[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 2: Trạng thái tự nhiên (Phần 1)
Trong trạng thái tự nhiên của Locke, các cá nhân ở trong “một trạng thái tự do hoàn hảo để sắp đặt hành động và định đoạt tài sản và cá nhân họ theo những gì họ cho là thích hợp, trong khuôn khổ của luật tự nhiên, mà không phải xin phép hay phải phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai khác” (mục 4)1. Khuôn khổ của luật tự nhiên đòi hỏi “không một ai có thể gây hại đến sinh mạng, sức khỏe, sự tự do hay tài sản của người khác” (mục 6). Một vài người vượt qua khuôn khổ này, “xâm phạm các quyền của người khác, và … gây hại đến người khác,” và để đáp trả lại điều này, người ta có thể bảo vệ chính mình hoặc người khác trước những sự xâm phạm về quyền như vậy (chương 3). Bên bị gây hại và người đại diện của anh ta có thể giành lại từ kẻ xâm phạm “khoản bồi thường tương xứng với sự tổn hại mà anh ta đã gánh chịu” (mục 10); “mọi người đều có quyền trừng phạt những kẻ xâm phạm đến luật tự nhiên, đến mức đủ để có thể ngăn trở sự vi phạm này” (mục 7); mỗi người có thể và chỉ có thể “trừng phạt kẻ phạm tội ở chừng mực mà lý trí và lương tâm bình tĩnh ra lệnh, một cách tương xứng với sự xâm phạm của anh ta, đủ để có thể khắc phục và ngăn chặn tội ác” (mục 8).
Theo Locke, “trạng thái tự nhiên có nhiều bất tiện” khiến cho “tôi dễ dàng thừa nhận rằng chính quyền dân sự là một phương cách xử lý phù hợp” (mục 13). Để hiểu chính xác những gì mà chính quyền dân sự có thể xử lý, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ lặp lại danh sách những bất tiện của trạng thái tự nhiên mà Locke đưa ra. Chúng ta cũng phải xem xét những cách thức sắp xếp nào nên được thực hiện để đối phó với những bất tiện này trong trạng thái tự nhiên – nhằm tránh để chúng xuất hiện, hoặc giảm khả năng xảy ra chúng, hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của chúng khi chúng xuất hiện. Chỉ sau khi các nguồn lực của trạng thái tự nhiên được khám phá một cách đầy đủ, cụ thể là khi tất cả các cách thức sắp xếp và thỏa thuận tự nguyện mà con người có thể đạt được đã phát huy hết vai trò của chúng, và chỉ sau khi tác động của những điều này đã được đánh giá, thì chúng ta mới ở vào vị trí thấy được độ nghiêm trọng của những bất tiện vẫn chưa được khắc phục, cần trông cậy vào nhà nước, và đánh giá được liệu phương cách trị bệnh này có tồi tệ hơn là chính căn bệnh hay không.2
Trong trạng thái tự nhiên, luật tự nhiên như ta hiểu không đưa ra giải pháp thích hợp cho mọi tình huống ngẫu nhiên (xem mục 159 và 160, Locke đề cập điều này khi bàn về các hệ thống pháp luật, nhưng nó đối lập với mục 124), và con người khi phán xét vụ việc xảy ra với mình luôn tìm cách biện giải tình huống không rõ ràng theo hướng có lợi cho mình và luôn cho rằng mình đúng. Họ sẽ ước định quá mức những thiệt hại và mất mát của mình, và cảm xúc sẽ khiến họ cố gắng trừng phạt kẻ khác quá mức, cũng như đòi hỏi bồi thường quá mức (mục 13, 124, và 125). Do đó, việc một người tự thực thi quyền của mình theo cách riêng tư và cá nhân (bao gồm cả những quyền bị xâm phạm nếu người này từng bị trừng phạt quá mức) sẽ dẫn đến những mối hận thù, đến một loạt hành động trả đũa và những đòi hỏi bồi thường vô tận. Và không có một cách chắc chắn nào để giải quyết mối tranh chấp như vậy, để chấm dứt nó và để khiến cả hai bên biết rằng khi nào nó thực sự chấm dứt. Ngay cả khi một bên tuyên bố rằng anh ta sẽ ngưng các hành động trả đũa của mình, thì bên kia chỉ có thể yên tâm nếu anh ta biết chắc rằng người nọ nghĩ rằng họ không đủ điều kiện để đòi bồi thường hay trừng phạt nữa, và do đó không đủ điều kiện để hành động khi thời cơ xuất hiện. Bất cứ phương pháp nào, mà một cá nhân có thể sử dụng để cố gắng đơn phương hứa ngừng chiến đấu từ phía mình, đều không đủ bảo đảm đối với bên kia; những thỏa thuận đình chiến ngầm cũng không đủ chắc chắn3. Ngay cả khi các quyền đều rõ ràng và mọi người có một đồng thuận chung về hành vi thực tế của nhau, thì những cảm giác gây tổn hại lẫn nhau vẫn có thể xảy ra; khi sự thật và quyền lợi không rõ ràng ở một mức độ nào đó, thì càng có nhiều cơ hội cho những cuộc chiến trả thù như vậy. Hơn nữa, trong trạng thái tự nhiên, một cá nhân có thể thiếu sức mạnh để thực thi các quyền của mình; anh ta có thể không trừng phạt nổi hay đòi hỏi sự bồi thường từ kẻ thù mạnh hơn mình, kẻ đã xâm phạm các quyền của anh ta (mục 123, 126).
Các hội đoàn bảo vệ
Làm thế nào để giải quyết những rắc rối này trong trạng thái tự nhiên? Chúng ta hãy bắt đầu với rắc rối cuối cùng được đề cập bên trên. Trong trạng thái tự nhiên, một cá nhân có thể tự thực thi các quyền của mình, tự bảo vệ mình, tự đòi bồi thường, và tự trừng phạt (hay ít nhất là cố hết sức có thể). Những người khác cũng có thể tham gia vào việc bảo vệ theo lời kêu gọi của anh ta.4 Họ có thể liên hiệp với anh ta nhằm đẩy lùi những kẻ tấn công hoặc nhằm chống lại kẻ xâm lược, và họ làm điều ấy bởi vì họ có tinh thần cộng đồng, hoặc bởi họ là bè bạn của anh ta, hoặc anh ta từng giúp đỡ họ trong quá khứ, hoặc họ mong đợi anh ta sẽ giúp đỡ họ lại trong tương lai, hoặc vì một sự đổi chác nào đó. Những nhóm của các cá nhân này có thể lập thành các hội đoàn bảo vệ lẫn nhau: tất cả mọi người sẽ đáp ứng lời kêu gọi của bất cứ thành viên nào nhằm bảo vệ hoặc đòi quyền cho thành viên ấy. Đoàn kết là sức mạnh. Các hội đoàn bảo vệ lẫn nhau này có hai điểm bất tiện là: (1) mọi người luôn phải túc trực nhằm phục vụ chức năng bảo vệ (và làm thế nào để quyết định ai sẽ đáp ứng lời kêu gọi chức năng bảo vệ này, khi mà nó không cần đến sự phục vụ của tất cả các thành viên?); và (2) bất cứ thành viên nào cũng có thể hiệu triệu đồng bọn của mình bằng cách tuyên bố rằng quyền của anh ta đang hoặc đã bị xâm phạm. Các hội đoàn bảo vệ không muốn phải ngoan ngoãn phục tùng những thành viên khó tính hay hoang tưởng của họ, chưa kể một số thành viên lấy lý do tự vệ làm cái cớ để lợi dụng hội đoàn nhằm xâm phạm quyền của kẻ khác. Khó khăn cũng sẽ phát sinh khi hai thành viên khác nhau của cùng một hội đoàn ở vào thế bất hòa, và cả hai đều yêu cầu các thành viên trong hội đoàn hỗ trợ mình.
Một hội đoàn bảo vệ lẫn nhau như vậy có thể nỗ lực giải quyết sự xung đột giữa các thành viên của chính nó bằng một chính sách không can thiệp. Nhưng chính sách này sẽ gieo mối bất hòa bên trong hội đoàn, từ đó có thể có thể dẫn đến sự thành lập các phân nhóm mà có thể mâu thuẫn lẫn nhau, và gây nên sự tan rã của hội đoàn. Chính sách này cũng sẽ cổ vũ những kẻ gây hấn tiềm năng tham gia vào nhiều hội đoàn bảo vệ nhất có thể để có được quyền miễn trừ trước các hành động trả đũa hoặc phòng thủ, do đó đặt ra gánh nặng lớn đối với quá trình sàng lọc thành viên ban đầu của hội đoàn. Vì vậy các hội đoàn bảo vệ (hầu hết tất cả các hội đoàn có thể tồn tại và mọi người sẵn sàng tham gia vào) sẽ không theo đuổi chính sách không can thiệp; và khi một số thành viên tuyên bố rằng các thành viên khác xâm phạm quyền của họ, hội đoàn sẽ dùng một thủ tục nhất định để xác định nên hành động như thế nào. Có thể hình dung ra nhiều thủ tục tùy tiện (chẳng hạn, đứng về phía thành viên nào khiếu nại trước), nhưng hầu hết mọi người sẽ muốn gia nhập các hội đoàn tuân theo các thủ tục nhất định nhằm tìm ra người khiếu nại nào là đúng. Khi một thành viên của hội đoàn xung đột với những người không là hội viên, để tránh sự dính líu liên miên và tốn kém trong mối tranh chấp của mỗi thành viên, dù là chính đáng hay vô cớ, thì hội đoàn vẫn sẽ muốn quyết định xem lẽ phải thuộc về ai, theo một cách cụ thể nào đó. Đối với những bất tiện khi mọi người đều phải túc trực, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu bất kể họ đang làm gì, bất kể tính khí, sở thích, hoặc lợi thế của họ, thì bất tiện này có thể được giải quyết thông qua phân công lao động và trao đổi. Một số người sẽ được thuê để thực thi các chức năng bảo vệ, và một số nhà khởi tạo kinh doanh sẽ bắt đầu bán dịch vụ bảo vệ. Những loại hình dịch vụ bảo vệ khác nhau sẽ được chào bán với các mức giá khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của những người muốn được bảo vệ trong phạm vi rộng hơn hoặc chi tiết hơn.5
Ngoài việc chuyển giao tất cả các chức năng điều tra, bắt giữ và xét xử, trừng phạt và bồi thường tội phạm cho các dịch vụ bảo vệ tư nhân, các cá nhân có thể thực hiện một số thỏa thuận và thương lượng cụ thể hơn. Ý thức được những nguy hiểm của việc tự làm thẩm phán trong phiên tòa của chính mình, anh ta có thể chuyển trách nhiệm phán quyết xem liệu có phải anh ta quả thực đã sai lầm hay không và đến mức độ nào, sang một người trung lập khác hoặc sang một bên ít liên quan hơn. Để tạo ra hiệu quả xã hội trong việc cho thấy công lý được thực thi, một bên như thế nói chung sẽ phải là người đáng trọng và được coi là trung lập và chính trực. Vì thế, cả hai bên trong một cuộc tranh chấp có thể nỗ lực bảo vệ chính mình theo cách này để không bên nào được thiên vị, và cả hai thậm chí có thể đồng ý để cùng một người đóng vai trò thẩm phán giữa họ, và đồng ý tuân theo phán quyết của anh ta. (Hoặc có thể nên có một thủ tục đặc biệt để bên không bằng lòng với phán quyết có thể kháng cáo). Tuy nhiên, vì những lý do rõ ràng, sẽ có một xu hướng mạnh mẽ là tập trung tất cả các chức năng kể trên vào cùng một người đại diện hoặc một đại lý.
Ngày nay, đôi khi mọi người vẫn giao các cuộc tranh chấp của họ cho các thẩm phán hay tòa án do họ lựa chọn, nằm ngoài hệ thống pháp luật quốc gia, chẳng hạn như các tòa án tôn giáo.6 Nếu tất cả các bên tranh chấp nhận thấy rằng nhà nước hay hệ thống pháp luật của nó tồi tệ đến nỗi họ không muốn có bất kỳ mối liên hệ nào với nó, thì các bên có thể đồng thuận với các hình thức phân xử hay phán quyết bên ngoài bộ máy nhà nước. Mọi người thường bỏ qua khả năng hoạt động độc lập với nhà nước. (Tương tự, những người muốn được điều chỉnh theo cách gia trưởng cũng quên mất những khả năng như ký kết các hạn chế cụ thể áp đặt lên hành động của họ hoặc giao quyền giám hộ họ cho người khác. Thay vào đó, họ chịu đựng những giới hạn mà cơ quan lập pháp thông qua. Liệu thực sự có ai, trong khi tìm kiếm một nhóm người khôn ngoan và nhạy bén để điều chỉnh anh ta vì chính lợi ích của anh ta, lại đi chọn chính nhóm người tham gia làm thành viên của hai viện của Quốc hội?) Chắc chắn có thể phát triển nhiều hình thức xét xử pháp lý khác với các hình thức pháp lý cụ thể do nhà nước cung cấp. Chi phí phát triển và lựa chọn các hình thức xét xử này không đủ để giải thích tại sao mọi người sử dụng hình thức pháp lý của nhà nước, bởi vì các bên có thể dễ dàng tìm thấy một lượng lớn các hình thức khác có sẵn. Có lẽ điều khiến mọi người chọn sử dụng hệ thống pháp lý của nhà nước là vấn đề mang tính cưỡng chế tối cao. Chỉ nhà nước mới có năng lực thực thi một phán quyết trái với ý chí của một trong số các bên. Bởi vì nhà nước không cho phép bất cứ ai khác thực thi phán quyết của hệ thống khác. Vì vậy, trong bất kỳ cuộc tranh chấp nào mà cả hai bên không thể thống nhất một phương pháp hòa giải, hoặc một bên không tin tưởng bên kia để mà tuân theo phán quyết (nếu một bên hứa sẽ bồi thường một tài sản rất giá trị trong trường hợp anh ta không tuân thủ hợp đồng, thì hợp đồng đó rồi sẽ được đảm bảo thực thi bởi tổ chức đại diện nào?), thì các bên, với niềm hy vọng rằng yêu cầu của họ sẽ có hiệu lực, ngoài việc phải viện đến hệ thống pháp luật của nhà nước, thì không còn thể chế nào khác được hệ thống pháp luật nhà nước cho phép để họ có thể tìm đến. Điều này có thể khiến những người phản đối một hệ thống nhà nước cụ thể phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn và khổ sở. (Nếu hệ thống pháp luật của nhà nước thực thi phán xét theo một thủ tục phán quyết nhất định, thì mọi người có thể đồng ý – giả sử họ tuân theo thỏa thuận này – mà không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp thực tế nào với những người được coi là các viên chức hay các cơ quan nhà nước cả. Điều này cũng đúng nếu họ ký một hợp đồng mà nhà nước là bên thực thi duy nhất.)
Nếu khách hàng của một đại lý bảo vệ bị xâm phạm bởi một người không phải là khách hàng, liệu các đại lý bảo vệ có yêu cầu các khách hàng của mình từ bỏ việc sử dụng quyền trả đũa của họ không? Việc trả đũa như vậy hẳn có thể dẫn đến sự trả đũa ngược bởi một đại lý hoặc một cá nhân khác; vì vậy, một đại lý bảo vệ không muốn bị kéo vào vũng lầy ở giai đoạn sau vì nó phải bảo vệ khách hàng của mình trước sự trả đũa ngược. Các đại lý bảo vệ sẽ từ chối cung cấp biện pháp bảo vệ chống lại hành vi trả đũa ngược, trừ khi họ đồng ý để khách hàng trả đũa ngay từ đầu. (Dù vậy, liệu họ có thể làm gì khác ngoài việc tính phí cao hơn cho việc cung cấp chính sách bảo vệ với phạm vi rộng hơn như vậy?) Các đại lý bảo vệ thậm chí không cần đòi hỏi khách hàng từ bỏ quyền thực thi công lý của cá nhân anh ta nhằm chống lại các khách hàng khác của đại lý, như một phần trong hợp đồng giữa anh ta và đại lý này. Nếu khách hàng C thực thi quyền của anh ta nhằm chống lại các khách hàng khác, thì đại lý chỉ cần từ chối cung cấp sự bảo vệ trước các hành vi trả thù ngược lên C. Điều này cũng được áp dụng nếu C hành động chống lại một người không phải là khách hàng. Việc C thực hiện hành động lên một khách hàng của đại lý, sẽ đồng nghĩa với việc đại lý này sẽ đối xử với C như đối xử với bất cứ một người nào khác đang tự thực thi quyền của anh ta lên khách hàng của đại lý này (xem Chương 5). Điều này khiến cho việc thực thi các quyền của các cá nhân trong nội bộ các đại lý bị giảm xuống mức rất thấp.
Hội đoàn bảo vệ Thống lĩnh
Ban đầu, một vài hội đoàn hoặc đại lý bảo vệ khác nhau sẽ mở các dịch vụ của họ trong cùng một khu vực địa lý. Điều gì sẽ xảy ra khi có một cuộc xung đột nổ ra giữa các khách hàng của các đại lý khác nhau? Mọi thứ sẽ tương đối đơn giản nếu các đại lý đồng ý về cách xử lý vụ việc. (Dù vậy mỗi bên vẫn có thể muốn áp dụng hình phạt của riêng mình.) Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu họ đưa ra các quyết định khác nhau khi phân định phải trái, và một đại lý thì nỗ lực bảo vệ khách hàng của mình trong khi đại lý kia lại đòi trừng phạt anh ta hoặc bắt anh ta phải bồi thường? Chỉ có ba khả năng đáng được xem xét:
1. Trong tình huống như vậy, hai đại lý sẽ cạnh tranh với nhau, và một bên luôn luôn thắng trong những cuộc tranh chấp như vậy. Vì các khách hàng của bên thua cuộc không được bảo vệ tốt trong mối xung đột với khách hàng của bên thắng, nên họ sẽ không làm ăn với đại lý cũ của họ nữa, và quay sang giao dịch với bên thắng cuộc.7
2. Sức ảnh hưởng của một đại lý tập trung vào một địa bàn nhất định, đại lý kia lại có sức ảnh hưởng ở địa bàn khác. Mỗi bên đều có thể chiến thắng trong các cuộc tranh chấp gần với trung tâm của nó, và càng rời xa trung tâm thì xác suất chiến thắng càng giảm đi.8 Những ai giao dịch với đại lý này nhưng lại sinh sống trong phạm vi quyền lực của đại lý kia sẽ di chuyển lại gần trụ sở của đại lý của họ, hoặc chuyển dịch vụ bảo vệ sang một đại lý khác. (Ranh giới giữa hai khu vực cũng đầy xung đột giống như giữa các nhà nước.)
Trong hai trường hợp trên, sự lộn xộn về mặt địa lý hiếm khi xảy ra. Trong một khu vực nhất định, chỉ có một đại lý vận hành.
3. Hai đại lý xung đột dai dẳng và thường xuyên. Lúc thắng lúc thua, nhìn chung là ngang ngửa nhau, và các thành viên rải rác khắp nơi của họ thường xuyên đối phó với nhau và xảy ra tranh chấp. Có lẽ không cần chiến đấu, hoặc sau vài cuộc giao tranh ít ỏi, các đại lý sẽ nhận ra rằng kiểu tranh chấp như thế sẽ liên tục diễn ra nếu không có các biện pháp ngăn chặn. Trong mọi trường hợp, để tránh các cuộc tranh chấp thường xuyên, tốn kém và lãng phí, hai đại lý – có thể là hai giám đốc đại lý – sẽ đồng ý giải quyết một cách ôn hòa các trường hợp mà họ không thống nhất quan điểm về cách phán xử. Họ nhất trí thiết lập và tuân theo phán quyết của một hình thức trọng tài hoặc tòa án thứ ba nào đó, nơi mà họ sẽ viện đến khi họ không tìm được sự đồng thuận trong phán quyết của nhau. (Hoặc họ có thể thành lập các quy tắc xác định bên đại lý nào có quyền tài phán ở từng trường hợp.)9 Bằng cách này, một hệ thống tòa án phúc thẩm xuất hiện, và đặt ra sự thống nhất trong các quy tắc về quyền tài phán và sự xung đột của luật pháp. Dù các đại lý khác nhau vẫn vận hành, song vẫn tồn tại một hệ thống tư pháp thống nhất theo kiểu liên minh, mà tất cả các đại lý đều là thành viên.
Trong ba trường hợp này, hầu như tất cả mọi người sống trong một khu vực địa lý đều tuân theo một hệ thống chung nhất định; hệ thống này phân xử các yêu cầu xung đột của họ và đảm bảo thực thi các quyền của họ. Do áp lực từ các nhóm tự phát, các hội đoàn bảo vệ, sự phân công lao động, áp lực thị trường, lợi thế kinh tế theo quy mô, và sự tư lợi duy lý, từ trong tình trạng vô chính phủ đã khởi sinh ra một thứ rất giống với một nhà nước tối thiểu hay một nhóm các nhà nước tối thiểu trên từng khu vực địa lý. Tại sao thị trường này lại khác với tất cả các thị trường khác? Tại sao thị trường này lại xuất hiện tình trạng độc quyền thực sự mà không cần đến sự can thiệp của chính phủ, trong khi ở những thị trường khác, tình trạng độc quyền được tạo ra và duy trì bởi sự can thiệp của chính phủ?10 Giá trị của sản phẩm mà mọi người mua - dichh vụ bảo vệ mình trước người khác - là tương đối: nó phụ thuộc vào việc người khác mạnh đến thế nào. Song, không giống như các mặt hàng khác có giá trị so sánh, các dịch vụ bảo vệ cạnh tranh nhau để vươn lên vị trí đứng đầu không thể cùng tồn tại trong hòa bình; bản chất của dịch vụ này không chỉ khiến các đại lý khác nhau cạnh tranh lôi kéo khách hàng, mà còn khiến họ xung đột dữ dội với nhau. Ngoài ra, vì giá trị của các sản phẩm không giành được vị trí đứng đầu bị sụt giảm một cách tương xứng theo chiều ngược lại với số người mua tham gia sản phẩm đứng đầu, nên các khách hàng sẽ ngày càng không hài lòng với các sản phẩm đứng ở thứ hạng dưới, và các công ty cạnh tranh bị cuốn vào một vòng xoáy đi xuống. Điều này dẫn tới ba khả năng mà chúng ta đã liệt kê.
Câu chuyện ở trên giả định rằng tất cả các đại lý cố gắng hành động một cách trung thực trong các giới hạn của luật tự nhiên mà Locke đề ra.11 Nhưng một “hội đoàn bảo vệ” có thể gây hại cho các cá nhân khác. Theo luật tự nhiên của Locke, thì đó là một đại lý bất hợp pháp. Đâu là quyền lực đối trọng thực sự với sức mạnh của nó? (Đâu là quyền lực đối trọng thực sự với quyền lực của nhà nước?) Các đại lý khác có thể đoàn kết để chống lại đại lý kia. Mọi người có thể từ chối giao dịch với các khách hàng của các đại lý bất hợp pháp, tẩy chay các đại lý này nhằm làm giảm khả năng chúng can thiệp vào công việc của chính họ. Điều này có thể khiến các đại lý ngoài vòng pháp luật khó kiếm khách hàng hơn; nhưng việc tẩy chay như vậy sẽ chỉ là một công cụ hiệu quả nếu dựa trên các giả định rất lạc quan về đâu là thứ không thể giữ được bí mật và về chi phí xảy ra với một cá nhân thuộc bên bị tẩy chay so với với lợi ích của chính người này khi được một đại lý “bất hợp pháp” cung cấp một dịch vụ bảo vệ rộng rãi hơn. Nếu đại lý “bất hợp pháp” này đơn thuần là một kẻ gây sự, cướp bóc, cưỡng đoạt, tống tiền công khai không theo một yêu cầu công lý chính đáng nào, nó sẽ gặp khó khăn hơn so với các nhà nước. Bởi tính hợp pháp mà nhà nước tuyên bố, nó khiến cho các công dân tin rằng họ có nghĩa vụ tuân theo pháp luật của nó, đóng thuế cho nó, chiến đấu cho nó, và vân vân; và vì thế một số người hợp tác với nhà nước một cách tự nguyện. Một đại lý gây hấn công khai không thể phụ thuộc vào và không nhận được bất kỳ một sự hợp tác tự nguyện nào như thế, bởi các cá nhân thấy rằng bản thân họ đơn giản chỉ là các nạn nhân của nó, chứ không phải các công dân của nó.12
(Còn nữa)
Chú thích
(1) John Locke, Two Treatises of Government, 2nd ed., ed. Peter Laslett (New York: Cambridge University Press, 1967). Trừ khi có chú thích khác, tất cả các trích dẫn trong này đều từ khảo luận thứ hai.
(2) Proudhon đã chỉ ra “những bất tiện” nội tại của tình trạng này. “Được QUẢN TRỊ tức là được theo dõi, quan sát, do thám, chỉ đạo, điều khiển bằng luật, đánh số, quy định, ghi danh, truyền bá, thuyết giảng, kiểm soát, kiểm tra, đo đạc, ước lượng, kiểm duyệt, ra lệnh, bởi những sinh vật không có quyền cũng không có sự khôn ngoan cũng như đức hạnh để làm như vậy. Được QUẢN TRỊ là có mặt trong mọi hoạt động, trong mọi giao dịch được ghi nhận, đăng ký, kiểm đếm, đánh thuế, đóng dấu, đo lường, đánh số, đánh giá, cấp phép, ủy quyền, khuyến cáo, ngăn chặn, cấm cản, cải tổ, sửa chữa, trừng phạt. Vì lý do công ích, và nhân danh lợi ích chung, được đặt dưới sự đóng góp, khoan sức, vơ vét, khai thác, độc quyền, cưỡng đoạt, chèn ép, lừa đảo, cướp bóc; rồi sau đó, đối với sự phản kháng dù là nhỏ nhất, hay những lời phàn nàn đầu tiên, thì bị đàn áp, bắt phạt, phỉ báng, quấy rối, truy đuổi, lạm dụng, đánh đập, giải giới, trói lại, bóp nghẹt, bỏ tù, xét xử, lên án, bắn chết, đày đọa, hy sinh, bán đứng, phản bội; và cười cợt, nhạo báng, chế giễu, lăng nhục, xúc phạm, sỉ vả. Đó là chính phủ; đó là công lý của nó; đó là đạo đức của nó.” P.]. Proudhon, General Idea of the Revolution in the Nineteenth Century, bản dịch của John Beverly Robinson (London: Freedom Press, I923), trang 293-294, với một vài chỉnh sửa từ bản dịch của Benjamin Tucker trong Instead of a Book (New York, I893), trang 26.
(3) Về những bất tiện khi ràng buộc bản thân vào một vị trí, và về các thỏa thuận ngầm, xem Thomas Schelling’s The Strategy of Conflict (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1960).
(4) Người khác có thể trừng phạt, nếu không có sự kêu gọi của anh ta; xem thêm phần thảo luận kỹ hơn trong Chương 5 của cuốn sách này.
(5) Chúng ta sẽ thảo luận (trang 18) rằng tiền có thể tồn tại ở trạng thái tự nhiên như thế nào mà không cần đến một thỏa thuận rõ ràng nhằm thiết lập phương tiện trao đổi. Nhiều tác giả theo truyền thống chủ nghĩa cá nhân – không chính quyền đã đề xuất và thảo luận về các dịch vụ bảo vệ tư nhân. Để xem thông tin tổng quan, đọc Lysander Spooner, NO TREASON: The Constitution of No Authority (1870), Natural Law and A Letter to Grover Cleveland on His False Inaugural Address; The Usurpation and Crimes of Law-makers and Judges, and the Consequent Poverty, Ignorance, and Servitude of the People (Boston: Benjamin R. Tucker, 1886), tất cả các tác phẩm này đều được xuất bản lại trong The Collected Works of Lysander Spooner, 6 vols. (Weston, Mass.: M & S Press, 1971). Benjamin R. Tucker đã thảo luận về cách mà một hệ thống xã hội vận hành, trong đó tất cả các chức năng bảo vệ được cung cấp theo tư nhân, xem Instead of a Book (New York, 1893), trang 14, 25, 32-33, 36, 43, 104, 326-329, 340-341, rất nhiều đoạn trong số này được in lại trong cuốn sách của ông Individual Liberty. ed. Clarence Lee Swartz (New York, 1926). Các bài viết và lập luận của Spooner và Tucker sống động, hấp dẫn, và thú vị, đến mức mọi người ngại đề cập đến bất kỳ nguồn thứ cấp nào. Ta cũng có thể xem thêm tác phẩm thú vị của James J. Martin, Men Against the State: The Expositors of Individualist Anarchism in America, 1827-1908, về một mô tả về đời sống và quan điểm của Spooner, Tucker, lẫn các tác giả khác trong truyền thống của họ. Ngoài ra, xem thêm phần thảo luận mở rộng về kế hoạch bảo vệ tư nhân trong Francis Tandy, Voluntary Socialism (Denver: F. D. Tandy, 1896), trang 62-78. Một thảo luận quan trọng nữa về chủ đề này được trình bày trong John Hospers, Libertarianism (Los Angeles: Nash, 1971), chương II. Một người đề xướng khác gần đây là Murray N. Rothbard, trong cuốn Power and Market (Menlo Park, Calif.: Institute for Humane Studies, Inc., 1970), trang 1-7, 120-123, ông đã mô tả làm thế nào mà ông tin tưởng rằng kế hoạch bảo vệ nêu trên là khả thi, và ông đã cố gắng đáp lại những phản bác đối với kế hoạch này. Thảo luận chi tiết nhất mà tôi biết là trong cuốn sách của Morris và Linda Tannehill, The Market for Liberty (Lansing, Mich., privately printed, 1970), đặc biệt là ở trang 65-115. Kể từ khi tôi viết tác phẩm này vào năm 1972, Rothbard đã trình bày rộng hơn quan điểm của ông trong cuốn For a New Liberty (New York: Macmillan, 1973), các chương 3 và 11, và David Friedman đã bảo vệ chủ nghĩa tư bản không chính quyền bằng tác phẩm tâm huyết The Machinery of Freedom (New York: Harper & Row, 1973), phần III. Tất cả các tác phẩm nêu trên đều rất đáng đọc, nhưng không khiến tôi phải chỉnh sửa lại những gì tôi viết ở đây.
(6) Xem I. B. Singer, In My Father’s Court (New York: Farrar, Strauss, and Giroux, 1966); về một ví dụ “phản văn hóa” gần đây, hãy đọc WIN Magazine, November 1, 1971, trang 11-17.
(7) Bài tập cho độc giả: hãy mô tả xem làm thế nào mà các suy nghĩ được thảo luận ở đây lại dẫn đến sự thống trị của một đại lý hoặc một liên minh các đại lý ở mỗi khu vực địa lý, ngay cả khi ban đầu khu vực đó gồm một nhóm các đại lý mà việc “thắng gần như tất cả các trận chiến” là một quan hệ kết nối và không có tính bắc cầu.
(8) Kenneth R. Boulding, Conflict and Defense (New York: Harper, 1962), chương 12.
(9) Để hiểu thêm về sự phức tạp của một bộ quy tắc như vậy, hãy đọc American Law Institute, Conflict of Laws: Second Restatement of the Law, Proposed Official Draft, 1967-1969.
(10) Đọc Yale Brozen, “Is Government the Source of Monopoly?” The Intercollegiate Review, 5, no. 2 (1968-69), 67-78; Fritz Machlup, The Political Economy of Monopoly (Baltimore: Johns Hopkins Press, 1952).
(11) Locke cho rằng đa số những người sống trong tình trạng tự nhiên sẽ chấp nhận quy luật tự nhiên. Đọc Richard Ashcroft, “Locke’s State of Nature,” American Political Science Review, September 1968, trang 898-915 đặc biệt là phần I.
(12) Xem Morris và Linda Tannehill, The Market for Liberty, về tầm quan trọng của việc hợp tác tự nguyện đối với các hoạt động của chính phủ, ví dụ, Adam Roberts, ed., Civilian Resistance as National Defense (Baltimore: Penguin Books, 1969) và Gene Sharp, The Politics of Non-Violent Action (Boston : Porter Sargent, 1973).
Nguồn: Nozick, Robert (1974). Anarchy, State and Utopia. Basic Books