[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 4)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 4)

LIỆU CÓ THỂ SO SÁNH CÁC KHOẢN CHI CÔNG CỘNG CỦA HOA KÌ VÀ CỦA PHÁP KHÔNG

Phải xác lập hai điểm để có thể đánh giá được tầm cỡ những gánh nặng công cộng: tài phú quốc gia và thuế. -Ta không sao biết chính xác tài sản và chi phí của nước Pháp. − Vì sao cũng không hi vọng biết rõ tài sản và chi phí của Hoa Kì. − Công việc tìm tòi của tác giả để biết bang Pennsylvania đóng bao nhiêu thuế. − Những dấu hiệu chung có thể dựa vào để nhận biết được tầm cỡ những gánh nặng của một quốc gia. − Kết quả xem xét việc này tại Hoa Kì.

Thời gian gần đây, người ta rất chú trọng so sánh các chi phí công cộng ở Hoa Kì và ở Pháp. Tất cả những công trình đó đều không đem lại kết quả, và tôi cho rằng chỉ nói vài lời là đủ để chứng minh vì sao.

Để có thể đánh giá được tầm cỡ những gánh nặng công cộng của một quốc gia, cần thiết tiến hành hai việc: trước hết phải biết xem quốc gia đó giàu nghèo tới đâu, và sau đó tìm xem tỉ lệ bao nhiêu trong tài phú đó được đem dùng cho chi phí quốc gia. Ai mà định đi tìm xem người ta đóng bao nhiêu thuế mà không chỉ ra được tầm cỡ nguồn lực dẫn tới việc đóng thuế đó hẳn sẽ lao vào một công việc không mang lại kết quả gì. Bởi vì không phải là chuyện chi tiêu, mà cái đáng để ta tìm biết chính là vấn đề tương quan giữa chi tiêu và thu nhập.

Cũng cái khoản thuế mà một người đóng thuế giàu có dễ dàng chấp nhận sẽ dẫn đến một người nghèo biến thành một kẻ khốn cùng.

Sự giàu có của một quốc gia gồm nhiều thành tố: trước hết là các bất động sản, sau đó là các động sản.

Khó mà biết được rằng một quốc gia có được bao nhiêu đất canh tác và giá trị tự nhiên hoặc giá trị được tạo ra của nó. Càng khó khăn hơn là việc đánh giá động sản của cả nước. Do tính chất đa dạng và do số lượng nhiều, các động sản tuột khỏi mọi nỗ lực phân tích.

Vì thế mà ta thấy những quốc gia văn minh kì cựu nhất của châu Âu, nơi có nền hành chính tập trung hoá, thì cho tới nay những nước này vẫn chưa xác lập được chính xác tình trạng tài sản của nước mình.

Ở Mĩ, người ta thậm chí không nghĩ đến việc thử làm công việc đó. Mà làm sao người ta có thể tự ru ngủ là sẽ thành công trong việc đó ở một xứ sở mới toanh, nơi xã hội vẫn còn chưa ổn định dứt khoát, nơi chính quyền quốc gia vẫn chưa như ở nước ta có vô số nhân viên thừa hành cho nó chỉ huy làm mọi việc trong cùng một lúc, nơi cuối cùng công tác thống kê chưa được chăm lo tử tế bởi vì chẳng có một người nào có tài thu thập các tư liệu hoặc có thời gian đọc các tư liệu thu thập được ấy?

Vậy là ta không có được những yếu tố tạo thành các con tính của mình. Chúng ta không biết được tài sản so sánh giữa nước Pháp và Hoa Kì. Ta chưa biết được sự giàu có của nước này tới đâu, còn với nước kia thì lại chưa có phương tiện điều tra nghiên cứu.

Song tôi tạm thời đồng ý tách điều kiện cần thiết để tiến hành so sánh này ra. Tôi chưa cần biết vội về mối quan hệ giữa thuế và thu nhập, và tôi chỉ xem xét vấn đề thuế đã.

Bạn đọc rồi sẽ thấy rằng, tuy thu hẹp phạm vi tìm tòi lại, công việc cũng chẳng vì thế mà trơn tru hơn đâu.

Tôi không hề hồ nghi rằng chính quyền trung ương nước Pháp, được cả bộ máy công chức họ có trong tay giúp rập, cũng vẫn chưa biết chính xác tổng số thuế trực thu hoặc gián thu các công dân nước mình phải gánh là bao nhiêu. Nhưng những việc đó mà một con người riêng lẻ không thể làm xuể, thì bản thân chính phủ Pháp cũng không làm xong, hoặc ít ra là họ chưa cho biết kết quả tới đâu. Chúng ta biết gánh nặng chi phí của nhà nước; chúng ta biết toàn bộ các chi phí ở các quận huyện; chúng ta chưa biết tình hình đó ở các xã ra sao; và bây giờ đây, chẳng ai có thể đoan chắc những chi phí công cộng đó ở Pháp là bao nhiêu.

Nếu bây giờ quay lại nước Mĩ, ta càng thấy khó khăn nhiều hơn và không thể khắc phục nổi. Liên bang cho tôi biết chính xác chi phí của mình lên đến bao nhiêu rồi lại cho tôi biết ngân quỹ riêng của cả hai mươi tư bang. Thế nhưng ai đây sẽ cho tôi biết các công dân đã chi tiêu bao nhiêu cho công việc hành chính ở quận và [công] xã?

Quyền lực Liên bang không thể vươn xa tới độ bắt buộc chính quyền địa phương làm sáng tỏ điểm này. Và ngay cả khi các cấp chính quyền đó có hợp tác với chúng ta, thì tôi vẫn nghi rằng họ khó có thể làm chúng ta thoả mãn. Không phải là do khó khăn tự nhiên của công việc này đâu, tổ chức chính trị của đất nước sẽ chống đối lại thành tựu của các cấp chính quyền này. Các cán bộ tư pháp của [công] xã và của quận không do các cấp hành chính của bang cắt cử ra và chẳng phụ thuộc vào các vị này. Vậy là ta có quyền tin rằng nếu bang muốn thu thập thông tin cần thiết cho chúng ta, thì chính họ gặp những trở ngại lớn nằm trong sự cẩu thả của công chức cấp dưới mà họ buộc phải sử dụng.

Cũng vô ích nữa là đi tìm những nghiên cứu (so sánh chi phí công cộng) của người Mĩ như chúng ta đã làm, vì cho tới nay họ chẳng làm gì theo kiểu đó.

Vậy là hiện nay ở Mĩ hoặc ở châu Âu không một ai có thể cho ta biết mỗi năm người công dân Liên bang Mĩ chịu gánh nặng chi tiêu thực sự cho xã hội là bao nhiêu.

Cũng như việc so sánh hai nền tài phú, còn có những kết luận khó rút ra mà có kết quả, đó là so sánh giữa chi phí xã hội ở Mĩ và ở nước ta. Tôi nói thêm có thể còn nguy hiểm nếu thử tìm cách so sánh điều đó. Khi nền thống kê không có cơ sở đúng đắn chặt chẽ, nó làm ta lạc đường hơn là chỉ đường cho ta. Đầu óc con người dễ bị lạc theo những vẻ chính xác sai lầm ở đúng những chỗ nó đi chệch, và ta yên tâm nằm ngủ mà mở mắt nhìn những sự thật sai lạc được mang vỏ bọc toán học.

Vậy thì ta hãy từ bỏ các con số và thử tìm chứng cứ ở chỗ khác.

Một quốc gia có lộ ra cái vẻ thịnh vượng vật chất không; sau khi nộp thuế cho nhà nước, người nghèo có còn giữ lại được nguồn sống không và người giàu có giữ lại được chỗ dư thừa không; cả người giàu lẫn người nghèo có tỏ ra thoả mãn với số phận mình và mỗi ngày lại tìm cách cải thiện nó lên nữa không, để cho vốn liếng không lúc nào thiếu cho sự phát triển công nghiệp, và đến lượt nó nền công nghiệp lại không bao giờ thiếu phát triển để gọi thêm vốn liếng: đó là những dấu hiệu mà nếu thiếu tư liệu tích cực ta có thể cầu viện đến để hiểu rõ phải chăng các gánh nặng công cộng đè lên vai nhân dân có tương đồng với tình trạng giàu nghèo của họ.

Nhà quan sát nếu bám vào những chứng cứ đó hẳn sẽ đánh giá rằng người dân của Hoa Kì góp cho Nhà nước một phần nhỏ hơn thu nhập của họ so với người dân Pháp.

Nhưng có cách nào để ta có thể quan niệm rằng sự việc còn có thể khác đi?

Một phần nợ của nước Pháp là do có hai cuộc xâm lăng; còn Liên bang Mĩ thì không lo gì chuyện đó. Vị trí của chúng ta bắt buộc ta phải duy trì đều đặn một số quân thường trực; sự cách li của Hoa Kì cho phép họ chỉ giữ gần 6.000 lính thôi. Chúng ta duy trì gần 300 hạm thuyền, người Mĩ chỉ có 52. Làm cách nào người dân của Hoa Kì lại có thể chi cho nhà nước ngang bằng người dân nước Pháp?

Vậy là chẳng làm cách nào có thể so sánh nền tài chính của hai quốc gia có điều kiện cách xa nhau đến thế.

Chỉ có cách quan sát những gì xảy ra trong Liên bang Mĩ, chứ không phải là dùng cách so sánh hai nước, mà chúng ta có thể đánh giá xem liệu nền dân trị Mĩ có thực sự tiết kiệm không.

Tôi xem xét từng nước cộng hoà tạo thành Liên bang, và tôi thấy chính quyền của họ lắm khi thiếu kiên trì trong các ý đồ, và họ chẳng kiểm soát liên tục những con người họ sử dụng [trong bộ máy chính quyền]. Từ đó tôi rút ra một hệ quả là họ thường phải chi tiêu một cách vô ích tiền bạc của người đóng thuế, hoặc là họ chi tiêu cho các công trình nhiều hơn mức độ cần thiết.

Tôi thấy rằng, trung thành với gốc gác nhân dân, nhà nước Mĩ nỗ lực ghê gớm để thoả mãn các nhu cầu của những tầng lớp bên dưới của xã hội đặng mở cho họ con đường quyền lực và làm lan toả trong lòng các tầng lớp này cuộc sống ấm no hạnh phúc và trí tuệ sáng láng. Nhà nước này bảo dưỡng người nghèo, hàng năm phân phát hàng triệu dollar cho nhà trường, nó chi trả mọi dịch vụ và trả lương rộng rãi từng tác nhân nhỏ nhặt nhất. Nếu một cách điều hành chính quyền như thế có vẻ như hữu ích và hợp lí, thì tôi cũng bắt buộc phải thừa nhận là nó hao tiền tốn của.

Tôi thấy đó là cách người nghèo điều hành việc công và nắm quyền sử dụng nguồn lực quốc gia. Lợi dụng các chi phí của nhà nước, tôi không thể tin được rằng cách thức đó của người nghèo lại không lôi theo những chi phí mới khác nữa.

Vậy nên, chẳng cần viện đến những con số không đầy đủ, và cũng chẳng muốn dùng cách so sánh ngẫu nhiên, tôi kết luận rằng chính quyền dân trị của người Mĩ, không như người ta đôi khi vẫn nghĩ, chẳng phải là một chính quyền tiêu pha ít tiền bạc. Và tôi cũng không ngại tiên báo rằng, nếu như có một ngày nào đó có những lúng túng lớn đến bủa vây con người ở Hoa Kì, chắc là ta sẽ thấy họ nâng mức đóng thuế lên cao ngang với phần lớn các nhà nước quý tộc trị hoặc quân chủ ở châu Âu.

VỀ NẠN HỦ HOÁ VÀ TẬT XẤU CỦA NHỮNG NGƯỜI CẦM QUYỀN TRONG NỀN DÂN TRỊ; NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU ĐÓ ĐẾN ĐẠO ĐỨC DÂN CHÚNG

Trong các nền quý tộc trị, những người cầm quyền đôi khi cũng tìm cách hủ hoá người khác. − Thường khi trong các nền dân trị những người cầm quyền tỏ ra chính họ bị hủ hoá. − Trong trường hợp các nền quý tộc trị, các tật xấu tấn công trực tiếp vào đạo đức nhân dân. − Trong trường hợp các nền dân trị, chúng tạo ra cái ảnh hưởng gián tiếp lại còn đáng sợ hơn nhiều.

Quý tộc trị và dân trị thường lời qua tiếng lại đổ cho nhau là tạo thuận lợi cho tình trạng hủ hoá. Ta cần phân biệt cho rõ:

Trong các chính quyền quý tộc trị, những con người nắm được quyền hành là những người giàu chỉ ước vọng quyền lực mà thôi. Trong các chính quyền dân trị, chính khách đều là người nghèo và đang còn phải xây dựng cơ nghiệp.

Vì thế mà, trong các nhà nước quý tộc trị, những người cầm quyền ít dính vào sự hủ hoá và chỉ thích thú rất vừa phải đối với chuyện tiền bạc, trong khi lại xảy ra điều trái ngược đối với các quốc gia dân trị.

Nhưng, trong các nền quý tộc trị, những người muốn đứng đầu công chuyện đều có tài sản lớn, mà số lượng những người có thể đạt tới mục tiêu đó lắm khi lại bị bó hẹp trong những giới hạn nhất định, nên chính quyền như thể bị đem bán đấu giá. Ngược lại, trong các thể chế dân trị, những người tìm đường đến với quyền lực hầu như không khi nào là người giàu, và số lượng người chạy đua vào đó bao giờ cũng rất lớn. Rất có thể là trong các nước theo thể chế dân trị cũng chẳng thiếu người để đem ra rao bán, nhưng ở đó hiếm có người đi mua. Vả chăng, muốn tới đích thì lại phải mua quá nhiều người.

Trong số những người chiếm được quyền lực ở Pháp trong bốn chục năm qua, nhiều người bị lên án đã tạo ra tài sản riêng nhờ nhà nước và các đồng minh. Đó là lời trách móc hiếm khi thấy có đối với những “người nhà nước” trong chế độ phong kiến xưa. Nhưng ở Pháp hầu như không có vụ nào người ta mua phiếu của cử tri bằng tiền, trong khi chuyện này được diễn ra công nhiên ở Anh.

Tôi chưa khi nào nghe nói là ở Hoa Kì người ta đã dùng tài sản của mình để mua chuộc người dân bị cai trị; nhưng thường khi tôi thấy hoài nghi sự trung thực của các công chức. Nhiều khi tôi còn thấy người ta gán cho nguyên nhân thành công của các công chức là do những mưu đồ thấp hèn hoặc do những vụ thao túng mang tính tội phạm.

Vậy thì, nếu có khi nào những người điều hành nền quý tộc trị tìm cách làm hủ hoá những người bị cai trị, thì chính những người đứng đầu các nền dân trị lại tỏ ra là đã bị hủ hoá. Trong trường hợp thứ nhất (quý tộc trị) người ta công kích trực diện vào đạo đức nhân dân, còn trong trường hợp kia (dân trị) người ta tạo ra trong ý thức công chúng một tác động gián tiếp đáng sợ hơn nhiều lắm.

Tại các quốc gia dân trị, những người đứng đầu nhà nước, vốn là những kẻ bao giờ cũng là chỗ cho thiên hạ chĩa mũi dùi nghi ngờ vào, có vẻ như có dùng quyền lực để trụ đỡ những tội phạm bị mọi người lên án. Đó là những tấm gương nguy hiểm đối với cái đạo đức đang còn lộ diện và tạo ra chỗ để so sánh rất thuyết phục với cái tật xấu đang còn ẩn mặt.

Kệ cho người ta tha hồ cứ nói rằng những đam mê bất lương thì ở cấp nào cũng có; có khi chúng còn leo lên tận ngai vàng bằng con đường cha truyền con nối; vì thế mà ta có thể bắt gặp những con người cực kì đáng khinh đứng đầu những quốc gia quý tộc trị cũng như trong lòng các quốc gia dân trị.

Câu trả lời này chẳng hề làm tôi thoả mãn: trong sự hủ hoá của những con người ngẫu nhiên leo được vào chốn quyền lực, người ta thấy cái gì đó thô lậu và tầm thường khiến cho đám đông công chúng dễ bị lây nhiễm; ngược lại ngay trong sự hủ bại của các đại vương tôn vẫn có cái gì đó cao đạo thường khiến cho nó không thể lây lan.

Nhân dân chẳng thể nào thâm nhập vào được chốn thâm cung ngoắt ngoéo của tinh thần triều chính. Nhưng nhân dân vẫn cứ thấy được sự hạ tiện ẩn dấu dưới vẻ kiểu cách sang trọng, ẩn trong các thị hiếu và trong cung cách nói năng uốn éo. Nhưng ăn cắp quỹ công, hoặc đem bán những ân huệ nhà nước để lấy tiền, thì kẻ khốn cùng nào cũng biết ngay điều đó và nghĩ rằng mình rồi cũng có lúc sẽ làm được như vậy.

Vả chăng điều đáng quan ngại, đó không phải là chỗ thấy hết sự vô đạo đức của những kẻ bề trên mà là cái vô đạo đức dẫn được tới sự vĩ đại. Trong nền dân trị, những công dân bình thường nhìn thấy một ai đó từ hàng ngũ mình bước lên và sau vài ba năm đã giàu sụ và quyền thế. Cảnh đó kích thích họ ngạc nhiên và ganh tị. Họ tìm hiểu xem vì sao cái người kia bữa hôm qua còn ngang bằng với họ mà hôm nay đã được giao cho cái quyền điều khiển họ. Gán cho sự leo cao đó là vì tài năng hoặc đức hạnh thì không tiện vì như vậy là thừa nhận chính mình kém đức hạnh và kém khéo kém khôn. Thế là người ta tìm nguyên nhân chủ yếu trong một số tật xấu của người kia, và lắm khi họ cũng có lí đấy. Thế là diễn ra cái ý tưởng coi là có sự hoà trộn nhau giữa hạ tiện và quyền lực, giữa vô phẩm giá và thành đạt, giữa hữu dụng và vô danh dự.

NỀN DÂN TRỊ CÓ KHẢ NĂNG LÀM NHỮNG VIỆC LỚN GÌ

Liên bang chỉ đấu tranh có một lần cho sự tồn tại của mình. − Lòng nhiệt tình hồi bắt đầu cuộc chiến tranh giành độc lập. − Nguội lạnh dần vào cuối giai đoạn. − Khó khăn trong việc xây dựng ở Mĩ chế độ quân dịch chung hoặc chế độ quân dịch Hải quân. − Vì sao một quốc gia dân trị lại có những nỗ lực kém liên tục hơn một quốc gia khác.

Tôi xin báo trước với bạn đọc rằng ở đây tôi đang nói đến một chính quyền làm theo đúng ý nguyện thực sự của nhân dân, chứ không phải một chính quyền chỉ biết có mỗi một việc là đứng ra chỉ huy nhân danh nhân dân.

Không có gì khó cưỡng lại bằng việc một quyền lực tàn bạo lại nhân danh nhân dân mà đứng ra chỉ huy xã hội, bởi vì khi được đem khoác cho bộ áo đạo đức là nó thuộc về ý chí đa số, chính quyền đó cũng hành động một cách quyết đoán, kịp thời và kiên trì như do một người vậy.

Thực là khó khi nói rằng một chính quyền dân trị có khả năng làm việc lớn đến mức nào vào lúc đất nước đang ở thời khủng hoảng quốc gia.

Cho tới nay, chúng ta chưa từng được thấy một nước cộng hoà dân chủ cỡ lớn. Gọi cái nhà nước do một nhóm thiểu số chính trị cầm quyền ở nước Pháp năm 1793 là nước cộng hoà sẽ là một sự phỉ nhổ đối với danh hiệu cộng hoà. Chỉ có Hoa Kì mới đúng là cái quang cảnh mới mẻ kia.

Vậy mà, kể từ nửa thế kỉ nay kể từ khi Liên bang Mĩ quốc ra đời, mới chỉ có một lần sự tồn tại của nó bị đặt thành vấn đề, đó là thời điểm chiến tranh giành Độc lập. Hồi bắt đầu cuộc chiến tranh lâu dài đó, đã có những nét bộc lộ lòng nhiệt thành lạ lùng của những con người đăng lính bảo vệ tổ quốc. Nhưng khi cuộc chiến đấu càng kéo dài, ta lại thấy xuất hiện tính vị kỉ thường tình có từ xưa: tiền bạc không đổ về công khố nữa. Người ta không đến đăng lính nữa. Nhân dân vẫn muốn có độc lập, nhưng nhân dân lui bước trước những biện pháp giành độc lập. “Chúng tôi vô vọng gia tăng mức thuế và thử nhiều biện pháp thu thuế, Hamilton viết trên tờ Fédéraliste (số 12), nhưng càng ngày càng thất vọng trước sự đáp ứng của công chúng, thế mà ngân khố thì đã rỗng. Những hình thức hành chính dân chủ, những thứ gắn bó cố hữu với bản chất dân chủ của chính quyền chúng tôi, phối hợp với sự khan hiếm vàng để bảo hành giá trị đồng tiền do tình trạng thương mại đình đốn, đã khiến cho tới tận bây giờ vẫn khó có thể thu được những khoản tiền lớn từ thuế. Các giới lập pháp cuối cùng đã nhận thấy sự điên rồ của những việc làm thử như vậy.”

Kể từ thời kì đó, Hoa Kì không phải lo đeo đuổi một cuộc chiến tranh nghiêm trọng nào nữa.

Muốn đánh giá xem các nền dân trị biết cách hi sinh ra sao, phải đợi đến lúc nước Mĩ bị bắt buộc trao vào tay chính quyền của mình một nửa số sản phẩm thu nhập, như nước Anh đã làm, hoặc là phải ném một phần hai mươi dân số ra chiến trường, như nước Pháp đã làm.

Ở nước Mĩ, người ta không biết đến chế độ quân dịch. Người ta dùng tiền để nhận người vào quân ngũ. Việc cưỡng bức đầu quân là hoàn toàn trái với tư tưởng và hết sức xa lạ với thói quen của người dân Hoa Kì, mà tôi vẫn ngờ rằng chẳng khi nào có ai dám đưa chuyện đó thành luật pháp. Cái ở Pháp ta gọi là quân dịch chắc chắn là thứ thuế nặng nhất trong các loại thuế; nhưng không có quân dịch làm sao chúng ta có thể đeo đuổi một cuộc chiến tranh quy mô cỡ lục địa?

Người Mĩ chẳng chấp nhận ở nước họ chế độ thắt lưng buộc bụng như người Anh. Họ chẳng có gì giống như việc chế độ quân dịch Hải quân của chúng ta. Hải quân của nhà nước, cũng như đoàn thương thuyền biển ở Mĩ đều được tuyển mộ theo lối tình nguyện.

Thế mà, thật khó có thể quan niệm một quốc gia lại có khả năng đeo đuổi một cuộc chiến tranh lớn trên biển mà không cần đến hai phương tiện vừa nói trên: vậy mà Liên bang lại chiến đấu vinh quang trên biển, và Liên bang lại không hề có hạm đội đông đúc, và trang bị cho hạm đội bé nhỏ lại rất tốn kém.

Tôi từng được nghe những chính khách Mĩ thú nhận rằng Liên bang sẽ khó mà giữ được vị trí của mình trên biển nếu nó không cầu viện đến báo chí hoặc đến việc đăng kí quân dịch Hải quân. Nhưng cái khó là làm sao bắt buộc được nhân dân, là người nắm chính quyền, phải thắt lưng buộc bụng và phải chịu làm quân dịch trong Hải quân.

Không thể phủ nhận là nói chung vào những lúc hiểm nguy, các dân tộc tự do đốt cháy một năng lượng vô cùng lớn so với các dân tộc không tự do, nhưng tôi cũng cho rằng chuyện này chỉ xảy ra với các dân tộc tự do mà yếu tố quyền lực thống trị lại là quý tộc. Tôi cảm thấy nền dân trị thích hợp hơn nhiều cho việc điều hành một xã hội yên bình, hoặc khi cần thiết thì có thể có một nỗ lực mạnh mẽ chớp nhoáng, hơn là hứng chịu trong thời gian dài những bão táp lớn của đời sống chính trị của quốc gia. Nguyên nhân của chuyện đó thật dễ hiểu: con người hứng chịu hiểm nguy và thiếu thốn do vui vẻ nhiệt thành, nhưng chịu đựng như vậy lâu dài lại chỉ do phản xạ. Trong bản thân sự dũng cảm bản năng có nhiều tính toán hơn là ta vẫn tưởng; và cho dù có thể chỉ riêng các đam mê cũng đủ khiến con người có những nỗ lực to tát, song nói chung những nỗ lực ban đầu là do con người ta nhìn vào cái thành tựu mà hành động. Người ta liều hi sinh một phần cái gì quý giá để có được mọi cái gì còn lại.

Vậy mà thường thường cái bị thiếu ở nền dân trị ấy là sự tri giác tỏ tường cái tương lai có cơ sở lí trí sáng suốt và trải nghiệm. Nhân dân cảm nhận giỏi hơn là suy lí. Và nếu như nhìn thấy những cái tồi tệ hiện tại to tát, cần đề phòng việc nhân dân quên mất những điều tồi tệ lớn lao hơn có thể đang đợi họ một khi họ bị thất bại.

Còn có một nguyên nhân nữa khả dĩ làm cho một chính quyền dân trị không thể kéo dài những nỗ lực của họ so với một chính quyền quý tộc trị.

Nhân dân không những có cách nhìn kém sáng suốt so với các tầng lớp bên trên trong những hi vọng hoặc đề phòng cho tương lai, mà nhân dân còn có cách chịu đựng những điều tồi tệ đang hiện hữu rất khác với tầng lớp trên. Nhà quý tộc, bằng cách phơi thân mình trước hiểm nguy, đứng trước những khả năng ngang nhau về vinh quang và tai hoạ. Khi trao cho nhà nước phần lớn thu nhập của mình, kẻ quý tộc nhất thời đứng trước sự thiếu thốn những thú vui do giàu sang đem lại; nhưng với người nghèo thì cái chết chẳng có gì khiến họ sợ đến hoa cả mắt, trong khi khoản thuế phải nộp được nhà giàu coi như gãi ngứa thì với nhà nghèo lại là cả nguồn sống của họ.

Sự yếu kém tương đối đó của các nước cộng hoà dân chủ, đến thời điểm khủng hoảng, lại có thể trở thành trở ngại to lớn hơn cả chống lại cái gì tương tự mà một nền cộng hoà làm được ở bên châu Âu. Để cho một nền cộng hoà dân chủ có thể tồn tại dễ dàng trong một quốc gia châu Âu, cần phải làm sao cho chế độ đó được thiết lập đồng thời ở tất cả các quốc gia khác nữa.

Tôi tin rằng về lâu về dài chính quyền dân trị cần gia tăng những thế mạnh thực tế của xã hội. Nhưng nó không sao có thể hội tụ được vào một điểm và vào một thời gian xác định biết bao nhiêu thế mạnh mà một chính quyền quý tộc trị hoặc quân chủ có thể làm được. Nếu một quốc gia dân trị tồn tại được trong một thế kỉ theo thể chế dân chủ cộng hoà, có thể tin chắc là sau một trăm năm nó sẽ giàu hơn, dân đông hơn và thịnh vượng hơn những nhà nước độc trị láng giềng; thế nhưng trong một trăm năm đó, hẳn là nó sẽ nhiều lần đứng trước nguy cơ bị các nước láng giềng kia xâm chiếm.

VỀ QUYỀN LỰC TÁC ĐỘNG CHUNG CỦA NỀN DÂN TRỊ MĨ LÊN CHÍNH NÓ

Nhân dân Mĩ chỉ sẵn sàng cho tương lai xa, và đôi khi họ từ chối làm điều gì có lợi cho cuộc sống hạnh phúc của mình. − Khả năng của người Mĩ phạm những sai lầm có thể sửa chữa được.

Có thể quan sát thấy ở Hoa Kì trong từng việc nhỏ nhặt nhất nỗi khó khăn của một nền dân trị khi phải chiến thắng những đam mê và nhấn chìm những nhu cầu tức thời để hướng tới tương lai.

Nhân dân, bao quanh là những kẻ phỉnh nịnh họ, khó mà có thể chiến thắng được chính mình. Mỗi khi muốn làm cho nhân dân phải chịu một chút thiếu thốn hoặc một sự khó chịu nào đó, ngay cả vì một mục tiêu hợp với lí trí con người, thì hầu như bao giờ nhân dân cũng từ chối cái đã. Người ta khoe khoang đúng lí rằng người Mĩ phục tùng luật pháp. Cần phải thêm rằng, ở Mĩ việc luật pháp là do nhân dân và vì nhân dân. Ở Hoa Kì luật pháp tỏ ra có lợi cho những ai ở khắp mọi nơi có nhiều lợi ích hơn cả trong việc vi phạm luật pháp. Vì vậy mà ta cũng có quyền tin rằng một bộ luật làm cho mọi người khó chịu, và phe đa số không nhận thấy nó có ích ngay lúc này, thì sẽ không được thông qua hoặc có thông qua cũng không được tuân thủ.

Ở Hoa Kì không có luật pháp liên quan đến những vụ phá sản giả mạo. Có phải vì ở đó không có chuyện phá sản? Không phải, mà ngược lại là vì bên đó có rất nhiều vụ phá sản. Trong tư tưởng phe đa số, nỗi lo sợ bị đưa ra toà vì phá sản còn to hơn là bị sạt nghiệp vì phá sản. Và trong ý thức công chúng có một thứ khoan dung tội lỗi đối với cái tội phạm mà riêng rẽ từng con người ai cũng lên án.

Trong các bang mới ra đời ở miền Tây Nam, công dân bao giờ cũng tự mình làm luật với nhau, và các vụ giết người diễn ra luôn luôn. Cái đó có nguyên nhân trong thói quen quá thô lậu của con người ở đó, và ánh sáng trí tuệ lại kém lan toả trong các vùng hoang mạc ấy, khiến cho mọi người ít thấy nhu cầu tăng cường luật pháp: ở đó người ta vẫn ưa đấu súng với nhau hơn là kiện nhau.

Có một bận tại Philadelphia một người nói với tôi rằng mọi tội ác ở Mĩ đều có nguyên nhân là rượu mạnh, thứ được người dân dưới đáy xã hội dùng thoả thích vì rượu ở đó bán với giá rất rẻ. Tôi hỏi lại, “Thế vì sao ở đó các ông không ra luật về rượu mạnh?” “Các nhà lập pháp của chúng tôi đều suy nghĩ nhiều về chuyện đó,” ông bạn nói lại, “nhưng công việc đó thật khó. Người ta ngại dân nổi loạn. Với lại những người bỏ phiếu thông qua đạo luật đó chắc là sẽ không được tái đắc cử.” “Vậy thì,” tôi nói tiếp, “ở chỗ ông, những người nốc rượu thuộc phe đa số, và tính ôn hoà chừng mực sẽ không có uy tín trong quần chúng.”

Khi đem chuyện đó nói với các chính khách, họ chỉ trả lời như sau thôi: Hãy để thời gian làm công việc của nó. Cảm nhận về cái tồi tệ sẽ làm cho người dân sáng láng ra và sẽ chỉ cho họ thấy cần phải làm gì. Điều đó nhiều khi đúng: nếu nền dân trị có nhiều cơ may để tự đánh lừa mình so với một ông vua hoặc một tổ chức quý tộc, nó cũng có nhiều cơ may hơn để quay về với chân lí một khi ánh sáng rọi đến, bởi vì nói chung, trong lòng nền dân trị không có những lợi ích trái ngược với lợi ích của phe đa số và đi ngược lại với lí trí. Nhưng nền dân trị chỉ có thể có được chân lí nhờ trải nghiệm, và có nhiều quốc gia không biết đợi chờ kết quả của những điều lầm lạc của mình mà lại không bị diệt vong.

Đặc quyền to lớn của người Mĩ như vậy không chỉ là sáng láng hơn người, mà là có khả năng phạm những sai lầm có thể sửa chữa được.

Ta cần thêm rằng, để có thể dễ dàng lợi dụng bài học kinh nghiệm quá khứ, nền dân trị phải đạt tới một trình độ văn minh và khai sáng nhất định.

Ta thấy có những quốc gia với nền giáo dục cơ bản đầy khiếm khuyết và tính cách con người thì pha trộn đầy đam mê, ngu muội và sự nhận thức mọi điều đều sai với khái niệm, những con người ở đó không đủ khả năng nhận ra nguyên nhân nỗi khốn cùng của mình; họ chết gục dưới những cái xấu mà họ không nhìn nhận ra.

Tôi đã đi ngang những vùng rộng lớn xưa kia là đất đai của những quốc gia Anh điêng bản địa hùng mạnh mà nay không còn tồn tại nữa. Tôi đã ở với những bộ lạc ngày lại ngày bị què quặt đi vì dân số giảm dần và cái vinh quang hoang dại xưa biến mất. Tôi nghe chính họ tiên báo cái số phận cuối cùng dành cho chủng tộc họ. Đúng là chẳng có một người châu Âu nào nhìn thấy mọi người cần làm gì để ngăn cản những con người bất hạnh đó khỏi cuộc tiêu diệt không tránh nổi. Nhưng bản thân những người kia cũng chẳng nhìn ra chuyện đó. Họ cảm thấy những điều tồi tệ từng năm lại tích tụ trên đầu mình, và họ sẽ chết cho tới người cuối cùng và khước từ phương thuốc chữa. Cần dùng đến sức mạnh để bắt ép họ phải sống thôi.

Ta ngạc nhiên khi thấy, từ một phần tư thế kỉ nay, những quốc gia Nam Mĩ mới cứ vùng vẫy giữa hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng nọ, và từng ngày người ta ngóng đợi chúng trở lại cái gọi bằng trạng thái tự nhiên. Nhưng liệu ai có thể khẳng định rằng các cuộc cách mạng thời nay lại không là trạng thái tự nhiên hơn cả của những người Tây Ban Nha ở Nam Mĩ? Ở xứ sở này, xã hội đang quẫy dưới đáy cái vực thẳm mà chỉ dùng sức lực riêng mình thì không sao ngoi lên nổi.

Những con người đang sống trên nửa bán cầu đẹp đẽ kia hình như đang bướng bỉnh tự cắn xé ruột gan mình. Chẳng có cách gì khiến họ không hành động như vậy. Sự kiệt lực khiến họ nghỉ ngơi giây lát, và sự ngừng nghỉ lại khiến họ rơi vào những cơn hung hãn mới. Khi tôi xem xét cái trạng thái xoay chiều giữa sự khốn cùng và tội ác, tôi rất muốn tin rằng một chế độ độc tài sẽ là điều tốt lành cho họ.

Nhưng hai chữ “độc tài” và “tốt lành” đó chẳng khi nào hoà hợp được với nhau trong ý nghĩ của tôi.

VỀ CÁCH THỨC NỀN DÂN TRỊ MĨ ĐIỀU HÀNH NỀN NGOẠI GIAO

Định hướng chính sách đối ngoại Hoa Kì của Washington và Jefferson. − Hầu hết các khuyết tật tự nhiên của nền dân trị được bộc lộ trong việc điều hành công việc đối ngoại, còn các phẩm chất thì ít thấy hiện ra.

Chúng ta đã biết, hiến pháp liên bang giao việc điều hành thường trực các lợi ích bên ngoài đất nước vào tay tổng thống và Thượng viện, điều này khiến cho ở một mức độ nhất định, chính sách chung của Liên bang bị nằm ngoài ảnh hưởng chung và hàng ngày của nhân dân. Vì thế ta khó có thể nói chắc là ở nước Mĩ nền dân trị đang thực sự điều hành công việc đối ngoại của nhà nước.

Có hai con người đã in đậm dấu ấn vào nền chính trị của người Mĩ một định hướng mà bây giờ người ta vẫn theo; người thứ nhất là Washington, còn người thứ hai là Jefferson.

Trong lá thư tuyệt vời sau đây gửi công dân đồng bào, cái tựa hồ như bản di chúc chính trị của vĩ nhân này, Washington nói:

“Mở rộng quan hệ buôn bán của ta với các quốc gia láng giềng, và xác lập càng ít mối dây liên hệ chính trị càng tốt giữa họ với ta, đó phải là nguyên tắc chính sách của ta. Chúng ta phải thực hiện trung thành những cam kết đã có, nhưng phải giữ cho ta không tạo ra những cam kết khác nữa.

Châu Âu có những lợi ích nhất định phù hợp với họ và không có quan hệ hoặc có quan hệ rất gián tiếp với lợi ích của ta. Vậy nên châu Âu thường xuyên phải dính vào những tranh chấp mà theo lẽ tự nhiên chúng chẳng dính dáng gì đến ta cả. Sẽ là hành động không thận trọng nếu bằng những mối liên hệ giả tạo ta gắn mình vào những thăng trầm trong chính sách của châu Âu, nếu ta lao vào các thứ kết hợp bạn thù của họ và phải tham gia vào những cuộc chiến phát sinh từ đó.

Vì ở cách biệt và ở xa châu Âu nên ta cần có đường đi khác hẳn và cứ thế mà đi. Nếu ta tiếp tục là một quốc gia duy nhất có một chính quyền mạnh điều hành, sẽ chẳng còn xa nữa cái thời điểm ta chẳng có gì phải sợ ai hết. Khi đó ta có thể có một thái độ khiến cho thiên hạ tôn trọng tính trung lập của ta. Những nước hiếu chiến, một khi cảm nhận được rằng họ không thể kiếm chác được gì của ta, sẽ sợ và không dám vô cớ khiêu khích ta. Và ta sẽ ở vào cái thế mình chọn lấy hoà bình hay chiến tranh, chẳng cần ai chỉ dẫn hành động của ta ngoài lợi ích của ta và sự công bằng.

Tại sao ta lại đi từ bỏ những ưu thế có được từ một hoàn cảnh tối ưu đến thế? Tại sao ta lại đi từ bỏ một mảnh đất thích hợp với mình để đi lập nghiệp trên một mảnh đất xa lạ? Sau hết, tại sao bằng cách gắn bó số phận ta với số phận một mảnh đất nào đó của châu Âu, để đem trao nền hoà bình và sự thịnh vượng của ta cho tham vọng, cho những chuyện thù nghịch, cho những lợi ích hoặc những đòi hỏi thất thường của các quốc gia sinh sống ở mảnh đất đó?

Nền chính trị thực thụ của ta là không liên minh thường trực với bất kì quốc gia bên ngoài nào, chừng nào ít ra là ta vẫn còn tự do để không phải làm việc đó, vì tôi cũng không muốn ta sẽ thất hứa với những liên minh hiện có. Sự trung thực luôn luôn là đường lối chính trị tốt nhất. Đó là một châm ngôn tôi coi là có khả năng áp dụng trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như giữa các cá nhân. Vì thế tôi cho rằng phải thực hiện hoàn toàn đầy đủ mọi cam kết chúng ta đã có. Nhưng tôi thấy nếu cam kết thêm nữa là vô ích và bất cẩn.

Ta cần đứng ở cái thế và với cái tư cách sao cho người khác phải tôn trọng lập trường của mình, và những liên minh chốc lát sẽ không đủ để giúp ta đương đầu với mọi hiểm nguy.

Trước đó Washington đã nói rõ ý tưởng đẹp đẽ và đúng đắn này: “Quốc gia nào lao vào những trò tình cảm yêu đương quen lệ hoặc những trò hằn thù với quốc gia khác, quốc gia ấy trở thành một thứ nô lệ. Nô lệ cho sự hằn thù hoặc cho tình yêu của chính mình.”

Đường lối chính trị của Washington bao giờ cũng được tiến hành theo các châm ngôn ông đặt ra. Ông duy trì được đất nước trong hoà bình khi toàn thế giới đều có chiến tranh, ông xây dựng cái cốt lõi học thuyết về lợi ích, dĩ nhiên là vì lợi ích của người Mĩ mà không bao giờ được tham gia vào các cuộc tranh chấp nội bộ bên châu Âu.

Jefferson còn đi xa hơn nữa, và đưa vào đường lối chính trị Liên bang câu châm ngôn này nữa: “Người Mĩ không bao giờ được đòi đặc quyền đặc lợi từ các quốc gia bên ngoài, đặng không bao giờ bị buộc chính mình phải trao đặc quyền đặc lợi cho người khác.”

Hai nguyên tắc đó, đúng đắn đến hiển nhiên, và quần chúng nhân dân ai ai cũng thực hiện được, đã giản đơn hoá đến vô cùng nền chính trị đối ngoại của Hoa Kì.

Khi nói Liên bang không nhúng tay vào công việc của châu Âu không có nghĩa là nó chẳng có lợi ích nào ở bên ngoài phải bảo vệ, vì Hoa Kì vẫn chưa có các láng giềng mạnh mẽ ở châu Mĩ. Do vị trí địa lí cũng như do ý chí muốn nằm ngoài những đam mê của Cựu thế giới, Hoa Kì chẳng mong tạo ra được những láng giềng đó cũng như chẳng vơ lấy chúng. Tương lai vẫn còn giấu kín các láng giềng ở Tân thế giới.

Liên bang không bị trói buộc bởi các cam kết có từ trước đó. Vậy là nó lợi dụng kinh nghiệm các quốc gia già cỗi châu Âu nhưng lại không bị bó buộc như họ phải đem bài học quá khứ thích nghi với hiện tại. Cũng giống như các quốc gia đó, Hoa Kì không bị bắt buộc nhận lấy một di sản to đùng do cha ông truyền lại, pha trộn cả vinh quang và cơ cực, hữu nghị và hằn thù. Đường lối đối ngoại của Hoa Kì thật vô cùng tự nhiên như đợi trời cho; nó khoanh tay chờ nhiều hơn là mó tay vào hành động.

Còn bây giờ, thật khó để mà biết được rằng nền dân trị Mĩ khôn khéo ra sao trong điều hành công việc đối ngoại của nhà nước. Về điểm này, cả kẻ thù cũng như bè bạn của nước Mĩ đều không nên phê phán gì hết.

Còn về phần tôi, tôi sẽ không ngần ngại gì mà chẳng nói ra: tôi thấy chính trong khi điều hành công việc đối ngoại của xã hội, các chính quyền dân chủ tỏ ra kém cỏi nhất so với các kiểu chính quyền khác. Hầu như bao giờ cũng vậy, kinh nghiệm, tập tục và sự học hỏi hiểu biết thường tạo ra ở các nền dân trị cái thứ khôn ngoan trong thực tiễn hàng ngày cùng cái khoa học cư xử với những chuyện lặt vặt đời thường có tên gọi là cái thiên lương (bon sens − ND). Riêng cái thiên lương là đủ cho cuộc sống bình thường của xã hội; và với một dân tộc có trình độ giáo dục hoàn thiện, sự tự do dân chủ áp dụng vào công việc nội bộ nhà nước tạo ra nhiều cái tốt đẹp khiến cho những sai lầm của chính quyền dân chủ cũng khó gây ra những điều tồi tệ, Nhưng tình hình không phải bao giờ cũng vậy trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia.

Đường lối đối ngoại hầu như không đòi hỏi đem sử dụng bất kì phẩm chất nào của riêng nền dân trị, mà ngược lại đòi hỏi sự thực hành của hầu hết những phẩm chất nào nó thiếu. Nền dân trị tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực bên trong đất nước. Nó phân bố rộng rãi sự sung túc, nó phát triển đầu óc công cộng. Nó củng cố mạnh mẽ sự tôn trọng luật pháp trong các giai tầng xã hội. Nó củng cố những thứ chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí của quốc gia đối với quốc gia. Nhưng nền dân trị khó mà phối hợp được những chi tiết của một công cuộc to tát, quyết định một ý đồ và kiên trì thực hiện ý đồ đó qua mọi khó khăn trắc trở. Chính quyền đó kém khả năng trong việc kết hợp bí mật các biện pháp và kiên nhẫn chờ đợi kết quả từ đó. Những phẩm chất ấy là đặc biệt của một con người hoặc của một nền quý tộc trị. Ấy thế mà đó lại chính là những phẩm chất khiến cho về lâu về dài một quốc gia, như là một cá thể, thế nào rồi cũng phải chiếm lĩnh lấy.

Nếu như ngược lại ta chỉ chú ý đến những khuyết tật tự nhiên của nền quý tộc trị, ta sẽ thấy những tác động chúng có thể tạo ra hầu như chẳng dễ nhận thấy trong chuyện điều hành công việc đối ngoại của nhà nước. Cái tật xấu cơ bản người ta trách nền quý tộc trị, ấy là nó chỉ làm cho riêng nó, chứ không cho quần chúng nhân dân. Trong đường lối đối ngoại, thật rất hiếm khi giai cấp quý tộc có một lợi ích khác hẳn với lợi ích của nhân dân.

Cái xu thế buộc một nền dân trị trong lĩnh vực chính trị phải tuân theo tình cảm thay vì tuân theo lí lẽ, và bỏ rơi một ý đồ chín muồi từ lâu để thoả mãn cái đam mê chốc lát được thấy khá rõ ở nước Mĩ khi bùng nổ ra cuộc cách mạng Pháp. Khi ấy cũng như bây giờ, những luồng ánh sáng lí trí giản đơn nhất cũng đủ để người Mĩ thấy rằng lợi ích của họ là ở chỗ không dấn thân vào cuộc chiến sẽ làm cho châu Âu đẫm máu còn Hoa Kì thì chẳng tổn thất gì.

Tuy vậy, thiện cảm của nhân dân đối với nước Pháp khi đó đã bộc lộ ra mạnh mẽ đến độ ấy và chỉ nhờ có cái tính cách không thể lung lay của Washington và uy tín rộng rãi của ông trong công chúng thì mới ngăn cản được việc Mĩ tuyên chiến với Anh. Chưa kể là, những nỗ lực thuộc lí trí khô khan của con người vĩ đại này chống lại những đam mê độ lượng nhưng thiếu suy nghĩ của công dân đồng bào mình, chỉ chút nữa thôi, là đã tước đi của ông cái phần thưởng duy nhất xứng đáng cho riêng mình, đó là tình yêu đất nước. Phe đa số khi đó tuyên bố chống lại đường lối của ông, còn toàn dân ủng hộ đường lối khi đó của bọn họ.

Nếu hiến pháp và sự ưu ái của công chúng khi ấy không trao cho Washington cái quyền điều hành công việc đối ngoại của nhà nước, chắc chắn là cả nước đã làm đúng cái điều mà bây giờ họ đang lên án.

Hầu hết các quốc gia đã tác động mạnh đến thế giới, những quốc gia đã đẻ ra, đã đi theo và thực hiện những ý đồ lớn, kể từ thời La Mã cho tới thời người Anh, đều do một nền quý tộc trị điều khiển, làm sao mà ta không khỏi ngạc nhiên vì chuyện đó nhỉ?

Chính là nền quý tộc trị mới có cách nhìn thế giới một cách cố định. Quần chúng nhân dân có thể vì ngu dốt hoặc vì đam mê mà bị mua chuộc; ta có thể “đánh lừa” tư tưởng một vị quân vương và khiến ông ta chao đảo trong các hoạch định. Vả chăng vua thì cũng như mọi người, chẳng phải là con người bất tử. Nhưng một hệ thống quý tộc thì quá đông để có thể bị lôi kéo, nó khá đông để có thể nhượng bộ dễ dàng trước cơn say những đam mê vô lí trí. Một hệ thống quý tộc trị là một con người cứng rắn và sáng láng không hề bị chết.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn