[Nền dân trị Mỹ] - Chương VIII: Về hiến pháp liên bang Hoa Kỳ (Phần 1)
VỀ HIẾN PHÁP LIÊN BANG HOA KÌ
Cho tới nay tôi vẫn coi mỗi bang như một chỉnh thể, và tôi đã chỉ ra những thẩm quyền khác nhau được nhân dân cho vận hành trong mỗi bang cùng những biện pháp hành động của người dân. Nhưng tất cả các bang đó mà tôi coi là độc lập, thì trong những trường hợp nhất định, lại vẫn bị buộc phải phục tùng một cấp thẩm quyền cao hơn, đó chính là Liên bang. Nay đã đến lúc chúng ta xem xét phần chủ quyền được bang trao cho Liên bang và cũng nhìn qua hiến pháp Liên bang ra sao.
LỊCH TRÌNH HÌNH THÀNH HIẾN PHÁP LIÊN BANG
Nguồn gốc lần thành lập Liên bang đầu tiên. − Chỗ yếu kém của nó. − Hạ viện phải cầu cứu đến những quyền lực lập hiến. − Khoảng cách hai năm giữa thời gian đó với thời kì hiến pháp mới được ban hành.
Mười ba khẩn địa đua nhau làm rung chuyển cái ách Anh quốc cuối thế kỉ trước, như tôi đã nói, đều có chung tôn giáo, chung ngôn ngữ, chung tập tục, gần như có chung luật pháp. Các khẩn địa đó chiến đấu chống lại một kẻ thù chung. Vậy là chúng phải có những lí do hết sức mạnh mẽ để liên kết chặt chẽ với nhau và cùng được hút vào duy nhất một quốc gia với nhau.
Thế nhưng mỗi khẩn địa đó, vốn dĩ đã từng có một cuộc sống riêng và một chính quyền trong tầm tay của mình, đã có những lợi ích và những thói quen riêng, đều không chịu đựng nổi một liên bang chặt chẽ và đầy đủ mọi mặt đủ sức làm tiêu tan tầm quan trọng riêng của từng khẩn địa trong cái tầm quan trọng chung. Từ đó mà có hai khuynh hướng đối lập nhau: một khuynh hướng khiến cho người Mĩ gốc Anh đoàn kết nhau lại, và một khuynh hướng làm cho họ chia rẽ nhau.
Chừng nào còn chiến tranh với mẫu quốc xưa, thì còn nhu cầu khiến cho nguyên tắc liên bang thắng thế. Và cho dù luật pháp tạo thành liên bang đó còn đầy khiếm khuyết, thì mặc kệ, vẫn cứ có cái mối dây rợ chung.
Thế nhưng ngay sau khi hoà bình được thiết lập, các khiếm khuyết của việc lập pháp bộc lộ rõ mồn một: đơn vị bang tưởng đâu như bị giải tán cái phắt. Mỗi khẩn địa, khi trở thành một nước cộng hoà độc lập, bèn chiếm lấy chủ quyền toàn vẹn. Chính quyền liên bang, do chỗ chính hiến pháp của nó làm cho nó yếu kém, và khi không còn nữa nỗi lo về một mối hiểm nguy chung, liền thấy ngọn cờ của mình bị xúc phạm bởi các nước lớn ở châu Âu trong khi chính mình lại chẳng có đủ nguồn lực để đối đầu với các quốc gia Anh điêng và trả lãi những món nợ đi vay thời chiến tranh giành Độc lập. Gần như sắp tan rã, liên bang long trọng tuyên bố tình trạng bất lực của mình và phải cầu cứu tới quyền lực hiến định.
Nếu có khi nào trong chốc lát nước Mĩ biết nâng mình lên cái tầm cao vinh quang kia, nơi trí tưởng tượng ngạo nghễ của người dân Mĩ không ngừng mong muốn phô ra cho mọi người, thì đó chính là thời khắc tối cao khi quyền lực quốc gia như thể đứng ra phế truất tư thế một quốc gia nguy nga của mình.
Một dân tộc đấu tranh kiên quyết giành độc lập, đó là một cảnh tượng thế kỉ nào cũng có. Vả chăng người ta cũng thổi phồng lên quá nhiều về những nỗ lực của người Mĩ để thoát khỏi cái ách của người Anh. Ngăn cách với quân thù bằng một nghìn ba trăm dặm đường biển, đó quả là đã được cứu trợ bởi một đồng minh hùng mạnh, người Hoa Kì chiến thắng nhờ vị trí của mình hơn là nhờ giá trị của các đạo quân hoặc nhờ lòng ái quốc của công dân nước mình. Nào ai đủ gan so sánh cuộc chiến tranh ở bên Mĩ với những cuộc chiến tranh mà cách mạng Pháp phải trải qua, và ai đủ can đảm so sánh những nỗ lực của người Mĩ với những nỗ lực của người Pháp chúng ta khi nước Pháp phải đương đầu với những cuộc tiến đánh của toàn châu Âu, tiền không, dự trữ không, đồng minh không, [nước Pháp] phải quăng một phần hai mươi dân số nước mình ra trước mũi đủ loại kẻ thù, một tay dập ngọn lửa thiêu cháy ruột gan, còn một tay kia không ngừng khua mồi lửa quanh mình? Nhưng còn có cái gì là mới mẻ trong lịch sử các xã hội, ấy là được nhìn thấy một dân tộc vĩ đại, khi được các nhà lập pháp cảnh báo rằng các bánh xe răng của guồng máy chính quyền đã ngừng, [dân tộc ấy] không vội vã cũng không sợ hãi ngoảnh nhìn lại chính mình, thăm dò vào tận chiều sâu của điều khốn đốn, tự kiềm chế mình trong hai năm ròng để rồi cuối cùng tìm ra được phương thuốc chữa chạy, và khi đã có đơn thuốc ấy, thì dân tộc đó lại vui lòng chấp nhận và chẳng làm cho nhân loại phải trả giá dù chỉ một giọt nước mắt cũng như một giọt máu.
Khi bản hiến pháp thứ nhất lộ rõ sự bất cập, những đam mê chính trị sôi sục làm nảy sinh cách mạng đã giảm đôi ba phần, và tất cả những con người vĩ đại cách mạng từng tạo ra thì vẫn còn sống nguyên. Đó là một vinh dự kép cho nước Mĩ. Đại hội đại biểu không nhiều người dự, tự đề ra nhiệm vụ thảo bản hiến pháp thứ hai, bao gồm những đầu óc đẹp nhất và những tính cách cao quý nhất chưa từng thấy ở Tân thế giới. George Washington chủ trì Đại hội đại biểu.
Cái uỷ ban toàn quốc đó, sau nhiều cuộc bàn cãi kéo dài và chín muồi, cuối cùng đã trình ra cho toàn dân cái bộ luật gắn bó hữu cơ với nhau mà hiện nay vẫn còn chi phối Liên bang Hoa Kì. Tất cả các bang lần lượt chấp nhận hiến pháp đó. Chính quyền mới của Liên bang, sau hai năm bị treo, bắt đầu nhận nhiệm vụ năm 1789. Cuộc cách mạng của nước Mĩ được chấm hết vào đúng lúc ở nước Pháp chúng ta bắt đầu cuộc cách mạng của mình.
TÓM TẮT SƠ QUA BẢN HIẾN PHÁP LIÊN BANG HOA KÌ
Phân chia quyền lực giữa chủ quyền Liên bang và chủ quyền của các bang. − Chính phủ các bang mang vẫn là luật chung; còn − chính phủ liên bang mang tính chất ngoại lệ.
Trong tâm trí người Mĩ lúc này hẳn là phải thấy một khó khăn đầu tiên. Đó là vấn đề phân chia chủ quyền sao cho các bang khác nhau hợp thành Liên bang Hoa Kì vẫn tiếp tục tự cai quản mình trong toàn bộ những vấn đề chỉ liên quan đến sự thịnh vượng nội bộ của mình, trong khi toàn thể đất nước mà đại diện là Liên bang vẫn không ngừng là một thực thể chung và mọi nhu cầu chung đều được thoả mãn. Đây là một vấn đề phức tạp và khó giải quyết.
Lúc đó thật khó mà xác định sẵn một cách thức chính xác và hoàn chỉnh phần quyền lực nào phân chia cho bên nào, hai hình thức chính quyền bang và chính quyền liên bang phải được chủ quyền tới đâu.
Nào ai là người có khả năng tiên liệu đến từng chi tiết cuộc sống của cả một đất nước?
Các nghĩa vụ và quyền hạn của chính phủ liên bang thì đơn giản và tương đối dễ xác định, bởi vì Liên bang được lập nên chỉ nhằm mục đích đáp ứng một số nhu cầu chung. Ngược lại, nghĩa vụ và quyền hạn của chính phủ bang thì thật là vô số và phức tạp, bởi vì cái hình thức chính phủ này thâm nhập vào từng chi tiết cuộc sống xã hội.
Vậy là người ta xác định chu đáo mọi chức trách gán cho chính quyền Liên bang, sau rồi người ta tuyên bố rằng mọi thứ gì không bao hàm trong các điều đã xác định cho Liên bang thì đều thuộc về quyền hạn của bang. Và thế là chính quyền các bang vẫn là luật chung, còn chính quyền Liên bang trở thành ngoại lệ.
Nhưng trong thực tiễn, như người ta đã tiên liệu, có những vấn đề có thể được đặt ra đúng vào quãng những giới hạn của cái chính quyền ngoại lệ ấy, và sẽ là nguy hiểm nếu bỏ mặc việc giải quyết chúng cho mấy cái toà án bình thường đặt trong các bang và do các bang đó cai quản, người ta liền thiết lập một toà án tối cao liên bang, một toà án duy nhất mà một trong những quyền hạn của nó là duy trì việc chia sẻ quyền lực giữa hai chính phủ đối địch nhau theo đúng như hiến pháp đã xác định.
QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH PHỦ LIÊN BANG
Quyền trao cho chính phủ Liên bang liên quan đến hoà bình, chiến tranh, đặt ra các loại thuế chung. − Đối tượng chính trị đối nội do chính phủ Liên bang chăm lo. − Chính phủ Liên bang ở những điểm nhất định lại tập trung hoá cao độ hơn chính quyền hoàng gia trong nền quân chủ chuyên chế xưa của Pháp.
Giữa các dân tộc với nhau thì chỉ có quan hệ như là giữa các cá nhân mà thôi. Nhưng muốn xuất hiện với một lợi thế trước người nước ngoài, thì một quốc gia cần có một chính phủ duy nhất.
Vì thế mà Liên bang được giao cho toàn quyền được hoà hay chiến, được kí kết hiệp ước thương mại, được dụng binh và được vũ trang các hải đội.
Nhu cầu có một chính phủ quốc gia không hoàn toàn cấp bách đến thế trong những công việc đối nội của xã hội.
Tuy nhiên, lại có những lợi ích chung nhất mà chỉ có một chính quyền chung mới đáp ứng nổi một cách hữu ích.
Vì thế Liên bang được trao hẳn cho cái quyền giải quyết mọi việc gì liên quan đến giá trị tiền tệ, đến công việc bưu chính, và nó được giao quyền tổ chức những tuyến giao thông lớn liên kết các phần khác nhau của lãnh thổ quốc gia.
Nói chung, chính phủ các bang khác nhau coi như được tự do trong phạm vi của mình. Thế nhưng chính quyền bang có thể lạm dụng sự độc lập đó và tiến hành những biện pháp bất cẩn phương hại cho sự an toàn của toàn Liên bang. Với những trường hợp hiếm hoi và được xác định trước một cách rõ ràng này, người ta cho chính quyền Liên bang quyền được can thiệp vào các công việc nội bộ các bang. Vì thế mà, một mặt người ta thừa nhận từng bang trong Liên bang có quyền sửa đổi và thay đổi pháp chế, thì người ta cũng lại cấm các bang tạo ra những bộ luật có giá trị hồi tố (rétroactive − ND) và tạo ra trong lòng bang mình một tập đoàn quý tộc.
Sau hết, sao cho chính phủ Liên bang có thể hoàn thành những nghĩa vụ bắt buộc, người ta cho nó cái quyền không bị giới hạn được thu thuế.
Khi ta chú ý tới việc phân chia quyền lực theo cách hiến pháp Liên bang đã xác lập nên, khi một mặt ta chú ý tới phần chủ quyền được dành cho các bang riêng rẽ và mặt khác tới phần quyền lực giữ lại cho Liên bang, ta dễ dàng nhận thấy rằng các nhà lập pháp Liên bang đã có những ý tưởng rất rõ rệt và rất công bằng về cái điều trước đây có lần tôi đã gọi bằng sự tập trung hoá chính quyền.
Hoa Kì không chỉ là một nước cộng hoà, mà đó còn là một liên bang các nước cộng hoà. Tuy thế, quyền lực quốc gia ở đây về một số mặt nào đó lại tập trung hoá hơn so với nhiều nền quân chủ chuyên chế ở châu Âu vào cùng giai đoạn ấy. Tôi sẽ chỉ nêu ra đây hai thí dụ thôi.
Nước Pháp có cả thảy mười ba toà án có chủ quyền, các toà này thường vẫn có quyền tự mình diễn giải luật pháp không ai được chống án. Ngoài ra, ở Pháp còn có những tỉnh được gọi là vùng trực thuộc Nhà nước, những vùng này có quyền từ chối cùng thực hiện mệnh lệnh khi chính quyền thay mặt quốc gia ra lệnh thu một loại thuế.
Liên bang Hoa Kì chỉ có một toà án để diễn giải luật pháp, cũng như chỉ có một hệ thống lập pháp để làm công việc đó. Thuế do các đại biểu nhân dân toàn quốc thông qua là bắt buộc đối với mọi công dân. Như vậy Liên bang Hoa Kì có tính chất tập trung hoá mạnh hơn trên hai điểm cốt yếu này so với nền quân chủ chuyên chế ở Pháp, mặc dù Liên bang chính là một sự gán ghép các nước cộng hoà lại với nhau.
Ở Tây Ban Nha, một số tỉnh có quyền xây dựng hệ thống hải quan riêng, bản chất công việc này là tước đi chủ quyền của quốc gia.
Ở Mĩ, chỉ Hạ viện là có quyền giải quyết các mối quan hệ thương mại giữa các bang với nhau. Vậy là về điểm này chính quyền Liên bang tỏ ra tập trung hoá hơn so với vương quốc Tây Ban Nha.
Đúng là ở Pháp cũng như ở Tây Ban Nha, do chỗ quyền lực hoàng gia vốn là thứ, khi cần có thể dùng vũ lực, luôn luôn sẵn sàng làm những gì hiến pháp không cho làm, thì cuối cùng đâu cũng vào đó cả. Nhưng đây là tôi chỉ nói về mặt lí thuyết thôi.
QUYỀN LỰC LIÊN BANG
Sau khi giam chân chính phủ Liên bang trong một phạm vi hành động được vạch rõ, nay ta cần xem cung cách vẫy vùng của nó ra sao.
A. QUYỀN LẬP PHÁP
Phân chia tổ chức lập pháp thành hai ngành. − Những khác biệt trong cách thức tổ chức hai Viện. − Chiến thắng của nguyên tắc độc lập của các bang trong việc thành lập Thượng viện. − Tín điều chủ quyền quốc gia trong thành phần Hạ viện. − Những tác động đặc biệt của điều này, ấy là các hiến pháp chỉ logic và hợp lí khi các dân tộc đang ở độ tuổi thanh xuân.
Trong việc tổ chức quyền lực của Liên bang (Hoa Kì), trên rất nhiều điểm, người ta đi theo cái chương trình được vạch sẵn bởi hiến pháp riêng của từng bang.
Bộ phận lập pháp của Liên bang gồm có một Thượng viện và một Viện dân biểu.
Tinh thần hoà giải tạo ra những thể lệ khác nhau trong việc hình thành từng Viện đại nghị đó.
Ở một đoạn bên trên tôi đã nói lên cảm nghĩ rằng, khi người Mĩ định làm bản hiến pháp Liên bang, thì đã có hai loại lợi ích đối lập nhau. Hai loại lợi ích đó đã sinh ra hai luồng ý kiến.
Có những người muốn Liên bang là một kiểu Liên đoàn (ligue − ND) các bang độc lập, một thứ đại hội nghị để các đại diện nhân dân có quyền lợi khác nhau tới đó thương thảo những vấn đề thuộc lợi ích chung.
Có những người khác lại muốn toàn thể cư dân của các khẩn địa cũ được hội nhập nhau thành một quốc gia duy nhất, và họ có một chính phủ, mặc dù với miền hoạt động hạn hẹp, nhưng có thể hoạt động trong miền đó như một người đại diện duy nhất của quốc gia. Những hệ quả thực tiễn của hai lí thuyết đó khá là khác nhau.
Vì thế mà, cho dù đó là tổ chức lối liên đoàn chứ không phải là theo lối một chính phủ quốc gia, việc tạo ra luật pháp vẫn là do đa số các bang chứ không phải là do đa số cư dân trong Liên bang. Vì mỗi bang dù to dù nhỏ vẫn giữ riêng đặc tính của một thế lực độc lập và gia nhập Liên bang trên tư thế bình đẳng hoàn toàn.
Ngược lại, một khi người ta coi cư dân Hoa Kì như là tạo thành một quốc gia duy nhất, điều tự nhiên là chỉ có đa số công dân của Liên bang mới là người làm ra luật pháp.
Ta hiểu rằng các bang nhỏ không thể đồng tình với việc áp dụng học thuyết này mà lại không thủ tiêu hoàn toàn sự tồn tại của mình liên quan tới chủ quyền của Liên bang, vì họ đang từ một thế lực cùng điều hoà nhau trở thành một phân số vô nghĩa trong một quốc gia to lớn. Hệ thống thứ nhất khiến họ được coi như là một thế lực phi lí; hệ thống thứ hai thủ tiêu họ.
Trong tình hình đó, liền xảy ra cái điều thường vẫn xảy ra khi lợi ích đối lập với lí trí: người ta bẻ quẹo các quy tắc logic. Những nhà lập pháp chọn một lập trường trung dung bắt buộc hai hệ thống bất khả dung hoà về lí thuyết phải dung nạp lẫn nhau.
Nguyên tắc độc lập của các bang thắng thế trong việc thành lập Thượng viện; tín điều chủ quyền của quốc gia thắng thế trong việc tạo thành Viện dân biểu.
Mỗi bang có nhiệm vụ cử hai thượng nghị sĩ và một số lượng nhất định dân biểu theo tỉ lệ dân số bang vào Viện dân biểu (Quốc hội − ND).
Kết quả của lối dàn xếp này là bây giờ đây bang New York có bốn chục đại biểu ở Hạ viện và chỉ có hai thượng nghị sĩ, trong khi bang Delaware có hai thượng nghị sĩ và chỉ có một dân biểu Hạ viện. Như vậy là bang Delaware có trong Thượng viện hai đại biểu ngang với bang New York, trong khi bang New York có hẳn bốn chục lần ảnh hưởng cao hơn bang Delaware tại Hạ viện. Thế là xảy ra chuyện thiểu số của quốc gia một khi thống trị được Thượng viện thì làm tê liệt hoàn toàn ý chí của đa số có đại diện ở Hạ viện; và đó là điều trái ngược với tinh thần các chính thể lập hiến.
Tất cả những chuyện như thế cho thấy thật hiếm hoi và khó khăn biết bao việc gắn bó các phe phái làm công việc lập pháp một cách logic và duy lí.
Về lâu về dài, thời gian làm nảy sinh trong cùng một quốc gia những lợi ích khác nhau và cũng thừa nhận những quyền khác nhau. Sau đó, khi phải tạo ra một bản hiến pháp chung, từng lợi ích đó và từng quyền đó lại tạo ra bấy nhiêu trở ngại tự nhiên chống đối lại bất kì nguyên tắc chính trị nào không theo kịp mọi hệ quả phát sinh. Vì thế mà chỉ vào lúc ra đời các xã hội mà ta có thể hoàn toàn logic trong việc tạo ra các luật lệ. Khi bạn thấy một dân tộc được hưởng thụ thuận lợi đó, xin bạn đừng vội nghĩ rằng dân tộc đó khôn ngoan, đúng hơn hãy nghĩ rằng dân tộc đó còn trẻ.
Vào thời kì hình thành bản hiến pháp Liên bang Hoa Kì, trong những người Mĩ gốc Anh vẫn chỉ mới có hai lợi ích tích cực chống đối nhau: lợi ích của tính cá thể đối với các bang riêng biệt, và lợi ích đoàn kết đối với toàn thể quốc gia; và người ta phải đi tới một thoả hiệp.
Tuy vậy, ta vẫn phải thừa nhận rằng, cho tới nay, những điều bất hợp lí đó của bản hiến pháp chưa từng gây ra những tác hại khiến ta phải e ngại.
Tất cả các bang đều còn “trẻ trung”; họ đều xích lại được với nhau; họ có những tập tục, những tư tưởng và nhu cầu đồng chất với nhau. Sự khác biệt sinh ra từ chỗ bang này to nhỏ so với bang kia không đủ để họ có những lợi ích khá đối lập nhau. Chưa từng khi nào thấy các bang nhỏ liên kết nhau trong Thượng viện để chống lại những ý đồ của các bang lớn. Vả chăng, có một sức mạnh thật sự, một sức mạnh khó có gì cưỡng nổi trong việc diễn đạt ý nguyện của cả một quốc gia thành luật pháp, với phe đa số thể hiện ý nguyện ấy ở cơ quan dân biểu, tại đây cái Thượng viện trước mặt họ tỏ ra khá yếu đuối.
Hơn nữa, ta không nên quên rằng đâu phải chuyện vì mấy nhà lập pháp Mĩ dùng luật mà tạo ra nổi cả một quốc gia, cả một dân tộc. Mục đích của bản hiến pháp Liên bang không phải là thủ tiêu sự tồn tại của các bang mà chỉ nhằm hạn chế chúng. Vậy là khi nào người ta trao một quyền lực thực thụ cho các bộ phận thứ yếu đó (mà chẳng ai có thể tước bỏ đi được) thì người ta cũng khước từ sẵn việc dùng lối ép buộc thông thường để bắt thiểu số tuân theo đa số. Vấn đề này một khi được đặt ra và giải quyết, thì việc đưa các thế lực riêng rẽ vào guồng quay chính quyền Liên bang chẳng còn vẻ gì là khác thường nữa. Đó chỉ là công việc xác nhận một sự kiện hiện tồn, đó là xác nhận một thế lực đã được thừa nhận, [thế lực này] đòi hỏi phải được đối xử khéo léo chứ không thể đối xử hung bạo mà được.
B. ĐIỂM KHÁC BIỆT NỮA GIỮA THƯỢNG VIỆN VÀ VIỆN DÂN BIỂU
Thượng viện do các nhà lập pháp địa phương cử ra. − Các dân biểu do nhân dân cử ra. − Thượng nghị sĩ phải bầu theo hai cấp. − Dân biểu chỉ bầu ra một lần. − Khác nhau về thời hạn nhiệm kì. − Quyền hạn.
Thượng viện không chỉ khác với Viện dân biểu ở nguyên tắc đại diện, mà còn khác nhau trong cách bầu bán, khác trong thời hạn nhiệm kì và khác nhau trong quyền hạn.
Viện dân biểu do người dân bầu ra, còn Thượng viện do những nhà lập pháp các bang chọn ra.
Viện dân biểu là sản phẩm của chế độ bầu cử trực tiếp. Thượng viện là sản phẩm của cách thức bầu cử hai bậc.
Nhiệm kì của các dân biểu chỉ có hai năm, còn của các thượng nghị sĩ là sáu năm.
Viện dân biểu chỉ có quyền hạn lập pháp thôi, nó chỉ tham gia vào công việc tư pháp khi kết án các công chức. Thượng viện tham gia vào việc xây dựng các bộ luật; nó phán xử các tội phạm về chính trị do Viện dân biểu chuyển sang. Ngoài ra Thượng viện còn là đại hội đồng hành pháp của cả nước. Những hiệp ước do tổng thống kí kết phải được Thượng viện chuẩn y. Các lựa chọn của tổng thống muốn có hiệu lực thì phải được Thượng viện đồng ý.
C. VỀ QUYỀN HÀNH PHÁP
Sự lệ thuộc của tổng thống. − Được bầu ra và chịu trách nhiệm. − Tự do trong phạm vi chức trách của mình, bị Thượng viện theo dõi nhưng không bị Thượng viện điều khiển. − Lương tổng thống được ấn định từ khi ông ta nhậm chức. − Quyền phủ quyết treo.
Các nhà lập pháp nước Mĩ có một nhiệm vụ khó thực hiện: họ muốn tạo ra một quyền lực hành pháp bị lệ thuộc vào đa số, song bản thân nó lại phải khá mạnh để có thể hoạt động tự do trong phạm vi chức trách của nó.
Việc duy trì hình thức cộng hoà đòi hỏi người đại diện quyền hành pháp phải tuân thủ ý nguyện quốc gia.
Tổng thống là một pháp quan được bầu ra. Danh dự của ông ta, tài sản của ông, sự tự do, đời sống của ông không ngừng đáp ứng đòi hỏi của người dân đối với việc ông ta sẽ dùng quyền hạn của mình ra sao. Song khi thực thi quyền lực đó, tổng thống cũng chẳng được hoàn toàn độc lập: Thượng viện theo dõi các mối quan hệ của ông với các cường quốc bên ngoài cũng như trong việc ông phân bố công việc, sao cho ông không thể bị hủ hoá và cũng không hủ hoá được kẻ khác.
Các nhà lập pháp của Liên bang thấy rõ rằng chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ hành pháp một cách đàng hoàng và hữu ích khi nó không có thêm khả năng ổn định và không có thêm sức mạnh so với những thứ đã được trao cho chức vụ tương đương ở các bang.
Tổng thống được trao việc cho một nhiệm kì bốn năm, và có thể được bầu lại. Thấy rõ mình có tương lai nên tổng thống có được lòng dũng cảm để làm việc công và sử dụng các phương tiện đã cho để thực thi nhiệm vụ.
Tổng thống được cắt đặt để thành người đại diện duy nhất của quyền hành pháp Liên bang. Người ta cũng không bắt ý chí của ông phải phụ thuộc vào ý chí một hội đồng: đó là một biện pháp nguy hiểm, vừa làm yếu hành động của chính quyền, vừa làm giảm trách nhiệm của những người nắm quyền. Thượng viện có quyền làm cho một vài hành động của tổng thống trở thành vô hiệu; nhưng Thượng viện lại không có quyền bắt buộc tổng thống hành động và cũng không chia sẻ quyền hành pháp với ông ta.
Tác động của ngành lập pháp lên ngành hành pháp có thể diễn ra theo lối trực tiếp, chúng ta vừa thấy người Mĩ cố tìm cách để không xảy ra như thế. Tác động đó cũng có thể diễn ra theo lối gián tiếp.
Bằng cách làm cho người công chức không phản ứng được, hai Viện cũng tước mất đi một phần tính độc lập của người đó. Hai Viện vốn được quyền làm ra các luật lệ, nên người ta cũng e ngại rằng hai Viện dần dần tước đi mất phần quyền lực mà hiến pháp muốn giữ lại cho người công chức.
Sự lệ thuộc này của quyền lực hành pháp là một trong những tật xấu cố hữu của các hiến pháp cộng hoà. Người Mĩ không thể thủ tiêu cái xu hướng lôi cuốn các đại hội nghị lập pháp chiếm lấy hết mọi quyền hành, nhưng họ đã làm cho cái xu hướng đó bớt xảy ra mà không sao cưỡng nổi.
Lương tổng thống được ấn định từ khi ông ta nhậm chức cho suốt cả thời hạn nhiệm kì. Ngoài ra, tổng thống còn được trang bị một quyền phủ quyết treo cho phép ông ngăn chặn những bộ luật nào có thể thủ tiêu phần độc lập được hiến pháp dành cho ông. Tuy nhiên đó không phải là một cuộc chiến bất cân bằng giữa tổng thống và ngành lập pháp, vì ngành này bằng cách kiên trì ý đồ của mình luôn luôn làm chủ được trong cuộc đấu chống lại những gì cưỡng lại nó. Thế nhưng quyền phủ quyết treo ít ra cũng buộc ngành lập pháp phải xét lại những gì nó đã quyết nghị. Quyền phủ quyết treo buộc ngành lập pháp xem xét lại vấn đề và lần này nó chỉ có thể thông qua nghị quyết nếu đạt đa số là hai phần ba số ý kiến bày tỏ. Vả chăng, quyền phủ quyết còn là một thứ lời kêu gọi nhân dân. Ngành hành pháp nếu không có điều khoản bảo lãnh này thì có thể bị đè ép ngầm, nay nó có thể trình bày vụ việc và làm cho lí lẽ của mình phải được lắng nghe. Nhưng nếu ngành lập pháp cứ kiên trì ý đồ của họ, liệu có thể thắng được sự chống đối? Tôi muốn trả lời điều này như sau: trong hiến pháp của các nước, bất kể bản chất nó là như thế nào, đều có một điểm nơi đó nhà lập pháp bị buộc phải cầu viện đến lương tri con người và đạo đức công dân. Trong trường hợp các nền cộng hoà, điểm này càng gần càng thấy rõ nét, còn trong trường hợp các nền quân chủ chuyên chế thì điểm này càng bị xa và càng bị che giấu kĩ, nhưng nó vẫn cứ tồn tại đâu đó. Không có nước nào mà luật pháp lại đủ sức tiên liệu tất cả mọi điều và ở đó các thiết chế lại thay thế được cho cả lí trí lẫn tập tục.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)