[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 1: Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Phần 3)

[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 1: Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Phần 3)

III. Nguyên lí nền tảng

Ngày nay, còn có rất ít người hiểu được rằng đòi hỏi mọi sự cưỡng chế đều phải bị giới hạn, tuân theo các nguyên tắc phổ quát về hành xử công bằng chính là nguyên lí nền tảng của chủ nghĩa tự do cổ điển, hay theo tôi, chính xác là một định nghĩa về tự do. Điều này phần lớn là hệ quả của việc hầu hết các tác gia cổ điển đã hiếm khi diễn đạt rõ ràng, mà thường chỉ ngầm định, một khái niệm quan trọng ẩn dưới nguyên lí nền tảng trên. Đó là khái niệm về luật pháp dựa trên bản chất (hay “thực chất”) (được phân biệt với quan điểm về luật pháp thuần túy dựa trên hình thức), vốn là cơ sở để làm cho những ý tưởng như sự phân tách quyền lực, nền pháp trị, hoặc chính quyền nằm dưới luật pháp, có được một nghĩa rõ ràng. Có rất ít đoạn văn trong các tác phẩm viết trong thế kỉ XVII và XVIII trình bày rõ ràng tác giả của chúng hàm ý điều gì với từ “luật pháp”. Tuy nhiên, đa phần cách sử dụng thuật ngữ này chỉ có ý nghĩa nếu diễn giải nó theo nghĩa ám chỉ các quy tắc phổ quát về hành xử công bằng, thay vì ám chỉ sự thể hiện ý chí của các cơ quan đại diện được ủy quyền hợp pháp.

Chuyên chế của đa số

Dù khái niệm truyền thống về luật pháp vẫn còn ít nhiều quan hệ với hiện tại nhưng hiển nhiên nó không còn phổ biến nữa, và do vậy nó mất đi vai trò là một cữ chặn hữu hiệu đối với hoạt động lập pháp. Trên góc độ lí thuyết về phân tách quyền lực, cơ quan lập pháp được trao uy quyền vì nó cam kết tự gò mình theo các nguyên tắc phổ quát và được ngầm định là chỉ áp đặt các nguyên tắc phổ quát này. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta không có các giới hạn nào đối với những gì mà cơ quan lập pháp có thể ra lệnh cũng như coi là “luật pháp”. Trong khi người ta từng cho rằng quyền lực của nó bị giới hạn bởi một nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi chứ không phải bởi một ý chí bề trên, thì hiện nay không có bất cứ chốt chặn nào đối với quyền lực của nó. Do vậy, không có lí do gì mà liên minh các nhóm lợi ích để hình thành phái đa số cầm quyền lại không có những hành động phân biệt đối xử đối với bất kì nhóm khác nào vốn không được đa số ưa thích. Ngày nay sự khác biệt về tài sản, giáo dục, truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ hay chủng tộc có thể trở thành nguyên nhân của sự phân biệt đối xử, lấy cớ dựa trên nguyên lí, mà thực chất là sự nguỵ tạo, về công bằng xã hội hay nhu cầu cộng đồng. Một khi sự phân biệt đối xử như vậy được thừa nhận là hợp pháp, thì tất cả mọi sự bảo vệ quyền tự do cá nhân của truyền thống tự do đều mất hết hi vọng. Nếu người ta thừa nhận rằng bất cứ điều gì phái đa số quyết định đều là công bằng, ngay cả khi những gì nó đưa ra không phải là một điều luật phổ quát mà nhằm vào nhóm người cụ thể chịu ảnh hưởng, thì có nghĩa là người ta đã kì vọng quá nhiều vào việc ý thức về lẽ công bằng sẽ kiềm chế sự thất thường của đa số: trong bất kì nhóm nào người ta cũng sớm tin rằng những gì mà nhóm mong muốn đều là công bằng. Vì trong hơn một trăm năm qua, các nhà lí luận dân chủ đã giảng dạy cho phái đa số rằng bất cứ điều gì phái đa số muốn đều là công bằng, nên chúng ta không cần phải ngạc nhiên nếu phái đa số không còn tự hỏi liệu những điều phái này quyết định có đúng là công bằng hay không. Sự tranh luận của thuyết thực chứng pháp lí đã góp phần quan trọng vào sự phát triển này, nó cho rằng luật không phụ thuộc vào công bằng, mà quyết định công bằng là gì.

Ảo tưởng về “công bằng xã hội”

Thật không may, chúng ta đã thất bại trong việc áp đặt các giới hạn cần thiết đáng lẽ phải có lên các cơ quan lập pháp để khiến chúng phải tuân theo các quy tắc phổ quát. Không chỉ có vậy, chúng ta còn bắt các cơ quan lập pháp phải có trách nhiệm với các nhiệm vụ mà chúng chỉ có thể thực hiện khi không bị giới hạn, được tự do áp dụng quyền lực cưỡng chế theo cách phân biệt đối xử nhằm đảm bảo lợi ích cho các nhóm lợi ích. Đó là lý do khiến các cơ quan lập pháp liên tục bị đòi hỏi làm việc này, việc khác phải nhân danh cái gọi là công bằng xã hội hay công bằng phân phối, một khái niệm chủ yếu áp dụng để đánh giá tính công bằng của hành động cá nhân. Người ta đòi hỏi “xã hội”, thay vì các cá nhân, phải hành xử công bằng trong việc xác định phần thụ hưởng của các cá nhân trong tổng sản phẩm xã hội; và để hiện thực hóa việc phân phối tổng sản phẩm xã hội theo một cách thức công bằng, chính phủ cần phải chỉ đạo các cá nhân phải làm những công việc cụ thể gì.

Sự thật là, trong nền kinh tế thị trường không ai, cá nhân hay tập thể, xác định được ai sẽ nhận được gì, và các phần thụ hưởng của cá nhân luôn phụ thuộc vào nhiều tình huống mà không ai có thể thấy trước, và vì thế, toàn bộ khái niệm về công bằng xã hội hay phân phối trở nên trống rỗng và vô nghĩa; tức là, không bao giờ tồn tại sự đồng thuận về khái niệm công bằng theo nghĩa này. Tôi không chắc liệu khái niệm này có được một nghĩa rõ ràng, ngay cả trong nền kinh tế chỉ huy tập trung; hay nói một cách khác, tôi cũng không chắc liệu trong một hệ thống như thế người dân đã bao giờ đồng thuận về việc phân phối như thế nào mới là công bằng. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều, đó là không có thứ gì phá hủy các hàng rào tư pháp bảo vệ tự do cá nhân nhiều bằng sự cố gắng để đạt được cái ảo tưởng về công bằng xã hội. Để chuẩn bị kĩ càng cho chủ đề của bài giảng này, thực ra tôi đã phân tích tỉ mỉ ý tưởng công bằng xã hội, thứ mà hầu như tất cả mọi người tin rằng mang một nghĩa rõ ràng, nhưng càng tìm hiểu chi tiết bao nhiều thì tôi càng thấy nó trống rỗng bấy nhiêu. Nhưng chủ đề chính của bài giảng này đích thị là những gì chúng ta cần phải làm nếu ta có thêm một cơ hội nữa để ngăn chặn các khuynh hướng cố hữu trong các hệ thống chính trị hiện hành đang đẩy chúng ta đến một trật tự toàn trị.

Tính tương thích của nhu cầu tập thể

Trước khi đi vào vấn đề chính, tôi cần đính chính một sự hiểu lầm phổ biến. Nguyên lí cơ bản của truyền thống tự do, theo đó tất cả mọi hành động cưỡng chế của chính quyền phải bị giới hạn trong việc bắt buộc tuân theo các quy tắc phổ quát về hành xử công bằng, không ngăn cản chính phủ cung cấp những dịch vụ không cần dựa vào sự cưỡng chế, trừ phi làm tăng thêm nguồn tài chính để thực hiện. Quả thực, trong thế kỉ XIX, sự mất niềm tin sâu sắc vào chính phủ, và điều đó không hẳn không có lí, là lí do khiến các nhà tự do mong muốn giới hạn chính phủ trong phạm vi hẹp hơn. Nhưng dĩ nhiên là sau đó họ cũng phải thừa nhận sự tồn tại của một số nhu cầu tập thể chỉ có để đáp ứng được bởi một cơ quan có thẩm quyền thu thuế. Tôi là người bảo vệ cuối cùng cho luận điểm, rằng của cải và mật độ dân số càng gia tăng thì số lượng nhu cầu tập thể mà chính phủ có thể đáp ứng và cần phải đáp ứng cũng sẽ tăng theo tương ứng. Các dịch vụ chính quyền cung ứng như vậy hoàn toàn tương thích với các nguyên lí tự do, miễn là:

thứ nhất, chính phủ không nắm giữ độc quyền cung ứng và không ngăn chặn các phương thức mới nhằm cung cấp các dịch vụ thông qua cơ chế thị trường (ví dụ, một số dịch vụ hiện đang được cung ứng thông qua bảo hiểm xã hội);

thứ hai, các nguồn lực được huy động bằng thuế cần phải dựa trên các nguyên tắc đồng nhất cho mọi người, và không được phép dùng biện pháp thuế như là một công cụ để tái phân phối thu nhập;

thứ ba, những nhu cầu mà chính phủ cần đáp ứng phải là những nhu cầu tập thể của toàn thể cộng đồng chứ không phải là nhu cầu tập thể của vài nhóm cụ thể nào đó.

Không phải mọi nhu cầu tập thể đều đáng được đáp ứng: mong muốn của những thợ đóng giày quy mô nhỏ được bảo vệ chống lại sự cạnh tranh của các nhà máy cũng là một nhu cầu tập thể của thợ đóng giày, nhưng rõ ràng nó không phải là nhu cầu đáng được đáp ứng trong một hệ thống kinh tế tự do. Chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX nói chung cố gắng kìm hãm sự mở rộng các hoạt động cung ứng dịch vụ của chính phủ bằng cách giao phó chúng cho chính quyền địa phương thay vì chính quyền trung ương, với hi vọng rằng sự cạnh tranh giữa các chính quyền địa phương sẽ kiểm soát quy mô của chúng. Trong bài giảng này, tôi không thể xem xét nguyên tắc này đã bị bỏ rơi xa đến thế nào; tôi đề cập đến nó chỉ bởi vì nó là một phần của học thuyết tự do truyền thống mà người ta đã không còn hiểu căn nguyên hình thành nó. Tôi buộc phải nhắc đến những điều này là để minh định rằng các chốt chặn hoạt động của chính quyền chỉ nhằm hướng đến mục đích giới hạn quyền lực cưỡng chế của nó, chứ không giới hạn các dịch vụ thiết yếu mà ngày nay chúng ta mong đợi chính phủ cung ứng cho người dân; và phần còn lại của bài giảng này sẽ được dành riêng để đề cập đến các chốt chặn đó.

Tôi hi vọng những gì tôi đã trình bày cho đến giờ đã làm sáng tỏ luận điểm, rằng nếu chúng ta muốn tái thiết lập và duy trì một xã hội tự do thì nhiệm vụ trước tiên mà chúng ta phải thực hiện chính là một công việc trí óc: nó hàm ý rằng chúng ta không chỉ có trách nhiệm khôi phục những khái niệm phần lớn đã bị đánh mất, những khái niệm một lần nữa cần phải được làm cho đại chúng hiểu, mà còn phải có trách nhiệm thiết kế các chốt chặn thể chế mới nhằm ngăn chặn sự lặp lại quá trình xói mòn các chốt chặn đã được thiết lập bởi chủ nghĩa hiến định tự do trước đây.

Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch.