Kinh tế ban đêm và tầm nhìn quy hoạch

Kinh tế ban đêm và tầm nhìn quy hoạch

Quyết định 1129/QĐ-TTg 2020 về Đề án phát triển kinh tế ban đêm cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đêm, hướng đến tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển một nền kinh tế ban đêm trong một thành phố được xây dựng để vận hành vào ban ngày, cần sự định hướng và quy hoạch rõ ràng.

Sự phát triển kinh tế đêm tại các thành phố lớn được xem là một xu hướng tất yếu. Với người dân trong các thành phố, sau một ngày làm việc căng thẳng thì các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, gắn kết xã hội đều được diễn ra sau khung giờ 18 giờ, đòi hỏi sự phát triển tương ứng của các hoạt động kinh tế về đêm. Với các thành phố du lịch, nhu cầu tham gia các hoạt động về đêm còn lớn hơn nhiều lần. Nhìn vào kinh nghiệm những thành phố du lịch có nền kinh tế đêm phát triển ở Anh, Úc, Thái Lan..., không khó để thấy những lợi ích mà nền kinh tế đêm mang lại.

Lợi ích mà kinh tế đêm mang lại dễ thấy nhất là tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Với sự phát triển đa dạng của các nội dung trải nghiệm về đêm như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, hay các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm, khách du lịch sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm và chi tiêu. Theo đó, nhiều công việc trong ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực... sẽ được tạo ra để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch tại Việt Nam mới chỉ 96 đô la Mỹ/ngày, dư địa để tăng mức chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều, hứa hẹn tiềm năng phát triển cho nền kinh tế về đêm.

Bên cạnh đó, lợi ích của việc quảng bá hình ảnh văn hóa của nước sở tại cũng được xem là một trong những giá trị mà kinh tế đêm mang lại. Với những quốc gia có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật về đêm, sự phát triển của kinh tế đêm là cơ hội để khách du lịch có cơ hội trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa và con người bản địa.

Theo nội dung của đề án, Chính phủ đề cao vai trò chủ động của địa phương trong việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thúc đẩy kinh tế ban đêm theo thẩm quyền cũng như đề xuất sáng kiến phát triển kinh tế ban đêm. Để thực hiện được điều này, cách nhìn nhận của chính quyền thành phố, người dân và doanh nghiệp về sự phát triển của kinh tế ban đêm đóng vai trò rất quan trọng.

Các hoạt động bảo đảm an ninh vào ban đêm thường khó kiểm soát hơn so với ban ngày, hệ thống giao thông và các tiện ích công cộng khác cũng không được thiết kế để hoạt động vào ban đêm. Những hệ lụy đến từ nền kinh tế đêm có thể khiến cho cả chính quyền thành phố, người dân và doanh nghiệp có sự e ngại nhất định.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động kinh tế về đêm vốn đã rất sôi động ngay cả khi chưa nhận được sự quan tâm và định hướng từ chính quyền thành phố. Các hoạt động mua sắm, giải trí, ăn uống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM diễn ra chủ yếu vào khung giờ sau 18 giờ. Bên cạnh đó, kinh tế về đêm cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự phát triển kinh tế đa dạng cho thành phố, bao gồm các ngành dịch vụ về đêm cũng như ngành công nghiệp sáng tạo. Dưới góc độ tiếp cận này, chính quyền thành phố hoàn toàn có thể nhìn nhận và đánh giá đa chiều về vai trò, cơ hội và rủi ro của kinh tế ban đêm, từ đó đưa ra định hướng phát triển để khai thác hết tiềm năng mà kinh tế ban đêm mang lại.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền kinh tế về đêm sôi động đều cho thấy sự nỗ lực từ nhiều bên để hình thành được một nền kinh tế đêm đúng nghĩa. Ở hầu hết các thành phố, nền kinh tế được thiết kế để vận hành vào ban ngày, từ văn phòng, siêu thị, trung tâm hành chính cho đến các khu tham quan du lịch. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành kinh tế vào ban đêm sẽ cần có sự quy hoạch và định hướng rõ ràng.

Đầu tiên, thành phố phải hình thành không gian cho hoạt động kinh tế về đêm để đảm bảo an toàn, tiện nghi cho du khách và không ảnh hưởng đến phần còn lại của thành phố - những người sống và làm việc trong nền kinh tế ban ngày và chỉ mong muốn nghỉ ngơi khi đêm xuống. Sự hình thành không gian rõ ràng cho kinh tế đêm cũng đi kèm với việc hình thành các tiện ích công cộng phục vụ về đêm cho khu vực này như bệnh viện, giao thông, khách sạn, không gian công cộng, an ninh... Để làm được điều này, tầm nhìn quy hoạch của chính quyền thành phố đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tiếp theo, thành phố cần định hướng và khuyến khích phát triển những hoạt động cụ thể của nền kinh tế đêm. Nếu nội dung hoạt động của nền kinh tế đêm hướng đến những hoạt động tham quan thì không gian dành cho bảo tàng, di tích lịch sử cần được ưu tiên, trong khi nếu nội dung hoạt động hướng đến các hoạt động giải trí thì sẽ cần tính đến việc quy hoạch các không gian biểu diễn nghệ thuật. Dựa trên định hướng cụ thể của thành phố, những chuỗi hoạt động kinh tế đêm sẽ được xây dựng phù hợp để du khách có được những trải nghiệm tốt nhất.

Berlin (Đức) là một ví dụ thành công cho việc định hướng cụ thể các hoạt động của nền kinh tế đêm. Với định hướng phát triển hoạt động giải trí âm nhạc, thành phố đã quy hoạch 500 không gian biểu diễn nghệ thuật, cho phép tổ chức 2.700 sự kiện âm nhạc diễn ra mỗi tháng. Trong khi đó, thành phố Vilnius (Lithuania) lại hướng đến việc phát triển các hoạt động lễ hội với hơn 122 lễ hội được tổ chức trong năm 2016, thu hút 100.000 lượt khách du lịch tham dự.

Cuối cùng, sự phát triển của kinh tế đêm phải dựa trên nền tảng sự đa dạng của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí về đêm, mang lại cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ và hiểu hơn về những nét văn hóa của nước sở tại. Nếu không có nền tảng này, nền kinh tế đêm sẽ mất đi sự đa dạng và chỉ dừng lại ở những quán bar hay club mở xuyên đêm. Để làm được điều này, sự tham gia của chính người dân, các tổ chức xã hội cũng như các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng.

Như vậy, để nền kinh tế ban đêm thành hình cần sự tham gia từ chính quyền thành phố, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế ban đêm đồng bộ, đa dạng, hài hòa và phát triển. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò định hướng, quy hoạch đồng bộ không gian và hệ thống tiện ích công cộng; những bên còn lại sẽ tham gia vào việc hình thành những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực hướng đến du khách.

Nguồn: Trịnh Duy Hoàng, Kinh tế ban đêm và tầm nhìn quy hoạchThời báo Kinh tế Sài Gòn, 7/8/2020