Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần 3)
Quyền cá nhân và bản chất của Nhà nước tối thiểu
Như đã nói trước đó, Nozick bắt đầu Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng với sự khẳng định rằng "cá nhân có các quyền". Ông không bao giờ bảo vệ khẳng định này, nhưng sức hấp dẫn trực quan của nó được thừa nhận rộng rãi. Nozick thậm chí thừa nhận rằng ông không có một nền tảng vững chắc cho các quyền cá nhân. Hơn một lần, ông đã khảo sát một số lý do tiềm năng tại sao cá nhân lại sở hữu các quyền và thấy chúng còn thiếu sót. Ông lưu ý rằng tác nhân đạo đức, ý chí tự do, và tính duy lý là không đủ để làm nền tảng cho các quyền và phục vụ như là một nền tảng đạo đức cho lý thuyết của ông. Ví dụ, ông giải thích rằng việc sở hữu một ý chí tự do, tự nó, không có nghĩa là một người phải hành động một cách tự do.
Trong khi Nozick không có một sự lập luận có hệ thống cho quan điểm rằng cá nhân có các quyền, ông vẫn nghĩ rằng có những lý do để ủng hộ quan điểm đó. Ông kết luận rằng một số sự kết hợp của các đặc điểm ở trên tạo thành một cái gì đó gần gũi với một nền tảng đạo đức cho các quyền. Ông đã cố gắng để đặt cơ sở cho trực giác rằng cá nhân có các quyền, trong ý tưởng là mỗi cá nhân có một giá trị độc nhất. Chỉ có con người có năng lực duy lý để lựa chọn, sắp đặt, và theo đuổi các dự án không giống như các động vật không phải con người...
Hàm ý của việc tôn trọng con người như những cá nhân bình đẳng được Nozick lấy từ tác phẩm của Immanuel Kant. Kant nghĩ rằng chúng ta thể hiện sự tôn trọng đúng mức cho con người khi chúng ta đối xử với họ như là các mục đích tự thân. Nghĩa là, chúng ta phải đối xử với người khác như là có các mục tiêu hay dự án của riêng họ và chúng ta không được sử dụng họ chỉ đơn thuần là công cụ để có được những gì chúng ta muốn. Con người có thể cân nhắc về những hành vi nào sẽ cho phép họ đạt được các mục tiêu của họ và chỉ có thể được sử dụng theo cách tôn trọng khả năng duy lý đó. Điều này cũng có nghĩa là con người không thể được sử dụng theo bất kỳ cách nào mà không có sự đồng thuận của họ.
Các quyền cá nhân mà con người sở hữu rút cuộc là những sự giới hạn về mặt đạo đức đối với những gì có thể được thực hiện đối với họ. Điều kiện duy nhất mà có thể cho phép cho sự vi phạm đối với những sự giới hạn như vậy chỉ nếu đây là cách duy nhất để "tránh một thảm họa kinh khủng về mặt đạo đức”. Ngoại trừ một hoàn cảnh cấp bách như vậy, điều này có nghĩa rằng các quyền của cá nhân không được mang ra"giao dịch” ngay cả khi điều này có lợi ích cho toàn xã hội. Nhưng tại sao các quyền cá nhân đối với bản thân và tài sản không thể bị vi phạm quá quan trọng như vậy lại có thể được giải thích thêm bởi ý tưởng cho rằng cá nhân cần không gian để làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa: "Tôi [Nozick] phỏng đoán rằng câu trả lời [cho câu hỏi về điều gì làm cơ sở cho các quyền] được kết nối với một ý niệm khó nắm bắt và khó hiểu: ý nghĩa của cuộc sống". Nozick muốn nói rằng khả năng của một người trong việc định hướng cuộc sống của mình phù hợp với một số kế hoạch của cuộc sống là cách một người mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của anh ta. Điều này cung cấp một quan điểm khác mà từ đó chúng ta có thể hiểu tại sao cuộc sống của con người là giá trị độc nhất. Chỉ các sinh vật tồn tại với khả năng duy lý để định hình cuộc sống của mình mới có thể theo đuổi một cuộc sống có ý nghĩa.
Luận điểm tự sở hữu
Nozick cố gắng để chứng minh về mặt trực giác rằng chỉ có sự trao đổi trên thị trường tự do mới tôn trọng con người như là những người bình đẳng. Để làm điều này Nozick phát triển "lý thuyết công bằng dựa trên quyền". Để rõ ràng, chúng ta phải bắt đầu với điều có thể được gọi là luận điểm tự sở hữu của ông. Luận điểm tự sở hữu của Nozick về cơ bản như thế này. 1) Mọi người sở hữu chính họ. Điều này dựa trên trực giác mà Nozick cung cấp ở trên. 2) Thế giới và các đối tượng của nó ban đầu không được sở hữu. 3) Ta có thể có được một quyền tuyệt đối đối với một phần không cân xứng (cho mọi người) về thế giới nếu điều này không làm khốn khó thêm điều kiện vật chất của người khác. Hơn nữa, vì Nozick nghĩ mỗi rằng mỗi người sở hữu chính mình, nên mỗi người cũng sẽ sở hữu tài năng của mình. Ông lập luận rằng điều này cũng được chuyển thành sự sở hữu các sản phẩm do tài năng của mình tạo ra. Thực thể sở hữu và thực thể được sở hữu là cùng một, một con người. Với điều này, Nozick hiểu cá nhân có các quyền sở hữu tuyệt đối đối với chính mình, và một lần nữa, quyền sở hữu tuyệt đối đối với các nguồn lực mà họ có được. 4) Đó là tương đối dễ dàng để đạt được quyền sở hữu đối với một lượng không cân xứng (với người khác) của thế giới. 5) Vì vậy, một khi sở hữu tư nhân là thích đáng, thì một thị trường tự do về hàng hóa và nguồn lực được yêu cầu về mặt đạo đức.
Tính riêng biệt của Con người
Một nhánh quan trọng có liên quan song đi theo hướng khác trong suốt toàn bộ tác phẩm Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng là "tính riêng biệt của con người". Như đã nói trước đó, Nozick sử dụng Kant là một nguồn cảm hứng và vay mượn ý tưởng của Kant là: cá nhân là các mục đích tự thân. Nhưng, để trở thành "các mục đích tự thân" khác biệt, Kant cho rằng con người phải là các thực thể riêng biệt. Ý tưởng là mỗi chúng ta là một cá nhân riêng biệt, có một địa vị về mặt đạo đức. Một hàm ý của quan niệm cho rằng, cá nhân về mặt đạo đức phục vụ cho lợi ích của các thực thể được co là rộng lớn hơn, chẳng hạn như "xã hội", không thể được sử dụng để bảo chữa cho sự vi phạm đối với cá nhân, với tư cách là con người. Hãy xem xét những gì thường được gọi là "lợi ích chung". Nozick thách thức ý tưởng cho rằng các thực thể như vậy thực sự tồn tại. Theo quan điểm của ông, chỉ có các cá nhân đơn thuần, và lợi ích chung thực ra chỉ là lợi ích của những cá nhân này cộng lại với nhau. Trong khi đúng là một số cá nhân có thể thực hiện việc hy sinh một số một số lợi ích này đề đạt được một số lợi ích khác, thì xã hội không bao giờ có thể được biện minh khi hy sinh lợi ích của một số cá nhân vì lợi ích của người khác.
Tính riêng biệt của con người là rất quan trọng đối với Nozick đến mức độ mà ông nghĩ rằng nó sẽ củng cố cho sự tồn tại của các ràng buộc về mặt đạo đức mà cá nhân sở hữu. Những sự ràng buộc về mặt đạo đức thiết lập ranh giới cho những gì được phép làm đối với con người (dù bởi cá nhân hay nhà nước). Sự vi phạm các ràng buộc như vậy là sai trái bởi vì điều này đối xử với các cá nhân, những người bị vi phạm, chỉ đơn thuần là phương tiện hoặc công cụ cho các mục đích của người khác. Chú ý rằng những ràng buộc này được cho là những sự ngăn cấm tuyệt đối đối với những gì có thể được phép làm đối với các cá nhân. Nghĩa là, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng sự vi phạm các ràng buộc về mặt đạo đức của chỉ một người có thể có lợi cho nhiều người khác trong xã hội, thì một sự vi phạm như vậy không thể được biện minh.
Ba nguyên tắc của lý thuyết công bằng
Nozick cho rằng có ba nguyên tắc phân phối công bằng. Những nguyên tắc này tạo nên khuôn khổ cơ bản cho lý thuyết về quyền của ông.
Đầu tiên là nguyên tắc đạt được công bằng. Theo nguyên tắc này, các cá nhân có thể đạt được bất kỳ tài sản nào mà họ muốn miễn là trước đó nó không thuộc về ai và nó không đạt được bằng trộm cắp, cưỡng ép hoặc lừa đảo. Thứ hai là nguyên tắc chuyển đổi công bằng theo đó tài sản có thể được chuyển đổi chừng nào mà việc chuyển đổi không được thực hiện bởi hành vi trộm cắp, cưỡng ép hoặc lừa đảo. Hai nguyên tắc này tạo thành các phương tiện hợp pháp cho việc chiếm hữu và chuyển đổi hàng hoá. Tất cả các giao dịch có giá trị đến từ những hành động lặp đi lặp lại theo hai nguyên tắc này. Trong khi Nozick không định nghĩa một cách rõ ràng điều mà hiện nay được biết đến như là nguyên tắc thứ ba của ông, ông chỉ mô tả chức năng của nó. Nguyên tắc thứ ba này – hiệu chỉnh công băng – có vai trò, như tên cho thấy, để khắc phục các vi phạm ở hai nguyên tắc đầu tiên. Những hành động mà ba nguyên tắc này phản ánh là điều Nozick gọi là lý thuyết "lịch sử" về công bằng. Ông cho rằng không có cách nào, chỉ đơn giản bằng cách nhìn vào các mô hình phân phối mà chúng ta có thể nói những sự phân phối hàng hóa nào là công băng. Nozick nhấn mạnh rằng chúng ta phải biết chính xác sự phân phối xảy ra như thế nào. Nếu ở đâu đó trong quá trình giao dịch mà sự trộm cắp, ép buộc hoặc gian lận xảy ra, thì chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng các tài sản liên quan được sở hữu một cách bất công. Do đó, ba nguyên tắc phân phối công bằng quy định sự phân phối và trao đổi tài sản một cách đúng đắn.
Như được nhắc đến trước đó, lý thuyết công bằng dựa trên quyền không phụ thuộc vào khái niệm về sự xứng đáng (trao thưởng) để làm cơ sở cho việc chiếm hữu hay chuyển nhượng tài sản. Ví dụ, hãy xem xét nguyên tắc công bằng chuyển đổi. Một hàm ý của nguyên tắc này là sự thừa kế là hoàn toàn hợp pháp. Từ quan điểm của lý thuyết về quyền, việc con cái của các tỷ phú có thể không làm việc chăm chỉ hay đóng góp bất cứ thứ gì đến gia tài của cha mẹ họ là không liên quan. Việc sinh ra trong một gia đình tỷ phú có tùy tiện về mặt đạo đức hay không (trong việc quyết định những gì một người sở hữu) không phải là vấn đề - thật vô nghĩa khi suy nghĩ rằng anh ta không xứng đáng với sự thừa kế bởi vì anh ta không đóng góp gì cho gia đình. Nếu các tỷ phú muốn để lại tài sản gia đình cho người con trai kém cỏi của mình, thì người con trai đó có quyền đối với tài sản thừa kế đó. Đối với Nozick, ý tưởng cho rằng việc sở hữu công bằng không phụ thuộc vào sự xứng đáng là một suy xét quan trọng mặc dù nhiều người ủng hộ thị trường tự do đã cố gắng để biện minh cho sự tích lũy một lượng của cải rất lớn của cải trên cơ sở sự xứng đáng của những ai đạt được nó. Khái niệm chung về sự xứng đáng thường viện đến khái niệm về sự nỗ lực, sáng tạo, những đóng góp khi cố gắng để biện minh cho lý do tại sao một số đạt được nhiều hơn những người khác. Nhưng Nozick thấy những lập luận để biện minh cho việc sử hữu tài sản trên cơ sở của xứng đáng này là gượng ép. Đối với Nozick, xứng đáng nằm ngoài tiêu chuẩn đánh giá. Nhưng quan trọng hơn, theo quan điểm của ông lý thuyết xứng đáng không thể được xem là cơ sở để biện minh cho sự sở hữu tài sản bởi vì đó là một lý thuyết khuôn mẫu. (xem phần bên dưới)
Nhà nước có thể được xem như là một thiết chế phục vụ bảo vệ các quyền sở hữu tư nhân và các giao dịch trên cơ sở các quyền này mà không quan tâm đến việc người nào đó có xứng đáng với những gì họ có hay không. Chức năng này được thực hiện thông qua việc bảo vệ ba nguyên tắc phân phối. Điều này có nghĩa rằng chức năng của nhà nước là để bảo đảm sự an toàn của cá nhân và tài sản của họ, vốn có thể bị đe dọa bởi các lực lượng từ bên trong hoặc từ bên ngoài lãnh thổ của họ. Để đảm bảo sự an toàn bên trong một quốc gia, điều này đòi hỏi phải có một lực lượng cảnh sát dân sự. Để đảm bảo sự an toàn khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, cần thiết phải có một đội quân thường trực. Cung cấp các chức năng này là mối quan tâm chính đáng của nhà nước của Nozick. Ngoài ra, với nguyên tắc phân phối công bằng thứ ba trong mô hình của Nozick, sẽ cần phải có một cơ quan tư pháp. Điều này là do trong các vấn đề thực tế nhiều khả năng sẽ có những bất đồng. Phải có ai đó để phân xử những bất đồng này, và phương tiện hiệu quả nhất (theo Nozick) là thông qua các thủ tục của luật bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, các tòa án còn thực thi nguyên tắc hiệu chỉnh - để đảm bảo rằng tài sản được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của họ trong trường hợp mà sự công bằng chiếm hữu và công bằng chuyển đổi bị vi phạm. Một hàm ý của tất cả những điều này là nhà nước có quyền để đánh thuế nhằm thực thi các chức năng này.
(Còn nữa)
Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Robert Nozick: Political Philosophy
Nguồn dịch: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó