Chủ nghĩa tư bản là gì? (Phần 1)

Chủ nghĩa tư bản là gì? (Phần 1)

Sự phân rã của triết học trong thế kỷ 19 và sự sụp đổ của nó trong thế kỷ 20 đã dẫn tới một quá trình tương tự trong tiến trình khoa học hiện đại, tuy chậm hơn nhiều và ít rõ ràng hơn.

Ngày nay, sự phát triển cuồng nhiệt của công nghệ có một tính chất gợi nhớ về những ngày trước khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 xảy ra: được tạo đà từ quá khứ, dựa vào những di sản chưa được công nhận của nhận thức luận Aristote, nó là một quá trình mở rộng sôi nổi, nhiệt tình, bỏ qua một thực tế là mô hình giả định của nó từ lâu đã bị thổi phồng quá mức – rằng trong lĩnh vực lý thuyết khoa học, các nhà khoa học không thể phối hợp hay diễn giải dữ liệu của chính mình, đã dại dột thúc đẩy sự hồi sinh của chủ nghĩa thần bí thời nguyên thủy. Tuy vậy, trong các ngành khoa học nhân văn, sự sụp đổ đã trôi qua, suy thoái đã bắt đầu, và sự sụp đổ của khoa học gần như là hoàn toàn.

Có thể nhìn thấy bằng chứng rõ ràng nhất của việc này ở những ngành khoa học còn tương đối non trẻ như tâm lý học và kinh tế chính trị. Trong tâm lý học, người ta có thể quan sát nỗ lực nghiên cứu hành vi của con người mà không tham chiếu tới thực tế là con người có ý thức. Trong kinh tế chính trị, người ta có thể quan sát nỗ lực nghiên cứu và phát minh hệ thống xã hội mà không tham chiếu tới con người.

Chính triết học đã định nghĩa và thiết lập các tiêu chuẩn nhận thức luận để hướng dẫn tri thức của con người nói chung và các khoa học cụ thể nói riêng. Kinh tế chính trị nổi lên trong thế kỷ 19, trong kỷ nguyên phân rã của triết học hậu Kant, và không có ai để mà kiểm tra những lập luận mang tính giả thuyết (premise) hay để thách thức nền tảng của nó. Một cách ngấm ngầm, không phê phán, kinh tế chính trị mặc nhiên chấp nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tập thể như thể đó là chân lý của nó.

Các nhà kinh tế chính trị - kể cả những người cổ súy cho chủ nghĩa tư bản – định nghĩa môn khoa học của họ là ngành nghiên cứu việc quản lý, hoặc định hướng, hoặc tổ chức, hoặc điều khiển các “nguồn lực” của một “cộng đồng” hoặc một quốc gia. Bản chất của những “nguồn lực” này không được định nghĩa; quyền sở hữu của cộng đồng đối với chúng được coi như hiển nhiên; và mục tiêu của kinh tế chính trị được giả định là nghiên cứu xem làm thế nào để huy động những “nguồn lực” này vì “lợi ích chung”.

Người ta chỉ chú ý một cách hời hợt, nếu có, đến cái thực tế là “nguồn lực” cơ bản liên quan chính là con người, con người là một thực thể có đặc tính cụ thể với những năng lực cụ thể và đòi hỏi cụ thể. Con người được xem đơn giản như là một yếu tố sản xuất, cùng với đất đai, rừng, hay mỏ - như là một trong những yếu tố ít quan trọng nhất, bởi vì nhiều nghiên cứu đã được dành cho ảnh hưởng và chất lượng của những yếu tố khác hơn là cho vai trò hay chất lượng của con người.

Kinh tế chính trị, trong thực tế, là một khoa học bắt đầu giữa dòng: nó quan sát thấy con người sản xuất và trao đổi, nó nghiễm nhiên coi là con người đã và sẽ luôn luôn làm như thế - nó công nhận điều này là hiển nhiên, không cần cân nhắc sâu xa thêm – và nó tự xác định cho mình vấn đề là phải làm thế nào để tìm ra cách tốt nhất để “cộng đồng” trừ khử những nỗ lực cá nhân.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho quan điểm mang tính bộ lạc này về con người. Chủ nghĩa vị tha là một trong số đó; và sự nổi lên ngày càng mạnh của chủ nghĩa nhà nước trong giới trí thức của thế kỷ 20 là một nguyên nhân khác. Xét trên phương diện tâm lý học, nguyên nhân chủ yếu là do sự phân chia linh hồn–thể xác (vấn đề tri thân - ND) đã ngấm vào văn hóa Âu châu: sản xuất vật chất bị coi như một nghĩa vụ kém vinh quang, thuộc về giới hạ lưu, không quan hệ tới những mối ưu tư của trí tuệ; sản xuất vật chất là một nhiệm vụ được gán cho nô lệ hoặc nông nô kể từ khi bắt đầu nền lịch sử thành văn. Thiết chế của chủ nghĩa nô lệ kéo dài dưới hình thức này hình thức khác cho mãi đến thế kỷ 19; về mặt chính trị, nó bị xóa bỏ chỉ bởi sự ra đời của chủ nghĩa tư bản - về mặt chính trị chứ không phải về mặt trí tuệ.

Quan niệm coi con người là một cá nhân tự do, độc lập, trái ngược một cách sâu sắc với văn hóa châu Âu. Sâu xa từ gốc rễ, đó là một nền văn hóa bộ lạc; trong tư duy của châu Âu, bộ lạc là một thực thể, một đơn vị, và con người chỉ là một trong những tế bào có thể bị hy sinh của bộ lạc. Điều này cũng đúng với kẻ cai trị và nông nô: những kẻ cai trị được coi là người nắm giữ những đặc quyền đặc lợi chỉ nhờ tính chất của các dịch vụ mà họ mang lại cho bộ lạc, những dịch vụ đó được coi như thuộc về một tầng lớp cao quý, là lực lượng vũ trang hay quân đội. Nhưng một người cao quý cũng là vật sở hữu của bộ lạc, hoàn toàn giống như nông nô: sinh mạng và tài sản của người đó thuộc về nhà vua. Phải nhớ rằng thiết chế tài sản tư nhân, trong ý nghĩa pháp lý đầy đủ của thuật ngữ này, là do chủ nghĩa tư bản sinh ra. Trong những thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, tài sản tư nhân tồn tại de facto, chứ không phải de jure, tức là tồn tại nhờ những tục lệ và sự bất đắc dĩ phải chấp nhận, chứ không phải bằng quyền hay luật pháp. Theo luật định và theo nguyên tắc, tất cả tài sản thuộc về người đứng đầu bộ lạc, thuộc về nhà vua, và người ta chỉ được giữ tài sản khi có sự cho phép của vua, có thể bị rút phép bất cứ lúc nào tùy ý vua. (Nhà vua có thể và quả thật đã tước đoạt bất động sản của những quý tộc cứng đầu cứng cổ trong suốt tiến trình lịch sử châu Âu).

Triết học Mỹ về các Quyền Con Người không bao giờ được giới trí thức châu Âu thấu hiểu một cách triệt để. Quan niệm thống soái của châu Âu về sự giải phóng đã chuyển từ quan niệm con người là nô lệ của một nhà nước tuyệt đối do nhà vua đại diện, sang quan niệm con người là nô lệ của một nhà nước tuyệt đối do “nhân dân” đại diện – tức là chuyển từ làm nô lệ của ông chủ bộ lạc sang làm nô lệ của bộ lạc. Quan điểm phi-bộ lạc về hiện tồn không sao thâm nhập được vào những cái đầu vốn coi đặc quyền cai trị bằng vũ lực đối với người sản xuất vật chất là dấu hiệu của sự cao quý.

Do đó, các nhà tư tưởng của châu Âu không lưu ý tới một sự thực rằng trong suốt thế kỷ 19, các nô lệ lao dịch đã bị thay thế bởi những người phát minh ra thuyền hơi nước, và những thợ rèn ở làng thì bị thay chân bởi người sở hữu lò hơi luyện kim. Và họ tiếp tục lối suy nghĩ sử dụng những thuật ngữ (những mâu thuẫn về thuật ngữ) như “nô lệ được trả lương” hay “sự ích kỷ chống lại xã hội của các nhà công nghiệp, những người lấy đi quá nhiều của xã hội mà không cho lại xã hội cái gì” – dựa trên một chân lý hiển nhiên không hề bị bác bỏ, rằng của cải là một sản phẩm mang tính bộ lạc, xã hội, khuyết danh.

Ý niệm đó đã không bị bác bỏ cho đến tận ngày nay; nó thể hiện cái giả định tuyệt đối, cũng là nền tảng của kinh tế chính trị đương thời.

Để lấy một ví dụ về quan niệm này và những hậu quả nó sinh ra, tôi sẽ trích dẫn một bài viểt về “Chủ nghĩa tư bản” trong Bách khoa thư Britannica. Bài viết không đưa ra định nghĩa nào về đối tượng (mà nó đề cập tới), và mở đầu như sau:

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, một thuật ngữ dùng để định danh hệ thống kinh tế thống trị ở phương Tây kể từ khi chủ nghĩa phong kiến sụp đổ. Điều cốt yếu ở bất kỳ hệ thống nào được gọi là tư bản, là các mối quan hệ giữa sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất phi nhân tính (đất đai, mỏ, nhà máy công nghiệp, v.v được gọi chung là vốn [phần in nghiêng là của tôi] và những công nhân tự do nhưng không có vốn, những người bán dịch vụ lao động của họ cho người thuê họ… Kết quả, các đàm phán về lương sẽ quyết định cái tỷ lệ theo đó tổng sản phẩm của xã hội được chia sẻ giữa giai cấp lao động và giai cấp chủ doanh nghiệp tư bản.

(Tôi trích dẫn từ bài diễn văn của Galt trong Atlas Shrugged, ở một đoạn mô tả những giáo lý của chủ nghĩa tập thể: Nhà công nghiệp – bỏ qua – không có người nào như thế. Nhà máy là một ‘nguồn lực tự nhiên’, giống như cái cây, tảng đá hay vũng bùn”.)

Thành công của chủ nghĩa tư bản được Britannica giải thích như sau:

Việc sử dụng có năng suất “thặng dư xã hội” là tính chất đặc biệt đã làm cho chủ nghĩa tư bản có thể tiến nhanh hơn tất cả các hệ thống kinh tế trước nó. Thay vì xây kim tự tháp và nhà thờ, những người kiểm soát thặng dư xã hội đã lựa chọn đầu tư vào tàu, nhà kho, nguyên vật liệu thô, hàng hóa thành phẩm và các hình thái vật chất khác của của cải. Thặng dư xã hội do đó được chuyển hóa thành năng lực sản xuất mở rộng.

Những lời này nói về cái thời mà dân số châu Âu tồn tại trong nghèo đói đến mức tỷ lệ tử vong ở trẻ em lên tới 50%, và nạn đói theo chu kỳ quét sạch số dân  “thặng dư” mà các nền kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa không thể nuôi nổi. Tuy nhiên, không phân biệt giữa thuế bị tước đoạt và của cải sản xuất theo phương thức công nghiệp, Britannica khẳng định rằng chính của cải thặng dư ở thời đó là cái mà các nhà tư bản buổi đầu đã “kiểm soát” và “lựa chọn đầu tư” – và rằng sự đầu tư này là nguyên nhân của sự thịnh vượng kỳ diệu ở thời đại sau đó.

“Thặng dư xã hội” là ? Bài viết không đưa ra định nghĩa hay giải thích nào. “Thặng dư” hàm ý phải có một mức bình thường; vậy nếu tồn tại được với nạn đói kinh niên đã là trên mức bình thường, thì mức bình thường đó là gì? Bài viết không giải đáp.

Tất nhiên, không có cái gọi là “thặng dư xã hội”. Tất cả của cải đều do ai đó sản xuất và thuộc về ai đó. Và cái “tính chất đặc biệt đã làm cho chủ nghĩa tư bản có thể tiến nhanh hơn tất cả các hệ thống kinh tế trước nó” là tự do (khái niệm không hề có mặt trong từ điển của Britannica) - cái đã đưa tới, không phải sự tước đoạt, mà là sự sáng tạo ra của cải.

Tôi sẽ có nhiều điều nữa để nói sau, về bài viết đáng hổ thẹn đó (đáng hổ thẹn về nhiều mặt, không có chút tính học thuật nào). Vào lúc này, tôi chỉ trích dẫn nó như một ví dụ súc tích cho cái lập luận bộ lạc chủ nghĩa đang là cơ sở cho nền kinh tế chính trị ngày nay. Cả những kẻ thù lẫn các anh hùng của chủ nghĩa tư bản đều chia sẻ lập luận đó theo một cách như nhau; nó tạo cho các kẻ thù của chủ nghĩa tư bản sự thống nhất từ bên trong, và tước vũ khí khỏi tay các vị anh hùng bằng một thứ hào quang tinh tế nhưng có tính hủy diệt là thói đạo đức giả. Bằng chứng là nỗ lực của họ nhằm bào chữa cho chủ nghĩa tư bản trên cơ sở “lợi ích chung”, “dịch vụ cho người tiêu dùng” hay “sự phân phối tốt nhất các nguồn lực.” (Các nguồn lực của ai?)

Nếu cần phải hiểu chủ nghĩa tư bản, tiền đề có tính chất bộ lạc chủ nghĩa kia là cái cần được kiểm tra lại – và bác bỏ.

Nhân loại không phải là một thực thể, một cơ quan hay một bụi san hô. Thực thế tham gia vào sản xuất và trao đổi là con người. Bất cứ ngành khoa học nhân văn nào cũng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu con người – chứ không phải nghiên cứu khối tập hợp lỏng lẻo gọi là “cộng đồng”.

Vấn đề này thể hiện một trong những khác biệt về nhận thức luận giữa các ngành khoa học nhân văn và khoa học vật lý, một trong những nguyên nhân dẫn đến mặc cảm tự ti xứng đáng của những ngành nhân văn trước những ngành vật lý. Một ngành khoa học vật lý sẽ không (ít nhất là chưa) cho phép nó bỏ qua hay tránh nhắc tới bản chất của đối tượng nghiên cứu. Bởi vì quan niệm như thế có nghĩa là: khoa học thiên văn quan sát bầu trời, nhưng không chịu nghiên cứu từng ngôi sao, hành tinh, và vệ tinh riêng lẻ - hoặc y học nghiên cứu bệnh tật mà không có chút kiến thức hay tiêu chuẩn nào về sức khỏe, và coi đối tượng nghiên cứu căn bản của nó - bệnh viện - như một tổng thể, chứ không tập trung vào bệnh nhân nào.

Có thể học được rất nhiều về xã hội bằng cách nghiên cứu con người; nhưng quá trình này không thể đảo ngược: không thể học về con người bằng cách nghiên cứu xã hội – bằng cách nghiên cứu các mối quan hệ nội bộ giữa các thực thể mà người ta chưa bao giờ xác định hay định nghĩa được. Tuy nhiên đó đã là phương pháp luận được nhiều nhà kinh tế chính trị sử dụng. Thái độ của họ, trong thực tế, đẩy tới một định đề ngầm, không được phát biểu: “Con người là cái phù hợp với các phương trình kinh tế”. Bởi vì rõ ràng con người không phù hợp, nên điều này dẫn tới một thực tế kỳ lạ là, bất chấp bản chất thực dụng của ngành khoa học của họ, các nhà kinh tế chính trị, kỳ cục thay, không thể nối kết những gì họ đã trừu tượng hóa với cái cụ thể của hiện thực.

Điều này cũng dẫn đến một kiểu tiêu chuẩn kép hoặc góc nhìn kép, gây trở ngại trong cách nhìn nhận con người và sự kiện: nếu quan sát một thợ đóng giày, người ta không khó khăn gì mà không kết luận rằng anh ta làm việc là để kiếm sống; nhưng nếu là các nhà kinh tế chính trị, trên một định đề mang tính bộ lạc chủ nghĩa, người ta tuyên bố rằng mục đích (và nhiệm vụ) của anh ta là cung cấp giày cho xã hội. Nếu quan sát một kẻ ăn xin ở một góc phố, người ta sẽ gọi anh ta là kẻ lười biếng; còn trong kinh tế chính trị thì anh ta trở thành một “người tiêu dùng tối cao”. Khi nghe học thuyết cộng sản nói rằng tất cả tài sản phải thuộc về Nhà nước, thì người ta phủ nhận nó một cách mạnh mẽ và cảm thấy, một cách chân thật, rằng họ phải chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản cho đến chết; nhưng trong kinh tế chính trị, người ta lại nói về nhiệm vụ của chính phủ tác động tới “tái phân phối tài sản một cách công bằng”, và người ta nói về doanh nhân như những người tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc nhận ủy thác “các nguồn lực tự nhiên” của quốc gia.

Đó là những gì một giả thuyết căn bản (và là sơ suất trong triết học) sẽ tạo nên; là những gì một giả thuyết mang tính bộ lạc chủ nghĩa đã làm nên.

Để bác bỏ giả thuyết đó và bắt đầu từ đầu – theo cách tiếp cận đến kinh tế chính trị và đến sự đánh giá những hệ thống xã hội khác nhau – người ta phải bắt đầu bằng việc xác định bản chất của con người, tức là xác định những đặc điểm căn bản phân biệt con người với các loài sinh vật khác.

Đặc điểm cơ bản của con người là tính duy lý. Trí tuệ của con người là phương tiện căn bản để họ sống sót – phương tiện duy nhất của họ để thu nạp kiến thức.

Con người không thể sống, như những động vật sống, nhờ sự hướng dẫn của đơn thuần các khái niệm… Người ta không thể nào chu cấp cho những nhu cầu vật chất đơn giản nhất của mình mà không có một tiến trình tư duy. Người ta cần một tiến trình tư duy để khám phá ra cách trồng trọt và thu hoạch thức ăn hay là cách làm thế nào tạo ra vũ khí để săn bắn. Những ý niệm của con người có thể đưa họ tới một cái động, nếu như có một cái động – nhưng để xây dựng nên chiếc hầm trú ẩn giản đơn nhất thì người ta cần một tiến trình tư duy. Không có khái niệm nào, không có “bản năng” nào nói cho con người biết cách nhóm lửa, dệt vải, rèn công cụ, làm bánh xe, làm máy bay, làm sao thực hiện cắt bỏ ruột thừa, làm sao sản xuất bóng đèn điện hay đèn ống hay máy gia tốc hay một hộp diêm. Tuy nhiên đời sống của con người phụ thuộc vào những kiến thức ấy – và chỉ hành động có ý chí của nhận thức, một tiến trình tư duy, là có thể cung cấp những kiến thức đó.

Tiến trình tư duy là một quá trình định vị và hòa nhập cực kỳ phức tạp, mà chỉ trí tuệ cá nhân có thể thực hiện. Không có cái gọi là trí tuệ tập thể. Con người có thể học hỏi từ nhau, nhưng việc học đòi hỏi ở cá nhân mỗi người học một quá trình tư duy. Con người có thể hợp tác cùng phát hiện ra kiến thức mới, nhưng sự hợp tác đó đòi hỏi việc rèn luyện tư duy độc lập bởi cá nhân mỗi nhà khoa học. Con người là loài sinh vật duy nhất có thể truyền tải và mở rộng kho dự trữ kiến thức của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác; nhưng sự truyền tải đó đòi hỏi ở cá nhân mỗi người nhận một tiến trình tư duy. Hãy xem sự sụp đổ của các nền văn minh, những thời kỳ đen tối trong lịch sử phát triển của nhân loại, khi lượng kiến thức tích lũy qua hàng thế kỷ biến mất khỏi cuộc sống của những người không thể, không sẵn sàng, hoặc bị cấm suy nghĩ.

Để có thể sống sót, mọi loài sinh vật đều phải theo đuổi một quá trình hành động nào đó mà bản chất của nó đòi hỏi. Đối với con người, sự tồn tại của họ đòi hỏi chủ yếu là tri thức: mọi thứ mà con người cần đều phải do trí tuệ con người khám phá ra và được sản xuất ra nhờ nỗ lực của họ. Sản xuất là việc ứng dụng lý trí vào mục đích tồn tại.

Khi một số người nào đó không muốn suy nghĩ, họ có thể sống sót chỉ bằng cách bắt chước và lặp lại một thói quen công việc do người khác khám phá ra – nhưng phải có những người khác khám phá ra nó, nếu không thì không ai sống sót. Khi một số người không muốn suy nghĩ hay làm việc, họ có thể sống sót (tạm thời) chỉ bằng cách cướp đoạt các hàng hóa do những người khác sản xuất ra – nhưng những người khác đó cũng phải sản xuất hàng hóa, nếu không thì không ai sống sót. Trong vấn đề này, bất kể lựa chọn là gì, bởi bất kỳ người nào hay bất kỳ số người nào, bất kể những mục đích họ có thể lựa chọn theo đuổi là mù quáng, phi lý trí, hay xấu xa đến thế nào – sự thật vẫn là lý trí là phương tiện để con người sống sót, và việc con người thịnh vượng hay gục ngã, sống sót hay lụi tàn tỷ lệ với mức độ lý trí của họ.

Bởi vì kiến thức, tư duy, và hành động lý trí là tài sản của cá nhân, bởi vì lựa chọn sử dụng hay không sử dụng lý trí là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, nên sự tồn vong của con người đòi hỏi rằng những người suy nghĩ phải được tự do thoát khỏi sự can thiệp của những người không suy nghĩ. Bởi vì con người không phải là toàn trí hay bất khả sai lầm, nên họ phải được tự do đồng ý hoặc không đồng ý, hợp tác hay theo đuổi sự nghiệp độc lập riêng của mình, chọn cái nào là tùy theo đánh giá lý trí của mình. Tự do là đòi hỏi căn bản đối với trí tuệ con người.

Trí tuệ duy lý không vận hành dưới sự cưỡng bức; khả năng nắm bắt hiện thực của nó không tuân theo mệnh lệnh, hướng dẫn, hay sự kiểm soát của ai; nó không phó mặc kiến thức, quan niệm về đúng sai của nó, cho ý kiến, sự đe dọa, mong ước, kế hoạch, hay “tài sản” của bất kỳ ai. Một trí tuệ như thế có thể bị những kẻ khác cản trở; có thể bị buộc phải câm lặng, bị đày ải, bị bỏ tù, hoặc phá hủy; nhưng không thể bị bắt buộc; nòng súng không phải là lập luận. (Ví dụ và biểu tượng của thái độ này là Galileo.)

Chính là nhờ sản phẩm và tính thống nhất bất khả xâm phạm của những trí tuệ như thế – trí tuệ của những nhà canh tân không khoan nhượng – mà toàn bộ kiến thức và thành tựu của nhân loại đã ra đời. (Xem Suối nguồn.) Để có thể tồn tại, nhân loại mang ơn những trí tuệ ấy. (Xem Atlas Shrugged.)

Cũng nguyên tắc đó áp dụng cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi cấp bậc trình độ và các mức tham vọng. Một con người, trong chừng mực được hướng dẫn bởi đánh giá duy lý của mình, sẽ hành động tuân theo đòi hỏi của bản chất mình và, trong chừng mực đó, sẽ đạt tới hình thái tồn tại của con người; trong chừng mực người đó hành động phi lý trí, người đó sẽ hủy diệt chính mình.

Sự thừa nhận của xã hội về bản chất lý tính của con người – về mối liên hệ giữa sự tồn tại của một con người và việc người đó sử dụng lý trí – làm nên khái niệm các quyền cá nhân.

Tôi sẽ nhắc nhở các bạn rằng “các quyền” là một nguyên tắc đạo đức xác định và thừa nhận tự do của một con người hành động trong một bối cảnh xã hội, rằng chúng xuất phát từ bản chất của con người đó - một thực thể lý trí và thể hiện một điều kiện cần thiết cho phương thức tồn tại cụ thể của anh ta. Tôi cũng sẽ nhắc nhở các bạn rằng quyền được sống là nguồn của tất cả các quyền, trong đó có cả quyền sở hữu.

Điều cuối cùng này cần được đặc biệt nhấn mạnh khi bàn về kinh tế chính trị: con người phải làm việc và sản xuất để nuôi sống mình. Con người phải tự nuôi sống bằng nỗ lực riêng mình và bằng sự hướng dẫn của trí tuệ riêng. Nếu ai đó không thể bán sản phẩm của nỗ lực riêng mình, thì anh ta không thể bán nỗ lực của mình; nếu anh ta không bán được nỗ lực của mình, thì anh ta không bán được cuộc đời mình. Nếu không tồn tại quyền sở hữu, thì không quyền nào khác có thể được thực thi.

Bây giờ, với những dữ kiện đó, bạn hãy xem xét câu hỏi hệ thống xã hội nào phù hợp với con người.

Hệ thống xã hội là một bộ các nguyên tắc đạo đức – chính trị – kinh tế thể hiện qua luật pháp, thể chế, và chính phủ của một xã hội, cái quyết định các mối quan hệ, các điều khoản liên hiệp, giữa những con người sống trong một khu vực địa lý nhất định. Rõ ràng là những điều khoản và quan hệ này phụ thuộc vào sự xác định bản chất của con người, rõ ràng chúng sẽ khác đi tùy theo chúng gắn liền với một xã hội gồm những thực thể lý trí hay một xã hội như đàn kiến. Rõ ràng chúng sẽ khác triệt để nếu người và người giao dịch với nhau như những cá nhân tự do, độc lập, trên giả định rằng mỗi người là mục đích của chính mình – hoặc sẽ khác như khi người và người là các thành viên của một bầy, mỗi người coi những người khác là phương tiện để đi đến mục tiêu của anh ta và đến các mục tiêu của “toàn thể” bầy.

Chỉ có hai câu hỏi căn bản (hay là hai khía cạnh của cùng một câu hỏi) quyết định bản chất của bất kỳ hệ thống xã hội nào: Hệ thống xã hội đó có công nhận các quyền cá nhân không? – và: Hệ thống xã hội đó có cấm việc sử dụng sức mạnh trong quan hệ giữa người với người không? Trả lời câu hỏi thứ hai là thể hiện một cách thực tế câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất.

Con người có là một cá nhân có chủ quyền tối cao đối với nhân cách mình, trí tuệ mình, đời sống mình, công việc và các sản phẩm của mình - hay con người là tài sản của một bộ lạc (nhà nước, xã hội, tập thể) có thể loại bỏ con người theo bất kỳ cách nào nó thích, có thể tuyên bố buộc tội con người, ra quy định cho cả cuộc đời con người, kiểm soát công việc và tước đoạt các sản phẩm của con người? Người ta có quyền tồn tại vì chính mình – hay sinh ra trong nô lệ, như một đầy tớ bị trói buộc, phải không ngừng mua lấy sinh mạng của mình bằng cách phục vụ bộ lạc nhưng không bao giờ có thể giành được sinh mạng ấy một cách tự do và rõ ràng?

Đây là câu hỏi đầu tiên cần trả lời. Câu tiếp theo là kết quả và thực thi trong thực tế. Vấn đề căn bản chỉ là: Con người có tự do không?

Trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa tư bản là hệ thống duy nhất trả lời rằng: Có.

Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống xã hội dựa trên việc công nhận các quyền cá nhân, bao gồm cả các quyền về tài sản, trong đó tất cả tài sản đều thuộc sở hữu tư nhân.

Việc công nhận các quyền cá nhân kéo theo việc loại bỏ vũ lực khỏi quan hệ giữa người với người: về căn bản, các quyền chỉ có thể bị vi phạm bởi các hình thức sử dụng sức mạnh. Trong xã hội tư bản, không ai, không nhóm nào có thể khơi mào việc sử dụng vũ lực chống lại những người khác. Chức năng duy nhất của chính phủ, trong một xã hội như thế, là nhiệm vụ bảo vệ các quyền của con người, tức là nhiệm vụ bảo vệ con người khỏi vũ lực; chính phủ đóng vai trò như cơ quan bảo vệ quyền con người, và có thể sử dụng vũ lực chỉ để trả đũa và chỉ để chống lại những người khơi mào việc sử dụng vũ lực; do đó chính phủ là cách đặt việc sử dụng vũ lực để trả đũa dưới sự kiểm soát khách quan1  

Chính cái sự thực căn bản, siêu lý về bản chất con người – mối liên hệ giữa sự tồn tại của con người và việc con người sử dụng lý trí – là cái mà chủ nghĩa tư bản công nhận và bảo vệ.

Trong xã hội tư bản, tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau đều là tự nguyện. Con người được tự do hợp tác hoặc không, giao thiệp với ai đó hoặc không, theo như sự đánh giá cá nhân, buộc tội cá nhân, và lợi ích cá nhân của họ mách bảo. Họ có thể giao thiệp với nhau chỉ về và bằng phương tiện lý trí, tức là bằng phương thức thảo luận, thuyết phục, và đồng ý trên hợp đồng, bằng sự lựa chọn tự nguyện để các bên cùng có lợi. Quyền đồng ý với những người khác không thành vấn đề ở bất kỳ xã hội nào; quyền không đồng ý mới là cốt yếu. Chính thiết chế của sở hữu tư nhân đã bảo vệ và thực thi quyền không đồng ý – và do đó giữ một con đường rộng mở cho phẩm tính giá trị nhất của con người (giá trị đối với cá nhân, xã hội, và khách quan): trí sáng tạo.

Đấy là điểm khác nhau chính yếu giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tập thể.

Quyền năng quyết định sự hình thành, thay đổi, tiến hóa và hủy diệt của hệ thống xã hội là triết học. Vai trò của cơ hội, tai họa, hay truyền thống, trong bối cảnh này, cũng hệt như vai trò của chúng trong cuộc đời của một cá nhân: sức mạnh của chúng nghịch đảo với sức mạnh của vốn triết học mà một nền văn hóa (hay một cá nhân) được trang bị, và [sức mạnh ấy] phát triển khi triết học sụp đổ. Do vậy, chính là bằng việc tham chiếu tới triết học mà đặc điểm của một hệ thống xã hội được xác định và đánh giá. Tương ứng với bốn nhánh của triết học, bốn hòn đá tảng của chủ nghĩa tư bản là:

  • về siêu hình học: những câu hỏi về bản chất và sự tồn tại của con người
  • về nhận thức luận: lý trí
  • về đạo đức học: các quyền cá nhân
  • về chính trị: tự do

Điều này, về bản chất, là cơ sở căn bản của lối tiếp cận phù hợp tới kinh tế chính trị và tới sự hiểu biết về chủ nghĩa tư bản – không phải là cái giả thuyết bộ lạc chủ nghĩa kế thừa các truyền thống của thời tiền sử.

Chú thích:

(1) Để thảo luận đầy đủ hơn về chủ đề này, xin xem bài viết của tôi, “Bản chất của chính phủ”.

Nguồn bản dịch: Rand, Ayn (2010[1965]). Chủ nghĩa tư bản là gì? Phạm Đoan Trang dịch. Nguyên tác: What Is Capitalism (1965) https://ari.aynrand.org/issues/government-and-business/capitalism/

Dịch giả:
Phạm Đoan Trang