.png)
Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2024 - Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới
Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 của Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2024.
MỤC LỤC
(Xem toàn văn tại file PDF)
TẬP THỂ TÁC GIẢ
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
LỜI CẢM ƠN
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
DANH MỤC BẢNG
DANH MỤC HÌNH
GIỚI THIỆU
TÓM TẮT BÁO CÁO
PHẦN 1. TỔNG QUAN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2024 (Nguyễn Ngọc Anh, Vũ Sỹ Cường, Lê Thanh Hà, Trần Vũ Hải, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trương Thị Hoài Linh, Phạm Xuân Nam, Trần Anh Ngọc, Lưu Thị Phương, Lê Thành Tâm, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Thị Thúy Vân)
1.1. BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2024 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VIÊT NAM
1.2. TỔNG QUAN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2024
PHẦN 2. ĐÁNH GIÁ THỂ CHẾ KINH TẾ VIỆT NAM (Đinh Tuấn Minh, Nguyễn Thùy Liên)
2.1. KHÁI NIỆM THỂ CHẾ KINH TẾ
2.2. THỰC TRẠNG HÊ THỐNG PHÁP LUẬT KINH TẾ
2.3. THỰC TRẠNG BÔ MÁY NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
PHẦN 3. TRIỂN VỌNG KINH TẾ NĂM 2025 VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
3.1. TRIỂN VỌNG KINH TẾ NĂM 2025
3.2. KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
ĐỒNG CHỦ BIÊN
GS.TS. Phạm Hồng Chương nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện là Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là tăng trưởng kinh tế, kinh tế du lịch, các chính sách công nghiệp và khoa học quản lý.
GS.TS. Tô Trung Thành nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh. Ông từng là thành viên nhóm tư vấn chính sách (PAG) cho Bộ Tài chính và Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Hiện tại, ông là Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và nghiên cứu giảng dạy tại Khoa Kinh tế học, Trường Kinh tế và Quản lý công của Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích kinh tế vĩ mô, chuyển đổi số và kinh tế số, ổn định tài chính, phân tích hoạt động doanh nghiệp.
CÁC TÁC GIẢ KHÁC
ThS. Nguyễn Ngọc Anh nhận bằng Thạc sĩ Tài chính tại Đại học Macquarie, Úc. Hiện bà đang công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là phân tích tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tài chính tại Đại học Paris 1 - Pantheon Sorbonne Cộng hòa Pháp. Hiện ông là Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, giảng dạy tại Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính. Ông từng tham gia tư vấn cho các Dự án của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và các tổ chức quốc tế. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phân tích chính sách kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp nhà nước...
PGS.TS. Lê Thanh Hà nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS). Hiện tại, ông nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Kinh tế học, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là tài chính năng lượng, tài chính xanh, ổn định tài chính, chuyển đổi số, kinh tế quốc tế, phân tích hoạt động doanh nghiệp.
TS. Trần Vũ Hải nhận bằng Tiến sĩ Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Ông từng là thành viên tham vấn của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và nhiều tổ chức khác. Hiện tại, ông là Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học và Công nghệ và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa Pháp luật kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế phát triển tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là Phó Trưởng khoa của Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là phát triển bền vững, bất bình đẳng, tài chính công và tài chính đô thị.
ThS. Nguyễn Thùy Liên nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế phát triển tại Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Quốc tế Nghiên cứu Xã hội (Hà Lan) năm 2016. Bà Nguyễn Thùy Liên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực phân tích năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo và cải cách thể chế. Hiện tại, bà là Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Viet Analytics.
TS. Trương Thị Hoài Linh nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là giảng viên chính của Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là quản trị ngân hàng thương mại, kế toán ngân hàng và tài chính vi mô.
ThS. Đinh Tuấn Minh nhận bằng Thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan năm 1999 và theo học chương trình Tiến sĩ về Kinh tế đổi mới công nghệ tại trường Đại học Tổng hợp Maastricht, Hà Lan trong giai đoạn 1999 - 2005. Hiện tại, ông đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI). Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là về các cơ chế thị trường và khả năng ứng dụng của chúng trong đời sống kinh tế - xã hội từ góc độ của Kinh tế học thể chế mới và Kinh tế học Trường phái Áo.
TS. Phạm Xuân Nam nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện đang công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là tăng trưởng doanh nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng.
ThS. Trần Anh Ngọc nhận bằng Thạc sĩ Khoa học về Kế toán và Quản trị tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh. Ông hiện đang là Nghiên cứu sinh về Tài chính tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh. Ông cũng đang giảng dạy tại Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là lý thuyết về tài chính tiền tệ, phân tích tài chính doanh nghiệp, tài chính toàn diện.
ThS. Lưu Thị Phương nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế quốc tế và phát triển tại Đại học Quốc gia Úc (ANU). Hiện bà đang công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là các chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tài khóa, tiền tệ) và kinh tế học ứng dụng.
PGS.TS. Lê Thanh Tâm nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài chính - Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là Trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Tài chính toàn diện (UNSGSA),... Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là quản trị và giám sát ngân hàng, tài chính vi mô, tài chính toàn diện, fintech.
TS. Nguyễn Quỳnh Trang nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà hiện là giảng viên Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà Nguyễn Quỳnh Trang là chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, các vấn đề kinh tế vĩ mô, năng suất, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.
TS. Nguyễn Thanh Tùng nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Hitotsubashi, Nhật Bản. Hiện tại, ông là giảng viên Khoa Kinh tế học, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông bao gồm: kinh tế lao động, kinh tế phát triển, tổ chức ngành và kinh tế học vi mô ứng dụng.
TS. Vũ Thị Thúy Vân nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài chính - Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là giảng viên Bộ môn Thị trường chứng khoán, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là rủi ro hệ thống trên thị trường chứng khoán, quản trị công ty niêm yết.
LỜI CẢM ƠN
Các tác giả xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhóm tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu. Các tác giả cũng chân thành cảm ơn GS.TS. Trần Thọ Đạt, GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn, PGS.TS. Lê Xuân Bá, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, PGS.TS. Lê Quang Cảnh, TS. Phạm Ngọc Thắng, TS. Trịnh Mai Vân vì những ý kiến đóng góp quý báu để có thể hoàn thiện ấn phẩm này một cách tốt nhất.
Những quan điểm trình bày trong ấn phẩm này là của riêng các tác giả và chúng tôi xin chịu trách nhiệm đối với những sai sót (nếu có).
BỐI CẢNH
Thể chế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động kinh tế ở mọi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong tác phẩm Tại sao một số quốc gia thất bại?, Acemoglu và Robinson (2012) đã chỉ ra rằng sự thịnh vượng của một quốc gia trong dài hạn được quyết định chủ yếu bởi các thể chế, trong đó có thể chế kinh tế. Một hệ thống thể chế hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn phải là một hệ thống thể chế có tính bao trùm. Một mặt, nó phải tạo ra nền tảng cần thiết cho một nền kinh tế thị trường (KTTT) đầy đủ, như: bảo hộ các quyền sở hữu, tự do khế ước, tự do cạnh tranh, một cơ chế/thiết chế thi hành pháp luật hiệu quả giúp giải quyết các tranh chấp,... để khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ, đồng thời giúp các cá nhân thực hiện những điều họ muốn; một cơ chế/thiết chế thi hành pháp luật hiệu quả giúp giải quyết các tranh chấp cũng như một chính quyền minh bạch, đáng tin cậy, mọi hành vi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế có tính hợp lý và có khả năng lường trước được. Mặt khác, nó cần đảm bảo sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, giúp cho các thể chế bao trùm này duy trì và mở rộng.
Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống thể chế kinh tế ngày càng theo hướng bao trùm. Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, khởi xướng công cuộc đổi mới, đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần và qua từng kỳ đại hội sau đó, tư tưởng này đã có những bước phát triển. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế;... thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực Nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”. Đặc biệt, Đại hội XIII, trong định hướng phát triển đất nước, Đảng xác định hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh (SXKD). Các chủ trương, đường lối của Đảng qua các thời kỳ sau đó được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật, dần dần tạo ra hành lang pháp lý thân thiện với thị trường, khuyến khích mọi người dân tham gia vào các hoạt động kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống thể chế cũng đã có một số điều chỉnh theo hướng phân quyền nhiều hơn cho các địa phương, tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc giám sát và phân bổ ngân sách, tạo ra cơ chế khuyến khích người dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào xây dựng các văn bản pháp luật,...
Nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 tới nay đã đưa Việt Nam từ quốc gia kém phát triển thành quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Nhìn tổng thể, thể chế kinh tế của Việt Nam vẫn còn dư địa cải cách, để thực sự trở thành bệ đỡ cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Một số hạn chế về thể chế kinh tế của Việt Nam đã được nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây chỉ ra. Thứ nhất, liên quan đến hệ thống pháp luật kinh tế chi phối các chủ thể tham gia vào nền kinh tế, đó là các vấn đề như: việc đảm bảo quyền sở hữu, chất lượng của hệ thống pháp luật kinh tế, các rào cản gia nhập thị trường, sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh, khiếm khuyết pháp lý trong các văn bản pháp luật về rút lui khỏi thị trường (Trần Quốc Toản, 2024). Thứ hai, liên quan đến hệ thống pháp luật về bộ máy nhà nước, những hạn chế có thể kể đến là: (i) chưa bảo đảm đầy đủ nguyên tắc pháp quyền, nhằm phát huy dân chủ, hạn chế đến mức cao nhất có thể tình trạng lạm quyền; (ii) việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước còn chưa thực sự hiệu quả; (iii) tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, pháp luật về phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước còn chưa thực sự đồng bộ; và (iv) Chất lượng giải trình của cơ quan nhà nước còn thấp (Nguyễn Văn Cương, 2021; Trần Quốc Toản, 2024; Lê Minh Thông, 2025).
Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, cải cách thể chế kinh tế phải đi trước một bước. Thể chế kinh tế cần phải được xây dựng sao cho mọi người dân và doanh nghiệp hứng khởi đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm năng của quốc gia và thời đại; phân quyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức sao cho mọi người yên tâm dám quyết định, dám chịu chịu trách nhiệm vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đất nước.
Đứng trước vai trò quan trọng của cải cách thể chế, cần phải có một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề thể chế kinh tế tại Việt Nam trước thềm kỷ niệm 40 năm bắt đầu công cuộc Đổi mới. Vì vậy, chủ đề của Báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024, bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế năm 2024, sẽ lựa chọn chủ đề về “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 của Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2024. Báo cáo cũng đánh giá thực trạng của thể chế kinh tế của Việt Nam, từ đó đề xuất khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2025 và những cải cách thể chế kinh tế quan trọng trong bối cảnh mới.
Từ mục tiêu tổng quát trên, Báo cáo hướng đến những mục tiêu cụ thể sau:
• Làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2024;
• Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2024 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách);
• Đánh giá thực trạng của thể chế kinh tế tại Việt Nam, trong hai lĩnh vực của thể chế là: (1) hệ thống pháp luật về kinh tế, (2) bộ máy nhà nước liên quan đến thực thi quyền lực của nhà nước trong mối quan hệ với thị trường;
• Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025;
• Đề xuất những khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2025 cũng như chính sách thúc đẩy cải cách chế kinh tế
trong bối cảnh mới.
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu là kinh tế Việt Nam, thể chế kinh tế của Việt Nam.
Phạm vi thời gian: Nghiên cứu đánh giá tổng quan chung kinh tế Việt Nam là năm 2024. Về thực trạng thể chế, nghiên cứu chủ yếu tập trung vào giai đoạn 2000 - 2024. Tuy nhiên, một số nội dung có tính lịch sử, sẽ được nghiên cứu từ năm 1986, là thời điểm bắt đầu đổi mới.
Phạm vi nội dung: Phần tổng quan kinh tế chung sẽ tập trung vào các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).
