[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XII: Những sai lầm của chủ nghĩa Marx

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XII: Những sai lầm của chủ nghĩa Marx

Mises cho rằng sai lầm cơ bản của chủ nghĩa Marx cũng là sai lầm cơ bản của kinh tế học dòng chính. Học thuyết này coi các sự kiện của loài người là những sự kiện được quyết định bởi những lực lượng vô hình chứ không phải là những sự kiện được định hình bởi cách đánh giá và hành động của các cá nhân1.

Ví dụ như cách mô tả của Marx về các “giai đoạn” kinh tế và xã hội. Marx biện luận rằng công nghệ khác nhau tạo ra chế độ xã hội khác nhau. Thời đại nông nghiệp tạo ra chế độ phong kiến, trong khi thời đại công nghiệp tạo ra chủ nghĩa tư bản áp bức không kém. Và chắc chắn là lật đổ chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ tạo ra chủ nghĩa xã hội tự do.

Mises công nhận rằng đổi mới công nghệ có thể giải phóng tinh thần của con người - ví dụ như cung cấp cho người ta thời gian và tiền bạc để họ có thể theo đuổi các hoạt động nghệ thuật và trí tuệ. Nhưng như thế không có nghĩa là toàn bộ xã hội loài người và những mối quan hệ giữa người với người đều chỉ được định hình bởi nền công nghệ sản xuất đang giữ thế thượng phong. Thực ra, thường là khác hẳn: các giá trị và định chế, ví dụ như tôn trọng tài sản và an toàn, phải xuất hiện trước khi hàng hóa tư bản có thể được thiết lập, và việc ứng dụng công nghệ sản xuất phức tạp đòi hỏi sự hợp tác thông qua chuyên môn hóa và trao đổi. Nói cách khác, quan hệ xã hội nhất định phải xuất hiện trước.

Những khó khăn giả định của chủ nghĩa tư bản

Luận cứ của Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ tự dẫn mình đến chỗ cáo chung cũng mắc sai lầm tương tự. Để có thể vượt qua cuộc cạnh tranh một mất một còn và giữ được cách sống của mình, Marx giải thích, những nhà công nghiệp giàu có buộc phải thường xuyên cắt giảm lương bổng của công nhân. Nhưng làm như vậy tức là họ đang làm nghèo đi chính những người tiêu thụ mà công việc kinh doanh của họ dựa vào. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh cấu xé lẫn nhau buộc các doanh nghiệp phải lớn mãi, lớn mãi nhằm nắm trọn cả lĩnh vực kinh tế và giảm giá thành. Cuối cùng cạnh tranh được thay bằng độc quyền.

Mises phản biện rằng Marx hoàn toàn quên là các doanh nghiệp chỉ tồn tại được bằng cách phục vụ người tiêu dùng; và mục đích của các doanh nghiệp lớn là phục vụ đám đông. Sẽ là đại họa cho doanh nghiệp nếu họ coi thường nhu cầu của những người tiêu thụ có tự chủ này. Và thực tế là, không những không đưa quần chúng vào tình trạng nghèo khó, chủ nghĩa tư bản còn luôn làm cho họ trở nên giàu có hơn. Marx, với những thành kiến giai cấp sai lầm, đơn giản là đã không hiểu được sự hài hòa giữa các mục tiêu.

Tư tưởng và giai cấp

Nhưng chủ nghĩa giai cấp là điều quan trọng sống còn đối với Marx: ông chỉ có thể phản bác được tất cả những lời phê phán bằng cách gọi những người phê phán là đại diện của giai cấp thù địch, hãnh tiến, có đầu óc bảo thủ. Chỉ có trong xã hội xã hội chủ nghĩa phi giai cấp thì sự khai sáng thật sự mới toả rạng mà thôi.

Đấy là điều vô nghĩa, Mises khẳng định. Ngay cả nếu như kinh tế học “tư sản” được phát minh ra chỉ là để phá hoại ngầm chủ nghĩa phong kiến và bênh vực chủ nghĩa tư bản thì cũng không có nghĩa nó là môn học sai lầm. Và giai cấp tư sản vẫn có thể tiếp tục phục vụ người tiêu dùng tốt hơn bằng cách tiếp thu những ý tưởng đúng chứ không tiếp thu những ý tưởng phiến diện.

Dù vậy, các ý tưởng không vĩnh viễn phản ánh lòng trung thành giai cấp: chính Marx (theo tiêu chuẩn của chúng ta) chắc chắn thuộc tầng lớp trung lưu; còn Engels, người giúp đỡ Marx, lại là một nhà tư bản công nghiệp. Và quyền lợi giai cấp cũng không phải là một khối thống nhất: tự do thương mại có thể đem lại lợi ích cho các nhà tư sản, đấy là nếu coi họ là một nhóm; nhưng từng nhà tư sản vẫn có thể ủng hộ việc kiểm soát trong lĩnh vực đặc thù của họ. Trong khi đó, một số người vô sản có thể nói rằng tư hữu tư liệu sản xuất có thể phục vụ họ tốt hơn là sở hữu tập thể trong chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ]. Nhưng không thể thảo luận theo kiểu thuần lí được vì Marx và các môn đệ đã dứt khoát rằng chỉ có những kẻ ngu xuẩn hoặc phản bội giai cấp mới có quan điểm như thế.

Chủ nghĩa Marx và kinh tế học cổ điển

Các nhà kinh tế học dòng chính khó có thể phê phán được chủ nghĩa Marx, Mises nói, vì họ cũng mắc sai lầm y hệt: đấy là coi nền kinh tế như là tác động qua lại của những lực lượng phi cá tính chứ không phải là hành động và cách đánh giá của các cá nhân.

Ý tưởng của Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến độc quyền là ví dụ điển hình. Mô hình “cạnh tranh hoàn hảo” của kinh tế học dòng chính, với các sản phẩm và nhà doanh nghiệp giống hệt nhau, là một sự đơn giản hóa đến mức kì quặc: nhưng khi kết hợp với quan điểm chung rằng sản xuất lớn bao giờ cũng rẻ hơn và chỉ còn một bước ngắn là người ta đi ngay đến kết luận rằng doanh nghiệp phải phát triển mãi lên cho đến lúc cạnh tranh bị loại bỏ hoàn toàn. Nhưng thế giới thực lại hoàn toàn khác. Chẳng có sản phẩm hay doanh nhân nào giống nhau: sản phẩm ở những chỗ khác nhau, chất lượng và giá cả cũng khác nhau; trăm người bán, vạn người mua, cách lựa chọn của người bán và người mua cũng đa dạng và khác nhau. Điều đó tạo điều kiện cho các công ti nhỏ, chuyên ngành, ăn nên làm ra trong những thị trường thích hợp, còn những người có nhiều sáng kiến có thể chiếm được thị phần của ngay cả các công ti vững mạnh nhất.

Vì vậy, không có “lực” phi cá tính đẩy chủ nghĩa tư bản theo hướng độc quyền, và không có gì tất yếu để nó phải được thay thế bằng chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ]. Kinh tế và chính trị bắt nguồn từ những lựa chọn của từng người, không thể dễ dàng dự đoán hành vi của họ được. Tin rằng mình có thể dự đoán được là thái độ tự phụ đầy nguy hiểm.

Chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] và tự do

Nếu chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ nghĩa là tất cả các nguồn lực sản xuất đều thuộc quyền sở hữu của xã hội thì xã hội sẽ sử dụng và quản lí như thế nào? Một lần nữa Mises biện luận rằng những người theo Marx đã bỏ qua thành tố con người. Họ thao thao bất tuyệt về “ý chí thống nhất của xã hội” như thể xã hội là một sinh vật có trí tuệ.

Họ cũng không bao giờ chỉ rõ “xã hội” sẽ thể hiện “ý chí” của mình như thế nào. Mises nói rằng đó là lí do để: cần phải có một cơ quan lãnh đạo, đây là sự thật cay đắng đối với tất cả chúng ta.

Ngay cả những người xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] cũng tranh luận xem phải làm gì và làm như thế nào. Thực ra cuộc tranh luận còn đặc biệt gay gắt vì chính tổ chức của xã hội cũng đang bị đe dọa. Dù cách giải quyết có như thế nào thì vẫn bị một số người phản đối quyết liệt. Họ - cùng với những người lười biếng và những người coi thường các quyết định tập thể nhằm mưu cầu lợi ích riêng - sẽ buộc phải phục tùng [đa số].

Các môn đệ của Marx có thể tán dương “ý chí thống nhất” của xã hội và “sự úa tàn của nhà nước", nhưng vì không có cái thứ nhất cho nên cái thứ hai cũng chỉ là ảo tưởng. Muốn ngăn chặn, không để người ta đi chệch mục đích chung thì cần phải có một quyền lực tuyệt đối, với lực lượng cưỡng bức - nói cách khác, cần phải có nhà nước. Gọi là gì hay cơ cấu thế nào không phải là điều quan trọng. Quan trọng là, Mises nói, nó phải có quyền lãnh đạo tuyệt đối. Nếu ý chí của đa số giữ thế thượng phong thì chẳng còn chỗ nào cho bất đồng nữa. Mệnh lệnh phải được đưa ra và phải được chấp hành. Người ta sẽ phải từ bỏ ngay cả việc lựa chọn chỗ ở và nơi làm việc nữa. Và với sự thoái hóa đến mức như thế của quyền lực thì chúng ta sẽ không phải ngạc nhiên khi những quyền tự do khác của chúng ta cũng bị gặm nhấm dần.

Chú thích:

(1) Việc phê phán chủ nghĩa Marx được trình bày trong một loạt các tác phẩm như Human Action, Socialism, Theory and History and The Ultimate Foundation of Economic Science

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường