Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 3)

Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 3)

Chủ nghĩa gia trưởng hành vi tại Singapore

Chính quyền Singapore từ lâu đã thể hiện rõ xu hướng gia trưởng, một đặc điểm có lẽ đã tồn tại trước khi kinh tế học hành vi xuất hiện, nhưng hiện nay đang được thúc đẩy một cách tinh vi bởi chính lý thuyết kinh tế này. Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị tại Singapore không chỉ thể hiện qua các chính sách được ban hành mà còn qua lý do đằng sau những chính sách đó và cấu trúc của hệ thống dịch vụ công.

Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị ở Singapore có nguồn gốc từ chính bản sắc và tính hợp pháp của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) trong việc điều hành đất nước. Một trong những yếu tố nền tảng của hệ tư tưởng của PAP là chủ nghĩa tinh hoa. Theo các học giả Singapore, Diane Mauzy và R.S. Milne, chủ nghĩa tinh hoa “mang niềm tin rằng luôn tồn tại một nhóm nhỏ những người đứng đầu đưa ra các quyết định quan trọng, có ảnh hưởng đối với xã hội, dù ở bất kể hệ thống chính trị nào” (Mauzy & Milne, 2002, trang 53). Sự cai trị của tầng lớp tinh hoa luôn luôn tồn tại trong lịch sử. Thomas Jefferson, cha đẻ của nền dân chủ Mỹ, từng thừa nhận rằng “giữa con người luôn tồn tại một tầng lớp quý tộc tự nhiên”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc thù của Singapore, tính hợp pháp của tầng lớp tinh hoa này không dựa trên địa vị kinh tế - xã hội hay phẩm chất đạo đức vượt trội, mà dựa vào trí tuệ vượt bậc. Các thành viên chủ chốt của PAP tin rằng trong xã hội tồn tại một tầng lớp quý tộc tự nhiên gồm những cá nhân có kiến thức vượt trội hơn trong xã hội, phù hợp hơn để quản trị, và rằng chính họ chính là đại diện của tầng lớp này. Quản trị tại Singapore dựa trên nền tảng tinh hoa, được định nghĩa bởi tri thức vượt trội của các lãnh đạo chính trị. Do đó, chủ nghĩa gia trưởng nhà nước (state paternalism) tại Singapore là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa tinh hoa kỹ trị.

Điều này, trước tiên, được thể hiện qua các tuyên bố của giới tinh hoa PAP trong nhiều năm qua. Hầu hết người dân Singapore đều biết đến câu nói nổi tiếng (tai tiếng) của Lý Quang Diệu rằng: trong mỗi xã hội, có khoảng năm phần trăm "những người  được trời phú cả về thể chất lẫn trí tuệ, vì vậy chúng ta phải dồn những nguồn lực hạn chế của mình để giúp họ tạo ra chất men, chất xúc  tác xây dựng và định hình xã hội…"1 Niềm tin vào sự cần thiết của giới tinh hoa trong việc lãnh đạo xã hội phần nào phản ánh sự nghi ngờ của Lý Quang Diệu đối với trí tuệ tập thể của đại chúng trong các thiết chế dân chủ. Ông từng nói: “Khi mọi người bảo, ‘Hãy hỏi ý kiến người dân!’ thì đó là một gợi ý ngây ngô, vô tích sự. Chúng tôi là các nhà lãnh đạo và chúng tôi hiểu rõ các hậu quả. Bạn nghĩ rằng một người bán nước biết rõ hậu quả của lá phiếu của mình? Đừng nói như vậy với tôi.” (Lee & Han, 2011, trang 135).

Cấu trúc của bộ máy hành chính công tại Singapore cũng thể hiện rõ nét tinh thần gia trưởng kỹ trị. Mặc dù quá trình tuyển dụng vào các vị trí chính trị và công vụ dựa trên nguyên tắc trọng dụng nhân tài (meritocracy)nhưng trên thực tế, điều này lại dựa trên hệ tư tưởng chủ nghĩa tinh hoa. Chính phủ Singapore thường cấp học bổng hào phóng cho những người ưu tú nhất trong xã hội với niềm tin rằng họ sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo, chèo lái con thuyền quốc gia.  Các học giả và nhà bình luận trước đây đã chỉ ra rằng các học sinh từ những trường danh tiếng có xu hướng được lựa chọn nhiều nhất trong các chương trình này, sau đó được gửi đi học tại những trường đại học hàng đầu và nhanh chóng thăng tiến trong hệ thống chính quyền. Sự hiện diện của tầng lớp tinh hoa được đào tạo bài bản trong các công việc chính phủ đã hình thành nên não trạng “chính phủ biết rõ nhất” (government-knows-best), vốn ăn sâu bén rễ vào xã hội Singapore.

Giới tinh hoa kỹ trị ở Singapore đã ban hành nhiều chính sách mang tính gia trưởng, biến quốc gia này thành một "nhà nước bảo mẫu," nơi mà các lựa chọn cá nhân về tiêu dùng, lối sống, và hành vi công cộng đều bị điều chỉnh bởi các biện pháp kỹ trị xã hội, cấm đoán và quy định. Ngoài ví dụ phổ biến mà người nước ngoài hay nhắc đến là việc cấm nhai kẹo cao su, tất cả những gì người dân Singapore tiêu thụ cũng được giám sát chặt chẽ qua các chiến dịch y tế công cộng2. Chính phủ sử dụng sự khuyến dụ đạo đức (moral suasion) để định hình lối sống của người dân thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau: truyền hình, radio, các trạm giao thông công cộng, và các ấn phẩm in ấn. Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF) của Singapore – một cấu trúc thiết kế tinh tế của hệ thống an sinh xã hội - cũng dựa trên quan điểm gia trưởng rằng một số người dân có thể không đủ trách nhiệm với sức khỏe, hưu trí, và lối sống của mình, khiến họ có nguy cơ trở thành gánh nặng cho xã hội. Điều này dẫn đến sự cần thiết phải thực hiện tiết kiệm bắt buộc vì lợi ích của chính người Singapore.

Deirdre McCloskey, một nhà sử học kinh tế, đã gọi kinh tế học hành vi là "lý thuyết ứng dụng để quản lý người khác"3, bởi nó cung cấp một cơ sở lý thuyết giúp các nhà lãnh đạo xã hội điều chỉnh những lựa chọn được cho là thiếu lý trí của công chúng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chính phủ lãnh đạo bởi PAP, vốn mang tính kỹ trị và tinh hoa, đã áp dụng kinh tế học hành vi như một công cụ phân tích diễn giải lẫn công cụ chính sách để điều chỉnh hành vi xã hội.

Kinh tế học hành vi được áp dụng ở nhiều cấp độ trong việc hoạch định chính sách tại Singapore, với phạm vi ứng dụng rộng lớn và ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân. Các báo cáo đã mô tả cách thức thùng rác được đặt một cách chiến lược để tách biệt người hút thuốc với những hành khách khác tại trạm xe buýt, phòng tập thể dục được bố trí tại các khu dân cư nhằm nhắc nhở mọi người về sự cần thiết của việc tập luyện, và biển báo màu sắc được sử dụng tại nhà ga tàu điện để hướng dẫn và đẩy nhanh tốc độ di chuyển của hành khách4. Ở tầm vĩ mô, những hiểu biết hành vi còn được tận dụng để giải quyết những thách thức quốc gia như y tế, khan hiếm nước, và bảo vệ môi trường. Các biện pháp “hích hành vi” được sử dụng rộng rãi tại Singapore nhằm khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, qua đó giảm tỷ lệ mắc các bệnh như tiểu đường - một mối lo ngại lớn cho sức khỏe công cộng. Trong vấn đề tiêu thụ nước, các thông tin về lượng nước và mục đích sử dụng cụ thể được cung cấp theo thời gian thực để giảm mức tiêu thụ nước trong khi tắm5. Các biện pháp “cú hích thúc đẩy hành vi” cũng được áp dụng trong lĩnh vực môi trường, thông qua việc sử dụng nhãn năng lượng giúp khuyến khích người dân sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, cùng với các áp phích, chiến dịch và thông điệp nhằm giảm thiểu các hành vi huỷ hoại với môi trường (Boh, 2017, tr. 25).

Việc Singapore đề cao ứng dụng kinh tế học hành vi được thể hiện qua việc thành lập Trung tâm Kinh tế học Hành vi tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - trung tâm nghiên cứu đầu tiên tại Singapore chuyên về lĩnh vực này; Viện Khoa học Hành vi tại Đại học Quản lý Singapore (SMU); và việc tích hợp các hiểu biết hành vi vào công việc của Cục Dịch vụ công6. Trường Công vụ Singapore cũng đã cung cấp khóa học cho các cán bộ quan chức  cấp cao về việc áp dụng kinh tế học hành vi trong thiết kế chính sách, đồng thời tổ chức những sự kiện để thảo luận về tính hiệu quả của cách tiếp cận này7. Kinh tế học hành vi không chỉ là một xu hướng nhất thời, mà đang trở thành một phần cốt lõi  trong quá trình hoạch định chính sách tại Singapore (Low, 2012).

Chú thích:

(1) Lee, K. Y. (1967). Transcript of Speech by the Prime Minister Lee Kuan Yew on 19 June 1967. Trích từ: https://www.nas.gov.sg/archivesonline/data/pdfdoc/lky19670619.pdf.

(2) Singapore Infopedia. (2005). National healthy lifestyle program. Trích từ: https:// eresources.nlb.gov.sg

/infopedia/articles/SIP_339_2005-01-06.html.

(3) McCloskey, De. (2018, Febr). The applied theory of bossing people around. Trích từ: https://reason.com

/2018/02/11/the-applied-theory-of-bossing/.

(4) Keating, S. (2018, February 20). The nation that thrived by nudging its population. BBC. Trích từ: https://www.bbc.com/future/article/20180220-the-nation-that-thrivedby-nudging-its-population

(5) Public Utilities Board, Singapore. (n.d.). Smart Shower Programme. Trích từ: https://www.pub.gov.sg/savewater/athome/smartshowerprogramme.

(6) Chang, C., & Mohamed, J. (2018, November 22). How to make government more agile. GovInsider. Trích từ: https://govinsider.asia/innovation/how-to-make-governmentmore-agile/.

(7) Civil Service College. Introduction to Behavioral Insights. Trích từ: https://www. cscollege.gov.sg/programmes/pages/display%20programme.aspx?epid=a7jes1t1d7864 srt9pcnlj3nqe; Civil Service College. (2017, June 14). Behavioral Insights: Fact or Fad?. Trích từ: https://www.csc.gov.sg/articles/behavioural-insights-fact-or-fad.

Nguồn: Chương 4 tác phẩm Cheang B. Và Choy D. (2021). Liberalism unveiled : forging a new third way in Singapore. World Scientifc Publishing Co. Pte. Ltd.