Chủ nghĩa tư bản và tự do: Thiết chế thương mại và tài chính quốc tế (Phần 6)
(Tiếp theo Phần 5)
Chương IV: Thiết chế thương mại và tài chính quốc tế
Vấn đề của các thiết chế tiền tệ quốc tế là mối quan hệ giữa đồng tiền của các quốc gia khác nhau: các điều khoản và điều kiện cho việc chuyển đổi đồng đô la Mỹ sang bảng Anh, đô la Canada sang đô la Mỹ, v.v. Vấn đề này có liên hệ chặt chẽ với sự kiểm soát tiền tệ thảo luận trong chương trước. Nó cũng liên quan tới những chính sách của chính phủ trong thương mại quốc tế, bởi kiểm soát thương mại quốc tế là một trong những kỹ thuật để tác động vào thanh toán quốc tế.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC THIẾT CHẾ TIỀN TỆ QUỐC TẾ ĐỐI VỚI TỰ DO KINH TẾ
Bất chấp đặc tính kỹ thuật và các điều khoản cấm đoán phức tạp thì thiết chế tiền tệ quốc tế vẫn luôn là một chủ đề mà một người theo chủ nghĩa tự do không thể bỏ qua. Nếu như gạt bỏ nguy cơ bùng nổ Thế chiến thứ III sang một bên thì sẽ không quá lời khi nói rằng mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn đối với tự do kinh tế tại Mỹ ngày nay đó là chúng ta sẽ phải chấp nhận các biện pháp kiểm soát kinh tế sâu rộng để có thể "giải quyết" các bất ổn về cán cân thanh toán. Những biện pháp can thiệp trong lĩnh vực thương mại quốc tế có vẻ vô hại; chúng có thể nhận được sự ủng hộ từ những người e ngại sự can thiệp của chính quyền vào các vấn đề kinh tế; nhiều doanh nhân thậm chí còn coi chúng như là một phần "Lối Sống Kiểu Mỹ"; dù thế, cho đến nay mới chỉ có một vài can thiệp có đủ khả năng lan rộng, có sức phá hủy khủng khiếp đến nền tự do kinh doanh. Kinh nghiệm trong quá khứ đủ để chỉ ra rằng cách hiệu quả nhất để khởi động quá trình chuyển đổi một nền kinh tế thị trường sang một xã hội độc tài kinh tế là áp đặt kiểm soát trực tiếp đối với hoạt động ngoại hối. Bước đi này chắc chắn sẽ dẫn tới việc phân phối quota nhập khẩu, kiểm soát nền sản xuất trong nước có sử dụng các sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, và cứ như vậy theo một đường xoắn ốc không bao giờ kết thúc. Tuy thế, ngay cả một người luôn trung thành với chủ nghĩa tự do kinh doanh như Thượng nghị sĩ Barry Goldwater cũng đã có lúc phải đồng ý rằng những rào cản về giao dịch ngoại hối là một “phương thuốc” cần thiết khi thảo luận về cái gọi là “dòng chảy vàng”. Nhưng “phương thuốc” này có lẽ còn tệ hơn căn bệnh rất nhiều.
Hiếm có chính sách nào thật sự là mới trong lĩnh vực chính sách kinh tế; các chính sách được cho là mới thì thực chất đã manh nha từ cả thế kỉ trước dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, trừ khi tôi nhầm, vẫn có một trường hợp ngoại lệ, đó là những chính sách quản lý ngoại hối toàn diện và cái gọi là "tính không thể chuyển đổi giữa các đồng tiền" (inconvertibility of currencies), và việc hé lộ nguồn gốc của những chính sách này cho thấy chúng mang mầm mống của chế độ độc tài. Theo như tôi được biết thì đây là những phát minh của Hjalmar Schacht vào thời kì đầu của chế độ Quốc xã. Thực ra, trong quá khứ đã nhiều lần các đồng tiền được mô tả là không thể chuyển đổi. Thế nhưng, không thể chuyển đổi ở đây ám chỉ là chính phủ thời kì đó không có ý định hoặc không có khả năng chuyển đổi tiền giấy sang vàng hoặc bạc, hay bất cứ bản vị hàng hóa nào, theo tỷ lệ quy định hợp pháp. Chứ nó không có nghĩa là một quốc gia cấm công dân hay cư dân của mình trao đổi những tờ giấy bạc nội tệ của quốc gia mình để đổi lấy những tờ giấy bạc ngoại tệ tương ứng của quốc gia khác – hay đổi lấy những đồng tiền xu hoặc tiền vàng. Chẳng hạn, trong thời kì nội chiến Hoa Kỳ cũng như một thập kỷ rưỡi sau đó, đồng tiền của Mỹ không thể chuyển đổi theo nghĩa người nắm giữ một đô la Mỹ không thể đem nó tới Kho Bạc để đổi lấy một lượng vàng nhất định. Tuy nhiên trong suốt thời gian này, anh ta lại được tự do mua vàng với giá thị trường hoặc mua bán bảng Anh bằng đô la Mỹ tại bất kỳ mức giá nào do hai bên thỏa thuận.
Tại Hoa Kỳ, đồng đô la không thể chuyển đổi theo nghĩa cũ kể từ năm 1933. Công dân Mỹ nắm giữ hoặc mua bán vàng được cho là bất hợp pháp. Như vậy, tính phi chuyển đổi của đồng đô la không phải là theo nghĩa mới. Tuy nhiên, rất tiếc là dường như chúng ta đang áp dụng các chính sách mà không sớm thì muộn cũng sẽ đẩy chúng ta đi theo hướng sau này.
VAI TRÒ CỦA VÀNG TRONG HỆ THỐNG TIỀN TỆ MỸ
Văn hóa từ xa xưa khiến chúng ta vẫn giữ lối suy nghĩ rằng vàng là yếu tố trung tâm trong hệ thống tiền tệ của chúng ta. Một mô tả chính xác hơn về vai trò của vàng trong hệ thống chính sách Mỹ là: về cơ bản nó là mặt hàng được trợ giá, như lúa mì hay các sản phẩm nông nghiệp khác. Chương trình trợ giá vàng của chúng ta khác với chương trình trợ giá lúa mì trên ba khía cạnh quan trọng: thứ nhất, chúng ta mua ở mức giá hỗ trợ từ cả nhà sản xuất trong nước lẫn nước ngoài; thứ hai, chúng ta bán với mức giá hỗ trợ chỉ thỏa mái cho người mua nước ngoài chứ không áp dụng đối với người mua trong nước; thứ ba, và đây cũng là một trong những điểm quan trọng trong vai trò tiền tệ của vàng, Kho bạc được phép in tiền để trả cho số vàng Kho Bạc thu mua – nên khoản chi cho việc mua vàng không xuất hiện trong ngân sách và tổng số tiền cần thiết để mua không cần công khai trước Quốc Hội; tương tự như vậy khi Kho bạc bán vàng, sổ sách kế toán chỉ đơn giản thể hiện một lượng giảm Giấy chứng nhận vàng, và không có khoản tăng nào trong ngân sách.
Năm 1934, giá vàng lần đầu tiên được thiết lập ở mức hiện tại là 35 USD/ounce, mức giá này cao hơn giá trên thị trường vàng tự do lúc bấy giờ. Kết quả là, Hoa Kỳ tràn ngập trong cơn bão vàng, kho vàng của chúng ta tăng gấp ba lần trong sáu năm, và chúng ta nắm giữ quá nửa kho vàng thế giới. Lí do chúng ta tích lũy được một lượng vàng "thặng dư" cũng giống như lí do chúng ta tích lũy được một lượng lúa mì "thặng dư " là bởi chính quyền đã đưa ra mức giá cao hơn thị trường. Gần đây, tình hình đã thay đổi. Trong khi giá vàng pháp định vẫn duy trì ở mức cố định 35 USD, thì giá các mặt hàng khác đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Do đó, mức giá 35 USD/ounce giờ đây thấp hơn giá trên thị trường tự do.1 Kết quả là, hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với tính trạng "thiếu hụt" chứ không phải "thặng dư” vì cùng lý do giống như việc giá trần thuê nhà tạo ra hiện trạng không thể tránh khỏi: sự “thiếu hụt” nhà ở – đó là bởi vì chính quyền vẫn cố giữ giá vàng thấp hơn giá thị trường.
Giá vàng pháp định lẽ ra đã được nâng lên từ lâu - như giá lúa mì cũng được nâng lên theo thời gian vậy – nếu như không có chuyện các nhà sản xuất vàng chính, cũng chính là những người được lợi nhất từ sự tăng giá, lại là Liên bang Xô Viết và Nam Phi - hai quốc gia mà Hoa Kỳ thiếu thiện cảm chính trị.
Sự kiểm soát giá vàng của chính quyền, cũng như sự kiểm soát bất kì giá cả mặt hàng nào khác, là không phù hợp với một nền kinh tế tự do. Một kim bản vị giả tạo như vậy phải được phân biệt rõ với việc sử dụng vàng với tư cách là tiền trong hệ thống kim bản vị đích thực, vốn dĩ hoàn toàn phù hợp với một nền kinh tế tự do dẫu cho bản vị này thiếu tính khả thi. Không chỉ là việc ấn định mức giá, các biện pháp liên quan thực hiện trong năm 1933 và năm 1934 bởi chính quyền Roosevelt khi nâng giá vàng còn đi xa hơn; chúng phản ánh một xu hướng rời xa khỏi các nguyên tắc tự do và thiết lập những tiền lệ uy hiếp thế giới tự do. Tôi muốn nói đến chính sách quốc hữu hóa kho vàng, cấm tư nhân sở hữu vàng với mục đích tiền tệ, và việc huỷ các điều khoản gắn với vàng trong các hợp đồng của chính phủ lẫn tư nhân.
Vào năm 1933 và đầu năm 1934, các chủ thể tư nhân nắm giữ vàng đã bị pháp luật yêu cầu nộp toàn bộ số vàng của họ cho chính quyền liên bang. Họ được đền bù ở mức giá tương đương với mức giá trước khi ban hành giá pháp định, mà chắc chắn thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đấy. Để quy định này có hiệu lực, sở hữu tư nhân vàng tại Mỹ được cho là bất hợp pháp ngoại trừ trường hợp sử dụng vàng vì mục đích nghệ thuật. Khó có thể tưởng tượng còn biện pháp nào tiêu cực hơn thế trong việc phá hủy các nguyên lý về quyền sở hữu tư nhân, dựa vào đó một xã hội tự do kinh doanh có thể vận hành. Về nguyên tắc, không có sự khác biệt giữa chính sách quốc hữu hóa vàng với mức giá quy định thấp và chính sách quốc hữu hóa đất đai, nhà xưởng của chính quyền Fidel Castro cũng bằng một mức định giá thấp. Vậy dựa trên nền tảng nguyên lý nào Hoa Kỳ phản đối chính sách đó [của Cu Ba] trong khi bản thân Hoa Kỳ lại áp dụng chính sách kia? Ấy thế mà, một số người ủng hộ hệ thống tự do kinh doanh vẫn mù quáng khủng khiếp khi nói đến vấn đề liên quan đến vàng. Điển hình như năm 1960, Henry Alexander, giám đốc Công ty tín thác Morgan Guaranty, người kế thừa JP Morgan and Company, đề nghị cần phải mở rộng phạm vi chính sách ngăn cấm công dân Mỹ sở hữu vàng ra cả vàng nắm giữ tại nước ngoài! Và đề xuất của ông đã được Tổng thống Eisenhower thông qua mà hầu như không gặp phải một phản đối nào từ cộng đồng ngân hàng.
Mặc dù sử dụng lý do “lưu trữ” vàng vì mục đích tiền tệ để biện minh, song việc cấm chế độ sở hữu tư nhân vàng đã được ban hành không vì bất kì mục đích tiền tệ nào, bất kể việc này là tốt hay xấu. Chính sách quốc hữu hóa vàng được ban hành cho phép chính phủ thâu tóm toàn bộ từng "đồng" lợi nhuận từ việc tăng giá vàng - hoặc có lẽ, để ngăn cản các cá nhân sở hữu vàng hưởng lợi từ việc này.
Bãi bỏ các điều khoản gắn với vàng cũng vì mục đích tương tự. Và đây cũng là một biện pháp phá hoại các nguyên lý cơ bản của hệ thống tự do kinh doanh. Các hợp đồng ký kết trên cơ sở lòng tin và sự hiểu biết đầy đủ của cả hai bên đối tác thì bị tuyên bố không còn hiệu lực vì lợi ích của một trong các bên!
THANH TOÁN VÃNG LAI VÀ DÒNG VỐN CHẠY ĐI
Khi thảo luận về các mối quan hệ tiền tệ quốc tế ở tầm tương đối tổng quát, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm tương đối khác nhau, đó là cán cân thanh toán và vàng chảy ra khỏi quốc gia. Sự khác biệt giữa hai vấn đề này có thể minh họa đơn giản thông qua việc xem xét một ngân hàng thương mại thông thường. Ngân hàng xử lý các nghiệp vụ và thu phí dịch vụ, lãi suất cho vay, tổng cộng là một số tiền đủ lớn cho phép ngân hàng trả các khoản chi phí - tiền công, tiền lương, lãi suất huy động vốn, chi phí vật tư, lãi trả cổ đông, v.v. Ngân hàng phải nỗ lực để có tài khoản thu nhập lành mạnh. Tuy nhiên một ngân hàng có tài khoản thu nhập đẹp vẫn có thể gặp rắc rối nghiêm trọng khi vì lý do nào đó mà người gửi tiền mất lòng tin vào ngân hàng và yêu cầu rút tiền hàng loạt. Nhiều ngân hàng danh tiếng đã buộc phải đóng cửa vì tiền gửi bị “chảy” liên tục như vậy trong các thời kì khủng hoảng thanh khoản như mô tả ở chương trước.
Hai vấn đề này hẳn nhiên là có liên quan. Một lý do quan trọng khiến người gửi tiền mất lòng tin vào ngân hàng của mình đó là vì chính ngân hàng đang có tài khoản thu nhập ở trạng thái thua lỗ. Tuy nhiên, hai vấn đề này cũng rất khác nhau. Một bên, các vấn đề về tài khoản thu nhập thường chậm phát sinh và ngân hàng có cả khoảng thời gian đáng kể để xử lý chúng. Chúng ít khi ập đến một cách bất ngờ. Còn bên kia, sự sụt giảm lượng tiền gửi có thể xảy đến bất ngờ và không thể lường trước.
Tình huống của nước Mỹ diễn biến chính xác theo cùng chiều hướng. Người dân cũng như chính phủ Hoa Kỳ đang tìm cách dùng đô la mua ngoại tệ để có thể mua hàng hóa và dịch vụ ở các nước khác, đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài, trả lãi cho các khoản nợ, hoàn trả vốn vay, hay tặng quà cho những người khác, bất kể đối tác là tư nhân hay nhà nước. Đồng thời, người nước ngoài thì lại đang cố thu mua đồng đô la bằng nội tệ của họ nhằm phục vụ những mục đích tương ứng. Sau trao đổi, số đô la dùng để mua ngoại tệ sẽ chính bằng số đô la dùng ngoại tệ để mua - cũng giống như số lượng đôi giày được bán chính bằng số lượng đôi giày được mua. Số học là số học và lượng mua của một người chính là lượng bán của người khác. Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng, tại bất kì mức giá tính bằng đô la nào của ngoại tệ, số lượng đô la của những người sẵn sàng chi ra sẽ tương đương số lượng đô la của những người muốn mua. Cũng giống như không có gì đảm bảo rằng tại bất kỳ mức giá giày nào, số lượng đôi giày mọi người muốn mua chính xác bằng số lượng đôi giày mọi người muốn bán. Điểm cân bằng đạt được sau đó (ex post) phản ánh một cơ chế loại bỏ toàn bộ chênh lệch dự kiến trước đó (ex ante). Việc tìm ra cơ chế phù hợp cho mục đích này là bản đối ứng với với lời giải của bài toán về tài khoản thu nhập của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng gặp phải bài toán tương tự như việc tránh tiền gửi chạy khỏi ngân hàng. Mỹ cam kết bán vàng cho các ngân hàng trung ương và chính phủ nước ngoài với giá 35 USD/ounce. Các ngân hàng trung ương, chính phủ và người dân nước ngoài nắm giữ lượng vốn lớn tại Mỹ dưới hình thức tài khoản tiền gửi hoặc chứng khoán Mỹ và có thể dễ dàng bán đổi ra đô la. Bất kì lúc nào, những người nắm giữ những số dư này cũng có thể rút tiền ra khỏi Kho Bạc Mỹ bằng cách chuyển đổi số dư đô la của họ sang vàng. Đây chính xác là những gì đã xảy ra vào mùa thu năm 1960, và nó hoàn toàn có thể xảy ra lần nữa vào một ngày bất định trong tương lai (có thể là trước khi cuốn sách này được xuất bản).
Hai vấn đề này có mối quan hệ với nhau theo hai cách. Đầu tiên, tương tự như ngân hàng, những khó khăn về tài khoản thu nhập là nguồn cơn chính dẫn đến sự mất niềm tin vào khả năng giữ lời hứa bán vàng ở mức giá 35 USD/ounce của Mỹ. Thực tế là Mỹ đã phải vay mượn nước ngoài để cân bằng tài khoản vãng lai, và đây là lý do chính khiến người nắm giữ đô la mong muốn chuyển đổi chúng thành vàng hoặc các loại tiền tệ khác. Thứ hai, việc cố định giá vàng là phương cách để chúng ta neo các thứ giá khác - giá của đồng đô la tính bằng các loại ngoại tệ - và dòng chảy vàng ra vào là phương cách chúng ta đã áp dụng để giải quyết những chênh lệch dự kiến trong cán cân thanh toán.
NHỮNG THIẾT CHẾ KHÁC NHAU ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CÂN BẰNG TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ
Chúng ta sẽ nhìn nhận rõ hơn về cả hai mối quan hệ này thông qua xem xét những thiết chế khả dụng khác nhau để đạt được cân bằng trong cán cân thanh toán. Trong hai vấn đề trên, vấn đề đầu tiên có tính cơ bản hơn.
Giả sử Hoa Kỳ đang ở trạng thái gần như cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế và có một sự kiện nào đó xuất hiện làm thay đổi tình hình, chẳng hạn như làm giảm số lượng đô la mà người nước ngoài muốn mua so với số lượng đô la mà người Mỹ muốn bán; hay nhìn từ phía bên kia, đó là tăng lượng ngoại tệ mà người Mỹ muốn mua so với lượng ngoại tệ mà người nước ngoài muốn bán để đổi lấy đô la. Nghĩa là, có một điều gì đó đang đe dọa tạo ra tình trạng “thâm hụt” cán cân thanh toán của Mỹ. Đây có thể là kết quả của việc tăng hiệu năng sản xuất ở nước ngoài hoặc giảm hiệu năng sản xuất trong nước, tăng chi phí viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ hoặc giảm chi phí viện trợ nước ngoài bởi các quốc gia khác, tóm lại có một nghìn lẻ cách khiến cho thay đổi như thế liên tục diễn ra. Nhưng chỉ có bốn cách duy nhất mà một quốc gia có thể điều chỉnh trước sự xáo trộn này, và cần kết hợp một số trong bốn cách này để đạt mục tiêu.
1. Giảm dự trữ ngoại tệ của Mỹ hoặc tăng dự trữ đô la Mỹ của nước ngoài. Trên thực tế, điều này có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ có thể giảm kho vàng của mình, bởi vàng có thể dùng để đổi lấy ngoại tệ hoặc để vay ngoại tệ và cho phép trao đổi số ngoại tệ này bằng đồng đôla với tỷ giá chính thức, hay chính phủ nước ngoài có thể tích lũy đô la bằng cách bán ngoại tệ cho người dân Mỹ với tỷ giá chính thức. Dựa vào lượng dự trữ rõ ràng chỉ là một giải pháp tình thế. Thật vậy, chính việc lạm dụng quá mức phương sách này của Mỹ đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc đối với cán cân thanh toán.
2. Giá cả trong nước của Mỹ có thể phải ép giảm xuống tương ứng với giá cả tại nước ngoài. Đây là cơ chế điều chỉnh chính dưới chế độ bản vị vàng hoàn chỉnh. Thâm hụt cán cân thanh toán ban đầu sẽ tạo ra một dòng chảy ra của vàng (cơ chế 1, bên trên); dòng vàng chảy ra sẽ khiến lượng tiền sụt giảm, sự sụt giảm lượng tiền khiến giá cả và thu nhập trong nước giảm. Cùng lúc đó, những tác động ngược chiều sẽ xảy ra ở nước ngoài: dòng vàng chảy vào sẽ gia tăng lượng tiền và do đó tăng giá cả và thu nhập. Giá cả thấp hơn ở Mỹ và giá cả gia tăng ở nước ngoài sẽ khiến hàng hóa Mỹ hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài và do đó làm tăng số lượng đô la họ muốn mua, đồng thời, thay đổi giá sẽ khiến hàng hóa nước ngoài kém hấp dẫn đối với người dân Mỹ và do đó làm giảm số lượng đô la họ muốn bán. Cả hai hiệu ứng nếu diễn ra sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách và khôi phục lại sự cân bằng mà không cần dòng chảy vàng vào ra nào nữa.
Dưới chế độ quản lý hiện đại, những hiệu ứng này không diễn ra tự động. Dòng chảy vàng có thế vẫn xảy ra trước tiên, song chúng sẽ không ảnh hưởng đến lượng tiền ở quốc gia có dòng vàng chảy ra hay quốc gia có dòng vàng chảy vào, phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý tiền tệ của mỗi nước. Ngày nay, ở mỗi quốc gia, các Ngân hàng Trung ương hay Kho Bạc Nhà Nước có khả năng bù đắp ảnh hưởng của dòng vàng, hay thay đổi lượng tiền mà không cần dòng vàng. Do đó, cơ chế này sẽ chỉ được sử dụng để giải quyết vấn đề cán cân thanh toán khi các nhà chức trách của quốc gia thâm hụt cán cân thanh toán sẵn sàng chấp nhận tình trạng giảm phát, từ đó dẫn đến thất nghiệp, hoặc các nhà chức trách của nước có thặng dư cán cân thanh toán sẵn tạo ra tình trạng lạm phát.
3. Có thể tạo ra hiệu ứng tương tự sự thay đổi giá cả trong nước bằng một sự thay đổi trong tỷ giá hối đoái. Ví dụ, giả sử theo cơ chế 2, giá một chiếc ô tô nào đó ở Mỹ giảm 10% từ 2.800USD xuống còn 2.520USD. Nếu giá của đồng bảng Anh luôn là 2,80USD, thì điều này có nghĩa là giá ở Anh (bỏ qua phí vận tải và các phí khác) sẽ giảm từ 1.000 bảng xuống 900 bảng. Vẫn sẽ xảy ra một hiệu ứng giảm giá tương tự ở Anh mà không có bất kỳ sự thay đổi nào trong giá cả ở Mỹ nếu như giá của một bảng tăng từ 2,80 USD lên 3,11 USD. Trước đây, người Anh phải bỏ ra 1.000 bảng để có được 2.800 USD. Bây giờ anh ta có thể nhận được 2.800 USD khi đổi 900 bảng. Anh ta có lẽ sẽ không nhận biết được sự khác biệt giữa việc giảm chi phí mua chiếc ô tô do biến động tỷ giá và việc giảm chi phí ở mức tương ứng thông qua việc giảm giá ở Mỹ khi không có sự biến động trong tỷ giá hối đoái.
Trên thực tế, tỷ giá hối đoái có thể thay đổi theo một vài cách thức. Với các loại tỷ giá cố định mà nhiều quốc gia hiện nay áp dụng, thay đổi tỷ giá có thể xảy ra thông qua nâng giá hoặc phá giá, có nghĩa là chính phủ tuyên bố thay đổi mức giá mà họ cố định đồng tiền của họ. Tỷ giá hối đoái có thể thay đổi theo một cách khác mà hoàn toàn không cần phải neo cố định. Nó có thể là một tỷ giá thị trường thay đổi hằng ngày, như trường hợp đồng đô la Canada giai đoạn 1950-1962. Nếu là tỷ giá thị trường, nó có thể là một tỷ giá thị trường hoàn toàn tự do, được xác lập chủ yếu bởi các giao dịch tư nhân như tỷ giá đồng đô la Canada giai đoạn 1952-1961, hoặc nó có thể được điều chỉnh theo suy đoán của chính phủ như trường hợp ở Anh giai đoạn 1931-1939, và ở Canada giai đoạn 1950-1952 rồi lặp lại trong các năm 1961-1962.
Trong các cách thức này, chỉ có tỷ giá hối đoái thả nổi tự do là hoàn toàn tự động và không có sự kiểm soát của chính phủ.
4. Những điều chỉnh tạo ra bởi cơ chế 2 và 3 bao gồm những thay đổi trong dòng chảy hàng hóa và dịch vụ phát sinh từ những thay đổi hoặc ở giá cả trong nước hoặc ở tỷ giá hối đoái. Nhưng chính phủ có thể trực tiếp kiểm soát hoặc can thiệp vào hoạt động thương mại để giảm thiểu những khoản chi tiêu dự kiến bằng đồng đô la và mở rộng nguồn thu của Mỹ. Chính phủ có thể nâng thuế nhập khẩu để thắt chặt nhập khẩu, cung cấp trợ cấp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với nhiều loại hoàng hóa, kiểm soát vốn đầu tư ra nước ngoài của các công dân hay công ty Mỹ, v.v. và trên hết là kiểm soát ngoại hối. Trong nhóm này phải kể đến không chỉ sự kiểm soát đối với các hoạt động tư nhân mà còn cả những thay đổi trong các chương trình của chính phủ vì mục đích cân bằng cán cân thanh toán. Chẳng hạn như yêu cầu những người nhận cứu trợ ở nước ngoài phải tiêu khoản cứu trợ trên đất Mỹ; Quân đội phải mua sắm hàng hóa Mỹ với chi phí lớn hơn thay vì mua tại nước ngoài nhằm tiết kiệm "đô la" – một cách biểu đạt đầy mâu thuẫn - và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Điều quan trọng cần lưu ý là: tất yếu sẽ phải dùng đến một trong bốn cơ chế này. Các sổ sách bút toán kép phải cân bằng. Chi phải bằng thu. Câu hỏi duy nhất là sử dụng cách nào.
Nhưng chính sách quốc gia mà chính phủ Mỹ đã công bố và tiếp tục theo đuổi lại không đụng chạm đến bất kỳ cơ chế nào trong các cơ chế này. Trong một bài phát biểu vào tháng 12 năm 1961 trước Hiệp hội các nhà sản xuất chế biến quốc gia, Tổng thống Kennedy đã khẳng định "Do đó, Chính quyền này, trong nhiệm kì của mình - tôi nhắc lại điều này và coi đây như một lời tuyên bố thẳng, không mập mờ – sẽ không áp đặt kiểm soát ngoại hối, phá giá đồng đô la, dựng lên các rào cản thương mại hay bóp nghẹt sự phục hồi nền kinh tế của chúng ta". Xét về mặt logic, chỉ còn có hai khả năng xảy ra với tuyên bố này: hoặc là yêu cầu các quốc gia khác thực hiện những biện pháp liên quan - đây là điều mà chúng ta gần như không thể chắc chắn, hoặc là rút bớt dự trữ - điều mà Tổng thống cũng như các quan chức khác đã nhiều lần nhấn mạnh là không được phép tiếp diễn. Thế nhưng, tạp chí Time lại đưa tin rằng lời hứa hẹn của Tổng thống "được sự ủng hộ nhiệt tình" từ đông đảo các doanh nhân quần tụ. Quay trở lại với chính sách đã công bố của chúng ta, chúng ta đang ở vị trí của một người ăn tiêu vượt quá thu nhập của mình nhưng vẫn khẳng định anh ta không cần kiếm thêm tiền, không cần chi tiêu ít đi, không cần đi vay, hay không cần bán một phần tài sản của mình để tài trợ cho phần chi tiêu vượt quá!
Bởi chúng ta không sẵn sàng áp dụng một chính sách mạch lạc, rõ ràng nên chúng ta và cả các đối tác thương mại của chúng ta nữa - những bên cũng đưa ra những tuyên bố xa vời y hệt chúng ta - cuối cùng đã phải viện đến cả bốn cơ chế. Trong những năm đầu sau chiến tranh, các khoản mục dự trữ vàng của Mỹ tăng cao, gần đây chúng đã giảm xuống. Chúng ta đã chủ động đón nhận lạm phát hơn so với dự kiến khi dự trữ vàng gia tăng, và chúng ta cũng chủ động giảm phát hơn dự kiến kể từ năm 1958 khi vàng bị chảy máu ra nước ngoài. Mặc dù chúng ta không thay đổi giá vàng chính thức, các đối tác thương mại của chúng ta đã thay đổi, dẫn đến tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng đô la thay đổi theo, tạo ra áp lực đối với Mỹ phải đưa ra những điều chỉnh tương tự. Cuối cùng, các đối tác thương mại của chúng ta sử dụng rộng rãi các biện pháp kiểm soát trực tiếp; và kể từ khi chúng ta chứ không phải họ đối mặt với thâm hụt ngân sách, chúng ta cũng đã phải dùng đến một loạt các biện pháp can thiệp trực tiếp vào cán cán cân thanh toán, từ việc giảm lượng hàng hóa nước ngoài mà du khách được hưởng miễn thuế khi mang theo - một hành động tưởng rất tầm thường song lại phản ánh rất rõ nét triệu chứng – cho đến việc bắt buộc các khoản chi viện trợ cho nước ngoài phải được tiêu trên đất Mỹ, hay yêu cầu thành viên các gia đình không đi cùng với những công chức làm việc ở nước ngoài, hay thắt chặt hơn hạn ngạch nhập khẩu đối với dầu mỏ. Chúng ta cũng đã phải hạ mình đề nghị các chính phủ nước ngoài thực hiện những biện pháp đặc biệt để làm lành mạnh cán cân thanh toán của Mỹ.
Trong bốn cơ chế, việc sử dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp rõ ràng là cách tồi tệ nhất dù xét trên quan điểm nào và chắc chắn là nhân tố phá hủy nhất đối với một xã hội tự do. Tuy nhiên chúng ta lại đang ngày càng phụ thuộc vào những biện pháp kiểm soát kiểu như vậy dưới dạng này hay dạng khác thay vì đưa ra một chính sách rõ ràng. Chúng ta rao giảng công khai những ưu điểm của thương mại tự do; thế nhưng dưới áp lực không khoan nhượng của cán cân thanh toán chúng ta buộc phải chuyển theo hướng ngược lại và nguy cơ rất lớn là chúng ta sẽ vẫn dấn sâu hơn trên con đường ấy. Chúng ta có thể thông qua tất cả các sắc luật để giảm thuế quan; chính quyền có thể đàm phán vô vàn các biện pháp giảm thuế quan; nhưng trừ khi chúng ta áp dụng một cơ chế khác để giải quyết vấn đề thâm hụt cán cân thanh toán, chúng ta sẽ vẫn phải dựng lên một bộ các rào cản thương mại mới để thay cho những cái cũ – và thực sự là, thay thế bằng bộ hàng rào tồi hơn. Phương án thuế quan đã không mấy hay ho, đặt ra hạn ngạch và các biện pháp can thiệp trực tiếp khác thậm chí còn tệ hơn. Thuế quan, giống như giá thị trường, là yếu tố khách quan và không liên can đến sự can thiệp trực tiếp của chính phủ trong các hoạt động kinh doanh; hạn ngạch gắn với việc phân bổ và các can thiệp hành chính khác, ngoài ra còn cho các cơ quan quản lý nhiều cơ hội đục nước béo cò vì lợi ích cá nhân. Có lẽ tồi hơn cả thuế quan và hạn ngạch là những cơ chế ngoài vòng pháp luật (extra-legal), chẳng hạn như thỏa thuận "tự nguyện" của Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu dệt may.
TỶ GIÁ THẢ NỔI LÀ GIẢI PHÁP CỦA THỊ TRƯỜNG TỰ DO
Chỉ có hai cơ chế phù hợp với thị trường tự do và thương mại tự do. Một là chế độ bản vị vàng quốc tế hoàn toàn tự động. Như chúng ta đã thấy trong chương trước, đây là một cơ chế không khả thi và cũng không hấp dẫn. Trong bất kể tình huống nào chúng ta cũng không thể áp dụng cơ chế này. Cơ chế còn lại là một hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi được xác định trên thị trường bởi các giao dịch cá nhân mà không có sự can thiệp của chính phủ. Đây chính xác là phiên bản thị trường tự do tuân theo quy tắc tiền tệ mà được đề xuất trong chương trước. Nếu chúng ta không áp dụng cơ chế này, chúng ta chắc chắn sẽ thất bại trong việc mở rộng lĩnh vực thương mại tự do và không sớm thì muộn buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát trực tiếp sâu rộng lên thương mại. Trong lĩnh vực này, cũng như những lĩnh vực khác, các điều kiện có thể luôn thay đổi đầy bất ngờ. Có thể chúng ta sẽ phải loay hoay để vượt qua những khó khăn mà hiện tại chúng ta đang đối mặt giống như được viết trong cuốn sách này (1962) và thực ra chúng ta có lẽ thấy mình ở tình trạng thặng dư thay vì là thâm hụt, tích lũy dự trữ vàng thay vì suy giảm. Nếu vậy, điều này đơn giản có nghĩa là các quốc gia khác sẽ phải đối mặt nhu cầu áp đặt kiểm soát. Năm 1950, khi tôi viết một bài báo đề xuất hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi, đó là trong bối cảnh châu Âu gặp khó khăn về thanh toán gắn với tình trạng bị coi là "thiếu đô la". Sự xoay chuyển tình huống như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thật vậy, rất khó để dự đoán khi nào và bằng cách nào những biến cố như vậy xảy ra, và đó chính là luận điểm tranh luận cơ bản cho việc ủng hộ thị trường tự do. Vấn đề của chúng ta không phải là "giải quyết" một bài toán cán cân thanh toán. Mà là giải quyết vấn đề cán cân thanh toán bằng cách áp dụng một cơ chế cho phép các lực lượng của thị trường tự do phản ứng nhanh chóng, hiệu quả, và tự động trước những điều kiện biến động gây ảnh hưởng tới thương mại quốc tế.
Mặc dù tỷ giá hối đoái thả nổi tự do rõ ràng là một cơ chế thị trường tự do thích hợp, song chúng chỉ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số tương đối ít những người theo chủ nghĩa tự do, chủ yếu là các nhà kinh tế chuyên nghiệp, và bị phản đối bởi rất nhiều người theo chủ nghĩa tự do khác – những người phản đối sự can thiệp của chính phủ cũng như chính sách ấn định giá của chính phủ trong hầu hết các lĩnh vực khác. Tại sao lại như vậy? Một lý do đơn giản đó là tính chuyên chế của nguyên trạng (the tyranny of the status quo). Lý do thứ hai là sự nhầm lẫn giữa chế độ bản vị vàng thực sự và chế độ bản vị vàng giả tạo. Dưới chế độ bản vị vàng thật sự, giá cả đồng nội tệ của một quốc gia tính theo đơn vị tiền tệ của một quốc gia khác gần như sẽ cứng nhắc, bởi các đồng tiền khác nhau đơn giản chỉ là tên gọi biểu hiện cho những lượng vàng khác nhau. Chúng ta dễ bị nhầm tưởng rằng mình có thể được hưởng tinh túy của chế độ bản vị vàng thật chỉ đơn thuần bằng cách cung kính hình thức trước vàng - khi áp dụng một chế độ bản vị vàng giả tạo, giá cả đồng tiền của một quốc gia đo bằng đơn vị tiền tệ của một quốc gia khác được neo vào nhau chỉ bởi vì chúng là những cái giá được neo trên những thị trường bị trói buộc. Lý do thứ ba là, ai cũng ủng hộ áp dụng cơ chế thị trường tự do với những người khác trong khi coi mình đáng được hưởng đãi ngộ đặc biệt. Tâm lý này đặc biệt thấm sâu vào những người điều hành ngân hàng khi nói đến tỷ giá hối đoái. Họ muốn một mức giá bảo đảm. Hơn nữa, họ không quen với các công cụ thị trường để đối phó với những biến động tỷ giá hối đoái. Không tồn tại các công ty chuyên đầu cơ và kinh doanh chênh lệch giá trong một thị trường trao đổi tự do. Đây là cách thức mà mà tính chuyên chế của nguyên trạng chế ngự. Chẳng hạn như tại Canada, sau một thập kỷ với cơ chế tỷ giá tự do đã mang đến cho một số người điều hành ngân hàng một nguyên trạng khác, khiến họ tiên phong trong việc tiếp tục ủng hộ cơ chế này và phản đối cơ chế neo tỷ giá hay là sự thao túng tỷ giá của chính phủ.
Theo tôi, quan trọng hơn bất kì lý do nào ở trên, đó là cách diễn giải sai lầm về kinh nghiệm với tỷ giá thả nổi phát sinh từ một phép ngụy biện thống kê, mà có thể dễ dàng thấy qua một ví dụ điển hình. Arizona rõ ràng là điểm đến tồi tệ nhất nước Mỹ đối với một người bệnh lao bởi tỷ lệ tử vong do bệnh lao ở Arizona cao hơn so với các tiểu bang khác. Ngụy biện trong trường hợp này rất rõ. Song trong trường hợp tỷ giá hối đoái thì lại khó thấy hơn. Khi các quốc gia vấp phải những khó khăn tài chính nghiêm trọng do quản lý tiền tệ trong nước yếu kém hoặc vì một lý do nào khác, thì cuối cùng họ phải viện đến cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt. Không có chính sách quản lý ngoại hối hay rào cản trực tiếp nào trong lĩnh vực thương mại cho phép họ neo cứng tỷ giá hối đoái mà không phải đoái hoài đến thực tế nền kinh tế. Hệ quả là tỷ giá hối đoái thả nổi thường xuyên bị liên đới với tình trạng bất ổn kinh tế và tài chính, chẳng hạn như tình trạng lạm phát phi mã, hoặc lạm phát trầm trọng nhưng chưa tới mức phi mã như ở nhiều quốc gia Nam Mỹ. Và có thể đi đến kết luận dễ dãi rằng tỷ giá hối đoái thả nổi là nguồn cơn cho sự bất ổn định ấy.
Ủng hộ tỷ giá hối đoái thả nổi không có nghĩa là ủng hộ tỷ giá hối đoái bất ổn định. Khi chúng ta ủng hộ cơ chế giá cả tự do trong nước không có nghĩa là chúng ta ủng hộ một cơ chế cho phép giá cả dao động lên xuống dữ dội. Thứ chúng ta muốn là một cơ chế cho phép giá dao động tự do, song các lực lượng chi phối quyết định giá phải đủ ổn định để trên thực tế giá chỉ dao động trong một khoảng vừa phải. Mong muốn này cũng như thế đối với cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi. Mục tiêu cuối cùng là một thế giới trong đó tỷ giá hối đoái, vừa tự do biến đổi, song trên thực tế có tính ổn định cao nhờ các chính sách và điều kiện kinh tế cơ sở ổn định. Sự bất ổn định trong tỷ giá hối đoái là một triệu chứng của sự bất ổn trong cơ cấu kinh tế. Việc loại bỏ những triệu chứng này bằng cách đóng băng tỷ giá hối đoái bằng cơ chế hành chính không những không điều trị được bất kì khó khăn căn bản nào [trong cơ cấu kinh tế] mà chỉ khiến chúng nhức nhối hơn.
CÁC BIỆN PHÁP CHÍNH SÁCH CẦN THIẾT ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG VÀNG VÀ HỐI ĐOÁI TỰ DO
Có lẽ sẽ hữu ích hơn khi tôi tóm gọn ý chính trong cuộc thảo luận này bằng việc chỉ ra cụ thể các biện pháp mà tôi tin rằng Mỹ cần thực hiện để thúc đẩy một thị trường vàng và ngoại hối tự do thực sự.
1. Mỹ nên tuyên bố rằng nước này không cam kết sẽ mua hay bán vàng với bất kỳ mức giá cố định nào nữa.
2. Điều luật cấm các cá nhân sở hữu vàng hay mua và bán vàng phải được bãi bỏ, như thế sẽ không có các biện pháp giới hạn về mức giá mua hay bán vàng tính theo đơn vị hàng hóa hay công cụ tài chính nào khác, bao gồm cả đồng tiền của các quốc gia.
3. Điều luật hiện nay quy định cụ thể rằng Hệ thống dự trữ liên bang phải nắm giữ các chứng chỉ vàng tương đương 25% các khoản nợ của Hệ thống dự trữ liên bang cần được bãi bỏ.
4. Một vấn đề lớn trong việc xóa bỏ hoàn toàn chương trình trợ giá vàng, cũng như chương trình trợ giá lúa mì, đó là vấn đề chuyển đổi lượng vàng hoặc lúa mì đã dự trữ, tích lũy. Trong cả hai trường hợp, quan điểm riêng của tôi là chính phủ phải ngay lập tức khôi phục lại thị trường tự do bằng cách tiến hành các bước 1, 2, và cuối cùng thoái toàn bộ lượng dự trữ vàng. Tuy nhiên, có lẽ chính phủ nên thoái lượng dự trữ vàng của mình một cách từ từ. Đối với lúa mì, tôi cho rằng 5 năm là đã đủ dài, bởi vậy tôi ủng hộ chính phủ cam kết thoái 1/5 số lượng lúa mì dự trữ của mình mỗi năm. Khoảng thời gian này có lẽ cũng hợp lý đối với vàng. Do đó, tôi đề xuất chính phủ bán đấu giá số vàng của mình trên thị trường tự do trong khoảng thời gian 5 năm. Trên thị trường vàng tự do, các cá nhân tốt hơn hết nên tìm kiếm các chứng chỉ vàng do các kho vàng phát hành thay vì tìm kiếm vàng vật chất. Và nếu vậy, doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cũng có thể cung cấp dịch vụ lưu trữ vàng và cấp chứng chỉ vàng. Vậy tại sao lưu trữ vàng và phát hành chứng chỉ vàng lại là một ngành công nghiệp bị quốc hữu hóa?
5. Mỹ cũng sẽ nên tuyên bố rằng họ sẽ không công bố tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và các đồng tiền khác nữa. Ngoài ra, nước này sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động đầu cơ hay bất kì hoạt động nào khác nhằm tác động đến tỷ giá hối đoái. Tỷ giá này sẽ được xác lập trên thị trường tự do.
6. Những biện pháp này sẽ mâu thuẫn với nghĩa vụ chính thức của chúng ta với tư cách là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đó là xác lập mức giá ngang bằng của đồng USD. Tuy nhiên, IMF nhận thấy rằng có thể hóa giải thất bại của Canada trong việc xác lập mức giá ngang bằng theo các Điều khoản của mình và đồng thuận để Canada thả nổi tỷ giá. Chẳng có lý do gì mà không thể làm điều tương tự với Mỹ.
7. Các quốc gia khác có thể chọn cách neo đồng tiền của họ vào đồng đô la. Đó là việc của họ và chẳng có lý do gì để chúng ta phản đối cả miễn là chúng ta không cam kết nghĩa vụ mua hay bán đồng tiền của họ ở một mức giá cố định. Họ có thể thành công trong việc neo giữ tỷ giá đồng tiền của họ vào đồng đô la của chúng ta chỉ bằng một hoặc nhiều biện pháp nêu trên đây – rút bớt hoặc tích lũy thêm dự trữ, điều phối chính sách trong nước của họ tương thích với chính sách của Mỹ, thắt chặt hoặc nới lỏng kiểm soát trực tiếp đối với thương mại.
XÓA BỎ NHỮNG RÀO CẢN THƯƠNG MẠI CỦA MỸ
Một hệ thống như chúng ta vừa vạch ra sẽ giải quyết vấn đề về cán cân thanh toán một lần và mãi mãi. Thâm hụt cán cân thanh toán không còn là vấn đề đòi hỏi các quan chức chính phủ cấp cao phải nài xin sự hỗ trợ từ phía nước ngoài cũng như các ngân hàng trung ương, hoặc bắt buộc Tổng thống Mỹ phải cư xử giống như một ông chủ ngân hàng quốc gia hay sách nhiễu đang cố gắng khôi phục lòng tin vào ngân hàng của mình, hoặc buộc một chính quyền luôn rao giảng về tự do thương mại phải đặt ra những rào cản nhập khẩu, hoặc phải hy sinh những lợi ích quốc gia và cá nhân quan trọng, tất cả chỉ vì vấn đề tầm thường - tên của đồng tiền dùng để thanh toán. Cán cân thanh toán sẽ luôn cân bằng bởi vì giá cả - tỷ giá hối đoái – sẽ được giải phóng để tạo ra điểm cân bằng. Không ai có thể bán đô la trừ khi anh ta có thể tìm thấy một người nào đó muốn mua chúng và ngược lại.
Do đó, một hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi sẽ cho phép chúng ta tiến tới, theo một cách hiệu quả và trực tiếp, tình trạng tự do hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn - chỉ thiết lập hàng rào trong những trường hợp can thiệp có chủ đích, dựa trên những tiêu chí nghiêm ngặt về chính trị và quân sự, chẳng hạn như việc cấm bán hàng hóa chiến lược cho các nước cộng sản. Chừng nào chúng ta còn bó mình vào chiếc áo chật hẹp tỷ giá hối đoái cố định, chúng ta sẽ không thể thẳng tiến tới tự do thương mại. Phương án thuế quan và kiểm soát trực tiếp phải được giữ lại như một chiếc van thoát hiểm trong trường hợp cần thiết.
Hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi có ưu điểm là nó làm cho tính ngụy biện của luận điểm phổ biến nhất chống lại tự do thương mại bị phơi bày. Luận điểm đó là: mức lương "thấp" ở nơi khác sẽ khiến cho thuế quan ít nhiều trở nên cần thiết để bảo đảm mức lương “cao” nơi đây. Liệu mức lương 100 yên/giờ đối với một công nhân Nhật Bản là cao hay thấp so với mức lương 4 USD/giờ trả cho một công nhân Mỹ? Câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ giá hối đoái. Điều gì quyết định tỷ giá hối đoái? Nhu cầu cân bằng trong cán cân thanh toán, tức là làm cho số tiền chúng ta bán hàng hóa cho người Nhật tương đương với số tiền mà họ có thể bán hàng hóa cho chúng ta.
Hãy giả định đơn giản như sau. Nhật Bản và Mỹ là hai nước duy nhất tham gia trao đổi thương mại, và tại một mức tỷ giá, chẳng hạn như 1.000 yên đổi được một USD, Nhật Bản có thể sản xuất mọi mặt hàng giao thương đều có giá rẻ hơn so với Hoa Kỳ. Tại mức tỷ giá này người Nhật có thể bán được rất nhiều cho chúng ta, còn chúng ta chẳng bán được cái gì cho họ. Nhưng giả sử chúng ta trả họ bằng đồng đô la. Các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ làm gì với đồng đô la đó? Họ không thể dùng chúng để ăn, mặc, hay sống trong chúng. Nếu họ đơn thuần chỉ muốn nắm giữ chúng, vậy thì ngành công nghiệp in ấn – in đồng đôla - sẽ là một ngành công nghiệp xuất khẩu phát triển rực rỡ. Sản lượng của ngành sẽ cho phép tất cả chúng ta hưởng những thứ tốt đẹp trong cuộc sống mà được cung cấp gần như miễn phí bởi Nhật Bản.
Thế nhưng, dĩ nhiên là các nhà xuất khẩu Nhật Bản không muốn nắm giữ đồng đôla. Họ muốn bán chúng lấy yên. Theo giả thiết, với 1 USD họ không thể mua được gì cả, bởi họ không thể mua được gì với số tiền ít hơn 1.000 yên – là mức tỷ giá để đổi 1 USD. Điều này cũng đúng với những người Nhật khác. Vậy thì liệu có người nắm đồng yên nào lại từ bỏ 1.000 yên để đổi lấy 1 USD mà sẽ mua được ít hàng hóa hơn 1000 yên kia không? Không ai làm thế cả. Để nhà xuất khẩu Nhật Bản có thể đổi đồng đô la của mình ra yên, ông ta sẽ phải chấp nhận thu về ít đồng yên hơn - giá của đồng đô la tình theo yên sẽ nhỏ hơn 1.000, hoặc của đồng yên tính theo đô la sẽ lớn hơn 1/1.000. Tuy nhiên ở mức 500 yên đổi 1 USD, hàng hóa Nhật Bản sẽ đắt gấp đôi so với hàng hóa Mỹ trước đó, tức hàng hóa Mỹ chỉ đắt bằng một nửa hàng Nhật. Nhật Bản sẽ không còn khả năng bán với mức giá thấp hơn các nhà sản xuất Mỹ trên tất cả các mặt hàng nữa.
Vậy giá đồng yên tính theo đôla sẽ là bao nhiêu? Dù ở mức nào thì cũng cần đảm bảo rằng tất cả các nhà xuất khẩu nếu muốn thì họ có thể bán số đôla nhận được từ lô hàng xuất sang Mỹ cho các nhà nhập khẩu, những người sẽ dùng số tiền này để mua hàng hóa ở Mỹ. Nói một cách tương đối, ở bất kì mức giá nào thì cũng cần đảm bảo rằng giá trị xuất khẩu của Mỹ (tính bằng đô la) tương đương với giá trị nhập khẩu của Mỹ (cũng tính bằng đô la). Nói tương đối ở đây là bởi vì một bảng cân đối thanh toán chuẩn chỉnh sẽ phải tính đến các giao dịch vốn, quà tặng, v.v. Tuy nhiên những khoản mục này không làm thay đổi các nguyên lý cốt lõi.
Cần lưu ý rằng phân tích ở trên không nói gì về mức sống của người lao động Nhật Bản hay người lao động Mỹ. Những khía cạnh này không liên quan. Nếu người lao động Nhật Bản có mức sống thấp hơn người Mỹ, đó là vì, tính trung bình, người Nhật kém năng suất hơn so với người Mỹ xét trên các yến tố đào tạo mà người Nhật nhận được hay số vốn cũng như đất đai v.v. mà người Nhật có. Giả sử, tính trung bình, người lao động Mỹ có năng suất gấp 4 lần người lao động Nhật Bản, vậy thì sẽ rất lãng phí khi sử dụng người lao động Mỹ để sản xuất những hàng hóa không tận dụng được hết bốn thành năng suất của anh ta. Tốt hơn hết là để anh ta sản xuất những mặt hàng mà anh ta có năng suất cao hơn và trao đổi chúng lấy những mặt hàng anh ta kém năng suất hơn. Thuế quan không hỗ trợ người lao động Nhật Bản nâng cao mức sống của mình hay bảo vệ người lao động Mỹ duy trì mức sống cao. Ngược lại, chúng hạ thấp mức sống của người Nhật và giữ mức sống của người Mỹ thấp hơn mức cao nhất có thể.
Giả sử chúng ta muốn tiến tới tự do thương mại, vậy bằng cách nào đây? Phương án mà chúng ta từng thử áp dụng đó là đàm phán song phương về cắt giảm thuế quan với các quốc gia khác. Điều này với tôi có vẻ là một tiến trình không đúng. Thứ nhất, chắc chắn tiến trình ấy sẽ rất chậm. Muốn đi nhanh thì đi một mình, mà muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau. Thứ hai, nó nuôi dưỡng quan điểm sai lầm về vấn đề cơ bản. Nó khiến nhiều người nghĩ rằng thuế quan giúp ích cho quốc gia áp đặt nó dù gây tổn hại tới các nước khác, như thể khi chúng ta hạ thuế quan chúng ta đã từ bỏ thứ gì đó tốt đẹp và sẽ nhận lại được điều tốt đẹp khi các quốc gia khác áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu. Thực chất tình huống hoàn toàn khác. Thuế quan của chúng ta làm tổn thương chính chúng ta cũng như các quốc gia khác. Chúng ta sẽ được lợi từ việc giảm thuế quan nước nhà ngay cả khi các nước khác không làm vậy.2 Tất nhiên chúng ta sẽ được lợi hơn nếu họ cũng giảm thuế quan nước họ song lợi ích mà chúng ta được hưởng không đòi hỏi họ phải giảm thuế quan của họ. Lợi ích riêng tâm đầu chứ không xung đột.
Tôi tin rằng chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi chúng ta tiến hành tự do thương mại đơn phương, như Anh đã làm trong thế kỷ XIX, khi nước này xóa bỏ đạo luật ngô. Giống như nước Anh đã từng, quyền lực kinh tế cũng như chính trị của chúng ta cũng sẽ tăng thêm rất nhiều. Chúng ta là một quốc gia hùng mạnh và bổn phận của chúng ta không phải là đòi hỏi lợi ích song phương từ Luxembourg trước khi chúng ta giảm mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Luxembourg, hay bất ngờ đẩy hàng nghìn người Trung Quốc tị nạn vào cảnh thất nghiệp bằng cách áp đặt hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may từ Hồng Kông. Chúng ta hãy sống với sứ mệnh của mình và trở thành quốc gia không nước nào sánh kịp.
Tôi đã nói về thuế quan theo một cách đơn giản dễ hiểu; tuy nhiên, như đã đề cập, hiện nay những rào cản phi thuế quan mới là những trở ngại nghiêm trọng hơn cả đối với thương mại. Chúng ta cần loại bỏ cả hai. Cần khẩn trương tiến hành một chương trình, dù cần thời gian, đó là đưa ra điều luật quy định rằng tất cả các hạn ngạch nhập khẩu hay các biện pháp hạn chế số lượng khác, dù do chúng ta áp đặt hay " tự nguyện" chấp nhận bởi các quốc gia khác, sẽ được nâng lên thêm 20% mỗi năm cho đến khi chúng lớn tới độ không còn ý nghĩa gì nữa và có thể được xóa bỏ, và rằng tất cả các mức thuế nhập khẩu sẽ được giảm 1/10 mức hiện tại hằng năm trong vòng 10 năm tới.
Không có mấy biện pháp chúng ta có thể thực hiện mà cho hiệu quả tốt hơn trong việc thúc đẩy sự nghiệp tự do trong cũng như ngoài nước. Thay vì trợ cấp cho các chính phủ nước ngoài dưới dạng cứu trợ kinh tế - và từ đó thúc đẩy chủ nghĩa xã hội - trong khi đồng thời đặt ra những rào cản đối với sản phẩm họ có thể sản xuất – dẫn đến cản trở tự do kinh doanh - chúng ta có thể giả định một lập trường nhất quán và có nguyên tắc. Chúng ta có thể tuyên bố với phần còn lại của thế giới rằng: Chúng tôi tin vào tự do và sẽ thực hành tự do. Không ai có thể buộc bạn phải tự do. Điều đó phụ thuộc vào bạn. Song chúng tôi có thể gửi đến bạn lời mời hợp tác toàn diện trên cơ sở bình đẳng giữa các bên. Thị trường của chúng tôi mở cửa chào đón bạn. Hãy bán ở đây những gì bạn có và muốn. Dùng tiền thu về để mua những gì bạn muốn. Theo cách này, hợp tác giữa các cá nhân có thể diễn ra tự do trên khắp thế giới.
(Xem tiếp Phần 7)
Chú thích:
(1) Cảnh báo ở đây chỉ nhằm mục đích khuyến cáo rằng đây chỉ là một điểm rất nhỏ phụ thuộc vào yếu tố không đổi trong ước tính giá cả thị trường tự do, đặc biệt là đối với vai trò tiền tệ của vàng.
(2) Có thể hình dung ra những trường hợp ngoại lệ cho những tuyên bố này, song theo như tôi được biết, cho đến nay chúng vẫn chỉ là mối quan tâm về lý thuyết và không có khả năng xảy ra trong thực tế.
Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962