Giới thiệu Ronald H. Coase: Nhà tiên phong của kinh tế học thể chế mới

Giới thiệu Ronald H. Coase: Nhà tiên phong của kinh tế học thể chế mới

Ronald Coase, Là một nhà kinh tế phi điển hình, quan tâm rất sớm đến kinh tế học công nghiệp, Ronald Coase đã làm nổi bật sự tồn tại của chi phí giao dịch và đặt nghi vấn về hiệu quả của các quy định công.

Ronald Coase đã thành lập Hội vì một kinh tế học thể chế mới, nhằm mục đích cải cách kinh tế học.

Ronald Coase chiếm một vị trí đặc biệt trên bàn cờ tư tưởng kinh tế đương đại. Là người theo trường phái xã hội chủ nghĩa từ thời trẻ, ông được Arnold Plant, giáo sư tại trường London School of Economics, thuyết phục về tính chính xác của ẩn dụ bàn tay vô hình của Adam Smith, những lợi ích của kinh tế thị trường và tác hại của sự can thiệp nhà nước. Nhưng ông cũng đồng thời phê phán rất mạnh kinh tế học chính thống (mainstream economics), trường phái kinh tế mà ông cáo buộc là tự nhốt mình trong những phân tích trừu tượng và không nghiên cứu sự vận hành thực sự của nền kinh tế. Kinh tế học này xử lý những thực thể như doanh nghiệp, thị trường, sự hài lòng của người tiêu dùng, mà không đặt câu hỏi về bản chất của các thực thể ấy. Bài viết của Coase về The Lighthouse in Economics (Ngọn hải đăng trong kinh tế học) (1974) đưa ra một minh chứng soi sáng vấn đề trên. Từ một nghiên cứu tỉ mỉ ghi chép về lịch sử của ngành hải đăng ở Anh từ thế kỷ XVI, ông cho thấy cách thức các nhà kinh tế lớn, từ John Stuart Mill đến Paul Samuelson, đã lạc lối khi "soi sáng" lập luận của họ bằng một ví dụ hoàn toàn không thỏa đáng, mà họ chưa bao giờ bõ công để nghiên cứu sự vận hành, chỉ dựa vào những định kiến.

Kinh tế học, theo Coase, đã không tiến triển kể từ Adam Smith, trái với các ngành sinh học, vật lý học hay hóa học. Ông cũng cáo buộc "kinh tế học của bảng đen" này là một chủ nghĩa đế quốc dẫn dắt kinh tế học ấy thâm nhập, với phân tích tồi tệ của mình, tất cả các lĩnh vực của khoa học nhân văn. Ngược lại, ông cho rằng kinh tế học phải được mở ra để tiếp cận các ngành học khác: như luật học, chính trị học, xã hội học, lịch sử học, tâm lý học. Đấu tranh không mệt mỏi, năm 1996 khi ông đã 85 tuổi, ông thành lập Hội vì một kinh tế học thể chế mới, (từ 2015 đổi tên thành Hội vì kinh tế học thể chế và tổ chức, viết tắt là SIOE – ND), có nhiệm vụ "biến đổi khoa học kinh tế", theo lời của ông trong một diễn văn tại hội nghị thường niên năm 1999. Ông còn nói thêm rằng cần phải tiến hành những hành động chiến tranh du kích để đạt được mục đích trên!

Sự nghiệp của ông cũng là phi điển hình. Trong một thế giới hàn lâm bị chi phối bởi mệnh lệnh "xuất bản hay chết", Coase công bố rất ít. Danh tiếng của ông chủ yếu dựa vào hai bài viết, mà nhờ đó ông đã được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel: The Nature of the Firm (Bản chất của doanh nghiệp), công bố khi ông mới 27 tuổi, và The Problem of Social Cost (Vấn đề chi phí xã hội), xuất bản hơn hai mươi năm sau đó. Chính bài viết thứ hai này, và có lẽ là bài được thường xuyên viện dẫn nhiều nhất trong các tài liệu kinh tế đương đại, gây được sự chú ý cho bài viết thứ nhất. Trong các ấn phẩm của ông, không có phương trình, ít bảng biểu và đồ thị. Điều đó cũng đi ngược với dòng kinh tế học thống trị, mà Coase cáo buộc là một sự lạm dụng toán học, làm tối nghĩa hơn là làm sáng tỏ những vấn đề cần giải quyết, "Khi tôi còn trẻ, người ta nói rằng điều gì quá ngu ngốc để có thể nói thì có thể hát lên được. Trong kinh tế học hiện đại, người ta có thể trình bày điều đó dưới hình thức toán học" (1988, trang 185).

Vì sao có các doanh nghiệp?

Theo một tầm nhìn được thừa hưởng từ Adam Smith và được lý thuyết chính thống hình thức hóa, hệ thống kinh tế mà chúng ta đang sống được điều phối bởi cơ chế giá cả. Sản phẩm được giao dịch trên thị trường. Giá cả và số lượng giao dịch được xác định bởi cơ chế cung và cầu. Người ta còn chứng minh rằng tự do cạnh tranh dẫn đến sự phân bổ tối ưu các nguồn lực và sự hài lòng cao nhất có thể của những người tham gia vào giao dịch đó. Vào lúc chuẩn bị bắt đầu học luật, chàng thanh niên Coase – mới 21 tuổi – nhận được một học bổng cho phép anh ta rời nước Anh để sống tại Hoa Kỳ. Ở đó, ông khảo sát các doanh nghiệp và thấy rằng sự vận hành nội bộ của họ đi ngược lại sự vận hành của hệ thống kinh tế tổng thể. Trong các doanh nghiệp, thông thường các hoạt động được lên kế hoạch một cách chặt chẽ, mà không cần sự can thiệp của bất kỳ hệ thống giá cả nào. Tất nhiên đó là một nhận định tầm thường, nhưng đó là điều mà lý thuyết kinh tế chưa bao giờ nghiên cứu.

Vì sao các doanh nghiệp tồn tại? Vì sao chúng phát triển? Vì sao chúng tiến hành hợp nhất theo chiều ngang và chiều dọc, hơn là phải dựa vào những trao đổi trên thị trường mà tính hiệu quả đã được chứng minh từ lâu? Vì sao một tác nhân chịu phục tùng dưới thế lực của một doanh nghiệp, mà không tự mình lưu thông một sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường để bán trực tiếp cho người tiêu dùng? Coase đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên trong một bài viết được đăng năm 1937. Kinh tế học chính thống cho rằng, trên thị trường lý tưởng, thông tin lưu thông một cách tức thời và hoàn hảo, không hề có sự ma sát nào cả. Tuy nhiên, thực tế không phải là vậy. Tìm hiểu thông tin về chất lượng và giá cả của một sản phẩm, về năng lực của một người lao động, soạn thảo các hợp đồng, đảm bảo không bị lừa đảo là những hoạt động rất tốn kém, về mặt thời gian, năng lượng và tiền bạc.

Sự vận hành của thị trường tạo ra chi phí, cái mà Coase sau này gọi là chi phí giao dịch, nhưng cũng là cái mà ông nói rằng ông đã có trực giác từ năm 1932. Doanh nghiệp là một tổ chức có khả năng làm giảm các chi phí ấy. Tất nhiên doanh nghiệp phải tự gánh chịu những chi phí phát sinh từ tổ chức nội bộ của họ, và nó sẽ tăng trưởng miễn sao các chi phí nội bộ thấp hơn chi phí giao dịch. Sau này, Coase cho thấy rằng các chi phí giao dịch, mà trên đó năng suất của hệ thống kinh tế dựa vào, phụ thuộc vào sự vận hành của hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị, hệ thống giáo dục, văn hóa và nhiều nhân tố khác. Chẳng hạn, trong một trong các bài viết cuối cùng của ông, được công bố năm 2002, Coase tập trung vào tác động của Internet đến các chi phí giao dịch.

Sự thiếu hiệu quả của các quy định

Sau bài viết đầu tiên của ông, gần như không được chú ý, Coase tiếp tục thăm dò sự vận hành của các doanh nghiệp và sự vận hành của nền kinh tế công nghiệp. Chính thông qua một nghiên cứu các quy định về sóng truyền vô tuyến mà ông đi đến việc trình bày, trong bài viết của ông được đăng năm 1960, điều mà George Stigler gọi là "định lý Coase". Mọi hoạt động kinh tế đều có thể gây ra tác hại cho một bên thứ ba không tham gia vào hoạt động đó: một đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đi qua cánh đồng của một nông dân, khói nhả ra từ ống khói của nhà máy làm phiền những người sống ở lân cận. Đó là điều mà thuật ngữ kinh tế gọi là "ngoại ứng", những thất bại của thị trường. Tiếp theo các công trình của Arthur Pigou, kinh tế học phúc lợi cho rằng giải pháp cho vấn đề trên phải thông qua sự can thiệp của chính quyền, trong việc áp đặt một hình phạt, ví dụ một loại thuế, đối với tác nhân chịu trách nhiệm về sự tổn hại.

Coase đặt lại vấn đề phân tích trên, chứng minh cho thấy rằng những đánh đổi trên thị trường đủ để giải quyết những vấn đề này mà không cần có sự can thiệp của chính quyền, và nếu có thì thậm chí còn làm cho tình hình tồi tệ hơn. Chỉ cần các đánh đổi đó được định nghĩa và phân giới rõ ràng điều mà Coase gọi là những "quyền sở hữu", và việc này thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp. Quyền sở hữu là một quyền hợp pháp, ngoài quyền chiếm hữu, bao gồm ví dụ quyền tùy nghi sử dụng một cái gì đó. Nếu các quyền trên có khả năng được giao dịch một cách tự do, và khi không có chi phí giao dịch, thì việc đàm phán và trao đổi giữa các tác nhân có liên quan sẽ cho ra một kết quả tốt nhất về mặt sản xuất và phân bổ nguồn lực. Hơn nữa, giá trị và cơ cấu của nền sản xuất quốc dân sẽ giống nhau, bất luận sự phân bổ ban đầu các quyền sở hữu giữa các tác nhân với nhau.

Đó là điều mà người ta gọi là định lý Coase, theo đó các chi phí xã hội và chi phí tư được làm cho bằng nhau, không có sự can thiệp của chính quyền. Coase sau đó nói thêm rằng, ngay cả khi có chi phí giao dịch, người ta không thể giả định rằng sự can thiệp của chính quyền sẽ cải thiện tình hình: "Tôi cho rằng các nhà kinh tế, và đặc biệt hơn là các nhà lãnh đạo chính trị, có xu hướng đánh giá quá cao những lợi thế xuất phát từ những quy định của chính quyền" (1988, trang 119). Cần phải nghiên cứu các tình huống một cách cụ thể trên cơ sở từng trường hợp một.

Năm 1959, khi Coase đưa bài viết của ông cho tạp chí Journal of Law and Economics (Tạp chí luật pháp và kinh tế học), Aaron Director, giám đốc của tạp chí vừa mới thành lập này, và các đồng nghiệp khác ở Chicago, cho rằng ông đã nhầm lẫn. Ông được mời để bảo vệ quan điểm của mình và, trong một bữa ăn tối đáng nhớ tập hợp khoảng hai mươi người, trong đó có Milton Friedman và George Stigler, ông thành công trong việc lật ngược thế cờ; ông được yêu cầu viết ra lập luận của ông bằng văn bản, và nó đã trở thành bài The Problem of Social Cost (Vấn đề chi phí xã hội).

Tất nhiên, các kết luận của Coase là miếng bánh thánh cho Đại học Chicago, nơi ông sẽ chuyển đến vào năm 1964. Bài Vấn đề chi phí xã hội là điểm khởi đầu cho sự phát triển một nhánh ngành kinh tế học mới, được gọi là "Pháp luật và kinh tế học". Coase đóng một vai trò quan trọng trong đó, khi cùng với những người khác điều hành trong mười chín năm tạp chí Journal of Law and Economics (Tạp chí luật pháp và kinh tế học). Ông cũng thâm nhập vào lĩnh vực lịch sử tư tưởng. Là người ngưỡng mộ Adam Smith, và cả Alfred Marshall, ông đã dành cho họ nhiều bài viết. Ông thậm chí còn bắt đầu nghiên cứu để xuất bản một cuốn tiểu sử của Marshall.

Ronald Coase qua vài năm tháng

1910: sinh ngày 29 tháng 12 ở Willesden, ngoại ô London.

1932: tốt nghiệp cử nhân thương mại trường London School of Economics.

1932-1932: du học ở Hoa Kỳ.

1932-1934: giảng dạy tại trường Dundee School of Economics and Commerce.

1934-1935: giảng dạy tại Đại học Liverpool.

1935-1951: giáo sư tại trường London School of Economics.

1937: The Nature of the Firm (Bản chất của doanh nghiệp).

1938: Business Organization and the Accountant (Tổ chức kinh doanh và người kế toán).

1946: The Marginal Cost Controversy (Cuộc tranh luận về chi phí cận biên).

1950: British Broadcasting: A Study in Monopoly (Đài phát thành Anh Quốc: Một nghiên cứu về độc quyền).

1951: lấy bằng tiến sĩ tại trường London School of Economics; di cư đến Hoa Kỳ.

1951-1958: giáo sư tại Đại học Chicago.

1958-1964: giáo sư tại Đại học Virginia.

1959: The Federal Communications Commission (Ủy ban Truyền thông Liên bang).

1960: The Problem of Social Cost (Vấn đề chi phí xã hội).

1964-1979: giáo sư tại Đại học Chicago.

1964-1982: chủ nhiệm báo Journal of Laws and Economics.

1972: Industrial Organization: A Proposal for Research (Tổ chức công nghiệp: Một đề xuất để nghiên cứu).

1973: The Market for Goods and the Market for Ideas (Thị trường vì hàng hóa và thị trường vì ý tưởng).

1974: The Lighthouse in Economics (Ngọn hải đăng trong kinh tế học).

1979: được phong làm giáo sư danh dự và Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Luật, Đại học Chicago.

1988: The Firm, the Market and the Law (Doanh nghiệp, thị trường và pháp luật).

1991: nhận giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.

1992: The Institutional Structure of Production (Cấu trúc thể chế của sản xuất), Về khoa học kinh tế (Các thuyết trình tại lễ trao giải thưởng Nobel, Hà Nội, 2000, NXB Chính trị quốc gia, trang 32-46 - ND).

1994: Essays on Economics and Economists (Các tiểu luận về kinh tế học và các nhà kinh tế).

1996: là nhà sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Hội vì một kinh tế học thể chế mới.

1998: The New Institutional Economics (Kinh tế học thể chế mới).

Tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Coase

British Broadcasting: A Study in Monopoly, Longmans Green, 1950.

Essays on Economics en Economists, University of Chicago Press, 1994.

Le coût du droit (recueil de ses principaux articles), PUF, 2000.

L’entreprise, le marché et le droit, Editions d’Organisation, 2005.

Những tác phẩm viết về Coase

Ronald Coase on the Nature of Social Cost as a Key to the Problem of the Firm, của Yoram Barzel et Levis A. Kochin, Scandinavian Journal of Economics, vol. 94, 1992, pp. 19-31.

Ronald Coase, Old-Fashioned Scholar, của Karl Brunner, Scandinavian Journal of Economics, vol. 94, 1992, pp. 7-17.

Ronald H. Coase, của Steven G. Medema, Mcmillan, 1994.

The Legacy of Coase in Economic Analysis, của Steven G. Medema (dir.), Edward Elgar, 1995.

Handbook of New Institutional Economics, của Claude Ménard et Mary M. Shirley (dir.), Kluwer Academic, 2005.

Economies des coûts de transaction, của Stéphane Saussier et Anne Yvrande-Billion, La Découverte, 2007.

Coase trên mạng

www.coase.org

Nguồn:Ronald Coase, pionnier de la nouvelle économie institutionnelle” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.

Nguồn dịch: Phân tích kinh tế: Ronald Coase, nhà tiên phong của kinh tế học thể chế mới

Tác giả liên quan