Di sản của Bismarck (Phần 2)
Nhà nước phúc lợi bắt rễ tại Mỹ
Tại Mỹ, quá trình hình thành nhà nước phúc lợi có đôi chút khác biệt, mặc dù cũng có những điểm tương đồng rõ rệt với phong trào chống chủ nghĩa tự do ở châu Âu. Các chính sách thúc đẩy “chuyển nhượng” nguồn lực thông qua việc cấp phép nhiều loại đặc quyền đặc biệt trở nên cực đoan kể từ sau vụ kiện tụng tại Tòa án tối cao giữa Munn và Illinois (1877), cho phép các cơ quan lập pháp kiểm soát giá cả, chi phí vận chuyển bằng đường sắt, cơ sở lưu trữ ngũ cốc, và những hoạt động kinh doanh khác; điều này có nghĩa rằng các cơ quan lập pháp đó có quyền năng rất lớn để giành lấy lợi ích đáng kể trên phí tổn của những người khác. Dựa trên ý kiến số đông, Chánh án Morrison Waite đã viết:
Tài sản bị che đậy dưới cái mác lợi ích công để công khai biến nó trở thành một hệ quả công cộng, và tác động tới cộng đồng nói chung.1
Từ đó một giai đoạn mới của cái được biết tới như “tìm kiếm lợi tô” (rent-seeking) bắt đầu, đó là sự trục lợi cho bản thân mình trên phí tổn của những người khác thông qua hành động chính trị. Người nông dân trục lợi trên phí tổn của ngành đường sắt; ngành đường sắt trục lợi trên phí tổn của các đối thủ cạnh tranh; các nhà sản xuất trục lợi ích trên phí tổn của người tiêu dùng; và cứ tiếp tục như vậy. Trong suốt cái gọi là Kỷ-nguyên-thăng-tiến, tình trạng chuyển giao ấy nở rộ ở khắp lục địa châu Mỹ.
Sự sụp đổ kinh tế trong cuộc Đại suy thoái là do những quyết định tai hại của Hội đồng Cục dự trữ Liên bang và sự chồng chất của một loạt các chính sách tồi nối tiếp nhau, bao gồm cả trong thương mại – phá hủy thuế quan Smoot-Hawley, việc này dấy lên một làn sóng chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước, làn sóng ấy quét qua toàn thế giới và dẫn tới sự sụp đổ của nền thương mại quốc tế. Nhiều người cho rằng tính khốc liệt và sự kéo dài của cuộc Đại suy thoái là do chính sách can thiệp không đủ mạnh chứ không phải do những chính sách can thiệp mang tính phá hoại. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932, Tổng thống đảng Cộng hòa Herbert Hoover lấy làm kiêu hãnh về cách thức ông ta đẩy mạnh chủ nghĩa can thiệp để đối phó với hệ quả của những lần can thiệp trước đó:
Có hai con đường mở ra cho chúng ta. Chúng ta có thể không làm gì cả. Mọi thứ sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Hoặc thay vào đó, chúng ta giải quyết tình hình bằng cách kiến nghị với doanh nghiệp tư nhân và Quốc hội về chương trình phòng ngự và phản công kinh tế có quy mô lớn nhất từng xảy ra trong lịch sử của đảng Cộng hòa. Chúng ta biến chương trình đó thành hành động.2
Hoover hứa hẹn thực hiện nhiều chính sách can thiệp tương tự nếu ông ta trúng cử. Franklin Roosevelt vận động tranh cử tổng thống chống lại chính quyền can thiệp mạnh mẽ của Hoover. Roosevelt cũng hứa sẽ bãi bỏ những chính sách sai lầm như chính sách cấm đồ uống có cồn (có lẽ nó cũng quan trọng như những chính sách khác để đảm bảo cho cuộc bầu cử của ông ta), và chỉ trích sự bội chi của Hoover:
Tôi kết tội Chính quyền hiện tại là Chính quyền có khoản chi công lớn nhất trong thời bình trong lịch sử đất nước chúng ta. Đó là một chính quyền mà các cục, vụ chồng lên nhau, hội đồng trên hội đồng, và thất bại trong việc dự đoán nhu cầu khẩn cấp và khả năng kiếm sống bị giảm sút của người dân. Các cơ quan và quan chức, hội đồng và các ủy viên tiếp tục an vị trên phí tổn của người nộp thuế.3
Mặc dù vận động chống lại những chính sách can thiệp của Hoover, chính quyền mới Roosevelt nhanh chóng kế thừa, tiếp nối, và thích ứng những chính sách của chính quyền Hoover vào chương trình Chính sách mới (New Deal), đó là một chuỗi rời rạc các can thiệp vào tiến trình kinh tế, làm kéo dài cuộc suy thoái, trở thành cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.4
Phần lớn chương trình đó được kế thừa từ Hoover và mở rộng bởi Roosevelt, bao gồm những động thái kìm giữ giá cả khỏi sự điều chỉnh giảm (phản ứng bình thường khi có sự sụt giảm cung tiền lớn của Cục Dự trữ Liên bang); những biện pháp đó bao gồm việc hủy bỏ số lượng rất lớn lương thực và thiết lập một hệ thống các trợ cấp nông nghiệp có hại mà cho đến nay vẫn là trụ cột chính của nhà nước phúc lợi Mỹ, tạo nên những dự án công trình công khổng lồ làm trì trệ sự điều chỉnh kinh tế và kéo dài cuộc Đại suy thoái; và thiết lập hệ thống “An sinh xã hội” dập khuôn hệ thống của Đức gồm các loại thuế nghỉ hưu bắt buộc, che giấu một nửa thuế đánh vào người lao động bằng cách gọi chúng là “phần đóng góp của người lao động”. Việc thiết lập những chương trình quyền lợi quần chúng (thường được quảng bá dưới cái tên “người nghèo”, nhưng thực tế là những chương trình này nắm lấy những phân khúc dân cư ngày càng tăng cho tới khi chúng trở nên phổ biến) là đặc trưng của nhà nước phúc lợi hiện đại, và thực sự có sự tương đồng ấn tượng giữa hệ thống của Mỹ với những diễn biến ở châu Âu.5
Rất nhiều người Mỹ không hề biết rằng họ đang sống trong nhà nước phúc lợi, vì họ được tuyên truyền để đánh đồng thuật ngữ “phúc lợi” với những chương trình của chính phủ hướng tới việc phân phối thu nhập cho người nghèo, mà không nhận ra rằng tất cả mọi người đang đóng thuế cho chương trình an sinh xã hội, chương trình chăm sóc y tế, và rất nhiều những chương trình quyền thụ hưởng khổng lồ (và khánh kiệt), đang làm họ mắc kẹt trong nhà nước phúc lợi. Hơn nữa, mặc dù người Mỹ da đen chỉ là một số ít người hưởng lợi từ chương trình phúc lợi “thử nghiệm”, nhưng hầu hết người Mỹ đều liên tưởng phúc lợi với đói nghèo và người Mỹ da đen, nguyên nhân chủ yếu là do việc Chính phủ Mỹ đưa vào áp dụng những chương trình “Cuộc chiến chống nghèo đói” và “Xã hội tốt đẹp” (Great Society), vốn tạo ra tác dụng ngược, vào những năm 1960. Kết quả đạt được không như đã hứa, do các chương trình đó được mở rộng và phát triển hướng tới người nghèo, và đáng kể nhất là người Mỹ da đen, dẫn tới cuộc khủng hoảng xã hội, sự xói mòn của những thành phố Mỹ, sự tàn tạ của các tổ chức xã hội dân sự tự nguyện, tước đoạt gia đình đủ bố mẹ, tỷ lệ tội phạm gia tăng, và tỷ lệ thanh thiếu niên thất nghiệp cao chưa từng có.
Nhà xã hội học Frances Fox Piven nhận thấy rằng các chương trình “Cuộc chiến chống nghèo đói” và “Xã hội tốt đẹp” bắt nguồn từ những sự kiện trong cuộc đấu tranh chính trị đảng phái Mỹ. Vào những năm 1950, cử tri da đen trở nên rất quan trọng trong cuộc tranh cử quốc gia. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower nhận được 21% phiếu bầu của cử tri da đen vào năm 1952 và tỷ lệ đó tăng tới 39% vào năm 1956. Richard Nixon nhận được 32% phiếu bầu từ cử tri da đen vào năm 1960.6 Như Piven quan sát thấy,
Đến năm 1960, đảng viên Đảng dân chủ nhận thấy lá phiếu của cử tri da đen, đặc biệt là ở các thành phố, trở nên vô cùng quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống. (Câu chuyện làm thế nào mà Kennedy nhận được gần 8.000 phiếu bầu ở bang Illinois, một kết quả thắng phiếu áp đảo ở khu vực người da đen South Side tại thành phố Chicago, đã nhanh chóng gắn liền với truyền thuyết Đảng dân chủ). Tuy nhiên, người da đen không hoàn toàn trở thành thành viên của đảng chính trị khu vực đô thị, hay cũng chẳng nhận được một phần của sự bảo trợ, quyền lực và dịch vụ tương xứng với số phiếu bầu của họ từ các cơ quan chính quyền thành phố. Để khắc phục sự mất cân bằng này, chính quyền Kennedy-Johnson dần dần đưa ra cách tiếp cận hai mũi: Đầu tiên, họ phát triển một chuỗi những chương trình mới lạ hướng trực tiếp tới các khu nhà ổ chuột và khu dân cư người thiểu số, phớt lờ cả chính quyền bang và địa phương; thứ hai, họ khuyến khích các chiến thuật đa dạng để gây sức ép cho cơ quan thành phố yêu cầu cung cấp thêm dịch vụ cho người da đen.7
Chìa khóa cho sự thành công của chiến lược chính là việc vượt mặt các cấp chính quyền bị chi phối bởi những nhóm người coi cử tri da đen như mối đe dọa đối với hệ thống bảo trợ của họ, đặc biệt là những chính quyền bang được điều hành bởi đảng viên đảng Dân chủ, họ thường có thái độ thù địch ra mặt với những cử tri da đen (đặc biệt là ở các bang phía nam kiểm soát bởi đảng Dân chủ), và chính quyền vùng đô thị phía bắc thường được điều hành bởi các liên minh đảng viên đảng Dân chủ “dân tộc da trắng” (Ba Lan, Ý, Slovak…), họ không sẵn lòng chia sẻ quyền lợi bảo trợ và sức mạnh chính trị với người da đen. Do đó, “chính quyền Liên bang cần đến một ý tưởng độc đáo. Họ phải thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa chính phủ quốc gia và những cộng đồng thiểu số, qua mặt cả chính quyền bang và chính quyền địa phương… Nếu được chuyển thông qua những người lãnh đạo chính trị da trắng, số tiền quỹ có thể sẽ chẳng bao giờ đến tay người nghèo”.8
Bằng chứng cho bản chất chính trị mang tính chiến lược của chương trình “Xã hội tốt đẹp” đó là khi những đảng viên đảng Cộng hòa lên nắm quyền, họ làm việc đơn thuần chỉ để chuyển những lợi ích phúc lợi cho các đơn vị cử tri của họ. Khoản tiền lớn dành trực tiếp cho khu vực người da đen bị chuyển thành “khoản tài trợ chính phủ” do các chính quyền bang quản lý (trong hầu hết các trường hợp, khoản tiền do những đảng viên đảng Dân chủ hoặc đảng viên đảng Cộng hòa da trắng quản lý) và họ tạo ra những hình thức bảo trợ mới sao cho phù hợp với các chương trình nghị sự chính trị, như Piven ghi nhận rằng, những nước cờ đó “không được thực hiện bởi vì chính sách đảng Cộng hòa được dựa trên một công thức rõ ràng hơn của bản chất những vấn đề nội địa, nhưng như [Daniel Patrick] Moynihan và những nhà phê bình khác khẳng định, đó bởi vì những đề xuất của đảng Cộng hòa được tạo ra để đối phó với các mệnh lệnh chính trị khác nhau”.9
Các “chương trình chống nghèo đói” của nhà nước phúc lợi Mỹ không chỉ đảm bảo một lượng lớn phiếu bầu dành cho một đảng (và do đó phổ cập hóa một cách sâu sắc chính trị đảng phái Mỹ và đường lối chủng tộc), mà còn gây nên những hậu quả rất lớn cho sự sung túc của hàng triệu người dân. Khi viết những lời này, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ da đen đã tăng gần gấp đôi tỷ lệ của những người châu Á và giới trẻ da trắng, cao hơn 50% so với giới trẻ gốc Tây Ban Nha.10 Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ da đen có thể so sánh, và thường thấp hơn so với tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ da trắng cho tới khi chương trình Xã hội tốt đẹp được khởi xướng, đó cũng là lúc những con số bắt đầu phân kỳ.11 Tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ giảm mạnh những năm 1940, 1950 và thậm chí cả 1960, nhưng bắt đầu ngừng giảm xuống vào những năm 1970, khi chương trình Xã hội tốt đẹp được đẩy mạnh; tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng nhẹ, trong khi đó số lượng nam thanh niên người Mỹ gốc Phi tham gia lực lượng lao động giảm đáng kể.12 Do những thất bại rõ ràng của chương trình “Cuộc chiến chống nghèo đói”, rất nhiều người Mỹ, không kể tới chủng tộc, đã đánh đồng “phúc lợi” với những chương trình hướng tới người dân da đen trong thành phố. Nhưng trên thực tế, khoản tiền sử dụng trong những chương trình hướng tới người nghèo hoặc dân tộc thiểu số ấy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số tiền được quản lý và phân bổ bởi nhà nước phúc lợi Mỹ.
Bất luận thế nào, chính bộ máy quan liêu đã sử dụng phần lớn số tiền chi tiêu trong “Cuộc chiến chống đói nghèo”. “Với sự nhất quán đáng kinh ngạc”, Daniel Patrick Moynihan viết năm 1973, “những chuyên gia thuộc tầng lớp trung lưu – thuộc bất kể chủng tộc hay tôn giáo nào – khi được hỏi về phương hướng cải thiện điều kiện của các tầng lớp dưới đều đưa ra các kế hoạch mà tác động đầu tiên của nó là nâng cao điều kiện của các chuyên gia thuộc tầng lớp trung lưu, và tác động thứ hai là có thể có hoặc không nâng cao điều kiện của người nghèo”.13 Theo Richard A. Cloward và Frances Fox Piven, “các cơ quan phúc lợi xã hội nhà nước được pháp luật công nhận là đại diện của người nghèo, nhưng người nghèo lại không phải đối tượng thật sự của họ. Trên thực tế, các cơ quan này được định hướng hướng tới những nhóm khác quyền lực hơn nhiều, những nhóm đó có thể đem đến cho họ sự hợp pháp hóa và hỗ trợ chính trị mà bộ máy hành chính công cần để tồn tại và mở rộng.”14
Nhà nước phúc lợi không đơn thuần là sự gom nhặt của các chương trình phân phối lại thu nhập rời rạc, không gắn kết; mà nó là một chiến lược chính trị chặt chẽ, tạo ra những hạn chế có hại tới khả năng nâng cao cuộc sống của người nghèo (để bảo vệ những nhóm đặc quyền khỏi sự cạnh tranh), cùng với trợ cấp thu nhập để bù đắp phần nào cho người nghèo gánh chịu tác động nghiêm trọng đó. Những chính khách tự miêu tả bản thân mình như những người bạn của người nghèo khi phân phát trợ cấp thực phẩm cho họ, lại chính là những người biểu quyết giữ giá thực phẩm cao bằng cách áp dụng giá sàn thực phẩm; họ cũng chính là những người đặt ra các rào cản gia nhập thị trường lao động thông qua việc cấp giấy phép và đòi giá cắt cổ cho những lao động không có tay nghề thông qua luật tiền lương tối thiểu, và trả trợ cấp thu nhập cho những người bị chính sách của họ tước đoạt việc làm. Walter Williams ghi nhận rằng,
Luật tiền lương tối thiểu và các rào cản thị trường lao động khác làm giảm cơ hội việc làm và theo đó là thu nhập của những người bị đẩy ra khỏi thị trường lao động. Thực tế này cho thấy, như là một phần của các chiến lược công đoàn, chắc chắn phải có một chiến lược chính trị kêu gọi nhiều loại chương trình trợ cấp để cung cấp thu nhập cho những người thất nghiệp do việc đóng cánh cửa gia nhập thị trường gây ra: nếu như lựa chọn không làm việc đồng nghĩa với chết đói thì môi trường xã hội tất sẽ bất ổn. Do đó, rất có thể các công đoàn lao động sẽ ủng hộ những chương trình trợ cấp thu nhập (ví dụ như tem phiếu thực phẩm, phúc lợi, chương trình đào tạo nghề cho thanh thiếu niên (Job Corps), dự án dịch vụ việc làm công cộng, và đa dạng các loại công việc vặt khác), những chương trình đó đại diện cho sự phân phối lại thu nhập từ phần lớn xã hội tới túi của những người đã hạn chế thị trường lao động ngay từ đầu. Họ che giấu hệ quả thực của rào cản gia nhập thị trường do công đoàn và các chủ thể kinh tế gây ra bằng cách quẳng cho những người bị từ chối công việc chút ít tiền để họ giữ bí mật, từ đó tạo nên một chế độ phúc lợi lâu dài.15
Nhà nước phúc lợi đã, đang và sẽ tiếp tục là một chiến lược chính trị nền tảng để kiểm soát người dân, không phải làm cho họ trở nên sung túc hơn (“phúc lợi”), mà là thao túng họ như những đơn vị cử tri chính trị, trong một phiên bản mới của mối quan hệ cổ xưa giữa “người bảo trợ” và “người sử dụng dịch vụ xã hội”. Họ không chỉ thao túng những thành phần dân cư nghèo, mà là tất cả mọi người.
Trong cuốn Political Control of the Economy [Kiểm soát mang tính chính trị đối với nền kinh tế - ND], nhà khoa học chính trị Edward Tufte đã chỉ ra làm thế nào mà việc tái phân phối thu nhập, chủ yếu giữa những tầng lớp trung lưu, bị thao túng một cách có hệ thống theo tiến trình bầu cử, theo cách củng cố “các chu kỳ kinh tế-bầu cử”. Đó là vòng tuần hoàn phát triển và suy thoái của nền kinh tế diễn ra đồng điệu với tiến trình bầu cử. Các chính phủ lựa chọn thời điểm phân phối thu nhập để tối đa hóa thu nhập sau thuế ngay trước thềm các cuộc bầu cử với mục đích củng cố sự ủng hộ của cử tri đối với đảng cầm quyền.
Chu kỳ kinh tế-bầu cử tạo nên một nền kinh tế phát triển chông chênh, kiểu stop-and-go (hiện tượng nền kinh tế ngừng phát triển một thời gian khi không có kích thích kinh tế - ND). Các chính phủ đánh lừa người dân bằng việc tái phân phối thu nhập, tạo nên một trò đùa dịp bầu cử hàng năm thông qua hệ thống an sinh xã hội và thuế theo sổ lương. Có sự thiên vị đối với những chính sách đem lại lợi ích ngay lập tức và dễ dàng được nhận thấy, nhưng các phí tổn lại được che đậy và đẩy lùi thời hạn trả – những chính sách thiển cận cho những cử tri thiển cận. Các lợi ích đặc biệt thúc đẩy các chính khách xây dựng liên minh, áp những khoản phí nhỏ lên quần chúng để rồi thu lại những lợi ích lớn cho một số ít người. Hệ quả là sự bất ổn và không hiệu quả kinh tế.16
Hệ thống bảo trợ và chủ nghĩa bảo trợ được biết như là nhà nước phúc lợi cuối cùng cũng chạm trán với một thứ về căn bản là không thể thao túng được: đó là phép toán số học.
Toàn bộ nghĩa vụ của chính phủ, chủ yếu là trợ cấp nhà nước, sức khỏe, và những chương trình nhà nước phúc lợi khác, đã đạt tới mức không bền vững. Rõ ràng trên các con phố của Athen, những đám đông nổi loạn “chống chính quyền” gồm hầu hết là nhân viên chính phủ, ném bom xăng vào những nhân viên chính phủ khác, mà cụ thể là cảnh sát. Sự việc cũng dễ dàng nhận thấy ở Mỹ, nơi mà hai chính quyền gần đây nhất tạo nên một khoản nợ lớn hơn tổng khoản nợ của tất cả chính quyền trước đó trong lịch sử nước Mỹ, khoản nợ này không chỉ để tài trợ cho sự hiện diện và can thiệp quân sự toàn cầu của Mỹ, mà thậm chí còn nhiều hơn để chi trả cho những món nợ không có giới hạn dưới hình thức “Đạo luật Đơn thuốc, Cải tiến và Hiện đại hóa” của Tổng thống Bush và “Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế chi phí hợp lý” của Tổng thống Obama (còn được biết tới như “Đạo luật cải tổ y tế Obamacare”. Chỉ riêng hành động điên rồ của Tổng thống Bush đã làm tăng thêm 17-18 nghìn tỷ USD vào mất cân bằng ngân sách.17 Sẽ khó khăn hơn để tính toán những khoản nợ không thể chi trả cho hành động điên rồ của Tổng thống Obama, nếu nó được thực hiện, do không chắc chắn về khả năng thực hiện, nhưng nếu thận trọng ước tính, hành động ấy sẽ làm tăng thêm 17 nghìn tỷ USD trong thời gian 75 năm, theo cách tính toán và phương pháp của Văn phòng tính toán bảo hiểm tại Trung tâm dịch vụ Bảo hiểm y tế cho người già và người nghèo (Medicare và Medicaid).18 Trong năm 2008, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Dallas, Richard Fisher, mô tả “bài toán chăm sóc y tế (Medicare)” , chương trình chăm sóc y tế của chính phủ Mỹ, bằng những lời lẽ thẳng thắn:
Chương trình có ba phần: Medicare A, chi trả cho thời gian nằm viện; Medicare B, chi trả cho thăm khám bác sỹ; và Medicare D, trợ cấp về thuốc vừa được đưa vào hiệu lực 29 tháng trước. Giá trị chiết khấu hiện tại của khoản nợ không thể chi trả của Medicare A là 34,4 nghìn tỷ USD. Khoản nợ không thể chi trả của Medicare B làm tăng thêm 34 nghìn tỷ USD. Khoản thâm hụt cho Medicare B cộng thêm 17,2 nghìn tỷ USD. Vậy tổng là bao nhiêu? Nếu bạn muốn chi trả toàn bộ khoản nợ của cả ba chương trình này hôm nay, bạn sẽ bị mắc kẹt với hóa đơn 85,6 nghìn tỷ USD. Khoản đó lớn hơn 6 lần so với hóa đơn cho Chương trình An sinh xã hội. Khoản đó cũng lớn hơn 6 lần so với tổng sản lượng hàng năm của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.52
Chính phủ sẽ thoái thác thực hiện những nghĩa vụ này vì họ không có đủ tài sản để chi trả cho chúng. Những nghĩa vụ đó có thể bị thoái thác thông qua lạm phát, điều này có nghĩa rằng gánh nặng sẽ đặt lên vai người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn một cách không tương xứng, và trả giá bằng sự bóp méo và sự hỗn độn của các nền kinh tế trên thế giới; hoặc đơn giản có thể loại bỏ chúng bằng cách không thanh toán, hoặc bằng cách "chỉnh sửa các điều luật" để loại các nhóm hoặc các hạng mục (dân cư) khỏi việc nhận được những lợi ích như đã hứa. Những khoản nợ chính thức của các nhà nước phúc lợi trên thế giới đã lên tới mức khổng lồ, nhưng sự mất cân bằng ngân sách, gồm cả tổng khoản nợ chưa trả - những lời hứa đem lại lợi ích trong tương lai, nhưng lại không có sẵn thu nhập nhà nước để chi trả – làm cho các khoản nợ chính thức được thừa nhận thu hẹp lại. Nợ sẽ không được trả và những hứa hẹn ấy sẽ chẳng bao giờ được thực hiện. Càng ngày, người dân - và nhất là giới trẻ - cần phải bắt đầu suy nghĩ về những lựa chọn thay thế cho nhà nước phúc lợi.
Chú thích
(1) 94 US 126 (1877), trích trong Douglass C. North, Terry L. Anderson, và Peter J. Hill, Growth of Welfare in the American Past: A New Economic History [Sự tăng trưởng của Phúc lợi trong quá khứ nước Mỹ: một trang sử kinh tế mới] (Englewood Cliffs, N.J.: Rentice Hall, 1983), trang 146.
(2) Herbert Hoover, “Bài diễn văn chấp nhận đề cử tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa”, ngày 11 tháng 8 năm 1932, www.presidency.ucsb.edu/ws/index.php?pid=23198&st=&st1=#axzz1rUPyI5Ew. Cũng xem thêm Murray N. Rothbard, “Herbert Hoover and the Myth of Laissez-Faire” [“Herbert Hoover và huyền thoại về tự do kinh doanh”], trong Ronald Radosh và Murray N. Rothbard, eds., A New History of Leviathan [Lịch sử mới của Thủy quái] (New York: E.P. Dutton & Co., 1972), trang 111-145.
(3) Franklin D. Roosevelt, “Campaign Address on Agriculture and Tariffs” [Bài phát biểu vận động tranh cử về nông nghiệp và thuế quan”], The public papers and addresses of Franklin D. Roosevelt [Các bài viết và phát biểu cho công chúng của Franklin D. Roosevelt], tập một, The genesis of the New Deal [Sự hình thành của Chính sách mới], 1928-1932 (New York: Random House, 1938), trang 742.
(4) Xem Amity Shlaes, The Forgotten Man: A New History of the Great Depression [Nhân vật bị lãng quên: lịch sử mới về Đại suy thoái] (New York: Harper, 2007), Douglas A. Irwin, Peddling Protectionism: Smoot-Hawley and the Great Depression [Chủ nghĩa bảo hộ: Smoot-Hawley và Đại suy thoái] (Princeton: Princeton University Press, 2011), và Gene Smiley, Rethinking the Great Depression [Xem xét lại cuộc Đại suy thoái] (Chicago: Ivan R. Dee, 2002).
(5) Về việc xem xét các điểm tương đồng (kết hợp với lời những tuyên bố lặp đi lặp lại về những nội dung khác biệt rõ ràng), xem John A. Garraty, “The New Deal, National Socialism, and the Great Depression” [“Chính sách kinh tế mới, chủ nghĩa xã hội quốc gia, và đại suy thoái, The American Historical Review, tập 78, dố 4 (tháng mười, 1973), trang 907-94, và Wolfgan Schivelbusch, Three New Deals: Reflection on Roosevelt’s America, Mussolini’s Italy, and Hitler’s Germany [Ba chính sách kinh tế mới: soi dọi từ nước Mỹ của Roosevelt, nước Ý của Mussolini và nước Đức của Hitler], 1933-1939 (New York: Henry Holt & Co., 2006). Trên thực tế, Mussolini,, vào năm 1934, thể hiện thái độ hoàn toàn ủng hộ đối với Chính sách kinh tế mới: "Cuộc thử nghiệm của Mỹ nên được theo dõi chặt chẽ. Tại Mỹ, chính phủ can thiệp trực tiếp vào kinh doanh, và đôi khi sử dụng quyền miễn trừ. Các bộ luận không là gì hơn so với những bản hợp đồng tập thể mà Tổng thống yêu cầu cả đảng bên cùng đệ trình. Chúng ta phải chờ đợi trước khi đưa tới lời phán xét về cuộc thử nghiệm đó". Benito Mussolini, "Speech in the Senate on the Bill Establishing the Corporations” [Bài phát biểu tại Thượng viện về dự thảo luật thành lập công ty], ngày 13 tháng 1 năm 1934, trong Benito Mussolini, The Doctrine of Fascism [Học thuyết của chủ nghĩa phát xít] (Rome: Ardita, 1935; tái bản New York: Howard Fertig, 2006), trang 69.
(6) Trích từ Hanes Walton, Invisible Politics: Black Political Behavior [Chính trị vô hình: Hành vi chính trị của người da đen] (Albany: State University của New York Press, 1985), trang 123.
(7) Frances Fox Piven, “The Great Society as Political Strategy” [“Xã hội tốt đẹp như Chiến lược chính trị”], trong Richard A. Cloward và Frances Fox Piven, The Politics of Turmoil: Poverty, Race, and the Urban Crisis [Nền chính trị của sự hỗn loạn: Nghèo đói, Chủng tộc, và Khủng hoảng thành thị] (New York: Vintage Books, 1975), trang 271-83, trang 271-72.
(8) Như trên, trang 276-77.
(9) Như trên, trang 283.
(10) http://bls.gov/news.release/youth.t01.htm.
(11) Walter E. Williams, Race and Economics: How much can be blamed on Discrimination? [Chủng tộc và kinh tế: Có thể đổ lỗi bao nhiêu cho sự phân biệt?] (Standford: Hoover Institution Press, 2011), trang 41-43.
(12) Charles Murray, Losing Ground: American Social Policy, 1950-1980 [Mất nền tảng: chính sách xã hội Mỹ, 1950-1980] (New York: Basic Books, 1984), giới thiệu cho bản kỷ niệm 10 năm xuất bản vào năm 1994, trang xviii.
(13) Daniel P. Moynihan, The Politics of a Guaranteed Income [Nền chính trị của thu nhập đảm bảo] (New York: Vintage Books, 1973), trang 54. Nhà kinh tế Walter E. Williams viết vào năm 1980, "Hóa ra là nếu chúng ta tính tất cả các chi phí hàng năm của liên bang, tiểu bang, và địa phương – những khoản chi phí được biện hộ vì mục đích chống lại đói nghèo – chúng ta sẽ thấy rằng trên $250 tỷ USD được chi cho các chương trình này. Điều này chỉ ra rằng nếu chúng ta chỉ đơn giản là đưa tiền cho người nghèo, mỗi gia đình nghèo của thế giới thứ tư sẽ nhận được khoảng $40.000 mỗi năm. Họ không có được số tiền đó. Hầu hết số tiền đó đi tới những người không nghèo, những quan chức và các chuyên gia chịu trách nhiệm chăm sóc cho người nghèo. Nó cũng giống như cho chim sẻ ăn thông qua những con ngựa". Walter E. Williams, “The Poor as First Victims of the Welfare State” [Người nghèo là những nạn nhân đầu tiên của Nhà nước Phúc lợi", Imprimis, tập 9, số 7 (tháng 7 năm 1980), trang 6. Cuốn sách của Williams The State Against Blacks [Nhà nước chống lại người da đen] (New York: McGraw-Hill, 1982) đã trình bày một bản cáo trạng đầy thuyết phục và được chú thích đầy đủ về toàn bộ hệ thống của chủ nghĩa can thiệp có hại đối với những người được cho là được trợ giúp bởi nhà nước phúc lợi. Một số dữ liệu đã được cập nhật trong cuốn sách của ông ta Race and Economics: How Much Can Be Blamed on Discrimination [Chủng tộc và kinh tế: có thể đổ lỗi bao nhiêu cho sự phân biệt đối xử?].
(14) Richard A. Cloward và Frances Fox Piven, The Politics of Turmoil [ Nền chính trị của sự hỗn loạn], trang 4.
(15) Walter E. Williams, Black America and Organized Labor: A Fair Deal? [Người Mỹ da đen và lao động được tổ chức thành nghiệp đoàn: một thỏa thuận công bằng?] (Washington, DC: Lincoln Institute for Research and Education, 1980), trang 25.
(16) Edward Tufte, Political Control of the Economy [Kiểm soát chính trị đối với nền kinh tế] (Princeton: Princeton University Press, 1978), trang 143.
(17) Được trích dẫn trong Bản điều trần của thành viên cao cấp của Cato Institute, Jagadeesh Gokhale, với Uỷ ban về an ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Tiểu ban về quản lý tài chính liên bang, thông tin chính phủ và an ninh quốc tế, Quốc hội thứ 109, phiên họp đầu tiên, ngày 22 tháng 9 năm 2005, www.hsgac.senate.gov/download/092205gokhale. Xem thêm Giám đốc điều hành Cục dự trữ liên bang Dallas, Richard Fisher, “Storms on the Horizon: Remarks before the Commomwealth Club of California” [Cơn bão đường chân trời: lời bình luận trước Câu lạc bộ thịnh vượng của California], www.dallasfed.org/news/speeches/fisher/2008/fs080528.cfm.
(18) “President’s Health ‘Reform’ Grows Unfunded Obligations By $17 Trillion,” [Cuộc cải cách y tế của Tổng thống làm tăng những khoản nợ không có nguồn chi trả tới 17 nghìn tỷ USD", http://budget.senate.gov/republican/public/index.cfm/2012/3/president-s-health-reform-grows-unfunded-obligations-by-17-trillion.
Nguồn: Tom G.Palmer, Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi, NXB Tri Thức, 2013