[Nền dân trị Mỹ] - Chương V: Cần thiết phải nghiên cứu những gì đã xảy ra ở các bang riêng rẽ trước khi nói đến chính quyền liên bang (Phần 3)

[Nền dân trị Mỹ] - Chương V: Cần thiết phải nghiên cứu những gì đã xảy ra ở các bang riêng rẽ trước khi nói đến chính quyền liên bang (Phần 3)

VỀ TÁC DỤNG CHÍNH TRỊ CỦA VIỆC PHI TẬP TRUNG HOÁ HÀNH CHÍNH Ở HOA KÌ

Cần phân biệt giữa tập trung hoá chính quyền và tập trung hoá hành chính. − Ở Hoa Kì, không có tập trung hoá hành chính, nhưng rất tập trung hoá chính quyền. − Một vài tác động khó chịu của sự phi tập trung hoá hành chính triệt để ở Hoa Kì. Những lợi thế về hành chính của cách làm này. − Sức mạnh cai quản xã hội ít phép tắc hơn, kém sáng láng hơn, kém giỏi giang hơn, và to lớn hơn nhiều so với bên châu Âu. − Những lợi thế về chính trị của cách làm này. − Ở Hoa Kì, đâu đâu cũng cảm nhận được khái niệm Tổ quốc. − Những người bị cai trị ủng hộ chính phủ như thế nào. − Các thiết chế ở địa phương càng cần thiết hơn chừng nào trạng thái xã hội càng dân chủ hơn. − Tại sao.

Tập trung hoá là một từ ngày nay được mọi người nhắc đi nhắc lại không biết mỏi, mà nói chung chẳng ai tìm cách hiểu xem chính xác nghĩa của nó là gì.

Tuy nhiên vẫn có hai cách tập trung hoá rất khác nhau mà ta cần biết cho rõ.

Có những lợi ích chung cho tất cả các bộ phận của quốc gia, chẳng hạn như sự tạo lập các bộ luật chung và các mối quan hệ giữa dân tộc mình với nước ngoài.

Có những lợi ích khác mang tính chất riêng biệt cho những bộ phận của quốc gia, chẳng hạn như các công trình ở công xã.

Tập trung vào một nơi hoặc là tập trung cái quyền điều hành những lợi ích chung vào một tay, đó là xây dựng cái điều tôi sẽ đặt tên là tập trung hoá chính quyền.

Cũng theo cách đó tập trung quyền hành để điều hành những lợi ích riêng biệt, đó là xây dựng cái điều tôi sẽ đặt tên là tập trung hoá hành chính.

Có những điểm ở đó hai kiểu tập trung hoá này hoà lẫn với nhau. Nhưng bằng cách xem xét tổng quát những đối tượng thường đặc biệt rơi vào địa hạt từng loại lợi ích đó, ta dễ dàng phân biệt được chúng.

Ta biết rằng sự tập trung hoá chính quyền tạo ra một sức mạnh vô biên khi nó được gắn với tập trung hoá hành chính. Lối tập trung hoá đó làm cho con người quen đi với việc họ hoàn toàn và mãi mãi chẳng còn ý chí gì nữa. Nó làm cho con người có thói quen phục tùng, không phải một lần và ở một điểm, mà phục tùng trong mọi việc và ngày này qua ngày nọ. Khi đó nó không những chế ngự được con người bằng sức mạnh mà còn nắm được con người bằng thói quen của họ. Nó cô lập con người để rồi sau đó tóm lấy từng người một từ trong đám đông chung đụng kia.

Hai kiểu tập trung hoá đó hỗ trợ nhau, hấp dẫn nhau; song tôi không dám nghĩ là chúng gắn bó mãi mãi với nhau.

Dưới thời vua Louis XIV, ở Pháp đã từng có cuộc đại tập trung hoá chính quyền, vì chỉ một mình con người ấy làm ra các bộ luật cơ bản và có cái quyền diễn giải chúng, con người ấy là đại diện cho nước Pháp ở bên ngoài và hành động nhân danh nước Pháp. “Nhà nước là trẫm đây”, ông nói vậy; và ông nói có lí.

Thế nhưng dưới thời vua Louis XIV lại có rất ít tập trung hoá hành chính so với thời chúng ta đang sống đây.

Vào thời nay, chúng ta nhìn thấy một cường quốc là nước Anh ở bên đó công việc tập trung hoá chính quyền đã được đẩy lên mức cao nhất: Nhà nước dường như đang vận động trong công cuộc hành chính đó như thể chỉ là một con người. Nó tuỳ thích nhấc bổng lên những khối lượng mênh mông, nó tập hợp và vác đi bất kì đâu toàn bộ sức mạnh quyền lực của mình.

Nước Anh, nơi từng làm được vô vàn điều lớn lao trong năm chục năm qua, lại không có tập trung hoá hành chính.

Với tôi, tôi thấy mình không thể quan niệm nổi một quốc gia sao lại có thể sống và cũng chẳng thể nào sống sung túc nếu như không có sự tập trung hoá chính quyền mạnh mẽ.

Nhưng tôi nghĩ rằng sự tập trung hoá hành chính chỉ làm được mỗi một việc là làm cho người dân mất sinh khí một khi phải chui đầu vào đó, bởi vì một nền hành chính như thế bao giờ cũng chỉ tìm cách làm cho con người giảm bớt đi cái ý thức sống tự lập. Thực ra thì sự tập trung hoá hành chính vào một giai đoạn nhất định và ở một nơi chốn nhất định có sức tập hợp mọi sức mạnh có sẵn của quốc gia, thế nhưng nó lại làm tổn hại cho sự tái tạo sức mạnh. Nó làm cho quốc gia kia chiến thắng khi vào trận chiến nhưng dần dà lại làm giảm sức mạnh quốc gia đó. Nghĩa là nó có thể giúp một cách tuyệt vời vào việc tạo ra một sự vĩ đại thoáng qua của một con người, nhưng không tạo ra nổi sự phồn vinh của một dân tộc.

Xin hãy thận trọng, khi ta nói là một nhà nước không thể hoạt động vì không có sự tập trung hoá, thì đó luôn luôn vô tình nói đến sự tập trung hoá chính quyền. Xin nhắc lại, đế quốc Đức không bao giờ có thể huy động được toàn bộ sức mạnh nó có. Đúng thế. Nhưng vì sao? Vì sức mạnh quốc gia ở đó không bao giờ được tập trung hoá hết; vì nhà nước không khi nào buộc được mọi người tuân thủ các bộ luật cơ bản; vì các bộ phận bị tách lìa khỏi cơ thể lớn kia luôn luôn có quyền hoặc có khả năng từ chối góp phần kí thác vào quyền lực chung, vào cả những chuyện liên quan đến lợi ích của mọi công dân; nói cách khác, vì không có tập trung hoá chính quyền. Có thể nhận xét như vậy đối với thời Trung cổ: điều gây ra toàn bộ những sự khốn cùng trong xã hội phong kiến, đó là quyền lực không chỉ về hành chính mà về chính quyền đã bị xé lẻ cho hàng nghìn người nắm và bị phân liệt theo cả ngàn phương cách. Khi đó sự thiếu vắng tập trung hoá chính quyền đã ngăn cản các quốc gia châu Âu chẳng tiến bước với khí phách mạnh mẽ tới được một mục đích nào.

Chúng ta đã thấy là ở Hoa Kì không tồn tại sự tập trung hoá hành chính. Ở đó khó mà có thể thấy dấu vết thứ bậc cao thấp. Tôi nghĩ rằng, sự phi tập trung hoá ở đó đã được đẩy lên một mức độ mà chẳng một quốc gia châu Âu nào có thể chịu đựng mà lại cảm thấy vô cùng thoải mái cho được, điều mà ngay ở bên Mĩ nó cũng tạo ra những tác động làm con người không vừa lòng. Nhưng ở Hoa Kì việc tập trung hoá chính quyền diễn ra ở mức độ cao nhất. Thật dễ dàng chứng minh rằng sức mạnh quốc gia ở đó tập trung hơn nhiều so với bất kì nền quân chủ chuyên chế nào ở châu Âu. Không phải chỉ và ở mỗi bang chỉ duy nhất có một tổ chức làm ra các bộ luật; cũng không phải vì chỉ có một thế lực duy nhất đủ khả năng tạo ra đời sống chính trị bao quanh nó; mà nói chung người ta đã tránh tập hợp nhiều đại hội nghị khu vực (district − ND) hoặc quận (comté − ND), vì e rằng những đại hội nghị đó có thể tìm cách thoát khỏi các nhiệm vụ hành chính được chỉ định và cản đường chính quyền. Ở nước Mĩ, không có một quyền lực nào đủ sức ngăn cản việc lập pháp tại mỗi bang. Không gì có thể ngăn chặn nổi tiến trình lập pháp đó, không đặc quyền nào, không quyền bất khả xâm phạm nào ở địa phương, không ảnh hưởng cá nhân nào, không cả uy quyền của lí tính, [không có gì] đủ sức làm công việc đó, bởi vì tổ chức lập pháp là đại diện cho đa số công dân tự cho mình là cơ quan duy nhất của lí tính. Vậy là, trong khi hành động, công việc lập pháp không có giới hạn nào khác ngoài ý chí của chính nó. Bên cạnh đó, và ngay trong tay nó, có vai trò người đại diện của quyền hành pháp, người có trong tay sức mạnh vật chất để ép những kẻ bất thuận tình phải phục tùng.

Ta chỉ bắt gặp sự yếu kém trong vài chi tiết của chính quyền trong hành động của nó.

Các nước cộng hoà ở Mĩ không có lực lượng vũ trang thường trực để đè bẹp những người thiểu số, nhưng cho tới nay phe thiểu số cũng chẳng khi nào bị đẩy tới chỗ phải tiến hành chiến tranh, do vậy mà vẫn chưa cảm thấy có nhu cầu phải có quân đội. Nhà nước phần nhiều vẫn dùng các viên chức công xã hoặc quận để tác động đến các công dân. Thí dụ như, ở New England, người assessor của công xã làm công việc phân bổ mức thuế; người collector công xã đi thu thuế; người cashier công xã thu được bao nhiêu thì nộp vào ngân khố, và những khiếu nại thì được các toà án thường xử lí. Cách thu thuế như vậy tỏ ra chậm chạp và lúng túng, nó luôn luôn cản trở công việc chính quyền trước những nhu cầu tiền bạc lớn. Nói chung, người ta muốn rằng, với mọi công việc gì cần thiết cho chính quyền, thì chính phủ có các viên chức riêng do nó chọn ra, có thể bị nó thải hồi, hoạt động với những tiến trình khẩn trương; nhưng sẽ còn dễ dàng hơn đối với một quyền lực trung tâm khi có nhu cầu thì có những phương tiện hành động quyết liệt hơn nữa và hiệu nghiệm hơn nữa.

