[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 3)
Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Foreign Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.
- Thị trường Tự do Academy
6. Chính sách thuộc địa
Những tính toán và mục tiêu dẫn dắt chính sách thuộc địa của các cường quốc châu Âu kể từ ngày có những khám phá vĩ đại trái ngược hoàn toàn với tất cả các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do. Tư tưởng căn bản của chính sách thuộc địa là sử dụng tính ưu việt về mặt quân sự của người da trắng đối với những sắc dân khác. Người châu Âu, nắm trong tay tất cả các loại vũ khí và trang thiết bị của nền văn minh, xông lên chinh phục các dân tộc yếu hơn, cướp bóc tài sản của họ và biến họ thành những người nô lệ. Người ta đã tìm cách biện hộ và che đậy động cơ đích thực của chính sách thuộc địa bằng cách nói rằng mục tiêu duy nhất là tạo điều kiện cho những dân tộc bán khai được hưởng thành quả của nền văn minh châu Âu. Ngay cả nếu công nhận đấy đúng là mục đích của chính phủ khi đưa quân tới những khu vực xa xôi trên thế giới thì người theo chủ nghĩa tự do cũng cho rằng chẳng có cơ sở nào để coi thuộc địa hóa là hữu ích. Cứ cho là chúng ta tin rằng nền văn minh châu Âu ưu việt hơn các bộ lạc bán khai ở châu Phi hay nền văn minh châu Á - mặc dù châu Á cũng rất đáng tôn trọng - nhưng nền văn minh châu Âu cũng phải chứng tỏ tính ưu việt của nó bằng cách khuyến khích các dân tộc đó tự nguyện áp dụng. Việc nền văn minh châu Âu chỉ có thể được truyền bá bằng khỏi lửa và giáo gươm có phải là bằng chứng đáng buồn nhất về sự bất lực của nó không?
Lịch sử không có chương nào đẫm máu hơn là chương viết về chế độ thuộc địa. Máu đã chảy một cách vô ích và vô nghĩa. Nhiều vùng đất xanh tươi trở thành hoang hóa, nhiều dân tộc bị giết hại hoặc xóa sổ hoàn toàn. Không thể nào che đậy hay biện hộ được. Người châu Âu nắm quyền cai trị tuyệt đối ở châu Phi và nhiều khu vực quan trọng của châu Á. Hoàn toàn trái ngược với tất cả các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do và chế độ dân chủ, và không nghi ngờ gì rằng chúng ta phải đấu tranh để xóa bỏ nó. Vấn đề chỉ còn là làm sao để việc xóa bỏ tình trạng này diễn ra với ít thiệt hại nhất.
Giải pháp đơn giản và triệt để nhất là các chính phủ châu Âu rút hết các quan chức, binh lính và cảnh sát của mình khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm, và để cho người dân ở đó được độc lập. Việc này được tiến hành ngay lập tức hay tiến hành trưng cầu dân ý dân chúng địa phương trước khi "trao trả" thì cũng thế. Vì thật khó mà nghi ngờ kết quả của một cuộc bỏ phiếu thực sự tự do sẽ khác đi. Chính quyền của người châu Âu ở các nước thuộc địa hải ngoại chẳng thể hi vọng vào sự chấp thuận của dân chúng địa phương.
Giải pháp triệt để như thế, nếu không dẫn tới tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, thì cũng dẫn tới những cuộc xung đột kéo dài trong những khu vực mà người châu Âu sẽ rút đi. Có thể khẳng định mà không sợ sai là cho đến nay dân chúng địa phương chỉ mới học được những thói xấu chứ chưa học được tính tốt của người châu Âu. Đấy không phải là lỗi của dân chúng những nước thuộc địa mà là lỗi của những kẻ chinh phục châu Âu, những người chỉ dạy người ta toàn những chuyện xấu xa. Họ đã mang đến các nước thuộc địa đủ mọi thứ vũ khí và thiết bị phá hoại, họ đã đưa đến đấy những công dân xấu xa và ác độc nhất rồi giao chức vụ hoặc phong quân hàm cho chúng, họ đã dùng mũi kiếm để dựng lên chính quyền thuộc địa mà sự dã man, khát máu có thể sánh ngang với hệ thống độc tài của những người Bolshevik. Người châu Âu chẳng nên ngạc nhiên nếu như những thói hư tật xấu mà họ mang tới thuộc địa bây giờ đã cho ra trái đắng. Dù thế nào thì họ cũng không có quyền lên giọng đạo đức giả mà phàn nàn về tính trạng luân lí xã hội thấp kém của dân chúng thuộc địa. Nói rằng dân chúng các nước thuộc địa chưa đủ trưởng thành để có thể hưởng tự do và họ cần phải được những người cầm quyền châu Âu cầm roi dạy dỗ, ít nhất là một vài năm nữa, trước khi họ có thể sống độc lập, là không thể chấp nhận được. Chính cách "dạy dỗ" như thế phải chịu trách nhiệm, ít nhất là một phần, về tình trạng khủng khiếp tại các nước thuộc địa, mặc dù chỉ sau khi người châu Âu rút đi ta mới thấy rõ được toàn bộ hậu quả của nó.
Nhưng có thể người ta sẽ tiếp tục khẳng định rằng vì người châu Âu là giống người cao quý hơn cho nên trách nhiệm của họ là không để xảy ra tình trạng lộn xộn sau khi rời bỏ các nước thuộc địa, và vì vậy mà phải tiếp tục giữ quyền cai trị - đấy chính là vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân các nước thuộc địa. Nhằm gia tăng sức mạnh cho những luận cứ như thế, có thể vẽ ra những bức tranh kinh hoàng về điều kiện từng tồn tại ở Trung Phi và nhiều vùng khác ở châu Á trước khi chính quyền của người châu Âu được thiết lập ở đấy. Có thể nhắc lại những vụ săn nô lệ do người Ả Rập tiến hành ở Trung Phi hay những vụ bạo hành vô cùng thất đức của các bạo chúa Ấn Độ. Nhưng dĩ nhiên đây là phương pháp lí luận mang tính đạo đức giả và người ta không được quên, ví dụ như việc buôn bán nô lệ chỉ phát đạt khi những hậu duệ của người châu Âu định cư ở các thuộc địa châu Mĩ bắt đầu trở thành những người mua trên thị trường nô lệ. Nhưng chúng ta hoàn toàn không cần phải đi sâu vào tất cả những "chống báng" hay "ủng hộ" của các lí luận theo kiểu này. Nếu nói rằng quyền lợi của dân chúng thuộc địa là lí do ủng hộ cho việc giữ chính quyền của người châu Âu thì ta nên nói rằng tốt hơn hết hãy giải tán toàn bộ chính quyền đó. Không ai có quyền can thiệp vào công việc của người khác nhằm thúc đẩy quyền lợi của những người đó, còn những kẻ chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thì không được giả vờ là đang hành động quên mình chỉ vì quyền lợi của những người khác. Tuy nhiên, ở đây có một luận cứ ủng hộ cho việc tiếp tục nắm quyền và ảnh hưởng của người châu Âu ở những lãnh thổ thuộc địa. Nếu người châu Âu không bắt các nước nhiệt đới trở thành thuộc địa của mình, nếu họ không làm cho hệ thống kinh tế của mình bị phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ vùng nhiệt đới và sản phẩm nông nghiệp hải ngoại và thanh toán bằng sản phẩm công nghiệp thì ta có thể bình tĩnh thảo luận vấn đề có nên đưa những vùng này vào hệ thống thị trường thế giới hay không. Nhưng tình hình khác hẳn vì quá trình thực dân hóa đã đẩy tất cả những vùng lãnh thổ này vào khuôn khổ của cộng đồng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế châu Âu hiện phụ thuộc khá nhiều vào sự tham gia của châu Phi và những vùng lãnh thổ rộng lớn của châu Á vào nền kinh tế thế giới với vai trò là những nước cung cấp tất cả các nguyên vật liệu. Người ta không dùng vũ lực để tước đoạt những nguyên vật liệu này. Nguyên vật liệu cũng không phải là đồ cống nạp mà được trao tay trên cơ sở trao đổi tự nguyện với những sản phẩm công nghiệp của châu Âu. Như vậy quan hệ không phải là một chiều, ngược lại, nó có lợi cho cả hai bên, và người dân các nước thuộc địa cũng nhận được nhiều lợi ích như người dân Anh hay Thụy Sĩ. Bất kì sự ngừng trệ nào trong quan hệ thương mại cũng sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với châu Âu cũng như đối với các nước thuộc địa, và sẽ làm giảm đáng kể mức sống của rất nhiều người. Vì sự mở rộng một cách chậm chạp các quan hệ kinh tế trên toàn thế giới và sự phát triển một cách từ từ nền kinh tế thế giới là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất của sự gia tăng tài sản trong một trăm năm mươi năm qua, nên sự đảo ngược xu hướng này sẽ trở thành thảm họa kinh tế thế giới chưa từng có từ trước đến nay. Mức độ và hậu quả của thảm họa này sẽ vượt xa cuộc khủng hoảng do Thế chiến gây ra. Liệu ta có thể để cho sự thịnh vượng của châu Âu, đồng thời cũng là sự thịnh vượng của các nước thuộc địa, đi xuống chỉ với mục đích là tạo cho người dân các nước thuộc địa cơ hội tự quyết định vận mệnh chính trị của mình, khi mà nó không dẫn họ đến tự do mà chỉ dẫn đến việc thay thầy đổi chủ?
Đây phải là luận cứ quyết định trong việc đánh giá chính sách thuộc địa. Các quan chức, quân đội và cảnh sát cần phải ở lại trong những vùng lãnh thổ này cho đến chừng nào mà sự hiện diện của họ vẫn là điều cần thiết để bảo đảm những điều kiện chính trị và luật pháp cho sự tham gia của các lãnh thổ thuộc địa vào nền thương mại quốc tế. Cần phải tạo đầy đủ điều kiện cho hoạt động thương mại, công nghiệp và nông nghiệp tại các nước thuộc địa, bảo đảm việc khai thác mỏ và đưa sản phẩm bằng đường bộ hoặc đường sông đến các hải cảng, và từ đó đến châu Âu và Mĩ. Tất cả những hoạt động kinh tế như thế cần phải được tiếp tục, và là quyền lợi của tất cả mọi người: đấy không chỉ là quyền lợi của người dân châu Âu, châu Mĩ hay châu Úc mà còn là quyền lợi của người dân các nước thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Khi chính quốc chỉ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thì ngay cả những người có quan điểm tự do cũng sẽ không phản đối.
Nhưng ai cũng biết rằng tất cả các chính quốc đều vi phạm một cách nghiêm trọng nguyên tắc này. Chẳng cần phải nhắc lại những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra ở nước Congo thuộc Bỉ mà các phóng viên trung thực người Anh đã nói tới. Cứ cho là những sự tàn bạo như thế không phải là do chính phủ Bỉ gây ra mà chỉ là sự quá lạm và độc ác của những viên chức được đưa tới Congo. Nhưng việc hầu như tất cả các chính quốc đều thiết lập tại những vùng lãnh thổ hải ngoại của họ hệ thống thương mại có lợi cho hàng hóa của chính quốc chứng tỏ rằng những quan điểm đang giữ thế thượng phong trong chính sách thuộc địa hiện nay thật khác xa với những quan điểm đáng lẽ phải trở thành chủ đạo.
Muốn làm cho quyền lợi của châu Âu và của người da trắng hài hòa với quyền lợi của người da màu tại các nước thuộc địa về tất cả những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế thì phải giao cho Hội Quốc liên quyền lực tối cao trong việc cai quản những vùng lãnh thổ hải ngoại chưa có hệ thống chính phủ đại nghị. Hội Quốc liên sẽ phải theo dõi để những vùng đất chưa có chính phủ tự quản sẽ được giao quyền tự quản càng sớm càng tốt, và quyền lực của chính quốc chỉ được giới hạn trong việc bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền công dân cho người ngoại quốc, và bảo vệ những quan hệ thương mại. Người dân thuộc địa, cũng như công dân các nước khác, phải được quyền gửi đơn khiếu kiện trực tiếp tới Hội Quốc liên, đấy là nói trong những trường hợp khi mà những biện pháp của chính quốc vượt quá khuôn khổ cần thiết cho việc bảo đảm an toàn thương mại, ngoại thương và hoạt động kinh tế nói chung tại những vùng lãnh thổ đó; còn Hội Quốc liên thì có đủ quyền hành giải quyết các khiếu nại như thế.
Như vậy, việc áp dụng những nguyên tắc đó có nghĩa là tất cả các vùng lãnh thổ hải ngoại của các nước châu Âu trước hết cần được giao cho Hội Quốc liên cai quản. Nhưng đây chỉ được coi là giai đoạn chuyển tiếp. Mục đích cuối cùng phải là giải phóng hoàn toàn các nước thuộc địa khỏi sự cai trị bạo ngược mà họ đang phải gánh chịu hiện nay. Cách giải quyết như thế cho vấn đề hóc búa này - mà cùng với thời gian, sẽ ngày càng khó khăn hơn - sẽ làm cho không chỉ các nước không có thuộc địa ở châu Âu và châu Mĩ mà cả các nước có thuộc địa lẫn dân chúng các nước thuộc địa hài lòng. Các nước thực dân phải hiểu rằng họ không thể cai trị các thuộc địa được mãi. Chủ nghĩa tư bản đã thâm nhập vào những vùng lãnh thổ này, người dân thuộc địa đã tự tin hơn, sự khác biệt về văn hóa giữa những tầng lớp trên của họ và những quan chức cũng như sĩ quan thay mặt chính quốc làm nhiệm vụ cai trị đã không còn. Hiện nay việc phân bố quyền lực, về mặt quân sự và chính trị, đã khác hẳn với cách đây chỉ một thế hệ. Nỗ lực của các cường quốc châu Âu, Mĩ và Nhật nhằm đối xử với Trung Quốc như một nước thuộc địa đã thất bại. Người Anh phải rút khỏi Ai Cập, còn ở Ấn Độ thì họ phải lui về vị trí phòng thủ. Mọi người cũng đều biết rằng trước những cuộc tấn công của phong trào giải phóng, Hà Lan sẽ không thể giữ được Đông Ấn. Các thuộc địa của Pháp ở châu Phi và châu Á cũng ở trong tình trạng tương tự. Người Mĩ cũng đang gặp rắc rối với Philippines và sẵn sàng rút khi có điều kiện. Việc chuyển các thuộc địa cho Hội Quốc liên cai quản sẽ bảo đảm cho các nước thực dân giữ được vốn đầu tư của họ và tránh cho họ những hi sinh trong việc đàn áp những vụ nổi dậy của dân chúng thuộc địa. Còn dân chúng thuộc địa sẽ mang ơn đề xuất bảo đảm cho họ nền độc lập bằng đường lối hòa bình, và cùng với nó là bảo đảm rằng trong tương lai các nước lân bang sẽ không xâm chiếm và đe dọa nền độc lập chính trị của họ.
7. Thương mại tự do
Chứng minh về mặt lí thuyết những hậu quả của biểu thuế nhập khẩu có tính chất bảo hộ và nền thương mại tự do là hòn đá tảng của môn kinh tế học cổ điển. Nó rõ ràng, hiển nhiên và không thể tranh cãi được đến nỗi những người phản đối không thể đưa ra bất kì luận cứ chống đối nào mà không bị bác bỏ, không bị coi là sai lầm và vô lí ngay lập tức.
Thế mà hiện nay ở đâu chúng ta cũng thấy những biểu thuế có tính chất bảo hộ, mà nhiều khi còn cấm nhập khẩu nữa. Ngay ở Anh, quê hương của thương mại tự do, hiện nay chủ nghĩa bảo hộ cũng đang giữ thế thượng phong. Số người ủng hộ nguyên tắc tự cấp tự túc đang tăng lên mỗi ngày. Ngay cả những nước chỉ có vài triệu dân như Hungary và Tiệp Khắc cũng định dùng những chính sách như thuế cao và cấm nhập khẩu nhằm tách ra khỏi phần còn lại của thế giới. Tư tưởng chủ đạo của chính sách ngoại thương của Mĩ là áp mức thuế nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa sản xuất với giá thành rẻ hơn ở nước ngoài đúng bằng với sự chênh lệch với giá thành sản xuất trong nước. Tình trạng trở nên lố bịch khi tất cả các nước đều muốn giảm nhập nhưng lại tăng xuất. Hậu quả của những chính sách này là sự can thiệp vào quá trình phân công lao động trên thế giới, và vì vậy làm cho năng suất lao động nói chung giảm đi. Người ta không nhận ra được là vì lí do duy nhất sau đây: sự tiến bộ của hệ thống tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng đủ sức vượt qua được những hậu quả tiêu cực của chính sách đó. Nhưng không nghi ngờ gì rằng mỗi người sẽ giàu thêm nếu những biểu thuế có tính chất bảo hộ như thế không cố tình đẩy quá trình sản xuất từ những vùng thuận lợi sang những vùng ít thuận lợi hơn.
Khi hệ thống thương mại được hoàn toàn tự do thì vốn và lao động sẽ được chuyển đến những nơi có điều kiện sản xuất thuận lợi nhất. Cùng với sự phát triển các phương tiện giao thông, cải tiến công nghệ và khảo sát kĩ lưỡng hơn các nước mới tham gia vào nền thương mại thế giới, người ta sẽ tìm ra những địa điểm mới, những địa điểm thuận lợi hơn sẽ được phát hiện, và sản xuất sẽ được chuyển đến những vị trí mới. Vốn và lao động có xu hướng chuyển từ những khu vực ít thuận lợi sang những khu vực có điều kiện thuận lợi hơn.
Nhưng việc luân chuyển vốn và lao động đòi hỏi không chỉ hoàn toàn tự do thương mại mà còn đòi hỏi không được có những hàng rào ngăn cản việc luân chuyển vốn và lao động từ nước này sang nước khác. Khi học thuyết về thương mại tự do mới xuất hiện thì điều này quả là còn xa vời. Lúc đó việc luân chuyển vốn và lao động đã gặp một loạt rào cản. Vì không nắm được các điều kiện, không tin tưởng vào luật pháp và trật tự và nhiều lí do tương tự, các nhà tư sản không muốn đầu tư vào nước ngoài. Còn công nhân thì không dám rời bỏ đất nước quê hương vì không chỉ không biết tiếng mà còn sợ những rắc rối về luật pháp, tôn giáo và nhiều khó khăn khác nữa.
Vào đầu thế kỉ XIX, có thể khẳng định chắc chắn là vốn và lao động đã có thể luân chuyển tự do trong nội bộ mỗi nước, chỉ có chuyển từ nước này sang nước khác mới gặp cản trở. Lời biện hộ duy nhất cho sự khác biệt về lí thuyết kinh tế nội thương và lí thuyết kinh tế ngoại thương ắt phải nằm trong cái thực tế là đối với nội thương thì vốn và lao động có thể luân chuyển tự do còn ngoại thương thì lại khác. Như vậy, vấn đề mà lí thuyết kinh tế cổ điển phải giải thích có thể được viết như sau: thương mại tự do hàng hóa tiêu dùng giữa các nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu việc luân chuyển vốn và lao động từ nước này sang nước kia bị hạn chế?
Lí thuyết của Ricardo đã trả lời câu hỏi này. Các ngành sản xuất phân bố giữa các nước sao cho mỗi nước đều dành hết nguồn lực của nó cho những ngành mà họ có ưu thế nhất so với các nước khác. Những người theo chủ nghĩa trọng thương sợ rằng đất nước có những điều kiện sản xuất bất lợi sẽ nhập nhiều hơn xuất, và cuối cùng sẽ không còn tiền. Họ đòi phải ban hành đúng lúc những biểu thuế có tính chất bảo hộ, và cấm nhập khẩu nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc như thế. Lí thuyết kinh tế cổ điển chứng minh rằng sợ hãi như thế là thiếu cơ sở. Ngay cả đất nước mà điều kiện sản xuất trong từng ngành đều kém thuận lợi hơn các nước khác thì cũng không cần sợ là họ sẽ xuất ít hơn là nhập. Lí thuyết cổ điển đã chứng minh một cách xuất sắc và hiển nhiên, không thể phủ nhận được rằng ngay cả những nước có những điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi cũng phải thấy rằng họ sẽ được lợi nếu nhập từ các nước có những điều kiện sản xuất tương đối bất lợi những món hàng mà chắc chắn họ sẽ sản xuất với giá rẻ hơn, nhưng không rẻ bằng những món hàng mà họ đang sản xuất.
Như vậy, lí thuyết cổ điển về thương mại tự do đã nói với các chính khách như sau: có những nước có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, và có những nước mà điều kiện tự nhiên tương đối bất lợi. Một khi không có sự can thiệp của chính phủ vào quá trình phân công lao động quốc tế, từng nước sẽ tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế thế giới bất chấp những điều kiện sản xuất của nó so với những nước khác. Dĩ nhiên là những nước có điều kiện sản xuất thuận lợi sẽ giàu hơn những nước khác, nhưng đấy là điều mà biện pháp chính trị không thể thay đổi được. Đấy đơn giản chỉ là kết quả của sự khác biệt trong những nhân tố của quá trình sản xuất.
Chủ nghĩa tự do trước đây đã gặp phải tình huống như thế, và nó đã trả lời bằng lí thuyết cổ điển về thương mại tự do. Nhưng kể từ thời Ricardo, tình hình thế giới đã thay đổi rất nhiều, và vấn đề mà lí thuyết về thương mại tự do phải giải quyết trong vòng sáu mươi năm trước khi nổ ra Thế chiến khác hẳn với vấn đề mà nó phải giải quyết hồi cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX. Những rào cản, ngăn chặn việc luân chuyển tự do vốn và lao động đầu thế kỉ XIX đã phần nào được dỡ bỏ. Trong nửa sau thế kỉ XIX, các nhà tư sản dễ dàng đầu tư vào nước ngoài hơn thời Ricardo còn sống rất nhiều. Luật pháp và trật tự đã được thiết lập trên nền tảng vững chắc hơn; hiểu biết về nước ngoài, phong tục và truyền thống cũng nhiều hơn; và các công ty cổ phần tạo điều kiện cho người ta chia rủi ro của những công ty ngoại quốc cho nhiều người, và như vậy cũng làm cho rủi ro của mỗi người giảm đi. Dĩ nhiên là sẽ cường điệu khi nói rằng đầu thế kỉ XX chuyển vốn từ nước này sang nước kia cũng dễ dàng như dịch chuyển giữa các vùng trong một nước. Chắc chắn vẫn còn một số khó khăn, nhưng giả định rằng đồng vốn phải được giữ trong biên giới quốc gia mỗi nước đã không còn giá trị. Lao động cũng tương tự. Trong nửa sau thế kỉ XIX, hàng triệu người đã rời bỏ châu Âu để tìm vận may ở hải ngoại.
Vì những điều kiện mà lí thuyết thương mại tự do cổ điển giả định, mà cụ thể là sự bất động của vốn và lao động đã không còn tồn tại cho nên sự khác biệt giữa hậu quả của thương mại tự do trong nội thương và ngoại thương cũng không còn giá trị. Nếu vốn và lao động có thể di chuyển một cách tự do từ nước nọ sang nước kia như giữa các vùng trong mỗi nước thì sẽ không còn cơ sở biện minh cho việc phân biệt các tác động của nền thương mại tự do trong nội thương và ngoại thương: kết quả của nền thương mại tự do là sản xuất sẽ được bố trí ở những vùng có điều kiện tương đối thuận lợi, còn những vùng không thuận lợi thì không được sử dụng. Vốn và lao động sẽ chảy từ những vùng có điều kiện sản xuất ít thuận lợi sang những vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, hay nói chính xác hơn là chảy từ những nước lâu đời hơn và có mật độ dân số cao hơn sang những vùng có thể cung cấp những điều kiện sản xuất thuận lợi hơn.
Đối với các quốc gia châu Âu, sở hữu cả những khu vực định cư cũ ở châu Âu lẫn lãnh thổ thuộc địa hải ngoại, thì điều này chỉ có nghĩa là họ đưa một số cư dân ra ngoại quốc mà thôi. Ví dụ như nước Anh, một số đồng bào của họ hiện sống ở Canada, Australia và Nam Phi. Những người di cư rời khỏi nước Anh vẫn có thể giữ quyền công dân ở chính quốc. Nhưng nước Đức thì lại khác. Người Đức di cư phải sống trên vùng lãnh thổ của nước khác và giữa những người thuộc sắc tộc khác. Người đó trở thành công dân nước khác, và có nhiều khả năng là con cháu người đó sẽ không còn liên hệ với nước Đức nữa, và sau một, hai hoặc, nhiều lắm là ba thế hệ, quá trình đồng hóa với dân ngoại tộc sẽ hoàn thành. Nước Đức gặp phải vấn đề là phải có thái độ như thế nào trước việc một phần vốn và người dân của họ di cư ra nước ngoài.
Không được lầm lẫn và cho rằng ở nửa cuối thế kỉ XIX, trong chính sách thương mại, Anh và Đức phải đối diện với cùng một loại vấn đề. Đối với Anh, vấn đề là có nên cho một số thần dân của họ di cư sang những nước nằm trong Liên hiệp Anh hay không, và họ không tìm thấy bất kì lí do nào để phải ngăn chặn việc di dân như thế. Đối với Đức, vấn đề lại là nên có thái độ như thế nào trước việc người dân của họ di cư đến các nước thuộc địa của Anh, Nam Phi và những nước khác, và có nhiều khả năng là sau một thời gian những di dân này sẽ từ bỏ quốc tịch và dân tộc của mình như hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người di dân trước đây. Đế chế Đức không muốn chuyện đó. Vì vậy trong những năm 1860 và 1870 Đức đã tiến gần đến chính sách thương mại tự do, thì cuối những năm 1870 lại chuyển sang chế độ bảo hộ, bằng cách áp dụng thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ nền nông nghiệp và công nghiệp Đức khỏi những người cạnh tranh ngoại quốc. Nhờ biểu thuế có tính chất bảo hộ như thế mà nông nghiệp Đức mới phần nào đứng vững được trước sự cạnh tranh của những trang trại ở Đông Âu và hải ngoại có đất đai màu mỡ hơn, và nền công nghiệp Đức có thể tạo ra những tập đoàn độc quyền nhằm giữ giá bán trong nước cao hơn trên thị trường thế giới, và dùng lợi nhuận đó để bù lỗ cho những món hàng xuất khẩu mà họ sẽ bán với giá thấp hơn của những công ty cạnh tranh ngoại quốc.
Nhưng mục đích mà người ta đặt ra khi quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ thì sẽ chẳng bao giờ đạt được. Giá thành sản xuất và giá sinh hoạt càng cao - đấy là hậu quả trực tiếp của những biểu thuế mang tính chất bảo hộ - thì việc buôn bán của họ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chắc chắn là Đức đã có điều kiện tạo ra một cú tăng trưởng đột biến về công nghiệp trong ba thập niên đầu của thời kì chính sách thương mại mới. Nhưng cú nhảy này vẫn có thể xảy ra mà không cần áp dụng biểu thuế bảo hộ như thế vì đấy chủ yếu là do người ta đã áp dụng những phương pháp sản xuất mới trong ngành sản xuất gang thép và công nghiệp hóa học, tạo điều kiện cho việc sử dụng một cách hiệu quả hơn nguồn lực tự nhiên mà Đức có thừa.
Chính sách bài chủ nghĩa tự do, cấm đoán việc luân chuyển lao động giữa các nước, và ngăn cản đáng kể việc luân chuyển đồng vốn, đã xóa đi phần nào sự khác biệt về điều kiện trong thương mại quốc tế giữa thời kì đầu với thời kì cuối thế kỉ XIX, và quay lại với những điều kiện từng giữ thế thượng phong khi học thuyết về thương mại tự do mới hình thành. Một lần nữa vốn, và trước hết là lao động, đã không còn được tự do luân chuyển. Trong những điều kiện hiện nay, việc buôn bán một cách tự do hàng hóa tiêu dùng không thể làm cho phong trào di dân tăng lên một cách đáng kể. Một lần nữa, kết quả sẽ lại là từng dân tộc sẽ tham gia vào những lĩnh vực và những ngành sản xuất mà nước họ có điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi hơn.
Dù điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nền thương mại quốc tế có như thế nào đi nữa thì biểu thuế mang tính bảo hộ chỉ có thể dẫn đến kết quả sau đây: không cho người ta sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi nhất, và buộc người ta phải sản xuất ở những nơi có điều kiện bất lợi hơn. Vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ chỉ dẫn đến kết quả là năng suất lao động sẽ giảm đi. Những người ủng hộ thương mại tự do hoàn toàn không phủ nhận là cái xấu xa mà các dân tộc muốn dùng các biện pháp bảo hộ để chống lại đúng là cái xấu xa. Họ chỉ khẳng định rằng các phương tiện mà những người theo chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bảo hộ đưa ra không thể loại bỏ được cái xấu xa đó. Vì vậy mà họ đề nghị một cách làm khác. Người theo trường phái tự do cho rằng muốn tạo điều kiện cho một nền hòa bình bền vững thì phải thay đổi một trong những đặc trưng của tình hình thế giới hiện nay: do áp dụng chính sách bài chủ nghĩa tự do, những người di dân từ những nước như Đức và Ý bị đối xử như những đứa con ghẻ trong một thế giới bị chia cắt, và bị buộc phải từ bỏ quốc tịch của mình.
Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005
Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức).