![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương VII: Cạnh tranh, hợp tác và người tiêu dùng](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương VII: Cạnh tranh, hợp tác và người tiêu dùng
Mô hình “cạnh tranh hoàn hảo” trong sách giáo khoa làm cho người ta nghĩ rằng thế giới hiện thực là “không hoàn hảo” - sự khác biệt giữa các nhà cung cấp, các rào cản tự nhiên cho việc gia nhập thị trường và đặc biệt là bất kì khoản lợi nhuận lớn nào của nhà khởi lập kinh doanh cũng bị coi là “thất bại” của thị trường, cần phải được uốn nắn. Nhưng Mises khẳng định rằng trong thế giới mà mọi người và mọi vật đều giống nhau thì làm gì còn cạnh tranh. Cạnh tranh là các nhà cung cấp tìm cách vượt qua nhau và vì thế mà thu được lợi nhuận1.
Quyền tối cao của người tiêu dùng
Cạnh tranh thúc đẩy các nhà khởi lập kinh doanh chuyển sản xuất sang lĩnh vực mang lại nhiều thỏa mãn hơn cho người tiêu dùng. Cạnh tranh càng mạnh thì người sản xuất càng phải dự đoán nhu cầu trong tương lai một cách chính xác hơn; và việc phục vụ của họ càng phải có nhiều trí tưởng tượng hơn.
Cũng như bất kì lĩnh vực hoạt động nào khác, cạnh tranh là quá trình chọn lọc. Nhưng Mises chỉ ra rằng trên thị trường, người tiêu dùng chính là người lựa chọn. Người tiêu dùng bao giờ cũng tìm những sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất cho nhu cầu của mình: rốt cuộc thì chính nhu cầu của người tiêu dùng quyết định giá cả hàng hóa - và vì vậy mà gián tiếp quyết định hàng hóa của người sản xuất. Họ là những ông chủ khó tính, sẵn sàng bỏ rơi ngay lập tức những người cung cấp hiện thời nếu có một người cung cấp rẻ hơn và tốt hơn xuất hiện.
Thị trường, Mises kết luận, chẳng khác gì một vụ trưng cầu dân ý về những sản phẩm cần được sản xuất, nhưng đây là cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hằng ngày. Mỗi đồng xu mà người tiêu dùng bỏ ra trong không biết bao nhiêu là thương vụ đang diễn ra hằng ngày cũng chẳng khác gì những lá phiếu trong những cuộc bầu cử bất tận nhằm lựa chọn mỗi và từng món hàng phải sản xuất với số lượng bao nhiêu và hướng sản xuất sang lĩnh vực có nhu cầu cao nhất. Trong việc phân phối nguồn lực thì hệ thống thị trường hiệu quả hơn là những cuộc bầu cử chính trị - mấy năm dân chúng mới có cơ hội bầu cử một lần hoặc phải lựa chọn giữa những gói chính sách lủng củng, tạp nham.
Những người phê phán biện luận rằng đấy là cuộc bỏ phiếu không công bằng vì một số người có nhiều tiền “bỏ phiếu” nhiều hơn người khác; nhưng Mises lại có quan điểm khác. Thứ nhất, từng đồng xu đều được tính: ngay cả những người nghèo nhất cũng có ảnh hưởng trên thị trường lớn hơn là các nhóm thiểu số trong những cuộc bầu cử chính trị. Hơn nữa, ảnh hưởng mang tính tích lũy của những “lá phiếu” khiêm tốn của hàng triệu người không phong lưu lắm cũng có thể dễ dàng “nhấn chìm” một vài người giàu có; cho nên quyền tối cao của người tiêu dùng có tác động rất mạnh. Và mặc dù một ít người giàu có thể tiêu nhiều hơn, nhưng đấy là vì họ đã thành công trong những lần “bỏ phiếu” trước đó và đã làm cho người tiêu dùng của mình thỏa mãn. Quyền lực của họ trên thị trường, như nó đang là, rốt cuộc vẫn là do người tiêu dùng và chỉ tồn tại khi người tiêu dùng còn thỏa mãn mà thôi.
Quá trình cạnh tranh
Như vậy, Mises cho rằng cạnh tranh là một quá trình diễn ra liên tục, trong đó những người bán hàng tìm cách qua mặt nhau trong việc cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm mà họ cần nhất. Cạnh tranh chỉ có thể diễn ra vì cái mà mô hình coi là “không hoàn hảo” - vì, ví dụ, những người bán hàng giới thiệu cho khách hàng của họ những sản phẩm khác nhau với chất lượng khác nhau, và liên tục tìm cách làm cho sản phẩm mà họ giới thiệu tốt hơn và rẻ hơn một chút so với sản phẩm của những người bán hàng khác.
Việc có những rào cản tự nhiên cho việc gia nhập thị trường - nói cho cùng không phải tất cả chúng ta đều có thể trở thành ca sĩ opera - không làm cho việc cạnh tranh trở thành kém khốc liệt hơn. Chỉ cần xuất hiện một hay hai người cạnh tranh, làm ra sản phẩm tốt hơn hoặc rẻ hơn là những người cung cấp đã phải bận tâm rồi. Chắc chắn là cạnh tranh càng mãnh liệt thì chức năng xã hội của nó, tức là chức năng cải tiến sản xuất và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, càng được thực hiện một cách tốt hơn.
Các nhà phê bình còn cho rằng cạnh tranh chứa đầy tội lỗi và bất công. Nhưng cạnh tranh trên thương trường không phải là chiến tranh, nơi kẻ thua sẽ bị giết; trên thương trường người kém thành công hơn trong việc phục vụ người tiêu dùng chỉ nhận được ít phần thưởng hơn mà thôi. Các công ti thỉnh thoảng vẫn bị bật ra khỏi thương trường, và người ta vẫn thường bị mất việc; nhưng ẩn dụ nói rằng các công ti bị cạnh tranh “giết chết” không đồng nghĩa với việc dân chúng phía thua trận bị súng máy của người chiến thắng bắn hạ hàng loạt. Lợi nhuận - ngay cả lợi nhuận cao - cũng không phải là bất công, Mises nói như thế: ngược lại, trên thực tế, nó chính là phần thưởng vì đã phục vụ người tiêu dùng một cách đặc biệt xuất sắc.
Hợp tác thông qua phân công lao động
Khác hẳn với cuộc chiến tranh tất cả chống lại tất cả, thương trường trên thực tế thúc đẩy người ta hợp tác với nhau trên quy mô lớn. Như Adam Smith giải thích, thương trường làm điều đó bằng cách thúc đẩy người ta chuyên môn hóa và trao đổi2.
Mises tiếp tục đề tài đó. Con người khác nhau, khả năng cũng khác nhau, ông nói. Họ sống trong những khu vực khác nhau, với những nguồn lực tự nhiên khác nhau. Chia quá trình sản xuất thành những công đoạn tách rời nhau, người có tay nghề sử dụng những khả năng và nguồn lực khác nhau sẽ sản xuất một cách hiệu quả hơn là tất cả đều cố gắng tự cung tự cấp. Và bằng cách trao đổi các sản phẩm đã được chuyên môn hóa, người ta có thể hợp tác với nhau trong việc thành lập các dự án và sản xuất hàng hóa tiêu dùng, có chất lượng cao hơn nhiều lần khả năng của bất kì người nào trong số họ.
Trong hệ thống chuyên môn hóa và trao đổi này, nguồn lực sản xuất nhất định phải được sở hữu bởi các cá nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người sở hữu đối lập với xã hội, như Marx tuyên bố. Ngược lại, người sở hữu phương tiện sản xuất muốn thu lợi thì chỉ có cách duy nhất là phải đưa nguồn lực của mình ra phục vụ nhu cầu tiêu thụ của xã hội.
Chủ nghĩa tư bản không dẫn đến nạn độc quyền
Một hướng phê bình khác cho rằng cạnh tranh trên thương trường thúc đẩy việc hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền. Marx cho rằng vì cạnh tranh liên tục loại bỏ những xí nghiệp không thành công, các công ti còn lại sẽ ngày càng to hơn và cuối cùng mỗi ngành chỉ còn lại một nhà sản xuất độc quyền mà thôi.
Đấy là lý lẽ vớ vẩn, Mises nhận định: trên thực tế, mọi việc diễn ra khác hẳn. Trong khi dễ dàng nhìn thấy sự phát triển của các công ti lớn và thành công chúng ta luôn bỏ qua sự xuống dốc của những công ti khác, cũng lớn không kém; những công ti này sẽ bị thay thế bởi những công ti đang ăn nên làm ra. Thương trường không phải là tiến trình tập trung không thể nào tránh được mà là sự tranh giành và thay đổi diễn ra không ngừng.
Độc quyền làm người ta lo là vì các công ti giữ thế thượng phong có thể đặt giá cao ngất trời. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra, Mises nói. Nguy cơ cạnh tranh bao giờ cũng có, nó có thể đến từ những công ti nhỏ hơn nhưng có nhiều sáng kiến hơn. Tương tự, luôn luôn có những sản phẩm thay thế và người tiêu dùng có thể quay sang sử dụng những sản phẩm đó: ví dụ, sự phát triển của các công ti hàng không đã đưa nạn độc quyền của các công ti đường sắt Mĩ đến chỗ sụp đổ.
Chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc của nạn độc quyền
Trên thực tế, Mises nói, trong chế độ xã hội chủ nghĩa - nơi tất cả sản phẩm đều nằm trong tay nhà nước - nạn độc quyền sẽ đạt đỉnh điểm. Nguồn gốc của độc quyền, mà lại là nguồn gốc nguy hiểm nhất, không phải là chủ nghĩa tư bản mà là chính phủ.
Khác với các doanh nghiệp trên thương trường - các doanh nghiệp chỉ tồn tại nếu họ tiếp tục phục vụ những người tiêu dùng của mình - các chính phủ có thể tự trao cho mình quyền độc quyền - như họ đã từng làm trong quá khứ với muối, điện thoại, phát thanh, truyền hình và nhiều thứ khác nữa. Hoặc họ sẽ lập ra các công ti độc quyền bằng cách dùng giấy phép để ngăn không cho người khác tham gia hoạt động trong một số ngành nghề. Họ có thể dùng lí do an toàn xã hội để biện minh cho hành động của mình - ví dụ người dân không nên đến cơ sở khám bệnh của bác sĩ hay đi xe taxi của tài xế không được cấp phép. Nhưng Mises tin rằng tất cả những chuyện đó đều từ động cơ chính trị mà ra. Giấy phép có thể làm cho chính quyền thu được nặng túi. Việc cấp phép cũng giúp cho những người đã hoạt động trên thương trường - những người giàu có hơn và có thể có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn - đẩy lùi được sự cạnh tranh tiềm ẩn.
Một vài công ti độc quyền không thể nào xuất hiện nếu không có những cố gắng của chính phủ và các lực lượng chính trị muốn hạn chế cạnh tranh. Chủ nghĩa tư bản, xét từ bản chất, không có xu hướng dẫn đến độc quyền hoặc giá cả độc quyền; ngược lại, nó có xu hướng đa dạng hóa rất mạnh, làm cho số lượng thì tăng lên nhưng giá cả lại giảm đi. Các mô hình trong sách giáo khoa tìm cách che giấu quá trình cạnh tranh, nhưng đấy lại là toàn bộ vấn đề và cũng chính là lợi ích lâu dài mà nó mang lại.
Chú thích:
(1) Những vấn đề này được bàn đến trong nhiều tác phẩm khác nhau của Mises như Human Action, Liberalism, Economic Policy, Planning For Freedom
(2) Xin đọc Adam Smith, The Wealth Of Nations, Book I, 1776
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). [Lưu ý: Bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính.]