Đó không phải như người ta vẫn nói rằng tại vì ở Hoa Kì không có sự tập trung hoá, và các nước cộng hoà nơi Tân thế giới rồi sẽ bị tiêu vong. Còn xa mới có chuyện không tập trung hoá đầy đủ, ta có thể khẳng định rằng các chính phủ ở Mĩ đã quá tập trung hoá nữa. Dưới đây rồi tôi sẽ chứng minh điều này. Các hội nghị lập pháp từng ngày một đều nuốt chửng những mảnh vỡ của chính quyền, tìm cách gom tất cả những mảnh vỡ đó lại trong cơ quan lập pháp như cách làm của Hội nghị Quốc ước (Convention − ND) [thời Cách mạng 1789 xưa − ND]. Tập trung hoá như vậy, quyền lực xã hội chuyển giao không ngừng trong tay các thế lực, vì nô lệ thuộc vào sức mạnh của nhân dân. Đôi khi xảy ra chuyện nó thiếu khôn ngoan và kém nhìn xa trông rộng. Mối hiểm nguy nằm ở chỗ đó. Vậy là chính vì sức mạnh của nó chứ không phải vì sự yếu kém của nó mà nó bị đe doạ một ngày nào đó quyền lực xã hội sẽ bị tiêu vong.

Việc phi tập trung hoá hành chính tạo ra ở Hoa Kì nhiều tác động các kiểu.

Chúng ta biết rằng người Mĩ hầu như đã cách li hoàn toàn việc hành chính khỏi việc chính quyền. Tôi thấy trong chuyện này dường như họ đã vượt quá những giới hạn của cách suy lí lành mạnh. Vì ngay cả trong những chuyện thứ yếu, thì trật tự vẫn cứ là điều thuộc lợi ích quốc gia.

Do chỗ cấp bang không có viên chức hành chính riêng đặt cố định ở những điểm khác nhau trên lãnh thổ nhỏ đó của bang có thể tạo ra cái xung lực chung, nên hiếm khi bang tìm cách tạo ra những quy tắc chung về cảnh sát. Thế mà cuộc sống lại rất cần những quy tắc chung đó. Người châu Âu [đến Mĩ] thường thấy ngay sự thiếu vắng ấy. Cái bề ngoài vô trật tự ngự trị trên bề mặt khiến người châu Âu nghĩ ngay rằng xã hội nơi đây hoàn toàn vô chính phủ; nhưng khi đi sâu xem xét mọi chuyện thì mới vỡ lẽ là mình phải nghĩ lại cho đúng.

Có những công trình nhất định liên quan đến toàn bang song lại không thực thi nổi vì không có tổ chức hành chính cấp quốc gia chỉ đạo chúng. Bị bỏ rơi cho cấp công xã và cấp quận, bị giao phó cho những cán bộ dân cử có thời hạn ngắn, các công trình đó hoạt động không kết quả hoặc không tạo ra sản phẩm bền vững.

Những người theo trường phái tập trung hoá ở châu Âu chủ trì quan điểm là chính quyền [trung ương] cai quản tốt các địa phương hơn là khả năng các địa phương tự cai quản mình. Điều này có thể đúng khi chính quyền trung ương sáng suốt và các địa phương thì không sáng suốt, khi trung ương thì năng động và địa phương thì ù lì, khi trung ương có thói quen hành động và địa phương quen phục tùng. Ta hiểu thêm rằng, càng gia tăng sự tập trung hoá thì cái xu hướng kép đó càng gia tăng, và lộ thật rõ năng lực của một bên này và sự bất lực của bên kia.

Nhưng tôi lại không cho rằng tình hình cứ như thế một khi nhân dân có ý thức, nhân dân giác ngộ canh chừng lợi ích của mình và có thói quen suy nghĩ đến các lợi ích đó, như trường hợp người dân nước Mĩ.

Ngược lại, tôi hoàn toàn được thuyết phục rằng trong trường hợp này sức mạnh tập thể của các công dân bao giờ cũng mạnh hơn cái uy lực chính quyền để tạo ra được cái hạnh phúc xã hội.

Tôi thú nhận rằng thật khó mà chỉ ra được một cách làm nào chắc chắn để thức tỉnh một dân tộc đang ngủ gà gật đặng đem tới cho họ những đam mê và ánh sáng mà họ chẳng có. Thuyết phục được con người rằng họ phải chăm lo công việc của chính mình là một công trình gian nan, tôi biết rõ điều đó. Thường khi việc làm cho con người lưu tâm đến những chi tiết nghi thức một phiên toà có vẻ như đỡ khó chịu hơn là việc làm cho họ quan tâm sửa chữa ngôi nhà chung nơi công xã.

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng một khi chính quyền trung ương có ý định chính họ thay thế hoàn toàn sự tham gia tự do của những con người đầu tiên biết lo đến lợi ích, thì cái chính quyền đó bị nhầm hoặc là định làm cho người khác bị nhầm.

Một chính quyền trung ương dù sáng suốt đến đâu đi nữa, dù uyên bác đến đâu đi nữa, thì cũng không thể tự mình ôm đồm mọi chi tiết cuộc sống của một quốc gia to lớn. Nó không thể làm như vậy, bởi vì một việc làm như thế vượt quá khả năng sức lực con người. Khi chỉ bằng sức riêng mình mà lại định tạo ra và cho vận hành vô vàn yếu tố khác nhau, thì đó chỉ có thể dẫn đến một kết quả không trọn vẹn hoặc là bị kiệt lực trong những nỗ lực vô vọng.

Đúng là sự tập trung hoá dễ dẫn đến việc bó buộc những hành vi bề ngoài của con người phải mang một tính đồng loạt nào đó, mà cuối cùng con người cũng phải vì nó mà yêu nó, bất kể nó được vận dụng vào những điều gì, hệt như những người sùng đạo chỉ biết phụng thờ cái bức tượng mà quên hẳn tính thánh thiện được đại diện bằng bức tượng đó. Sự tập trung hoá dễ dàng ghi được dấu ấn đặc biệt lên những công việc bình thường hàng ngày; trong việc nó khôn khéo vạch ra những quy định chi tiết của riêng cảnh sát xã hội; trong việc nó đè bẹp những lộn xộn nhẹ và những tội phạm cỏn con; trong việc duy trì xã hội trong dạng status quo (nguyên trạng − ND) mà thực chất chẳng là suy thoái cũng chẳng là tiến bộ; trong việc duy trì trong tổ chức xã hội một thứ hành chính ngủ gà ngủ gật mà những nhà hành chính thường quen gọi đó là trật tự tốt đẹp và ổn định công cộng. Nói cho ngắn gọn, lối tập trung hoá như vậy chỉ giỏi ngăn chặn chứ không giỏi hành động. Khi cần huy động xã hội thật mạnh mẽ sâu sắc, hoặc khi cần tạo ra cho xã hội một bước đi nhanh, thì nền tập trung hoá đó không còn lực nữa. Khi phải dùng những biện pháp đòi hỏi những con người cá thể trong xã hội cùng thực hiện, người ta sẽ hoàn toàn ngạc nhiên nhận ra sự yếu đuối đến độ bất lực của cả bộ máy to đùng ấy. Nó to như thế, mà rồi nó chợt rơi ngay vào bất lực.

Cũng đôi khi xảy ra chuyện nền tập trung hoá trong nỗi tuyệt vọng tìm cách kêu gọi các công dân hỗ trợ nó. Nhưng nó lại nói với các công dân như thế này: “Các bạn sẽ hành động theo như ý tôi muốn chừng nào tôi vẫn còn muốn và hoàn toàn theo hướng mà tôi muốn. Các bạn sẽ lo những chi tiết và đừng ước ao chuyện điều hành toàn cục; các bạn sẽ làm việc trong bóng tối, và rồi đây các bạn sẽ đánh giá sự nghiệp của chúng tôi qua kết quả việc làm.” không thể nào đưa ra những điều kiện như thế mà lại nhận được sự hỗ trợ tự nguyện của con người. Con người cần có tự do trong đường đi nước bước và phải có trách nhiệm trong hành động. Con người đã được tạo ra như vậy, đến độ nó thà ngồi im bất động còn hơn là bước đi mà không được độc lập để đi tới một cái đích mù mịt đối với nó.

Tôi không phủ nhận là ở Hoa Kì lắm khi người ta thấy tiếc rẻ là đã không tìm thấy những quy tắc đồng loạt dường như luôn luôn chăm lo cho mỗi con người chúng ta.

Đôi lúc người ta lại bắt gặp bên đó những chuyện to tát trong xã hội thể hiện sự vô tư và thờ ơ [của con người]. Thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện những vết bẩn thô lậu dường như không thể hợp được với cuộc sống văn minh xung quanh.

Có những công trình hữu ích mà muốn thành công đều đòi hỏi một sự chăm sóc liên tục và một sự chính xác cực kì đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Bởi vì ở nước Mĩ cũng như ở mọi nơi người dân sống bằng những nỗ lực nhất thời và những xung động bất chợt.

Người châu Âu, vốn đã quen luôn luôn sẵn có một anh viên chức mó tay vào mọi chuyện, khó mà quen được với vô số bánh răng khác nhau như vậy của nền hành chính ở cấp xã [bên Mĩ]. Nhìn chung, có thể nói ở Mĩ người ta coi nhẹ những chi tiết cỏn con của công việc cảnh sát xã hội, những thứ khiến cho cuộc sống dịu ngọt và thuận tiện. Nhưng ở Mĩ vẫn có những bảo đảm cơ bản cho con người sống trong xã hội như bất cứ nơi đâu. Ở Mĩ, sức mạnh cai quản nhà nước thua trơn tru, thua sáng suốt, thua thông thái, nhưng lại trăm lần lớn hơn ở châu Âu. Rốt cuộc thì không có đất nước nào trên thế giới này con người lại bỏ ra lắm công sức đến thế để tạo ra hạnh phúc xã hội. Tôi chưa thấy quốc gia nào mở trường học nhiều và hiệu quả đến thế; những thánh đường cho nhu cầu tín ngưỡng của con người nhiều đến thế; đường sá công xã được bảo trì tuyệt vời đến thế. Vậy là không nên đi tìm ở Hoa Kì sự đồng loạt và tính bất biến, sự chăm chút tỉ mỉ những chi tiết, sự hoàn thiện những phương tiện hành chính. Điều gì ta thấy ở đó, ấy là hình ảnh của một sức mạnh, của đáng tội nó cũng hơi hoang dại, nhưng nó đầy quyền lực; ấy là hình ảnh của sự sống, có kèm theo những tai biến, nhưng hết sức năng nổ.

Vả chăng, nếu có ai muốn thì tôi cũng xin thừa nhận rằng làng xã và quận huyện bên Hoa Kì hẳn là sẽ được cai quản có lợi hơn bởi một chính quyền trung tâm đặt xa họ, xa lạ với họ, chứ không bởi những viên chức được chọn ra từ trong lòng họ. Nếu có ai đòi hỏi, tôi cũng xin thừa nhận là ở nước Mĩ tình hình an ninh sẽ tốt hơn và ở bên đó người ta sử dụng nguồn lực xã hội sẽ khôn khéo hơn nếu như nền hành chính của cả nước được tập trung vào trong tay một con người. Song những ưu thế chính trị mà người Mĩ rút ra được từ hệ thống phi tập trung hoá của họ vẫn cứ làm cho tôi ưng thích hơn là một hệ thống trái ngược với cách làm đó.

Suy cho cùng, cũng chẳng hề hấn gì việc có một hệ thống quyền lực sẵn sàng hành động, biết chăm lo cho mọi thú vui của tôi được yên bề, biết đón trước mọi hiểm nguy để tránh cho tôi khỏi bị sa chân ngay cả khi tôi chẳng lo chuyện đó. Chẳng hề hấn gì nếu như cái hệ thống quyền lực đó đồng thời nhặt đi mọi gai góc nhỏ nhặt trên đường tôi đi đồng thời cũng làm chủ tuyệt đối sự tự do của tôi và cuộc sống của tôi. Chẳng hề hấn gì nếu như hệ thống quyền lực đó thâu tóm toàn bộ sự vận động và cuộc tồn vong đến mức là mọi sự xung quanh đều uể oải khi nó uể oải, tất cả đều ngủ khi nó yên giấc nồng, và tất cả đều diệt vong khi nó bị chết?

Vậy mà lại có những quốc gia châu Âu nơi đó người dân tự coi mình như một thứ thực dân dửng dưng với vận mệnh nơi chốn nó nương thân. Những thay đổi to tát nhất đã diễn ra trong nước mà không được y ta tham gia; y còn không biết chính xác điều gì đã xảy ra nữa; y hồ nghi chuyện đó; tình cờ y biết sự kiện gì đó là do được nghe người ta kể lại. Hơn thế nữa, vận mệnh làng mình, trật tự đường phố nơi y sống, số phận ngôi nhà thờ Cơ đốc giáo và ngôi nhà thờ Tin lành không mảy may đụng chạm tới y ta. Y nghĩ rằng mọi chuyện đó chẳng hề liên quan đến mình, chúng thuộc về một kẻ xa lạ đầy uy quyền có tên gọi là chính quyền. Với y, đó chỉ là sự hưởng thụ các tài sản đó như một kẻ đi thu hoa lợi thuê không có tinh thần của kẻ chủ sở hữu và cũng chẳng nghĩ gì đến việc cải thiện tài sản đó. Sự hờ hững với chính mình như thế còn đi xa hơn nữa đến mức sự an ninh của chính y ta và của con cái y ta nếu có bị xâm phạm, thì thay vì tìm cách đẩy xa mọi hiểm nguy, y lại khoanh tay đợi cả nước đến giúp đỡ. Và cái con người như thế, mặc dù chịu hi sinh hoàn toàn sự tự do quyết định của nó, lại chẳng chịu hi sinh một cái khác ấy là sự phục tùng. Thật thế, y ta cúi đầu chấp nhận để cho một viên thư lại hoạnh hoẹ, và y ta thích thú làm ngược luật pháp như một kẻ thù thất trận ngay sau khi sức mạnh quyền lực rút đi. Vì thế mà ta luôn luôn nhìn thấy y chao đảo giữa thói nô lệ và thế tự do.

Khi các quốc gia đã đi đến cảnh ngộ như vậy, họ cần phải sửa đổi luật pháp và lối sống, hoặc là họ sẽ chết, bởi vì nguồn đức độ công cộng ở đó như thể đã cạn kiệt: ta chỉ còn thấy ở đó những kẻ bầy tôi, mà chẳng còn thấy ở đó những công dân.

Tôi biết, những dân tộc như thế đã được chuẩn bị để đi xâm chiếm. Nếu họ không biến mất đi khỏi sân khấu thế giới này, đó là vì họ đã được bao quanh bởi những con người giống như họ hoặc thấp kém hơn họ. Đó là vì trong lòng cộng đồng họ vẫn còn lại chút gì đó như một bản năng không rõ rệt về tổ quốc, tôi không dám chắc đó là thứ kiêu căng không chín chắn nào nhân danh cái tên họ mang theo, cái kỉ niệm mơ hồ nào về vinh quang xưa mà, tuy không thực sự gắn bó vào cái gì, song cũng vẫn đủ cho họ khi cần thiết thì có được ngay một xung động bảo thủ.

Hẳn là ta sẽ sai lầm khi tự trấn an bằng cách nghĩ rằng có những con người đã nỗ lực phi thường để bảo vệ một tổ quốc nơi họ sống như thể những người dưng. Xin hãy cẩn thận về suy nghĩ đó, và ta sẽ thấy rằng tôn giáo khi đó vẫn còn là động cơ chính yếu của những con người đó.

Sự trường tồn, vinh quang, hoặc sự thịnh vượng của quốc gia đối với họ là những tín điều thiêng liêng, và khi họ bảo vệ tổ quốc, họ cũng bảo vệ cái vùng thiêng liêng nơi họ đều đã từng là những công dân.

Các cư dân Thổ Nhĩ Kì chưa hề bao giờ tham gia vào việc điều hành công việc xã hội. Thế mà họ lại đã có những công tích vô cùng lớn chừng nào họ còn thấy tôn giáo của Mahomet chiến thắng trong những cuộc chinh phạt của các sultan. Ngày nay tôn giáo đã ra đi, chỉ còn lại nền quân chủ chuyên chế: các cư dân đó ngã rụi.

Tôi nghĩ rằng, khi gán cho nền quân chủ chuyên chế một sức mạnh đúng là của nó, Montesquieu đã cho chế độ ấy một thứ vinh dự không xứng đáng, chỉ riêng nền quân chủ chuyên chế thì không làm cách nào mà duy trì được bền vững bất kì thứ gì. Khi ta quan sát kĩ nó, ta thấy rằng chính tôn giáo chứ không phải sự sợ hãi là cái đã làm cho các nền cai trị chuyên chế được thịnh vượng.

Bất kể ra sao, bao giờ thì ta cũng chỉ bắt gặp cái sức mạnh chân chính trong những con người tham gia mọi việc bằng ý chí tự do.

Thế mà trên đời này chỉ có chủ nghĩa yêu nước hoặc tôn giáo là có khả năng làm cho con người tiến bước lâu dài tới một mục tiêu chung là tính phổ biến của quyền công dân.

Không tuỳ thuộc vào luật pháp để làm sống lại được các niềm tin đã tắt: nhưng lại tuỳ thuộc vào những luật lệ nào làm cho con người quan tâm đến vận mệnh đất nước mình. Tuỳ thuộc vào những luật lệ nào đánh thức và dẫn dắt cái bản năng mơ hồ về tổ quốc là thứ không khi nào từ bỏ trái tim con người, và bằng cách gắn bó [khái niệm] tổ quốc ấy với những tư tưởng, những đam mê, với lối sống hàng ngày của con người, khiến nó trở thành một tình cảm chín chắn và bền vững. Và xin đừng ai nói là bây giờ mới làm thử điều đó thì đã quá muộn rồi. Các dân tộc không bao giờ già nua đi theo cung cách như của con người. Mỗi thế hệ sinh ra trong lòng một dân tộc cũng giống như một quốc gia mới được gửi gắm vào bàn tay nhà lập pháp.

Điều tôi chiêm ngưỡng hơn cả ở nước Mĩ, đó không phải là những tác dụng về mặt hành chính của sự phi tập trung hoá, mà đó là những tác dụng về mặt chính trị. Ở Hoa Kì, ta cảm nhận được [khái niệm] tổ quốc ở khắp nơi. Đó là một đối tượng con người cầu viện tới từ một ngôi làng cho tới toàn Liên bang. Người dân gắn bó với từng lợi ích một của đất nước như lợi ích của riêng mình vậy. Người dân thấy mình vinh quang vì quang vinh của đất nước. Trong những thành tựu của quốc gia, người dân thấy đó là công trình của chính mình, và thấy mình được cao lớn lên. Người dân sung sướng thấy cảnh thịnh vượng chung mà mình có được hưởng thụ. Với tổ quốc, người dân có một tình cảm tương tự như tình cảm với gia đình, và khi người dân lo lắng cho cái bang của họ thì cũng với một thứ tình cảm “ích kỉ” như vậy.

Thường khi người châu Âu chỉ nhìn thấy sức mạnh ở người viên chức công; người Mĩ nhìn thấy ở ông ta cái quyền. Và ta có thể nói rằng ở nước Mĩ con người không bao giờ phục tùng con người, mà phục tùng công lí hoặc luật pháp.

Vì thế mà cũng sinh ra từ người dân Mĩ cái quan niệm lắm khi hơi quá đáng nhưng hầu như bao giờ cũng lành mạnh. Người dân Mĩ không e ngại trao mình cho sức mạnh của họ, những thứ được coi là đủ thoả mãn tất thảy. Một cá nhân có ý tưởng làm một công trình nào đó, thì cho dù công trình này có liên quan trực tiếp đến lợi ích công cộng đấy, song cá nhân đó cũng chẳng hề nghĩ sẽ nhờ chính quyền giúp một tay. Anh ta cho mọi người biết kế hoạch, tự tay mình thực thi, kêu gọi các cá nhân khác trợ giúp, và đánh vật với mọi trở ngại. Không nghi ngờ gì hết, đôi khi anh ta có thể thành tựu ít hơn nếu có Nhà nước giúp. Nhưng về lâu về dài, thành tựu chung của tất cả các công trình cá nhân vẫn vượt quá rất nhiều những gì chính phủ có thể làm ra.

Do chỗ quyền lực được đặt bên cạnh những người bị cai trị và như thể đại diện cho chính họ, nên nó không gây ganh ghét cũng chẳng tạo hằn thù. Do chỗ các phương tiện thực thi quyền lực là hữu hạn, nên mỗi người bị cai trị cũng cảm thấy mình chẳng thể nào chỉ biết ỷ lại vào quyền lực đó.

Vậy là một khi quyền lực hành chính làm gì trong phạm vi các chức năng cho phép, nó không cảm thấy bị cô lập như ở bên châu Âu. Ở Mĩ, người ta không tin rằng các nghĩa vụ của cá nhân người dân đã hết khi người đại diện công lực tới và hành động. Ngược lại, từng người dân hướng dẫn, giúp đỡ và ủng hộ nó.

Tác động của sức mạnh cá nhân khi được nhập vào với tác động của sức mạnh xã hội, nên thường khi ở Mĩ người ta đã làm được những điều mà một nền hành chính tập trung hoá bậc nhất và kiên quyết bậc nhất cũng chưa chắc đã thực hiện nổi. (Xem I)

Tôi có thể kể ra nhiều sự việc nữa để chứng minh những điều tôi vừa trình bày. Nhưng tôi muốn chỉ đưa ra thêm một điều nữa thôi, và chọn cái điều tôi hiểu kĩ hơn cả.

Ở nước Mĩ, chỉ có ít phương tiện cho chính quyền phát hiện tội phạm và đưa chúng ra trước pháp luật.

Không có cảnh sát hành chính. Không có giấy tờ tuỳ thân. Cảnh sát tư pháp ở Hoa Kì thì không thể nào so sánh được với chúng ta. Nhân viên bộ công quyền không nhiều, và họ không bao giờ tự mình khởi tố và truy tố. Việc chỉ đạo làm nhanh và theo lệnh miệng. Vậy mà tôi không tin được rằng ở đây bọn tội phạm lại hiếm khi thoát trừng phạt so với ở bất kì nước nào khác.

Lí do chỉ là vì tất cả mọi người đều thấy mình phải quan tâm đến việc cung cấp chứng cứ phạm tội và tóm lấy kẻ tội phạm.

Trong thời gian tôi lưu lại Hoa Kì, tôi chứng kiến việc cư dân một quận nơi đó một tội phạm lớn vừa xảy ra, họ tự ý lập ngay các uỷ ban nhằm mục đích truy lùng kẻ phạm tội và trao nó cho toà án.

Ở châu Âu, kẻ tội phạm là một kẻ bất hạnh tìm mọi cách để giữ cho cái đầu mình không lọt vào tay các nhân viên công quyền. Dân chúng hình như cũng có tham gia vào cuộc chiến. Còn ở nước Mĩ, đó là kẻ thù của loài người, và toàn nhân loại đứng lên chống lại nó.

Tôi tin rằng các thiết chế ở địa phương là có ích cho tất cả các quốc gia. Nhưng tôi cũng cảm thấy là chẳng còn ai thấy có nhu cầu rõ rệt hơn đối với các thiết chế đó nữa, trừ nơi nào tình trạng xã hội có tính chất dân chủ.

Trong một nền quý tộc trị, luôn luôn có niềm tin chắc chắn rằng trong lòng nền tự do người ta vẫn duy trì được chút trật tự nào đó.

Do chỗ người cai trị thường lo thua thiệt nhiều hơn, vì vậy trật tự là quyền lợi lớn của họ.

Ta cũng có thể nói rằng, trong một nền quý tộc trị, nhân dân được che chở khỏi những điều quá trớn của nền quân chủ chuyên chế, bởi vì vẫn luôn luôn có những thế lực có tổ chức sẵn sàng kháng cự lại kẻ chuyên chế.

Một nền dân trị mà thiếu những thiết chế ở địa phương thì không có chút bảo đảm nào để chống lại những điều tai hoạ đó.

Làm cách gì để vô vàn con người ủng hộ tự do trong những công việc to tát, những người mà ngay cả trong những việc nhỏ nhặt cũng chưa học được cách làm đó?

Làm cách gì cưỡng lại chế độ bạo quyền trong một đất nước mà mỗi cá nhân đều yếu kém và các cá nhân thì đều không đoàn kết lại được trong bất cứ thứ quyền lợi chung nào?

Vậy là những ai e ngại sự tự do và những ai lo ngại nền chuyên chế đều cùng phải mong muốn có sự phát triển từng bước các quyền tự do mang tính địa phương.

Vả chăng, tôi tin chắc rằng không có những quốc gia bị nhiều nguy cơ rơi vào cái ách tập trung hoá hành chính hơn là những quốc gia đã đạt được tình trạng xã hội dân chủ.

Nhiều nguyên nhân cùng dẫn đến kết quả đó, đây là một ít trong số nguyên nhân đó:

Xu hướng thường trực của các quốc gia này là tập trung toàn bộ sức mạnh chính quyền trong tay một thế lực duy nhất trực tiếp đại diện cho nhân dân, bởi vì bên ngoài nhân dân, người ta chỉ thấy những cá nhân bình đẳng với nhau đứng lẫn lộn trong một khối quần chúng như nhau.

Thế nhưng, khi cũng một thế lực đó đã được gán cho tất cả những thuộc tính của một chính quyền, thật khó cho nó sao lại chẳng tìm cách thâm nhập vào từng chi tiết của công việc hành chính, và về lâu về dài thật chẳng thiếu cơ hội để thực hiện điều này. Chúng ta từng chứng kiến điều đó ở trên đất nước mình.

Trong cuộc cách mạng Pháp, từng có hai xu thế vận động ngược chiều nhau mà ta chớ nên lẫn lộn: một xu thế có lợi cho tự do, xu thế kia có lợi cho chuyên chế.

Trong nền quân chủ chuyên chế trước đây, một mình nhà vua làm ra luật. Bên dưới quyền hành của nhà vua còn sót lại một vài thiết chế địa phương nửa chết nửa sống. Những thiết chế địa phương này không nhất quán, lộn xộn, nhiều khi vô lí. Trong tay nền quý tộc trị, đôi khi chúng đã là công cụ đàn áp.

Cách mạng đã cùng một lúc tuyên ngôn chống lại vương quyền và chống lại các thiết chế địa phương. Nó căm thù lẫn lộn mọi thứ gì có trước nó, cả chính quyền chuyên chế lẫn cái gì có thể làm hạ nhiệt [những quá trớn] của cách mạng; khi đó cách mạng vừa mang tính cộng hoà lại vừa mang tính tập trung hoá.

Tính chất kép đó của cách mạng Pháp là một sự việc mà những “người bạn” của nền quân chủ chuyên chế vớ ngay lấy và giữ gìn cẩn thận. Khi các bạn thấy bọn họ bênh vực việc tập trung hoá nền hành chính, các bạn nghĩ rằng họ đã hành động có lợi cho nền chuyên chế chăng? Không hề! Họ bênh vực một trong những thành tựu lớn của Cách mạng (Xem K). Theo cách này, người ta có thể vừa thuộc về nhân dân lại vừa là kẻ thù các quyền của nhân dân; vừa là kẻ phục vụ giấu mặt của bạo quyền và vừa là nhân tình công khai của tự do.

Tôi đã tới thăm hai quốc gia nơi đã phát triển đến mức cao nhất hệ thống các quyền tự do địa phương và tôi đã lắng nghe tiếng nói của các phe phái chia rẽ các quốc gia đó.

Ở nước Mĩ, tôi gặp những con người ngấm ngầm khao khát thủ tiêu các thiết chế dân chủ của đất nước họ. Ở nước Anh, tôi lại gặp những con người khác công khai tiến công nền quý tộc trị. Tôi không hề gặp một người nào coi tự do địa phương như một điều lợi ích lớn lao.

Tại cả hai quốc gia đó, tôi đã thấy người ta gán vô số nguyên nhân khác nhau cho những điều xấu xa đó, nhưng không bao giờ họ coi nền tự do ở công xã là nguyên nhân hết.

Tôi đã được nghe những người công dân tìm ra vô vàn lí do đã khiến đất nước họ thành vĩ đại và thịnh vượng; và tôi cũng thấy tất cả những người đó đều đưa quyền tự do địa phương lên hàng đầu và xếp hạng nhất bên trên mọi thuận lợi khác.

Liệu tôi có tin rằng những con người vốn chia rẽ khác biệt nhau đến thế, những con người không nhất trí được với nhau cả về những học thuyết tín ngưỡng lẫn những lí thuyết chính trị, lại đã đồng lòng với nhau trên một sự việc duy nhất, cái mà chỉ họ là có thể đánh giá đúng nhất, vì điều đó diễn ra hàng ngày trước mắt họ, và liệu tôi có thể coi điều đó là điều sai lầm không?

Chỉ có những dân tộc không hề có hoặc có rất ít thiết chế địa phương mới chối bỏ tính hữu dụng của những thiết chế đó. Nghĩa là chỉ những anh nào không biết gì chuyện đó thì mới nói xấu về điều đó.

CHÚ THÍCH

(I)

Ở Hoa Kì có một hệ thống cấm đoán. Số lượng nhân viên Hải quan ít và dải bờ biển mênh mông khiến cho việc buôn lậu thật dễ dàng. Thế mà ở bên đó có vô cùng ít người buôn lậu so với nơi khác, vì mỗi người đều tham gia vào việc xua tan chuyện đó đi.

Do chỗ ở Hoa Kì không có lực lượng cảnh sát dự phòng, nên ở bên đó xảy ra nhiều đám cháy hơn ở bên châu Âu. Thế nhưng nói chung các đám cháy đều được dập tắt sớm, bởi vì nhân dân sống ở quanh khu vực đó bao giờ cũng nhanh chóng có mặt ở nơi xảy ra hoả hoạn.

(K)

Nói rằng tập trung hoá được sinh ra từ cách mạng Pháp là không công bằng; cách mạng Pháp hoàn thiện hiện trạng đó, chứ không tạo ra nó. Ở Pháp, niềm ham thích tập trung hoá và thói nghiện quy chế có từ thời các nhà lập pháp có chân trong chính quyền, đó là từ thời vua Philippe le Bel. Kể từ đó hai hiện tượng kia không ngừng phát triển mạnh. Đây là điều ông de Malhesherbes nhân danh toà án thuế (cour des aides − ND) nói với vua Louis XVI vào năm 1775:

“… Còn lại là quyền của mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng công dân được cai quản công việc của chính mình; cái quyền chúng tôi không cho rằng nó có vị trí trong hiến pháp sơ khởi của vương quốc, vì nó có gốc gác xa xưa hơn nữa: đó là cái quyền tự nhiên, cái quyền của lí trí. Song các thần dân của Bệ hạ đã bị nẫng mất cái quyền đó, và chúng tôi không cảm thấy sợ sệt khi phải nói ra rằng về phương diện này nền hành chính đã phạm phải những lạm dụng có thể coi là kiểu con nít.

Kể từ khi các bộ trưởng có thế lực đưa ra nguyên tắc chính trị là không triệu tập quốc hội nữa, thì chúng ta đã đi từ hệ quả này sang hệ quả khác, đến độ tuyên bố không thừa nhận những cuộc bàn luận của cư dân một làng khi các cuộc luận bàn đó không được một quan giám sát cấp quận cho phép. Đến độ là, nếu cộng đồng đó cần chi tiêu món gì đó, họ cần phải được sự đồng ý của phó giám sát quan cấp quận, và hệ quả là phải theo đúng chương trình ông này đưa ra, phải thuê nhân công mà ông ta ưng thích, phải trả công cho họ theo cách áp đặt của ông ta. Và khi cộng đồng có một dự án gì đó cần bảo vệ thì họ cũng phải được quan giám sát cấp quận đồng ý. Một khi quan điểm của quan giám sát cấp quận đi ngược lại với quan điểm các cư dân, hoặc nếu một phe đối lập lại được quan giám sát cấp quận ưu ái, thì cộng đồng cư dân sẽ mất khả năng bảo vệ quyền của mình. Thưa Bệ hạ, đấy là những cung cách người ta đã tiến hành ở nước Pháp để bóp nghẹt mọi ý thức hành chính, và khi có thể thì dập tắt luôn ngay cả những tình cảm công dân của mọi người. Như vậy có thể nói là người ta đã ngăn cấm cả một dân tộc, và người ta đã bắt cả dân tộc phải chịu chế độ đỡ đầu.”

Ngày nay, ta có thể nói điều gì tốt đẹp hơn rằng cách mạng Pháp đã làm cái điều gọi là những chiến công về phương diện tập trung hoá?

Năm 1789, từ Paris, Jefferson viết cho một người trong số bạn bè ông: “Không có nước nào tình trạng mãi mê cai trị cho thật nhiều lại bắt rễ sâu xa hơn và gây ra nhiều điều tệ hại hơn là ở Pháp.” Thư gửi Madison, 28 tháng Tám năm 1789.

Đúng là ở Pháp, từ nhiều thế kỉ rồi, quyền lực trung ương luôn luôn tung hoành để mở rộng tập trung hoá nền hành chính; trong ngạch hành chính này không có giới hạn nào ngoài sức mạnh của nó.

Quyền lực trung ương sinh ra từ cách mạng Pháp đã tiến xa hơn hẳn mọi chế độ có trước nó, vì nó mạnh hơn và thông thái hơn bất kì anh nào trong đám này: Louis XIV trao cho một giám quan tuỳ hứng thục hiện mọi điều liên quan đến sự tồn tại của cấp xã; Napoléon trao việc đó cho một bộ trưởng. Trước sau vẫn là một nguyên tắc và những hệ quả ít nhiều có từ xa xưa rồi.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn