[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 4)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 4)

"THỨ HAI MỆT MỎI" CỦA LUẬT CẤM RƯỢU

Trong khi Fisher bắt đầu nhận ra một số hậu quả tiêu cực của Luật cấm rượu thì các nhà kinh tế học chuyên nghiệp và xã hội nói chung cũng ngày càng nhận ra chi phí và sự kém hiệu quả của “thí nghiệm cao quý”. Hai nhà kinh tế học là Clark Warburton và Herman Feldman, những người từng nghiên cứu Luật cấm rượu và phát hiện ra rằng quan điểm của Fisher là thiếu chính xác là những thí dụ đáng ghi nhận.

Trong tác phẩm Luật cấm rượu: Những khía cạnh kinh tế và công nghiệp của nó (Prohibition: Its Economic and Industrial Aspects – 1930), Herman Feldman, một nhà kinh tế học chưa có gì nổi bật, đã công bố một đóng góp quan trọng vào công việc điều tra thống kê của những khía cạnh “kinh tế” của Luật cấm rượu. Cuốn sách của ông là tập hợp của 20 bài báo, viết cho tờ Christian Science Monitor, và các số liệu thống kê được rút ra từ một cuộc điều tra chi tiết. Đây là cuốn sách cực kì ấn tượng vì sự thận trọng trong việc sử dụng các số liệu thu thập được, trong việc phân tích con số thống kê và những kết luận được trình bày trong toàn bộ tác phẩm.

Cuốn sách của Feldman đáng ghi nhận ở việc phê phán đánh giá của Fisher về những thiệt hại về kinh tế do việc tiêu thụ rượu gây ra, mặc dù ông này viết cho tờ Christian Science Monitor, một cơ quan ngôn luận tích cực ủng hộ Luật cấm rượu.

Ngay cả trong các tác phẩm do một số nhà kinh tế học lỗi lạc viết về Luật cấm rượu, họ cũng thể hiện một số biểu hiện tự do, thoát khỏi những giới hạn mang tính khoa học, một hiện tượng ít có trong những cuộc thảo luận về những đề tài khác. Thí dụ, một trong những báo cáo thống kê, dựa vào đó Giáo sư Irving Fisher, ở Đại học Yale, rút ra kết luận rằng Luật cấm rượu tạo cho đất nước này ít nhất 6.000.000.000 đô-la một năm. Con số này được nhiều người trích dẫn và sử dụng như thế đấy là một tính toán khoa học, được làm một cách thận trọng trên cơ sở xử lí các dữ liệu kinh tế một cách tỉ mỉ. Nhưng, trái lại, đấy chỉ là ước đoán và là con số được những nhóm người có đầu óc tuyên truyền thường xuyên tung ra chứ không thể là của một nhà kinh tế học thống kê nổi tiếng thế giới (Feldman 1930, 5).

Đánh giá của Fisher dựa trên những thí nghiệm không được kiểm soát về ảnh hưởng của rượu đối với năng suất trong công nghiệp. Những thí nghiệm này được thực hiện với một cho đến năm người, mỗi người đều uống một lượng rượu mạnh, bụng thì đói, trước khi bắt đầu làm việc. Những “công trình nghiên cứu này”, một số lại chỉ dựa vào ảnh hưởng của rượu đối với chính người tiến hành thí nghiệm, cho thấy cứ uống một ly rượu thì năng suất trung bình giảm 2%. Fisher giả định rằng người ta uống 5 ly một ngày và ngoại suy ra rằng năng suất lao động của mỗi công nhân giảm 10%. Fisher tính rằng nếu có thể giảm lượng rượu tiêu thụ xuống bằng không thì đất nước có thể tiết kiệm được ít nhất cũng là 5% tổng thu nhập hay 3.300.000.000 đô-la. Việc xóa bỏ ngành công nghiệp rượu sẽ tiết kiệm thêm 5% tổng thu nhập nữa, vì các nguồn lực sẽ được chuyển ra khỏi ngành sản xuất rượu vào những ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ khác. Feldman nhận xét rằng năng suất lao động mất 2% chỉ vì “những tư tưởng chán nản” và Fisher không nhận thức được sự kiện là phần lớn lượng cồn mà giai cấp công nhân tiêu thụ là bia, họ uống trong khi ăn, nhiều giờ trước khi đi làm. Thực ra, kinh nghiệm lịch sử lại cho thấy rằng người ta uống rượu trong lúc làm việc là để gia tăng năng suất lao động. “Sẽ cần nhiều thí nghiệm trên phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều và trong những điều kiện được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều chứ không phải như những cuộc thí nghiệm đã được ghi nhận thì mới xác định được một cách chính xác ảnh hưởng của việc tiêu thụ rượu đối với năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp. Những thí nghiệm được coi là căn cứ duy nhất cho những tính toán [do Fisher tiến hành] tự chúng đã thiếu thuyết phục (Feldman 1930, 240-41).

Feldman còn nổi tiếng vì công trình khảo sát về hiện tượng công nhân vắng mặt. Ông khảo sát hiện tượng vắng mặt và đi muộn của công nhân trong ngày thứ hai và những ngày tiếp ngày lĩnh lương. Câu hỏi của cuộc khảo sát là có cảm thấy Luật cấm rượu làm giảm đáng kể sự vắng mặt của công nhân hay không. Không có thông tin về quan hệ giữa việc tiêu thụ rượu và hiện tượng vắng mặt trước khi có Luật cấm rượu1. Trong số 287 người trả lời câu hỏi khảo sát của Feldman, chưa đến một nửa nói rằng có sự cải thiện đáng kể tình trạng vắng mặt. Một phần ba những người trả lời nói rằng họ nhận thấy vắng mặt giảm đi nhưng không cho đó là do Luật cấm rượu. Một số người sử dụng lao động còn nói rằng tỉ lệ vắng mặt gia tăng và cho rằng đấy là do Luật cấm rượu mà ra. Một người sử dụng lao động nhận xét rằng “rượu lúc nào cũng sẵn, rất nhiều nữa là khác, lại rởm đến mức phải mất hai ba ngày thì người uống mới tỉnh lại được sau bữa nhậu nhẹt như thế” (Feldman 1930, 211).

Chính Feldman đã mô tả một số sai lầm của phương pháp điều tra, thí dụ như định kiến cá nhân hay định kiến chính trị trong khi người ta trả lời câu hỏi và ông cũng cảnh báo không nên giải thích kết quả một cách cứng nhắc. Những điểm bất đồng khác với kết luận của cuộc khảo sát là những biện pháp cấm đoán tư nhân và trách nhiệm pháp lí của người sử dụng lao động nghiêm ngặt hơn và luật về sự bất cẩn, tất cả những điều này đều có đóng góp vào việc giảm số người vắng mặt. Điều kiện an toàn được cải thiện, tiền lương cao hơn, giờ làm việc giảm và có nhiều hợp đồng lao động chính thức hơn cũng góp phần làm gia tăng số người có mặt tại chỗ làm việc. Mặt khác, mức sống gia tăng một cách đột ngột và những thú vui mới, như ô tô, cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ người vắng mặt tại nơi làm việc trong những năm 1920.

Feldman chỉ có số liệu của một công ty về tỉ lệ người vắng mặt trước và sau khi ban hành Luật cấm rượu mà thôi. Ông nói rằng công ty cung cấp thông tin này cho biết là sự cải thiện số người có mặt tại nơi làm việc không phải là do Luật cấm rượu mà do cải thiện điều kiện lao động. Số liệu của ông cùng với số liệu năm 1929, được Ủy ban Cẩm rượu cập nhật, được trình bày trong Bảng 1.

Những lời cảnh báo và giải thích của Feldman liên quan tớicác số liệu chưa đủ sức ngăn chặn việc sử dụng những số liệu đó nhằm hỗ trợ cho những ý kiến cho rằng thực thi Luật cấm rượu đã mang lại lợi ích kinh tế. “Tất cả chúng ta đều biết rằng năng suất lao động công nghiệp là một trong những lí do để ban hành Luật cấm rượu” (I. Fisher 1927, 158). Báo cáo của Ủy ban quốc gia về việc tuân thủ và thực thi luật pháp (1931) bắt đầu bằng chương nói về lợi ích kinh tế của Luật cấm rượu với lời tuyên bố như sau: “Những đối tượng mà ở đó có chứng cứ khách quan và tin cậy được là lợi ích trong công nghiệp – nghĩa là sản phẩm gia tăng, năng suất lao động tăng, loại bỏ được “ngày thứ hai một mỏi” và giảm tai nạn lao động" (71). Tiếp theo, bản báo cáo nhấn mạnh độ tin cậy của những sự kiện này trong quan hệ với việc vắng mặt: “Có những bằng chứng mạnh mẽ và có sức thuyết phục, ủng hộ quan điểm của ngày càng nhiều người sử dụng lao động rằng sự gia tăng sản xuất là kết quả của năng suất lao động tăng và giảm được sự vắng mặt mãn tính của nhiều công nhân sau ngày chủ nhật và ngày lễ là kết quả trực tiếp của việc xóa bỏ các quán rượu” (71).

Văn phòng thực thi Luật cấm rượu đưa thêm vào số liệu của Feldman số liệu của năm 1929 và công bố kết quả trong Giá trị của việc tuân thủ pháp luật (The Value of La Observance – 1930, 11). Những số liệu này nhằm mục đích chứng tỏ rằng việc giảm “ngày thứ hai mệt mỏi” là bằng chứng về lợi ích kinh tế của Luật cấm rượu.

Người Mĩ ngày càng nhận thức được rằng mặc dù Luật cấm rượu đã xóa bỏ được quán rượu công khai, nhưng nó không ngăn chặn được nạn buôn lậu rượu. Chi phí cho việc thực thi Luật cấm rượu gia tăng; còn thịnh vượng về kinh tế, tức là lợi ích chính của Luật cấm rượu được người ta công khai thừa nhận, thì cũng đã cáo chung cùng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929. Chứng minh mối quan hệ giữa Luật cấm rượu và việc giảm tỉ lệ người vắng mặt tại nơi làm việc là vấn đề quan trọng sống còn nhằm giữ sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách này.

Đến thời điểm này công trình nghiên cứu của Clark Warburton: Kết quả về mặt kinh tế của Luật cấm rượu (The Economic Results of Prohibition – 1932) và bài viết về Luật cấm rượu trong Bách khoa toàn thư về các môn khoa học xã hội (Encyclopedia of the Social Sciences – 1934) vẫn là những công trình nghiên cứu kĩ lưỡng nhất về Luật cấm rượu2. Cuốn sách của Warburton được chấp bút theo yêu cầu của Hiệp hội chống Tu chính án cấm rượu, cũng là tổ chức tài trợ cho những giai đoạn nghiên cứu ban đầu của ông3.

Cuốn sách của Warburton là công trình phân tích các số liệu thống kê của những luận cứ ủng hộ và chống đối Luật cấm rượu. Trước hết, ông khảo sát việc tiêu thụ rượu, chi tiêu cho rượu và ảnh hưởng của Luật cấm rượu đối với năng suất lao động trong công nghiệp, y tế, thu nhập và các nhóm nhân khẩu học cũng như tài chính công. Ông đã sử dụng tất cả những số liệu thống kê hiện có lúc đó, đưa ra những đánh giá từ những điều kiện căn bản và trong nhiều trường hợp, ông còn sử dụng nhiều kĩ thuật đánh giá khác nhau. Warburton đã thận trọng cảnh báo người đọc về những liên hệ yếu ớt trong kĩ thuật đánh giá và tập hợp dữ liệu4. “Trong những hoàn cảnh như thế, không có nghiên cứu nào về kết quả của cấm đoán có thể quả quyết có độ chính xác cao và có chứng minh không thể bác bỏ được. Những kết luận được rút ra ở đây có thể khẳng định là những kết quả hữu lí, sau khi đã nghiên cứu và phân tích kĩ lưỡng những dữ liệu hiện có" (Warburton 1932, 259).

Warburton rút ra kết luận rằng từ năm 1927-30 đến năm 1911-1914 lượng rượu tiêu thụ trên đầu người đã giảm một phần ba, nhưng cũng trong giai đoạn đó, tiêu thụ rượu mạnh lại tăng 10%. Ông phát hiện ra rằng nếu điều kiện trước khi có Luật cấm rượu được phục hồi thì chi tiêu cho rượu trong khi Luật cấm rượu có hiệu lực cũng gần bằng chi tiêu cho rượu trước khi Luật này được ban hành'. Chi phí cho bia giảm mạnh, trong khi chi phí cho cồn lại tăng. Ông không thể thiết lập được mối quan hệ giữa Luật cấm rượu và sự thành công về mặt kinh tế, tiết kiệm, chi phí bảo hiểm hay mua những loại hàng hóa lâu bền.

Warburton phát hiện ra rằng dữ liệu không cho thấy mối liên hệ có thể đo lường được giữa Luật cấm rượu và sự giảm thiểu số vụ tai nạn trong công nghiệp. Ông còn phát hiện ra rằng Luật cấm rượu không có ảnh hưởng đáng kể đến việc gia tăng năng suất lao động ghi nhận được và số liệu thống kê cũng không cho phép xác định ảnh hưởng của Luật cấm rượu đối với hiện tượng vắng mặt tại nơi làm việc. Về cuộc điều tra của Feldman, Warburton nhận xét rằng giảm số người vắng mặt tại nơi làm việc có nhiều khả năng là do giảm số giờ làm việc và công việc nhẹ nhàng hơn (ít công việc chân tay, nhiều công việc do máy móc làm hơn) cũng như việc xuất hiện nhiều hình thức giải trí và nghỉ ngơi mới, thay thế cho rượu6.

Warburton tiếp tục phê phán việc chính phủ sử dụng số liệu về sự vắng mặt tại nơi làm việc ở một cơ sở duy nhất là nhà máy chế tạo thuốc súng nhằm chống lưng cho những lợi ích kinh tế của Luật cấm rượu. Warburton đã sử dụng những số liệu gốc và tính ra phần trăm sụt giảm số người vắng mặt tại nơi làm việc trung bình hằng năm (bảng 2). Ông chỉ ra rằng số phần trăm vắng mặt trung bình hằng năm vào ngày thứ hai trong các giai đoạn chưa có Luật cấm rượu, giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn thi hành Luật Cấm khác nhau không đáng kể. Dường như khổ có thể nói rằng việc giảm số người vắng mặt tại nơi làm việc là do Luật cấm rượu, nhưng có thể dễ dàng liên kết sự kiện này với những tác nhân khác như giảm giờ làm việc trong tuần, tiền lương thực tế tăng (trong những năm 1920) và kĩ thuật quản lí lao động được cải thiện"7.

Càng có nhiều kinh nghiệm với Luật cấm rượu thì càng có nhiều nhà kinh tế học tỏ ra hoài nghi hơn. Xu hướng này có thể có nguồn gốc từ ba tác nhân sau: Thứ nhất, thị trường chợ đen tiếp tục lớn lên và phát triển bất chấp việc tái tổ chức cơ quan thực thi pháp luật và những nỗ lực thực thi pháp luật ngày càng gia tăng. Thứ hai, khi số liệu được thu thập trong một thời gian dài thì người ta mới thấy rõ là tiêu thụ và tội ác có chiều hướng gia tăng. Thứ ba, việc thực thi Luật cấm rượu càng kéo dài thì kiến thức về những hậu quả bất lợi và những khó khăn của việc thực thi luật này càng được nhiều người biết đến hơn (muốn biết thêm chi tiết liên quan đến kết quả của Luật cấm rượu, xem thêm Thornton 1991 B).

Chú thích:

1. Một công ty cao su ở Boston thuê gần 10.000 công nhân nói rằng trong năm 1925 các y tá của công ty đã đến thăm gia đình công nhân tổng cộng 30.000 lần, nhưng chỉ có thể nói chắc chắn rượu là nguyên nhân của sáu lần vắng mặt mà thôi (Feldman 1930, 203).

2. Thật thú vị là Warburton được chọn làm người chấp bút cho bài viết về Luật cấm rượu, trong khi Irving Fisher lại là một trong các biên tập viên của Bách khoa toàn thư.

3. Mặc dù một nhóm lợi ích đặc biệt đề xướng công trình nghiên cứu này, một số nhà kinh tế học xuất chúng đã đọc và bình luận phiên bản cuối cùng. Trong Lời nói đầu, Warburton đã cám ơn Wesley C. Mitchell, Harold Hotelling, Joseph Dorfman, và Arthur Burns vì những nhận xét và lời khuyên của họ.

4. Warburton dường như không có ý chống lại cấm đoán, thí dụ, ông đã không thảo luận phải tăng chi phí chi nhà tù và sự quá tải của các tòa án, liên quan trực tiếp đến việc thực thi Luật cấm rượu.

5. Ông ghi nhận rằng các đánh giá về chi tiêu nằm trong một khoảng rất rộng, cộng trừ từ một phần tư đến một phần ba, phụ thuộc vào những giả định làm cơ sở cho những đánh giá đó. Những người ủng hộ Luật cấm rượu, như Feldman trong năm 1930 và T. Y. Hu trong năm 1950, khẳng định rằng những đánh giá này là quá cao, nhưng kinh nghiệm hiện nay về những biện pháp cấm cần sa có thể là hoàn toàn ngược lại (nghĩa là quá thấp).

6. Warburton ghi nhận rằng kể từ ngày ban hành Luật cấm rượu, thời gian làm việc trung bình một tuần đã giảm đáng kể. Cũng cần ghi nhận rằng từ những năm trước chiến tranh đến cuối những năm 1920 mức lương bình quân thực tế đã gia tăng đáng kể. Lương tăng thường tạo ra lực lượng lao động có trách nhiệm hơn và chi phí cho việc giải trí cũng tăng, nhất là khi giờ làm việc trong tuần lại giảm đi.

7. Giờ làm việc trung bình một tuần toàn quốc, trong giai đoạn chưa có Luật cầm rượu đã giảm 3,14% ; trong giai đoạn chuyển tiếp giảm 9,19% và không thay đổi trong suốt giai đoạn thi hành Luật cấm rượu (Warburton 1932, 205).

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường