![[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 4)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25003.12_(1).jpg)
[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 4)
Thời đại tiến bộ và Luật cấm rượu
Thời đại tiến bộ là giai đoạn đại tu xã hội Mĩ. Sự kết hợp của tư duy “tiến bộ” và Thế chiến I đã tạo cơ hội lí tưởng cho việc ban hành những biện pháp cấm rượu trên toàn quốc. Liên đoàn bài trừ quán rượu đưa ra mục tiêu rõ ràng (đóng cửa các quán rượu) và tổ chức sao cho liên minh của những người Tin lành theo phái Phúc âm, phụ nữ và các tổ chức chuyên môn và tổ chức thương mại có thể lợi dụng được cơ hội này.
Trong Thời đại Tiến bộ, xã hội Mĩ đã có những thay đổi trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong lĩnh vực chính trị, đấy là sáng kiến, trưng cầu dân ý, bãi chức, bầu trực tiếp các Thượng nghị sĩ, quyền phổ thông đầu phiếu của phụ nữ; áp dụng cách bỏ phiếu kín của Australia và bỏ phiếu rút gọn, cả hai mục tiêu này đều là của phe đa số và phương tiện để đạt được những cuộc cải cách Tiến bộ khác. Nhiều trong số những thay đổi đó đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp của những người ủng hộ cấm rượu. Ví dụ, James Bryce (1910, 49) nhận xét rằng bầu cử theo kiểu Australia đã đẩy những người mù chữ và dân nhập cư vào hoàn cảnh khá bất lợi vì bây giờ họ phải biết đọc lá phiếu. Ngoài ra, luật không còn cho người nước ngoài bầu cử nữa, yêu cầu đăng kí cử tri được thiết lập tại nhiều thành phố, cả hai biện pháp này đều làm giảm bớt quyền lực của người nhập cư và tăng cường địa vị cho những người ủng hộ cấm đoán. Trong Thời đại Tiến bộ, một loạt cải cách kinh tế được thông qua. Trong đó có luật về lao động trẻ em, pháp luật về lao động và công đoàn lao động, ngăn chặn nhập cư, cải cách tiền tệ và ngân hàng (Luật về Ngân hàng Dự trữ Liên bang), chính sách chống độc quyền và thuế thu nhập.
Phong trào Tiến bộ chủ yếu dựa vào nỗi sợ hãi của các công dân trung lưu và thượng lưu trong một xã hội đang thay đổi một cách nhanh chóng. Các công ty lớn bị coi là mối đe dọa đối với hệ thống kinh tế và ổn định xã hội. Tầng lớp hạ lưu và dân nhập cư phát triển nhanh và tập trung ở những khu vực đô thị đang mở rộng một cách nhanh chóng. Trong khi các chính sách Tiến bộ là mới đối với chính phủ Mĩ, nhưng phần lớn cách chính sách đó là kết quả của chủ nghĩa bảo thủ và cố gắng nhằm ổn định xã hội thực thi đạo đức của tầng lớp trung lưu và bảo vệ lối sống cũ của người Mĩ. Timberlake (1963, 1) kết luận rằng “muốn đạt được những mục tiêu đó, Phong trào Tiến bộ đã nắm được nhiều cuộc cải cách độc đáo, mà một trong những cuộc cải cách quan trọng nhưng ít người hiểu nhất chính là cấm rượu”.
Luận cứ khoa học cho việc cấm rượu dựa chủ yếu vào những công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của rượu. Những bằng chứng quan trọng chỉ ra rằng rượu mang đến những hành vi phạm tội, tình trạng nghèo đói, bệnh tật, gia đình tan vỡ, những hiện tượng suy đổi trong xã hội và nhiều hiện tượng xấu xa khác. Mối liên hệ được xác định trong những công trình nghiên cứu giai đoạn đầu này đã biến môn khoa học xã hội nhằm giải thích tính cách của cá nhân trên cơ sở tự nguyện thành môn khoa học nhấn mạnh đến môi trường xung quanh trước. Theo Timberlake (1963, 60): “hiệu quả chủ yếu của những cứ liệu xã hội học đó là thuyết phục nhiều người quay sang ủng hộ những biện pháp đàn áp và cấm đoán các quán rượu” nhằm cải thiện môi trường sống.
Quán rượu là mục tiêu tự nhiên của các lực lượng ủng hộ cấm đoán. Đối với người nghèo, người lao động và dân nhập cư, quán rượu có nhiều chức năng rất khác nhau. Họ coi đấy là chỗ nghỉ ngơi, giải trí, chơi bài và thảo luận chính trị, cơ hội tìm kiếm việc làm và nhiều thứ khác nữa. Chủ quán là bạn bè, bạn tâm giao và nhà lãnh đạo chính trị của những khách hàng thường xuyên của ông ta. Nhưng uy tín của quán rượu bị lu mờ dần do có liên hệ với nạn tham nhũng, hoạt động tội phạm, mua bán phiếu trong những kì bầu cử và nạn độc quyền.
Chủ quán ở một số bang thường khó kiếm đủ tiền để trả thuế môn bài. Họ có cách là buộc chủ hãng bia trả thuế môn bài để đổi lấy quyền bán bia trong quán rượu. Cách thứ hai là không tuân thủ luật cấm bán rượu vào ngày chủ nhật (blue laws – luật xanh - ND) nhằm kiếm thêm thu nhập. Mở cửa trong ngày chủ nhật không chỉ giúp tìm đủ tiền trả thuế cho chính phủ mà còn giúp giữ được khách hàng thuộc tầng lớp lao động, tức là những người uống rượu, bia vào ngày chủ nhật.
Muốn lách được “luật xanh”, người ta phải đút lót cho cảnh sát và các quan chức dân cử. Đút lót bằng tiền hay bằng phiếu bầu. Cách nữa là bán bia, rượu chất lượng thấp hay rượu đã pha nước và bảo rằng đấy là rượu hảo hạng. Các chủ quán còn tăng thu nhập bằng cách nhận tiền của gái điếm, tiền của bọn gá bạc, và đôi khi nhận cả tiền của bọn móc túi hoạt động trong quán của họ nữa. Để làm như thế, các chủ quán lại phải đút lót cho cảnh sát và các quan chức dân cử ở địa phương. Theo Timberlake (1963, 110): “Thông qua mối liên hệ với quán rượu, ngành công nghiệp rượu đã tham gia triệt để vào việc đút lót mang tính chính trị. Gốc rễ vấn đề rắc rối ở đây là các chủ quán bình thường do phải đối mặt với sự cạnh tranh cực kì gay gắt – trên thực tế muốn sống còn họ buộc phải vi phạm luật về rượu và hợp tác với những thành phần bất hảo và tội phạm. Không thể kiếm sống một cách trung thực, họ đành phải hành động một cách thiếu trung thực.”
Các lực lượng cấm đoán tập trung vào ngành dung dưỡng tội phạm này, tức là ngành có thể làm băng hoại cả ban lãnh đạo chính trị của đất nước lẫn cuộc sống của những người nhập cư nghèo khó. Thành công của Luật cấm rượu trên toàn quốc hoàn toàn phụ thuộc vào việc xác định mục tiêu của nó: tống khứ quán rượu ra khỏi nước Mĩ. Tuy nhiên, cần phải nói rằng chính phủ môn bài, thuế tiêu thụ rượu và những yêu cầu chính trị khác đã tạo ra “sự cạnh tranh cực kì gay gắt” và những hoạt động bất lương khác.
Để tự vệ trong cuộc chiến chống lại những biện pháp cấm đoán, năm 1862, ngành sản xuất rượu đã thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất bia Mĩ, còn năm 1893 thì thành lập Hiệp hội những người bán lẻ rượu, bia toàn quốc. Mặc dù đã sử dụng những nguồn lực to lớn của mình nhằm tác động trực tiếp tới những cuộc bầu cử và quá trình lập pháp, nhưng ngành sản xuất rượu phải tuân thủ Luật phòng chống tham nhũng và đã thua một số cuộc bỏ phiếu. Những thay đổi như thế góp phần tạo nên chiến thắng của Luật cấm rượu. Ví dụ, bỏ phiếu kín theo kiểu Australia và những thay đổi khác diễn ra trong giai đoạn từ năm 1890 đến năm 1910 không chỉ hạn chế quyền bỏ phiếu của người nhập cư mà còn hạn chế việc mua phiếu, tức là hạn chế ảnh hưởng của ngành sản xuất rượu đối với kết quả bầu cử. Gary M. Anderson và Robert D. Tollison (1988) khẳng định rằng do luật bí mật về cử tri mà người ta không thể phân phối phiếu bầu một cách hữu hiệu, kết quả của các cuộc bầu cử không ổn định và vì vậy mà làm cho chính phủ phình ra. Hoạt động chính trị của ngành công nghiệp rượu còn bị cắt giảm bớt bởi bản án về sự gian lận trong cuộc bầu cử ở Texas và cuộc điều tra ở Pennsylvania đã dẫn đến vụ phạt vạ hàng triệu đô-la (Sait 1939, 149n.).
Trong Thế chiến I, cùng với việc thông qua đạo luật gọi là Lever Act, liên minh giữa những công ty sản xuất bia và rượu đã tan vỡ. Nhằm mục đích giải phóng các nguồn lực cho chiến tranh, Luật này phân biệt rượu nặng (bị cấm) với bia và rượu vang (chỉ bị hạn chế). Ngành sản xuất bia cố gắng bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tách ra khỏi liên minh với các công ty rượu: “Quan hệ thật sự với bia, Liên hiệp bia Mĩ khẳng định, là với rượu vang và nước uống không có cồn – chứ không phải với rượu nặng... Những người sản xuất bia khẳng định ước muốn cắt đứt một lần và mãi mãi xiềng xích trói buộc ngành sản xuất lành mạnh của chúng ta... với rượu mạnh... Nhưng thái độ hèn nhát đó không phải là hay đối với các nhà sản xuất bia” (Rothbard 1989, 86). Sau khi liên minh này tan vỡ, những người ủng hộ cấm đoán liền quay sang bia, để đạt mục đích của mình, họ đã lợi dụng tinh thần bài Đức và lòng yêu nước do Thế chiến I tạo ra (Rothbard 1989).
Nhiều thành công về mặt chính trị của Luật cấm rượu cũn có thể là do sự kiện nó tấn công các quán rượu và không có những biện pháp pháp lí nhằm chống lại người uống rượu. Chỉ có các nhà sản xuất và phân phối các sản phẩm là bị hạn chế và mặt pháp lí mà thôi. Chiến thuật này đã loại bỏ những luận cứ của những người ủng hộ quyền tự do cá nhân, không làm cho người dân thường cảm thấy xa lạ và quan trọng nhất là nó làm cho ngành sản xuất rượu rơi vào tình trạng cô lập hơn.
Lịch sử của rượu cho ta thấy một số thành tố quan trọng của những đòi hỏi về cấm đoán luôn luôn đi kèm với lí thuyết nhóm lợi ích về nguồn gốc của tư tưởng cấm đoán. Có thể tìm thấy đòi hỏi căn bản đối với việc sử dụng rượu một cách chừng mực trong phong trào cải cách và đạo Tin lành theo phái Phúc âm. Phong trào vận động sử dụng rượu một cách chừng mực đã chuyển hóa thành phong trào cấm đoán nhờ tiếp cận được với các tiến trình chính trị. Phong trào cấm đoán phát triển và được những người tìm kiếm lợi nhuận độc quyền trong lĩnh vực thương mại, thí dụ như những người cạnh tranh với ngành sản xuất rượu, tham gia.
Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition