Tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và dự báo

Tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và dự báo

Tài liệu sách: File Audio File PDF

Báo cáo gồm các nội dung cơ bản sau: (1) Rà soát hệ thống pháp luật về tập trung kinh tế; (2) Cấu trúc các ngành kinh tế quốc dân; mức độ tập trung kinh tế; (3) Nhận định xu hướng tập trung kinh tế trong thời gian tới đối với một số ngành, lĩnh vực; (4) Khuyến nghị đối với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp.

LỜI GIỚI THIỆU

Thực tiễn hoạt động tập trung kinh tế tại các nước đang phát triển và phát triển gia tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua cho thấy việc mua lại, sáp nhập doanh nghiệp vẫn là cách thức đầu tư hiệu quả nhất do tiết kiệm được nguồn lực để thực hiện dự án đầu tư mới và điều quan trọng hơn là có thể rút ngắn thời gian thâm nhập một thị trường mới, giảm thiểu đáng kể những rào cản gia nhập thị trường. Tại Việt Nam cũng vậy, thời gian gần đây, số vụ mua bán, sáp nhập tăng nhanh về cả số lượng và quy mô. Thực trạng này đã phản ánh một nền kinh tế mở với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và hệ quả là việc gia tăng các hoạt động tập trung kinh tế thể hiện qua hai hình thức mua lại và sáp nhập như một đòi hỏi khách quan. Tuy nhiên, hoạt động tập trung kinh tế cũng tiềm ẩn những yếu tố hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và có thể gây ảnh huởng tới môi trường cạnh tranh. Vì vậy, các hoạt động tập trung kinh tế cần được điều chỉnh bởi khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh và có sự giám sát, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Cục Quản lý cạnh tranh (VCAD) có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, trong đó có nhiệm vụ kiểm soát quá trình tập trung kinh tế. Nhiệm vụ kiểm soát tập trung kinh tế bao gồm việc thông báo tập trung kinh tế, thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, và giám sát các giao dịch tập trung kinh tế thuộc ngưỡng thông báo. Chính vì vậy, việc xây dựng báo cáo tập trung kinh tế hàng năm cũng là một nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh với mục đích rà soát, tổng kết các vấn đề liên quan đến tập trung kinh tế, bao gồm khía cạnh thể chế, pháp lý cũng như thực tiễn để đưa hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nói riêng và tập trung kinh tế nói chung được thực hiện theo đúng pháp luật.

Sau ba năm thực thi Luật Cạnh tranh, 2008 là năm đầu tiên Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện “Báo cáo tập trung kinh tế” nhằm cung cấp cho cộng đồng và các bên liên quan một bức tranh tổng thể và toàn diện về thực trạng tập trung kinh tế tại Việt Nam và công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này. Báo cáo gồm các nội dung cơ bản sau:

(1) Rà soát hệ thống pháp luật về tập trung kinh tế;

(2) Cấu trúc các ngành kinh tế quốc dân; mức độ tập trung kinh tế;

(3) Nhận định xu hướng tập trung kinh tế trong thời gian tới đối với một số ngành, lĩnh vực;

(4) Khuyến nghị đối với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở những nội dung và khuyến nghị đã được đưa ra, Báo cáo là một nguồn cơ sở dữ liệu đầu tiên về tập trung kinh tế, cung cấp thông tin cho các các tổ chức kinh tế, gồm các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư, công ty tư vấn; các tổ chức quốc tế, gồm các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cơ quan cạnh tranh các nước cùng với khối nghiên cứu kinh tế và luật pháp để các đơn vị này có thêm thông tin về thực trạng và môi trường pháp lý điều chỉnh các hoạt động tập trung kinh tế, qua đó có thể định hướng và điều chỉnh các hoạt động có liên quan tới tập trung kinh tế cho phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động tập trung kinh tế đó nói riêng và hiệu quả tổng thể của nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng là cơ sở để Cục Quản lý cạnh tranh tiếp tục triển khai công tác kiểm soát tập trung kinh tế một cách hiệu quả. Báo cáo cũng góp phần phục vụ cho công tác hoạch định chính sách cạnh tranh và hoàn thiện pháp luật cạnh tranh.

Thay mặt Cục Quản lý cạnh tranh, tôi xin chân thành cám ơn các cơ quan hữu quan, các chuyên gia đã nhiệt tình phối hợp trong suốt quá trình xây dựng và đóng góp các ý kiến bình luận để hoàn thiện Báo cáo. Đặc biệt, tôi cũng xin bày tỏ sự cảm ơn với Cơ quan cạnh tranh Thụy Sỹ (COMCO) đã có nhiều bình luận quý giá và tài trợ cho việc phát hành ấn phẩm này. Cục Quản lý cạnh tranh mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để Báo cáo Tập trung kinh tế hàng năm ngày càng hoàn thiện và trở thành một tài liệu có ích cho các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu cũng như đông đảo các đối tượng khác.

Hà Nội, tháng 01 năm 2009

Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh 

Bạch Văn Mừng