[Khảo lược Adam Smith] - Chương II: Cuộc đời và sự nghiệp của Adam Smith

[Khảo lược Adam Smith] - Chương II: Cuộc đời và sự nghiệp của Adam Smith

Khi Margaret đang mang thai thì chồng bà, một luật sư có quan hệ rộng với giới thượng lưu và là một quan chức cũ của ngành hải quan, mất vào tháng Giêng năm 1723. Ngày 5 tháng 6 năm đó bà làm giấy khai sinh cho cậu con trai, bà lấy ngay tên người chồng vừa quá cố làm tên cho con: Adam Smith. Cậu bé này rồi sẽ trở thành một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thời đại và là tác giả của một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất từng được trước tác từ xưa đến nay.

Kirkcaldy và Glasgow

Chúng ta không biết nhiều về những ngày thơ ấu của ông, ngoại trừ sự kiện là năm lên ba tuổi ông đã bị mấy người digan bắt cóc trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó đã được người bác giải cứu. Nhưng cuộc sống thường nhật ở nơi chôn nhau cắt rốn của ông chắc chắn đã tạo điều kiện cho việc hình thành sự nghiệp của ông sau này. Cảng Kirkcaldy nằm hai bên bờ sông Firth of Forth là một trung tâm thương mại với những tàu cá, xuất khẩu than cho các vùng mỏ lân cận và đưa về thép vụn cho nền công nghiệp thép1. Smith lớn lên bên cạnh những người thuỷ thủ, người buôn cá, người làm đinh, viên chức hải quan và những người buôn lậu, mà nghề nghiệp của họ sẽ được ông mô tả trong Của cải của các quốc gia.

Vật đổi sao rời, việc buôn bán các loại hàng hoá như thuốc lá, bông, với Mỹ ngày càng gia tăng đã giúp cho các cảng ở miền Tây như Glasgow phát triển vượt lên trên những hải cảng cũ kĩ ở miền Đông, trong đó có Kirkcaldy2. Tác phẩm vĩ đại của Smith rồi sẽ ghi lại sự thăng giáng của thương mại và đời sống của những cộng đồng sống nhờ vào nó.

Ngay khi còn ngồi trên ghề nhà trường, ông đã tỏ ra là một người đam mê sách vở và có một trí nhớ phí thường, Ông vào trường Đại học Tổng hợp Glasgow khi vừa tròn 14 tuổi (tuổi bình thường thời đó) và được Francis Hutcheson, một triết gia vĩ đại chuyên về đạo đức học - cũng là một người theo trường phái tự do chủ nghĩa, duy lí, duy lợi, thẳng tính và là một cái gai trong mắt nhà cầm quyền - hướng dẫn và dường như cũng đã tiêm nhiễm cho Smith những tính cách hệt như thế.

Oxford và những biện pháp khuyến khích

Smith có kết quả học tập xuất sắc và đã giành được học bổng của Trường Cao đẳng Balliol, ở Oxford. Năm 1740, vừa tròn 17 tuổi, ông lên ngựa và làm một cuộc hành trình dài đúng một tháng. Nếu thành phố thương mại phát đạt Glasgow đã mở mắt cho cậu bé xuất thân từ khu vực Kirkcldy lạc hậu, thì nước Anh lại có vẻ như một thế giới khác. Ông viết rằng ở đấy có một nền kiến trúc uy nghiêm và những con gia súc béo tốt, khác hẳn với những thứ ở vùng Scotland quê hương ông.

Nhưng hệ thống giáo dục ở Anh lại không tạo được ấn tượng như thể. Thực vậy, nó đã dạy cho ông một bài học quan trọng về sức mạnh của những khuyến khích sai lầm mà ông sẽ liệt kê trong Của cải của các quốc gia. Các thầy giáo ở Oxford nhận lương từ quỹ do các Mạnh Thường Quân ủng hộ chứ không phải từ học phí. Kết quả là, “trong nhiều năm, phần lớn giáo viên bỏ hết mọi việc, thậm chí họ còn chẳng thèm giả đò là đang dạy học nữa3” và cuộc sống ở trường được tổ chức vì “quyền lợi, hay nói đúng hơn, vì sự thoải mái của các giảng viên4”. Việc học tập môn kinh tế của Smith trôi qua rất nhanh.

Nhưng nhờ có thư viện tầm cỡ quốc tế của Balliol mà Smith có thể tự học được các môn như văn học cổ điển Hy Lạp và La Mã, văn học và nhiều môn khác. Ông rời Oxford vào năm 1746, trước khi kết thúc chương trình học bổng và trở về Kirkcaldy. Ông đã dành hẳn hai năm để viết về văn học, vật lí học, logic học và phương pháp khoa học.

Những ngày đầu trên bục giảng

Thông qua những mối quan hệ gia đình, Lord Kames, một luật sư danh tiếng và cũng là một nhà tư tưởng đã mời ông giảng một loạt bài về văn học Anh và triết lí pháp quyền tại Edinburgh. Những bài giảng này đã cho chúng ta thấy rằng ngay từ khi mới hai mươi tuổi, Smith đã phát triển được nhiều ý tưởng chủ yếu của ông (thí dụ như phân công lao động), tức là những ý tưởng sẽ tạo thành căn cứ thiết yếu cho tác phẩm Của cải của các quốc gia được chấp bút sau này.

Các bài giảng đã thu được thành công rực rỡ và là nấc thang cho sự nghiệp của ông sau này. Năm 1751, ông trở lại Glasgow, lần này là để giáng dạy môn logic học, luân lý học, văn học và thuật hùng biện (Không như cách hiểu hiện nay, “thuật hùng biện” lúc đó chỉ có nghĩa là học cách hành văn và giao tiếp mà thôi).

Giáo trình triết học của ông bao gồm thần học, đạo đức học, luật học và chính sách công. Các bài giảng về luật học và chính sách (chỉ còn trong vở ghi chép của sinh viên) chứa đựng nhiều ý tưởng (như hoạt động của hệ thống giá cả, sự bất cập của chủ nghĩa bảo hộ và sự phát triển của các định chế của chính phủ cũng như định chế kinh tế) sẽ xuất hiện gẫn như nguyên vẹn trong tác phẩm Của cải của các quốc gia vài năm sau đó.

Nhưng chính những suy tư của Smith về đạo đức đã quyết định tương lai của ông. Năm 1759, ông cho xuất bản tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức. Cuốn sách rất đặc sắc và độc đáo, giải thích những đánh giá về khía cạnh đạo đức của chúng ta bằng những thuật ngữ của môn tâm lí xã hội. David Hume, một nhà triết học và ngôn ngữ học, bạn của Smith, đã gửi sách cho rất nhiều bạn bè của ông, và một chính khách - ông Charles Townshend - đã có ấn tượng đến mức lập tức mời Smith trực tiếp làm giám hộ cho con riêng của vợ ông, tức là Hầu tước Buccleuch, với mức lương hào phóng, suốt đời, là 300 bảng Anh.

Những chuyến du hành

Mặc dù có một trí tuệ siêu phàm, nhưng để Smith làm giám hộ trực tiếp thì lại dở. Nhà văn James Boswell nói rằng đầu óc ông lúc nào cũng đầy những vấn đề, cho nên ông là người đãng trí khủng khiếp. Mải suy nghĩ, một lần đáng lẽ phải chuẩn bị nước trà thì ông mang bánh mì và bơ ra đãi khách; lần khác, ông đã đi bộ suốt tám dặm, đến tận Munfermine, trước khi nhận ra là mình bị lạc; rồi có lần ông bị ngã xuống mương nước vì không chú ý nhìn đường.

Nhưng hai thầy trò lập tức lên đường sang Pháp. Du hành cũng là một phần trong chương trình học tập của các nhà quý tộc trẻ thời đó. Ở Paris, họ gia nhập nhóm khách khứa rất sôi động của David Hume, ông này lúc đó đang là thư kí riêng của đại sứ Anh tại Pháp. Nhưng Smith nói tiếng Pháp rất kém và ông cảm thấy khó tiếp xúc được với những người khác. Chán nản, ông bảo với Hume: “Để giết thời gian, tôi bắt đầu viết một cuốn sách5”. Đấy chính là cuốn Của cải của các quốc gia.

Trên những chặng đường tiếp theo, qua miền Nam Pháp, sang Geneva và trở về Paris, Smith thu thập hết sự kiện này đến sự kiện khác về văn hóa, về chính quyền, về thương mại, về quản lí và đời sống kinh tế ở châu Âu và suy nghĩ về sự khác nhau với những sự kiện như thế ở quê hương ông. Những cuộc thảo luận với các danh nhân hàng đầu của châu lục càng làm cho những tư tưởng, được ông trình bày trong tác phẩm vĩ đại của mình, thêm sâu sắc hơn.

Của cải của các quốc gia

Hai thầy trò quay lại London vào năm 1766. Smith trở về định cư ở Kirkcaldy, bây giờ ông đã có đủ tiền mua một ngôi nhà trên phố High Street, để cho mẹ và người em họ tên là Janet ở cùng. (Smith dành hết tình cảm cho mẹ cho đến khi bà qua đời vào năm 1784. Ông không bao giờ lấy vợ, mặc dù rõ ràng là ông đã từng gắn bó với “một người phụ nữ trẻ đầy nhan sắc và tài năng6”.)

Ông sống ở Kirkcaldy trong một thời gian dài, chuyên tâm vào việc viết lách, sửa chữa và trau chuốt bản thảo; sức khoẻ của ông, vì vậy, cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng ông cũng đã quay lại sống ở London trong một thời gian khá dài, từ năm 1773 đến năm 1776; trong thời gian này ông đã có dịp giao du với những bộ óc lớn, trong đó có hoa sĩ Sir Joshua Reynolds, nhà cổ sử Edward Gibbon, các chính khách cấp tiến Edmund Burke, Boswell và ngay cả nhà biên soạn từ điển Samuel Johnson (mặc dù bất đồng quan điểm).

Rốt cuộc, Của cải của các quốc gia được xuất bản vào tháng 3 năm 1776. Nó đã tạo được thành công lớn về mặt thương mại, được tái bản mấy lần và chỉ trong vòng vài năm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó còn là một thắng lợi về mặt thực hành nữa: các hướng dẫn của nó, thí dụ như tự do hoá thương mại, bắt đầu được đưa vào chính sách công.

Cố vấn hải quan

Smith được giao chức Cố vấn hải quan ở Edingburgh với mức lương hậu hĩnh là 600 bảng Anh. Người chỉ trích mạnh mẽ nhất hệ thống hải quan tuỳ tiện và kém hiệu quả của  Anh bây giờ được giao nhiệm vụ cải thiện nó, và ông đã tỏ ra là một người mẫn cán với công việc này7. Ông còn làm cố vấn cho những vấn đế khác nữa, thí dụ như chống lại những hạn chế về thương mại ở Ireland, về những “rối loạn” ở các thuộc địa ở Mỹ. Sau này, Thủ tướng William Pitt đã chấp nhận các nguyên lí do Smith đề xuất trong khi soạn thảo hiệp định thương mại với Pháp và tiến hành cải cách hệ thống thuế khoá.

Smith thích bàn bạc và tranh luận với bạn bè. Tháng 7 năm 1790, trong một buổi chiều như thế ở Edingburgh ông cảm thấy mệt và đi nằm, không quên nói rằng cuộc thảo luận phải được tiếp tục ở một chỗ khác. Ông mất sau đó mấy ngày và được chôn cất trong nghĩa địa ở gần ngôi nhà trên phố Canongate của ông.

Chú thích:

(1) T G. E. West, Adam Smith: The Man and His Works, Libery Fund, Indianapolis, IN, 1976, trang 31.

(2) R. H. Campbell và A. S. Skinner, Adam Smith, Croome Helm, Londn, 1982, trang 9-10.

(3) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương I, Phần III, mục II, trang 761, đoạn F8.

(4) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương I, Phần III, mục II, trang 764, đoạn F15.

(5) Thư gửi David Hume, ngày 5 tháng Sáu năm 1764.

(6) D. Stewart, Cuộc đời và tác phẩm của Tiến sĩ luật học Adam Smith, 1794. Nhà xuất bản Glasgow, tập III, ghi chú K., trang 349-50.

(7) H. Campbell and A. S. Skinner, Adam Smith, Croome Helm, London, 1962, trang 200-203.

Nguồn: Eamonn Butler (2007). Khảo lược Adam Smith. Phạm Nguyên Trường dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: "Adam Smith-A Primer" (2007)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường