Tiền mã hóa - Vụ trộm cướp vĩ đại
Tiền mã hóa đã mang tới sự trỗi dậy của một ngành công nghiệp tội phạm hoàn toàn mới, nhưng các nhà lập pháp ngành tài chính và các cơ quan thi hành luật thì vẫn còn đang say ngủ dưới bánh xe.
Có một lý do chính đáng giải thích tại sao mọi quốc gia văn minh trên thế giới đều quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính của mình. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018, suy cho cùng chủ yếu là hệ quả của việc cắt giảm các quy định về tài chính. Luôn có những kẻ lừa đảo và tội phạm vì đó là thực tế của cuộc sống, và không một hệ thống tài chính nào có thể làm được gì đúng đắn trừ khi bảo vệ được các nhà đầu tư khỏi lũ tội phạm.
Theo đó, các quy định được ban hành để bắt buộc các loại trái phiếu phải được đăng kiểm, các hoạt động vay tiền phải được cấp phép, vốn đầu tư phải được kiểm soát bởi luật “chống hoạt động rửa tiền” (AML) và “xác minh khách hàng” (KYC) (để ngăn chặn việc trốn thuế và các dòng tài chính bất hợp pháp khác), và các nhà quản lý quỹ phải phục vụ lợi ích của khách hàng. Vì những quy định luật pháp này bảo vệ các nhà đầu tư và xã hội, các chi phí tuân thủ đi kèm là phải chăng và xác đáng.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý hiện nay chưa nắm bắt được toàn bộ các hoạt động tài chính. Các loại tiền mã hóa thường xuyên được rửa và trao đổi bên ngoài vòng giám sát tài chính chính thức, và còn rêu rao rằng trốn tránh chi phí tuân thủ chính là bí quyết tạo ra hiệu quả. Kết quả là lãnh địa của tiền mã hóa trở thành một sòng bạc phi luật lệ, nơi mà các loại tội phạm không bị giám sát tha hồ náo loạn.
Đây không phải chỉ là phỏng đoán. Một số tay chơi tiền mã hóa lớn nhất đang tham gia vào hoạt động bất hợp pháp có hệ thống một cách công khai. Thử nhìn vào BitMEX, một sàn giao dịch tiền mã hóa phái sinh (crypto derivatives) hàng nghìn tỷ đô la không được kiểm soát đóng tại Seychelles nhưng có phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Giám đốc điều hành của nó, Arthur Hayes, đã khoe khoang công khai rằng mô hình kinh doanh của BitMEX có liên quan đến việc rao bán cho “những tay cờ bạc suy đồi” (nghĩa là các nhà đầu tư cá nhân ngờ nghệch) các phái sinh tiền mã hóa với đòn bẩy 100-đối-một.1
Cụ thể, với đòn bẩy 100-đối-một, chỉ với 1% thay đổi trong giá trị của tài sản cơ sở (tiền mã hóa) có thể phát ra một lệnh ký quỹ2 và xóa sạch toàn bộ khoản đầu tư của một người. Tệ hơn, BitMEX áp đặt những mức phí rất cao cho việc mua hoặc bán các công cụ phái sinh xấu xa của nó, và sau đó ngoạm thêm miếng nữa vào miếng bánh bằng cách bòn rút các khoản tiết kiệm của khách hàng ở trong một “quỹ thanh lý” lớn hơn gấp nhiều lần so với những gì cần thiết để đề phòng rủi ro từ phía đối tác (counter-party risk). Thế nên thật dễ hiểu khi mà theo ước tính của một nhà nghiên cứu độc lập, các khoản thanh lý có lúc chiếm tới hơn một nửa doanh thu của BitMEX.
Nguồn tin nội bộ của BitMEX đã tiết lộ với tôi rằng sàn giao dịch này còn được dùng hằng ngày để rửa tiền quy mô lớn bởi những kẻ khủng bố và các loại tội phạm khác từ Nga, Iran, và những nơi khác; và sàn BitMEX không thực hiện bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn việc này vì nó kiếm được lợi nhuận từ các cuộc giao dịch đó.
Nếu như vậy vẫn chưa đủ, thì BitMEX còn có một bộ phận giao dịch nội bộ vì lợi nhuận (được khoác danh nghĩa là phục vụ mục đích tạo lập thị trường) đã bị cáo buộc là có hành vi giao dịch chạy trước3 chính khách hàng của mình. Hayes đã phủ nhận điều này, nhưng vì BitMEX hoàn toàn không được pháp luật kiểm soát và không có kiểm toán độc lập đối với các tài khoản của nó; cho nên không có cách nào biết được điều gì diễn ra ở đằng sau hậu trường.
Ở một mức độ nào đó, chúng ta biết rằng BitMEX lách luật AML/KYC (chống rửa tiền/xác minh khách hàng). Mặc dù nó khẳng định không phục vụ những nhà đầu tư Mỹ và Anh là đối tượng của các điều luật đó, nhưng phương pháp mà nó dùng để “xác minh” quốc tịch của họ lại là kiểm tra địa chỉ IP, thứ mà có thể dễ dàng bị che giấu bằng một ứng dụng VPN thông thường. Sự thiếu trách nhiệm này cấu thành một sự vi phạm trắng trợn các điều luật và quy định về chứng khoán. Hiểu được rằng mình hoạt động trong bóng tối của pháp luật, Hayes thậm chí còn công khai thách thức bất cứ ai dám kiện anh ta ở vùng đất Seychelles không luật pháp.
Đầu tháng này, tôi đã tranh luận với Hayes ở Đài Bắc và đã đề cập đến thủ đoạn lừa đảo của hắn ta. Nhưng điều mà tôi không biết đó là hắn đã có được độc quyền sở hữu các video của sự kiện từ phía các nhà tổ chức hội thảo và từ chối suốt một tuần lễ việc đăng tải toàn bộ video sự kiện. Thay vào đó, hắn ta đã công bố những đoạn cắt ghép “nổi bật nhất” để tạo ra ấn tượng về về màn thể hiện tốt đẹp của mình. Tôi cho rằng đây cũng là điều khó tránh đối với những kẻ lừa đảo tiền mã hóa, nhưng cũng thật mỉa mai rằng chính những người tuyên bố là đại diện “chống lại” sự kiểm duyệt nay lại trở thành cha đẻ của kiểm duyệt khi mà mặt xấu của mình vừa bị lộ tẩy. Cuối cùng, sau khi bị bôi nhọ trước công chúng bởi chính những người ủng hộ, hắn ta đã chịu nhường bước và đăng tải đoạn video.
Cùng ngày diễn ra buổi tranh luận, Cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh đã đệ trình một lệnh cấm đối với toàn bộ các khoản đầu tư cá nhân vào tiền mã hóa rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu không có phản ứng phối hợp của các nhà hoạch định chính sách thì những nhà đầu tư cá nhân bị lừa vào món tiền mã hóa này sẽ tiếp tục bị hút máu. Hiện tượng thao túng giá đang tràn lan ở tất cả các sàn giao dịch tiền mã hóa do các cơ chế bơm-và-xả, tạo giao dịch giả4 (Wash trading), giả mạo (poofing), chạy trước (front running), và các hình thức thao túng khác. Theo một nghiên cứu, có tới 95% tất cả các giao dịch Bitcoin là giả, cho thấy sự lừa đảo không phải là hi hữu mà là quy luật.
Dĩ nhiên, không có gì ngạc nhiên khi một thị trường không được luật pháp quản lý lại trở thành một sân chơi cho những kẻ lừa đảo, tội phạm, và bọn lang băm bán thuốc. Giao dịch tiền mã hóa đã tạo ra một ngành công nghiệp nhiều tỷ đô la, bao gồm không chỉ các giao dịch, mà còn có cả những kẻ tuyên truyền tự cho là các nhà báo, những kẻ cơ hội nói khống bảng kê tài chính của mình để rao bán “shitcoin” (tiền mã hóa không có giá trị), và những người vận động hành lang tìm kiếm các ngoại lệ. Đằng sau tất cả những điều này là một tập đoàn tội phạm đang nổi lên mà Mafia đảo Sicile (Cosa Nostra) sẽ còn phải lấy làm hổ thẹn.
Đã đến lúc nước Mỹ và các cơ quan thực thi pháp luật khác phải vào cuộc. Cho đến nay, căn bệnh ung thư tiền mã hóa đã di căn nhưng các nhà lập pháp thì vẫn còn đang say ngủ dưới bánh xe. Theo một nghiên cứu, 80% “phát hành tiền mã hóa lần đầu” vào năm 2017 đều là trò bịp. Ít nhất, Hayes và tất cả người khác giám sát những hệ thống tương tự từ các nơi trú ẩn an toàn ở nước ngoài nên bị điều tra, trước khi hàng triệu nhà đầu tư cá nhân nữa bị lừa đảo đến khánh kiệt. Đến cả Bộ Trưởng Tài chính Steven Mnuchin – vốn chẳng ưa gì các quy định tài chính – cũng đồng ý rằng các loại tiền mã hóa không được phép “trở thành thứ giống với những tài khoản được đánh số bí mật”, thứ mà từ lâu đã nuôi sống bọn khủng bố, xã hội đen, và các tội phạm khác.
*Nouriel Roubini là giáo sư tại Stern School of Business của NYU và Giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates, là nhà kinh tế cấp cao về Các vấn đề quốc tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng trong thời Chính quyền Clinton. Ông đã làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Thế giới.
Chú thích:
(1) Trong tài chính đòn bẩy giúp cho trader thực hiện giao dịch mua hoặc bán các loại tài sản tài chính với giá trị giao dịch lớn hơn rất nhiều lần, so với số tiền có trong tài khoản của họ. Link: https://kienthucforex.com/don-bay-leverage-la-gi/
(2) Để sử dụng đòn bẩy trong các giao dịch tài chính, nhà đầu tư cần có một số tiền tối thiểu trong tài khoản, số tiền này gọi là ký quỹ. Link: https://kienthucforex.com/don-bay-leverage-la-gi/
(3) Chạy trước là khi một nhà môi giới hoặc một thực thể khác tham gia giao dịch vì họ đã biết trước một giao dịch không công khai lớn sẽ ảnh hưởng đến giá của tài sản, dẫn đến khả năng thu lợi tài chính cho họ.
(4) Tạo giao dịch giả thông qua việc mua và bán đồng thời cùng một lượng công cụ tài chính để tạo ra các hoạt động giao dịch sai lệch, gây hiểu lầm trên thị trường.
Nguồn: Nouriel Roubini, The great crypto heist, Project Syndicate, 16/7/2019