[Nền dân trị Mỹ] - Chương IV: Về nguyên lý nhân dân tối thượng ở nước Mỹ

[Nền dân trị Mỹ] - Chương IV: Về nguyên lý nhân dân tối thượng ở nước Mỹ

Nguyên lí ngự trị toàn bộ xã hội Mĩ. − Ứng dụng nguyên lí đó của người Mĩ ngay từ trước khi nổ ra cách mạng. − Cách mạng đã phát triển thêm nguyên lí đó. − Hạ thấp dần và buộc phải giảm quy định về thuế suất bầu cử của cử tri.

Khi muốn nói về các đạo luật chính trị ở Hoa Kì, bao giờ chúng ta cũng nên bắt đầu từ cái tín điều về nguyên lí nhân dân tối thượng.

Nguyên lí nhân dân tối thượng luôn luôn là cái ít nhiều có mặt ở nền tảng của hầu hết các thiết chế người và bình thường được cất kín ở đó. Mọi người tuân lệnh nguyên lí đó mà không nhận ra, hoặc nếu như có đôi khi nó được chưng ra giữa thanh thiên bạch nhật thì người ta liền vội vàng đưa nó vào ngay bên trong thánh đường.

Những kẻ âm mưu và những kẻ chuyên quyền mọi thời đại đều vô cùng thích lạm dụng những lời lẽ về ý chí quốc gia. Những kẻ âm mưu thấy cái ý chí đó trong các lá phiếu mua được bởi một vài người có thể trong chính quyền. Những kẻ chuyên quyền thấy cái ý chí đó trong các lá phiếu của thiểu số dân đi bỏ phiếu vì tham hoặc vì sợ. Còn có cả cái ý chí đó thể hiện trong sự im lặng của người dân và cho rằng từ sự phục tùng trên thực tế này sinh cho họ cái quyền chỉ huy.

Ở Mĩ, nguyên lí nhân dân tối thượng không bị che giấu hoặc khô cằn như ở một vài quốc gia. Nó được thừa nhận ở ngay trong tập tục, được tuyên ngôn trong luật pháp. Nó mở rộng ra cùng với sự tự do và không gặp trở ngại gì khi đạt tới những hệ quả cuối cùng.

Nếu như có một quốc gia duy nhất nào trên thế giới ở đó ta có thể hi vọng đánh giá đúng giá trị của tín điều nguyên lí nhân dân tối thượng, nghiên cứu nó ngay trong sự vận dụng vào mọi công việc của xã hội và thấy hết các thuận lợi cũng như hiểm nguy nó gây ra, chắc chắn cái quốc gia đó phải là nước Mĩ.

Trước đây tôi đã nói rằng ngay từ gốc thì cái nguyên lí nhân dân tối thượng đã là nguyên lí tạo sinh hầu hết các khẩn địa Anh tại nước Mĩ.

Nhưng khi ấy cũng còn thiếu nhiều nữa mới có thể coi là nguyên lí đó chi phối được việc cai quản xã hội như đã đạt được trong tình hình hiện thời.

Có hai trở ngại, một ở bên ngoài, một ở bên trong, đã làm chậm bước tiến xâm thực của nguyên lí đó.

Nguyên lí đó không thể phơi bày không né tránh trong luật pháp, vì khi đó các khẩn địa vẫn còn bị bắt buộc phải tuân thủ luật pháp bên chính quốc. Vì thế nguyên lí đó phải được ẩn giấu kĩ trong các cuộc đại nghị hàng tỉnh và nhất là trong các công xã. Tại đó nguyên lí này tha hồ bộc lộ một cách kín đáo.

Xã hội Mĩ khi ấy vẫn còn chưa được chuẩn bị để tiếp nhận nguyên lí nhân dân tối thượng cùng với mọi hệ quả của nó. Như tôi đã trình bày trong chương trước, những đầu óc sáng láng bên New England, các tài nguyên ở phía Nam vịnh Hudson vẫn có một thứ tác động lâu dài kiểu quý tộc trị có xu hướng thắt chặt không khó khăn lắm việc thực thi các quyền lực xã hội. Vẫn còn chưa đến lúc tất cả các công chức đều được bầu ra và tất cả các công dân đều là người đi bầu. Quyền bầu cử ở khắp nơi vẫn còn bị giam trong những giới hạn nhất định và phụ thuộc vào quy định thuế suất bầu cử. Quy định mức tiền thuế phải nộp này ở miền Bắc rất thấp, nhưng ở miền Nam thì khá cao.

Thế rồi cuộc cách mạng bùng nổ ở Mĩ. Cái tín điều về quyền nhân dân tối thượng bước ra khỏi công xã và chiếm lấy toàn bộ công việc chính quyền. Con người nhân danh quyền đó để chiến đấu và chiến thắng. Nó trở thành luật của mọi luật.

Một sự đổi thay hầu như cũng nhanh như thế diễn ra trong nội bộ xã hội. Luật thừa kế kết thúc nốt công việc phá tan các ảnh hưởng mang tính chất địa phương.

Vào thời điểm tác động của luật pháp và cách mạng này hiện rõ ra trước mắt mọi người thì cách mạng đã thắng và xu hướng dân trị đã tỏ ra khó có thể bị đảo ngược. Trên thực tế toàn bộ quyền lực đã nằm trong tay nền dân trị. Không còn có thể chiến đấu chống lại nó nữa. Các giai tầng bên trên bị buộc phải ngậm miệng tuân phục không chống trả một sự xấu xa từ đây không sao tránh khỏi. Đã xảy ra với họ như từng xảy ra với những quyền lực bị thất thế: các thành viên của nó chỉ còn ích kỉ lo cho riêng mình thôi. Và do chỗ người ta không thể tranh giành lại được quyền lực từ tay nhân dân, và người ta cũng chẳng còn thù ghét đám đông nữa để còn “chịu chơi” đứng ra đương đầu lại, người ta chỉ còn tìm cách bằng mọi giá tranh thủ lấy sự độ lượng của đám đông. Thế là những đạo luật dân chủ nhất lại đã được giơ tay biểu quyết bởi những con người bị đụng chạm quyền lợi nhiều nhất. Theo cách này, các giai tầng bên trên không còn kích động các đam mê của nhân dân nữa, mà thúc đẩy nhanh sự thắng lợi của trật tự mới. Và thế là, mà đây là điều đặc biệt, cao trào dân chủ lại càng không sao cưỡng lại nổi tại những bang mà tầng lớp quý tộc bám rễ nhiều nhất.

Bang Maryland, là bang do các đại vương tôn lập ra, lại là bang đầu tiên tuyên bố phổ thông đầu phiếu và áp dụng vào công việc chính quyền những hình thức dân chủ nhất.

Khi một dân tộc bắt đầu đụng chạm tới việc quy định mức thuế để được đi bầu, thì ta có thể tiên đoán đến một lúc nào đó, lâu mau còn tuỳ, quy định đó cũng sẽ biến mất. Đây là một trong những quy tắc chi phối xã hội thuộc loại bất biến nhất. Càng đẩy lùi các giới hạn của quyền bầu cử, người ta càng thấy có nhu cầu đẩy lùi hơn nữa. Bởi vì, cứ sau một lần thoả hiệp mới, thì các thế lực dân chủ lại gia tăng và các đòi hỏi của họ cũng tăng lên cùng với quyền lực mới. Tham vọng của những con người bị bỏ bên dưới mức thuế quyền bầu cử tỏ ra bức bối theo tỉ lệ thuận với số đông những ai được nằm trên mức đó. Cuối cùng thì cái ngoại lệ lại thành cái quy tắc. Những thoả hiệp liên tục diễn ra, và không sao dừng lại được nữa, và sẽ chỉ có thể dừng lại khi đã đạt tới phổ thông đầu phiếu.

Hiện thời, ở bên Hoa Kì, nguyên lí nhân dân tối thượng đã phát triển thực tiễn hết cỡ theo những gì trí tưởng tượng có thể đạt tới. Nguyên lí đó toát ra từ mọi điều viễn tưởng được con người đem dùng để bao bọc lấy nó. Tuỳ theo nhu cầu từng lúc mà nó được liên tục thay áo đủ các kiểu. Có khi đó là nhân dân họp lại và làm luật như ở Athènes thời cổ xưa. Có khi đó là các đại biểu do dân cùng nhau cử ra, họ đại diện cho dân và hoạt động nhân danh người dân dưới sự giám sát hầu như trực tiếp của người dân.

Có những nước ở đó quyền lực hình như nằm ngoài tổ chức xã hội song lại tác động tới nó và buộc xã hội cất bước theo một hướng nào đó.

Lại có những nước ở đó lực lượng bị chia rẽ, tất cả đều được nằm trong xã hội và nằm ngoài xã hội. Ta không hề thấy những điều tương tự như vậy ở bên Hoa Kì. Ở đó xã hội tự tác động và tác động lên chính nó. Sức mạnh chỉ có ở trong lòng nó mà thôi. Ở Hoa Kì hầu như ta chẳng bắt gặp một con người cá nhân nào dám tìm ra một nguyên lí khác hoặc tỏ ý muốn đi tìm một nguyên lí khác ở nơi khác thay vào. Nhân dân tham gia vào việc soạn thảo các bộ luật thông qua việc lựa chọn các nhà làm luật, nhân dân áp dụng các bộ luật đó thông qua việc bầu ra những người trong bộ máy hành pháp. Ta có thể nói là nhân dân tự cai trị mình, phần dành cho công việc cai quản càng yếu và hạn hẹp thì nền hành pháp này càng cảm thấy nó từ nhân dân mà ra và tuân phục cái sức mạnh đã làm toát ra nó. Nhân dân ngự trị lên trên quyền lực chính trị nước Mĩ như Chúa Trời ngự trị lên vũ trụ. Nhân dân là nguyên nhân và là mục đích của mọi điều. Tất cả đều từ nhân dân mà ra và tất cả đều được hấp thụ vào nhân dân. (Xem H)

CHÚ THÍCH

(H) TÓM TẮT CÁC ĐIỀU KIỆN BẦU CỬ Ở HOA KÌ

Tất cả các bang đều quy định tuổi bầu cử là hai mươi mốt. Tại tất cả các bang, cử tri phải cư trú một thời gian nhất định tại quận mình đi bầu. Thời hạn đó dao động từ ba tháng đến hai năm.

Về quy định tài sản cử tri: ở bang Massachusetts muốn được là cử tri thì phải có thu nhập 3 bảng hoặc có số vốn 60 bảng.

Ở bang Rhode Island, phải có tài sản điền địa giá trị 133 dollar (704 franc).

Ở bang Connecticut phải có một tài sản đem lại thu nhập 17 dollar (khoảng 90 franc). Một năm phục vụ trong tổ chức dân phòng cũng được quyền bầu cử.

Ở bang New Jersey, cử tri phải có vốn 50 bảng.

Ở bang Carolina Nam và Maryland, cử tri phải có 50 acre đất.

Ở bang Tennesee, cử tri phải có một tài sản nào đó.

Ở các bang Mississippi, Ohio, Georgia, Virginia, Pennsylvania, Delaware, New York, muốn được là cử tri, chỉ cần đóng thuế: ở hầu hết các bang này, tham gia dân phòng cũng tương đương như đóng thuế.

Ở bang Maine và ở New Hampshire, chỉ cần tên mình không nằm trong danh sách dân nghèo khó là được.

Sau hết, tại các bang Missouri, Alabama, Illinois, Louisiana, Indiana, Kentucky, Vermont, người ta không đòi hỏi một điều kiện gì liên quan đến tài sản người cử tri.

Tôi nghĩ là chỉ có ở bang Carolina Bắc người ta mới bắt buộc cử tri bầu Thượng viện phải có điều kiện khác với cử tri bầu Hạ viện. Để được đi bầu Thượng viện, cử tri phải có 50 acre đất đai. Còn để được quyền đi bầu Hạ viện, chỉ cần đóng thuế là đủ.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn