Kinh tế học thể chế: Quá khứ và hiện tại (Phần 3)
Thể chế luận Mỹ sau năm 1945
Thể chế luận đạt được vị thế quan trọng trong kinh tế học Mỹ trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến trên cả hai khu vực, học thuật và chính quyền, tuy nhiên sau đó nó đã suy yếu đi cả về vị thế lẫn danh tiếng. Có khá nhiều nguyên nhân chồng chéo nhau dẫn đến sự suy yếu này, một vài nguyên nhân trong số đó bắt nguồn từ những năm 1920 và những năm 1930, tuy vậy tôi chỉ tập trung vào một vài nguyên nhân quan trọng hơn cả.
Thể chế luận rõ ràng không duy trì được những lời hứa ban đầu của nó, đặc biệt là thất bại trong việc làm sáng tỏ đâu là những nền tảng “tâm lý học hiện đại” mà đáng lẽ nó phải có. Sau khoảng giữa những năm 1920, giới tâm lý học từ bỏ cách tiếp cận thói quen/bản năng vì họ ưa thích hành vi luận hơn – một luận thuyết ngày càng trở nên hạn hẹp và khó đảm nhiệm vai trò là một nền tảng phù hợp cho kinh tế học. Trong bầu không khí như vậy, sự nhiệt tình dành cho cách tiếp cận theo tâm lý học kiểu mới - cái đã đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của phong trào thể chế luận - không thể được giữ vững. Thêm vào đó, công trình của các nhà thể chế còn bị công kích là thứ được sắp đặt trước cho một mục đích nào đó, hoặc bị coi như là thiếu nền tảng phù hợp về lý thuyết hành vi cá nhân (Koopsman, 1947). Thể chế luận có thể đã góp phần trong công cuộc giải phóng kinh tế học khỏi ngôn ngữ của chủ nghĩa khoái lạc, nhưng nó không phát triển được nền tảng thay thế để để thuyết phục được tổng thể giới chuyên môn từ bỏ những nền tảng duy lý của bộ môn kinh tế học (Lewin, 1996).
Cũng cần phải nói rằng các nhà thể chế luận đã thất bại trong việc phát triển các lý thuyết về các chuẩn mực xã hội, thay đổi công nghệ, quá trình ra quyết định tư pháp và lập pháp, hoạt động giao dịch và các mô hình về doanh nghiệp (ngoài các vấn đề về sở hữu và kiểm soát) vượt ra khỏi những thành tựu mà Veblen và Common đã đạt được. Nguyên nhân cho sự kém phát triển này một phần liên quan đến sự thiếu vắng những nền tảng tâm lý học rõ ràng, nhưng cũng bởi sự tập trung của các nhà thể chế luận trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến vào những vấn đề chính sách cấp bách như chu kỳ kinh doanh và quy định đối với ngành công ích. Thêm vào đó, từ sau những năm 1920 trở đi, xã hội học đã tách rời khỏi kinh tế học và được nghiên cứu trong những khoa nghiên cứu riêng biệt, lấy đi cùng nó rất nhiều những đối tượng nghiên cứu như các thể chế và các chuẩn mực xã hội.
Cũng có trường hợp là, từ những năm 1930 trở đi, đã xuất hiện rất nhiều những phát triển về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong kinh tế học dòng chính. Các nhà thể chế luận có những ý tưởng coi kế hoạch hoá như một giải pháp cho hiện tượng chu kỳ kinh doanh, nhưng chúng đã không được chào đón trong giai đoạn triển khai Thoả thuận mới, và đã bị thế chỗ bởi những ý tưởng của trường phái Keynes (Barber, 1996). Trên nhiều khía cạnh, Kinh tế học của Keynes đã hoàn toàn chiếm lấy vai trò kinh tế học “mới mẻ” đầy thú vị mà thể chế luận đã từng giữ vào đầu những năm 1920.
Thêm vào đó, kinh tế học dòng chính đã phát triển được cấu phần thực nghiệm với sự phát triển của kinh trắc học (econometrics). Các nhà thể chế luận không còn có thể tiếp tục tuyên bố rằng mình “khoa học” hơn liên quan đến nền tảng thực nghiệm của mình; thật ra thể chế luận đã bị Koopmans (1947) cáo buộc là “đo lường nhưng không có lý thuyết”. Truyền thống thực nghiệm của NBER tiếp tục phát triển nhưng thiếu đi sự kết hợp giữa các nghiên cứu định lượng và thể chế luận – đã từng là niềm tự hào của phong trào trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến1.
Hơn thế nữa, lý thuyết tân cổ điển đã trải qua giai đoạn phát triển quan trọng, đặc biệt là từ những năm 1930 trở đi, bao gồm các lý thuyết về cạnh tranh không hoàn hảo và cạnh tranh độc quyền2, và các thất bại của thị trường và các ngoại ứng. Trường phái tân cổ điển phát triển một ngôn ngữ có khả năng bao quát được rất nhiều vấn đề quan tâm của các nhà thể chế luận, những vấn đề đã từng nằm ngoài phạm vi lý thuyết của trường phái tân cổ điển.
Theo những cách này, lý thuyết kinh tế học dòng chính chiếm lấy những khía cạnh của thể chế luận và chỉnh sửa thành “mô hình phân tích” (Copeland, 1959, trang 59), còn những khía cạnh khác được hấp thụ thành những lĩnh vực ứng dụng, ví dụ như tổ chức ngành, kinh tế học lao động và những mối quan hệ ngành. Cho tới mãi tận gần đây, những lĩnh vực này mới nới lỏng dây trói cho phần lõi lý thuyết của môn học và tiếp tục duy trì những cấu phần mang tính thể chế luận có giá trị.
Cuối cùng, một phần quan trọng về cải cách xã hội trong chương trình nghị sự của các nhà thể chế luận đã dẫn đến cả hai sự kiện: loại bỏ một số động cơ ban đầu của phong trào thể chế luận và thúc đẩy những phê phán sắc sảo về vai trò mở rộng của chính phủ mà chính các nhà thể chế luận đã từng nỗ lực thúc đẩy. Frank Knight (1932) là một người phê phán kịch liệt quan điểm của các nhà thế chế luận về thị trường và nhu cầu phải có thêm những biện pháp “kiểm soát xã hội”. Cuộc công kích này được tiếp tục bởi những thành viên của trường phái Chicago, tiêu biểu là Henry Simons và George Stigler.
Trong hoàn cảnh như vậy, không khó để hiểu tại sao thể chế luận đã dần dần trượt từ vị trí trung tâm của kinh tế học Mỹ ra vị trí ngoài rìa. Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra từ từ. Kenneth Arrow (1975, trang 5) đã nói rằng ảnh hưởng của Veblen vẫn còn rất rõ rệt ở đại học Columbia vào đầu những năm 1940, khi mà khóa học “lý thuyết” duy nhất cho sinh viên sau đại học là khóa học của Mitchell về lịch sử các tư tưởng, một khóa học mà Veblen và Commons đã dành nhiều thời gian vun đắp. Nhưng tình trạng này không kéo dài cho đến năm 1947 khi Columbia khắc phục những điểm yếu tương đối liên quan đến lý thuyết tân cổ điển bằng cách tuyển mộ Albert Hart, Geogre Stigler và William Vickrey, thậm chí cả Karl Polanyi cũng được bổ nhiệm để đảm đương môn lịch sử kinh tế châu Âu. Mark Blaug (1999, trang 257 – 258) hồi tưởng lại những giáo viên của ông tại Columbia vào đầu những năm 1950 đã bị “phân chia một cách hoà nhã giữa một bên là những nhà thể chế luận trước chiến tranh như J.M. Clark, Arthur F.Burns, Joseph Dorfman, Karl Polanyi và bên kia là những nhà kinh tế học tân cổ điển hậu chiến như George Stigler, Abraham Bergson, Albert Hart và William Vickrey”. Những điều tương tự cũng đã xảy ra tại Wisconsin khi mà thể chế luận mang dấu ấn của Commons tiếp tục được được dạy bởi Glaeser và kinh tế học nông nghiệp được đảm trách bởi Kenneth Parsons, nhưng một hố sâu ngăn cách đã xuất hiện giữa các nhà thể chế luận và những người khác. Việc nghỉ hưu của thế hệ các nhà thể chế luận cũ trong thập kỷ 1950 hoàn tất quá trình này.
Thể chế luận Mỹ đã không biến mất, nhưng nó đã thay đổi một cách rõ rệt. Các nhà thể chế luận đã hình thành một “Nhóm Wardman” nhỏ vào năm 1959, tổ chức mà sau đó trở thành Hiệp hội Kinh tế học tiến hóa (Association for Evolutionary Economics)3. Thể chế luận đã tự tách mình khỏi chủ nghĩa thực chứng, vốn đã trở nên phổ biến (một chủ nghĩa thực chứng mà, thật mỉa mai, được Mitchell và NBER góp phần quan trọng tạo ra), tránh xa khỏi những phương pháp và những lĩnh vực lõi của bộ môn kinh tế học, nay đã bị chiếm bởi kinh tế học tân cổ điển và kinh tế học trường phái Keynesian. Các nhà Thể chế luận tiếp tục làm việc trong những lĩnh vực ứng dụng như quy định đối với ngành công ích và “lập kế hoạch” cho nền kinh tế (Gruchy, 1974), nhưng cũng có một trào lưu hướng về những chủ đề thể chế luận ở phạm vi rộng rãi hơn, đã từng được Veblen và Commons tạo dựng.
Clarence Ayres, trong cuốn Theory of Economic Progress [Lý thuyết về tiến bộ kinh tế] (1944) đã nỗ lực làm mới lại một ý tưởng được Veblen nhấn mạnh, đó là coi công nghệ như lực lượng dẫn dắt thay đổi thể chế. Phong cách cá nhân quyến rũ của Ayres đã thu hút được một số lượng sinh viên vào hàng ngũ các nhà thể chế luận. Đại học Texas duy trì đặc trưng của các nhà thể chế luận lâu hơn phần đông còn lại, và trong những năm 1960 vẫn là ngôi nhà của nhóm các nhà thể chế luận kiên định, vẫn còn hứng thú với những công trình của Polanyi, Ayres và Commons4. Truyền thống ảnh hưởng bởi Commons trong luật học và kinh tế học cũng được gìn giữ bởi Daniel Bromley, Allan Schmid và Warren Samuels (Samuels, 1971; Schmid, 1978: Samuels và Schmid, 1981; Bromley, 1989). Thêm vào đó, J. K. Galbraith đã đưa những phân tích độc đáo của trường phái Veblen vào trong các tác phẩm Affluent Society [Xã hội thịnh vượng] (1958) và New Industrial State [Nhà nước công nghiệp mới] (1971), những cuốn sách đã được đón đọc rộng rãi. Tuy vậy nếu muốn tìm nguồn tài liệu gần đây liên quan đến sự phục hồi mối quan tâm nói chung đến các thể chế, bạn đọc cần tìm ở những nơi khác.
(còn nữa)
Chú thích:
(1) Công trình của Milton Friedman là một ví dụ tốt cho vấn đề này. Những mối quan hệ về phương pháp luận của ông với NBER đã được Hammond (1996) xem xét.
(2) Lý thuyết về cạnh tranh độc quyền của Edward Chaperlin chủ yếu đến từ việc xem xét quảng cáo và sự đa dạng hoá sản phẩm hơn là dựa trên tổng luận nghiên cứu về lợi suất tăng dần. Ý niệm về nhãn hàng và quảng cáo tạo cho mỗi hãng “một mức độ độc quyền cho riêng nhãn hàng của mình” được khẳng định bởi Morris Copeland trong một bản viết tay năm 1925 và trên vài khía cạnh, lý thuyết của Chamberlin có nền tảng thể chế luận. Chamberlin đã viết cho J. M. Clark rằng ông đã đọc bài viết của Clark “Soundings in Non-Euclidian Economics [Những tiếng kêu trong kinh tế học phi Euclid]” với sự “hào hứng đáng kể” và ông nhận thấy tính ứng dụng của bài viết khi nghiên cứu về “’những giả định nghịch’… rất thích hợp với tinh thần của tôi nên tôi cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mối liên hệ giữa chúng ta”. Chamberlin cũng đề cập đến việc các ý tưởng Veblen phù hợp như thế nào trong lý thuyết cạnh tranh độc quyền, đó là “hoàn toàn không có vấn đề gì hết” (Edward Chamberlin gửi J.M.Clark, 30 tháng Bảy 1958).
(3) Cuộc họp nhóm Wardman “nguyên bản” được Allan Gurchy mời gọi và tổ chức tại khách sạn Fagg Foster trong suốt những cuộc họp AEA. Nhóm này chỉ bao gồm mười một người. Hiệp hội Kinh tế học tiến hóa được thành lập năm 1965.
(4) Nhóm này bao gồm cả Walter Neale, Wendell Gordon, H. H. Liebhafsky và một số người khác. Walter Neale đã nghiên cứu cùng nhóm Polanyi ở Columbia, trong khi mối quan tâm về Commons đến từ Liebhafsky
Nguồn: The Journal of Economic Perspectives, Vol. 15, No. 3 (Summer, 2001), ptrang 173-194