[Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?] - Bài 2: Ngược lại
Sự phản đối việc mở rộng thị trường quốc tế xuất phát từ lòng vị tha của các giáo sư và sinh viên. Đấy là chủ yếu là do những lo lắng về những vần đề đạo đức và xã hội mà ra. Nói một cách đơn giản: họ tin rằng toàn cầu hóa không có bộ mặt con người. Tôi lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại.
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể chứng thực rằng nếu bạn định nói về thị trường tự do trong khuôn viên đại học trong những ngày này thì bạn sẽ bị chôn sống trong một loạt những lời chỉ trích quá trình toàn cầu hóa. Sự phản đối việc mở rộng thị trường quốc tế xuất phát từ lòng vị tha của các giáo sư và sinh viên. Đấy là chủ yếu là do những lo lắng về những vần đề đạo đức và xã hội mà ra. Nói một cách đơn giản: họ tin rằng toàn cầu hóa không có bộ mặt con người. Tôi lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Theo tôi, toàn cầu hóa không chỉ dẫn đến sản xuất và lan truyền của cải mà còn tạo ra những kết quả trong lĩnh vực đạo đức, góp phần củng cố đức hạnh của những người tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Nhiều người phê phán tin rằng toàn cầu hóa cản trở việc giải quyết những vấn đề đạo đức và xã hội, thí dụ như giảm tỉ lệ lao động trẻ em và xóa đói giảm nghèo ở những nước nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Nhưng khi khảo sát các vấn đề này trong tác phẩm của tôi dưới đầu đề: Bảo vệ toàn cầu hóa (In Defense of Globalization), tôi lại tìm thấy những kết quả hoàn toàn ngược lại với những vấn đề làm người ta sợ hãi đó.
Thí dụ, nhiều người tin rằng những người nông dân nghèo khó sẽ phản ứng lại với những cơ hội kinh tế tốt hơn do quá trình toàn cầu hóa mang lại bằng cách bắt con em phải làm việc chứ không cho đi học nữa. Nếu đặt vấn đề như thế thì mở rộng thị trường tự do sẽ có tác động như là lực lượng tiêu cực. Nhưng tôi nhận thấy rằng ngược lại mới đúng. Hóa ra là trong đa số trường hợp, thu nhập gia tăng do quá trình toàn cầu hóa mang lại – thí dụ như thu nhập từ lúa gạo tăng lên ở Việt Nam - khuyến khích cha mẹ cho con đến trường. Sau hết, họ cũng không cần khoản thu nhập ít ỏi mà lao động của trẻ em có thể đem về nữa.
Hay vấn đề bình đẳng giới. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt hơn. Trong nhiều nước đang phát triển chính sự cạnh tranh như thế đã làm giảm khoảng cách thu nhập quá lớn giữa lao động có tay nghề của phụ nữ và đàn ông. Vì sao? Vì những hãng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ không thể cứ sống mãi với định kiến trọng nam khinh nữ được nữa. Do áp lực giảm giá thành và hoạt động hữu hiệu hơn, càng ngày người ta càng thuê ít lao động đàn ông lương cao và thuê thêm nhiều lao động nữ lương thấp hơn, và như vậy là lương phụ nữ tăng lên và lương đàn ông giảm xuống. Hiện nay toàn cầu hóa chưa tạo được sự bình đẳng về tiền công, nhưng chắc chắn là nó đã làm giảm khoảng cách giữa đàn ông và đàn bà trong lĩnh vực này.
Có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng Ấn Độ và Trung Quốc – hai nước với những vấn nạn nghèo khó chồng chất – có thể phát triển nhanh như thế là nhờ họ đã lợi dụng được nền ngoại thương và đầu tư nước ngoài, và bằng cách làm như thế họ đã giảm đáng kẻ tình trạng nghèo đói. Họ còn phải đi một đoạn đường dài, nhưng quá trình toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho họ cải thiện điều kiện vật chất cho hàng trăm triệu người dân của họ. Một số người phê phán phủ nhận ý tưởng tấn công đói nghèo thông qua phát triển kinh tế, họ gọi đấy là chiến lược bảo thủ “vắt cổ chày từ trên xuống”. Họ tưởng tượng ra hình ảnh của những nhà quí tộc và tư sản phàm ăn, béo hú, ăn hết cả một con cừu trong khi kẻ hầu người hạ và mấy con chó dưới gầm bàn chỉ được gặm xương và mấy mẩu thức ăn thừa mà thôi. Nói đúng ra, khuyến khích phát triển phải được coi là chiến lược “kéo người nghèo lên”. Các nền kinh tế đang phát triển “kéo” người nghèo lên những công việc có thu nhập cao hơn và giảm được tình trạng nghèo khó.
Ngay cả khi đã công nhận rằng nói chung toàn cầu hóa giúp người ta đạt được một số mục đích xã hội nhất định thì một vài người phê phán vẫn biện luận rằng nó sẽ làm băng hoại các giá trị đạo đức. Họ bảo rằng việc mở rộng thị trường tự do cũng đồng nghĩa với việc mở rộng lĩnh vực có thể săn tìm lợi tức, mà chạy theo lợi nhuận lại làm cho con người trở thành ích kỉ và tội lỗi. Nhưng đấy là chuyện thật khó tin. Chỉ cần nhớ lại những người thị dân theo đạo Tin lành được Simon Schama mô tả trong cuốn sách viết về lịch sử Hà Lan thì sẽ rõ. Họ tạo dựng cơ đồ từ ngành ngoại thương, nhưng họ lại là những người có lòng vị tha chứ không phải chỉ muốn ăn cho ngon, họ luôn thể hiện thái độ mà Schama gọi một cách chính xác là “sự ngượng ngịu của người giàu”. Ta cũng có thể thấy thái độ tự chế như thế ở những người theo đạo Jains thuộc bang Gujerat, Ấn Độ, quê hương của Mahatma Gandhi. Tiền tài mà người theo đạo Jain thu được trong hoạt động kinh doanh được dùng để tôn vinh những giá trị tâm linh của họ chứ không phải ngược lại.
Còn nói về ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với đức hạnh, xin được trích dẫn ý kiến cực kì sâu sắc của John Stuart Mill. Ông đã viết trong tác phẩm Những nguyên lí của kinh tế chính trị học (Principles of Political Economy) (năm 1848) như sau:
Lợi thế kinh tế do ngành thương mại đem lại không quan trọng bằng những hậu quả mang tính trí thức và đức hạnh. Trong tình hình khi mà con người còn chưa hoàn hảo như hiện nay, thật khó đánh giá hết được lợi ích của việc tạo điều kiện để người ta tiếp xúc với những người khác với mình, tiếp xúc với những cách suy nghĩ và hành động khác với cách tư duy và hành động quen thuộc với mình… Không có dân tộc nào không cần vay mượn ở những dân tộc khác, không chỉ những ngành nghề hay cách làm mà còn cả những phẩm chất quan trọng mà họ chưa bằng nữa…. Có thể nói mà không sợ quá là việc mở mang và phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực ngoại thương – là bảo đảm quan trọng nhất đối với hòa bình thế giới – là căn cứ vững chắc cho sự tiến bộ không bao giờ gián đoạn của tư tưởng, của các định chế và phẩm chất của nhân loại.”
Chúng ta vẫn còn thấy những biểu hiện của các hiện tượng mà Mill mô tả trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong những năm 1980, khi các công ty đa quốc gia của Nhật vươn ra bên ngoài, các nhà quản lí của họ mang vợ con tới New York, London và Paris. Và khi những người phụ nữ Nhật Bản truyền thống nhìn thấy cách thức đối xử với phụ nữ ở phương Tây thì họ cũng tiếp thu những ý tưởng về quyền của phụ nữ và quyền bình đẳng. Khi trở về Nhật, họ trở thành những tác nhân của các cuộc cải cách xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, TV và mạng Internet đóng vai trò cực kì to lớn trong việc truyền bá nhận thức về đạo đức và xã hội ra khỏi biên giới của cộng đồng và biên giới quốc gia.
Adam Smith đã từng viết một đoạn văn nổi tiếng về “con người nhân ái ở châu Âu”, anh ta sẽ không thể nào “chợp mắt được đêm nay” nếu biết rằng “ngày mai anh ta sẽ bị mất một ngón tay út”, nhưng sẽ “ngủ ngon lành” nếu biết rằng hành trăm triệu người Trung Quốc anh em với anh ta “bất ngờ trở thành nạn nhân của một trận động đất” vì anh ta “chưa bao giờ gặp họ”. Đối với chúng ta, người Trung Quốc đã không con là những người vô hình nữa, họ đã không còn sống ở bên lề của cái mà David Hume gọi là những vòng tròn đồng tâm của lòng bác ái của chúng ta nữa. Trận động đất mùa hè vừa qua ở Trung Quốc – hậu quả bi thảm của nó đã ngay lập tức được đưa lên màn ảnh của chúng ta – đã được toàn thế giới đón nhận không phải với thái độ bàng quan mà với một sự đồng cảm và ý thức trách nhiệm sâu sắc trước các nạn nhân người Trung quốc. Đấy chính là giây phút tuyệt vời nhất của tòa cầu hóa.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: Nguồn bản gốc tiếng Anh: hn Templeton Foundation (2008. Does the free market corrode moral character? https://integrityseminar.org/wp-content/uploads/2018/03/Templeton-Foundation-Free-Market.pdf
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/03/thi-truong-tu-do-co-lam-bang-hoai-cac.html