P/v ông Nguyễn Đình Cung: Để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, cần cải cách đối với cả Tòa án
Từng nhiều năm là người đứng đầu một Viện nghiên cứu quan trọng về cơ chế quản lý kinh tế, môi trường kinh doanh và cải cách kinh tế…, đặc biệt còn là thành viên của Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nên TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương có nhiều trăn trở. Trong cuộc trò chuyện với Phóng viên Pháp lý, ông đã có những chia sẻ thẳng thắn và hiến kế để đất nước có một môi trường đầu tư an toàn, kinh tế phát triển bền vững.
Từ kinh doanh những gì Nhà nước cho phép… đến kinh doanh những gì pháp luật không cấm
- Phóng viên: Là một trong những người đầu tiên chắp bút soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ông đánh giá gì về những biến chuyển do dự Luật này tạo ra đối với môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam?
- TS Nguyễn Đình Cung: Từ những năm 1988 -1991 chúng ta đã có những chính sách được thiết kế riêng cho doanh nghiệp. Ở thời kỳ này, luật pháp phân theo thành phần kinh tế như tư nhân, nước ngoài, nhà nước… Phiên bản Luật Doanh nghiệp đầu tiên là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Hai luật này đều có hiệu lực từ 15/4/1991. Đến năm 1992, Quốc hội ban hành Hiến pháp sửa đổi mới, công nhận công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Từ đó, Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty mới thực sự đi vào hoạt động chính thức. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty khi đó, tuy còn quy định sơ sài nhưng đó là một sự kiện pháp lý kinh tế mở ra một hành lang pháp lý và con đường phát triển cho doanh nghiệp khối tư nhân.
Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu mà hai đạo luật mang lại, song trong quá trình thi hành phát sinh các bất cập lớn cần phải sửa đổi, bổ sung. Thực tế, đòi hỏi cần phải ban hành một đạo luật về doanh nghiệp có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, nội dung đầy đủ, bao quát hơn và phù hợp hơn với yêu cầu quản lý Nhà nước và yêu cầu đa dạng hóa hình thức kinh doanh, thúc đẩy, huy động nội lực phát triển kinh tế trong thời đại mới. Từ đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời trên cơ sở hợp nhất hai đạo Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty 1990.
Luật Doanh nghiệp ra đời nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp.
Sau 20 năm, cùng với những biến đổi từ thực tế, Luật Doanh nghiệp đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005, 2014) và hiện nay đang được lấy ý kiến để tiếp tục sửa đổi (dự kiến Quốc hội sẽ thông qua trong năm 2020).
- Cũng được biết đến là người có nhiều đóng góp vào quá trình hoàn thiện Luật Đầu tư năm 2006. Ông đánh giá thế nào về những tác động của Luật Đầu tư vào cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam?
- Việc ban hành Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Cùng với Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào cùng một thời điểm (1/7/2006). Từ đó khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Những quy định của Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
- Có những chuyển biến lớn gì trong tư tưởng xây dựng 2 đạo luật trên, thưa ông?
- Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là một “góc nhỏ” trong thể chế kinh tế của Việt Nam. Quy định ban đầu của Luật còn sơ sài, quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì nhà nước cho phép. Sau này chuyển biến thành doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Thay đổi chưa được như kì vọng…
- Ông đánh giá gì về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam hiện nay?
- Chúng tôi đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên 4 yếu tố: tự do kinh doanh, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, an toàn trong hoạt động kinh doanh, chi phí tuân thủ trong kinh doanh.
Cụ thể, ở Việt Nam, quyền tự do kinh doanh đạt được tương đối cao, nhưng vẫn có những trở ngại. Cụ thể như có những việc thanh tra kiểm tra có thể “giết chết” doanh nghiệp chưa đáng “chết”, làm mất mát lớn không đáng có đối với doanh nghiệp. Từ đó, có thể thấy doanh nghiệp vẫn còn thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của chính mình là các thiết chế bảo vệ quyền được tự do kinh doanh.
An toàn trong kinh doanh thì chúng ta chưa đạt, do rủi ro về thể chế xuất hiện trong hoạt động kinh doanh. So với trước đây đã có nhiều cải thiện nhưng từ việc thu thập thông tin, cách thức soạn thảo, thực thi pháp luật…. Từ khảo sát thực tế thì đầu tư kinh doanh vẫn chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp. Bởi không tiên liệu trước được trong tuân thủ; tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức; rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng, không đoán định được.
Yếu tố chi phí tuân thủ thì mặc dù có giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao (qua điều tra và báo cáo PCI hằng năm). Bởi giảm chi phí tuân thủ vẫn chủ yếu theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp giảm một cách có hệ thống chi phí tuân thủ.
Nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện dự án đầu tư đã không biết bắt đầu từ đâu, thực hiện quy định nào trước, quy định nào sau. Những quy định phức tạp về thủ tục thực hiện dự án đầu tư đã khiến nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc, không muốn bỏ tiền đầu tư. Lẽ ra, một dự án đầu tư, doanh nghiệp làm chỉ 6 – 12 tháng là xong, nhưng có những doanh nghiệp hiện nay 3 năm không làm xong thủ tục thực hiện đầu tư dự án. Điều này làm lỡ cơ hội đầu tư, đội vốn dự án, làm chi phí doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận thì giảm đi. Với các thủ tục về cấp phép dự án đầu tư, được quy định trong nhiều luật dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Những hạn chế đó dẫn đến việc e ngại đầu tư. Nhà đầu tư không dám kinh doanh lớn mà buộc phải kinh doanh nhỏ hay từ muốn kinh doanh chính thức chuyển sang kinh doanh không chính thức.
Cần sửa đồng bộ 9 Luật liên quan lĩnh vực kinh tế
- Trước những hạn chế của những quy định pháp luật về đầu tư, được biết Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng kiến nghị sửa đổi 9 Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường và kiến nghị bãi bỏ 37 rào cản với doanh nghiệp trong thực hiện dự án đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Theo ông, hiện có những nhóm chính sách pháp luật kinh tế lớn nào cần đặc biệt quan tâm sửa đổi để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?
- Khảo sát của Viện CIEM tại nhiều địa phương cho thấy, để thực hiện các thủ tục liên quan tới một dự án đầu tư, thông thường các doanh nghiệp hiện nay mất từ 6 tháng đến 3 năm. Thời gian thực hiện thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường trong hoạt động cấp phép đầu tư kéo dài đã tước đi cơ hội kinh doanh, làm tăng chi phí, và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Những tồn tại đó đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, kiến nghị, nhưng tồn tại dai dẳng, kéo dài nhiều năm và có xu hướng tăng lên chứ không giảm đi.
Trong số đó, nhóm thủ tục về thực hiện dự án đầu tư liên quan đến hệ thống 9 luật quy định về 4 lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và các thủ tục này đang tạo ra 37 rào cản với doanh nghiệp. Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang tồn tại trong 9 luật đang có hiệu lực.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo tôi có 3 nhóm vấn đề lớn. Cụ thể, thứ nhất là thủ tục gia nhập thị trường; thứ hai quản lý xuất nhập khẩu như hải quan, quản lý chuyên ngành và thứ ba là nhóm thủ tục về đầu tư.
Cần sửa đổi nhóm thủ tục thực hiện dự án đầu tư, bởi đây là nút thắt của môi trường đầu tư kinh doanh, bởi nhóm thủ tục này hiện đang cản trở việc huy động, giải ngân vốn đầu tư, nuôi dưỡng sáng tạo…
- Có một thực tế kéo dài nhiều năm nay, được góp ý nhiều nhưng chưa cải cách, đó là tình trạng có Bộ, ngành soạn Luật không khách quan, cố cài cắm những quy định có lợi ích cho Bộ, ngành, hoặc càng sửa càng rối dẫn đến bất cập trong thực thi. Theo ông, làm thế nào để khắc phục vấn đề này?
- Trong quá trình sửa Luật, nếu Bộ nào sửa trong phạm vi của Bộ đó thì không được. Hiện có ít nhất 3 Bộ liên quan trực tiếp đến các thủ tục cấp phép đầu tư là: Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường. Vì cả ba cơ quan này ngang cấp nhau nên không ai có thể đứng ra chủ trì, điều phối, và quan trọng nhất là không muốn bỏ đi các quyền lợi, lợi ích của mình. Bằng chứng là “thế giằng co này giữa 3 Bộ, ngành đã kéo dài gần 10 năm mà không sửa đổi được. Chính vì thế, theo tôi cần một cơ quan trung lập, đủ trình độ, đủ thẩm quyền chỉ đạo ít nhất 3 bộ liên quan cùng lúc sửa 9 Luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật thì mới gỡ vướng được.
Để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, cần cải cách đối với cả Tòa án
- Cá nhân ông nói riêng, đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cùng quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh an toàn. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tòa án đối với đảm bảo đầu tư kinh doanh an toàn thời gian qua?
- Ở Việt Nam, có thực tế luật một đằng, thực thi một nẻo. Hệ thống pháp luật của ta, từ Luật xuống Nghị định, xuống Thông tư, trong đó có tình trạng một Luật thì có đến chục Thông tư, nhưng khi áp dụng thì lại áp dụng Thông tư chứ không áp dụng Luật. Thông tư áp dụng lại có nhiều Thông tư quy định khác nhau. Đây là một thực tế rất rủi ro và phiền hà cho doanh nghiệp.
Có những ví dụ cho thấy môi trường đầu tư của ở Việt Nam thiếu an toàn trong thực tế. Cụ thể, khi có tranh chấp xảy ra trong kinh doanh, người ta không tìm kiếm được cơ chế để bảo vệ tài sản hiệu quả. Thông thường khi có tranh chấp, người ta tìm con đường quen biết để tìm kiếm sự “bảo trợ” chứ không đủ tin tưởng để tìm đến Tòa án.
- Theo ông, cần cải cách bắt đầu từ đâu để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn?
- Theo tôi, đồng thời với cải cách hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phải kết hợp với cải cách, thay đổi đối với hệ thống Tòa án… Tòa án phải chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt phải liêm chính, chí công vô tư, thượng tôn pháp luật. Đó là những việc cần làm đầu tiên để tạo ra môi trường kinh doanh an toàn, hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
Thực hiện chương trình công tác, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 16 thành viên, đã tiến hành rà soát 9 luật. Kết quả cho thấy các quy định hiện
hành trong 9 luật và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư.
9 Luật được đề nghị chỉnh sửa bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Nguồn: Phan Tĩnh, TS. Nguyễn Đình Cung: Để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, cần cải cách đối với cả Tòa án, Tạp chí điện tử Pháp lý, 29/6/2020