi ông tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông năm 1897, là người kỹ sư đầu tiên của Nam Kỳ (và nhiều khả năng cũng là của cả nước).

- Ông Lưu Văn Lang, sinh năm 1880, tốt nghiệp kỹ sư tại trường Arts et Manifactures de Paris (thường được biết tới dưới tên gọi Ecole Centrale de Paris) năm 1904. Báo Việt Nam hôm nay (chẳng hạn như trong bài này) nói ông là “người kỹ sư đầu tiên” của Việt Nam, nhưng như trên cho thấy, ông Bùi Quang Chiêu đã có bằng này 7 năm trước.

- Ông Nguyễn Văn Thinh, sinh năm 1888, đậu thủ khoa trường Y khoa Sài Gòn năm 1907, rồi sang Pháp học và tốt nghiệp bác sĩ ở bệnh viện Y khoa Paris.

- Ông Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1892, là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Bách Khoa Paris (năm 1912).

- Ông Trần Văn Đôn, học bác sĩ tại Bordeaux, là thân phụ của tướng Trần Văn Đôn trong quân đội VNCH sau này. Wikipedia mục “Trần Văn Đôn” được dành cho vị tướng này, nhưng qua đó người ta biết bác sĩ Trần Văn Đôn đã về nước năm 1920 sau khi tốt nghiệp (tướng Đôn, con ông, sinh tại Bordeaux năm 1917), như vậy có thể giả thuyết là bác sĩ TVĐ thuộc cùng lứa tuổi với người đồng nghiệp của mình trong Khoa học Tạp chí: bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, và thuộc lớp “ba mươi” khi các ông tham gia tạp chí.

- Ông Trần Quang Nghiêm, sinh năm 1988, cũng có gia đình đại điền chủ Nam Bộ như nhiều đồng sự của ông trong danh sách trên, nhưng vào những năm 1920 đã là một nhà tư sản sở hữu nhiều đồn điền cao su, một khách sạn và xưởng xuất nhập đồ gỗ. Ông đã dùng tiền của của mình hỗ trợ cho nhiều báo chí tiến bộ thời đó như L’Indochine, L’Annamite, la Cloche Fêlée (của Nguyễn An Ninh)[8]. Qua việc ông có tên trong ban biên tập KHTC tuy không viết lách gì, người ta cũng có thể nghĩ ông chính là một người tài trợ cho tờ tạp chí này như ông đã làm với các tờ báo trên.

Cho tới nay, chúng tôi không tìm thấy thêm thông tin về các nhân vật khác trong bộ biên tập này, trừ hai người được nêu gián tiếp trên Wikipedia tiếng Việt, mục “Nguyễn Văn Thinh”: ông Trần Văn Tỷ, bộ trưởng tư pháp và ông Lương Văn Mỹ, bộ trưởng Công chánh trong chính phủ “Nam Kỳ tự trị” mà ông Thinh làm Thủ tướng. Cũng Wikipédia tiếng Việt, mục “Lưu Văn Lang” có nói tới một “quan toà Trần Văn Tỷ”, chắc cũng là một người, đã ký vào một Tuyên ngôn của 400 trí thức, tháng 5.1947, đòi "Chính phủ phải chấm dứt chiến tranh và thương lượng với Chính phủ Cụ Hồ Chí Minh".

Các ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Xuân, hay cả với các ông Lưu Văn Lang, Trần Quang Nghiêm là những nhà hoạt động xã hội, chính trị có tên tuổi ở Nam Kỳ thời đó:

Ông Bùi Quang Chiêu là thủ lĩnh Đảng Lập Hiến Đông Dương (năm 1919), đã hoạt động ủng hộ Phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh ngay từ đầu, chủ trương đòi Pháp trao quyền tự trị cho ba kỳ như một bước trước khi tiến tới Độc Lập. Ông Nguyễn Văn Thinh là thủ tướng của Chính phủ Nam Kỳ tự trị (2 tháng 6.1946) trước khi tự tử (10 tháng 11.1946) vì thấy bị Pháp lừa. Ông Nguyễn Văn Xuân là tướng trong quân đội Pháp, cũng là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ quân đội của chính phủ này. Ông Lưu Văn Lang đã từ chối khi được mời vào chính phủ Trần Trọng Kim cũng như Chính phủ Nguyễn Văn Thinh, mà ngược lại, nhận lời làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn Chợ Lớn năm 1948, rồi tham gia dẫn đầu đoàn biểu tình trong đám tang học sinh Trần Văn Ơn ở Sài Gòn năm 1950.

Trái: ông Bùi Quang Chiêu; phải: ông Lưu Văn Lang

Thế nhưng, điều đáng chú ý là việc các ông tham gia tích cực tờ tạp chí khoa học phổ thông đầu tiên này không hề được ghi nhận trong các tiểu sử, bài viết về các ông (mà chúng tôi đọc được khi viết bài này). Phải chăng, điều này cũng phản ánh phần nào sự thờ ơ của cả xã hội Việt Nam đối với khoa học?

Ngoài ban biên tập, tạp chí có được sự cộng tác của Paulus Của tức nhà từ điển học Huỳnh Tịnh Của trong mục văn chương (không đều lắm), và của một vài kỹ sư và công chức như ông Alexis Lan, Ingénieur électricien (điện), Hồ Công Mên, Ingénieur de l’Ecole de papeterie de Grenoble (giấy), Nguyễn Khắc Sự, Ing. Chimiste, Licencié ès Sciences (hoá), Lê Văn Thọ, Professeur, Tống Phước Gi, Đốc biên sở nuôi tằm Đồng Hới, Đinh Mạnh Triết, Chef de là station sericicole de Tan Chau (tơ tằm)… Hai cộng tác viên viết nhiều là các ông Thanh Tân Võ Thành Vinh (thường chỉ ký Thanh Tân hoặc T.T.) với nhiều bài dịch về khoa học thường thức và cả một số bài văn chương, và ông Nguyễn Tịnh, cũng đủ loại bài thường thức, kể cả về luật pháp. Một số người ký bút hiệu hoặc ký tắt như Mai Nham, Thanh Phong, Minh Nguyệt, L.H., T.H.,… nói chung khó có thể biết tên tuổi thật và nghề nghiệp của họ. Ngoài ra, tạp chí còn đăng lại một số bài của Vệ Nông báo, hay dịch bài của các báo Pháp thời đó (Le Saigon républicain, Bulletin de l’Agriculture…).

Nội dung Khoa-học Tập-chí

Trang 2 của số 1 được dành cho lời đề tặng:

A M. le docteur COGNACQ[9],

Ancien Directeur Général de l’Instruction Publique,

Organisateur de Enseignement Supérieur en Indochine

Faible témoignage de reconnaissance pour sa sincere

Et affectueuse sollicitude pour la jeunesse annamite

KHOA HỌC TẬP CHÍ

(Kính dâng Bác sĩ Cognacq, cựu Tổng giám đốc Nha học chính, người tổ chức Giáo dục đại học ở Đông Dương, chứng từ tri ân nhỏ bé đối với sự chăm sóc chân thành và trìu mến của ông đối với tuổi trẻ An Nam).

Tiếp theo là Tiểu dẫn nói lên tôn chỉ, mục đích của tờ báo, chúng tôi xin gõ lại dưới đây, tôn trọng hoàn toàn chính tả, cách viết – chẳng hạn, dấu gạch nối giữa các từ kép khi có khi không, phần nhiều là không.

Từ xưa đến nay, học trò xứ ta đều đua nhau mà học văn chương theo sách tàu; mới chừng 50 năm trở lại, từ khi nhà nước Langsa bão hộ Đông-Pháp, thì con nhà Annam mới khởi sự học theo sách mới, bát vật, hoá học, cùng chư công bá nghệ, mong theo kịp đường tấn bộ trên thế giới. Song số học trò Annam mà học được cái cách mới ấy hãy còn hiếm hoi lắm, là vì trước phải học chữ Pháp cho rành rẽ rồi sau mới hiểu được các sách về khoa học, công nghệ thương mãi, thảy đều biên bằng chữ Pháp.

Chúng tôi là một bọn Annam, nhờ ơn Đại-Pháp dạy dỗ, kẻ theo nghề thương mãi, người chuyên y khoa, canh nông công nghệ tuy không dám xứng tài bằng bậc danh sĩ bên Âu, bên Mỹ, chớ cũng có học lỏm được chút ít để phòng mà di truyền cho em cháu, những trai và gái, còn thiếu niên đương lúc vào trường ấu học, tiểu học hay là khi ở nhà mà giúp đỡ cho cha mẹ làm ăn.

Chúng tôi thầm nghĩ rằng đương lúc cạnh tranh lợi quyền trong thiên hạ, mỗi người phải có học chút đỉnh theo tân thời, mới có thế mà giữ gìn thân thể, theo cách vệ sanh, rồi mới có nhà đông, người mạnh, nước thạnh, dân khôn, thì nhiên hậu công nghệ, thương mãi, canh nông mới tấn phát được nơi xứ Đông-pháp nầy.

Vì các lẽ ấy nên anh em chúng tôi đồng tâm hiệp lực mà lập ra “Khoa học Tập chí” nầy, chỉ mong ra công mọn mà rãi cho khấp hương thôn, xả hội, những bài tiểu học, sơ học, về khoa học ngỏ hầu mở mang cho lớp hậu sanh xứ này rộng nghe xa thấy, gọi là đền cơm áo cho Nước-nhà.

Ấy vậy, chúng tôi xin những đứng bực thượng lưu danh sĩ, chỉ biết rằng chúng tôi có lòng cùng xứ sở, muốn làm việc có ích lợi chung, không nài công khó nhọc, dẫu có lầm lỡ, lời thô, tiếng kịch thì Độc-giã miễn thứ cho chúng tôi. Đầu dở sau hay, vì vạn sự khởi đầu nang.

Trong các bài vở, thì dùng những tiếng thường, tránh văn hoa, sợ e đàng em không hiểu, song cũng có khi phải dùng tiếng mới mà giãi ý mới; tiếng Annam ta còn thiếu dùng về khoa học nên chư độc-giã, ai có ý kiến nào riêng xin lấy lời phong nhã mà tỏ bày thì chúng tôi sẵn lòng suy xét làm cho được nhuần lời nhuần tiếng theo tân học đương thời.

Tờ “Khoa-học Tập-chí” nầy là tờ mới bày ra lần thứ nhứt trong xứ Đông-pháp, chúng tôi xin gởi cho chư-tôn đặng để nhà cho các em, hoặc trai hoặc gái, có công đọc thì chẳng nhiều cũng ít sẽ được rộng thấy xa nghe về đường văn minh tấn-bộ.

Kính cáo,

KHOA-HỌC TẬP-CHÍ

Như vậy, theo như lời đề tặng và Tiểu dẫn này, ta có thể thấy những người chủ trương tạp chí hoàn toàn đặt mình vào vị trí của người dân bảo hộ, “xứ Đông-Pháp”, biết ơn nhà nước bảo hộ và muốn truyền bá cái học tân thời cho lứa thiếu niên, không kể trai gái, để họ mở rộng tầm mắt mà tiến tới văn minh. Ở đây không bàn về khía cạnh chính trị của “lập trường” này mà chỉ tập trung vào những nội dung mà tạp chí đã thực hiện.

Như trang mở đầu số 1 cho thấy, tạp chí được chia thành những mục sau:

1/ Canh nông; 2/ Thương mãi và kỹ nghệ; 3/ Luật pháp; 4/ Y học, Vệ sanh; 5/ Thú y; 6/ Khoa học vật lý và tự nhiên; 7/ xây dựng; 8/ Văn chương; 9/ Thời sự trong tuần.

Các bài về nghề nông luôn luôn được xếp vào đầu mỗi số, nhiều khả năng là do vị trí thủ lãnh của ông Bùi Quang Chiêu với rất nhiều bài viết (khi thì “canh nông lược luận”, khi thì “thảo mộc lược luận”, khi thì về các loài sâu bọ, cầm thú có ích cho canh nông, khi thì về các loại phân bón, v.v.), tuy cũng có thể thứ tự này phản ánh nhận thức chung của ban biên tập, rằng nông nghiệp là vấn đề quan trọng nhất cho việc hiện đại hoá đất nước. Nghề trồng dâu nuôi tằm được Bùi Quang Chiêu đặc biệt chú ý với nhiều bài từ số 31 tới số 48, trong đó, số 45 có một bài thú vị, mang tít “Số tơ trong thiên hạ” và mở đầu bằng câu “Năm 1923, người ta phỏng định số tơ trong thiên hạ ươm ra được 34 triệu kg” nhưng thật ra là để nói về nghề tơ tằm ở Đông – Pháp (Bắc Kỳ, An Nam và Nam Kỳ). Nhưng ngay cả khi ông vắng mặt, các bài về nghề nông vẫn được xếp hàng đầu (như các bài nghề tơ tằm của Tống Phước Gi, Nguyễn Văn Long, của Bulletin de l’Agence Economique được mang về đây, hoặc loạt bài về cây mía và nghề làm đường – từ số 80 đến số 91, dịch sách của tác giả H. Prêtre). Có thể nói, mục này đã tụ tập khá nhiều những kiến thức khoa học cơ bản về nghề nông thời đó, với những áp dụng cụ thể vào nghề nông của “Nam Kỳ”, những kiến thức – chẳng hạn về các loài phân bón, về sự có ích của một số loài sâu bọ - mà nông dân ta chưa có hoặc chỉ có một phần qua kinh nghiệm của cha ông chứ chưa hề được tổng kết, khái quát hoá. Đáng tiếc là không có một nghiên cứu nào về ảnh hưởng, tác động của các bài trong mục này vào nông thôn Nam Bộ thời ấy. Tờ báo cũng không có mục đối thoại với bạn đọc để có thể đo lường ảnh hưởng này.

Ông Trần Văn Nhiều, tốt nghiệp trường Cao đẳng Thương mại Paris là cây bút chính của mục 2/, với một loạt bài về “Cuộc buôn bán”, rồi “Luật buôn”, kéo dài từ số 1 tới số 61 (trung bình mỗi số 2 trang), đề cập tới nhiều khía cạnh: cách giữ sổ sách, giấy tờ của nhà buôn, các hội buôn, v.v.. Sau một thời gian vắng mặt, ông trở lại vào số 106 với bài “Người buôn bán Annam phải có tính chơn chất và nhiệt thành”, và rải rác trong một vài số sau, chẳng hạn bài “Tại làm sao mà mỗi vật có giá trị”, đưa ra lý thuyết kinh tế giản đơn: hàng hiếm thì đắt. Có thể xếp vào mục 2/ một loạt bài “công nghệ đời nay” (nghề in chữ, nghề in hình, nghề làm cafe, nghề may áo quần) và “bá nghệ lược giải” (hay giải sơ bá nghệ”), gồm nghề in bông, nghề in vải, nghề làm đồ nguội, nghề làm bún, làm rượu, nghề soi sáng, nghề làm diêm quẹt….

Hai bác sĩ Nguyễn Văn Thinh và Trần Văn Đôn thay nhau viết các bài y học thường thức, “Ấu học vệ sanh” (nhiều số báo), các bệnh thường gặp (như bệnh mùa, số 19, bệnh tả, số 22, sốt rét, số 30 - 33, bệnh ghẻ ngứa, số 48, “fièvre typhoïde” hay bịnh ban cua lưỡi trắng, số 51, bệnh lao, số 65 v.v.). Bác sĩ thú y Nguyễn Văn Dung có nhiều bài về các thú nuôi, với các bệnh tật chúng mắc phải, trong đó có loạt bài “vi trùng lược luận” (các số 9-11), đây có lẽ là lần đầu tiên khái niệm “vi trùng” và tên Pasteur được trình bày trên một tờ báo tiếng Việt (tuy Viện Pasteur đã được mở ở Saigon từ năm 1890, nhưng đó là một đơn vị trực thuộc Viện Pasteur Paris).

Mục xây dựng, một năm sau khi được chào mừng vừa cùng gia đình từ Pháp về (số 37), ông Nguyễn Văn Xuân đóng góp một loạt bài từ số 90 đến số 110 (có nhảy 1,2 số) về “cách cất nhà”, từ kỹ thuật tới luật lệ, và hai bài về “lợi hại của máy bay”.

Có lẽ mục khoa học tự nhiên đặt cho Tạp chí nhiều khó khăn hơn cả, vì trong ban biên tập thì không có chuyên gia, ngoài xã hội thời đó số cử nhân khoa học chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay[10], mấy ai quan tâm tới những vấn đề khoa học cơ bản (lý-hoá-sinh, toán…). Nhưng tạp chí cũng vẫn có nhiều bài viết và dịch về những kiến thức khoa học cơ bản. Số 1 có bài “Đất động bên nước Nhựt Bổn” của Lưu Văn Lang, cắt nghĩa sơ lược tại sao có động đất (ruột trái đất nóng, vỏ cứng mà mỏng, khi nhíu lại thì dễ rách…, lý thuyết về các mảng kiến tạo – plaques techtoniques – của Alfred Wegener năm 1912 còn chưa truyền tới Đông Dương). Số 2, số 3 có bài Trái đất của L.H., cắt nghĩa tại sao trái đất quay chung quanh mặt trời, tại sao nó hình cầu dẹt, tại sao ngày ngắn dài…, với nhiều hình vẽ (vẽ tay). Số 7-10 có các bài Gió, Mưa, Đất động và núi lửa, Nước lớn và nước ròng của Lâm Văn Huê, bài cuối này giải thích hiện tượng thuỷ triều theo thuyết hấp dẫn của Newton. Số 21, kỹ sư Nguyễn Khắc Sự bắt đầu loạt bài “Địa cầu tạo thành sử”, “nói về sự tạo lập của địa cầu rồi lần lần sẽ cắt nghĩa những sự thay đổi từ xưa đến nay”. Từ số 13 đến số 26, rồi 30 đến 35 có loạt bài “Thiệt hành điển học” (Thực hành điện học) của kỹ sư điện Alexis Lan. Tác giả mở đầu chương “Sự đi của điển khí” trong một cái “binh” (pile) bằng khái niệm “Différence de potentiel”, được cắt nghĩa tương tự như nước chuyển giữa hai bình thông đáy…, nói chung những kiến thức cơ bản về điện (đầu thế kỷ XX) được giải nghĩa với một cố gắng đáng nể về sư phạm – nhiều hình minh hoạ được vẽ tay. Tuy nhiên, hầu hết các khái niệm điện học được giữ nguyên tiếng Pháp (résistance, circuit électrique, corps conducteur, corps isolant…). Số 37 bắt đầu loạt bài “Lược luận về bát học” (Petites causeries sur les sciences physiques et naturelles) của Đinh Tấn Yên, và Đá vôi của DVQ. Ông này trước đó đã có bài về xà-bong (savon). Nhân chủng học có loạt bài Loài người ta (số 40, 42 ký tên Mai Nham, rồi 53, 55, 57, ký tên Dị Nhơn). Hoá học có bài “Nước” của “Quới, bachelier ès sciences”. Từ số 61 có mục Khoa học tân văn (cây sống đặng bao nhiêu, loài ngựa có biết ăn thịt hông, vô tuyến điện, cách chùi kiến(g), lấy vàng dưới biển… Từ số 105 có Khoa học thời đàm, cũng gồm những bài nhỏ chung quanh những tin khoa học. Thanh Tân có loạt bài Tạo vật sơ diễn nói về các vì tính tú, mặt trời. Loạt bài Sơ luận cách trí về các loài trong muôn vật (loài có vú, loài chim muông, loài thảo mộc)… Bản thân việc phân loại các sinh vật như vậy chắc cũng là mới đối với người Việt những năm 1920.

Ngoài ra, tạp chí thường xuyên có các mục văn chương (văn uyển, “morceaux choisis des prosateurs annamites”, “littérature annamite”, giới thiệu “truyện Tuý Kiều”, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm…) và rải rác trong các số có những trang về từ ngữ. Và mục thời sự, chiếm khoảng 1 trang báo. Về mặt chính trị, phần lớn tin tức đưa ra không có gì để làm phiền nhà cầm quyền, nhưng tạp chí cũng đã đưa tin cụ Phan Châu Trinh tạ thế một cách trang trọng (bài “Một cái tang chung”, số 128) và hai bài diễn văn trong “Lễ quốc tang cụ Phan Châu Trinh”, một của cụ “Hoàng Thúc Kháng” (đúng ra là Huỳnh Thúc Kháng) và một của Bùi Quang Chiêu.

Tạm kết

Có thể nói ngay là nhiều bài viết trong tạp chí không thực sự nhắm vào lớp học sinh con em của những người sẽ mua báo (“các em, hoặc trai hoặc gái”). Những bài về luật buôn bán, về đàn bà có thai, phép cho con nít bú, về ty đề hình, về cách bón “phân azotés”… Tuy nhiên, đúng là các tác giả có những cố gắng viết dễ hiểu, có ý thức viết để truyền bá kiến thức khoa học và học sinh trung học nói chung có thể lĩnh hội được, như mục tiêu được đưa ra trong Tiểu dẫn (“Vì các lẽ ấy nên anh em chúng tôi đồng tâm hiệp lực mà lập ra “Khoa học Tập chí” nầy, chỉ mong ra công mọn mà rãi cho khấp hương thôn, xả hội, những bài tiểu học, sơ học, về khoa học ngỏ hầu mở mang cho lớp hậu sanh xứ này rộng nghe xa thấy, gọi là đền cơm áo cho Nước-nhà”).

Cũng dễ hiểu là tờ báo thiếu vắng những bài viết (chưa nói tranh luận) về vị trí của khoa học kỹ thuật trong xã hội, về tinh thần khoa học, óc khoa học trong việc quan sát và khám phá tự nhiên... Một phần có thể là chính vì mục tiêu khiêm tốn mà các tác giả đề ra, phần khác có lẽ điều kiện tri thức và mối quan tâm của xã hội thật ra cũng không cho phép đi xa hơn. Nhưng có phải vì thế mà tờ báo không có được tiếng vang xứng đáng: ngoài cuộc sống ngắn ngủi – chỉ ba năm, lượng báo phát hành - chung quanh 1000 bản mỗi số, rồi xuống còn 650 trong những số cuối, phải nói tới sự quên lãng mà nó gặp phải trong lịch sử các cuộc vận động tri thức của người Việt nửa đầu thế kỷ XX?

Nói cho đúng, sự quên lãng này Khoa học Tập chí cũng “chia sẻ” với các tạp chí khoa học phổ thông khác trong danh sách nêu trên kia (dù các tờ Khoa học tạp chí của ông Nguyễn Công Tiễu và Khoa học phổ thông của ông Lâm Văn Vãng sống lâu hơn, có lượng độc giả lớn hơn). Phải chăng, số phận của nó và của các tạp chí chị em kia cũng phản ánh những truân chuyên trên con đường tiến vào khoa học của xã hội Việt Nam, những truân chuyên mà chúng ta còn thấy ngày nay, hơn chín chục năm sau?

 

Chú thích:

(1) Theo Chương Thâu, Từ Khánh Ứng nghĩa thục ở Nhật Bản đến Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam, Nghiên cứu Lịch sử số 2 năm 2007.

(2) Trong danh sách này, chúng tôi chép lại các tên nguyên văn như được viết trên các tạp chí. Trong bài, chúng tôi sẽ viết theo chính tả và văn phong ngày hôm nay, bỏ các dấu gạch ngang, trừ những trích đoạn sẽ được giữ nguyên văn.

(3) Tạp chí này cũng có trên Thư viện báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam, mỗi tháng ra hai kỳ trong năm năm đầu, sau đó mỗi tháng 3 kỳ (từ 1.1.1936 tới 1940). Hơi khó đọc vì bản số hoá có vẻ như là ảnh chụp từ microfilm. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Ký ở đại học Paris (13.10.1992) dành gần 20 trang (tr. 179-195) để phân tích tạp chí này.

(4) Người sáng lập Khoa học báo là Kỹ sư Nguyễn Xiển. Trong Bộ biên tập có nhiều nhân vật có tên tuổi như Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào, Nguỵ Như Kontum, Hoàng Cơ Nghị, Bùi Phượng Chì, Nguyễn Dương Đôn (bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục 1954-57, rồi đại sứ VNCH tại Roma và Tây Ban Nha)…

(5) Theo bản Mục lục phân tích các nội dung trên Nam Phong của Nguyễn Khắc Xuyên thì mục Khoa học chỉ có 32 bài kể cả Y khoa, trong 17 năm hoạt động với tất cả 210 số báo.

(6) Trong cuốn sách Indochine, la colonisation ambigüe 1858-1954 (Ed. La Découverte 1995), hai tác giả P. Brocheux và D. Hémery đã kể tên hai tờ Khoa học tạp chí của ông Nguyễn Công Tiễu và Khoa học phổ thông của ông Lâm Văn Vãng là “hai tạp chí, kể từ 1921, được dành riêng cho việc phổ biến những tri thức khoa học và kỹ thuật trong công chúng” (tr. 231), nhưng lại không nói tới tờ Khoa học Tập chí này.

(7) Điều này cũng dễ hiểu, nên nhớ là năm 1942 mới có cuốn Danh từ Khoa học của Hoàng Xuân Hãn.

(8) Thông tin từ cuốn The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930 của Philippe Peycam, Columbia University Press, New York 2012, các trích đoạn đọc trên mạng.

(9) Bác sĩ Maurice Cognacq, Giám đốc văn phòng toàn quyền Đông Dương Paul Beau từ 1903, được Paul Beau phong làm Giám đốc trường Y Khoa thuộc Đại học Hà Nội năm 1907 khi trường này được thành lập. Sau khi đại học Hà Nội đóng cửa vào năm sau – và chỉ mở lại năm 1917, Maurice Cognacq tiếp tục phụ trách giáo dục ở Đông Dương một thời gian nữa. Ông được phong làm Toàn quyền Đông Dương (năm 1922) và ở vị trí này cho tới 1926, khi về hưu (Wikipédia tiếng Pháp).

(10) Đại học Đông Dương mở cửa năm 1907, năm sau đóng, tới 1917 mới mở lại nhưng cũng không đủ các khoa. Riêng khoa “Khoa học thực hành” thì năm 1923 mới mở (theo Wikipédia tiếng Việt), và năm 1942 mới chỉ nhận 69 sinh viên vào lớp PCB, và cấp 42 chứng chỉ tốt nghiệp khoa học đại học (theo Brocheux et Hémery, sách đã dẫn).

Nguồn: Khoa học Tập chí.