[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 2)
PHÁ VỠ CÁC RÀO CẢN: CUỘC CÁCH MẠNG PHÁP
Suốt ba thế kỷ trước năm 1789, nước Pháp theo chế độ quân chủ chuyên chế. Xã hội Pháp được chia thành ba tầng lớp, hay còn gọi là ba đẳng cấp. Giới quý tộc là tầng lớp đầu tiên, giới tăng lữ là tầng lớp thứ hai, và tất cả những thành phần còn lại thuộc tầng lớp thứ ba. Các tầng lớp khác nhau là đối tượng của luật pháp khác nhau, hai tầng lớp đầu tiên có những quyền mà những người còn lại không có. Giới quý tộc và giới tăng lữ không phải nộp thuế, trong khi dân chúng phải nộp nhiều loại thuế khác nhau, như ta có thể dự đoán về một chế độ chiếm đoạt. Trên thực tế, Giáo hội chẳng những được miễn thuế, mà còn sở hữu đất đai bạt ngàn và có thể đánh thuế riêng đối với nông dân. Nhà vua, giới quý tộc và tăng lữ có lối sống xa hoa, trong khi đa số tầng lớp thứ ba sống trong nghèo đói cùng cực. Luật pháp khác nhau không chỉ đảm bảo vị thế kinh tế thuận lợi hơn rất nhiều của giới quý tộc và tăng lữ, mà còn trao cho họ quyền lực chính trị.
Cuộc sống ở các thành phố Pháp vào thế kỷ 18 thật khắc nghiệt và không lành mạnh. Hoạt động sản xuất chịu sự giám sát của các phường hội đầy thế lực, tạo ra thu nhập béo bở cho các thành viên phường hội nhưng ngăn cản những người khác tham gia vào các ngành nghề này hay thành lập doanh nghiệp mới. Cơ chế cũ kỹ này tự hào về tính liên tục và ổn định của nó. Sự gia nhập thị trường của các nghiệp chủ và những cá nhân tài năng trong các ngành nghề mới sẽ dẫn đến bất ổn và không được chấp nhận. Nếu cuộc sống ở thành phố đã khắc nghiệt thì đời sống nông thôn còn tồi tệ hơn. Như chúng ta đã thấy, vào thời kỳ này, hình thức cực đoan nhất của chế độ nông nô - sự ràng buộc người nông dân với đất đai, buộc họ phải làm việc và nộp địa tô cho các lãnh chúa phong kiến - đã suy tàn từ lâu ở Pháp. Tuy nhiên, việc lưu chuyển đi lại của họ vẫn bị hạn chế và vẫn còn nhiều nghĩa vụ phong kiến mà người nông dân Pháp phải nộp cho nhà vua, giới quý tộc và Giáo hội.
Trong bối cảnh này, cuộc Cách mạng Pháp là một sự kiện cấp tiến. Ngày 4/8/1789, Quốc hội Lập hiến (National Constituent Assembly) thay đổi hoàn toàn luật pháp của nước Pháp bằng cách đề xuất một hiến pháp mới. Điều khoản đầu tiên nêu rõ:
Từ đây, Quốc hội Lập hiến xóa bỏ hoàn toàn hệ thống phong kiến. Quốc hội quy định rằng, trong số các quyền và nghĩa vụ hiện hữu thuộc chế độ phong kiến và cống nạp, tất cả những gì bắt nguồn hay đại diện cho chế độ nông nô thực tế hay riêng tư đều được bãi bỏ mà không có bồi thường.
Điều 9 sau đó tiếp tục:
Các đặc quyền bằng tiền trong việc thu thuế, thực tế hay riêng tư, sẽ được xóa bỏ vĩnh viễn. Thuế sẽ được thu đối với toàn thể công dân và mọi tài sản, theo cùng một cách thức và cùng một hình thức như nhau. Kế hoạch thu thuế sẽ được xem xét sao cho mọi người đều nộp thuế theo tỷ lệ, ngay cả trong sáu tháng cuối năm nay.
Như vậy, chỉ trong chớp mắt, Cách mạng Pháp đã xóa bỏ hệ thống phong kiến cùng với tất cả các nghĩa vụ và lệ phí mà hệ thống đó gây ra, đồng thời chấm dứt hoàn toàn việc miễn thuế đối với giới quý tộc và tăng lữ. Nhưng có lẽ điều cực đoan nhất, thậm chí không thể tưởng tượng nổi lúc bấy giờ, là điều 11, trong đó nêu rõ:
Toàn thể công dân, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, đều có đủ tư cách tham gia bất kỳ cương vị hay chức vụ nào, bất kể trong giáo hội, dân sự hay quân đội; và không có nghề nghiệp nào được miễn trừ.
Vì vậy, giờ đây mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh, mà cả trong chính trị. Công cuộc cải cách của cách mạng vẫn tiếp tục sau ngày 4/8. Cách mạng tiếp tục xóa bỏ thẩm quyền thu thuế đặc biệt của Giáo hội và biến các giáo sĩ thành nhân viên nhà nước. Cùng với việc xóa bỏ các vai trò chính trị và xã hội cứng nhắc, các rào cản quan trọng đối với hoạt động kinh tế cũng được phá vỡ. Các phường hội và tất cả các biện pháp hạn chế lao động đều được bãi bỏ, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn tại các thành phố.
Những cải cách này là bước tiến đầu tiên hướng tới việc chấm dứt sự thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế Pháp. Nhiều thập kỷ bất ổn và chiến tranh nối tiếp sau tuyên ngôn ngày 4/8. Tuy nhiên, đất nước đã đạt được một bước tiến không thể đảo ngược, thoát khỏi chủ nghĩa chuyên chế và các thể chế chiếm đoạt để hướng tới các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp. Những thay đổi này sẽ được tiếp bước bằng công cuộc cải cách trong nền kinh tế và chính trị, mà đỉnh cao cuối cùng là nền Cộng hòa thứ ba vào năm 1870, mang đến cho Pháp một hệ thống nghị viện giống như cuộc Cách mạng Vinh quang đã mang đến cho nước Anh. Cách mạng Pháp gây ra nhiều bạo lực, đau khổ, bất ổn và chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ vào cuộc Cách mạng đó, nước Pháp đã không bị bế tắc trong các thể chế chiếm đoạt làm cản trở tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng như các chế độ chuyên chế của Đông Âu như Áo-Hung và Nga.
Làm thế nào mà chế độ quân chủ chuyên chế Pháp bị đẩy đến bờ vực của Cách mạng 1789? Suy cho cùng, chúng ta đã thấy nhiều chế độ chuyên chế có thể tồn tại trong những thời gian dài, thậm chí trong tình trạng trì trệ kinh tế và biến động xã hội. Cũng như với hầu hết các trường hợp cách mạng và thay đổi căn bản, chính sự giao thoa của nhiều yếu tố đã mở đường cho cuộc Cách mạng Pháp, và những yếu tố này liên quan mật thiết với sự kiện là nước Anh đã công nghiệp hóa một cách nhanh chóng. Và tất nhiên như thường lệ, lộ trình xảy ra cũng mang tính chất ngẫu nhiên, khi các nỗ lực ổn định chế độ quân chủ thất bại và cuộc cách mạng nhằm thay đổi thể chế tại Pháp và các nơi khác ở châu Âu hóa ra đã thành công ngoài sức tưởng tượng vào năm 1789.
Nhiều luật lệ và đặc quyền ở Pháp là tàn dư của thời Trung cổ, không chỉ thiên vị tầng lớp thứ nhất và thứ hai nhiều hơn so với đại đa số quần chúng nhân dân mà còn trao cho họ đặc quyền đối với nhà vua. Louis XIV, mệnh danh là Hoàng đế Mặt trời, đã cai trị nước Pháp suốt 54 năm, từ năm 1661 đến khi ông băng hà vào năm 1715, dù thật ra ông lên ngôi vào năm 1643, lúc 5 tuổi. Ông củng cố sức mạnh của chế độ quân chủ, thúc đẩy hơn nữa quá trình hướng tới chủ nghĩa chuyên chế vốn bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước đó. Nhiều vị vua thường tham khảo ý kiến của cái gọi là Hội đồng quý tộc, bao gồm các quý tộc được chính nhà vua lựa chọn cẩn thận. Mặc dù chủ yếu có tính chất tư vấn, hội đồng này vẫn đóng vai trò giới hạn quyền lực của nhà vua. Vì lý do này, Louis XIV cai trị mà không cần triệu tập Hội đồng. Dưới triều đại của ông, nước Pháp đã đạt được ít nhiều tăng trưởng kinh tế, ví dụ như thông qua việc tham gia vào hoạt động thương mại Đại Tây Dương và thương mại thuộc địa. Vị bộ trưởng tài chính tài năng của Vua Louis, Jean-Baptiste Colbert, cũng giám sát sự phát triển của ngành công nghiệp do chính phủ tài trợ và kiểm soát, một kiểu tăng trưởng mang tính chiếm đoạt. Điều này giúp hạn chế số lượng người được hưởng lợi từ sự tăng trưởng, gần như độc quyền cho tầng lớp thứ nhất và thứ hai. Louis XIV cũng muốn hợp lý hóa hệ thống thuế, vì nhà nước thường gặp khó khăn trong việc tài trợ cho những cuộc chiến tranh thường xuyên, đội quân thường trực hùng hậu, cũng như đoàn tùy tùng, tiêu dùng và cung điện xa hoa của nhà vua. Việc không thể đánh thuế ngay cả với giới quý tộc thiểu số cũng gây ra giới hạn nghiêm trọng cho nguồn thu ngân sách.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế không đáng kể, nhưng khi Louis XVI lên ngôi vào năm 1774, xã hội đã có những thay đổi to lớn. Hơn nữa, tình trạng khó khăn về ngân sách trước đó đã biến thành một cuộc khủng hoảng ngân sách. Trong khi đó, cuộc Chiến tranh 7 năm với nước Anh từ năm 1756 đến 1763 lại vô cùng tốn kém, không những thế còn khiến Pháp mất thuộc địa Canada. Nhiều nhân vật nổi bật đã cố gắng cân bằng ngân sách hoàng gia bằng cách cơ cấu lại nợ và tăng thuế, như Anne-Robert-Jacques Turgot, một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất lúc bấy giờ; Jacques Necker, người sẽ đóng vai trò quan trọng sau cách mạng; và Charles Alexandre de Calonne. Nhưng không ai thành công. Như một phần trong chiến lược của mình, Calonne thuyết phục Vua Louis XVI triệu tập Hội đồng quý tộc. Nhà vua và các cố vấn muốn Hội đồng thông qua cải cách của ông theo một diễn biến giống như Vua Charles I từng mong muốn Quốc hội Anh đồng ý tài trợ cho quân đội chiến đấu với Scotland khi ông triệu tập Quốc hội vào năm 1640. Hội đồng đã thực hiện một biện pháp bất ngờ và quy định rằng chỉ có một cơ quan đại diện, Quốc hội phong kiến Pháp (Estates-General), mới có thể thông qua những cải cách như vậy.
Quốc hội phong kiến Pháp là một cơ quan rất khác với Hội đồng quý tộc. Trong khi Hội đồng quý tộc chỉ bao gồm giới quý tộc và chủ yếu được nhà vua tuyển chọn cẩn thận trong số các quý tộc lớn, Quốc hội phong kiến bao gồm đại diện từ cả ba tầng lớp ở Pháp. Quốc hội phong kiến từng được triệu tập lần cuối cùng vào năm 1614. Khi Quốc hội phong kiến nhóm họp vào năm 1789 tại Versailles, ngay lập tức ai cũng thấy rõ ràng là không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Đã có những khác biệt không thể hòa giải khi tầng lớp thứ ba nhận thấy đây là cơ hội để gia tăng sức mạnh chính trị của mình và muốn có nhiều phiếu bầu hơn trong Quốc hội phong kiến, còn giới quý tộc và tăng lữ kiên quyết phản đối. Cuộc họp kết thúc vào ngày 5/5/1789 mà không đi đến bất kỳ giải pháp nào, ngoại trừ quyết định triệu tập một cơ quan quyền lực hơn, Quốc hội toàn dân (National Assembly), làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị. Tầng lớp thứ ba, đặc biệt là các thương nhân, doanh nhân, những người hành nghề chuyên môn và các nghệ nhân, tất cả những người đang đòi hỏi quyền lực nhiều hơn, đã nhìn nhận diễn biến này như một bằng chứng về ảnh hưởng ngày càng tăng của họ. Do đó, trong Quốc hội toàn dân, họ thậm chí yêu cầu phải có nhiều tiếng nói hơn trong thủ tục tố tụng và nhiều quyền hơn nói chung. Diễn biến này đã thôi thúc sự ủng hộ của dân chúng trên mọi nẻo đường đất nước và dẫn đến việc tổ chức lại Quốc hội toàn dân thành Quốc hội Lập hiến vào ngày 9/7.
Trong khi đó, không khí trong nước, và đặc biệt là ở Paris, trở nên cấp tiến hơn. Phản ứng lại, giới bảo thủ xung quanh Louis XVI thuyết phục nhà vua sa thải Necker, vị bộ trưởng cải cách tài chính. Điều này dẫn đến phản ứng cực đoan hơn nữa trên các đường phố. Kết quả là cơn lốc cách mạng nổi tiếng phá sập nhà ngục Bastille vào ngày 14/7/1789. Từ đó trở đi, cuộc cách mạng bắt đầu trở nên quyết liệt. Necker được phục chức, và Marquis de Lafayette thuộc phe cách mạng được bổ nhiệm phụ trách Cảnh sát Quốc gia Paris.
Thậm chí còn ấn tượng hơn so với cơn lốc phá ngục Bastille là hành động của Quốc hội Lập hiến với niềm tin mới tìm thấy của mình: thông qua hiến pháp mới, bãi bỏ chế độ phong kiến và các đặc quyền của tầng lớp thứ nhất và thứ hai vào ngày 4/8/1789. Nhưng hành động cấp tiến này dẫn đến sự chia rẽ trong Quốc hội lập hiến, vì có quá nhiều ý kiến trái ngược nhau về cơ cấu xã hội sắp được định hình. Bước đầu tiên là sự ra đời của các phe phái địa phương, đáng chú ý nhất là phái Jacobin cấp tiến, mà sau này sẽ kiểm soát cuộc cách mạng. Đồng thời, giới quý tộc cũng tháo chạy khỏi đất nước với số lượng đông đảo, được gọi là những người lánh nạn (émigrés). Nhiều người cũng khuyến khích nhà vua cắt đứt với Quốc hội Lập hiến và có hành động đáp trả, hoặc tự mình hoặc với sự giúp đỡ của các cường quốc khác như Áo, quê hương của hoàng hậu Marie Antoinette, nơi mà hầu hết những người lánh nạn chạy sang. Khi dân chúng bắt đầu thấy sắp xảy ra nguy cơ đe dọa những thành tựu của cuộc cách mạng trong hai năm qua, phe cấp tiến bắt đầu tăng tốc. Quốc hội Lập hiến thông qua phiên bản cuối cùng của hiến pháp vào ngày 29/9/1791, biến nước Pháp thành một chế độ quân chủ lập hiến, mọi người đều có các quyền bình đẳng, không còn các nghĩa vụ thuế phí phong kiến, và chấm dứt mọi biện pháp hạn chế thương mại do các phường hội áp đặt. Nước Pháp vẫn theo chế độ quân chủ, nhưng bây giờ nhà vua gần như không có vai trò gì trên thực tế, thậm chí còn không có cả tự do.
Nhưng diễn biến cách mạng sau đó đã thay đổi không thể vãn hồi do cuộc chiến tranh nổ ra vào năm 1792 giữa Pháp và “Liên minh thứ nhất” dưới sự lãnh đạo của Áo. Chiến tranh làm tăng quyết tâm và tinh thần cấp tiến của phe cách mạng và của quần chúng (được gọi là sans-culottes, nghĩa là những người “không có quần chẽn gối”, bởi vì họ không đủ khả năng để mặc kiểu quần chẽn gối hợp thời trang lúc bấy giờ). Kết quả của quá trình này là thời kỳ được gọi là Thời Khủng bố, dưới sự chỉ huy của phái Jacobin do Robespierre và Saint-Just cầm đầu, xảy ra sau khi Louis XVI và Marie Antoinette bị hành hình. Quá trình này dẫn đến sự hành quyết không chỉ những thành phần cộm cán trong giới quý tộc và phe phản cách mạng mà ngay cả một số nhân vật cách mạng, những nhà lãnh đạo nổi tiếng trước đây như Brissot, Danton và Desmoulins.
Tuy nhiên, Thời Khủng bố sớm rơi vào tình trạng mất kiểm soát và cuối cùng chấm dứt vào tháng 7/1794 với việc hành quyết các nhà lãnh đạo của chính nó, bao gồm cả Robespierre và Saint-Just. Tiếp theo là một thời kỳ tương đối ổn định, thoạt đầu là dưới sự lãnh đạo không hiệu quả lắm của Hội đồng đốc chính (Directory) từ năm 1795 đến 1799, rồi sau đó quyền lực tập trung hơn dưới Chế độ tổng tài (Consulate), bao gồm ba người: Ducos, Sieyès và Napoleon Bonaparte. Trong thời kỳ Hội đồng đốc chính, vị tướng trẻ Napoleon Bonaparte trở nên nổi tiếng về thành công quân sự, và ảnh hưởng của ông càng gia tăng sau năm 1799. Chế độ tổng tài nhanh chóng trở thành sự cai trị cá nhân của Napoleon.
Thời kỳ từ năm 1799 đến khi triều đại Napoleon kết thúc vào năm 1815 đã chứng kiến hàng loạt chiến thắng quân sự vĩ đại của Pháp như chiến thắng ở Austerlitz, Jena-Auerstadt và Wagram, khiến cả lục địa châu Âu trở nên thần phục nước Pháp. Chiến thắng cũng cho phép Napoleon áp đặt ý chí, cải cách và quy phạm pháp luật của mình trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Sự sụp đổ của triều đại Napoleon sau thất bại cuối cùng của ông vào năm 1815 cũng dẫn đến một thời kỳ thắt chặt, với các quyền chính trị hạn chế hơn và sự phục hồi chế độ quân chủ Pháp dưới thời Vua Louis XVIII. Nhưng tất cả những điều này chỉ có tác dụng làm chậm lại sự xuất hiện tối hậu của các thể chế chính trị dung hợp.
Những áp lực được cuộc Cách mạng 1789 giải phóng đã kết liễu chủ nghĩa chuyên chế Pháp và tất yếu dẫn đến sự vươn lên của các thể chế dung hợp, dù rằng chậm chạp. Nước Pháp và những vùng đất khác ở châu Âu, những nơi mà công cuộc cải cách cách mạng lan truyền sang, sẽ tham gia vào quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra vào thế kỷ 19.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)