[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 5)
VÌ SAO TRÍ TUỆ, CÁC THÓI QUEN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN CỦA NGƯỜI MĨ LẠI GÓP PHẦN THÀNH CÔNG CHO CÁC THIẾT CHẾ DÂN CHỦ
Quan niệm thế nào về trí tuệ của nhân dân Mĩ. − Tinh thần nhân bản đã nhận được ở Hoa Kì một nền văn hoá kém sâu hơn ở châu Âu. − Nhưng chẳng ai ở Mĩ lại chịu nằm trong vòng u tối hết. − Vì sao. − Tốc độ chu chuyên của tư duy trong các bang còn bán khai ở miền Tây. − Vì sao kinh nghiệm thực tiễn vẫn còn có ích cho người Mĩ hơn là những kiến thức sách vở.
Trong rất nhiều đoạn của công trình này, tôi đã nêu nhận xét cùng bạn đọc về ảnh hưởng của trí tuệ và thói quen của người Mĩ đối với việc duy trì các thiết chế chính trị của họ. Giờ đây tôi chỉ còn vài ba điều nho nhỏ để nói thêm thôi.
Cho tới nay, nước Mĩ chỉ có rất ít nhà văn có danh; Mĩ không có những nhà sử học lớn và không có lấy một nhà thơ. Dân chúng Mĩ không coi trọng lắm cái món văn chương thuần tuý. Thực trạng là có thành phố hạng ba của châu Âu lại xuất bản mỗi năm nhiều tác phẩm văn học hơn hai mươi bốn bang của Hoa Kì gộp lại.
Tinh thần người Mĩ tách khỏi những ý tưởng chung chung; nó không hướng tới những khám phá lí thuyết. Ngay như chính trị và công nghiệp cũng không đẻ ra công trình lí thuyết nào. Ở Hoa Kì người ta không ngừng nói đến những bộ luật mới; vậy mà vẫn chẳng có nhà văn lớn nào tìm tòi vào ngành đó để viết lên những nguyên lí chung về luật pháp.
Người Mĩ có những nhà nghiên cứu pháp luật và những nhà bình luận, nhưng họ thiếu những nhà chính luận. Về chính trị, họ đưa ra cho thế giới những thí dụ cụ thể thay vì đưa ra được những bài học.
Tình hình cũng tương tự như vậy đối với công nghệ.
Ở Mĩ, người ta áp dụng linh hoạt những phát minh của châu Âu, và sau khi đã hoàn thiện chúng, họ áp dụng tuyệt vời vào các nhu cầu của đất nước. Con người ở Mĩ rất khéo léo, nhưng ở đó họ không vun bồi khoa học của sự khéo léo. Ở Mĩ có nhiều thợ giỏi và ít nhà phát minh. Ông Fulton khuân thiên tài của mình đi trao cho các nước láng giềng một thời gian dài trước khi đem ra cung ứng cho nước mình.
Ai mà định xét đoán tình trạng trí tuệ của người Mĩ gốc Anh thì sẽ chỉ thấy điều đó dưới hai dạng đối lập rõ rệt như vậy. Nếu lại định chỉ đi tìm hiểu về những người uyên thâm, thì sẽ lại càng ngạc nhiên vì Mĩ có rất ít nhà bác học; ấy thế nhưng nếu xem xét sang những con người dốt nát của nước Mĩ, thì hình như dân Mĩ thông minh nhất trên trái đất này.
Toàn bộ cư dân nước Mĩ được đặt nằm giữa hai thái cực; tôi nói điều đó rồi.
Ở New England, mỗi công dân được học những khái niệm cơ bản về tri thức nhân loại; ngoài ra, công dân đó còn được biết những học thuyết và những bằng chứng liên quan đến tôn giáo của mình; người ta cho học lịch sử đất nước và những nét cơ bản của hiến pháp hiện hành. Ở bang Connecticut và Massachusetts, rất hiếm khi tìm được một người nào đó mà lại chỉ biết những điều trên một cách không hoàn chỉnh, và anh nào hoàn toàn mù tịt những chuyện đó bị coi như một hiện tượng lạ.
Khi tôi so sánh các nền cộng hoà Hi Lạp và La Mã với các nước cộng hoà Mĩ, khi tôi đem những thư viện tài liệu viết tay của các nước cộng hoà cổ đại và đám dân cư thô kệch của họ, đưa ra so sánh với cả ngàn tờ báo ngang dọc đất Mĩ và người dân trí tuệ sáng láng đang sinh sống trên đất Mĩ; khi sau đó tôi suy nghĩ về tất cả những nỗ lực người Mĩ vẫn đang đổ ra, để phán xét nước cộng hoà hiện đại này qua nước cộng hoà thời cổ nọ, và thông qua những gì xảy ra đã hai ngàn năm, để tiên đoán những gì sẽ xảy ra ngày nay, tôi thật tình muốn đốt hết sách của mình đi, để chỉ còn phải áp dụng những ý tưởng mới mẻ vào một trạng thái xã hội mới toanh đến thế.
Mà cũng chẳng cần dàn trải ra khắp Liên bang để xem xét những gì được thấy ở New England. Khi ta càng đi về miền Tây hoặc miền Nam, thì trình độ học vấn của người dân càng giảm. Tại các bang cận kề với Mexico, cũng thấy tình trạng như ở nước ta, có những cá nhân hoàn toàn xa lạ với những yếu tố tri thức nhân loại; thế nhưng ta không sao tìm thấy ở Hoa Kì cả một tổng hoàn toàn chìm trong sự ngu tối. Lí do thật dễ hiểu: các quốc gia châu Âu xuất phát từ bóng tối và sự man dại để bước đến văn minh và trí tuệ. Họ tiến bộ không đều nhau: có những quốc gia đã đến được đích, có những quốc gia khác đang thủng thẳng bước tới đích; nhiều quốc gia đã dừng chân, và họ đang ngủ dọc đường.
Tình hình hoàn toàn không như vậy ở Hoa Kì.
Người Mĩ gốc Anh đã hoàn toàn văn minh khi đến miền đất mà con cháu họ sẽ cư ngụ. Họ chẳng còn gì phải học nữa, họ chỉ cần không quên là đủ. Ấy vậy mà con cháu của chính những người Mĩ đó, hàng năm đã chuyên chở vào trong hoang mạc, cùng với gia sản của họ là những kiến thức đã thu nhận được và cả tấm lòng tôn trọng trí tuệ. Nền giáo dục đã giúp họ cảm nhận được ích lợi của ánh sáng và cũng đặt họ vào vị thế những con người có khả năng chuyển giao chính những điều thông tuệ đó cho con cháu. Ở Hoa Kì, xã hội không có tuổi ấu thơ; xã hội Hoa Kì sinh ra là đã sung sức.
Người Mĩ không bao giờ dùng từ “nông dân”. Họ không dùng từ đó, vì họ không có ý niệm đó. Sự dốt nát của những thuở ban đầu, cái giản dị của đồng ruộng, vẻ cục mịch của thôn làng đã không được lưu giữ ở họ, và họ không sản sinh ra cả những đức tính, cả những tật xấu, cả những thói quen thô lậu, cả những ân phúc ngây thơ của một nền văn minh đang sinh thành.
Ở những cực xa nhất của các vùng nằm trong liên bang, trên những chốn tiếp giáp giữa văn minh và hoang mạc, là nơi sinh sống của những cư dân phiêu lưu quyết liệt, những con người để trốn chạy cái nghèo sẵn sàng đón đợi họ dưới mái nhà tiên tổ, đã chẳng ngại gì dấn sâu vào những vùng hoang vắng của nước Mĩ và tìm thấy ở đó một tổ quốc mới. Vừa đặt chân tới cái nơi rồi sẽ thành chốn trú chân, kẻ đi tiên phong chặt vội vài ba cái cây và dựng một căn lều lợp bằng lá cây. Không gì có vẻ ngoài khốn khổ hơn những ngôi nhà nằm cô đơn tách biệt ấy. Du khách đến gần ngôi “nhà” lúc chiều buông từ xa đã thấy ánh lửa bếp lò qua những khe tường. Và ban đêm nếu gió nổi lên du khách nghe tiếng mái lá rung rào rào cùng với cây rừng. Ai mà chẳng nghĩ cái túp lều tội nghiệp đó phải là nơi trú ngụ của thô bạo và ngu tối? Thế mà, ta chớ nên đánh đồng phẩm chất kẻ tiên phong với căn lều hắn đang tạm trú. Mọi thứ đều nguyên sơ và hoang dại quanh anh ta, nhưng con người anh ta lại là sản phẩm của mười tám thế kỉ lao động và trải nghiệm. Anh ta mặc quần áo dân thị thành, nói ngôn ngữ dân thành thị. Anh ta biết rõ quá khứ, tò mò về tương lai, và đang biện luận về thời hiện tại. Đó là một con người rất văn minh đang chịu đựng một thời sống giữa rừng, và anh ta dấn sâu vào hoang mạc trên tay có Thánh Kinh, cây rìu và những tờ báo.
Thật khó mà hình dung tư duy người được vận chuyển nhanh đến mức nào bên trong các hoang mạc ấy.
Tôi không thể nghĩ là ở các tổng của Pháp loại đông dân nhất và sáng láng nhất lại có nổi được một sự chuyển động trí tuệ lớn lao đến mức ấy.
Ta có thể hồ nghi rằng ở Hoa Kì nền giáo dục chỉ phục vụ đắc lực cho việc duy trì nền cộng hoà dân chủ. Tôi nghĩ rằng đâu đâu thì cũng sẽ là như vậy một khi ta không tách cái giáo dục làm khai sáng tinh thần con người và cái giáo dục đi điều chỉnh tập tục của con người.
Dẫu sao thì tôi cũng không thêm thắt gì nữa cho cái ưu thế đó và, cũng như rất nhiều người ở châu Âu, còn xa tôi mới tin tưởng rằng chỉ cần dạy cho con người biết đọc biết viết là đủ để họ trở thành công dân.
Những nguồn sáng thực sự được sinh thành chủ yếu từ trải nghiệm, và khi ta không làm cho người Mĩ quen dần với việc tự cai trị mình, thì những tri thức chữ nghĩa họ có hẳn là bây giờ chẳng còn mấy giá trị để giúp họ thành tựu trong việc xây dựng chính quyền của mình.
Tôi đã sống rất lâu với con người ở Hoa Kì, và tôi chẳng thể nói hết tôi đã chiêm ngưỡng sự trải nghiệm và lương tri của họ đến chừng nào.
Xin đừng lôi kéo một anh người Mĩ nào đó vào trò chuyện nói năng về châu Âu; khi đó anh ta thường có định kiến ghê gớm và kiêu hãnh một cách ngốc nghếch. Anh ta bằng lòng với những ý tưởng chung chung mà, ở nước nào cũng thế, đều rất có ích cho những người dốt. Nhưng hãy hỏi chuyện anh ta về nước Mĩ đi, và bạn sẽ thấy những đám mây mù bao quanh trí khôn anh ta bỗng bị xua tan: ngôn ngữ anh ta sáng sủa hẳn ra, rành mạch và chính xác, cũng như tư duy anh ta vậy. Anh ta sẽ cho bạn biết anh có những quyền gì, và phải dùng cách gì để thực thi các quyền đó; anh ta cũng biết có những cách thức gì được sử dụng trong đời sống chính trị. Bạn sẽ thấy là anh ta biết rõ các quy tắc hành chính và anh ta tỏ ra quen thuộc với cách vận hành của luật pháp. Người cư dân Mĩ không lấy từ sách ra các kiến thức thực tiễn và các khái niệm tích cực kia: nền giáo dục bằng chữ nghĩa đủ sức chuẩn bị cho anh ta tiếp thu những thứ đó, nhưng không cung cấp sẵn những thứ đó cho anh ta.
Chính nhờ tham gia vào việc lập pháp mà người Mĩ học được cách hiểu biết về luật pháp; nhờ tham gia chính quyền mà người Mĩ học được về các hình thức hoạt động của chính quyền. Sự nghiệp lớn lao của xã hội hàng ngày được hoàn thiện trước mắt anh ta, và có thể nói là trong đôi bàn tay anh ta.
Ở Hoa Kì tổng thể sự nghiệp giáo dục con người được hướng về chính trị; ở châu Âu mục tiêu chính yếu của giáo dục là chuẩn bị cho đời sống riêng tư. Hành động của công dân trong mọi công việc quốc gia là một sự kiện quá hiếm nên không thể nào dự kiến trước cho hết.
Khi ta nhìn vào hai xã hội đó, những điều khác biệt đó hiện ra ngay từ những biểu hiện bề ngoài.
Ở châu Âu, chúng ta thường đưa các ý tưởng và các thói quen của đời sống riêng tư vào cuộc sống công cộng, và cũng thường thấy việc chuyển từ chuyện bên trong gia đình sang việc cai quản Nhà nước, thiên hạ thường thấy chúng ta thảo luận những lợi ích to tát của xã hội theo cùng một cung cách chúng ta trò chuyện với bạn bè.
Ngược lại, người Mĩ hầu như bao giờ cũng đem những thói quen của đời sống công cộng vào cuộc sống riêng tư. Ở người Mĩ, ta thấy tinh thần bồi thẩm đoàn ngay trong những trò chơi vui ở trường học, và ta bắt gặp những dạng hoạt động nghị viện ngay trong trật tự một bữa tiệc.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)