Thị trường xấu xa
Một trong những nghịch lý thú vị nhất xung quanh chủ nghĩa tư bản hiện đại là sự căm ghét, nỗi sợ hãi và sự khinh rẻ; đấy là những điều được đề cập thường xuyên nhất khi nói về chủ nghĩa tư bản. Trong xã hội đương đại, người ta đổ mọi tiếng xấu cho hoạt động kinh doanh, cho việc doanh nghiệp theo đuổi lợi ích riêng của mình, và cho hình thức tổ chức sở hữu tư nhân. Còn những người nhìn xuyên thấu qua lớp vỏ bọc của sự căm ghét và ngu dốt do các nhà chỉ trích thị trường tạo nên hẳn sẽ tự vấn bản thân: một thiết chế xã hội gắn liền với sự căm ghét và khinh rẻ ở khắp mọi nơi nhưng vẫn được duy trì thì có giá trị đến mức nào. Đây cũng là một câu hỏi khoa học thật kì thú. Tuy nhiên, câu hỏi này còn mang ý nghĩa sâu xa hơn sự hiếu kì mang tính khoa học nhỏ nhặt đó. Mises đã chỉ ra rằng, "Một hệ thống xã hội, mặc dù có ích lợi đến đâu, cũng không thể hoạt động được nếu như nó không được dư luận ủng hộ.” 1
Đối với những người chấp nhận quan điểm cho rằng hệ thống thị trường là hệ thống duy nhất có khả năng huy động và phát triển một cách trung thực nhất các nguồn tài nguyên sẵn có nhằm phản ánh những mong muốn của các thành viên trong xã hội, trong khi vẫn bảo vệ và nuôi dưỡng được các quyền tự do chính trị và kinh tế, thì từ lâu đã nhận thức được tính đúng đắn đầy bất hạnh của luận đề này. Những công kích nhiều cấp độ của những người thuộc hệ tư tưởng đối lập cũng như sự yếu thế của công chúng khi chống lại những công kích đó đã và đang làm suy yếu khả năng phục vụ xã hội của thị trường. Công chúng đã bị gieo vào đầu khuynh hướng chống lại sự phát triển theo định hướng thị trường. “Não trạng bài chủ nghĩa tư bản” đã xâm chiếm suy nghĩ của số đông công chúng. Đó là những người được hưởng lợi chính từ thị trường, bao gồm cả những bậc trí giả, nhà nghiên cứu khoa học xã hội vốn đóng vai trò chính trong việc diễn giải thị trường, và cả những nghiệp chủ và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người đóng vai trò chính trong việc vận hành nó. Tuy phải đối mặt với sự nghi kị sâu sắc cũng như phải chịu sự can thiệp ồ ạt và gần như méo mó của nhà nước, nhưng hệ thống thị trường vẫn tiếp tục hỗ trợ rất nhiều cho quá trình phân công lao động theo mức độ phức tạp của công việc cũng như tạo ra số lượng hàng hóa và dịch vụ cao chưa từng thấy. Chắc chắn rằng, hệ thống thị trường cần phải được vinh danh vì sự bền bỉ và sức mạnh phi thường đó. Liệu điều này có thể kéo dài được bao lâu, khi ngày càng nhiều người mất lòng tin về năng suất và đạo lý của hệ thống. Đây hẳn phải là mối quan tâm, là vấn đề rất trầm trọng mang tính chất sống còn đối với hệ thống này.
Hiểu biết về bản chất tự nhiên cũng như nguồn gốc của não trạng bài chủ nghĩa tư bản là vô cùng quan trọng. Muốn xóa bỏ não trạng này thì cần phải chỉ rõ những đặc trưng cơ bản cũng như xác định rõ nguồn gốc của nó. Một số học giả đã tự nguyện làm công việc này. Một loạt những tác phẩm nghiên cứu của rất nhiều tác giả đã được Hayek biên tập và xuất bản từ hai thập kỉ trước2. Tác phẩm này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều sử gia có thành kiến với chủ nghĩa tư bản, và đã chỉ ra mối quan hệ của não trạng này với thái độ thù địch đối với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản trong thế kỉ XVIII và XIX của tầng lớp quý tộc và giới trí thức lúc bấy giờ. Gần bốn thập kỉ trước đây, Hutt đã có những phân tích tuyệt vời không chỉ về những nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của não trạng bài chủ nghĩa tư bản, mà còn xem đó như là nguyên nhân dẫn đến sự bất lực đáng ngạc nhiên của các nhà kinh tế học trong việc tác động để dư luận nhận ra được lợi ích của hoạt động của thị trường cạnh tranh. Gần đây, cả Mises4 và Stigler5 đã nỗ lực giải thích sự xuất hiện của những ác cảm mạnh mẽ đối với hệ thống thị trường của rất nhiều người, trong đó có cả giới trí thức vốn được trông đợi là người ủng hộ nhiệt thành nhất. Các nhà sử học về tư tưởng kinh tế chắc chắn có thể vẽ được biểu đồ về những thay đổi thất thường trong thái độ của bản thân các nhà kinh tế học trước những lợi ích xã hội của hệ thống ra quyết định phi tập trung dựa trên sở hữu tư nhân.
Phần thảo luận dưới đây về não trạng bài chủ nghĩa tư bản sẽ cố gắng chỉ rõ ba tầng nhận thức của tư tưởng này. Trước tiên, ta sẽ xem xét những cáo buộc chống chủ nghĩa tư bản được đưa ra công khai. Chính nhờ những cáo buộc, chỉ trích, và đấu tố này mà não trạng bài chủ nghĩa tư bản mới được thể hiện công khai. Thứ hai, ta sẽ xác định và phân tích các tiền đề góp phần hình thành (hoặc hình thành sai hướng) những chỉ trích công khai biểu hiện não trạng bài chủ nghĩa tư bản. Bất cứ nỗ lực nào đáp trả lại những phê phán ở cấp độ đầu, không sớm thì muộn, cũng sẽ phải tìm đến những điểm yếu của các cơ sở phân tích tại cấp độ hai. Thứ ba, chúng ta sẽ lưu ý những quan điểm ở tầng sâu hơn đã góp phần hình thành nên các dạng thức khác nhau của não trạng bài chủ nghĩa tư bản. Bất kể những bản án tố cáo chủ nghĩa tư bản có cụ thể và công khai như thế nào, bất kể những ngụy biện về kinh tế ẩn chứa trong những tố cáo ấy, thì việc tìm hiểu kỹ lưỡng não trạng bài chủ nghĩa tư bản cũng không thể tránh khỏi một cuộc chiến giáp la cà với các định kiến đã ghim sâu vào trong thói quen suy nghĩ, cả trong tiềm thức lẫn tâm thức, ác cảm đối với hệ thống thị trường. Bây giờ, chúng ta sẽ lần lượt xem xét ba cấp độ của não trạng mà ta vừa mới nhận diện trên đây.
Những chỉ trích công khai
Có một danh sách dài và được nhiều người biết đến về những lời tố cáo hệ thống thị trường. Những lời tố cáo này trải dài từ những cáo buộc hệ thống thị trường về các vấn đề đức hạnh cho đến cáo buộc về khía cạnh kinh tế. Chúng ta không cần phải làm gì nhiều hơn ngoài việc cố gắng trích dẫn lại từ danh sách này. Mục đích chính của chúng ta ở đây không phải là để vật lộn mổ xẻ những chỉ trích này. Chúng ta liệt kê danh sách này để chỉ ra các loại não trạng bài chủ nghĩa tư bản được phát ngôn ra, và quan trọng hơn, là để phân biệt những lời phê bình công khai này với các nền tảng lý thuyết của chúng, và với những thái độ, tuy không được công bố, nhưng được xem như có quan hệ mật thiết với chúng.
Hệ thống thị trường bị cáo buộc là nhân tố nuôi dưỡng và chịu trách nhiệm cho các lối sống thiên về vật chất trong xã hội hiện đại. Nó bị buộc tội là thúc đẩy và cho phép sự hiện diện của tính ích kỉ và lòng tham. Nó bị quy kết là kích thích hành vi lừa đảo. Nó bị lên án là làm giảm thị hiếu của người dân thông qua các hoạt động quảng cáo, lừa đảo và đổi trắng thay đen, khiến người dân có nhu cầu về các loại hàng hóa và dịch vụ mà trên thực tế gây hại và làm cho người dân thoái hóa, biến chất. Hệ thống này cũng chịu trách nghiệm cho việc phá hủy môi trường. Nó bị tố cáo là làm tổn hại lòng tự trọng của những người công nhân, vì tạo ra sự tha hóa, sự chán nản và sự thất vọng trong xã hội, cũng như cảm giác bất an và sợ hãi. Sự bất bình đẳng về thu nhập cùng với các hệ quả của nó được xem như là đặc thù của các nước tư bản chủ nghĩa và cũng bị coi là tội ác và xấu xa. Sự bất bình đẳng này được bêu ra như là một ví dụ minh họa cho sự bất công cơ bản của hệ thống thị trường; nó được nhìn nhận như là sự phóng chiếu của tình trạng áp bức và bóc lột kinh tế. Hệ thống thị trường này chịu trách nghiệm cho những mâu thuẫn chủng tộc, phân biệt đối xử do giới tính, và chủ nghĩa đế quốc. Thị trường sẽ nhận điểm trượt nếu xét một cách chặt chẽ chức năng kinh tế. Nó sản xuất các thứ hàng hóa giả mạo, nguy hiểm vì lợi ích của doanh nghiệp hơn là lợi ích của người tiêu dùng. Nó là nguyên nhân của các đợt bùng phát, biến động lớn như khủng hoảng thừa, thất nghiệp và khủng hoảng tiền tệ. Nó được xem như là lực lượng phá hoại sự vận hành của nền chính trị dân chủ. Nó là nguyên do dẫn đến tham nhũng trong chính phủ và dẫn đến sự tập trung quyền lực kinh tế vào những doanh nghiệp lớn.
Chắc chắn rằng đây là một danh sách chưa được đầy đủ. Tuy nhiên, nó thực sự thể hiện được một dải các luận điệu chống chủ nghĩa tư bản mà chúng ta đều quá quen thuộc. Sớm hay muộn, não trạng chống chủ nghĩa tư bản sẽ được hiện ra dưới hình thức của một trong những cáo buộc, tổ cáo và chỉ trích trên.
Trước khi xem xét nền tảng lý thuyết của những chỉ trích này, chúng ta cần để ý đến một nhận xét quan trọng. Đó là, trong hầu hết các trường hợp những lời cáo buộc có thể có ý nghĩa chỉ trong ngữ cảnh của những quan điểm lý thuyết cụ thể (như thế thì việc chỉ ra các ngụy biện ẩn chứa trong những những lý thuyết đó sẽ khiến cho những lời cáo buộc kia trở nên vô hại) thì bản thân những lời cáo buộc lại thường được đưa ra mà không dựa vào bất cứ khung lý thuyết rõ ràng nào cả. Người ta quan sát thấy một khía cạnh không hay trong đời sống thực tế của chủ nghĩa tư bản, như sự lừa đảo hay thất nghiệp tràn lan, hay sự phân biệt chủng tộc hay những biểu hiện của lòng tham. Khía cạnh này sau đó được gán thành một thuộc tính của chủ nghĩa tư bản mà không có sự cân nhắc kỹ càng nào. Nhưng nếu như, xét về bản chất của các sự vật, các khía cạnh không hay trong đời sống thực tế của chủ nghĩa tư bản – hoặc của bất cứ thực tế nào – nhan nhản khắp nơi thì chắc hẳn những lời cáo buộc trước đây về chủ nghĩa tư bản phải liên tục xuất hiện dưới những hình hài mới dù cho chúng đã bị phủ định trước đó.
Lý thuyết chống chủ nghĩa tư bản – Luận đề Stigler- Zweig
Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang xem xét những nền tảng lý thuyết nuôi dưỡng những lời cáo buộc công khai hệ thống thị trường được liệt kê trong phần trước. Ở đây chúng ta giới hạn chỉ xem xét những quan điểm chống chủ nghĩa tư bản (thường là chưa tường minh) kém vững chắc nhất khi chúng được xem xét cẩn thận. Phải nhắc lại rằng, mục đích của chúng ta ở đây không phải là để giải đáp tất cả những lời phản đối chủ nghĩa tư bản được liệt kê trong phần trước. Và trên thực tế, chúng ta cũng không nhất thiết phải làm vậy khi không bị bắt buộc. Tuy nhiên, khi phân tích về “tầm nhìn” trong não trạng bài chủ nghĩa tư bản, chúng tôi nhận thấy quyết định chỉ tập trung vào một số khía cạnh nhất định của não trạng này là đúng đắn và thiết thực; đó là những khía cạnh mà chúng tôi tin là có thể vạch trần những ngụy biện bằng các lập luận không thiên vị. Thực ra, mục đích của chúng tôi trong việc đặt ra những nền tảng lý thuyết về não trạng bài chủ nghĩa tư bản là để minh họa cho những nội dung nằm dưới cái tên luận đề Stigler- Zweig.
Luận đề này là: chương trình đào tạo truyền thống mà nhà kinh tế học chuyên nghiệp phải trải qua hướng ông ta đến với quan điểm kinh doanh tự do về các vấn đề kinh tế. Luận đề này nhận được sự ủng hộ từ hơn một phần tư dải các ý thức hệ. Trong một bài nghiên cứu nổi tiếng nhiều năm trước đây, Stigler đã cải tiến luận đề này: “nghiên cứu chuyên nghiệp về kinh tế khiến người ta có quan điểm bảo thủ về mặt chính trị” (ở đây một “người bảo thủ” được định nghĩa là người luôn “mong muốn các hoạt động kinh tế được thực hiện bởi doanh nghiệp tư nhân, và cũng là người tin rằng việc lạm dụng quyền lực cá nhân thường sẽ bị kiểm soát bằng các lực lượng cạnh tranh, và cạnh tranh cũng là cách để tạo ra hiệu quả và tiến bộ”)6. Gần đây Michael Zweig, đại diện cho phe Cánh Tả Mới, đã bày tỏ một quan điểm tương tự vốn đã được biết đến từ lâu bởi các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa về kinh tế học chính thống: những phân tích cận biên (mà kinh tế học chính thống phải sử dụng để định danh cho mình) không chỉ “phi thực tế”, mà còn có thể “có hại”, đến mức có thể nói “chủ nghĩa cận biên về cơ bản là phản cách mạng”.7 Trong một bài tiểu luận giới thiệu tuyển tập các bài đọc, bao gồm rất nhiều các bài của cả hai phe Cánh Tả Mới và Cũ, Lekachman, người cũng có bài viết trong đó, đã thể hiện quan điểm của ông về chủ nghĩa cận biên là “một biểu tượng bảo thủ cao độ”.8
Tổng luận của chúng tôi về nền tảng lý thuyết của não trạng bài chủ nghĩa tư bản sẽ xác nhận luận đề này. Nghĩa là, chúng ta sẽ thấy rằng nhãn quan lý thuyết này không nhất quán (chí ít là thế) với nhãn quan nằm ẩn trong các phân tích kinh tế. Vì thế tại cấp độ thảo luận này về não trạng bài chủ nghĩa tư bản, như Mises đã liên tục nhấn đi nhấn lại, chúng ta phải coi luận đề này là sự phủ nhận khoa học kinh tế.
Luận đề Stigler- Zweig hay những biến thể của nó đóng vai trò không chỉ là nền tảng lý thuyết cho những luận điệu bài tư bản chủ nghĩa, vốn hoàn toàn thuộc về khía cạnh kinh tế, mà còn là cơ sở cho những lời tố cáo về khía cạnh đạo đức của hệ thống thị trường. Phân tích kinh tế tạo ra những thói quen suy nghĩ cho phép người ta tránh được việc đưa ra những đánh giá về đạo đức không nhất quán với nhau hoặc dựa trên những tiền đề không hợp lệ về mặt logic.
Nếu như phần trước trình bày danh sách những lời cáo buộc quen thuộc về tư bản chủ nghĩa, những trang tiếp theo sẽ đưa ra một danh mục các ngụy biện mà các giáo viên lý thuyết kinh tế cơ sở luôn thấy tự mình phải có trách nhiệm gỡ mặt nạ.
(a) Nếu người này được thì người khác phải mất: việc từ chối chấp nhận luận điểm cho rằng trao đổi tự do là hành động đem lại lợi ích (chí ít là viễn cảnh) cho cả hai bên là biểu hiện rõ ràng nhất của việc hiểu biết non kém về kinh tế học. Quan điểm sai lầm cho rằng việc người này hưởng lợi trên thị trường ắt phải dẫn đến việc người khác chịu thua thiệt là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các lời lên án thị trường. Trong đó có cả các cáo buộc về sự bóc lột của người bán đối với người mua (như trong trường hợp sức lao động) và sự bóc lột của người mua đối với người bán (như trong trường hợp các mối quan hệ thuê mướn đất đai). Lỗi ngụy biện này phải chịu trách nhiệm cho việc những người phê phán chủ nghĩa tư bản không ngừng đưa ra đòi hỏi phải cấm các loại trao đổi mà họ thấy là một trong các bên gặt hái được lợi ích bất thường. Hơn nữa, lỗi ngụy biện này cũng đóng vai trò là một trong những nền tảng cho lời cáo buộc theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận nói chung, và vì vậy là cáo buộc toàn bộ hệ thống thị trường chừng nào hệ thống này còn thúc đẩy xã hội theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận.
(b) Đổ lỗi gây béo phì cho người hầu bàn: Việc không nhận ra được mức độ biểu hiện quyền lực tối cao của người tiêu dùng trên thị trường dẫn đến lời cáo buộc mà Stigler gọi là đổ lỗi bệnh béo phì cho người hầu bàn. Hình thức giản đơn nhất của lỗi ngụy biện này là việc cáo buộc hệ thống thị trường đã tạo ra quá nhiều các loại thị hiếu tiêu dùng mà những người phê phán không chấp nhận. Ở mức độ lớn hơn, việc cáo buộc chủ nghĩa tư bản kích thích “lối sống vật chất” phản ánh nhận thức sai lầm này. (Hãy nhớ rằng không chỉ thị trường bị lên án vì mang tính chủ nghĩa duy vật, mà các nhà kinh tế học cũng bị cáo buộc vì chủ đề nghiên cứu của họ thiên về khía cạnh vật chất trong đời sống con người). Ở mức độ thấp hơn, lời cáo buộc hoạt động kinh doanh tạo ra các loại sản phẩm độc hại và nguy hiểm phản ánh sự thất bại trong việc hiểu rằng người tiêu dùng đơn giản không sẵn sàng hy sinh mức xứng đáng để tận hưởng một mức sống chất lượng cao hơn và an toàn hơn. Không nghi ngờ gì rằng những lời cáo buộc chủ nghĩa tư bản hiện nay gây ra các ảnh hưởng đến môi trường, ở một phương diện nào đó, cần phải được nhìn nhận như là việc phản ánh một giá trị liên quan đến chất lượng môi trường cao hơn mức giá trị mà người tiêu dùng nói chung đang chấp nhận.
Ở một mức độ nhất định, các lời cáo buộc phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính chống lại chủ nghĩa tư bản thuộc về cùng loại mù quáng theo hướng quy kết các nguyên nhân và các kết quả cho quá trình thị trường. Ở một mức độ tranh luận sâu hơn, lỗi ngụy biện “đổ lỗi gây béo phì cho người hầu bàn” tái hiện hình thức tấn công vào nỗ lực quảng cáo và bán hàng. Nếu không phải bản thân người hầu bàn là thủ phạm thì ánh đèn nê-ông ở bên ngoài khách sạn, hoặc hương vị quyến rũ của thức ăn bay ra từ đó, sẽ bị quy tội là nguyên nhân. Có lẽ là bởi vì kinh tế học đại cương nói chung đã thất bại trong việc làm sáng tỏ nỗ lực bán hàng của nghiệp chủ trong quá trình phục vụ thị trường, khiến cho hình thức cụ thể của lỗi ngụy biện béo phí được nhiều nhà kinh tế kém hiểu biết sử dụng lan tràn khắp nơi.
(c) Bực mình với các chi phí (hay việc phủ nhận sự khan hiếm): Ở một phạm vi đáng ngạc nhiên, các lời chỉ trích chống chủ nghĩa tư bản trở thành việc phản ánh đơn thuần sự thiếu kiên nhẫn đối với các chi phí không thể tránh khỏi để đạt được những mục tiêu đáng mong muốn. Các khía cạnh không mong muốn trong địa hạt kinh tế liên tục được lôi ra như là bằng chứng cho sự thất bại của thị trường. (Nhân đây cũng phải nói rằng những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản, phê phán chủ nghĩa xã hội cũng thường mắc phải lỗi ngụy biện tương tự). Ở đây, không hẳn là người chỉ trích phớt lờ hoặc không đồng ý với các giá trị của người tiêu dùng. Đơn giản là anh ta không chịu thừa nhận rằng tính hiệu quả của việc đạt được các mục tiêu có giá trị cao hơn đòi hỏi phải chủ động hy sinh những mục tiêu quan trọng khác nhưng kém phần cấp bách hơn. Thời gian làm việc dài, điều kiện lao động tồi, làm mất mĩ quan môi trường, như kinh tế học đại cương dạy chúng ta, không phải là bằng chứng cho sự thất bại của hệ thống kinh tế (bất kể chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội), mà thực chất là bằng chứng cho thấy hệ thống kinh tế phân bổ nguồn lực hiệu quả từ những mục tiêu kém ưu tiên hơn sang những mục tiêu đáng giá hơn. Các khía cạnh vốn chịu nhiều chỉ trích như sự tha hóa của người công nhân, hay nỗi lo âu và cảm giác bất an của những người tham gia thị trường chắc chắn cần được đánh giá khác đi, ví dụ như coi chúng là những chi phí không thể tránh khỏi của quá trình phân công lao động hoặc của một hệ thống xã hội mà tại đó tự do gia nhập thị trường là động lực chính thúc đẩy cạnh tranh. Ở một mức độ nhẹ nhàng hơn, hoạt động quảng cáo lòe loẹt và tràn lan khắp nơi, thay vì bị lên án, cần được nhìn dưới góc độ khác, chẳng hạn như là chi phí xã hội cần thiết phải bỏ ra để giúp người tiêu dùng trong xã hội tư bản lựa chọn trong vô số các sản phẩm. Hóa ra là, một xã hội tư bản càng giàu có thì lại nảy ra chiêu trò khan hiếm mới – thiếu thông tin nên tiêu dùng cái gì trong vô số những thứ sẵn có. Như thế nghĩa là những nhà phê phán chủ nghĩa tư bản đã không nắm được nội dung kinh tế học đại cương này.
(d) Sợ hãi tình trạng vô chính phủ: Như Hayek đã chỉ ra hết lần này đến lần khác, trong thời đại chúng ta, người ta luôn coi bất cứ thứ gì mà “không được chủ ý định hướng một cách tổng thể” là một thiếu sót, nghĩa là điều này là “một bằng chứng của sự thiếu lí tính và cần phải thay thế nó hoàn toàn bằng một cơ chế được thiết kế một cách có chủ ý”.9 Cụ thể, lỗi ngụy biện này liên quan đến “sự bất lực, do thiếu vắng một lý thuyết đa hợp về các hiện tượng xã hội, nhằm tìm hiểu bằng cách nào hành động độc lập của nhiều người có thể tạo ra được những tổng thể nhất quán, với các cấu trúc quan hệ bền vững, đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu của con người mà không đòi hỏi phải được thiết kế vì mục đích đó.”10
Không nghi ngờ gì rằng chính sự “thiếu vắng một lý thuyết đa hợp về các hiện tượng xã hội” là nguyên do tạo ra vô số các chỉ trích chống chủ nghĩa tư bản. Não trạng bài chủ nghĩa tư bản rõ ràng là đồng hành với sự thiếu hiểu biết, hay cố tình không muốn biết, về các nguyên lý của hệ thống thị trường, vốn dĩ được lý thuyết kinh tế phát hiện ra. Một khi người ta mặc nhiên cho rằng một xã hội không được những nhà lãnh đạo cấp cao hoạch định ắt dẫn đến rối loạn, người ta sẽ trở nên dễ dãi chộp lấy những vấn đề trước mắt để minh họa cho sự rối loạn đó. Ngay cả khi những người chỉ trích chủ nghĩa tư bản thừa nhận vai trò mang tính quyết định của lực lượng thị trường thì họ vẫn coi chúng không là gì khác ngoài sự hỗn loạn; tức chúng là những lực lượng đẩy xã hội đi theo những hướng không đáng mong muốn.
(e) Sợ hãi những hậu quả của lòng tham: Có mối quan hệ chặt chẽ với thành kiến được phân tích ở trên là khuynh hướng gán các hậu quả không mong muốn cho thị trường đơn giản là vì thị trường cho phép các cá nhân tham lam hoặc ích kỷ hành động một cách tự do. Bởi tự do giao thương nghĩa là tự do hành động một cách tham lam hoặc ích kỷ, nên người ta tin rằng tự do kinh tế ắt dẫn đến ô trọc, hung hãn và rừng rú. Điều mà bị lờ đi ở đây là khả năng của thị trường trong việc kiềm chế lòng tham của những người tham gia nhằm phục vụ ước muốn của những người khác. Cố tình không nhìn nhận những ràng buộc mà thị trường áp đặt lên hành động của các cá nhân khiến những người chống chủ nghĩa tư bản diễn giải những khía cạnh của nền kinh tế mà họ thương cảm như là những hệ quả tai hại, không thể tránh được của một hệ thống xã hội dựa trên ích kỷ và lòng tham.
(f) Đổ lỗi cho thị trường về những hệ quả của chính sách can thiệp: Hệ thống thị trường thường bị chỉ trích vì những khía cạnh kinh tế-xã hội đương đại mà thực chất là do sự can thiệp của nhà nước vào thị trường gây ra. Dĩ nhiên là nếu phê phán chỉ giới hạn nhằm vào chủ nghĩa tư bản đương đại thì chẳng cần phản bác lại làm gì. Tuy nhiên, những chỉ trích chủ nghĩa tư bản kiểu như thế thường là quay hướng sang tấn công vào chính hệ thống thị trường thay vì là vào chính sách can thiệp của nhà nước vào quá trình vận hành của thị trường. Ở đây, chúng ta mắc phải lỗi phân tích sơ đẳng trong việc phân biệt giữa các hệ quả do các yếu tố thị trường tạo ra với các hệ quả của các lực lượng phi thị trường trong xã hội tư bản hiện đại đầy phức tạp. Lỗi phân tích này được chuyển thành rất nhiều các phản bác chống lại chủ nghĩa tư bản, mà thực chất liên quan đến sự thiếu vắng cạnh tranh do các rào cản không cho người mới tham gia vào những ngành sản xuất do chính phủ dựng lên (hoặc từ các hạn chế đối với thương mại quốc tế), hoặc liên quan đến những điều chỉnh méo mó xuất phát từ các chính sách kiểm soát giá của chính phủ dưới vô số hình thức, hoặc liên quan đến các điều chỉnh méo mó có tính chu kỳ (bao gồm cả thất nghiệp với quy mô lớn) gây ra bởi chính sách nới lỏng tiền tệ ở quy mô lớn của chính phủ. Trong tất cả các phê phán như thế, điều đáng tranh biện là quan điểm được khẳng định (có lẽ dưới dạng ngụ ý) bởi những người phê phán, theo đó những đặc điểm không đáng muốn mà chúng ta quan sát thấy là do sự vận hành không bị cản trở của bản thân hệ thống thị trường, chứ không phải từ những chính sách xa rời thị trường.
(g) “Lỗi ngụy biện Niết Bàn”: lỗi ngụy biện cuối cùng (tất nhiên là chưa liệt kê đầy đủ) trong danh sách của chúng ta là “lỗi ngụy biện Niết Bàn” – một khái niệm được giáo sư Demsetz đặt tên.11 (Thực ra chúng ta sẽ trình bày lỗi ngụy biện này theo nghĩa rộng hơn chứ không phải giống hệt như của giáo sư Demsetz). Demsetz lý giải rằng “những người theo quan điểm Niết Bàn có xu hướng khám phá sự khác biệt giữa trạng thái lý tưởng và trạng thái thực tế, và nếu phát hiện ra sự khác biệt, họ đưa ra kết luận là trạng thái thực tế không hiệu quả”.12 Không nghi ngờ gì rằng nhiều phê phán chủ nghĩa tư bản đánh giá tính hiệu quả hay yếu tố đạo đức của nó dựa trên so sánh với một chuẩn mực lý tưởng nào đó vốn dĩ chẳng mấy liên quan đến thế giới thực. Khi làm như thế, họ bỏ qua thực tế là việc cải thiện thế giới thực chưa hoàn hảo phải diễn ra trên nền của thế giới không hoàn hảo đó; nghĩa là, đơn giản chúng ta không thể tái tạo lại toàn bộ tổng thể các hệ thống; và ngay cả khi có thể thì chi phí để làm điều đó có thể khiến cho việc chấp nhận trạng thái không hoàn hảo trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Những người chống chủ nghĩa tư bản thể hiện quan điểm niết bàn của mình dưới nhiều hình thức. Họ thường đổ lỗi cho thị trường về sự phân phối thu nhập bất bình đẳng mà không đoái hoài đến thực tế là đã có sự phân bổ nguồn lực khác nhau ngay từ ban đầu (đặc biệt là các nguồn lực về vốn con người). Hay, khi người ta cáo buộc việc sử dụng phương pháp phân tích cận biên ví lý do không xem xét đến cấu trúc thể chế (bao gồm cả hệ thống quyền tài sản hiện hành) bao quanh các điều chỉnh cận biên, người ta đã không nhìn thấy trong lập luận của những người phê phán các chi phí (giao dịch hoặc làm chính sách) để tái dựng lại hệ thống xã hội từ các nền móng ban đầu. Hay, như Demsetz chỉ ra, những người phê phán viện dẫn đến các yếu tố ngoại ứng hoặc các tình huống tương tự dẫn đến phi hiệu quả là những người thường xuyên phớt lờ trong tính toán của mình chi phí về các nguồn lực cần phải huy động đề hiệu chỉnh các yếu tố phi hiệu quả đó.
Cội nguồn của não trạng bài chủ nghĩa tư bản
Chúng ta đã xem xét các phê phán thị trường của những người bài chủ nghĩa tư bản cũng như chỉ ra các sai lầm thường gặp trong phân tích dẫn đến các phê phán trên. Còn bây giờ đã tới lúc chúng ta xem xét các thái độ và định kiến mang tính tâm lý nuôi dưỡng não trạng đó. Các nhầm lẫn diễn ra nhan nhản trong hệ thống lý thuyết ẩn phía dưới các phê phán chủ nghĩa tư bản khiến chúng ta nhận ra rằng phải có những giá trị và định kiến nằm ở sâu hơn nữa bên dưới chúng. Từ các nguồn tài liệu tham khảo đã đề cập trong bài viết này, cộng với một vài nguồn tư liệu khác, chúng tôi đưa ra một loạt các yếu tố tâm lý làm nguồn nuôi dưỡng cho não trạng bài chủ nghĩa tư bản nảy nở.
a. Mises đã phân tích rất sâu nỗi oán hận có thể khởi nguồn từ những tham vọng bất thành của một bộ phận trí thức hoặc giới công nhân cổ trắng có máu đố kị với sự thành công của những nghiệp chủ thành đạt.
b. Một yếu tố có mức độ quan trọng không kém cần phải xem xét là quan điểm phổ biến cho rằng sự bất bình đẳng kinh tế là cái gì đó phi đạo đức và hẳn là điều không ai mong muốn. Ở đây, thái độ hằn học với người giàu và thương cảm với người nghèo cần phải được xem như là mầm mống khiến những người quan sát thấy sự bất bình đẳng trong xã hội tư bản sẽ có xu hướng đưa ra những diễn giải thiếu thiện ý về nguồn gốc của những bất bình đẳng này.
c. Thái độ khinh miệt sâu đậm đối với các hoạt động gắn với tính tham lam hoặc ích kỷ là nguyên nhân khiến người ta dễ dàng tin vào những điều xấu xa khi nói về chủ nghĩa tư bản.13
d. Thái độ khinh thường thị hiếu thấp kém của đại chúng và do đó đối với các doanh nhân đáp ứng các thị hiếu thấp kém đó là nguyên dân dẫn đến việc người ta coi thị trường như là cái gì đó xô bồ và tầm thường. Thực tế, điều này dẫn đến việc người ta dễ dàng đổ lỗi cho giới doanh nhân đã tạo ra thị hiếu tầm thường của đại chúng.
e. Liên quan mật thiết với thái độ coi thường thị hiếu của đại chúng là việc con người thường có thái độ yêu thích những thứ từ thiên nhiên hơn những thứ nhân tạo, yêu thích những thứ đơn giản và thoáng đãng hơn là tình trạng chật chội và phức tạp của đô thị. Bởi sự thành công ngoạn mục của xã hội tư bản công nghiệp gắn liền với quá trình biến mất của đời sống dân dã vốn được khá nhiều người trong chúng ta yêu thích, nên tự thân chủ nghĩa tư bản đã cấu thành nhân vật phản diện.14
f. Và một lần nữa, sự yêu thích cái đơn giản có mối quan hệ gần với việc con người có tâm lý không sẵn sàng cho những công việc gò bó nhưng hiệu quả. Người ta nguyền rủa và sợ hãi chủ nghĩa tư bản bởi vì nó thành công trong việc huy động các nguồn lực sẵn có để phục vụ cho các mục đích mà xã hội cần.
g. Nỗi e sợ rộng khắp đối với quyền lực kinh tế cần được xem như là một trong những thái độ dẫn đến hành động chống chủ nghĩa tư bản. Trong khi điều mà Giáo sư Petro gần đây gọi là “hội chứng quyền lực kinh tế” thường theo sau sự xuất hiện của lý thuyết công khai phủ nhận vai trò quyền lực tối cao của người tiêu dùng, thì khá rõ ràng là trong nhiều trường hợp hội chứng này trên thực tế là nguồn cơn để hình thành lý thuyết nhằm hỗ trợ nó. Do đó, sự thành công rất lớn của chủ nghĩa tư bản trong việc tổ chức hiệu quả hoạt động sản xuất tại các đơn vị sản xuất có quy mô lớn trên thực tế lại khiến cho người ta nghi ngờ và công kích nó một cách đầy cay nghiệt.
h. Giáo sư Hutt16 đã chỉ ra là những người bài bác kinh tế học thường là nạn nhân của cái mà ông gọi là “tư-duy-thói-quen”15 - trạng thái trì trệ về trí tuệ. Tư duy thói quen hiển nhiên có thể biểu hiện theo nhiều cách. Nhưng một danh sách dài những ngụy biện kinh tế mà những người chống chủ nghĩa tư bản vấp phải, như trình bày ở phần trên cho thấy tình trạng trì trệ trí tuệ có lẽ đóng vai trò không phải là không đáng kể trong não trạng bài chủ nghĩa tư bản.
i. Cuối cùng chúng tôi lưu ý tới vai trò của tình trạng “ngại đưa ra ý kiến vì lý do lợi ích” như là một lời giải thích cho sự tồn tại bền vững của những lỗi ngụy biện rất sơ đẳng bên trên. Giáo sư Hutt đã có một bài viết điểm lại đầy đủ vai trò của “tư duy quyền lực” đối với khía cạnh này. Tất nhiên, một lần nữa, yếu tố lợi ích có thể làm giảm việc đưa ra quan điểm theo nhiều hướng. Nhưng khi nghĩ đến việc những doanh nhân có thể hưởng lợi từ sự bảo hộ của chính phủ chống lại cạnh tranh từ nước ngoài hoặc từ doanh nghiệp trong nước, và đồng thời nghĩ đến việc nhiều người mà, dù đúng hay sai, tin rằng nếu đảo ngược lại chiều bảo hộ thì họ sẽ là bên hưởng lợi, thì khó có thể bác bỏ được rằng yếu tố lợi ích chính là một cội nguồn quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa tư bản.
Tranh đấu với não trạng bài chủ nghĩa tư bản
Theo truyền thống, những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản thường chú tâm vào các bài bác và lời cáo buộc cụ thể được đưa ra bởi những người miệt thị nền kinh tế thị trường. Để làm điều đó, họ dĩ nhiên cần phải tìm ra những lỗi ngụy biện mang tính logic ẩn dưới những lời cáo buộc đó. Nhưng với việc phát hiện ra rằng những thành kiến ở tầng sâu mới là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại bền bỉ của não trạng bài chủ nghĩa tư bản, thì chúng ta cần phải nghi ngờ liệu chiến lược bảo vệ lý tưởng của nền kinh tế thị trường theo cách truyền thống trên có hiệu quả hay không. Việc nhận ra ba tầng của não trạng bài chủ nghĩa tư bản trình bày trong bài viết này có thể giúp chúng ta xác định được đối tượng mà chúng ta phải đối mặt. Ở tầng những cáo buộc được phát biểu tường minh, rõ ràng có vô số các biểu hiện của não trạng này. Việc bác bỏ một cáo buộc cụ thể ở dưới hình thức này hay hình thức khác không ngăn cản được sự xuất hiện của nó dưới những hình thức khác. Vì lý do này, rõ ràng là lý thuyết đóng một vai trò quan trọng trong việc bác bỏ các lỗi ngụy biện phân tích nằm phía dưới các tập hợp các cáo buộc thị trường. Tuy nhiên, mức độ khái quát cao của thảo luận lý thuyết có thể dẫn đến việc những người phê phán chủ nghĩa tư bản không nhận ra được mối liên quan giữa các lý thuyết và các đặc điểm cụ thể của nền kinh tế thị trường, và vì thế lại kích thích họ tiếp tục phê phán. Tất nhiên, áp dụng chính xác lý thuyết, vì nhiều lý do khác nhau, còn khó hơn cả việc xây dựng lý thuyết.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, lý thuyết kinh tế không thích ứng được với nhiệm vụ chiến đấu chống lại những kẻ bài chủ nghĩa tư bản. Các lý thuyết gia, vốn là những nhà khoa học luôn cố gắng duy trì thế giới không thành kiến (value freedom) trong công việc, dường như không sẵn sàng nhập cuộc trong vai trò những người biện hộ cho một hệ thống tổ chức xã hội cụ thể. Một lần nữa, sự phức tạp của lý thuyết hiện đại khiến chúng hầu như không giúp được gì nhiều trong việc hiệu chỉnh những hiểu biết chưa chuẩn xác của quần chúng. (Vì lý do này, chúng tôi ủng hộ ý tưởng của Edwin Cannan về xây dựng kinh tế học đơn giản). Có cơ sở để tin rằng nội dung của đa phần lý thuyết (kinh tế học) đương đại, đặc biệt trên khía cạnh quá coi trọng các điều kiện cân bằng, không thích hợp để làm sáng tỏ chức năng xã hội của thị trường.17 Ở tầng tư tưởng, việc bảo vệ khỏi não trạng bài tư bản có lẽ đòi hỏi phải tiếp tục áp dụng lý thuyết nền tảng theo cách thức mới cho những tình huống mới.
Nhưng mặt khác, nhận thức của chúng ta về vai trò của các lỗi ngụy biện lý thuyết và về ảnh hưởng của các tác động của rất nhiều những lời kết tội cụ thể đối với thị trường khiến chúng ta phải cẩn thận để tránh ảo tưởng rằng não trạng bài chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại bằng một phương tiện hời hợt nào đó mà không tiến sâu vào từng tầng của não trạng này. Bất kể việc chúng ta có thành công trong việc vô hiệu hoá một hoặc vài thành kiến chống chủ nghĩa tư bản thì khả năng xuất hiện các ngụy biện logic khác vẫn còn đó và những đặc điểm không đáng muốn của xã hội tư bản vẫn tiếp tục hiện hữu và khó có thể bị loại trừ. Hơn nữa, danh sách không đếm xuể của các thành kiến bài chủ nghĩa tư bản làm nảy sinh nghi ngờ về khả năng vô hiệu hoá chúng bằng một phương cách giản đơn nào đó. Hiển nhiên, bất kỳ bước tiến nào cũng đáng quý, miễn mà chi phí thực thi chúng là chấp nhận được. Nhưng quy mô tiến hành bất kỳ bước tiến nào để tiêu trừ não trạng bài chủ nghĩa tư bản cũng cần phải xem xét cẩn thận các chi phí liên quan.
Nhiều nhà nghiên cứu chủ nghĩa tư bản đã chỉ ra rằng bất kể sự tiến bộ của nó, vẫn có những cơ sở vững chắc để tiên đoán rằng nó sẽ bị thay thế bởi những hệ thống tổ chức xã hội khác. Luận điểm của Schumpeter về điều này rất đáng chú ý. Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống sản sinh ra dư luận tiêu cực lớn đến mức báo hiệu cái chết tất yếu của nó, và đó là một lý do có trọng lượng cho lập luận chủ nghĩa tư bản không bền vững. Bài viết này đã cố gắng xác định cội nguồn của xu hướng này. Chỉ bằng cách nhận ra bản chất và sức mạnh của những thế lực này chúng ta mới có thể hy vọng, qua quá trình giảng dạy và trao đổi đầy kiên nhẫn, xua tan được sự thù hận và sự thiếu hiểu biết xung quanh hệ thống thị trường tự do.
Chú thích:
(1) Ludwig von Mises, Human Action (Yale, 1949), tr. 861.
(2) F. A. Hayek (ed.), Capitalism and the Historians [Chủ nghĩa tư bản và những sử gia] (Chicago, 1954).
(3) W H. Hutt, Economists and the Public, A Study of Competition and Opinion [Các nhà kinh tế và công chúng, một nghiên cứu về cạnh tranh và dư luận] (London, 1936).
(4) Ludwig von Mises, The Anti-Capitalistic Mentality [Não trạng bài chủ nghĩa tư bản] (Van Nostrand, 1965).
(5) George J. Stigler, "The Intellectual and the Market Place," National Review (tháng 12, 1963).
(6) G. J. Stigler, "The Politics of Political Economists," Quarterly Journal of Economics (tháng 11, 1959); in lại trong Essays in the History of Economics (Chicago, 1965), các trang 52-53.
(7) M. Zweig, "A New Left Critique of Economics," trong D. Mcrmclstcin, (Ed.) Economics: Mainstream Readings and Radical Critiques (New York, 1970), tr. 25.
(8) R. Lekachman, "Special Introduction" trong Mermelstein, như trên, tr. xi.
(9) F A Havek, The Counter-Revolution of Science (Free Press, 1955), tr. 87
(10) Như trên, tr. 80. Cũng xem, F. A. Hayek, Individualism and Economic Order (London, 1949), tr. 7 và kế tiếp.
(11) H. Demsetz, "Information and Efficiency: Another Viewpoint," Journal of Law and Economics (tháng 4, 1969).
(12) Như trên, tr. 1.
(13) Có thể liên tưởng cụ thể đến Ruskin.
(14) Xem trong cuốn Capitalism and the Historian đã trích dẫn ở trên
(15) Xem Sylvester Petro, “The Economic-Power Syndrome,” trong Toward Liberty (Mises Festschrift), tập II, tr. 274.
(16) Như trên, chương III và IV.
(17) Về điểm này, hãy lưu ý đến lời khẩn thiết của Giáo sư Buchanan rằng kinh tế học được hiểu như là một khoa học về sự tương tác đầy phức tạp - đó là lý thuyết về sự trao đổi và về các thị trường. Xem bài nghiên cứu của ông “What Should Economists Do?”, Southern Economic Journal (tháng 1, 1964).
Nguồn: Trích chương 11 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 12/1974