Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 2)

Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 2)

Kinh tế học hành vi trong chính sách công

Điểm nổi bật của kinh tế học hành vi nằm ở phương pháp luận độc đáo, khác biệt so với các mô hình dựa trên tính duy lý trong kinh tế học tân cổ điển. Phương pháp này bắt đầu bằng việc đặt dấu hỏi về mô hình truyền thống “con người kinh tế” (homo economicus), trong đó các cá nhân và doanh nghiệp được miêu tả như những đối tượng luôn cố gắng tối đa hóa lợi ích hay lợi nhuận, dựa trên sở thích duy lý cá nhân và nguồn thông tin đầy đủ. Đây là các mô hình phân tích phổ biến được sử dụng trong các cuốn giáo trình kinh tế sơ cấp. Mô hình kinh tế tân cổ điển cho rằng các tác nhân kinh tế phải cân nhắc tất cả chi phí, lợi ích và khả năng để thực hiện một phép tích chi phí - lợi ích hoàn hảo nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn.

Các nhà kinh tế học hành vi bác bỏ mô hình “con người kinh tế”, cho rằng con người không hành xử duy lý như các mô hình kinh tế truyền thống đề xuất (Tversky & Kahneman, 1974; Camerer & Lowenstein, 2004; Ariely, 2008). Quá trình ra quyết định của các cá nhân tham gia vào thị trường bị sai lệch đáng kể do ảnh hưởng của nhiều thiên kiến nhận thức, khiến họ khó đưa ra những quyết định tối ưu. Chẳng hạn, con người thường tiết kiệm quá ít cho hưu trí, hút thuốc dù biết rõ tác hại, hay tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh dù mong muốn có một cơ thể cân đối và khỏe mạnh.

Các nhà kinh tế học hành vi đã đưa ra một danh sách rất chi tiết cho những thiên kiến nhận thức của con người. Một thiên kiến nổi bật được đề cập đến là “chiết khấu theo đường hyperbol” (hyperbolic discounting), một hiện tượng tâm lý trong đó con người, do thiếu viễn kiến, có xu hướng không ưu tiên cho những lợi ích dài hạn1. Mọi người thường nhượng bộ trước sự thỏa mãn tức thời, chấp nhận phần thưởng nhỏ, trong khi nếu kiên nhẫn thêm, họ sẽ nhận được phần thưởng lớn hơn trong tương lai. Nếu mô hình kinh tế học tân cổ điển cho rằng con người thường đưa ra quyết định dựa trên tỷ lệ chiết khấi nhất quán (consistent discounting rate), thì kinh tế học hành vi bác bỏ lập luận này, khẳng định rằng con người thường đánh giá dưới mức những chi phí gắn với các đánh đổi trong hiện tại. Chẳng hạn, một người có thể lên kế hoạch trước để dành một phần thu nhập cho việc tiết kiệm, nhưng lại không cưỡng lại được sự cám dỗ chi tiêu khi nhận được lương – điều khiến anh ta phải hối tiếc sau này. “Chiết khấu theo đường hyperbol” thường được áp dụng trong các tài liệu kinh tế học hành vi để giải thích các vấn đề liên quan đến khả năng “kiểm soát bản thân”, như tiết kiệm hưu trí và tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh hoặc các loại chất kích thích.

Trong lĩnh vực kinh tế học hành vi, có một số thiên kiến nhận thức phổ biến khác cũng ảnh hưởng đến cách thức mọi người ra quyết định. Đó là: thiên kiến trải nghiệm sẵn có (availability heuristic), hiện tượng khi mọi người đánh giá quá mức tầm quan trọng hoặc xác suất của một sự kiện chỉ vì họ dễ dàng tiếp cận hoặc tiếp xúc thường xuyên với thông tin liên quan; Hiệu ứng bầy đàn (bandwagon effect), mô tả xu hướng mọi người theo đuổi niềm tin phổ biến mà không cân nhắc đến độ chính xác của nó, hay còn gọi là suy nghĩ theo nhóm; Hiệu ứng mỏ neo (anchoring effect), xảy ra khi chúng ta dựa quá nhiều vào thông tin đầu tiên nhận được và bỏ qua những thông tin khác sau đó; và, hiệu ứng sở hữu (endowment effect), mô tả xu hướng chúng ta thường gán giá trị cao hơn cho những vật phẩm đã sở hữu.

Các  hàm ý chính sách xuất phát từ kinh tế học hành vi rất đa dạng. Xuất hiện những chính sách ít mang tính cưỡng chế hơn, liên quan đến hích (nudging), trong đó các nhà hoạch định chiến lược tìm cách tác động đến quá trình ra quyết định của mọi người nhằm khuyến khích họ lựa chọn tối ưu hơn. Thaler và Sunstein (2008, trang 104) ủng hộ việc tự động đăng ký cho nhân viên vào các chương trình tiết kiệm, đồng thời cho phép họ từ chối nếu không muốn tham gia. Lý do là những nhân viên có xu hướng thiên vị hiện tại thường trì trệ trong việc thực hiện một kế hoạch tiết kiệm. Do đó, việc tự động đăng ký giúp họ đưa ra một sự lựa chọn mà họ vốn đã mong muốn và tự đánh giá là phù hợp.

Các nhà kinh tế học hành vi đưa ra một lập luận quy phạm cốt lõi: vì con người không phải lúc nào cũng đưa ra các quyết định đúng đắn trong cuộc sống cá nhân, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo rằng những sai lầm này được khắc phục. Bằng cách thực hiện các cú hích để con người đưa ra những quyết định tối ưu, chính phủ có thể giúp họ tránh khỏi những lựa chọn không tối ưu của chính mình. Tuy thế, những người ủng hộ kinh tế học hành vi nhấn mạnh rằng việc đưa ra các cú hích cần đảm bảo quyền tự do lựa chọn (Thaler & Sunstein, 2003b, trang 1185). Họ nhận định rằng việc đưa ra cú hích phải giúp con người đưa ra các quyết định phù hợp với lợi ích của chính họ, chứ không phải của nhà hoạch định chính sách.

Do đó, có thể nói rằng chủ nghĩa gia trưởng này tách biệt so với các dạng chủ nghĩa gia trưởng truyền thống, vốn thường áp đặt các quy định cứng rắn, như cấm hoàn toàn hoặc kiểm soát nghiêm ngặt các loại hàng hóa bị coi là "tội lỗi" (sin goods). Triết lý kinh tế này được các nhà kinh tế học hành vi gọi là "chủ nghĩa gia trưởng tự do cá nhân" (Thaler & Sunstein, 2003a), tạo ra một con đường nằm giữa sự tự do lựa chọn tuyệt đối mà các nhà tự do thị trường ủng hộ và sự giám sát quá mức của nhà nước bảo mẫu.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học hành vi không nhất thiết giới hạn mình trong các biện pháp hích nhẹ ít mang tính cưỡng chế và vẫn để ngỏ khả năng sử dụng các quy định mạnh mẽ hơn — một "vùng trơn trượt" (slippery slope) sẽ được thảo luận trong phần ba của chương này.Các nhà kinh tế học hành vi cũng đã ủng hộ việc áp dụng thuế tội lỗi, nhằm tăng chi phí tiêu dùng hiện tại để bù đắp cho các khuynh hướng chiết khấu hình hyperbolic và hướng người tiêu dùng tới các quyết định hợp lý hơn (O’Donoghue & Rabin, 2006). Trong bối cảnh chính sách của Singapore, phần lớn các thảo luận xoay quanh việc áp dụng hoặc cải thiện các luật cưỡng chế hiện hành, nơi không có tùy chọn từ chối (opt-out). Ví dụ, trong cuốn Behavioural Design and Policy Design, người ta cho rằng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng trong thị trường năng lượng khiến “việc chính phủ đưa ra các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng bắt buộc để loại bỏ các thiết bị kém hiệu quả nhất là điều hợp lý” (Ong, 2012, trang 82). Trong Chương 8, khi thảo luận về chính sách phúc lợi xã hội, phân tích chủ yếu tập trung vào việc cải thiện chương trình Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) bằng cách sử dụng khung hành vi trong tham vấn công chúng, mà không xem xét đến lựa chọn từ chối. Do đó, luận điệu của "chủ nghĩa gia trưởng tự do cá nhân" đôi khi khác biệt so với cách áp dụng thực tế, làm dấy lên sự hoài nghi về mục đích thực sự của những người ủng hộ cách tiếp cận hành vi này.

Chú thích:

(1) Behaviour Lab. (n.d). Hyperbolic Discounting. Trích từ: http://www.behaviorlab.org/Papers/Hyperbolic.pdf

Nguồn: Chương 4 tác phẩm Cheang B. Và Choy D. (2021). Liberalism unveiled : forging a new third way in Singapore. World Scientifc Publishing Co. Pte. Ltd.