![[Tinh thần dân chủ] Chương 11: Châu Phi, vượt qua quyền lực cá nhân (Phần 3)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_13.3_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 11: Châu Phi, vượt qua quyền lực cá nhân (Phần 3)
THỜI ĐẠI CHÍNH TRỊ (TƯƠNG ĐỐI) MỚI CỦA CHÂU PHI
Cá nhân hóa và tập trung quyền lực của chính phủ vẫn là thực tế không lay chuyển được ở châu Phi. Nhưng hiện nay đã có khác biệt, đó là “tổng thống tại vị suốt đời” đã không còn là toàn bộ câu chuyện của châu Phi nữa. Kể từ công cuộc “giải phóng thứ hai” vào năm 1990, nhiều tổng thống tại vị trong thời gian dài (trong đó có cả một số người được nhắc đến bên trên) đã bị loại bỏ hoặc bị thua trong các cuộc bầu cử. Hầu hết các nước đã áp dụng nhiệm kì tổng thống có thời hạn và nhiều nước đã kháng cự thành công những nỗ lực của những vị tổng thống đang nắm quyền nhằm đưa ông ta lên. Ngay cả ở những nước như Uganda và Zimbabwe, nơi mà các vị tổng thống tiếp tục tại vị, họ cũng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn của xã hội, của phe đối lập và sự phẫn nộ về đạo đức hơn là giai đoạn trước năm 1990.
Một trong những tác nhân có thể ngăn chặn được sự suy thoái của nhà nước chính là dân chủ và sự phát triển kèm theo của chủ nghĩa hợp hiến. Trước năm 1990, chỉ có vài nước dân chủ trên cả châu lục này, và đấy chủ yếu là những nước rất ít dân như Gambia, Mauritius và Botswana. Cuối năm 2006, khoảng 23 nước châu Phi đã là những nước dân chủ (xem phụ lục, bảng 4 và 5). Thậm chí nếu một vài trong số này là những nước dân chủ nửa vời – với những cáo buộc về hành động phi pháp trong các cuộc bầu cử, tệ nạn tham nhũng, đảng cầm quyền giữ thế thượng phong trong bộ máy nhà nước, trong xã hội dân sự và báo chí – thì sự chuyển đổi về chính trị của châu lục này là hiện tượng phi thường. Nhiều chế độ dân chủ bầu cử xuất hiện sau năm 1990, ví dụ, Benin, Mali, và Nam Phi đã tồn tại được trong hơn một thập kỉ. Sau hai thập kỉ nằm dưới quyền cai trị của Jerry Rawlings (ban đầu là dưới chế độ quân sự dân túy của ông ta, sau đó trong hai nhiệm kỳ tổng thống dân sự bầu cử), Ghana xuất hiện như một trong những chế độ dân chủ tự do và có sức sống nhất của châu Phi, đòi lại được địa vị lãnh đạo chính trị lục địa, được trui rèn và sau đó đánh mất dưới thời nhà lãnh đạo phong trào giành độc lập Kwame Nkrumah. Và xu hướng là tích cực: từ năm 2002 đến năm 2006, mức độ tự do trung bình của châu Phi đã tăng được nửa điểm trên thang 7 điểm về quyền chính trị và quyền tự do dân sự của Freedom House.
Xu hướng tích cực còn nổi bật hơn khi ta nhìn những nước châu Phi đã trở thành những nước dân chủ bầu cử. Trong đó có ba quốc gia nghèo nhất thế giới về chỉ số phát triển con người (Mali, Niger và Sierra Leone) và một số nước khác, nằm trong số hai mươi nước nghèo nhất thế giới (Burundi, Malawi, Mozambique và Zambia). Trong đó có bốn nước (Burundi, Liberia, Mozambique, và Sierra Leone), nơi mà dân chủ hóa là một phần của những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã làm cho hàng ngàn người chết (ở Burundi là hai trăm ngàn). Ở Liberia, chế độ dân chủ hình thành khi đất nước thời hậu chiến vẫn còn dựa vào mười ba ngàn binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Tranh luận về chính trị và đa nguyên dân sự ở châu Phi hiện nay diễn ra mạnh hơn bất kì thời điểm nào trong giai đoạn hậu thuộc địa trước đó của châu lục này. Nhưng dân chủ vẫn là một bông hoa mờ nhạt và yếu ớt.
Ví dụ, đầu những năm 1990, khó tưởng tượng triển vọng dân chủ hóa ở một nước như Malawi. Trong gần ba mươi năm, đất nước này nằm trong gọng kìm của một nhà độc tài lập dị và vô tích sự là tiến sĩ Hastings Kamuzu Banda. Hai năm sau khi giành được độc lập vào năm 1964, Malawi chính thức tuyên bố nhà nước độc đảng và năm 1971, Banda đã tự phong mình là “tổng thống suốt đời”. Suốt thập niên 1970 và thập niên 1980, phe đối lập, dưới mọi hình thức đều không được chấp nhận. Báo chí bị kiểm soát gắt gao, và xã hội dân bị đàn áp khốc liệt. Dân chúng bị lực lượng thanh niên bán quân sự của đảng cầm quyền dọa dẫm. Tất cả các hoạt động chính trị bên ngoài đảng cầm quyền đều bị coi là tội phạm hình sự. Banda bị bệnh hoang tưởng đến mức coi những người bất đồng chính kiến đang sống lưu vong ở nước ngoài là mục tiêu của những vụ ám sát hay bắt cóc.1 Sau đó, năm 1991, các nhà tài trợ nước ngoài buộc Banda, lúc đó đã 90 tuổi, phải mở cửa về chính trị. Dưới áp lực trong nước và quốc tế kéo dài, năm 1993 ông ta đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu Malawi nên có một hệ thống đa đảng và đã thất bại nặng nề, với gần hai phần ba số phiếu nói: Có. Cuộc bầu cử đa đảng vào năm sau đã đưa đảng mới và nhà lãnh đạo mới, Bakili Muluzi, lên cầm quyền.
Mười năm Muluzi giữ chức tổng thống không phải là giai đoạn thành công mĩ mãn. Trong nhiệm kì năm năm đầu tiên, Muluzi đã thả các tù chính trị, thiết lập các quyền tự do căn bản, đầu tư vào y tế và giáo dục và thông qua được bản hiến pháp củng cố chế độ dân chủ đa đảng và giới hạn thời gian giữ chức tổng thống của một người là hai nhiệm kì. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các khu vực và sắc tộc đã trở thành nhức nhối và Muluzi tái đắc cử chỉ với số phiếu cách biệt rất nhỏ và bị phe đối lập phản đối gay gắt. Nhiệm kỳ thứ hai của ông ta “bị lạm phát cao, tăng trưởng thấp và những cáo buộc tham nhũng tràn lan của chính phủ làm cho lu mờ, vì vậy, nhiều nhà tài trợ không cung cấp những khoản tiền như đã hứa, làm cho khủng hoảng kinh tế càng tồi tệ thêm.”2 Hơn nữa, thứ hạng của Malawi trên bảng xếp hạng về tự do đã xấu vì Muluzi tiếp tục tìm cách nắm giữ quyền lực.3 Nhưng, áp lực trong nước và quốc tế một lần nữa lại hướng vào Malawi và Muluzi bị buộc phải từ bỏ chiến dịch sửa đổi hiến pháp để tạo điều kiện cho ông ta ứng cử tổng thống lần thứ ba. Lúc đó ông ta đã là một người ngoài cuộc, Bingu wa Mutharika, một nhà kinh tế học đã 70 tuổi và là người từng làm việc cho các tổ chức quốc tế, nhưng đã đi khỏi Malawi vì đối lập với Banda, thay mặt ông ta ra tranh cử. Nhưng khi vị tổng thống mới (được bầu với chỉ có 35% phiếu) phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt – tiến hành điều tra cựu tổng thống và một số đồng minh hàng đầu của ông ta – thì đảng cầm quyền lâm vào tình trạng chia rẽ. Tổng thống Mutharika buộc phải thành lập đảng mới, ông không còn được đa số trong quốc hội ủng hộ nữa. Muluzi và đảng của ông ta tìm cách buộc tội Mutharika (nhưng không thành công) và đất nước rơi vào tình trạng bất ổn về chính trị. Và trong khi việc quản lý kinh tế được cải thiện dưới chính quyền kĩ trị của Mutharika, thì cả nước lại phải chiến đấu với đại dịch HIV/AIDS, làm cho cứ bảy người lớn thì có một người bị mắc bệnh và tuổi thọ trung bình giảm xuống chỉ còn bốn mươi, trong khi ba phần tư người dân trong cả nước phải vật lộn để tồn tại với chưa tới 2 USD một ngày.
Bên cạnh tất cả những khó khăn và không chắc chắn, trong câu chuyện về Malawi thời hậu chuyển đổi vẫn có một dấu hiệu đầy hi vọng. Nỗ lực của Tổng thống Muluzi nhằm bẻ cong hiến pháp theo ý ông ta đã thất bại. Trái ngược với những sự kiện dưới thời Banda, các thiết chế đã giành chiến thắng trước những tham vọng của nhà cầm quyền. Và đây không còn là câu chuyện hiếm ở châu Phi; các quy tắc hiến định chính thức về những biện pháp mà các nhà lãnh đạo giành và từ bỏ quyền lực ngày càng trở thành quan trọng. Như hai nhà nghiên cứu chính trị Daniel Posner và Danien Young ở Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã chỉ ra, từ năm 1990 trở đi nền chính trị của châu Phi đã ít bạo lực hơn và mang tính thiết chế nhiều hơn.4 Từ năm 1990 đến năm 2005, sáu vị tổng thống, trong đó có Yoweri Museveni ở Uganda, đã làm mất hiệu lực giới hạn số lần giữ chức tổng thống, nhưng đây là những trường hợp hãn hữu. Những người cai trị đầy quyền lực như Jerry Rawlings ở Ghana và Daniel arap Moi ở Kenya và cuối cùng mười người khác đã bị giới hạn về thời gian cầm quyền buộc phải từ chức tổng thống. Sau hơn hai thập kỉ cầm quyền, Rawlings và Moi vẫn muốn được tiếp tục cầm quyền, nhưng đã đầu hàng trước áp lực ở trong nước cũng như quốc tế. Ba nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có tổng thống Olusegun Obasanjo ở Nigeria, tìm mọi cách nhưng đã thất bại, không thể kéo dài thêm nhiệm kỳ tổng thống. Ngay cả những nhà lãnh đạo vượt qua được giới hạn nhiệm kì cũng bắt buộc phải làm như vậy bằng cách sửa đổi hiến pháp chứ không đơn giản tuyên bố là “tổng thống suốt đời” (ít khi xảy ra ngay sau khi giành được độc lập). Hơn nữa, trong những năm 1960, 1970 và 1980, hơn hai phần ba các nhà lãnh đạo châu Phi thường rời bỏ chức vụ một cách đầy bạo lực: đảo chính hay ám sát. Trong những năm 1990, ra đi một cách hòa bình – chủ yếu là do thất cử hoặc tự nguyện từ chức – trở thành chuẩn mực, và từ năm 2000 đến năm 2005, cứ năm lãnh đạo châu Phi thì có bốn người được thay thế bằng cách này. Việc chấm dứt chế độ độc đảng còn có tính quyết định hơn với sự vùng lên của dân chủ ở châu Phi. Từ những năm 1990, bầu cử ngày càng diễn ra theo định kì và thường xuyên hơn, và gần như tất cả các cuộc bầu cử ở châu Phi đều có tính cạnh tranh. Như trường hợp ở Nigeria – cũng như ở Ethiopia, Gambia, Uganda và rõ ràng nhất là Zimbabwe, cùng với những nước khác – rất nhiều cuộc bầu cử đã bị hạn chế một cách tùy tiện, xuyên tạc hoặc gian lận một cách rõ ràng. Nhưng các đảng và các nhà lãnh đạo đang bắt đầu thất cử. Trong khi từ năm 1960 đến năm 1990, chỉ có một tổng thống châu Phi đương nhiệm thất cử, thì từ năm 1990 đến năm 2005 cứ bảy vị tổng thống đương nhiệm tranh cử thì có một người thất cử.5 Ngoài ra, thay đổi nhà cầm quyền thông qua bầu cử có tác động tích cực đáng kể đối với sự ủng hộ và lòng tin vào dân chủ.6 Và, ngay cả khi các cuộc bầu cử không thật sự tự do và công bằng, thì dường như việc tổ chức thường xuyên những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cũng nâng cao dần các quyền tự do dân sự bằng cách tăng cường ý thức dân chủ của công dân, củng cố các tổ chức của xã hội dân sự và phương tiện truyền thông đại chúng, và khuyến khích những người có chức có quyền phát huy sáng kiến và củng cố những cơ sở ủng hộ cho họ trong cử tri đoàn.7
Tại sao hiện nay các vị tổng thống ở châu Phi cảm thấy gò bó hơn trước? Posner và Young đưa ra hai cách giải thích khá hấp dẫn. Một, họ bị quốc tế áp lực mạnh hơn. Viện trợ nước ngoài trung bình (tính bằng tỉ lệ phần trăm của toàn bộ nền kinh tế) cho những nước mà tổng thống không tìm cách ở lại nhiệm kì thứ ba thường gấp gần hai lần so với những nước mà tổng thống tìm cách ở lại thêm nhiệm kì ba (và thường thành công). Hai, dư luận xã hội. Hiện nay, nhân dân châu Phi đã thức tỉnh, lưu tâm và tích cực hơn bao giờ hết. Kì vọng của họ về chính phủ đã cao hơn trước, và sự sẵn sàng và khả năng tổ chức nhằm thách thức những vụ lạm dụng quyền lực cũng lớn hơn trước. Chín vị trổng thống ở châu Phi, những người cảm thấy bị gò bó, không được tranh cử lần thứ ba được ít cử tri ủng hộ hơn so với chín người không tìm cách tranh cử lần thứ ba, cho thấy có sự nhạy cảm hơn trước công luận.
Điều này cho thấy một xu hướng tích cực nữa ở châu Phi, với những hậu quả lâu dài: sự phát triển của xã hội dân sự.8 Đấy là một loạt các hiệp hội độc lập với đảng cầm quyền đã bắt đầu tham gia vào những cuộc đối thoại và vận động chính trị, họ là lực lượng lớn trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình chính trị, thách thức và đôi khi thậm chí còn được tổng thống đương quyền ve vãn. Một số tổ chức có nguồn gốc từ thời thực dân và ngay sau khi giành được độc lập – các hiệp hội sinh viên, công đoàn, các tổ chức tôn giáo và các nhóm lợi ích trên cơ sở sự ủng hộ lẫn nhau trong các lĩnh vực thương mại, nghề nghiệp và sắc tộc – nhưng cũng có một thế hệ mới của các nhóm hoạt động vì dân chủ và quản trị tốt: các viện nghiên cứu, tổ chức luật sư, các tổ chức nhân quyền, phụ nữ và giáo dục công dân, mạng lưới giám sát bầu cử, và các tổ chức về phát triển ở địa phương và trên toàn quốc. Hơn hẳn những ngày lập quốc, quá trình xây dựng chế độ dân chủ ở châu Phi là từ dưới lên. Các tổ chức phi chính phủ dạy cho người dân quyền và nghĩa vụ công dân, cung cấp cho họ những kĩ năng và sự tự tin nhằm buộc những người cầm quyền phải có trách nhiệm giải trình, vạch trần và đối đầu với nạn tham nhũng, giải quyết xung đột một cách hòa bình, thúc đẩy sự hòa giải giữa các sắc tộc và tôn giáo, giám sát ngân sách và chi tiêu của chính phủ, để thúc đẩy phát triển của cộng đồng, tuyển dụng và đào tạo các nhà lãnh đạo chính trị mới. Các nhóm của xã hội còn hoạt động ở tầm quốc gia nhằm giám sát các cuộc bầu cử, giám sát ngân sách của chính phủ và những cuộc thảo luận của quốc hội; tố cáo lãng phí, gian lận và lạm dụng chức quyền; vận động cho cải cách pháp luật và đổi mới các thiết chế nhằm kiểm soát nạn tham nhũng, cải thiện chất lượng và tính minh bạch của quản trị (xem chương 13). Những tổ chức có sức mạnh không chỉ từ kinh phí và cố vấn từ các qũy và các nhà tài trợ quốc tế, mà quan trọng hơn, từ sự tương tác ngày càng thường xuyên hơn giữa họ với nhau. Hàng chục tổ chức ủng hộ dân chủ và quản trị tốt ở ba mươi quốc gia châu Phi đã liên kết trong tổ chức gọi là Diễn đàn Dân chủ châu Phi (African Democracy Forum).9 Một số tổ chức xã hội dân sự châu Phi, đáng chú ý nhất của Viện Dân chủ ở Nam Phi (Institute for Democracy in South Africa – IDASA) đã đạt được độ chín muồi về thiết chế và hiện đang hỗ trợ cho phát triển dân chủ ở những nước khác trên lục địa này.
Chú thích:
(1) Freedom House, Freedom in the World, 1991-1992 (New York: Freedom House, 1992), p. 313.
(2) One World, “Malawi Guide”, http://uk.oneworld.net/guides/malawi/development#Politics.
(3) Freedom House, Freedom in the World, 2006: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2006), pp. 440-41.
(4) Daniel Posner and Daniel Young, “The Institutionalization of Political Power in Africa”, Journal of Democracy 18 (July 2007): 126-40. Các số liệu trong đoạn này là lấy từ bài báo của hai ông.
(5) Ibid.
(6) Michael Bratton, “The ‘Alternation Effect’ in Africa”, Journal of Democracy 15 (October 2004); 147-58.
(7) Staffan Lindberg. “The Surprising Significance of Arriran Elections”, Jounal of Democracy 17 (January 2006): 139-51.
(8) Bằng chứng và luận cứ ở đây được thể hiện trong một đoạn dài hơn trong tác phẩm của Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns. Hopkins University Press), chap. 6.
(9) Africa Democracy Forum, http://www.africandemocracyforum.org/.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)