Trong nghiên cứu này, thể chế được hiểu theo nghĩa của Kinh tế học thể chế mới, tức là các quy tắc ràng buộc các cá nhân và thể nhân tham gia các hoạt động kinh tế. Nghiên cứu cũng giới hạn vào các thể chế chính thức bên ngoài (formal and external) tức là các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành.
Có hai nhóm thể chế được nghiên cứu. Nhóm thứ nhất là các thể chế thúc đẩy giao dịch để làm giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế, đó là hệ thống pháp luật kinh tế. Nhóm thứ hai là các thể chế liên quan đến sự vận hành và tương tác của các cơ quan nhà nước, đó là hệ thống pháp luật về bộ máy nhà nước. Để cả hai hệ thống pháp luật này có hiệu lực trên thực tiễn, chúng đều cần đến các cơ chế thực thi trong bộ máy nhà nước.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ SỐ LIỆU
Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu, báo cáo sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính, thống kê, so sánh, phân tích và tổng hợp.
Để đánh giá thực trạng hai nhóm thể chế, chúng tôi sẽ gộp các nội dung liên quan đến cơ chế thực thi của cả hai nhóm thể chế vào trong phần “Thực trạng bộ máy nhà nước”. Điều này có nghĩa là phần “Thực trạng bộ máy nhà nước” không chỉ đánh giá các nội dung pháp luật cũng như cơ chế thực thi của “hệ thống pháp luật về bộ máy nhà nước” mà còn bao gồm cả những đánh giá về cơ chế thực thi của “hệ thống pháp luật kinh tế”.
Ngoài ra, có một sự so sánh ngầm định trong phương pháp nghiên cứu thể chế của báo cáo này. Đó là coi cơ chế thị trường là hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung trong các hoạt động kinh tế. Sự ngầm định này không chỉ đến từ lịch sử phát triển kinh tế toàn cầu qua nhiều thế kỷ đã được nhiều học giả có uy tín trên thế giới, như: North (1990), Acemoglu và Robinson (2012) chỉ ra, mà còn đến từ thực tiễn gần 40 năm chuyển đổi kinh tế của Việt Nam từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN đã mang lại những thành quả to lớn về phát triển kinh tế.
Thông tin và dữ liệu nghiên cứu được sử dụng chủ yếu từ các nguồn dữ liệu chính thức của Việt Nam như: Tổng cục Thống kê (TCTK), Bộ Tài chính (BTC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MOLISA),... và các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Báo cáo cũng sử dụng dữ liệu kinh tế vĩ mô - tài chính - chứng khoán Fiingroup, dữ liệu từ các các định chế tài chính, ngân hàng.
CẤU TRÚC CỦA BÁO CÁO
Ngoài phần Giới thiệu, báo cáo bao gồm phần Tóm tắt báo cáo và phần Báo cáo chính. Tóm tắt báo cáo sẽ tóm tắt lại toàn bộ báo cáo với cách viết không mang tính kỹ thuật, thân thiện với người đọc.
Báo cáo chính được cấu trúc thành ba phần. Vì là một báo cáo đánh giá kinh tế thường niên, nên Phần 1 (Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024) nghiên cứu về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024. Phần này bao gồm các nội dung sau: (i) diễn biến kinh tế thế giới năm 2024 và tác động đến kinh tế Việt Nam; (ii) tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2024 thông qua các khu vực của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).
Phần 2 (Đánh giá thể chế kinh tế Việt Nam) có mục tiêu đánh giá thực trạng thể chế kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Phần này bao gồm: (i) khái niệm thể chế kinh tế; (ii) thực trạng hệ thống pháp luật kinh tế; và (iii) thực trạng bộ máy nhà nước hỗ trợ kinh tế thị trường.
Phần 3 (Triển vọng kinh tế năm 2025 và Khuyến nghị chính sách) trình bày triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025; đồng thời dựa trên các kết quả nghiên cứu ở Phần 1 và Phần 2, đưa ra các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và các chính sách thúc đẩy cải cách thể chế trong bối cảnh mới.