[Nền dân trị Mỹ] - Chương VII: Về việc phán xử chính trị ở Hoa Kỳ

[Nền dân trị Mỹ] - Chương VII: Về việc phán xử chính trị ở Hoa Kỳ

Tác giả quan niệm thế nào là phán xử chính trị. − Người ta hiểu về phán xử chính trị như thế nào ở Pháp, ở Anh, ở Hoa Kì. − Ở Mĩ, viên quan toà chính trị chỉ có trách nhiệm với những công chức. − Quan toà này tuyên án bãi truất chứ không tuyên án phạt. − Phán xử chính trị là phương tiện quen thuộc của chính phủ. − Phán xử chính trị, như người ta quan niệm ở Hoa Kì, mặc dù không khắc nghiệt, nhưng là một vũ khí rất mạnh trong tay đa số.

Tôi quan niệm phán xử chính trị là quyết định được tuyên bởi một tổ chức chính trị tạm thời được trao quyền phán xử.

Trong các chính quyền chuyên chế, việc trao những dạng thức đặc biệt cho quyền phán xử chỉ là vô ích. Vị quân vương, mà nhân danh ông người ta khởi tố bị cáo, vốn là ông chủ của các toà án và ông chủ của tất tật mọi thứ khác, ông này chẳng cần tìm điều bảo đảm ở đâu xa ngoài cái mọi người vẫn nghĩ về thế lực của ông ta. Điều duy nhất ông ta có thể e ngại là không giữ được những vỏ bọc bề ngoài của công lí, và danh dự ông có thể bị tổn thương một khi người ta tìm cách siết chặt thêm hình thức tư pháp.

Nhưng tại phần lớn các quốc gia tự do, nơi đa số con người không thể nào tác động tới các toà án như cách làm của vị quân vương chuyên chế, đôi khi lại có cơ hội tạm thời đưa quyền phán xử vào chính tay những đại diện của xã hội. Theo cách đó, người ta ưng tạm thời lẫn lộn các quyền lực hơn là vi phạm nguyên tắc thống nhất cần thiết cho chính quyền. Nước Anh, nước Pháp và Hoa Kì đã đưa quyền phán xử chính trị vào hai bộ luật: ở đây kể cũng đáng xem xét việc ba dân tộc lớn đó đã thu được món lợi gì.

Ở Anh và Pháp, viện nguyên lão là toà thượng thẩm đại hình của cả nước. Nó không xử tất cả các vụ tội phạm chính trị, nhưng nó có quyền đó.

Bên cạnh viện nguyên lão có một quyền lực chính trị khác nữa được trao cho cái quyền buộc tội. Về điểm này, chỉ có duy nhất một chỗ khác nhau giữa hai nước là: ở Anh, các vị dân biểu có quyền tố cáo bất cứ ai tuỳ thích trước các vị nguyên lão, còn ở Pháp thì họ chỉ có quyền khởi tố kiểu đó đối với các bộ trưởng của nhà vua thôi.

Và ở cả hai nước thì viện nguyên lão có sẵn trong tầm tay mọi bộ luật hình để dùng chúng đánh vào những người phạm pháp.

Ở Hoa Kì cũng như ở châu Âu, một trong hai ngành lập pháp có quyền buộc tội, và ngành kia có quyền phán xử. Các đại biểu tố cáo kẻ phạm tội, Thượng nghị viện trừng phạt người đó.

Nhưng Thượng nghị viện chỉ được giao xét xử bởi các dân biểu, và các dân biểu (Hạ viện − Quốc hội − ND) chỉ có quyền đem ra buộc tội những công chức. Vậy là Thượng nghị viện có thẩm quyền hạn hẹp hơn nhiều so với viện nguyên lão ở Pháp, và các dân biểu có quyền buộc tội rộng hơn nhiều so với các dân biểu nước ta.

Nhưng đây mới là sự khác biệt lớn nhất giữa nước Mĩ và châu Âu: ở châu Âu, các toà án chính trị có quyền áp dụng mọi điều luật trong bộ luật hình sự. Còn ở nước Mĩ, sau khi toà án tước bỏ của kẻ tội phạm chức vụ công cộng của anh ta, và tuyên bố anh ta không đủ tư cách giữ bất kì chức vụ chính trị nào nữa trong mai sau, quyền của các toà án khi đó coi như đã hoàn toàn hết, và bắt đầu công việc của các toà án bình thường.

Nay ta giả định là tổng thống Hoa Kì phạm trọng tội phản bội tổ quốc.

Hạ viện buộc tội ông ta, các thượng nghị sĩ tuyên bố ông ta bị cách chức. Sau đó ông ta phải ra trước một hội đồng bồi thẩm có quyền tuyên ông ta tù chung thân hoặc tử hình.

Nói điều vừa rồi là để rọi sáng vào vấn đề chúng ta đang quan tâm.

Khi đưa vấn đề phán xử chính trị vào luật của mình, người châu Âu muốn với đến những kẻ phạm tội kếch xù, bất kể nguồn gốc gia đình, bất kể cấp bậc và chức tước. Để đạt tới điều đó, người châu Âu tạm thời hội nhập tất cả các đại đặc quyền của toà án vào trong tay một tổ chức chính trị lớn.

Nhà lập pháp được đổi thành vị pháp quan, ông này có quyền xác định tội phạm, xếp hạng nó và trừng trị nó. Khi trao cho ông ta những quyền của viên quan toà, luật pháp cũng áp đặt cho ông ta toàn bộ các nghĩa vụ và gắn ông ta với việc tôn trọng toàn bộ các hình thức công lí.

Khi một toà án chính trị, dù là của Pháp hay của Anh, phải xét xử một công chức và tuyên một điều chống lại người kia, thì trên thực tế toà đã tước bỏ của người kia các chức trách và có thể tuyên người đó không xứng đáng giữ bất kì chức trách nào nữa trong mai sau: nhưng ở đây việc bãi truất và cấm đoán về chính trị là một hệ quả của quyết định chứ không là chính bản thân quyết định.

Ở châu Âu, việc phán xử chính trị có vẻ như là một hành động tư pháp hơn là một biện pháp hành chính.

Ta thấy ở Hoa Kì thì ngược lại, và ta thật dễ dàng tự thuyết phục rằng ở bên đó việc phán xử chính trị có vẻ như là một biện pháp hành chính hơn là một hành động tư pháp.

Đúng là quyết định của thượng nghị viện về hình thức thì mang tính tư pháp. Để đi tới quyết định đó, các thượng nghị sĩ bắt buộc phải tuân thủ sự trang nghiêm của các cách thức và thủ tục tố tụng. Căn cứ vào những cái cớ làm cơ sở ra quyết định, thì nó cũng mang tính tư pháp. Thượng nghị viện nói chung bị buộc phải lấy một tội phạm thông thường để làm cơ sở cho quyết định. Nhưng căn cứ vào đối tượng xử lí, thì quyết định của Thượng nghị viện [đúng là] mang tính hành chính.

Nếu mục đích chính của nhà lập pháp Mĩ là thực sự mang lại cho tổ chức chính trị một quyền lực tư pháp lớn, thì nó đã không siết chặt hành động trong phạm vi các công chức, bởi vì những kẻ thù nguy hiểm nhất của Nhà nước có thể không cần được giao bất kì chức trách nào hết: điều này là có thật, nhất là ở các chế độ cộng hoà, nơi mà đặc ân của các phe phái mới là thế lực hàng đầu, và nơi mà con người càng không thực thi chính thức bất kì quyền hành nào thì lại càng mạnh.

Nếu nhà lập pháp Mĩ định đem lại cho chính xã hội cái quyền cảnh giác trước với những tội phạm lớn theo cách làm của viên quan toà, thì do sợ bị trừng phạt, hẳn ông ta sẽ đặt vào tay các toà án chính trị tất cả những nguồn lực của bộ luật hình. Thế mà nhà lập pháp Mĩ đã chỉ tạo cho xã hội một vũ khí không đầy đủ và chẳng thể nào đạt tới những kẻ thù nguy hại nhất trong số những kẻ tội phạm. Vì với kẻ định lật đổ ngay bản thân luật pháp thì có sá gì cái sự cấm đoán về chính trị.

Vậy là, mục đích chính của phán xử chính trị ở Hoa Kì là thu hồi quyền lực từ kẻ nào đã dùng sai quyền lực và ngăn cản công dân đó không có được quyền lực ấy nữa trong mai sau. Như ta thấy, đó là một hành động hành chính được người ta khoác cho cái áo nghiêm trang của một quyết định tư pháp.

Theo cách này, người Mĩ đã tạo ra được một thứ gì đó mang tính hổn hợp. Họ đã đem lại cho việc bãi truất về hành chính tất cả những bảo đảm của một phán xử chính trị, và với việc phán xử chính trị thì họ cũng tước đi luôn những gì hà khắc nhất.

Đạt được điểm đó rồi thì đầu xuôi đuôi lọt. Ta thấy vì sao các thiết chế Mĩ đặt tất cả các công chức dưới quyền tư pháp của Thượng nghị viện và miễn trừ cho giới quân sự là nơi mà nếu có tội phạm thì lại đáng gờm hơn cả. Trong ngạch dân sự, có thể nói là người Mĩ không có công chức nào có thể bị bãi truất: có những người có quyền bất khả bãi truất, có những người lại được quyền theo nhiệm kì và không thể bị bãi truất giữa chừng. Để tước bỏ quyền lực của họ thì phải xét xử tất cả bọn họ. Nhưng giới quân sự thì lệ thuộc vào người đứng đầu Nhà nước, ông này cũng lại là một công chức dân sự nốt. Và khi chạm tới nguyên thủ quốc gia, cũng đồng thời là đánh toàn thể bọn họ.

Bây giờ nếu chúng ta đem so sánh hệ thống Mĩ và hệ thống châu Âu, xét theo những tác động mỗi bên tạo ra được hoặc có thể tạo ra được, ta thấy những khác biệt không kém nhạy cảm.

Ở Pháp và ở Anh, người ta coi việc phán xử chính trị như một vũ khí đặc biệt mà xã hội chỉ được dùng để tự cứu trong những thời điểm đại nguy kịch.

Ta không thể phủ nhận rằng việc phán xử chính trị, như cách hiểu ở châu Âu, không vi phạm nguyên tắc bảo thủ của việc phân chia quyền lực, và không ngừng đe doạ tự do và cuộc sống con người.

Ở Hoa Kì, việc phán xử chính trị chỉ đụng chạm gián tiếp đến nguyên tắc phân chia quyền lực; nó không hề đe doạ cuộc sống của công dân; nó không bay lượn đe doạ trên đầu mọi con người như ở châu Âu, vì nó chỉ đánh vào những ai đã chấp nhận những điều hà khắc của nó ngay từ khi chấp nhận các chức trách công cộng.

Nó đồng thời vừa ít đáng sợ vừa kém hiệu quả.

Vì thế các nhà lập pháp Hoa Kì mới không coi đó như là phương thuốc cực đoan cho những đại hoạ của xã hội, mà coi đó như là phương tiện chính quyền quen thuộc.

Theo góc nhìn đó, có thể nhà lập pháp còn có nhiều ảnh hưởng thực sự đối với xã hội ở nước Mĩ hơn so với bên châu Âu. Thật vậy, ta không nên chỉ thấy cái vẻ ngoài dịu ngọt của nền lập pháp nước Mĩ trong vấn đề liên quan đến phán xử chính trị. Trước hết, ta cần nhận thấy là ở Hoa Kì cái toà án đứng ra tuyên xử chính trị cũng vẫn bao gồm những thành phần và cùng chịu những ảnh hưởng như cái bộ phận làm công việc buộc tội, điều này mang lại một xung động gần như không thể cưỡng nổi cho các đam mê mang tính phe phái đi tìm cách báo thù nhau. Nếu như ở Hoa Kì các quan toà chính trị không có quyền tuyên những bản án nặng như các quan toà chính trị ở châu Âu, thì cũng có ít cơ hội được họ tha bổng hơn. Án tuyên có vẻ kém ghê gớm nhưng chắc chắn là bị tuyên.

Khi thiết lập những toà án chính trị, đối tượng chính với người châu Âu là trừng trị kẻ phạm tội; còn với người Mĩ đó là tước quyền lực của những người phạm tội. Phán xử chính trị ở Hoa Kì trong chừng mức nào đó là biện pháp phòng ngừa. Và người ta không được lôi vị quan toà vào những định nghĩa tội phạm thật chính xác.

Không có gì đáng gờm hơn là tính chất mơ hồ của luật pháp nước Mĩ khi định nghĩa các tội phạm mang tính chất chính trị đích thực. “Những tội phạm sẽ dùng làm nguyên cớ để kết án tổng thống (theo Hiến pháp Hoa Kì, phần IV, điều 1) là tội phản bội tổ quốc, tội tham nhũng hoặc các trọng tội khác.” Phần lớn các hiến pháp của các bang còn tù mù hơn nữa.

Hiến pháp bang Massachusetts viết “Các công chức sẽ bị kết án vì hành vi tội phạm của họ và vì cung cách họ điều hành chính quyền kém cỏi . Mọi công chức nào đặt đất nước vào tình trạng hiểm nghèo do điều hành chính quyền kém cỏi, do tham nhũng hoặc do các tội phạm khác, theo hiến pháp bang Virginia, đều có thể bị Hạ viện buộc tội.” Có những bản hiến pháp không chỉ rõ một tội phạm nào nhằm đè lên vai các công chức một trách nhiệm vô hạn.

Nhưng về phương diện này, tôi dám đoan chắc rằng, điều làm cho luật pháp nước Mĩ quả là đáng gờm lại sinh ra từ chính cái vẻ dịu dàng của chúng.

Chúng ta đã thấy rằng ở châu Âu việc bãi truất một công chức và ngăn cấm người đó hoạt động chính trị là một trong những hệ quả của việc trừng phạt họ, và ở nước Mĩ thì cũng là trừng phạt cả thôi. Kết quả là như sau: ở châu Âu, các toà án chính trị được trao cho những quyền hạn khủng khiếp, đến độ đôi khi họ không dám đem ra thi hành; và cũng xảy ra chuyện họ không dám trừng phạt, sợ rằng trừng phạt quá mức. Nhưng ở nước Mĩ, người ta không lui bước trước một hình phạt không đến độ làm cho cả nhân loại phải rên rỉ. Ở Mĩ, kết án tử hình một kẻ thù chính trị để tước đi quyền lực của y ta thành ra là một hành vi giết người kinh khủng trước con mắt mọi người; còn tuyên bố cũng kẻ đối nghịch đó là không đáng nắm giữ quyền hành ấy và tước bỏ quyền hành đó khỏi tay y ta, song lại vẫn để y ta sống và hưởng tự do lại được xem như là kết quả lương thiện của cuộc chiến.

Thế mà cái bản án dễ tuyên đến thế lại chẳng vì thế mà không phải là nỗi đau khủng khiếp đối với con người trung bình trong những con người được áp dụng án luật đó. Những kẻ đại tội phạm hẳn là sẽ ưỡn ngực chịu đựng những sự hà khắc vô vọng của án luật; những con người bình thường sẽ nhìn thấy ở án luật một quyết định làm tiêu ma vị trí quyền lực của họ, làm ô uế danh dự họ và đẩy họ tới một cảnh sống vô công rồi nghề xấu hổ còn tồi tệ hơn là cái chết.

Ở Hoa Kì, tác động của phán xử chính trị lên bước tiến xã hội càng lớn khi nó càng có vẻ ngoài đỡ gớm ghê. Nó không tác động trực tiếp đến những người bị cai trị, nhưng nó khiến cho đa số nhân dân hoàn toàn làm chủ đối với những kẻ nắm quyền cai trị họ. Nó chẳng hề đem lại cho nền lập pháp một quyền lực vô biên mà chỉ có thể thực thi nổi vào những thời điểm khủng hoảng. Nó để cho nền lập pháp có được một thế lực chừng mực và chính quy khả dĩ đem ra thực hành được trong cuộc sống hàng ngày. Sức mạnh bớt to tát đi, thì mặt khác việc dùng sức mạnh cũng thuận tiện hơn nhiều và sự lạm dụng cũng dễ dàng hơn.

Bằng cách ngăn cản các toà án chính trị tuyên những hình phạt tư pháp, tôi thấy hình như người Mĩ đã đoán biết trước được những hệ luỵ thuộc loại khủng khiếp nhất của một nền lập pháp bạo tàn hơn là của bản thân sự bạo tàn. Và xét toàn cục thì tôi cũng không biết rằng phải chăng việc phán xử chính trị như cách hiểu và cách làm ở Hoa Kì có là thứ vũ khí thuộc loại khủng khiếp nhất chưa từng khi nào được trao vào tay đa số nhân dân.

Khi nào các nước cộng hoà Mĩ bắt đầu thoái hoá, tôi tin rằng mọi người có thể dễ dàng nhận ra hiện tượng đó: chỉ cần nhìn xem số lượng những phán xử chính trị có gia tăng hơn không. (Xem N)

CHÚ THÍCH

(N)

Không có mục nào mà các Hiến pháp Mĩ lại ăn ý với nhau tuyệt vời đến thế như là mục phán xử chính trị.

Tất cả các bản hiến pháp khi quan tâm đến chuyện này đều trao cho Hạ viện cái quyền hoàn toàn đầy đủ trong việc buộc tội, ngoại trừ riêng một bản hiến pháp bang Carolina Bắc lại trao quyền đó cho các đại bồi thẩm đoàn (điều 23).

Hầu hết các bản hiến pháp đều trao cho Thượng viện hoặc cho đại hội đồng nào thay thế cho Thượng viện cái quyền được hoàn toàn phán xử.

Các toà án chính trị chỉ được tuyên phạt như sau: bãi truất hoặc cấm giữ các chức vụ công cộng trong tương lai. Chỉ có hiến pháp bang Virginia cho phép tuyên mọi hình thức hình phạt.

Các loại tội dẫn đến phán xử chính trị, quy định trong hiến pháp liên bang (mục IV, điều 1), trong hiến pháp bang Indiana (điều 3, trang 23 và 24), trong hiến pháp New York (điều 5), trong hiến pháp bang Delaware (điều 5) gồm có: phản bội Tổ quốc, tham nhũng và các trọng tội hoặc những tội phạm hiển nhiên khác;

Trong hiến pháp bang New Hampshire (trang 252), quy định: tham nhũng, những trò thao túng phạm luật và điều hành chính quyền kém cỏi;

Trong hiến pháp bang Vermont (chương II, trang 24), quy định: việc điều hành chính quyền kém cỏi;

Trong hiến pháp bang Carolina Nam (điều 5), bang Tennesee (điều 4), bang Ohio (điều 1, tiết 23, 24) bang Louisiana (điều 5), bang Mississippi (điều 5), bang Alabama (điều 6), bang Pennsylvania (điều 4) quy định: những vi phạm khi thực thi chức vụ.

Trong các hiến pháp các bang Illinois, Heorgia, Maine và Connecticut, không thấy chỉ rõ tội nào cả.

Dịch giả:
Phạm Toàn