[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do (Phần 2)
Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Foreign Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.
- Thị trường Tự do Academy
3. Nền tảng chính trị của hòa bình
Có thể nghĩ rằng sau khi đã kinh qua cuộc Thế chiến thì nhận thức về nhu cầu của một nền hòa bình vĩnh viễn sẽ trở thành ý nguyện chung. Nhưng người ta vẫn không công nhận rằng phải thực hiện cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, không công nhận rằng phải thường xuyên và kiên định theo đuổi cương lĩnh này ở khắp mọi nơi thì mới có thể đạt được một nền hòa bình bền vững, và cuộc Thế chiến vừa qua chỉ là hậu quả tất yếu và tự nhiên của chính sách bài bác chủ nghĩa tự do kéo dài hàng thập kỉ.
Khẩu hiệu quy cho chủ nghĩa tư bản chịu trách nhiệm trong việc khơi mào chiến tranh là vô nghĩa và thiếu suy nghĩ. Mối liên hệ giữa chiến tranh và chủ nghĩa bảo hộ là rõ ràng, và khi đã tảng lờ thực tế này thì người ta liền coi các sắc thuế mang tính bảo hộ chính là chủ nghĩa tư bản. Người ta quên mất rằng chỉ một thời gian ngắn trước đó tất cả các ấn bản có tinh thần dân tộc chủ nghĩa đều chứa đầy những lời công kích kịch liệt chống lại tư bản quốc tế ("tư bản tài chính" và các "tơ rớt vàng quốc tế") vì họ không có tinh thần quốc gia, vì họ chống lại những sắc thuế mang tính bảo hộ, vì có tinh thần chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình. Cho rằng nền công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm trong việc gây ra chiến tranh cũng là phi lí. Nền công nghiệp quốc phòng xuất hiện và lớn mạnh như thế là vì các chính phủ và các dân tộc thích chiến tranh cần vũ khí. Thật lố bịch khi cho rằng các quốc gia quay sang chính sách đế quốc là vì họ thiên vị những người sản xuất vũ khí. Công nghiệp quốc phòng, cũng như bất cứ ngành công nghiệp nào khác, là nhằm đáp ứng các nhu cầu. Nếu các dân tộc thích các món hàng khác chứ không thích đạn dược và thuốc nổ thì những ông chủ nhà máy sẽ sản xuất những món hàng chứ không sản xuất vật liệu dùng cho chiến tranh nữa.
Có thể thừa nhận rằng ước muốn hòa bình hiện đã trở thành ước muốn chung của tất cả mọi người. Nhưng nhân dân thế giới hoàn toàn không hiểu muốn giữ hòa bình thì phải làm gì.
Muốn có hòa bình thì phải loại bỏ tất cả các động cơ dẫn đến xâm lược. Phải thiết lập một trật tự quốc tế sao cho các quốc gia và các nhóm quốc gia cảm thấy hài lòng với những điều kiện sống của mình và không có nhu cầu sử dụng phương tiện tuyệt vọng là chiến tranh nữa. Người theo chủ nghĩa tự do không tin là có thể loại bỏ được chiến tranh bằng cách thuyết giáo và giảng dạy đạo đức. Họ cố gắng tạo ra những điều kiện đủ sức loại bỏ nguyên nhân của chiến tranh.
Điều kiện đầu tiên là sở hữu tư nhân. Nếu tài sản tư nhân được tôn trọng ngay cả trong thời gian diễn ra chiến tranh, nếu người chiến thắng không được quyền chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, nếu việc chiếm đoạt tài sản công cộng không có ý nghĩa đáng kể vì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất giữ thế thượng phong thì động lực quan trọng cho việc gây chiến đã bị loại bỏ. Nhưng điều này hoàn toàn chưa đủ. Muốn cho việc thực hiện quyền tự quyết không biến thành trò hề thì phải thiết lập được các thể chế chính trị đủ sức làm cho việc chuyển chủ quyền trên một lĩnh khu vực lãnh thổ từ chính phủ này sang chính phủ khác trở thành vấn đề càng đơn giản càng tốt, không làm lợi cũng không gây hại cho bất kì ai. Người ta thường không có khái niệm đúng đắn về những yêu cầu cần thiết cho việc này. Vì vậy cần phải làm rõ bằng một vài ví dụ.
Xin hãy nhìn bản đồ phân bố các nhóm ngôn ngữ và dân tộc tại Trung và Đông Âu và chú ý đến việc, ví dụ như vùng Bắc và Tây Mohemia, biên giới giữa chúng có rất nhiều đường xe lửa cắt ngang. Ở đây, do chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quốc gia cho nên chúng ta không thể làm cho đường biên giới quốc gia trở thành tương thích với đường biên phân chia các nhóm ngôn ngữ. Đường sắt quốc gia của Czech trên đất Đức thì không thể nào quản lí được, lại càng khó quản lí hơn nếu vài dặm lại có một ban quản lí khác nhau. Cũng khó tưởng tượng được rằng cứ đi chừng mười lăm phút lại phải dừng lại để mua vé. Vì vậy, dễ hiểu vì sao những người ủng hộ chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa can thiệp đi đến kết luận rằng sự thống nhất về "kinh tế" và "địa lí" của các khu vực như thế phải được "bảo toàn" và khu vực này phải được đặt dưới quyền của một "người cai trị" duy nhất (Rõ ràng là trong những hoàn cảnh như thế, dân tộc nào cũng tìm cách chứng minh rằng chỉ mình mới có quyền và đủ sức đóng vai của người cai trị). Chủ nghĩa tự do không thấy có vấn đề gì ở đây hết. Đường sắt tư nhân, nếu không bị nhà nước can thiệp, có thể đi qua lãnh thổ của nhiều nước mà không tạo ra bất cứ vấn đề gì. Nếu người ta không thu thuế ở biên giới; nếu người, gia súc và hàng hóa đều được tự do di chuyển thì sẽ chẳng có vấn đề gì khi chỉ trong vài giờ tàu hỏa đã vượt qua biên giới của mấy nước.
Bản đồ ngôn ngữ còn cho ta thấy có những nhóm dân nằm lọt thỏm trong vùng đất của một dân tộc khác. Không có bất kì mối liên hệ lãnh thổ nào với khu vực định cư chủ yếu của những người cùng sắc tộc, những người này sống trong những khu định cư khép kín hoặc trong những "ốc đảo" ngôn ngữ. Trong những điều kiện chính trị hiện nay, họ không thể sáp nhập với tổ quốc của mình. Việc một khu vực nằm trong lòng một quốc gia còn bị bao bọc bởi những bức tường thuế khóa càng làm cho vấn đề toàn vẹn lãnh thổ trở thành nhu cầu mang tính chính trị. Là một "khu vực ngoại quốc" nhỏ bé, lại bị tách khỏi vùng lãnh thổ bên cạnh bởi hàng rào thuế quan và những biện pháp bảo hộ khác thì có khác gì bị bóp nghẹt về mặt kinh tế. Nhưng nếu có tự do thương mại và nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu tư nhân thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách cực kì đơn giản. Lúc đó sẽ không còn "ốc đảo" ngôn ngữ nào phải chịu cảnh bị mất quyền dân tộc chỉ vì họ nằm cách biệt hẳn với phần lãnh thổ nơi có đa số đồng bào của họ sinh sống.
"Vấn đề hành lang" cũng chỉ xuất hiện trong chủ nghĩa can thiệp - nhà nước - đế quốc. Đất nước không có đường thông ra biển tin rằng họ cần một "hành lang" thông ra biển nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chính sách mang tính quốc gia chủ nghĩa và chính sách can thiệp về kinh tế của những nước xung quanh đối với ngoại thương của họ. Nếu tự do thương mại trở thành điều luật được mọi người tôn trọng thì "hành lang" cũng khó mang lại lợi lộc cho đất nước không có đường thông ra biển.
Chuyển từ một "khu vực kinh tế" này (theo ngôn ngữ của chủ nghĩa nhà nước) sang một khu vực kinh tế khác là phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế. Ví dụ, chỉ cần nghĩ đến nền công nghiệp sợi bông của vùng Bắc Alsatia, phải chuyển vùng đến hai lần; hay công nghiệp dệt của Ba Lan ở vùng Silesia Thượng v.v. thì sẽ rõ. Nếu việc thay đổi trong các liên minh chính trị của một vùng lãnh thổ mang lại lợi ích hay thiệt hại cho những người sống trên vùng lãnh thổ đó thì quyền tự do bỏ phiếu cho quốc gia mà họ thực sự muốn trở thành một phần của nó lại bị giới hạn một cách nghiêm trọng. Chỉ có thể nói đến quyền tự quyết thực sự khi quyết định của mỗi cá nhân đều xuất phát từ ý chí tự do của chính người đó chứ không phải từ nỗi sợ bị mất hay hi vọng là sẽ được lợi. Không thể có các khu vực "kinh tế" trong chủ nghĩa tư bản được tổ chức trên các nguyên tắc tự do. Cả bề mặt trái đất sẽ là một khu vực kinh tế duy nhất trong thế giới như thế.
Quyền tự quyết có lợi cho những người thuộc đa số. Chính sách đối nội phải có những biện pháp nhất định mới bảo vệ được những người thuộc các sắc dân thiểu số. Trước hết chúng ta sẽ xem xét những biện pháp trong lĩnh vực giáo dục.
Hiện nay, tại phần lớn các quốc gia, đi học đã trở thành nghĩa vụ bắt buộc. Cha mẹ có trách nhiệm cho con đi học trong một số năm nhất định hoặc dạy cho chúng những kiến thức tương tự tại nhà. Chẳng cần phải đi sâu vào những lí do ủng hộ hay phản đối giáo dục bắt buộc khi vấn đề này vẫn đang được bàn thảo. Chúng chẳng có liên quan gì đến những vấn đề đang tồn tại hiện nay. Chỉ có một luận cứ là có thể có mối liên hệ nào đó, mà cụ thể là: bám vào chính sách giáo dục bắt buộc là không phù hợp với những cố gắng nhằm thiết lập nền hòa bình bền vững.
Chắc chắn là dân chúng London, Paris hay Berlin sẽ cho đấy là tuyên bố không thể tin được. Giáo dục bắt buộc thì có liên quan gì đến chiến tranh và hòa bình? Nhưng người ta không thể giải quyết được vấn đề này, như họ đã từng làm thế với nhiều vấn đề khác, chỉ trên quan điểm của người Tây Âu. Chắc chắn là ở London, Paris hay Berlin vấn đề giáo dục bắt buộc có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Ở những thành phố này sẽ không có vấn đề dạy bằng ngôn ngữ nào. Dân chúng trong các thành phố này, cũng tức là những người gửi con em tới trường học, nói chung có thể coi là thuần nhất về mặt dân tộc. Thậm chí ngay cả những người không nói tiếng Anh ở London cũng muốn con mình học bằng tiếng Anh - đấy là vì quyền lợi của con cái họ. Ở Paris hay Berlin, tình hình cũng như thế.
Nhưng tại những khu vực rộng lớn, nơi người dân nói những ngôn ngữ khác nhau chung sống như một mớ hỗn độn đa ngôn ngữ thì vấn đề giáo dục bắt buộc lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Ở đây vấn đề dạy bằng ngôn ngữ nào lại có vai trò quyết định. Sau một thời gian ta sẽ thấy rằng cách giải quyết vấn đề này có ảnh hưởng quyết định đến quốc tịch của cả khu vực. Trường học có thể làm cho con cái thờ ơ với dân tộc của cha mẹ mình, và có thể được sử dụng như là phương tiện áp bức các dân tộc khác. Kiểm soát được trường học là có thể làm lợi cho dân tộc mình và làm hại các dân tộc khác.
Đứa trẻ đến trường sử dụng ngôn ngữ của cha mẹ chúng không phải là biện pháp giải quyết vấn đề. Trước hết, ngoài vấn đề của những đứa trẻ có cha mẹ nói bằng những ngôn ngữ khác nhau, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định tiếng mẹ đẻ của chính cha mẹ chúng. Trong những khu vực đa ngôn ngữ, công việc của nhiều người buộc họ phải sử dụng được tất cả các ngôn ngữ đó. Ngoài ra, thường là người ta không thể công khai tuyên bố thành phần dân tộc của mình - đấy cũng là vì lí do mưu sinh. Trong hệ thống của chủ nghĩa can thiệp điều đó có thể dẫn tới việc mất khách hàng thuộc các dân tộc khác hoặc mất việc nếu người sử dụng lao động thuộc dân tộc khác. Lại có nhiều cha mẹ muốn gửi con đến trường thuộc dân tộc khác hơn là học trường của dân tộc mình vì cho rằng biết nhiều ngôn ngữ hoặc đồng hóa với dân tộc khác thì có lợi hơn là trung thành với dân tộc mình. Để cha mẹ lựa chọn trường cho học cũng có nghĩa là để mặc họ phải chịu mọi hình thức áp bức chính trị mà ta có thể hình dung. Trong tất cả những khu vực có nhiều dân tộc sinh sống, trường học là "phần thưởng" chính trị quan trọng nhất. Khi còn là định chế bắt buộc và của nhà nước thì nó không thể tách rời chính trị. Chỉ có một biện pháp giải quyết: nhà nước, chính phủ, luật pháp không bao giờ được dính dáng đến vấn đề học hành và giáo dục. Không được dùng tiền của nhà nước cho những mục đích này. Việc giáo dục và dạy dỗ thanh thiếu niên phải là việc của cha mẹ, của các hiệp hội và định chế tư nhân.
Thà có một số thanh niên không được học hành còn hơn là họ được hưởng thú vui học tập nhưng rồi khi lớn lên sẽ có nguy cơ bị giết hoặc bị tàn phế suốt đời. Mù chữ nhưng khỏe mạnh còn hơn là biết chữ mà tàn tật.
Nhưng ngay cả khi ta đã loại bỏ được những áp bức về mặt tinh thần do chính sách giáo dục bắt buộc gây ra thì cũng còn lâu ta mới loại trừ được tất cả những nguồn gốc của sự va chạm giữa các dân tộc sống trong khu vực đa ngôn ngữ. Trường học có thể là một phương tiện áp bức dân tộc - theo quan niệm của chúng tôi thì là phương tiện nguy hiểm nhất - nhưng không phải là phương tiện duy nhất. Bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ vào đời sống kinh tế cũng đều có thể trở thành phương tiện ngược đãi những dân tộc không nói cùng thứ tiếng với nhóm đang cầm quyền. Vì thế, muốn bảo vệ hòa bình thì hoạt động của chính phủ phải được giới hạn trong lĩnh vực mà không ai có thể thay thế, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Chúng ta không thể không có bộ máy của chính phủ để bảo vệ và duy trì cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe của mỗi cá nhân. Nhưng trong những khu vực có thể xảy ra kì thị chủng tộc thì ngay cả hành động của cảnh sát và tòa án nhằm phục vụ những mục tiêu trên cũng có thể xảy ra nguy cơ. Chỉ có ở những nước, nơi người dân không có thái độ thiên vị dân tộc này hay dân tộc khác, ta mới không phải lo quan chức có thái độ kì thị khi thi hành luật pháp nhằm bảo vệ đời sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe. Còn ở những nơi mà sự khác biệt về tôn giáo, khác biệt về dân tộc và những khác biệt tương tự đã trở thành hố sâu ngăn cách người dân đến mức không thể có sự công bằng và nhân đạo mà chỉ còn lòng hận thù thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác. Khi đó, một viên quan tòa sử dụng quyền lực nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhóm mình nhưng lại nghĩ rằng mình đang thi hành phận sự, thì đấy chính là hành động kì thị, dù đó có là hành động cố ý hay vô ý.
Chừng nào mà bộ máy của chính phủ không có chức năng nào khác ngoài chức năng bảo vệ cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe thì ta có thể đưa ra những quy định nhằm hạn chế một cách triệt để lĩnh vực mà bộ máy hành chính và tòa án có thể hoạt động một cách tự do, không để hoặc để rất ít khoảng trống cho những hoạt động tùy tiện hay đưa ra những quyết định độc đoán và chủ quan. Nhưng chỉ cần giao cho nhà nước quản lí một phần quá trình sản xuất, chỉ cần bộ máy của chính phủ được yêu cầu quyết định chủng loại các hàng hóa thuộc gia đoạn sản xuất cao hơn là sẽ không thể buộc các quan chức phải tuân thủ những điều luật và quy đinh nhằm bảo đảm quyền lợi của các công dân được nữa. Luật hình sự nhằm trừng phạt những kẻ sát nhân, ở mức độ nào đó, đã quy định rõ ai là và ai không phải là sát nhân và vì vậy đã xác định được lĩnh vực trong đó quan tòa có thể tự do đưa ra phán quyết. Dĩ nhiên là luật sư nào cũng biết rằng trong những trường hợp cụ thể, ngay cả những đạo luật tốt nhất cũng có thể bị người ta xuyên tạc trong khi giả thích, áp dụng và thi hành. Nhưng trong trường hợp cơ quan của chính phủ được giao nhiệm vụ quản lí phương tiện giao thông, hầm mỏ hoặc đất công, thì tất cả những cái ta có thể làm là giới hạn phạm vi hoạt động của nó trên những nền tảng nguyên lí khác (đã được thảo luận trong Phần 2), và điều tốt nhất ta có thể làm để giữ cho nó không thiên vị trong những vấn đề liên quan đến chính sách quốc gia là cung cấp cho nó những chỉ dẫn cụ thể, không một chút tổng quát nào. Nhưng, ta phải dành cho cơ quan của chính phủ không gian để hành động vì không thể biết trước nó sẽ phải hành động trong những hoàn cảnh nào. Như vậy là ta đã để rộng cửa cho những hành động độc đoán, thiên vị và lạm dụng quyền lực.
Ngay cả trong những khu vực có đại diện của nhiều dân tộc sinh sống thì cũng cần phải có một chính quyền thống nhất. Mỗi góc phố không thể có hai viên cảnh sát, một người Đức, một người Czech, mỗi người chỉ chịu trách nhiệm bảo vệ người thuộc dân tộc mình. Nhưng ngay cả nếu làm được như thế thì cũng sẽ xuất hiện vấn đề là ai sẽ phải can thiệp khi người của cả hai sắc dân cùng bị rơi vào hoàn cảnh cần phải can thiệp. Những bất tiện do nhu cầu phải có một chính quyền thống nhất trên những vùng lãnh thổ như thế là không thể tránh được. Nhưng, nếu trong khi thực hiện những chức năng không thể thoái thác được là bảo vệ cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe, chính phủ đã gặp phải những khó khăn như thế thì càng không được mở rộng phạm vi hoạt động của chính phủ sang các lĩnh vực khác vốn đòi hỏi chính phủ phải có nhiều quyền tự do hành động hơn.
Nhiều khu vực rộng lớn trên trái đất là khu vực quần cư của nhiều nhóm người, chứ không phải là người của một dân tộc, một sắc tộc hay một tôn giáo. Do quá trình di dân, chắc chắn sẽ xảy ra do sự dịch chuyển của quá trình sản xuất, mà nhiều vùng mới sẽ phải đối mặt với hiện tượng quần cư. Nếu không muốn cố tình làm cho những va chạm sẽ nảy sinh giữa các nhóm khác nhau sống chung với nhau thì càng phải giới hạn hoạt động của chính phủ vào những nhiệm vụ mà chỉ nó mới thực hiện được.
4. Chủ nghĩa dân tộc
Chừng nào các quốc gia vẫn còn nằm dưới quyền cai trị của các vua chúa thì ý tưởng điều chỉnh biên giới quốc gia cho trùng với đường biên giới giữa các dân tộc sẽ khó được chấp nhận. Nếu kẻ thống trị muốn sáp nhập một tỉnh vào quốc gia của mình thì ông ta sẽ chẳng thèm quan tâm đến việc là liệu dân chúng - tức thần dân của ông ta - có đồng ý với việc thay đổi người cầm quyền hay không. Điều duy nhất ông ta phải quan tâm là lực lượng quân sự có đủ sức chinh phục và giữ được vùng đất ấy hay không. Ông ta công khai biện hộ cho hành vi của mình bằng cách nói rằng yêu sách của mình là hợp pháp. Thành phần dân tộc của khu vực bị chiếm đóng không phải là vấn đề cần quan tâm.
Cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do, lần đầu tiên câu hỏi về cách thức vẽ đường biên giới quốc gia mới trở thành một vấn đề độc lập với những tính toàn về quân sự, lịch sử và pháp lí. Chủ nghĩa tự do cho rằng nhà nước được xây dựng trên ý chí của đa số dân chúng sống trong một khu vực nhất định, nó bác bỏ mọi tính toán quân sự, tức là bác bỏ những toan tính từng giữ vai trò quyết định trong việc xác định đường biên giới trong quá khứ. Nó không chấp nhận quyền chinh phục. Nó không chấp nhận luận điểm về "biên giới chiến lược", và cho rằng yêu sách sáp nhập một vùng đất nhỏ bé vào một quốc gia nào đó để củng cố tiền đồn là hoàn toàn không thể hiểu được. Chủ nghĩa tự do không công nhận quyền thừa kế các tỉnh của các vương tôn. Theo cách hiểu của chủ nghĩa tự do, nhà vua có thể cai trị dân chúng chứ không phải cai trị một vùng đất mà dân chúng chỉ được coi là những vật đi kèm với vùng đất được thừa kế. Vị hoàng đế nhờ ơn Thượng Đế mang danh vùng đất, ví dụ như "Vua nước Pháp". Nhưng vị hoàng đế do chủ nghĩa tự do lập nên - tức là chế độ quân chủ lập hiến - không mang danh vùng đất mà mang danh những người ông ta cai trị. Như vậy là Louis Philippe sẽ có danh xưng là "Vua của người Pháp, tương tự, sẽ xuất hiện danh hiệu "Vua của người Bỉ", như đã từng có danh hiệu "Vua của người Hellene" vậy.
Chính chủ nghĩa tự do đã tạo ra hình thức pháp lí - gọi là trưng cầu dân ý - thông qua đó, dân chúng có thể thể hiện ước muốn ở lại hay tách khỏi một quốc gia nào đó. Thông qua trưng cầu dân ý có thể biết được dân chúng tại một khu vực nào đó muốn được sống trong nhà nước nào. Nhưng cả khi đã thực hiện những điều kiện kinh tế và chính trị (kể cả những chính sách quốc gia về giáo dục) nhằm không để cho việc trưng cầu dân ý trở thành trò cười, ngay cả khi có thể thực hiện những cuộc trưng cầu dân ý trong mỗi cộng đồng để xác định xem họ muốn nằm trong thành phần của quốc gia nào và lặp lại những cuộc trưng cầu dân ý như thế khi hoàn cảnh thay đổi thì vẫn có thể có những vấn đề chưa được giải quyết, có thể tạo ra va chạm giữa các dân tộc khác nhau. Thuộc về nhà nước mà mình không muốn dù đấy có là kết quả của một cuộc bỏ phiếu hay chinh phục bằng quân sự thì cũng đau khổ như nhau. Nhưng đối với một người bị hàng rào ngôn ngữ ngăn cách với đa số những người cùng dân tộc thì khó khăn còn tăng lên gấp đôi.
Là người dân tộc thiểu số bao giờ cũng có nghĩa là công dân loại hai. Muốn thảo luận các vấn đề chính trị đương nhiên là phải nói hoặc viết - trong những bài diễn văn, trên báo chí hay trong sách vở. Nhưng những người thiểu số không có nhiều phương tiện học hỏi và thảo luận những vấn đề chính trị bằng những người mà tiếng mẹ đẻ của họ (tiếng nói vẫn dùng hàng ngày) là tiếng được dùng để thảo luận. Xét cho cùng thì tư duy chính trị của nhân dân chính là những tư tưởng được thể hiện trong sách báo chính trị của họ. Kết quả của những cuộc thảo luận chính trị - được đúc kết thành luật lệ - có ý nghĩa trực tiếp đối với những công dân sử dụng ngôn ngữ khác vì người đó phải tuân thủ pháp luật; nhưng người đó lại cảm thấy rằng mình không được tham gia vào quá trình lập pháp hoặc ít nhất là không được tham gia như những người mà tiếng mẹ đẻ chính là tiếng nói của đa số cầm quyền. Và khi anh ta xuất hiện trước quan tòa hay bất kì quan chức hành chính nào khác, trong vai người thỉnh cầu hay kiến nghị, là anh ta đứng trước những người có tư tưởng chính trị xa lạ vì những tư tưởng đó đã phát triển dưới sự tác động của những tư tưởng hoàn toàn khác lạ với anh ta.
Bên cạnh những điều đó, ngay cả việc người thiểu số phải sử dụng ngôn ngữ xa lạ với mình, khi đứng trước quan tòa hay quan chức hành chính, đã làm cho anh ta chịu nhiều thua thiệt. Giữa người có thể nói trực tiếp với quan tòa và người phải sử dụng phiên dịch đã là sự khác biệt một trời một vực. Ở đâu người thiểu số cũng cảm thấy rằng mình là người xa lạ, và dù lời văn của pháp luật có phủ nhận điều đó thì họ cũng chỉ là công dân loại hai mà thôi.
Ngay cả trong quốc gia có một hiến pháp tự do, trong đó hoạt động của chính phủ được giới hạn vào việc bảo vệ mạng sống và tài sản của công dân, thì những sự thiệt thòi như thế cũng tạo ra cảm giác đè nén rất nặng nề. Và trong nhà nước xã hội chủ nghĩa hay nhà nước thi hành chính sách can thiệp thì sẽ trở thành không thể chịu đựng. Còn nếu cơ quan hành pháp có quyền can thiệp bất cứ khi nào họ muốn, nếu quyền tự do hành động của các quan tòa và nhân viên công lực rộng rãi đến mức có thể đưa cả thiên kiến vào thì người dân tộc thiểu số có thể bị những nhân viên công lực thuộc đa số cầm quyền hành xử một cách tùy tiện và bị áp bức nữa. Những hậu quả xảy ra, khi nhà trường và nhà thờ không còn là những thực thể độc lập mà chịu sự quản lí của nhà nước, đã được thảo luận trong những phần trên. Chính đây là gốc rễ của chủ nghĩa dân tộc có tính chất hung hăng mà chúng ta đang thấy hiện nay. Hoàn toàn là sai lầm khi cố gắng quy những vụ đối đầu mang tính bạo lực giữa các dân tộc là do các nguyên nhân tự nhiên chứ không phải do nguyên nhân chính trị. Trong từng dân tộc cũng có tất cả những biểu hiện mà người ta hay dẫn ra làm ví dụ cho sự ác cảm được cho là bẩm sinh giữa các dân tộc. Người Bavaria ghét người Phổ; người Phổ ghét người Bavaria. Lòng hận thù giữa những nhóm khác nhau của người Pháp hay người Ba Lan cũng không kém phần dữ dội. Nhưng người Đức, người Ba Lan, người Pháp vẫn có thể sống chung một cách hòa bình trong lòng đất nước của họ. Nhưng thái độ ác cảm của người Ba Lan với người Đức và của người Đức với người Ba Lan lại có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì cả hai bên đều hi vọng chiếm được quyền lực chính trị trong khu vực biên giới, nơi người Đức và người Ba Lan sống cạnh nhau và sử dụng quyền lực đó nhằm áp chế dân chúng của phía bên kia. Việc dân chúng muốn dùng trường học làm phương tiện li gián trẻ con với ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng, và dùng tòa án, cơ quan hành chính, các biện pháp kinh tế và chính trị, thậm chí tịch thu tài sản, làm phương tiện đàn áp những người nói tiếng nước ngoài đã thổi bùng lên ngọn lửa hận thù, thiêu đốt tất cả. Chính vì người ta sẵn sàng sử dụng những biện pháp bạo lực nhằm thiết lập những điều kiện tốt đẹp cho tương lai chính trị của dân tộc mình mà họ đã tạo ra trong những khu vực đa ngôn ngữ hệ thống áp bức, đủ sức làm lung lay nền hòa bình trên toàn thế giới.
Khi cương lĩnh của chủ nghĩa tự do chưa được thực hiện một cách trọn vẹn trong những khu vực có nhiều dân tộc sinh sống thì lòng hận thù giữa dân tộc này với dân tộc khác chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng, và sẽ tiếp tục làm bùng lên những cuộc chiến tranh và bạo loạn mới.
5. Chủ nghĩa đế quốc
Những ông vua chuyên chế trong các thế kỉ trước đây thèm khát chinh phục để mở rộng lãnh thổ và làm giàu. Không ông vua nào có quyền lực tuyệt đối cho nên phải có sức mạnh thì mới giữ được quyền lực trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài. Không ông vua nào cảm thấy đủ giàu, vì ông ta cần có thêm tiền để nuôi quân và nuôi bọn tùy tùng.
Đối với nhà nước theo chủ nghĩa tự do, mở rộng hay không mở rộng biên giới lãnh thổ không phải là vấn đề quan trọng. Không thể chiếm đoạt của cải bằng cách sáp nhập các tỉnh mới vì "thu nhập" từ một vùng lãnh thổ nào đó phải được sử dụng cho bộ máy quản lí nó. Đối với nhà nước theo chủ nghĩa tự do, tức là nhà nước không ấp ủ những kế hoạch xâm lược, việc tăng cường lực lượng quân sự không phải là điều quan trọng. Quốc hội của các nước theo đường lối chủ nghĩa tự do chống lại mọi cố gắng nhằm tăng cường tiềm lực quân sự của đất nước, và phản đối mọi chính sách xâm lược và hiếu chiến.
Nhưng chính sách hòa bình của trường phái tự do, trong những năm 60 của thế kỉ trước (thế kỉ XIX - ND), khi chủ nghĩa tự do thu được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, được coi là chắc chắn, ít nhất là ở châu Âu, đặt trên cơ sở giả định rằng dân chúng sống trên mỗi vùng lãnh thổ đều có quyền tự quyết định họ thuộc về quốc gia nào. Nhưng vì các chế độ chuyên chế không chịu từ bỏ đặc quyền đặc lợi một cách hòa bình cho nên trước hết phải làm cách mạng và tiến hành chiến tranh thì mới bảo vệ được những quyền này. Phải dùng vũ lực mới lật đổ được ách thống trị của nước ngoài ở Ý, mới bảo vệ được người Đức ở Schleswig-Holstein trước nguy cơ bị tước quốc tịch, mới giải phóng người Ba Lan và người Slav miền Nam. Chỉ có một khu vực, đấy là quần đảo Ionia (thuộc Hi Lạp ngày nay - ND), nơi chế độ chính trị đương quyền đã giải quyết được một cách hòa bình yêu sách đòi quyền tự quyết của người dân; đó là nước Anh theo đường lối tự do đã trả lại tự do cho những hòn đảo này. Còn tất cả những nơi khác, kết quả bao giờ cũng là chiến tranh và cách mạng. Những cuộc đấu tranh nhằm tạo ra một nước Đức thống nhất đã phát triển thành cuộc xung đột Đức-Pháp đầy bi thảm [Ý nói cuộc chiến tranh Pháp-Phổ trong những năm 1869-1871, kết quả là Pháp thua - ND]. Vấn đề Ba Lan vẫn chưa được giải quyết vì Sa hoàng đã đè bẹp hết cuộc khởi nghĩa này đến cuộc khởi nghĩa khác. Vấn đề Balkan chỉ được giải quyết một phần, việc không thể giải quyết được vấn đề của vương triều Hapsburg trái ngược với ý chí của dòng họ đang nắm quyền cuối cùng đã dẫn đến một rắc rối, và đấy chính là nguyên nhân trực tiếp đưa đến Thế chiến.
Chủ nghĩa đế quốc hiện đại khác với những xu hướng bành trướng của những vương triều chuyên chế ở chỗ lực lượng thúc đẩy nó không phải là những người trong hoàng tộc, thậm chí không phải là người của giới quý tộc, của bộ máy quan liêu hay hàng ngũ sĩ quan muốn làm giàu hoặc gia tăng quyền hành bằng cách cướp bóc những vùng chiến được, mà lại là quần chúng, những người coi chủ nghĩa đế quốc là phương tiện bảo vệ nền độc lập dân tộc phù hợp nhất. Khi mạng lưới của những chính sách bài chủ nghĩa tự do, tức những chính sách làm cho chức năng của nhà nước bành trướng đến mức chẳng còn hoạt động nào là không bị nhà nước can thiệp, đã giăng ra khắp nơi như hiện nay thì chẳng còn hi vọng những vấn đề chính trị của những khu vực đa sắc tộc sẽ được giải quyết một cách tương đối thỏa đáng nữa. Nếu chính phủ của những vùng lãnh thổ đó không hành xử theo đường lối của chủ nghĩa tự do thì chẳng nên nói đến ngay cả sự bình quyền trong việc đối xử với các nhóm sắc dân khác nhau. Lúc đó sẽ chỉ còn nhóm cai trị và những nhóm bị trị. Sự lựa chọn chỉ còn là ai làm búa và ai phải làm đe. Như vậy nghĩa là, ước muốn có một nhà nước càng mạnh càng tốt - một nhà nước có thể mở rộng quyền cai trị sang cả những vùng có nhiều sắc dân sinh sống - đã trở thành cái gì đó không thể tách rời khỏi yêu cầu đảm bảo quyền tự vệ quốc gia.
Nhưng vấn đề này sinh ở những vùng đa ngôn ngữ không chỉ giới hạn trong các nước đã có người định cư lâu đời. Chủ nghĩa tư bản đã mở toang cánh cửa phát triển nền văn minh tại những vùng đất mới có những điều kiện sản xuất thuận lợi hơn phần lớn những nước đã có người ở từ lâu. Vốn và lao động chảy tới những khu vực thuận lợi. Phong trào di cư đã vượt xa những cuộc di dân từng xảy ra trước đó trên thế giới. Người di dân hầu như chẳng còn giới hạn chỉ đến những vùng đất mà những người đồng bào của mình cầm quyền. Ở những nơi không có điều kiện thuần nhất chủng tộc như thế, việc di dân sẽ lại tạo ra những xung đột như đã từng diễn ra ở những vùng lãnh thổ đa ngôn ngữ. Trong một số trường hợp đặc biệt (mà chúng ta sẽ không xem xét ở đây) cũng có sự khác biệt giữa những khu vực thuộc địa hải ngoại so với những quốc gia châu Âu vốn đã có dân định cư lâu đời. Tuy nhiên, cuối cùng thì những xung đột do sự bất bình của người thiểu số gây ra là như nhau. Ước muốn bảo vệ người dân tộc mình khỏi số phận như thế, một mặt, dẫn đến cuộc tranh đấu nhằm giành giật thuộc địa thích hợp cho việc định cư của các dân tộc châu Âu, và mặt khác dẫn đến việc áp dụng chính sách thuế khóa nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước vốn hoạt động trong những điều kiện kém cạnh tranh hơn so với nền công nghiệp nước ngoài, với hi vọng rằng công nhân sẽ không cần di cư nữa. Trên thực tế, nhằm mở rộng thêm thị trường được bảo vệ, người ta đã chiếm cả những vùng lãnh thổ được coi là không phù hợp để người châu Âu định cư. Chúng ta có thể coi những năm cuối thập kỉ 70 của thế kỉ trước [thế kỉ XIX] là khởi đầu của chủ nghĩa đế quốc hiện đại, đấy cũng là lúc các nước công nghiệp châu Âu bắt đầu từ bỏ chính sách thương mại tự do và tham gia vào cuộc chạy đua trong việc đi tìm "thị trường" tại các thuộc địa ở châu Phi và châu Á.
Thuật ngữ "chủ nghĩa đế quốc" được sử dụng lần đầu tiên chính là để nói về chính sách mở mang lãnh thổ thời hiện đại của nước Anh. Chắc chắn là ban đầu, chủ nghĩa đế quốc tại nước Anh không chú tâm nhiều vào việc sáp nhập những vùng lãnh thổ mới bằng việc thiết lập khu vực chính sách thương mại thống nhất trên tất cả những vùng thuộc quyền cai trị của hoàng đế Anh. Đấy là kết quả của một tình thế khác thường mà Anh quốc, một nước có nhiều thuộc địa nhất, đã lâm vào. Tuy nhiên, mục tiêu mà những thực dân người Anh nhắm tới trong việc thành lập hiệp định chung về thuế quan, bao gồm cả các nước thuộc địa lẫn chính quốc cũng là mục tiêu của những cuộc xâm chiếm thuộc địa của Đức, Ý, Pháp, Bỉ và những nước châu Âu khác, tức là thiết lập những thị trường xuất khẩu độc quyền.
Chủ nghĩa đế quốc không đạt được những mục đích thương mại mà nó nhắm đến. Giấc mơ về việc thành lập hiệp định chung về thuế quan trên tất cả những vùng lãnh thổ do Anh quốc cai trị đã không trở thành hiện thực. Những vùng lãnh thổ mà các nước châu Âu sáp nhập trong vài chục năm vừa qua, cũng như những vùng đất mà họ được "nhượng quyền" trước đây, đóng vai trò thứ yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm và tiêu thụ sản phẩm cho thị trường thế giới, cho nên những biện pháp như thế không thể tạo ra những thay đổi mang tính quyết định đối với quá trình sản xuất và giao thương. Mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc không chỉ là chiếm các vùng đất của những dân tộc còn hoang sơ, không đủ sức kháng cự, mà còn phải chiếm cả những vùng đất của những dân tộc sẵn sàng và đủ sức kháng cự nữa. Chính sách của chủ nghĩa đế quốc đã và chẳng bao lâu nữa sẽ thất bại. Chủ nghĩa đế quốc đang rút lui hoặc đang lâm vào hoàn cảnh cực kì khó khăn ở Abyssina, Mexico, Caucasus, Persia, và Trung Quốc v.v.
Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005
Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)