Bitcoin và bài học ở thị trường điện năng
Nỗ lực để tìm ra một lý do tại sao bitcoin tồi tệ-xấu xa-phá hủy-xấu xí và trái đạo đức, các tác giả chuyên về bitcoin trên blog Alphaville của tờ Financial Times – Jemima Kelly, Jamie Powell, Izabella Kaminska – sớm đi vào ngõ cụt.
Lựa chọn gần đây nhất của họ là “FUD môi trường” (tạm dịch là nỗi sợ, sự bất định, và bi quan về môi trường) - một từ ngữ kinh điển của giới tinh hoa bị ám ảnh với môi trường trong một thế giới mà ở đó cứ một cái gì có chút liên quan tới Khí hậu là được xem trọng hơn về đạo đức. Mọi thứ khác có thể thất bại, còn lối ngụy biện tấn công cá nhân thì không. Vì vậy, hãy phàn nàn về tác động môi trường từ năng lượng được sử dụng bởi các nút mạng và thợ đào Bitcoin.
Điều thật lạ về kiểu phản đối này là thứ nhất, tác động đó là rất nhỏ trên quy mô toàn cầu, và thứ hai - ai quan tâm? Có một số người, ở một nơi nào đó, đang sử dụng năng lượng theo cái cách mà bạn phản đối đấy (thật sốc, tôi biết mà), và cách phản ứng hợp lý cũng chỉ là “ừ đúng, thế thì sao?”
Một vài xã hội tự do bận bịu giám sát việc sử dụng năng lượng, để cho nhóm nhà báo tuyên huấn (woke Establishment journalists) quyết định cái gì được phép sử dụng, cái gì có hại, và cái gì cần phải biến mất. Mọi người lái xe ô tô, đôi lúc là vì họ muốn thế, đôi khi là để thi xem ai nhanh hơn ai; mọi người đi nghỉ mát, hầu hết cũng là do họ muốn vậy; con người ta mua thứ này, lái thứ kia, xây cái này, hưởng thụ cái nọ, hầu hết đều cần tới năng lượng và hầu như chẳng bao giờ cần đến tờ giấy phép nào từ các bậc đạo đức bên trên.
Cho bitcoin vào danh sách trên thì bằng một cách nào đó lại thay đổi mọi thứ. Một ai đó, ở một nơi nào đó, đang chạy thiết bị chuyên dụng của họ để xác thực hệ thống, trong khi họ có thể sử dụng chúng (bộ vi xử lý, bộ nhớ flash, quạt, các thiết bị lưu trữ) để, tôi cũng chẳng biết nữa, chạy một máy chủ chứa tất cả các bức hình Instagram tuyệt đẹp của bạn. Điều gì về nhu cầu sử dụng năng lượng của Bitcoin thực sự kích động những người này? Nếu bạn nghĩ Bitcoin là một cơ chế thanh toán tồi tệ, một đồng tiền dưới chuẩn, một đồng tiền cơ sở bất ổn, hay một cơn sốt tài chính điên rồ, những lập luận đó đều có cơ sở riêng của chúng - thế nhưng năng lượng thì có liên quan gì đến nó?
Thoạt nhìn, đó là một lập luận hoàn toàn hiển nhiên: Nếu bạn nghĩ giá trị gia tăng của Bitcoin bằng 0 hoặc âm - Kelly mừng rỡ gọi nó là “một loại tài sản hủy diệt” – bất kỳ năng lượng nào tiêu thụ cũng sẽ là một sự lãng phí, một cơn ác mộng khí hậu, một thảm họa môi trường. Rốt cuộc, chúng ta thường nghe rằng trò lừa đảo tiền tệ này tiêu thụ điện ngang với cả các quốc gia cỡ nhỏ và vừa. Và khi tờ New York Times sử dụng những từ như “những trang trại khổng lồ” và “những dàn máy tính vô tận” thì chúng ta đoán chắc nó là tồi tệ.
Như thường lệ khi các nhà báo nói về những thứ kinh khủng to lớn, chúng ta cần phải đào sâu hơn và thăm dò thêm một chút: hãy hỏi những câu hỏi không mấy dễ chịu - bao nhiêu? nhiều không? So với cái gì?
Các ước tính về việc sử dụng điện của toàn bộ mạng lưới Bitcoin tràn ngập khắp nơi, một phần là vì chẳng ai thực sự biết có bao nhiêu thợ đào và họ đang chính xác sử dụng thiết bị gì (và liên quan đến các mối quan tâm về môi trường, nguồn điện nào cung cấp năng lượng cho các cơ sở của họ). Ước tính thấp thì cũng rơi vào khoảng 40 TWh mỗi năm - nhiều hơn mức sử dụng của bang Massachusetts vào năm 2019 một chút – trong khi các ước tính cao thì báo cáo lên tới 100 TWh mỗi năm - xấp xỉ bằng lượng phát điện của bang South Carolina hoặc Louisiana. Chúng ta hãy thử tính đến trường hợp xấu nhất và làm tròn con số 100 TWh cho thuận tiện.
Đó là 2,5% trong số 4,000 TWh điện đã được sử dụng trong năm 2018 của Mỹ, hoặc ít hơn 0,4% mức phát điện của thế giới vào năm 2019. Bên cạnh đó, nếu mức tiêu thụ điện toàn cầu giảm 1% vào năm ngoái vì các biện pháp chống đại dịch, thì khoản “tiết kiệm” này có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ mạng lưới Bitcoin vào thời điểm hiện tại cho đến tận năm 2024 (hoặc năm 2028 nếu tính ở mức ước lượng thấp hơn). Nếu không có Bitcoin, có thể nói rằng cảnh sát điện Alphaville của chúng ta sẽ tìm được một số kẻ tiêu thụ điện mini khác để phàn nàn - có thể là đèn Giáng sinh (7 TWh), các khu trượt tuyết (2-5 TWh), hoặc game online (75 TWh). Hay các mạng lưới cây ATM của các hệ thống ngân hàng toàn cầu (đâu đó khoảng 25 TWh)?
Nên nhớ rằng chúng ta mới chỉ nói về việc sử dụng điện; thủ đoạn liên quan đến mánh khóe ma thuật của các Alphaville là đánh đồng việc sử dụng với “thực sự gây hại cho môi trường.” Theo cách tính này thì việc phát điện để sạc những chiếc máy tính của các nhà văn thì đạt tiêu chuẩn - cũng như việc sưởi ấm các căn hộ của họ (nguyên liệu hóa thạch?) và nguồn điện để thắp sáng nhà cửa cũng như chạy các thiết bị trong nhà của họ nữa. Mặc dù rất nhỏ trong tương quan với hàng ngàn hàng vạn các thợ đào đang duy trì một mạng lưới tiền tệ phi tập trung, giá trị gia tăng Alphaville rõ ràng là nhỏ hơn 0 và chắc chắn là một sự lãng phí điện năng khủng khiếp.
Nếu bạn sống trong một thế giới trung bình và cộng gộp - như Kelly, khi mà cô ấy viết rằng vì hầu hết việc đào bitcoin là ở Trung Quốc nơi mà “2/3 tổng điện năng được sản xuất bằng than đá” - đào Bitcoin hẳn phải là bẩn thỉu.
Đào Bitcoin là một lĩnh vực kinh doanh cắt cổ, hầu như được quyết định bởi giá điện năng địa phương (mặc dù chi phí đầu tư và các rủi ro pháp lý cũng quan trọng). Do vậy, các thợ đào bitcoin luôn phải tìm kiếm các nguồn năng lượng bị kẹt, năng lượng mà không được tiêu thụ trên thị trường, năng lượng mà không có chi phí cơ hội,ví dụ như khí đốt tự nhiên mà nếu không dùng sẽ bị thải đốt; sức chứa thủy điện đáng lẽ ra sẽ bị xả bớt; tuabin gió nếu không sẽ bị tắt đi hoặc bị cắt khỏi lưới điện.
Khi ARK Invest and Square gần đây công bố một báo cáo về triển vọng năng lượng tái tạo dành cho các thợ đào bitcoin, họ đề xuất xây dựng các xưởng đào gần các nguồn năng lượng bị kẹt như một phần bổ trợ để giải quyết vấn đề gián đoạn. “Gián đoạn,” Kelly gào lên, nhạo báng các tác giả không hiểu rằng bitcoin chỉ biết tiêu thụ chứ không trả lại điện: Đó không phải là một cơ chế dự trữ giải quyết được vấn đề nan giải của năng lượng tái tạo.
Một ghi chú ngắn gọn về ba vấn đề cơ bản của các loại năng lượng tái tạo:
1. Chúng không sản xuất nhiều điện khi cũng ta cần: buổi tối, chiều tối, và ở Bắc bán cầu, mùa đông;
2. Chúng sản xuất rất nhiều điện khi chúng ta không cần nhiều điện: ban ngày và mùa hè;
3. Chúng sản xuất nguồn điện này ở các khu vực địa lý xa những nơi mà chúng ta cần chúng: đồng bằng nông thôn, ngoài khơi, hải đạo.
Đối với từng vấn đề trên, những gì mà chúng ta đang làm với các lưới điện dồi dào năng lượng mặt trời và gió là:
1. Phải có một nguồn năng lượng dự phòng đắt đỏ - hầu hết là khí tự nhiên hoặc các nhà máy than đá – sẵn sàng sản xuất điện khi gió và mặt trời không thể đáp ứng được nhu cầu. Đây là lý do tại sao giá điện tăng - chứ không giảm - khi càng có nhiều năng lượng tái tạo được gắn vào lưới điện.
2. Khi lưới điện từ năng lượng mặt trời và gió chuẩn bị quá tải do sản xuất quá nhiều, một trong hai trường hợp thường xảy ra: các nước nhỏ như Đan Mạch có thể xuất khẩu điện của họ sang các nước láng giềng lớn hơn như Đức và Thụy Điển (trút bỏ gánh nặng lên người khác) hoặc đơn giản là cắt bỏ các nguồn năng lượng tái tạo. Năm ngoái, giá điện bán buôn còn giảm xuống dưới 0 đồng để khuyến khích những người tiêu dùng công nghiệp sẽ tiêu thụ phần điện bị thừa từ các nhà sản xuất.
3. Đường dây tải điện của chúng ta được lấp đầy công suất: trong ngắn hạn, chúng ta quay lại ngắt các nguồn gián đoạn đi, và trong dài hạn chúng ta đan nhiều đường dây nhôm hơn qua các vùng nông thôn để đáp ứng việc chia sẻ lượng điện dư thừa xuyên lục địa.
Những người ủng hộ thiết chế Bitcoin như Cathy Wood của ARK Invest hoặc Jack Dorsey, người mà các Alphaville đang hướng FUD môi trường hiện nay chống lại, đã không hình dung được các vấn đề này. Các nhà sản xuất năng lượng bị tắc nghẽn, như các nhà máy thủy điện quá cỡ ở bốn tỉnh của Trung Quốc nơi mà hầu hết việc đào coin đang diễn ra, không thể đưa các sản phẩm của họ ra thị trường - nhưng họ có thể bù lại phần nào các chi phí cố định bằng cách bán điện cho các thợ đào bitcoin uy tín. Có phải Wood, Dorsey, và Brett Winton (giám đốc nghiên cứu của ARK) đã tranh luận về vấn đề này theo một kiểu lóng ngóng, ám chỉ rằng bitcoin có thể giúp năng lượng mặt trời cung cấp điện cho toàn bộ lưới điện? Đúng. Do đó họ sai khi nói rằng trút bỏ phần điện năng dư thừa cho các thợ đào giúp tài trợ cho việc sản xuất năng lượng tái tạo (hoặc không tái tạo)? Không hề.
Ngược lại: Nic Carter, bậc thầy chuyên phá vỡ các luận điệu của FUD môi trường, viết:
“Khí tự nhiên bị tách khỏi lưới không hề cạnh tranh với tiêu thụ năng lượng thương mại hay của các hộ gia đình. Nó sẽ chẳng bao giờ được bán ra, giữ lại, tiêu thụ, hay phân phát đến các hộ gia đình. Kết cục của nó đơn giản chỉ là bị đốt cháy hoặc xả bớt đi.”
Nếu một phần trong số điện năng dư thừa - sai chủng loại, không đúng chỗ, sai thời điểm - có thể được sử dụng để đào bitcoin và tài trợ cho các hoạt động của nhà cung ứng điện, đó chẳng phải là một bước tiến hiệu quả sao? Tổ đội các thợ đào bitcoin toàn cầu làm sạch nguồn năng lượng không được sử dụng, bị tắc nghẽn, và lãng phí của thế giới, cấp thêm tiền cho các nhà sản xuất điện cận biên từ các nguồn năng lượng tái tạo hoặc không tái tạo. Tôi thấy quá tốt.
Thực tế chúng ta nên hoài nghi về các cơn sốt tài chính, mọi thứ trong Bong bóng của mọi thứ. Và chúng ta cũng nên tranh luận về nhiều thuộc tính tiền tệ của bitcoin - chủ yếu là bởi chúng ta theo đó làm nổi bật phương thức hoạt động của các chế độ tiền tệ khác. Nhưng những cáo buộc về môi trường đối với các hoạt động đào Bitcoin giống như đập đầu bạn vào tường vậy - chẳng phải hay ho gì.
Giống như JP Kong vĩ đại đã kết luận tuần qua, "vấn đề không phải là các nhu cầu năng lượng của các sản phẩm này”.
Nguồn: Joakim Book, Bitcoin and a Lesson in Electricity Markets, AIER, 1/5/2021