Chủ nghĩa tư bản là gì? (Phần 2)
Lời biện hộ “thực dụng” cho chủ nghĩa tư bản không nằm ở tuyên bố của những người theo thuyết tập thể, rằng chủ nghĩa tư bản tác động tới “sự phân phối các tài nguyên thiên nhiên”. Con người không phải là một “tài nguyên thiên nhiên”, và trí tuệ của con người cũng vậy – nếu không có sức mạnh sáng tạo của trí tuệ con người, các nguyên vật liệu thô sẽ tiếp tục tồn tại như những nguyên liệu thô vô dụng.
Lời biện hộ đạo đức cho chủ nghĩa tư bản không nằm ở tuyên bố vị tha rằng chủ nghĩa tư bản thể hiện cách tốt nhất để đạt được “lợi ích chung”. Đúng là chủ nghĩa tư bản là như thế – nếu mẫu câu thông dụng ấy có một ý nghĩa nào đó – nhưng đó mới chỉ là kết quả thứ cấp. Chủ nghĩa tư bản được biện hộ về mặt đạo đức nhờ ở một thực tế rằng nó là hệ thống duy nhất phù hợp với bản chất tự nhiên của con người, rằng nó bảo vệ sự tồn vong của con người với tư cách là con người, và rằng nguyên tắc cai trị của nó là: công lý.
Dù rõ rệt hay mơ hồ, mọi hệ thống xã hội đều dựa trên một chủ thuyết nào đó về đạo đức. Quan niệm bộ lạc về “lợi ích chung” đã đóng vai trò biện minh về mặt đạo đức cho nhiều hệ thống xã hội – và tất cả các chế độ độc tài – trong lịch sử. Mức độ nô dịch hay tự do trong một xã hội tương ứng với mức độ mà khẩu hiệu này được viện dẫn hay bị bỏ qua.
“Lợi ích chung” (hay “lợi ích công cộng”) là một khái niệm không xác định và không thể định nghĩa: không có thực thể nào gọi là “bộ lạc” hay “cộng đồng” cả; bộ lạc (hay cộng đồng hay xã hội) chỉ là một số cá nhân. Không điều gì có thể là tốt cho một thứ như thế; “tốt đẹp” và “giá trị” chỉ gắn liền với một thể sống – với một thể sống riêng lẻ – chứ không phải là với một tập hợp các quan hệ tách rời.
“Lợi ích chung” là một khái niệm vô nghĩa, trừ phi được sử dụng trong văn học, trong trường hợp đó nghĩa duy nhất khả dĩ của nó là: tổng cộng những cái tốt đẹp dành cho tất cả các cá nhân liên quan. Nhưng trong trường hợp đó, khái niệm này nghe vô nghĩa như một tiêu chuẩn đạo đức: nó bỏ ngỏ câu hỏi cái gì là tốt đẹp cho từng cá nhân và làm sao người ta xác định được thứ đó?
Tuy nhiên, khái niệm này lại hay được sử dụng không phải với ý nghĩa trong văn học. Nó được chấp nhận chính xác là do tính co giãn, tính không thể định nghĩa, tính bí hiểm của nó, những đặc tính vốn phục vụ cho mục đích chối bỏ đạo đức thay vì làm sự hướng dẫn về đạo đức. Bởi vì cái tốt đẹp không áp dụng được cho những cá nhân riêng lẻ, nên nó trở thành khoảng trống về đạo đức cho những người muốn đại diện cho nó.
Khi “lợi ích chung” của một xã hội được coi như một thứ nằm bên ngoài và cao hơn lợi ích riêng lẻ của từng thành viên trong xã hội, điều đó có nghĩa là lợi ích của một số người sẽ được ưu tiên hơn lợi ích của những người khác; những người khác bị phó thác làm con vật tế. Trong những trường hợp đó, có một giả định ngầm rằng “lợi ích chung” nghĩa là “cái tốt đẹp của đa số” trong tương quan đối lập với thiểu số hay cá nhân. Hãy quan sát một thực tế đáng chú ý, rằng đó là giả định ngầm: ngay cả những bộ óc được tập thể hóa cao độ nhất dường như cũng cảm thấy sự bất khả thi của việc đánh giá “lợi ích chung” về mặt đạo đức. Thế nhưng “cái tốt đẹp của đa số”, cũng như vậy, chỉ là sự vờ vĩnh và ảo tưởng: trong thực tế, vi phạm các quyền cá nhân có nghĩa như bác bỏ tất cả các quyền, nó đẩy đa số bất lực vào tay bất kỳ băng nhóm nào tự xưng là “tiếng nói của xã hội” và (nhóm này sẽ) tiến đến cai trị bằng vũ lực, cho đến khi bị một nhóm khác lật đổ cũng với phương pháp đó.
Nếu bắt đầu từ việc xác định cái tốt đẹp cho mỗi cá nhân, người ta sẽ chỉ xem một xã hội như sau là phù hợp: xã hội đạt tới cái tốt đẹp có thể đạt được. Nhưng nếu người ta bắt đầu bằng cách chấp nhận “lợi ích chung” như một sự thật hiển nhiên và coi lợi ích riêng lẻ là kết quả khả dĩ nhưng không nhất thiết của lợi ích chung (không nhất thiết trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào), người ta sẽ kết thúc với một xã hội quái đản khủng khiếp như Liên bang Xô Viết, một đất nước phát nguyện dâng hiến mình cho “lợi ích chung”, một đất nước mà, trừ ngoại lệ là một bè lũ rất nhỏ những kẻ cai trị, toàn thể dân số đã tồn tại trong sự đau khổ dưới mức con người trong hơn hai thế hệ.
Cái gì khiến cho các nạn nhân, và tệ hại hơn, các nhà quan sát, chấp nhận điều này cùng những điều tàn bạo tương tự trong lịch sử, và vẫn tiếp tục bám chặt lấy huyền thoại về “lợi ích chung”? Câu trả lời nằm trong triết học – trong những lý thuyết triết học về bản chất của các giá trị đạo đức.
Về căn bản, có ba trường phái triết học nói về bản chất của cái tốt đẹp: nội tại, chủ quan, và khách quan. Lý thuyết nội tại phát biểu rằng cái tốt đẹp nằm cố hữu trong một số sự việc hay hành động cụ thể, bất kể bối cảnh và kết quả của chúng, bất kể lợi ích hay tổn thương nào chúng có thể gây ra cho những con người và sự vật liên quan. Đó là lý thuyết chia tách khái niệm “tốt đẹp” khỏi người được hưởng lợi, và tách khái niệm “giá trị” khỏi người định giá và mục đích – tuyên bố rằng cái tốt đẹp là cái tốt bên trong, bởi, và của chính nó.
Thuyết chủ quan phát biểu rằng cái tốt đẹp không liên quan gì tới các dữ kiện thực tế, rằng nó là sản phẩm của nhận thức của con người, được tạo ra bởi cảm xúc, ước vọng, trực giác, hoặc ý thích bất chợt của con người, và rằng nó chỉ là một “định đề tùy hứng” hay là một “cam kết cảm xúc”.
Thuyết nội tại phát biểu rằng cái tốt đẹp nằm trong một số dạng hiện thực, độc lập với nhận thức của con người; thuyết chủ quan nói rằng cái tốt đẹp nằm bên trong nhận thức của con người, độc lập với thực tế.
Thuyết khách quan phát biểu rằng cái tốt đẹp không phải là một thuộc tính của “đồ vật trong chính nó” hay của các trạng thái cảm xúc của con người, mà là một sự đánh giá bởi nhận thức của con người về các dữ kiện hay thực tế tuân theo một tiêu chuẩn lý trí về giá trị. (Lý trí, trong bối cảnh này, nghĩa là: xuất phát từ các dữ kiện thực tế và được công nhận bởi một tiến trình lý trí.) Lý thuyết khách quan nói rằng cái tốt đẹp là một khía cạnh của hiện thực, đặt trong quan hệ với con người – và rằng nó phải được phát hiện, chứ không phải được chế tạo ra, bởi con người. Vấn đề căn bản đối với lý thuyết khách quan về giá trị là câu hỏi: Có giá trị với ai và vì cái gì? Lý thuyết khách quan không cho phép tách rời khỏi văn cảnh hay “ăn cắp khái niệm”; nó không chấp nhận sự chia tách giữa “giá trị” và “mục đích”, giữa cái lợi và người hưởng lợi, giữa hành động và lý trí.
Trong tất cả các hệ thống xã hội trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa tư bản là hệ thống duy nhất dựa trên lý thuyết khách quan về giá trị.
Lý thuyết nội tại và lý thuyết chủ quan (hoặc một sự kết hợp cả hai) là các nền tảng cần thiết cho mọi chế độ độc tài, chuyên chế, hay biến thể của nhà nước toàn trị. Cho dù chúng được phát biểu một cách có ý thức hay vô ý thức – dưới hình thức công khai như một học thuyết triết học hay ngấm ngầm như một mớ hỗn độn cảm xúc – những lý thuyết này có thể làm người ta tin rằng cái tốt đẹp là độc lập với tâm trí của con người và có thể đạt được nhờ vũ lực.
Nếu ai đó cho rằng cái tốt nằm cố hữu trong trong một số hành động nhất định, thì anh ta sẽ không ngần ngại bắt ép người khác phải thực hiện những hành động đó. Nếu anh ta cho rằng cái lợi hay tổn thương của con người gây ra bởi những hành động đó là không quan trọng, thì anh ta sẽ coi một biển máu cũng là không quan trọng. Nếu anh ta cho rằng người hưởng lợi từ những hành động đó là những người không thích hợp (hoặc có thể hoán đổi cho nhau), thì anh ta sẽ coi sự tàn sát hàng loạt là nhiệm vụ đạo đức nhằm phục vụ cho một cái tốt đẹp “cao hơn”. Chính lý thuyết nội tại đã tạo ra một Roberspierre, một Lenin, một Staline, hay một Hitler. Không phải ngẫu nhiên mà Eichmann là một người theo chủ nghĩa Kant.
Nếu ai đó cho rằng cái tốt là chuyện lựa chọn tùy tiện, chủ quan, thì vấn đề xấu hay tốt đối với anh ta trở thành vấn đề cảm xúc của tôi hay của họ? Không một cây cầu nối, sự thấu hiểu, hay kênh truyền thông nào là khả dĩ đối với anh ta. Lý trí là phương cách truyền thông duy nhất giữa người với người, và hiện thực được nhận thức một cách khách quan là khung tham chiếu duy nhất của họ; khi những thứ này bị làm mất hiệu lực (tức là không còn phù hợp nữa) trong lĩnh vực đạo đức, thì vũ lực trở thành cách duy nhất để con người xử thế với nhau. Nếu nhà chủ quan muốn theo đuổi một vài lý tưởng xã hội của riêng mình, ông ta cảm thấy mình được phép, về mặt đạo đức, bắt ép mọi người hành động “vì cái tốt của mình”, bởi vì ông ta cảm thấy rằng ông ta đúng và chẳng có gì phản bác lại ông ta ngoài những cảm xúc bị lầm lạc của mọi người.
Do đó, trên thực tế, các yếu tố cấu thành trường phái nội tại và chủ quan gặp gỡ nhau và hòa trộn với nhau. (Chúng còn hòa trộn về tâm lý – nhận thức luận nữa: bằng cách nào các nhà đạo đức theo trường phái nội tại có thể khám phá ra “cái tốt đẹp” tiên nghiệm của họ, nếu không phải bằng các phương tiện trực giác đặc biệt, phi lý trí, và mặc khải, tức là bằng các phương tiện của cảm xúc?) Thật đáng đặt câu hỏi liệu một ai đó có thể tin bất kỳ lý thuyết nào trong số này là một sự thuyết phục chân thật, giả sử nó có lầm lẫn đi nữa. Nhưng cả hai lý thuyết đều đóng vai trò lý trí hóa sức mạnh-dục vọng và lý trí hóa sự cai trị bằng vũ lực tàn nhẫn, thả xích cho nhà độc tài tiềm năng và tước vũ khí khỏi tay các nạn nhân của hắn.
Lý thuyết khách quan về giá trị là lý thuyết đạo đức duy nhất không tương hợp với cai trị bằng sức mạnh. Chủ nghĩa tư bản là hệ thống duy nhất ngầm dự vào lý thuyết khách quan về giá trị – và bi kịch lịch sử là điều này chưa bao giờ diễn ra một cách công khai.
Nếu người ta biết rằng cái tốt là khách quan – tức là, được quyết định bởi bản chất của hiện thực, nhưng được phát hiện bởi trí tuệ con người – thì người ta sẽ biết rằng nỗ lực để đạt tới cái tốt bằng vũ lực là một mâu thuẫn kinh khủng, phủ nhận đạo đức từ gốc rễ bằng việc phá hoại năng lực của con người về nhận thức cái tốt, tức là phá hoại khả năng xác định giá trị. Vũ lực làm vô hiệu hóa và làm tê liệt sự đánh giá của con người, đòi hỏi họ hành động chống lại nó, do đó làm họ bất lực về mặt đạo đức. Một giá trị mà ai đó bị buộc phải chấp nhận với cái giá là phải hy sinh trí tuệ của mình, thì không phải là giá trị với bất kỳ ai; người bị cưỡng bức phải ngu dốt thì sẽ không thể đánh giá, không thể lựa chọn cũng như không thể định giá. Nỗ lực đạt được cái tốt đẹp bằng vũ lực giống như nỗ lực tặng cho ai đó một gallery tranh với cái giá là phải khoét mắt kẻ đó. Giá trị không thể tồn tại (không thể được đánh giá) tách rời khỏi đời sống, nhu cầu, các mục tiêu, và kiến thức của một con người.
Quan điểm khách quan về giá trị thấm đượm trong toàn thể cấu trúc của một xã hội tư bản.
Sự thừa nhận các quyền cá nhân ngụ ý công nhận một thực tế rằng cái tốt đẹp không phải là cái gì trừu tượng không thể phát biểu thành lời trong một chiều kích siêu nhiên nào đó, mà là một giá trị gắn liền với thực tế, với thế giới, với cuộc sống của cá nhân mỗi người (lưu ý quyền mưu cầu hạnh phúc). Nó ngụ ý rằng cái tốt không thể bị tách rời khỏi người hưởng lợi, rằng con người không thể bị coi như có thể thay thế cho nhau, và rằng không ai hay bộ lạc nào có thể mưu đạt được cái tốt bằng việc hy sinh người khác.
Thị trường tự do thể hiện ứng dụng xã hội của lý thuyết khách quan về giá trị. Bởi vì các giá trị phải được phát hiện bởi trí tuệ con người, nên con người phải được tự do phát hiện chúng – suy nghĩ, nghiên cứu, dịch chuyển kiến thức của họ thành vật chất, đưa sản phẩm ra trao đổi, đánh giá sản phẩm, và lựa chọn, cho dù đó là hàng hóa vật chất hay ý tưởng, một ổ bánh mì hay một học thuyết triết học. Bởi vì các giá trị được thiết lập tùy theo hoàn cảnh, nên mọi người đều phải tự đánh giá chúng trên cơ sở kiến thức, các mục tiêu, và lợi ích của riêng mình. Bởi vì giá trị được xác định bởi bản chất của hiện thực, nên hiện thực mới là trọng tài tối cao của con người: nếu đánh giá của một cá nhân là đúng, phần thưởng thuộc về cá nhân đó; nếu sai, người ấy sẽ là nạn nhân duy nhất của mình.
Chính do bởi thị trường tự do mà sự phân biệt giữa các quan điểm theo thuyết nội tại, chủ quan, và khách quan về giá trị là đặc biệt quan trọng, cần phải được hiểu. Giá trị thị trường của một sản phẩm không phải là giá trị nội tại, không phải là một “giá trị trong chính nó” lơ lửng giữa chân không. Thị trường tự do không bao giờ không nhìn nhận câu hỏi: Có giá trị với ai? Và, trong lĩnh vực rộng lớn của chủ nghĩa khách quan, giá trị thị trường của một sản phẩm không phản ánh giá trị khách quan về mặt triết học của nó, mà chỉ phản ánh giá trị khách quan xã hội của nó.
Khi nói “khách quan về mặt triết học”, tôi muốn nói tới cái giá trị được đánh giá theo quan điểm về cái tốt nhất có thể có đối với con người, tức là đánh giá theo tiêu chuẩn của bộ óc lý trí nhất, hiểu biết nhất trong một lĩnh vực nhất định, trong một thời gian nhất định, và trong một hoàn cảnh xác định (không thể đánh giá cái gì trong một hoàn cảnh không xác định). Ví dụ, có thể chứng minh một cách duy lý rằng máy bay một cách khách quan là có giá trị đo được đối với con người (ở mức tốt nhất của anh ta), lớn hơn xe đạp – và rằng các tác phẩm của Victor Hugo một cách khách quan có giá trị đo được lớn hơn các tạp chí tâm sự dành cho phụ nữ. Nhưng nếu năng lực trí tuệ của một cá nhân nhất định chỉ vừa đủ để có thể thưởng thức những lời tâm sự, thì không có lý do gì thu nhập đạm bạc của người đó, sản phẩm từ nỗ lực của người đó, lại phải được chi vào những cuốn sách người đó không thể đọc - hay vào việc tài trợ cho công nghiệp máy bay, nếu nhu cầu đi lại của người đó không hơn mức đi xe đạp. (Cũng chẳng có lý do gì để phải kìm giữ phần còn lại của nhân loại ở trình độ thưởng thức văn học của họ, năng lực kỹ thuật của họ, và thu nhập của họ. Giá trị không được xác định bởi mệnh lệnh, cũng không bởi sự bỏ phiếu của số đông).
Số lượng người ủng hộ không phải là bằng chứng của chân lý hay của một ý kiến sai, không phải bằng chứng của thành tựu hay sự kém cỏi của một tác phẩm nghệ thuật, của sự có hiệu lực hay vô hiệu lực của một sản phẩm. Tương tự, giá trị trên thị trường tự do của hàng hóa hay dịch vụ không nhất thiết đại diện cho giá trị khách quan về mặt triết học của chúng, mà chỉ là giá trị khách quan về mặt xã hội của chúng thôi, tức là tổng cộng sự đánh giá cá nhân của tất cả những người tham gia vào việc giao dịch tại một thời điểm nào đó, tổng của những gì họ đánh giá, mỗi cái phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Do đó, nhà sản xuất son môi có thể tạo ra gia sản lớn hơn nhà sản xuất kính hiển vi – mặc dù về mặt lý trí có thể phát biểu rằng kính hiển vi có giá trị khoa học hơn son môi. Nhưng – giá trị với ai?
Kính hiển vi không có giá trị gì với một người viết tốc ký đang chật vật kiếm sống; thỏi son môi thì có; thỏi son môi, đối với cô ta, có thể là sự khác biệt giữa sự tự tin và mặc cảm tự ti, giữa sự hào nhoáng xa hoa và kiếp sống cực nhọc.
Tuy thế, điều này không có nghĩa là các giá trị thống trị thị trường tự do đều là chủ quan. Nếu người đánh máy thuê kia dồn hết tiền vào mỹ phẩm mà không để lại xu nào để trả cho việc sử dụng kính hiển vi (hay để đi thăm khám bác sĩ) khi cô ta cần tới kính, thì cô ta sẽ học được một cách tốt hơn để quản lý quỹ thu nhập; thị trường tự do đóng vai trò thầy dạy: cô ta không thể trừng phạt người khác vì lỗi của mình được. Nếu cô ta quản lý thu nhập một cách lý trí, sẽ luôn luôn có kính hiển vi để phục vụ các nhu cầu riêng của cô ta và chỉ thế thôi, tới chừng mực nào có liên quan tới cô ta: cô ta không phải đóng thuế để ủng hộ cả một bệnh viện, một phòng thí nghiệm nghiên cứu, một chuyến du hành vũ trụ lên mặt trăng. Trong giới hạn năng lực sản xuất của riêng mình, cô ta đã trả một phần chi phí của các thành tựu khoa học, khi cô ta cần chúng và như cách cô ta cần. Cô ta không có “trách nhiệm xã hội” nào, đời sống của cô ấy chính là trách nhiệm duy nhất của cô ấy – và điều duy nhất mà một hệ thống tư bản đòi hỏi từ cô ta là cái điều mà tự nhiên đòi hỏi: lý trí, tức là đòi hỏi cô ta sống và hành động tuyệt đối theo đánh giá của mình.
Trong mọi ngành hàng và dịch vụ được cung cấp trên thị trường tự do, chỉ nhà cung cấp sản phẩm tốt nhất ở mức giá rẻ nhất là người giành được phần thưởng tài chính lớn nhất trong lĩnh vực đó – không tự động nhưng cũng không ngay lập tức và cũng chẳng cần sự cho phép, mà là bởi đặc tính của thị trường tự do, cái đặc tính đã dạy cho mọi thành phần tham gia thị trường tìm kiếm mục tiêu tốt nhất trong phạm vi năng lực cá nhân, và trừng phạt những người hành động theo các quyết định phi lý trí.
Bây giờ hãy chú ý rằng thị trường tự do không xếp hạng con người theo một số mẫu thức chung – rằng các tiêu chuẩn trí tuệ của một đa số không thống trị thị trường tự do hay xã hội tự do – và rằng những cá nhân kiệt xuất, những người đổi mới, những người khổng lồ về trí tuệ, không bị đa số kiềm chế. Trong thực tế, chính là các thành viên của cái thiểu số kiệt xuất này là những người nâng toàn thể xã hội tự do lên tầm mức các thành tựu của họ, trong khi vươn xa và xa hơn bao giờ hết.
Thị trường tự do là một quá trình tiếp diễn vốn không thể bị giữ yên, một tiến trình theo hướng đi lên vốn đòi hỏi cái tốt nhất (cái lý trí nhất) ở mỗi con người và căn cứ theo đó mà thưởng công cho họ. Trong khi đa số trần trụi hưởng thụ giá trị của xe hơi, thì thiểu số sáng tạo đưa ra máy bay. Đa số học thông qua biểu tình, thiểu số tự do biểu tình. Giá trị “khách quan một cách triết học” của một sản phẩm mới đóng vai trò là người thầy cho những ai sẵn sàng luyện rèn năng lực lý trí của họ, mỗi người đều tùy theo khả năng của mình. Những người không sẵn sàng thì sẽ mãi không được thưởng – cũng như những người đòi hỏi nhiều hơn mức năng lực của họ có thể sản xuất. Những người trì trệ, người phi lý trí, người chủ quan không có sức mạnh nào để ngăn chặn những người vượt trội hơn họ.
(Thiểu số nhỏ những người trưởng thành không có năng lực chứ không phải không sẵn sàng làm việc, sẽ phải sống nhờ vào lòng thiện nguyện của người khác; sự kém may mắn không phải là yêu sách để nô dịch lao động; không có cái gọi là quyền sử dụng, kiểm soát, và tàn phá những người mà nếu không có họ nhân loại sẽ không tồn tại được. Về các cuộc suy thoái và thất nghiệp hàng loạt, chúng không do thị trường tự do gây ra, mà do sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế gây ra.)
Những kẻ ăn bám về trí tuệ – những kẻ bắt chước vốn nỗ lực để phục vụ cái mà họ cho là nhu cầu đã biết của công chúng – liên tục bị đánh bại bởi những người sáng tạo, những người mà sản phẩm của họ nâng trình độ dân trí và thưởng thức của cộng đồng lên những mức độ cao hơn hẳn. Thị trường tự do được cai quản chính là theo nghĩa này, không phải bởi người tiêu dùng, mà bởi nhà sản xuất. Những người thành công nhất là những người khám phá ra các lĩnh vực sản xuất mới, các lĩnh vực chưa từng được biết đến là có tồn tại.
Một sản phẩm nào đó có thể không được đánh giá cao ngay lập tức, đặc biệt nếu nó là một sáng tạo quá cực đoan; nhưng, ngoại trừ những rủi ro không liên quan, về lâu về dài nó sẽ chiến thắng. Theo nghĩa này, thị trường tự do không bị cai quản bởi các tiêu chuẩn trí tuệ của đa số, những thứ vốn chỉ tồn tại vào một thời điểm nào đó; thị trường tự do được cai quản bởi những người có khả năng nhìn xa và lập kế hoạch dài hạn – và trí tuệ càng mẫn tiệp, thì tầm nhìn càng xa.
Giá trị kinh tế của công việc của một cá nhân được quyết định, trên thị trường tự do, theo một nguyên tắc duy nhất: bằng sự đồng thuận tự nguyện của những người sẵn sàng trao đổi công việc hay sản phẩm của họ với cá nhân đó. Đây là ý nghĩa đạo đức của luật cung cầu; nó phản ánh toàn diện hai học thuyết tiêu cực: bộ lạc nguyên thủy và vị tha chủ nghĩa. Nó thể hiện sự công nhận một thực tế rằng con người không phải là tài sản hay đầy tớ của bộ lạc, rằng con người làm việc để nuôi sống riêng mình - như họ phải thế, theo bản chất tự nhiên của họ - rằng con người phải được hướng dẫn bởi lợi ích vị kỷ duy lý, và nếu người đó muốn trao đổi thứ gì với người khác, người đó không thể chờ đợi những nạn nhân tự dâng hiến, tức là không thể mong đợi nhận lấy các giá trị mà không cho đi các giá trị tương xứng đổi lại. Điều kiện duy nhất của sự tương xứng, trong bối cảnh này, là sự suy xét tự do, tự nguyện, không bị ép buộc, của những người tham gia trao đổi.
Tâm tính bộ lạc tấn công vào nguyên tắc này từ hai phía có vẻ đối lập nhau: người ta nói rằng thị trường tự do là “không công bằng” cả với các thiên tài lẫn người bình thường. Quan điểm phản đối thứ nhất thường được thể hiện trong một câu hỏi kiểu như: “Tại sao Elvis Presley kiếm nhiều tiền hơn Einstein?”. Câu trả lời là: Bởi vì con người ta làm việc để tự nuôi sống và thụ hưởng cuộc đời riêng của mình - và nếu nhiều người nhìn nhận giá trị ở Elvis Presley, họ có quyền tiêu tiền vào sở thích riêng của họ. Tài sản của Presley không hề được lấy từ những người không quan tâm đến công việc của anh ta (tôi là một trong số đó) cũng không hề được lấy từ Einstein – anh ta không đứng chắn đường Eistein – cũng như Eistein không thiếu sự thừa nhận và ủng hộ tương xứng trong một xã hội tự do, trên một tầm tri thức phù hợp.
Quan điểm phản đối thứ hai là ý kiến cho rằng người có năng lực trung bình phải chịu một bất lợi “không công bằng” trên thị trường tự do ---
Hãy nhìn vượt ra khỏi cái trước mắt, anh - kẻ kêu gào rằng anh sợ phải cạnh tranh với những người vượt trội hơn anh về trí tuệ, rằng trí tuệ của họ đe dọa cuộc sống của anh, rằng kẻ mạnh không để lại cơ hội nào cho kẻ yếu trong một thị trường trao đổi tự nguyện… Khi anh sống trong một xã hội duy lý, nơi con người được tự do trao đổi, anh được nhận một phần thưởng không thể đong đếm được: giá trị vật chất của công việc anh làm được quyết định không chỉ bởi nỗ lực của anh, mà còn bởi nỗ lực của những trí tuệ năng suất nhất tồn tại chung quanh anh…
Máy móc, một trí tuệ sống thể hiện dưới một hình dạng lạnh lẽo, là thứ sức mạnh mở rộng tiềm năng của đời anh bằng cách làm tăng năng suất của thời gian anh bỏ ra… Tất cả mọi người đều được tự do phát triển tới mức người đó có thể đạt tới hoặc sẵn sàng đạt tới, nhưng chính cái mức mà người đó nghĩ tới sẽ quyết định mức mà người đó đạt tới. Lao động thể xác như thế không thể vượt ra khỏi cái hữu hạn của thời gian. Người không làm gì khác ngoài lao động thể xác, tiêu thụ giá trị vật chất tương ứng với đóng góp của người đó vào quá trình sản xuất, và không để lại giá trị gia tăng nào cho mình cũng như cho mọi người. Nhưng người sáng tạo ra một ý tưởng trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động lý trí nào – người khám phá ra những kiến thức mới – sẽ là ân nhân vĩnh viễn của nhân loại… Chỉ có giá trị của một ý tưởng là có thể được chia sẻ với một số lượng không giới hạn những người khác, khiến cho tất cả những người được chia sẻ trở nên giàu có hơn mà không phải hy sinh ai, không làm ai phải thua thiệt mất mát, tăng năng lực sản xuất của bất kỳ hình thức lao động nào mà họ tiến hành…
Tỷ lệ với năng lượng trí tuệ đã bỏ ra, người sáng tạo ra một phát minh mới sẽ nhận được chỉ một phần rất nhỏ giá trị của mình xét về mặt vật chất, cho dù người đó đã tạo ra tài sản gì, cho dù người đó kiếm ra hàng triệu bạc. Nhưng người làm quản đốc trong nhà máy sản xuất ra phát minh đó, lại nhận được một khoản thanh toán khổng lồ tỷ lệ với nỗ lực về tinh thần mà công việc đòi hỏi ở anh ta. Và điều này cũng đúng với tất cả những người ở khâu trung gian, ở tất cả các tầm tham vọng và năng lực. Người ở đỉnh của kim tự tháp trí tuệ đóng góp nhiều nhất cho tất cả những người ở dưới anh ta, nhưng không nhận được gì ngoài phần thanh toán vật chất, không nhận được phần thưởng trí tuệ nào từ những người khác để gia tăng vào giá trị của thời mình. Người ở dưới đáy, mà nếu chỉ có một mình, sẽ chết đói trong sự thiếu năng lực tuyệt vọng của mình, thì không đóng góp gì cho những người ở bên trên anh ta, nhưng lại nhận được phần thưởng của tất cả những bộ óc đó. Ấy là bản chất của sự “cạnh tranh” giữa người mạnh và kẻ yếu về trí tuệ. Ấy là mẫu hình của “sự bóc lột”, cái mà anh đã lên án kịch liệt. (Atlas Shrugged)
Và đó là quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản với trí tuệ của con người và với sự sinh tồn của con người.
Nguồn bản dịch: Rand, Ayn (2010[1965]). Chủ nghĩa tư bản là gì? Phạm Đoan Trang dịch. Nguyên tác: What Is Capitalism (1965) https://ari.aynrand.org/issues/government-and-business/capitalism/