Điều kiện kinh doanh – cần một cách tiếp cận khác
Nếu chỉ đọc các bài báo liên quan đến chủ đề “điều kiện kinh doanh”, một người bình thường cũng cảm được sự nóng lòng của cả xã hội lẫn Chính phủ mong muốn làm sao việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh được triệt để hơn, nhanh chóng hơn. Thế nhưng Chính phủ chính là nơi đẻ ra điều kiện kinh doanh, tại sao không khiển được các bộ ngành bên dưới đừng trình thêm điều kiện kinh doanh nữa?
Xã hội vẫn cần điều kiện kinh doanh
Nhìn những chiếc ô tô có dán biển “tập lái”, người đi đường dù sao cũng yên tâm vì họ biết bên ghế ngồi của thầy dạy có hệ thống phanh phụ, trò có chạy ẩu thì thầy vẫn điều khiển dừng được xe. Đó là do kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô phải đáp ứng nhiều điều kiện trong đó có chuyện chiếc phanh phụ. Có ai dại dột đề nghị bỏ điều kiện kinh doanh này không? Chắc chắn là không.
Điều kiện kinh doanh được sinh ra trước hết là nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi bán hàng hay cung ứng dịch vụ cho xã hội. Các điều kiện kinh doanh thuộc dạng nhằm để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng là hoàn toàn cần thiết, không thể nào bỏ đi. Một số ngành nghề như y tế, giáo dục, còn có tình trạng mất đối xứng trong tiếp cận thông tin nên Nhà nước phải đặt ra một số điều kiện kinh doanh nhằm giảm bớt sự bất đối xứng này.
Chẳng hạn, trường đại học A có liên kết với một đối tác nước ngoài để đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Theo quy định đối tác nước ngoài phải thỏa mãn khá nhiều điều kiện kinh doanh như giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của chương trình đem vào Việt Nam, giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của các bên liên kết… Nếu không có những điều kiện này, làm sao người học yên tâm đây không phải là chương trình liên kết “ma” như đã từng xảy ra.
Làm sao bỏ được những điều kiện như người sản xuất thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ; bác sĩ phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; lái xe chở khách đường dài chỉ được chạy liên tục tối đa 4 tiếng; nhân viên kinh doanh xăng dầu phải được huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy…
Ngay cả những phê phán điều kiện kinh doanh “vô lý”, “không cần thiết” như xe taxi phải có đồng hồ tính tiền cước theo cây số lăn bánh hay thời gian chờ… thật ra vẫn hợp lý. Nếu cứ để như một ý kiến gợi ý là cách tính cước như thế nào do doanh nghiệp tự quyết định, vậy xử lý như thế nào nếu taxi dù, không có đồng hồ tính cước trên trời với du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam? Căn cứ nào để xử lý tình huống mà ai cũng đồng ý là làm xấu đi môi trường du lịch của nước ta?
Chỉ sợ điều kiện kinh doanh biến tướng thành vũ khí
Một trong những đặc điểm của môi trường kinh doanh ở Việt Nam là luật lệ thì nhiều nhưng thực thi chẳng bao nhiêu. Điều kiện kinh doanh chằng chịt nhưng dựa vào điều kiện kinh doanh để hậu kiểm, chấn chỉnh các sai phạm trong kinh doanh hầu như không thấy. Ngược lại, dùng điều kiện kinh doanh để gây khó dễ cho doanh nghiệp thì ngày nào đọc báo cũng thấy có chủ doanh nghiệp than vãn.
Một trong những điều kiện kinh doanh karaoke là “Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên” nhưng trong thực tế vẫn thấy rất nhiều nơi có phòng karaoke loại nhỏ, dành cho hai người, đâu ai bắt bẻ. Thế nhưng khi cần, điều kiện kinh doanh này sẽ được nêu ra để phạt vạ “dưới gầm bàn” hay thậm chí để bắt chấp nhận bảo kê. Hay về kinh doanh rượu thì hiện đã cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet nhưng cứ vào Internet chúng ta thấy nhan nhản lời rao bán rượu mạnh khắp nơi. Kinh doanh vận tải ô tô bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe chở khách, phải hoạt động liên tục, có kết nối và gửi dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ. Điều này có nghĩa tài xế nào lái xe liên tục quá 4 tiếng sẽ bị phát hiện ngay nhưng đã có trường hợp nào bị phạt vì điều này?
Trong nhiều trường hợp điều kiện kinh doanh trở thành vũ khí cạnh tranh theo nghĩa giới quản lý sẽ dễ dãi với doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp sân sau và sẽ nghiêm khắc với doanh nghiệp đối thủ hay doanh nghiệp không biết điều theo kiểu “hành cho ra nước”.
Điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng có lợi cho công tác quản lý nhà nước cũng là một quán tính mà các nơi muốn duy trì. Nhiều nơi chần chừ do quyền lợi ràng buộc, do áp lực từ cấp dưới và do từ xưa đến nay đã quen với tư duy Nhà nước phải bao quát lo hết mọi nhẽ cho doanh nghiệp. Chính vì thế cuộc chiến đấu một bên là yêu cầu cắt bỏ điều kiện kinh doanh, một bên trì hoãn, không muốn cắt vẫn sẽ diễn ra. Thông tin mới nhất từ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cho thấy mới có bốn bộ cắt giảm được 900 trong tổng số hơn 5.900 điều kiện kinh doanh.
Nên tiếp cận như thế nào?
Lâu nay cách làm là dư luận báo chí cùng các hiệp hội doanh nghiệp tìm cách để bỏ càng nhiều điều kiện kinh doanh càng tốt. Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt ra những yêu cầu mang tính định lượng như bộ này phải cắt bỏ bao nhiêu, bộ kia phải cắt bỏ bao nhiêu điều kiện kinh doanh. Nhưng như đã nói ở trên, có nhiều điều kiện kinh doanh không thể bỏ được. Các bộ, ngành vì để thuận lợi cho việc quản lý hay để duy trì quyền lực đối với doanh nghiệp, rất muốn duy trì điều kiện kinh doanh; nếu buộc phải sửa thì sẽ sửa câu chữ, còn ràng buộc vẫn y nguyên. Ví dụ, các trường quốc tế trước đây không được nhận học sinh Việt Nam quá 10% đến 20% tổng số; nay sửa lại nâng lên không quá 50% thì đây vẫn là điều kiện kinh doanh gây vướng mắc. Buộc các nơi cắt giảm điều kiện kinh doanh theo số lượng sẽ dẫn đến dồn hai ba điều kiện vào thành một nhưng nội dung yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ thì không thay đổi.
Cách tiếp cận khác là buộc nơi đề ra điều kiện kinh doanh giải trình rõ điều kiện kinh doanh đó nhằm mục đích gì, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào, bảo đảm an toàn xã hội ra sao. Nếu không giải trình được, Chính phủ sẽ không phê duyệt cho điều kiện kinh doanh đó xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đi kèm với lý giải về sự cần thiết của điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành cần đơn giản hóa quá trình tuân thủ điều kiện kinh doanh cần thiết bằng những thủ tục minh bạch, rõ ràng.
Ví dụ, Nghị định 25/2018 được ban hành nhằm bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 60/2014 về hoạt động in nhưng vẫn giữ nguyên không sửa những điều kiện kinh doanh không cần thiết như đòi hỏi chủ cơ sở in có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in… Xét theo tiêu chí điều kiện kinh doanh có bảo vệ người tiêu dùng không, có đáp ứng yêu cầu an ninh xã hội không thì rõ ràng yêu cầu về bằng cấp của chủ cơ sở in không mang ý nghĩa gì cả. Chủ cơ sở in vẫn có thể là người học quản trị kinh doanh rồi thuê thợ in có tay nghề, có chuyên môn để vận hành máy móc, chứ chủ cơ sở in đâu nhất thiết phải có trình độ từ cao đẳng trở lên? Để làm gì?
Hay một nghị định khác, Nghị định 49/2018 mới được ban hành về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, có nêu những điều kiện thật khó lý giải sự cần thiết như “có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người”, “có ít nhất 10 kiểm định viên”, “có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định”… Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp chủ yếu diễn ra ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tại sao phải yêu cầu tổ chức đi kiểm định phải đáp ứng diện tích tối thiểu cho kiểm định viên ngồi làm gì và nếu tổ chức này chỉ mới có 9 kiểm định viên là không đạt, vì sao? Lẽ ra Chính phủ trước khi ký ban hành các nghị định nói trên, yêu cầu nơi soạn thảo giải trình lý do đưa ra các điều kiện kinh doanh này thì đã không để lọt những điều kiện kinh doanh không cần thiết như thế.
Quán tính soạn thảo văn bản theo các khuôn mẫu có sẵn, cứ thêm điều kiện vào để có vẻ nghiêm khắc, chặt chẽ, bao quát là hiện tượng có thật. Chỉ cần bắt người soạn viết thêm giải thích vì sao soạn như thế cũng sẽ giúp giảm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong khi vẫn duy trì các điều kiện kinh doanh không thể thiếu vì sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội.
Nguồn: Nguyễn Vạn Phú, Điều kiện kinh doanh – Cần một cách tiếp cận khác, NVP Blogspot, 27/8/2018