[Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?] - Bài 5: Chắc chắn. Hay là không?
Rõ ràng là sự cạnh tranh quyền lợi và đam mê khốc liệt, quyền lực điên rồ của đồng tiền và vật chất là thước đo mọi sự trên đời – tóm lại, thị trường tự do, thoát khỏi mọi qui tắc và bị lòng tham của những kẻ có quyền lực nhất khống chế - sẽ giết chết tâm hồn của chúng ta. Vào cuối đời Aleksandr Solzhenitsyn vĩ đại đã nghĩ như thế.
Quan điểm này được một nhóm các nhà tư tưởng Pháp hồi những năm 1930, gọi là “những người bất phục” (non-conformists), trong đó có cả Charles Péguy và một vài người nữa. Họ cho rằng trao đổi hàng hóa làm cho con người mất nhân cách. Đấy cũng là luận điểm của nhiều nhà tư tưởng Thiên chúa giáo (hay đơn giản là những người duy linh), họ cho rằng ý tưởng “thị trường tự do” là sự cáo chung của các giá trị đạo đức và sự kết thúc của đức tin và khát vọng vươn lên thực tại tuyệt đối.
Nhưng đấy còn là một trong những đề tài chính của chủ nghĩa phát xít và là một trong những lí do làm cho quần chúng đi theo chúng – chúng ta cần phải tỉnh táo. “Đả đảo chủ nghĩa duy vật!” – chúng gào lên như thế. “Chúng ta sẽ kết liễu chủ nghĩa cá nhân đầy tiêu cực và cảnh đèn nhà ai nhà nấy rạng. Đối trọng với nó là cộng đồng trật tự, an toàn, gắn bó và hợp qui luật tự nhiên của chủ nghĩa phát xít!”. Nói ngắn, chủ nghĩa phát xít thuộc mọi thời đại đều coi qui tắc “giá trị tương đương tổng quát” (một cách gọi khác của thị trường) là thuật ngữ đã bị rút phép thông công.
Phải làm sao đây?
Vấn đề phức tạp hơn là ta tưởng lúc ban đầu. Chúng ta không thể - không được – tuyên bố rằng thị trường phá hoại và chỉ phá hoại các giá trị đạo đức, như thể đấy là chân lí tuyệt đối vậy. Phải đưa vào luận điểm tưởng như là rất đúng đắn này ba hệ luận sau đây. Thứ nhất, nếu thị trường làm cho đạo đức suy đồi thì tất cả những hình thức xã hội thay thế cho nó còn làm cho đạo đức suy đồi nhanh hơn và dứt khoát hơn. Hãy xem chủ nghĩa phát xít. Hãy xem một hệ tư tưởng phủ nhận thị trường khác: Chủ nghĩa cộng sản. Tôi không tin là có thể tìm được người nói rằng chủ nghĩa cộng sản đã có ảnh hưởng tích cực đối với tính cách và tâm hồn của những nạn nhân và những người theo nó.
Thứ hai, nếu phải chọn, nếu phải xếp thứ tự mức độ suy đồi thì rõ ràng là tình trạng suy đồi của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít – thông quan việc phủ nhận thị trường – còn mạnh hơn, nguy hiểm hơn và khó chữa hơn là ảnh hưởng của thị trường. Chủ nghĩa phát xít đã là như thế ngay từ đầu, còn chủ nghĩa cộng sản thì cuối cùng người ta mới thấy. Tôi vẫn nhớ chuyến đi khá dài qua Trung và Đông Âu ngay sau ngày bức tường Berlin sụp đổ. Tôi như còn nghe thấy những người bạn ở Tiệp Khắc, ở Ba Lan, Hungary và Đông Đức giải thích cho tôi rằng thời cộng sản - hàng chục năm xã hội không tuân theo qui luật của thị trường đó – đã hình thành trong họ, trong trái tim và tâm hồn họ, rất nhiều thói hư tật xấu, thậm chí những khiếm khuyết về mặt tâm hồn, và họ không biết đến bao giờ mới có thể gột rửa hết được những thói xấu như thế.
Thí dụ như thói quen trốn tránh trách nhiệm, nghĩa là không giám mạo hiểm, thậm chí không giám quyết định.Tôi còn nhớ rất rõ một nữ kĩ sư Đông Đức, một người hoàn toàn bình thường, có tâm hồn dân chủ và là người đối lập trong suốt nhiều năm ròng, nhưng chị đã bật khóc khi tôi đề nghị chị lập chương trình cho ngày mà chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau. “Người ta đã dạy chúng tôi không được tự quyết định”, chị vừa khóc vừa nói. “Như thể họ cắt, như thể họ chui vào đầu tôi và phá hủy cái phần não đó của tôi vậy”. Hãy tưởng tượng chủ nghĩa cá nhân còn sâu sắc, khó cải tạo và triệt để hơn là tính tư lợi của xã hội thị trường. Theo những người đã từng trải qua thì đấy chính là bản kết toán mà chủ nghĩa cộng sản để lại cho chúng ta. Đấy chính là bằng chứng của sự suy đồi, của sự băng hoại đạo đức mà những xã hội không dựa trên cơ sở thị trường gây ra.
Cuối cùng, hệ luận thứ ba: vì thị trường phát triển những phẩm chất như sáng kiến và khả năng tự quyết định, buộc người ta phải quan hệ với những người khác vì cuộc sống của mỗi người hoàn toàn phục thuộc vào quan hệ với những người khác; nói chung thị trường là tác nhân thúc đẩy người ta hòa nhập vào xã hội, là phương tiện liên kết con người lại với nhau, thậm chí còn là phương tiện xây dựng tình huynh đệ, hay ít nhất cũng là sự công nhận lẫn nhau. Vì vậy, thị trường trái ngược với suy đồi. Chúng ta phải đọc tác phẩm của Hegel nói về biện chứng của sự công nhận trong quá trình phát triển ý thức đương đại. Chúng ta phải đọc tác phẩm của Emmanuel Levinas viết về vấn đề tiền (ở nước tôi, đấy là vấn đề tế nhị, gần như bị cấm đoán). Emmanuel Levinas khẳng định rằng tiền không những không chia tách, không làm cho con người xa cách nhau mà trên thực tế còn là phương tiện để họ trao đổi. Và như vậy, cần phải kết luận rằng thị trường là hữu ích vì đấy là một trong những phương tiện mà con người đã tìm ra nhằm tránh một chiến tranh, nơi tất cả mọi người cùng đánh lẫn nhau, như Hobbes và Freud sau này đã tiên liệu.
Thị trường có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? Không, đương nhiên là không. Thậm chí nó còn củng cố việc giữ gìn đạo đức của chúng ta, cung cấp cho chúng ta khả năng nói “không” và nói rằng mình không đồng ý. Với điều kiện là chúng ta tự nguyện chấp nhận luật lệ và cự tuyệt những cám dỗ của chủ nghĩa tư bản rừng rú và chưa được thuần hóa. Thị trường, bắt chước theo câu nói nổi tiếng của Winston Churchill, là giải pháp tồi tệ nhất, nếu bỏ qua tất cả các giải pháp khác.
__________
Bernard-Henri Lévy, một triết gia người Pháp, tác giả của hơn ba mươi đầu sách, trong đó có cả cuốn bestseller American Vertigo (2006) và gần đây hơn là cuốn Left in Dark Times: A Stand Against the New Barbarism (2008), cả hai cuốn đều do nhà sách Random House ấn hành.
Bản dịch tiếng Anh là của Sara Sugihara.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/03/thi-truong-tu-do-co-lam-bang-hoai-cac_17.html
Nguồn bản gốc tiếng Anh: Nguồn bản gốc tiếng Anh: hn Templeton Foundation (2008. Does the free market corrode moral character? https://integrityseminar.org/wp-content/uploads/2018/03/Templeton-Foundation-Free-Market.pdf