“Đủ để mua lại sản phẩm mình tạo ra”
Những người viết về kinh tế học không chuyên luôn đòi hỏi các mức giá hay mức lương “công bằng”. Những khái niệm mơ hồ này về sự công bằng trong kinh tế đã có từ thời Trung cổ. Thay vì các khái niệm đó, các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển đã đưa ra khái niệm về mức giá hay mức lương mang tính chức năng. Các mức giá mang tính chức năng là các mức giá có khả năng tạo ra sản lượng sản xuất và doanh thu bán hàng lớn nhất. Các mức lương mang tính chức năng là các mức lương có khả năng tạo ra lượng việc làm và tổng lương thật lớn nhất.
Khái niệm các mức lương mang tính chức năng đã bị bóp méo bởi những người theo tư tưởng Mác-xít và những người theo trường phái sức mua (vốn cũng là những người tin vào tư tưởng Mác-xít một cách vô thức). Cả hai nhóm cho rằng vấn đề thực sự không phải là tính “công bằng” của các mức lương đang được áp dụng (câu hỏi này nên dành cho những bộ óc đơn sơ hơn) mà là liệu các mức lương này có thực hiện được các chức năng của chúng không. Họ tuyên bố rằng mức lương duy nhất có thể thực hiện được các chức năng của mình, mức lương duy nhất có thể giúp nền kinh tế không sụp đổ, là mức lương cho phép người lao động “mua lại sản phẩm do mình tạo ra”. Những người theo tư tưởng Mác-xít và trường phái sức mua cho rằng nguyên nhân của mọi cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây là do các mức lương trước đó đã không thỏa mãn được điều kiện này. Và khi xem xét các mức lương tại bất kỳ thời điểm nào, họ đều thấy rằng chúng chưa đủ cao để cho phép người lao động mua lại sản phẩm mình tạo ra.
Luận chứng này đã tỏ ra rất hữu dụng khi được sử dụng bởi những người lãnh đạo công đoàn. Nản lòng vì không đủ khả năng khiến cho công chúng quan tâm hay thuyết phục các chủ doanh nghiệp (“những kẻ xấu xa”, theo định nghĩa của họ) đối xử với người lao động một cách “công bằng”, họ đã nắm lấy luận chứng này, điều đánh trúng vào những động cơ ích kỷ của công chúng, và đe dọa gây sức ép đòi các chủ doanh nghiệp phải chấp nhận những đòi hỏi của công đoàn.
Tuy nhiên, làm sao ta có thể biết chính xác khi nào thì người lao động có đủ tiền để “mua lại các sản phẩm mình tạo ra” hay khi nào họ đã có nhiều hơn mức đó? Làm sao ta có thể xác định được khoản tiền đó là bao nhiêu? Bởi những người ủng hộ luận chứng này dường như không muốn trả lời các câu hỏi đó, chúng ta sẽ tự phải tìm câu trả lời.
Một số người ủng hộ luận chứng dường như muốn ám chỉ rằng trong mỗi ngành sản xuất, người lao động nên có đủ tiền để có thể mua lại chính sản phẩm họ tạo ra. Song chắc chắn những người này không có ý rằng những người sản xuất quần áo rẻ tiền cần có đủ tiền để mua quần áo rẻ tiền trong khi những người làm áo khoác lông chồn phải có đủ tiền để mua áo khoác lông chồn; hay những người làm trong nhà máy sản xuất xe Ford nên có đủ tiền để mua xe Ford trong khi những người làm trong nhà máy sản xuất xe Cadillac cần có đủ tiền để mua xe Cadillac.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ lại rằng vào những năm 40, khi phần lớn thành viên của công đoàn trong ngành sản xuất xe hơi đều nằm trong một phần ba dân số có thu nhập cao nhất trong xã hội, với mức lương cao hơn 20% so với mức bình quân của những người làm việc trong các nhà máy và gần gấp đôi mức bình quân của những người trong ngành bán lẻ (theo thống kê của chính phủ), các công đoàn trong ngành sản xuất xe hơi vẫn đòi tăng 30% lương để họ có thể, theo lời người phát ngôn của họ, “hỗ trợ khả năng đang bị suy giảm nhanh của chúng tôi trong việc tiêu thụ những sản phẩm mà chúng tôi có khả năng tạo ra”.
Thế còn những công nhân nhà máy hay những người bán lẻ bình thường khác thì sao? Nếu, trong tình huống này, những công nhân sản xuất xe hơi cần tăng 30% lương để giúp cho nền kinh tế không bị sụp đổ, liệu 30% có đủ cho những người này không? Hay liệu họ sẽ cần tăng 55 hay 160% lương để mỗi người trong số họ sẽ có được sức mua tương đương với những công nhân sản xuất xe hơi? Chúng ta cần nhớ rằng vào thời điểm đó, cũng như ngày nay, giữa các ngành sản xuất khác nhau luôn có sự khác biệt lớn về mức lương bình quân. Vào năm 1976, những người làm việc trong các ngành bán lẻ chỉ được hưởng lương bình quân 113,96 đôla một tuần, trong khi công nhân trong các ngành sản xuất hưởng lương bình quân 207,60 đôla một tuần và lao động trong ngành thầu xây dựng hưởng lương 284,93 đôla một tuần.
(Cứ nhìn vào lịch sử của việc đàm phán lương ngay cả trong mỗi công đoàn, ta có thể chắc chắn rằng nếu có người đề xuất việc tăng lương cho lao động trong các ngành khác để đảm bảo sự bình đẳng về sức mua, các công nhân sản xuất xe hơi sẽ kiên quyết đòi duy trì sự khác biệt về lương của họ; bởi, đối với các thành viên công đoàn cũng như mỗi chúng ta, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt của những vị thánh hay những người sẵn sàng xả thân vì lợi ích chung, việc đòi hỏi sự công bằng về kinh tế thực chất là để ta cũng được như những người giàu có hơn mình chứ không phải để giúp những người nghèo hơn ta có được những gì ta có. Song ở đây, chúng ta sẽ không thảo luận về những nhược điểm đáng hổ thẹn trong bản tính con người mà chỉ quan tâm đến tính logic và sự hợp lý của luận chứng kinh tế này.)
Quan điểm cho rằng người lao động nên được nhận đủ tiền để mua lại những gì họ tạo ra chỉ là một dạng đặc biệt của luận chứng chung về “sức mua”. Luận chứng này chỉ ra rằng lương của người lao động là sức mua của họ. Điều này đúng, song nó cũng đúng với bất kỳ ai khác. Thu nhập của người chủ hàng tạp hóa, người cho thuê nhà hay chủ doanh nghiệp là sức mua người đó có để mua những gì người khác bán. Và một trong những thứ quan trọng nhất mà mọi người có bán là dịch vụ lao động của họ.
Hơn nữa, tất cả những điều này đều có mặt trái của nó. Trong một nền kinh tế mang tính trao đổi, thu nhập bằng tiền của một người sẽ là chi phí của một người khác. Mỗi sự tăng lên trong mức lương theo giờ, trừ khi và cho đến khi nó đi kèm với một mức tăng tương đương trong năng suất lao động theo giờ, sẽ là một sự tăng lên trong chi phí sản xuất. Chi phí sản xuất tăng lên, khi mức giá bị kiểm soát bởi chính phủ và không được phép tăng, sẽ làm giảm lợi nhuận của những nhà sản xuất có hiệu suất thấp và khiến họ phải ngừng sản xuất. Điều này sẽ thu nhỏ sản xuất và làm tăng thất nghiệp. Ngay cả khi giá sản phẩm có thể tăng, mức giá cao hơn sẽ khiến lượng người mua giảm đi và dẫn đến việc thu nhỏ thị trường và thất nghiệp. Nếu việc áp dụng mức tăng lương 30% khiến giá sản phẩm tăng lên 30%, người lao động sẽ không mua được nhiều sản phẩm đó hơn so với trước đây, và chu kỳ này lại phải tiếp tục.
Nhiều người chắc chắn sẽ không đồng ý rằng mức tăng lương 30% có thể tạo ra một sự tăng giá hàng hóa tương tự. Đúng là kết quả này chỉ có thể xảy ra về lâu dài với sự cho phép của chính sách tiền tệ và tín dụng. Nếu lượng tiền và tín dụng kém linh hoạt đến mức chúng không tăng khi mức lương tăng (và nếu ta giả sử rằng mức lương cao hơn là không hợp lý nếu so với năng suất lao động hiện tại quy ra đôla), tác động chính của việc tăng lương sẽ là thất nghiệp.
Trong trường hợp đó, điều có thể xảy ra là tổng lương, tính theo đôla hay theo sức mua thật, sẽ thấp hơn trước, bởi việc giảm lượng việc làm (do chính sách của công đoàn chứ không phải các tiến bộ khoa học kỹ thuật) chắc chắn sẽ dẫn đến việc giảm lượng hàng hóa được sản xuất ra cho người tiêu dùng. Việc có được một tỷ trọng tương đối lớn hơn trong tổng sản phẩm quốc dân sẽ không đủ để giúp người lao động bù lại sự giảm xuống về con số tuyệt đối của tổng sản phẩm. Paul H. Douglas ở Mỹ, thông qua việc phân tích một lượng dữ liệu lớn, và A. C. Pigou ở Anh, với các phương pháp hầu như hoàn toàn mang tính diễn dịch, đã cùng đưa ra một kết luận giống nhau rằng độ linh hoạt của nhu cầu đối với lao động là khoảng giữa 3 và 4. Nói một cách đơn giản, “khi mức lương thật giảm 1%, tổng nhu cầu lao động sẽ tăng hơn 3%”8. Hoặc là, khi nhìn vào vấn đề bằng một cách khác, “nếu lương bị đẩy lên cao hơn mức năng suất biên, nhu cầu lao động sẽ giảm một lượng lớn gấp 3 - 4 lần so với mức tăng lương”9 , và tổng thu nhập của người lao động cũng sẽ giảm một lượng tương đương.
Ngay cả nếu những con số này chỉ nói lên mức linh hoạt của nhu cầu lao động trong một khoảng thời gian nhất định trong quá khứ chứ không có khả năng dự đoán tương lai, chúng cũng đáng để chúng ta xem xét một cách nghiêm túc.
Hãy giả sử rằng cùng lúc hay sau khi mức lương được tăng, lượng tiền và tín dụng được tăng đủ để không gây ra thất nghiệp nghiêm trọng. Nếu ta giả sử rằng quan hệ giữa giá hàng hóa và lương trước đây là một tương quan “bình thường” và đã tồn tại trong một thời gian dài, việc tăng mức lương, ví dụ là 30%, rất có thể sẽ làm tăng giá hàng hóa với một tỷ lệ % tương đương.
Nhiều người cho rằng lượng tăng của giá sẽ thấp hơn nhiều so với lượng tăng của lương, bởi hai quan điểm sai lầm. Quan điểm thứ nhất là họ chỉ xem xét các chi phí lao động trực tiếp của một công ty hay một ngành sản xuất và cho rằng các chi phí này đã bao gồm tất cả chi phí về lao động có liên quan. Song ở đây, việc xem một bộ phận là tổng thể, là sai lầm căn bản. Mỗi “ngành sản xuất” không chỉ đại diện cho một phần trong quy trình sản xuất theo “chiều ngang”; nó cũng đại diện cho một phần trong quy trình sản xuất theo “chiều dọc”. Vì vậy, chi phí trực tiếp cho lao động trong các nhà máy sản xuất xe hơi có thể ít hơn một phần ba tổng chi phí, và điều này sẽ khiến những người không xem xét kỹ vấn đề kết luận rằng mức tăng lương 30% sẽ chỉ dẫn đến mức tăng 10% hoặc ít hơn trong giá xe hơi. Song điều này có nghĩa là ta đã bỏ qua những chi phí lao động gián tiếp trong nguyên vật liệu thô và các bộ phận đi mua, trong các chi phí vận tải, trong các nhà máy và công cụ mới, hay trong hoạt động tăng giá của những người bán hàng.
Các con số dự đoán của chính phủ cho thấy rằng trong khoảng thời gian 15 năm từ 1929 đến 1943, tổng lương của người dân Mỹ chiếm 69% tổng thu nhập quốc dân. Trong khoảng thời gian 5 năm từ 1956 đến 1960, tổng lương bình quân cũng ở mức 69% tổng thu nhập quốc dân. Trong khoảng thời gian 5 năm từ 1972 đến 1976, tổng lương bình quân chiếm 66% tổng thu nhập quốc dân, và khi thêm vào các khoản phụ cấp, tổng số tiền người lao động nhận được chiếm khoảng 76% tổng thu nhập quốc dân. Số tiền lương này tất nhiên phải được lấy từ sản phẩm quốc dân. Tuy để có được con số áng chừng thu nhập của “người lao động”, ta sẽ phải cộng thêm và trừ đi nhiều khoản từ những số liệu đang có, nhưng dựa trên cơ sở này, ta có thể cho rằng chi phí lao động sẽ không nhỏ hơn hai phần ba và có thể cao hơn ba phần tư tổng chi phí sản xuất (tùy theo cách chúng ta định nghĩa lao động). Nếu ta lấy con số thấp hơn và giả định rằng mức lợi nhuận biên tính ra đôla không thay đổi, điều này nghĩa là mức tăng lương 30% sẽ khiến cho giá sản phẩm tăng gần 20%.
Song sự thay đổi này sẽ có nghĩa là lợi nhuận biên tính ra đôla, cũng chính là thu nhập của những nhà đầu tư, người quản lý và những người làm việc cho bản thân, sẽ chỉ còn 84% lượng sức mua trước đây của nó. Tác động về lâu dài của điều này sẽ là sự giảm đầu tư và kinh doanh so với bình thường, và sẽ những người làm việc cho bản thân có mức thu nhập thấp chuyển thành những lao động hưởng lương có mức lương cao, cho tới khi mối tương quan trước đây được phục hồi.
Điều này không có nghĩa là các lao động hưởng lương sẽ không có lợi ích tương đối. Họ sẽ có lợi ích tương đối, và những thành phần khác trong dân chúng sẽ bị thiệt hại tương đối, trong thời gian chuyển tiếp. Song lợi ích tương đối này thường biến mất khi xét theo con số tuyệt đối, bởi sự thay đổi trong mối tương quan giữa lương và giá mà chúng ta đang xem xét ở đây hầu như luôn dẫn đến sự thất nghiệp và tình trạng lệch lạc, gián đoạn hay suy giảm của sản xuất. Vì vậy, trong thời kỳ chuyển tiếp và điều chỉnh đến mức cân bằng mới, thu nhập của người lao động có thể chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong một tổng sản phẩm nhỏ hơn. Song khi xét về con số tuyệt đối, nó có thể không lớn hơn, thậm chí còn nhỏ hơn so với trước đây (khi tổng thu nhập của lao động chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn trong một tổng sản phẩm lớn hơn).
Điều này dẫn chúng ta đến ý nghĩa và tác động tổng quan của trạng thái cân bằng kinh tế. Các mức lương và giá cân bằng là các mức lương và giá khiến cho cung và cầu gặp nhau. Nếu vì sự can thiệp của chính phủ hay sự cưỡng ép của cá nhân mà mức giá bị nâng lên cao hơn mức cân bằng, cầu sẽ giảm và vì thế sản xuất sẽ giảm. Nếu giá bị đẩy xuống thấp hơn mức cân bằng, việc giảm hay không còn lợi nhuận sẽ làm giảm cung và giảm các hoạt động sản xuất mới. Chính vì vậy, bất kỳ khi nào giá bị nâng lên trên hay đẩy xuống dưới mức cân bằng của nó (thị trường tự do luôn có xu hướng đưa giá đến mức cân bằng này), lượng việc làm và quy mô sản xuất sẽ bị giảm thấp hơn so với mức bình thường.
Chúng ta hãy cùng quay lại quan điểm người lao động phải có “đủ tiền để mua lại sản phẩm mình tạo ra”. Một điều hiển nhiên là sản phẩm quốc dân được tạo ra và tiêu dùng không chỉ bởi lực lượng sản xuất. Nó được tiêu dùng bởi tất cả mọi người – các nhân viên văn phòng, những người có chuyên môn, nông dân, chủ doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nhà đầu tư, chủ cửa hiệu tạp hóa, người giết mổ gia súc, chủ sở hữu các hiệu thuốc tây và cây xăng, v.v…, nói tóm lại là bởi tất cả những ai góp phần tạo ra sản phẩm đó.
Còn về các mức giá, lương và lợi nhuận có chức năng quyết định việc phân phối sản phẩm đó, mức giá tối ưu không phải là mức giá cao nhất mà là mức giá dẫn đến sản lượng và doanh số lớn nhất. Mức lương tối ưu cho người lao động không phải là mức lương cao nhất mà là mức lương cho phép các hoạt động sản xuất và lượng việc làm đạt đến mức tối ưu và tạo ra tổng lương lớn nhất. Mức lợi nhuận tối ưu, từ phương diện của cả ngành sản xuất và người lao động, không phải là mức lợi nhuận thấp nhất mà là mức lợi nhuận sẽ khiến nhiều người trở thành chủ doanh nghiệp và cung cấp nhiều việc làm hơn so với trước đây.
Nếu chúng ta cố gắng điều hành nền kinh tế vì lợi ích của một nhóm cá thể hay một tầng lớp nào đó, chúng ta sẽ sẽ gây thiệt hại và thương tổn cho toàn xã hội, bao gồm cả những người mà chúng ta đang cố gắng bảo vệ và phục vụ. Chúng ta phải điều hành nền kinh tế vì tất cả mọi người.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 21