[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 2)

NGOẠI LỆ THỰC SỰ CỦA CHÂU Á

Với sự thay đổi thế hệ lãnh đạo sắp tới và bất bình đẳng mà ai cũng nhìn thấy đang ngày càng tăng, mô hình Singapore đã bắt đầu bị nghi ngờ. Chiến lược của PAP là mang cho phúc lợi cho tất cả mọi người. Nhưng khi chế độ tuyển dụng những tài năng hàng đầu và tưởng thưởng họ một cách hào phóng – một số bộ trưởng cao cấp nhận mức lương hơn một triệu USD một năm – nền kinh tế dường như ít công bằng hơn, làm băng hoại đạo đức có tính cộng đồng của Singapore. Một vấn đề nữa cũng đang lớn dần, đấy là chính phủ chưa minh bạch. Trong khi được coi là một trong những chính phủ ít tham nhũng nhất thế giới, thì chính phủ Singapore cũng bị coi là một trong những chính phủ thiếu minh bạch. Như Chee Soon Juan nhiều lần nhấn mạnh, có rất ít thông tin về cách thức chế độ đầu tư những khoản dự trữ ngoại tệ lớn (hơn 100 tỉ USD), cách thức quản lý Quỹ Tiết kiệm Trung ương (tất cả tiền hưu trí), và họ trả lương cho những quan chức hàng đầu chính xác là bao nhiêu. Mặc dù chế độ đã và đang trui rèn ý thức dân tộc vượt qua sự chia rẽ giữa người Hoa/người Malay/người Ấn Độ, nhưng vẫn còn bị ám ảnh bởi những rạn nứt về chủng tộc vô tình làm cho những rạn nứt này cứ tồn tại mãi. Việc khuyến khích niềm tự hào về Singapore cũng làm gia tăng thái độ thờ ơ của một triệu người không có quốc tịch, phần lớn là những người có thu nhập thấp, trong đó có người giúp việc và gái điếm. Người giúp việc chiếm tới một phần tư dân số Singapore và cùng với thời gian, có thể bằng hoặc nhiều hơn người bản địa.

Bộ máy quản lý nhà nước nặng nề và ngay cả sự đàn áp tinh tế cũng tốn chi phí. Rất nhiều người mong muốn trách nhiệm giải trình cao hơn, hệ thống đại nghị và đa nguyên về chính trị hơn. Về mặt này, khoảng một phần ba người Singapore có thể được coi là “đa nguyên”, trong khi chỉ có một phần tư là những người ủng hộ hết lòng hệ thống mà thôi. Hơn nữa, đấy là những người có học vấn cao, những người rất muốn tự thay đổi theo hướng tự do hóa (gần một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học muốn như thế), trong khi những người ít học nhất và có thu nhập trung bình thấp nhất và địa vị nghề nghiệp thấp lại là những người dường như muốn giữ nguyên hiện trạng nhất.Điều đó cho thấy, khi trình độ giáo dục và thu nhập tiếp tục tăng, áp lực về tự do hóa báo chí, tạo ra hệ thống bầu cử công bằng hơn và cạnh tranh hơn sẽ gia tăng, gia tăng đòi hỏi về cải cách “tư duy, hệ tư tưởng và hệ thống cấp bậc” độc đoán của đảng cầm quyền, đấy có thể sẽ là cuộc cải cách quan trọng nhất và khó khăn nhất. Quá trình tiến hóa của những tình cảm đó của người Singapore phản ánh sự khác biệt lớn hơn, về thái độ, sở thích, và hành vi trên khắp khu vực này.

Tất nhiên, châu Á là khu vực có nhiều kiểu chế độ nhất thế giới. Ở đây có chế độ dân chủ đông dân nhất trên thế giới (Ấn Độ) và chế độ độc tài đông dân nhất thế giới (Trung Quốc); hai trong số những nước dân chủ tự do nhất và cũng từng là những nước đang phát triển (Đài Loan và Hàn Quốc); và hai chế độ dân chủ giả hiệu thành công và tự tin nhất (Singapore và Malaysia). Những chế độ độc tài năng động nhất về kinh tế (Trung Quốc và Việt Nam) mà hai bên là những nước trì trệ nhất và bị cô lập nhất (Miến Điện và Bắc Hàn). Hơn bất kì khu vực nào khác, trong hai ba thập kỉ tới, châu Á là nơi quyết định số phận của dân chủ trên toàn cầu.

Đáng tiếc là, sau giai đoạn hi vọng và tiến bộ tương đối dài, viễn cảnh dân chủ ở châu Á dường như đang thụt lùi. Chế độ dân chủ đã được thể chế hóa và ổn định ở Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng ngay ở những nước tự do nhất như Đài Loan và Hàn Quốc, chế độ dân chủ cũng đang bị áp lực. Ở Philippines, chế độ dân chủ đang lâm vào khủng hoảng. Ở Bangladesh, các cuộc bầu cử và chính phủ dân cử liên tục bị chính phủ khẩn cấp được quân đội hậu thuẫn treo giò. Ở Sri Lanka, dân chủ bị co lại và nhân quyền bị xâm hại nghiêm trọng vì cuộc chiến sắc tộc kéo dài suốt hai mươi năm bùng phát trở lại vào năm 2006 và theo người ta nói, thì đã làm sáu mươi lăm ngàn người thiệt mạng. Chế độ dân chủ còn trong thời kì trứng nước của Đông Timor đang phải chiến đấu với di sản gây mất ổn định “sự phá hoại, trục xuất và những thương tổn về vật chất và tâm lí-xã hội – và ý thức về sự bất công – do cuộc xâm lược của Indonesia vào năm 1975 và gần 20 năm chiếm đóng gây ra.”,Ổn định xấu đi trông thấy – và cũng là canh bạc lớn của phương Tây – chưa nói tới dân chủ ở Afghanistan, khi an ninh không được bảo đảm, tham nhũng lan tràn, nhà nước bất lực, phát triển bị cản trở, nạn sứ quân, Taliban ngóc đầu dậy và nạn buôn lậu ma túy.Sự suy tàn của đất nước này càng làm nổi bật bài học về sự tái thiết thời hậu chiến của mọi cuộc chiến tranh: Trước khi có nhà nước dân chủ, đầu tiên phải là nhà nước nắm độc quyền đối với tất cả các phương tiện bạo lực.

Ở những nước khác, bức tranh cũng ảm đạm như thế. Bảy năm sau cuộc đảo chính quân sự tháng 10 năm 1999, tướng Pervez Musharraf vẫn tiếp tục giữ thế thượng phong ở Pakistan, ông này không chịu nhường vị trí lãnh đạo cả trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự cho người khác. Ở Thái Lan, các tướng lĩnh lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2006 dường như không vội vàng từ bỏ quyền lực, và ngày càng có nhiều người Thái nghi ngờ thiện ý của giới quân sự trong việc khôi phục hoàn toàn chế độ dân chủ. Ở Singapore và Malaysia, các đảng cầm quyền tiếp tục tạo được phát triển kinh tế và giữ được ổn định chính trị – và bảo đảm được quyền lực của chính họ. Nhà độc tài Hun Sen và Đảng Nhân Dân Campuchia (trước đây là Cộng sản) của ông ta dường như cũng được củng cố, lại được những khoản viện trợ hào phóng của quốc tế hỗ trợ, mặc dù tham nhũng và đàn áp lan tràn. Ngay cả những chế độ độc tài trắng trợn, và bạo ngược như Bắc Hàn, Miến Điện, Lào và Trung Quốc dường như cũng vững vàng, không gì có thể lay chuyển nổi.

Nhưng nếu đây là câu chuyện làm người ta nản lòng thì nó cũng không phải là toàn bộ câu chuyện. Dân chủ đã và đang đứng vững ở một số khu vực của châu Á. Ở Indonesia, cuối cùng dân chủ đã tìm được nền tảng, và nó đã hồi sinh trong hình thức dân chủ tự do ở Mông Cổ, một trong những nước nghèo nhất và bị cô lập nhất châu Á. Ở Nepal, năm 2006, cố gắng vụng về của hoàng đế Gyanendra nhằm tái lập chế độ quân chủ dưới dạng “dân chủ có quản lý” đã bị thất bại khi người biểu tình tràn ra đường phố làm bùng lên cuộc nổi dậy hòa bình trong toàn quốc. Người Nepal thậm chí có thể dùng hòm phiếu để kết liễu chế độ quân chủ và cùng với thỏa thuận giữa các đảng dân chủ và phiến quân Maoist nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài, đất nước này có cơ hội thực tế để trở về với chế độ dân chủ đầy khó khăn nhưng cũng đầy hi vọng trong những ngày sôi động của những năm 1990.Xã hội dân sự và các đảng đối lập đã tổ chức những cuộc biểu tình ngày càng đông người tham gia nhằm chống lại chế độ độc tài ở Pakistan, lại một lần nữa bùng lên vào tháng 3 năm 2007, khi tướng Musharraf bãi chức chánh án tối cao “vì sợ rằng ông này sẽ đặt câu hỏi về tham vọng của viên tướng, muốn được tái cử tổng thống trong khi làm tổng chỉ huy quân đội.”Bốn tháng sau, trong một văn thư phê phán Musharraf làm nhiều người choáng váng và được phổ biến rộng rãi, Tòa án tối cao Pakistan đã bỏ phiếu với đa số phiếu đòi tái khôi phục chức vụ chánh án tối cao. Ở bình diện xã hội, ngày càng có nhiều dấu hiệu sẵn sàng, nếu không nói là đòi hỏi, thay đổi về chính trị ở Singapore và Trung Quốc. Bên dưới nền kinh tế đang bùng nổ và ban lãnh đạo tự tin, hệ thống ở Trung Quốc đang bị rúng động vì những mâu thuẫn sâu sắc mà tôi tin là điềm báo trước của bước ngoặt sang dân chủ trong vòng một thế hệ nữa.

Cuối cùng, dư luận quần chúng ở nhiều nước châu Á thể hiện sự ủng hộ đáng kể các giá trị dân chủ, làm xói mòn dần tuyên bố về giá trị đặc thù châu Á. Đa số người được hỏi – khoảng sáu trong mười người ở cả Đông Á (khảo sát trong các năm 2001-2003) và Đông Nam Á (2004) – nghĩ rằng dân chủ là hệ thống chính phủ tốt nhất. Người châu Á nói chung có quan niệm tích cực đối với dân chủ và cách thức hoạt động của nó. Họ cũng không đòi tôn trọng chính quyền hơn người dân các nước dân chủ phương Tây. Đặc biệt là trong những nước phát triển hơn về kinh tế – Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc – họ loại bỏ nỗi sợ hẹp hòi về chủ nghĩa đa nguyên và sự kính trọng uy quyền vốn được coi là những giá trị cốt lõi, “giá trị đặc biệt của châu Á”.

Chắc chắn, thái độ của dân chúng châu Á đối với dân chủ là phức tạp, luôn thay đổi và khác nhau trong các quốc gia khác nhau, đôi khi theo những cách làm người ta phải ngạc nhiên. Trong các nước dân chủ mới, phát triển nhất về kinh tế và thân phương Tây – Đài Loan và Hàn Quốc – dân chúng có thái độ nước đôi đối với dân chủ. Ở Đài Loan, ủng hộ dân chủ hơn bất kì hình thức chính phủ nào đã tăng từ 41% vào năm 2001 lên 48% vào năm 2006, nhưng vẫn còn thấp hơn so với các nước châu Á khác. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ người dân ủng hộ dân chủ đã giảm từ 69%, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ở Đông Á, xuống còn 54% vào năm 1998 và 45% vào năm 2001, trước khi bật lên thành 58% vào năm 2004.Quá trình phân cực chính trị kéo dài cũng làm cho tỉ lệ người dân Philippines ủng hộ dân chủ giảm (từ 64% năm 2001 xuống còn 51% năm 2006) và Thái Lan (từ 83% xuống còn 71%). Ngược lại, hai phần ba người Nhật Bản và 54% số người được hỏi ở Trung Quốc nói rằng dân chủ bao giờ cũng thích hơn.”

Nếu xem xét những khía cạnh ủng hộ khác, Đông Á dường như thậm chí còn cam kết với dân chủ nhiều hơn nữa. Đa số người trong các chế độ dân chủ của khu vực nghĩ rằng dân chủ “phù hợp” với đất nước họ. Ở Đài Loan, từ năm 2001 đến năm 2006, quan điểm này tăng từ 59% lên 67%, còn ở Hàn Quốc từ năm 1997 đến năm 2007 đã tăng từ 64% lên 79%, và đến năm 2006 ở Thái Lan và Mông Cổ vẫn là 80% hoặc hơn. Hai phần ba người dân sáu nước dân chủ ở Đông Á được khảo sát cho rằng dân chủ có thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề trong xã hội của họ. Đa số người trong hầu hết các nước Đông Á, bác bỏ những lựa chọn thay thế như độc tài quân sự, chế độ độc đảng, giải tán quốc hội và không tổ chức bầu cử nhằm ủng hộ cho một lãnh tụ cứng rắn.Trên thực tế, nửa đầu những năm 2000, ở Đài Loan tỉ lệ bác bỏ tất cả ba phương án thay thế đã tăng từ 56% lên 69%, ở Hàn Quốc tăng từ 71% lên 77%, và ở Thái Lan tăng từ 46% lên 54%.Trong các cuộc điều tra được tiến hành năm 2005 và 2006, ít nhất ba phần tư người dân Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản và hai phần ba người dân Thái Lan bác bỏ phương án nhà lãnh đạo độc tài cứng rắn.

Ở Nam Á, ý kiến của công chúng về dân chủ có khác. Mặc dù người ta, về nguyên tắc là ủng hộ dân chủ một cách mạnh mẽ, nhưng lại không chống chế độ độc tài. Chỉ Ấn Độ mới có đa số bác bỏ giải tán quốc hội nhằm ủng hộ người lãnh đạo cứng rắn, nhưng cũng chỉ có 52% mà thôi. Đáng ngạc nhiên là, gần một nửa người dân Pakistan cũng có ý kiến như vậy, nhưng ở Bangladesh, Nepal và Sri Lanka chỉ có một phần tư có ý kiến như thế mà thôi.Ở Ấn Độ cũng như Sri Lanka và Nepal (cả hai nước đều đang chiến đấu nhằm giải quyết cuộc nội chiến kéo dài và thu hút hết nguồn lực) tỉ lệ người phản đối chế độ quân sự là khá cao, nhưng ở Pakistan và Bangladesh năm người thì chỉ có hai người phản đối mà thôi. Nhưng dường như ở Pakistan tỉ lệ này đang tăng lên vì dân chúng thất vọng với chính quyền của Musharaf.

Các nước dân chủ mới ở châu Á đang gặp những thách thức, về nhiều mặt, tương tự như những thách thức của các nước Mỹ Latin và hậu cộng sản châu Âu: Phải tìm được những biện pháp quản trị tốt hơn và cải thiện được chất lượng và năng lực của các thiết chế. Như chúng ta đã thấy, các nhà lãnh đạo Singapore đã xây dựng chế độ độc tài với hiệu quả cao, đủ sức cạnh tranh vớidân chủ, một chế độ có sức hấp dẫn không phải vì những giá trị châu Á độc đáo mà vì nó có khả năng cung cấp, ví dụ, tốc độ phát triển cực kì cao, ổn định về chính trị, ít tham nhũng, nhà ở với giá cả phải chăng và một hệ thống hưu bổng được bảo đảm. Thành công đó đặt ra một trong những thách thức thú vị nhất đối với dân chủ trên toàn cầu.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường