Chủ nghĩa tư bản và tự do: Chính sách tài khoá (Phần 7)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: Chính sách tài khoá (Phần 7)

(Tiếp theo Phần 6

Chương V: Chính sách tài khoá

Kể từ khi triển khai chính sách kinh tế mới (the new deal), việc mở rộng hoạt động chính quyền ở cấp liên bang đã tìm được lời biện hộ chính yếu từ đòi hỏi chính quyền phải chi tiêu để xoá bỏ nạn thất nghiệp. Cách biện hộ này đã đi qua nhiều giai đoạn. Trước hết, chi tiêu chính quyền được coi như là nước mồi. Những khoản chi tiêu tạm thời của chính quyền là cần thiết để giúp nền kinh tế chạy đà, và chính quyền sau đó có thể rút lui.

Khi những khoản chi tiêu ban đầu thất bại trong việc xoá bỏ nạn thất nghiệp và tiếp theo đó là một giai đoạn thu hẹp quy mô kinh tế đáng kể vào những năm 1937 – 1938, học thuyết “đình đốn thường kỳ” (secular stagnation) được phát triển để biện minh cho việc duy trì mức chi tiêu cao trường kỳ của chính phủ. Nền kinh tế đã đến độ chín, học thuyết này lập luận như vậy. Những cơ hội để đầu tư đã được khai thác gần hết và không còn cơ hội lớn nào xuất hiện nữa. Mặc dù vậy các cá nhân vẫn muốn tiết kiệm. Do đó, rất cần chính phủ chi tiêu và duy trì mức thâm hụt liên tục. Chứng khoán/trái phiếu được phát hành để cung cấp cho các cá nhân công cụ để tích lũy tiết kiệm, trong khi giúp chính quyền chi tiêu để tạo ra việc làm. Quan điểm này đã hoàn toàn bị hạ bệ bởi phân tích lý thuyết và cả bởi cả kinh nghiệm thực tiễn, bao gồm cả sự xuất hiện của những lĩnh vực hoàn toàn mới cho đầu tư tư nhân, vốn dĩ chưa từng được những người theo chủ nghĩa đình đốn trường kỳ hình dung tới. Mặc dù vậy nó để lại những di chứng. Ý tưởng này có thể không được chấp thuận, nhưng các chương trình của chính quyền được triển khai dưới tên gọi của nó, chẳng hạn như một số chương trình được dự kiến để làm nước mồi, vẫn đang tồn tại cùng chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp tục làm cho các khoản chi tiêu của chính quyền ngày một tăng lên.  

Gần đây hơn, để biện hộ cho chi tiêu của chính quyền, người ta không còn nói đến mục đích làm nước mồi cũng như không còn bám víu vào bóng ma đình đốn thường kỳ mà nhấn mạnh đến bánh xe cân bằng (balance wheel). Khi chi tiêu tư nhân sụt giảm vì lý do nào đó, người ta thường nói rằng chi tiêu của chính quyền nên tăng lên để giữ cho tổng chi tiêu cân bằng; và ngược lại, khi chi tiêu tư nhân tăng, chi tiêu của chính quyền nên giảm xuống. Thật không may, bánh xe cân bằng lại không cân bằng. Mỗi lần suy thoái, dù rất nhỏ, lại làm rùng mình những nhà lập pháp nhạy cảm về mặt chính trị và những nhà hành pháp với nỗi sợ hãi thường trực về một cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933 nữa đang đến gần. Họ vội vã ban hành các chương trình chi tiêu liên bang không dạng này thì cũng dạng khác. Rất nhiều chương trình trong thực tế không phát huy hiệu lực cho đến khi cuộc suy thoái kết thúc. Do đó, chừng nào những chương trình như thế còn ảnh hưởng đến tổng chi tiêu, những thứ mà tôi còn có nhiều chuyện để nói ở trong các chương tiếp, thì chừng đó chúng còn làm cho giai đoạn mở rộng kế tiếp trở nên tồi tệ thêm thay vì hạn chế sự suy thoái. Sự sốt sắng trong việc phê chuẩn các chương trình chi tiêu không tương đồng chút nào với việc loại bỏ chúng khi cuộc suy thoái đã qua và giai đoạn mở rộng bắt đầu trở lại. Ngược lại, người ta lập luận rằng không nên “gây khó dễ” cho một giai đoạn mở rộng “lành mạnh” bằng việc cắt giảm các khoản chi tiêu của chính quyền. Tổn hại chính do học thuyết bánh xe cân bằng gây ra do đó không phải là nó đã thất bại trong việc bù đắp cho các giai đoạn suy thoái, dù quả thực nó đã thất bại, và cũng không phải là ở chỗ nó có xu hướng thiên vị lạm phát trong các chính sách của chính phủ, mà quả thực nó cũng gây ra nốt; mà đó là, nó liên tục mở rộng các hoạt động của chính phủ ở cấp liên bang và ngăn chặn việc giảm gánh nặng thuế liên bang.

Trong quan điểm nhấn mạnh việc sử dụng ngân sách liên bang như một bánh xe cân bằng, nghịch lý nằm ở chỗ cấu phần bất ổn nhất của thu nhập quốc gia thời kì hậu chiến chính là chi tiêu liên bang, và sự bất ổn không hề theo hướng bù trừ cho các hướng tăng giảm của các hợp phần chi tiêu khác. Thay vì là bánh xe cân bằng bù trừ cho các lực lượng gây ra các dao động, ngân sách liên bang bản thân nó không là gì khác chính là nguyên nhân chủ đạo tạo ra sự xáo trộn và bất ổn.  

Bởi chi tiêu của chính quyền liên bang hiện nay đã lớn tới mức trở thành một cấu phần của tổng thể nền kinh tế, chính quyền liên bang không thể chối bỏ việc nó tạo nên những hiệu ứng quan trọng lên nền kinh tế. Do đó, điều đầu tiên chính quyền cần làm là sửa chữa những hàng rào của chính nó, nghĩa là chấp nhận những quy trình giúp mang lại sự ổn định ở mức độ hợp lý đối với dòng chi tiêu của chính quyền. Nếu làm được điều này, chính quyền sẽ góp phần làm giảm đi những điều chỉnh buộc phải diễn ra với phần còn lại của nền kinh tế. Cho đến lúc làm được điều đó, thật nực cười khi các quan chức chính phủ lại dùng giọng lưỡi đe nẹt giống kiểu thầy cô giáo chấn chỉnh những học sinh ngỗ ngược phải về đúng khuôn phép. Dĩ nhiên, hành động như thế của họ chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Quẳng tiền qua cửa sổ rồi đổ lỗi cho người khác về sự bất cẩn của mình thì nào có phải là khuyết điểm của các quan chức chính phủ nắm giữ quyền sinh quyền sát.

Kể cả nếu ai đó chấp nhận quan điểm ngân sách liên bang nên và có thể được dùng như bánh xe cân bằng – một quan điểm mà tôi sẽ bàn thảo chi tiết hơn bên dưới – thì cũng không cần thiết phải sử dụng đến phía chi tiêu của ngân sách cho mục đích này. Phía thuế có chức năng tương đương. Thu nhập quốc dân giảm sẽ tự động làm giảm nguồn thu thuế của chính quyền liên bang với một tỷ lệ lớn hơn và do đó hướng ngân sách theo hướng thâm hụt, và điều ngược lại xảy ra trong giai đoạn nền kinh tế mở rộng. Nếu muốn làm mạnh hơn thì có thể giảm thuế trong giai đoạn suy thoái và tăng thuế trong giai đoạn mở rộng. Chắc chắn yếu tố chính trị cũng thuận lợi với việc duy trì tình trạng bất đối xứng ở đây, khiến cho giai đoạn suy giảm kinh tế, xét trên khía cạnh chính trị, lại dễ chịu hơn giai đoạn phục hồi.

Nếu như học thuyết bánh xe cân bằng lại được áp dụng trong thực tế cho phía chi tiêu, thì có thể đó là bởi vì sự tồn tại của các lực lượng khác đã làm chi tiêu của chính quyền tăng thêm; cụ thể là, đông đảo giới trí thức tin rằng chính quyền nên đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề kinh tế và đời tư; đồng nghĩa với việc triết lý của nhà nước phúc lợi chiến thắng và ngự trị. Triết lý này được coi như một đồng minh hữu ích của học thuyết bánh xe cân bằng; nó cho phép can thiệp của chính quyền được tiến hành với một tốc độ nhanh hơn nhiều lần mức có thể.

Vậy nếu như học thuyết bánh xe cân bằng được áp dụng về phía thuế thay vì về phía chi tiêu thì điều khác biệt gì sẽ xảy ra. Giả sử rằng việc cắt giảm thuế đều được thực hiện tại mỗi giai đoạn suy thoái và giả sử rằng việc tăng thuế, vốn dĩ không được ủng hộ rộng rãi trên phương diện chính trị, diễn ra trong các giai đoạn mở rộng tiếp sau đó, dẫn đến việc các chương trình chi tiêu mới được đề xuất của chính quyền sẽ gặp phải sự chống đối, còn các chương trình hiện có thì bị cắt giảm. Thì chúng ta có lẽ giờ đây đang ở vị thế có chi tiêu liên bang tốt hơn nhiều, không phải bởi thu nhập quốc gia trở nên lớn hơn mà bởi vì những ảnh hưởng trì trệ của thuế khóa được triệt giảm.

Tôi phải bổ sung ngay là giấc mơ này không nhằm để cổ vũ cho học thuyết bánh xe cân bằng. Trong thực tiễn, kể cả khi những hiệu ứng đi theo đúng định hướng dự kiến của học thuyết bánh xe cân bằng, thì chúng cũng sẽ bị trì hoãn về mặt thời gian và bị hạn chế tầm ảnh hưởng. Để chúng trở thành một lực lượng bù trừ hiệu quả đối với các lực lượng khác gây ra các dao động chu kỳ, chúng ta phải có khả năng dự báo những dao động từ trước đó rất lâu. Trong chính sách tài khoá cũng như chính sách tiền tệ, khi gạt những lý do chính trị sang một bên, chúng ta đơn giản là không đủ hiểu biết để có thể điều chỉnh thuế khóa hoặc chi tiêu theo ý muốn giống như là một cơ chế bình ổn nhanh nhạy. Khi cố gắng làm việc này chúng ta chỉ khiến cho vấn đề tồi tệ hơn mà thôi. Chúng ta khiến vấn đề trở nên tồi tệ không phải bởi vì chúng ta ngang ngạnh cố chấp – điều này giải quyết rất đơn giản bằng cách làm ngược lại điều có vẻ như đáng làm đầu tiên. Chúng ta làm cho vấn đề tồi tệ hơn là bởi vì chúng ta đưa thêm xáo trộn, mà đa phần là ngẫu nhiên, vào những sự xáo trộn đã có khác. Đây là điều thực ra chúng ta đã làm trong quá khứ, dĩ nhiên bên cạnh những lỗi lầm khủng khiếp mà chúng ta khăng khăng không chịu sửa chữa. Điều tôi đã viết đâu đó về chính sách tiền tệ cũng đúng cho chính sách tài khoá: “Cái chúng ta cần không phải là một tay lái tiền tệ điêu luyện cho cỗ xe kinh tế liên tục bẻ tay lái theo những khúc cua đột ngột trên đường, mà là một phương tiện nào đó đóng vai trò như một vật đối trọng nhằm giữ cho vị hành khách tiền tệ ngồi ở ghế sau chống lại được những cú chao đảo đột ngột và cung cấp cho bánh lái một bộ nhận biết tín hiệu về những mối nguy hiểm có thể khiến cỗ xe trật đường.”1

Với chính sách tài khoá, bản sao tương tự  như quy tắc tiền tệ sẽ là: (i) lập kế hoạch các chương trình chi tiêu hoàn toàn theo những thứ cộng động muốn làm thông qua chính quyền thay vì tự mình làm, và hoàn toàn không có gì liên quan đến những vấn đề về giữ ổn định kinh tế từ năm này tới năm khác; (ii) lập kế hoạch các khoản thuế để tạo nguồn thu đủ để chi trả cho những khoản chi tiêu đã lên kế hoạch tính trung bình cho năm này rồi năm tới, một lần nữa hoàn toàn không liên quan đến sự thay đổi hàng năm để bảo bảo ổn định kinh tế; và (iii) tránh những thay đổi thất thường trong cả hoạt động chi tiêu của chính quyền lẫn các hoạt động thu thuế. Chắc chắn rằng, một số thay đổi là không thể tránh khỏi. Một sự thay đổi đột ngột trong bối cảnh quốc tế có thể đòi hỏi phải tăng mạnh chi tiêu quân sự hoặc dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu. Những sự thay đổi này đóng vai trò mang tính bước ngoặt cho những điều chỉnh đột ngột trong chi tiêu liên bang giai đoạn hậu chiến. Nhưng điều này không có nghĩa chúng là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi. 

Trước khi khép lại chủ đề chính sách tài khoá, tôi muốn thảo luận về quan điểm, mà giờ đây đã phổ biến rộng rãi, đó là: cần tăng chi tiêu của chính quyền tương ứng theo mức thu thuế trong giai đoạn mở rộng và giảm chi tiêu trong giai đoạn thu hẹp. Quan điểm này - hạt nhân của niềm tin cho rằng chính sách tài khoá có thể sử dụng như một bánh xe cân bằng - hiện nay đều được giới doanh nhân, các nhà kinh tế chuyên nghiệp và những người dân bình thường coi là đương nhiên. Quan điểm này không thể chứng minh là đúng đơn thuần bằng cách suy luận logic, và cũng chưa từng có bằng chứng thực nghiệm được ghi nhận nào, và trên thực tế là nó không nhất quán với những bằng chứng thực nghiệm mà tôi biết. 

Niềm tin này có nguồn gốc từ một phân tích kinh tế thô sơ của trường phái Keynesian. Giả sử chi tiêu chính phủ tăng thêm 100 USD và thuế không đổi. Do đó, theo phân tích đơn giản này, ở lượt thứ nhất, những người được nhận thêm 100 USD bổ sung đó sẽ có thêm từng ấy thu nhập. Họ sẽ tiết kiệm một phần trong số đó, cứ cho là một phần ba, và chi tiêu hai phần ba còn lại, Nhưng điều này có nghĩa là ở lượt thứ hai, ai đó sẽ nhận thêm được 66 USD, tức 2/3 thu nhập của người thứ nhất. Người thứ hai này đến lượt mình sẽ lại tiết kiệm một phần và chi tiêu một phần và mọi việc cứ lặp lại theo một chuỗi vô tận. Ở mỗi lượt một phần ba được tiết kiệm còn hai phần ba được chi tiêu, do đó 100USD chi tiêu thêm của chính phủ cuối cùng sẽ, theo phân tích này, tạo ra thêm 300USD cho thu nhập. Đây là một phân tích hệ số nhân trường phái Keynesian giản đơn với hệ số nhân bằng ba. Dĩ nhiên, nếu đây chỉ là một lần bơm tiền, hiệu ứng của nó sẽ biến mất, sau bước tăng đầu tiên trong thu nhập sẽ là 100USD là những bước nhảy giảm dần đều về mức thu nhập trước đó. Nhưng nếu chi tiêu chính phủ vẫn duy trì mức tăng thêm 100 USD so với mức bình thường trên một đơn vị thời gian, chẳng hạn 100 USD một năm, thì, dựa trên phân tích này, thu nhập sẽ được duy trì ở mức cao hơn so với mức bình thường 300 USD một năm.

Phân tích giản đơn này có vẻ như cực kỳ hấp dẫn. Nhưng sự hấp dẫn này là ngụy tạo; nó xuất hiện từ việc phớt lờ những hiệu ứng liên quan khác từ sự thay đổi trong chi tiêu chính phủ. Khi những hiệu ứng này được xem xét, kết quả cuối cùng mơ hồ hơn nhiều: có thể là hoàn toàn không có sự thay đổi gì cả trong thu nhập trong trường hợp chi tiêu tư nhân giảm đi 100 USD để cho chi tiêu chính phủ tăng lên ở mức tương ứng. Và kể cả nếu như thu nhập bằng tiền tăng lên, giá cả có thể cũng tăng, do đó thu nhập thực sẽ tăng ít hoặc hoàn toàn không tăng. Chúng ta hãy cùng khảo sát một số trường hợp đếm cua trong lỗ có thể xảy ra.

Đầu tiên, người ta không nói gì trong mô hình tính toán giản đơn về việc chính phủ đã chi 100USD cho cái gì. Giả sử, ví dụ, chính phủ chi tiêu cho thứ gì đó mà các cá nhân lẽ ra phải tự mua cho bản thân mình. Giả sử người dân dùng 100 USD để trả cho công viên như là khoán phí thăm quan nhằm giữ cho công viên sạch đẹp. Giả sử chính phủ giờ đây chi trả những chi phí này và cho phép người dân vào công viên “miễn phí”. Những người vào công viên vẫn nhận được mức thu nhập tương tự, nhưng những người dân lẽ ra phải trả phí nay được hưởng 100 USD. Chi tiêu của của chính phủ, kể cả trong giai đoạn đầu tiên, không làm tăng thêm 100 USD cho thu nhập của bất cứ ai. Điều chính phủ làm là để cho một số người có 100 USD khả dụng cho những mục đích khác thay vì là vào công viên, và với tiền giả định rằng những mục đích đó người dân không coi trọng bằng việc vào công viên. Có thể kỳ vọng rằng những người này sẽ chi tiêu cho hàng hoá tiêu dùng từ tổng thu nhập ít hơn trước đó, bởi vì họ đã nhận được dịch vụ công viên miễn phí. Nhưng ít hơn bao nhiêu thì không dễ gì nói được. Kể cả khi chúng ta chấp nhận, như trong phân tích giản đơn, rằng người dân tiết kiệm một phần ba thu nhập tăng thêm, thì không có nghĩa rằng là khi người dân có một món hàng tiêu dùng “miễn phí”, hai phần ba của số tiền tăng thêm sẽ được dùng cho các hàng hoá tiêu dùng khác. Dĩ nhiên, tồn tại một khả năng cực đoan đó là họ sẽ tiếp tục mua những giỏ hàng hoá tiêu dùng hệt như trước và đưa 100 USD không phải chi tiêu kia vào khoản mục tiết kiệm. Trong trường hợp này thậm chí trong mô hình phân tích trường phái Keynesian giản đơn, hiệu ứng của chi tiêu chính phủ hoàn toàn bị triệt tiêu: chi tiêu chính phủ tăng thêm 100 USD, chi tiêu tư nhân giảm bớt 100 USD. Hoặc, lấy một ví dụ khác, 100 USD có thể được dùng để xây một con đường mà một doanh nghiệp tư nhân lẽ ra đã phải xây hoặc vì sự hiện diện của con đường giúp cho công ty không cần thiết phải tiêu tốn cho sửa chữa xe tải. Công ty khi đó sẽ dư ra một khoản ngân quỹ, nhưng điều này tiền giả định rằng công ty sẽ không chi tiêu tất cả khoản ngân quỹ dư ra này cho những khoản mục đầu tư kém hấp dẫn. Trong những trường hợp như thế, chi tiêu của chính phủ chỉ đơn thuần làm chi tiêu tư nhân chệch đi theo hướng khác và chỉ còn phần dư ròng của chi tiêu chính phủ mới khởi tạo quá trình hệ số nhân. Từ quan điểm này thì biện pháp để đảm bảo không có sự chệch hướng nào là chính phủ dùng tiền để chi tiêu cho những thứ hoàn toàn vô dụng – quả là nghịch lý – đây là lập luận khiếm khuyết về mặt trí khi nó là cơ sở cho khuyến nghị tạo ra công ăn việc làm bằng cách đào đất lên rồi lại lấp xuống. Nhưng chắc chắn bản thân lập luận này đã cho thấy có cái gì đó sai sai trong mô hình phân tích.     

Thứ hai, người ta không nói gì trong mô hình giản đơn về việc chính phủ lấy ở đâu ra 100 USD để chi tiêu. Theo phân tích giản đơn này, kết quả là như nhau bất kể chính phủ in thêm tiền hay vay mượn tiền từ công chúng. Nhưng chắc chắn mỗi phương án sẽ tạo nên sự khác biệt. Để tách bạch chính sách tài khoá và tiền tệ, chúng ta hãy giả sử chính phủ vay 100 USD sao cho lượng tiền lưu thông là không đổi so với khi không có sự chi tiêu của chính phủ. Đây là giả định đích thực bởi vì lượng tiền lưu thông có thể tăng lên mà không cần phải có thêm chi tiêu của chính phủ; nếu muốn điều này xảy ra, thì đơn giản chỉ cần in thêm tiền và dùng tiền ấy mua lượng trái phiếu chính phủ chưa đáo hạn. Nhưng bây giờ chúng ta cần đặt câu hỏi tác động của việc vay mượn là gì. Để phân tích vấn đề này, chúng ta giả sử ảnh hưởng chệch hướng không xảy ra, cho nên trong ví dụ đầu tiên không có hiện tượng khu vực tư nhân giảm bớt chi tiêu 100 USD. Chú ý rằng khoản vay của chính phủ không làm thay đổi khối lượng tiền lưu thông nằm trong tay tư nhân. Chính phủ chìa tay phải vay 100 USD từ một số cá nhân và dùng tay trái đưa tiền cho một số cá nhân khác thuộc diện nhận chi tiêu của chính phủ. Tiền được những người khác nhau nắm giữ nhưng tổng lượng tiền được nắm giữ là không đổi.  

Mô hình phân tích trường phái Keynesian giản đơn ngầm giả định rằng việc vay tiền không có tác động gì đến việc chi tiêu.  Có hai bối cảnh cực đoan khiến điều này có thể xảy ra. Thứ nhất, giả sử người dân cực kỳ thờ ơ với việc họ giữ trái phiếu hay tiền, vậy nên lượng trái phiếu có mệnh giá 100 USD có thể được bán mà không cần chào mức lợi suất cao hơn cho người mua so với mức lợi suất mà loại trái phiếu này nhận được trước đó. (Chắc chắn 100 USD là một khoản tiền quá nhỏ, trên thực tế có thể bỏ qua tác động chênh lệch lợi suất của nó, nhưng đây là câu chuyện mang tính nguyên tắc, mà ảnh hưởng thực tế của nó cần phải hình dung khi thay thế 100 USD bằng những khoản tiền trị giá 100 triệu USD hoặc 1 tỷ USD). Theo tiếng lóng của trường phái Keynesian, đây là một “cái bẫy thanh khoản”, vậy nên người dân mua trái phiếu bằng “tiền nhàn rỗi” (idle money). Nhưng nếu giả sử này không đúng, và chắc chắn sự thờ ơ này không thể là vô hạn, thì chính phủ chỉ có thể bán được trái phiếu bằng cách chào một mức lợi suất cao hơn. Mức lợi suất cao hơn này rồi sau đó cũng sẽ áp dụng đối với những người đi vay khác. Mức lợi suất này nhìn chung sẽ làm giảm động lực chi tiêu đối với nhóm những người lẽ ra có thể vay được tiền nếu lợi suất được duy trì ở mức cũ. Đến lúc này thì bối cảnh cực đoan thứ hai trong mô hình phân tích giản đơn của trường phái Keynesian sẽ bám víu vào: nếu những người đi vay tiềm năng thuộc loại bảo thủ chi tiêu đến mức dù tăng lợi suất đến mức nào vẫn không khiến họ cắt giảm chi tiêu, hoặc theo tiếng lóng của trường phái Keynesian, nếu như biểu hiệu suất cận biên của các khoản đầu tư hoàn toàn không co giãn với mức lãi suất.

Tôi biết không có nhà kinh tế học có danh tiếng nào, bất kể anh ta bị ảnh hưởng bao nhiêu phần bởi trường phái Keynesian, lại coi những giả định cực đoan kia hoặc (i) có cơ sở ở thời điểm hiện nay, hoặc (ii) có khả năng đúng, bất kể quy mô vay mượn như thế nào hoặc tăng lợi suất lên bất kỳ mức nào, hoặc (iii) đã từng xảy ra, ngoại trừ những hoàn cảnh rất đặc biệt, trong quá khứ. Bất chấp rất nhiều các nhà kinh tế học có nhận thức như thế, nhưng nếu một nhà kinh tế học, mà đứng riêng ra thì đâu có phải là nhà kinh tế học, bất kể có coi bản thân mình là một người theo trường phái Keynesian hay không, mang niềm tin rằng chi tiêu chính phủ cần tăng tương ứng theo nguồn thuế nhận được, thậm chí là phải đi vay, thì nhất định anh ta là một người theo trường phái mở rộng chi tiêu, dù như chúng ta thấy, niềm tin này ngầm đòi hỏi những điều kiện cực đoan như trên để trở nên hợp lệ.    

Nếu những giả định kia không được duy trì, việc chính phủ tăng chi tiêu sẽ bị bù trừ bởi việc khu vực tư nhân giảm chi tiêu, một phần từ phía những người đã cho chính phủ vay tiền, một phần từ những người lẽ ra sẽ vay tiền. Vậy bao nhiêu phần của phần tăng lên trong chi tiêu chính phủ sẽ bị bù trừ? Điều này phụ thuộc vào những người giữ tiền. Giả định cực đoan, ngầm định trong lý thuyết số lượng cứng tiền tệ (the rigid quantity theory of money), được phát biểu như sau: khối lượng tiền người dân muốn nắm giữ, tính trung bình, phụ thuộc chỉ vào mỗi thu nhập của họ chứ không phụ thuộc vào lợi suất họ có thể có từ trái phiếu hay các chứng khoán tương tự. Trong trường hợp này, do tổng khối lượng tiền trước và sau khi chính phủ tăng chi tiêu là tương đương, tổng thu nhập danh nghĩa cũng cần phải không đổi để sao cho người dân vừa đủ hài lòng để giữ khối lượng tiền này. Điều này nghĩa là các mức lãi suất sẽ phải tăng lên tới mức đủ để kìm giữ tiêu dùng tư nhân sao cho bị cắt giảm đi một lượng chính xác bằng khoản chi tiêu chính phủ đã tăng lên. Trong trường hợp cực đoan này, việc giữ cho chi tiêu chính phủ mở rộng là hoàn toàn vô nghĩa. Không những thu nhập danh nghĩa không tăng lên, mà ngay cả thu nhập thực tế cũng vậy. Tất cả những gì xảy ra là chi tiêu chính phủ tăng lên và chi tiêu tư nhân giảm đi.  

Các độc giả lưu ý, các phân tích ở đây đã được lược giản tối đa. Phải cần một cuốn sách giáo khoa dài nếu muốn có phân tích đầy đủ. Nhưng kể cả phân tích giản lược này cũng đủ để chứng minh rằng mức thu nhập tăng thêm sẽ là bất kỳ con số nào giữa 0 và 300 USD. Người tiêu dùng càng cứng nhắc về tỷ lệ tiêu dùng trên một khoản thu nhập cho trước, và người mua hàng hoá sản xuất càng cứng nhắc về tỷ lệ tiêu dùng cho loại hàng này bất chấp giá cả, thì kết quả sẽ càng gần với mức tăng thêm 300 USD trong thu nhập – thái cực Keynesian. Nhưng nếu người giữ tiền càng cứng nhắc về tỷ lệ tiền mặt nắm giữ trên thu nhập, kết quả sẽ lại càng gần với lý thuyết số lượng cứng tiền tệ, tức sẽ không có sự thay đổi trong thu nhập. Việc công chúng bảo thủ theo hướng nào là một câu hỏi thực tiễn, cần được xét đoán dựa trên bằng chứng thực tiễn chứ không phải là cái gì đó có thể quyết định thuần tuý bằng lập luận.  

Trước cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930, phần lớn các nhà kinh tế sẽ không mấy lăn tăn khi đi đến kết luận rằng kết quả sẽ gần với thái cực không tăng trong thu nhập hơn là thái cực tăng thêm 300 USD.  Nhưng kể từ sau giai đoạn đó, đa phần các nhà kinh tế lại không mấy nghi ngại khi kết luận theo hướng ngược lại. Gần đây hơn, một trào lưu ngược quay trở về kết luận ban đầu xuất hiện. Đáng buồn là chẳng có dịch chuyển nào dựa trên bằng chứng thoả đáng. Chúng dựa trên những phán xét trực giác từ những kinh nghiệm thô mộc.

Tôi đã hợp tác với một số sinh viên của mình tiến hành một vài công trình thực nghiệm tương đối quy mô, cho cả nước Mỹ và các nước khác, để thu thập thêm nhiều bằng chứng thực nghiệm thoả đáng hơn.2 Kết quả thật bất ngờ. Chúng cung cấp bằng chứng mạnh rằng kết quả thực tế sẽ gần thái cực của lý thuyết số lượng cứng tiền tệ hơn là lý thuyết Keynesian. Phán đoán có vẻ khả dĩ dựa trên bằng chứng này là việc chính phủ tăng chi tiêu thêm 100 USD, tính trung bình, có thể kỳ vọng làm tăng thêm khoảng 100USD cho thu nhập, có thể ít hơn hoặc nhiều hơn chút ít. Điều này có nghĩa là, khi so sánh với thu nhập, sự tăng lên của chi tiêu chính phủ không hề có tính mở rộng theo bất kỳ nghĩa nào. Nó có thể làm gia tăng thu nhập, nhưng tất cả sự gia tăng này sẽ bị chi tiêu chính phủ hấp thu trở lại. Chi tiêu tư nhân không đổi. Do giá cả gần như chắc chắn tăng lên trong quá trình, hoặc giảm ít hơn so với mức lẽ ra nó phải giảm, hệ quả sẽ là chi tiêu tư nhân sẽ bị thu hẹp hơn nếu tính theo giá trị thực. Mệnh đề nghịch đảo cũng đúng trong trường hợp có sự cắt giảm trong chi tiêu của chính phủ.

Những kết luận này dĩ nhiên không thể coi như là kết luận cuối cùng. Chúng dựa trên tập hợp những bằng chứng thực nghiệm quy mô và hoàn chỉnh nhất mà tôi biết. Nhưng vẫn còn cần thêm nhiều bằng chứng hơn nữa.

Tuy nhiên có điều này là rõ ràng. Bất kể những quan điểm được chấp nhận rộng rãi về hiệu ứng của chính sách tài khoá là đúng hay sai, chúng đều mâu thuẫn chí ít với một tập hợp bằng chứng quy mô. Tôi không biết liệu có bất cứ hệ thống bằng chứng mạch lạc hoặc chỉn chu nào có thể biện hộ cho chúng. Chúng thuộc về phần huyền thoại kinh tế, không phải là những kết luận được chứng minh từ các phân tích kinh tế hay các nghiên cứu định lượng. Tuy vậy, chúng đã gây ảnh hưởng sâu rộng, lại là chỗ dựa vững chắc cho việc can thiệp ngày càng vươn xa của chính phủ vào đời sống kinh tế. 

(Xem tiếp Phần 8)

Chú thích: 

(1) A Program for Monetary Stability (New York: Fordham University Press, 1959), p. 23.

(2) Some of the results are contained in Milton Friedman and David Meiselman, The Relative Stability of the Investment Multiplier and Monetary Velocity in the United States, 1896-1958 (forthcoming publication of Commission on Money and Credit).

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962