Thomas Piketty chỉ là một kẻ ủng hộ chủ nghĩa xã hội không hơn không kém
Ngày nay, những người chống chủ nghĩa tư bản không còn nói về việc sẽ xóa bỏ chủ nghĩa tư bản nữa, mà thay vào đó, họ kêu gọi việc “ngăn chặn”, “chỉnh sửa” hoặc “cải thiện” chủ nghĩa tư bản. Giới trí thức không ngừng đưa ra những khái niệm mới để “cải tiến” hệ thống kinh tế tư bản hoặc tiêu diệt những mầm mống “xấu xa” của nó. Điển hình gần đây nhất là những luận điểm của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty. Trong cuốn sách được đánh giá cao của ông, Capital in the Twenty-First Century [Tư bản trong Thế kỷ 21], ông nhấn mạnh “Tôi thuộc thế hệ trưởng thành cùng với những tin tức về sự sụp đổ của các chế độ độc tài cộng sản và chưa từng cảm thấy có một chút cảm mến nào hay hoài niệm gì về những chế độ đó nói chung và Liên Xô nói riêng. Tôi đã miễn nhiễm cả đời với những luận điệu thông thường nhưng có phần lười nhác của chủ nghĩa chống tư bản, phần thì phớt lờ đi sự thất bại của Chủ nghĩa cộng sản trong lịch sử, phần thì quay lưng lại với các phương tiện trí thức cần thiết để phát triển nó. Tôi không hề quan tâm đến việc tố cáo bản thân sự bất bình đẳng hay chủ nghĩa tư bản…”
Thoạt nhìn, những lời trần tình này nghe có vẻ khá vô hại. Tuy nhiên, Piketty là một người chống tư bản và ủng hộ chủ nghĩa xã hội cực đoan, như ông đã thể hiện trong cuốn sách mới nhất của mình, Capital and Ideology [Tư bản và hệ tư tưởng]. Theo hướng kiến tạo điển hình, ông tưởng tượng ra một hệ thống kinh tế và xã hội lý tưởng gọi là “chủ nghĩa xã hội tham gia” (“participatory socialism”) (để phân biệt với chủ nghĩa xã hội trong thế giới thực đã thất bại thảm hại trong 24 lần thử nghiệm). Ông hoàn toàn có lý khi gọi hệ thống của mình là “xã hội chủ nghĩa”, bởi vì về bản chất, hệ thống này là về “cải hóa (transcend) hệ thống sở hữu tư nhân hiện nay”.
Cụ thể, tầm nhìn của Piketty bao gồm những điều sau: Mỗi thanh niên nên được nhận một khoản tiền lớn như một món quà không điều kiện từ nhà nước ở tuổi 25 (Piketty gọi đây là "món tiền vốn phổ cập" (a universal capital endowment)). Khoản tiền này sẽ được một loại thuế luỹ tiến đánh trên tài sản tư hữu tài trợ, có thể lên đến 90 phần trăm đối với những khối tài sản lớn nhất. Ông cũng đề xuất mức thuế tương đương đánh trên các tài sản thừa kế, cũng có thể lên tới 90 phần trăm. Ông không hề lưu tâm đến luận điểm phản đối rằng một số tài sản sẽ không sản sinh ra bất kỳ thu nhập nào và người nhận sẽ buộc phải bán đi những tài sản mà họ được thừa kế (ví dụ: bất động sản). Ngược lại, theo Piketty, đây sẽ là điểm mạnh của giải pháp vì nó đóng góp cho "sự luân chuyển tài sản đến tay của những chủ sở hữu năng động hơn.”
Dĩ nhiên, Piketty cũng đề xuất một mức thuế cao tương ứng trên các loại thu nhập, lên đến tối đa 90 phần trăm. Và ông sẽ áp dụng mức thuế này không chỉ cho thu nhập kiếm được, mà còn áp dụng cho cổ tức, lãi suất, lợi nhuận và tiền thuê nhà, v.v.
Để “cải hóa” quyền sở hữu tư nhân, Piketty đề xuất một cách tiếp cận về quản lý các tập đoàn/công ty cổ phần mà thoạt nhìn sẽ thấy rằng dường như có sự tương đồng với hệ thống đồng quyết (codetermination) của Đức, hệ thống này trao cho đại diện người lao động một nửa số ghế tại Ban kiểm soát của công ty. Tuy nhiên, theo Piketty, cách tiếp cận này có những “hạn chế” cố hữu, bao gồm việc các cổ đông vẫn có lá phiếu quyết định trong trường hợp số phiếu biểu quyết ngang nhau. Nếu Piketty được quyền quyết định, ông sẽ xóa bỏ những “hạn chế” này (tức là, các chủ sở hữu công ty vẫn giữ quyền kiểm soát đối với tài sản của mình) bằng cách loại bỏ đi mối liên kết giữa số vốn góp và quyền lực kinh tế trong công ty của từng cổ đông. Hay, nói theo cách riêng của ông, “những khoản đầu tư vượt quá 10 phần trăm tổng vốn góp của một công ty sẽ nhận được quyền biểu quyết tương ứng với một phần ba số vốn góp đó”. Ông cho rằng, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, quan niệm “một cổ phần, một phiếu biểu quyết” trong mô hình tổ chức doanh nghiệp sẽ không thể đứng vững.
Tất nhiên, Piketty nói rõ rằng các chủ sở hữu đất hoặc doanh nghiệp sẽ mau chóng tẩu tán khỏi một đất nước áp dụng các chính sách như vậy: “... chiến lược trốn thuế khả dĩ duy nhất cho các chủ sở hữu ... là bán tài sản và ra nước ngoài.” Để ngăn chặn việc này, Piketty đề xuất, chính phủ sẽ phải áp dụng “thuế xuất cảnh” (ví dụ, 40%). Về tác dụng, “thuế xuất cảnh” sẽ dựng lên một "bức tường tài chính" để ngăn các doanh nhân và cá nhân giàu có khác không muốn sống dưới một nền "xã hội chủ nghĩa tham gia" của Piketty rời khỏi đất nước.
Ví dụ của Piketty chứng minh luận điểm: những nỗ lực để “cải tiến”, “chỉnh sửa” hoặc “cải cách” chủ nghĩa tư bản mà thoạt nhìn qua có vẻ vô hại cuối cùng sẽ thường quay trở về với chủ nghĩa xã hội thuần túy và đánh mất hoàn toàn tự do. Sự khác biệt duy nhất giữa những đề xuất của Piketty và ý tưởng của chủ nghĩa xã hội truyền thống là theo mô hình của ông, tài sản tư nhân sẽ không bị chính quyền độc đảng quốc hữu hóa toàn bộ một lần, mà bị quốc hữu hóa dần dần thông qua những biện pháp thay đổi về chính sách thuế và luật doanh nghiệp được áp dụng trong nhiều năm. Nhưng quyền tư hữu sẽ là vô nghĩa nếu người khác có quyền quyết định những gì bạn có thể và không thể làm với tài sản đó. Đáng tiếc là, những ý tưởng của Piketty hoàn toàn ăn khớp với một thời đại mà ở đó nhà nước đang ngày càng can thiệp sâu vào nền kinh tế, và hoà âm hoàn hảo với trào lưu tuyên truyền thù địch hướng vào “tầng lớp giàu có” trong xã hội.
Rainer Zitelmann
là tác giả của Sức mạnh của Chủ nghĩa Tư bản https://the-power-of-capitalism.com và Người giàu trong mắt công chúng https://therichinpublicopinion.com/
Nguồn: Rainer Zitelmann, Anti-capitalists have found a new way to promote socialism, Washington Examiner, 2/9/2021