Trợ cấp cho trường chuyên - nước chảy chỗ trũng

Trợ cấp cho trường chuyên - nước chảy chỗ trũng

Trường chuyên - ngân sách được chia cũng “chuyên”

Hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên đã bao phủ tất cả 63 tỉnh, thành phố, với tổng số học sinh chuyên năm học 2018-2019 là 72.998 em (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT)(1).

Các trường THPT chuyên có thể nhận ngân sách từ cả hai nguồn trung ương và địa phương. Nguồn ngân sách trung ương dành cho các trường chuyên có thể thực hiện thông qua các chương trình, đề án nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ và cải tiến chương trình học. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với trị giá gần 2.313 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách quan trọng hơn cấp cho các trường chuyên là thông qua phân bổ ngân sách của địa phương. 89% ngân sách công cho giáo dục giai đoạn 2013-2017 được chuyển xuống địa phương để phân bổ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trong gói ngân sách này, các trường THPT trung bình nhận 11-12%.

Khảo sát định mức ngân sách chi sự nghiệp giáo dục của hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành trong giai đoạn 2017-2020, chúng tôi nhận thấy định mức ngân sách địa phương chi cho học sinh trường THPT chuyên cao hơn so với chi cho học sinh trường THPT thường trung bình từ 1,08 đến 3,5 lần(2). Trong đó, tỉnh có mức chênh lệch tương đối cao nhất là Thái Bình (3,5 lần) và thấp nhất là Yên Bái (1,08 lần). Tuy nhiên, mức chênh lệch tuyệt đối cao nhất là TPHCM với định mức chi 17,76 triệu đồng/năm/học sinh, cao hơn 12,19 triệu đồng so với một học sinh trường THPT thường. Tại Hà Nội, mức chênh lệch tuyệt đối cũng khá cao: một học sinh trường chuyên Hà Nội Amsterdam hưởng định mức chi 18 triệu đồng/năm, cao hơn 10,7 triệu đồng so với học sinh trường THPT bình thường.

Học sinh trường chuyên tại thành phố lớn nhận mức trợ cấp cao hơn so với học sinh các trường chuyên tại các tỉnh, khu vực khó khăn. Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Daklak nhận định mức 1,8 triệu đồng/học sinh/năm, trong khi học sinh THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội nhận gấp 10 lần.

Số liệu cũng cho thấy tại các thành phố lớn, đồng bằng thì mức chênh lệch trợ cấp cho trường chuyên và trường thường cao hơn nông thôn, các tỉnh miền núi.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh miền núi, điển hình như Lào Cai, các trường THPT chuyên còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi riêng bên ngoài các ưu đãi chung về chi ngân sách của tỉnh và các quy định của Chính phủ(3). Ví dụ như Lào Cai có học bổng cho học sinh chuyên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng cho học sinh giỏi, chính sách cử giáo viên đi học nước ngoài và thuê giáo viên nước ngoài, giáo viên dạy thi quốc gia…

Phân tích trường hợp Hà Nội

Hệ thống trường chuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện nay (không kể khối phổ thông chuyên trực thuộc trường đại học) bao gồm bốn trường: Hà Nội Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây. Năm 2020, phân bổ ngân sách cho các trường này bao gồm chi thường xuyên và không thường xuyên, thực hiện theo quyết định về việc công khai phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020, số 2259/QĐ-SGDĐT của UBND thành phố Hà Nội.

Đầu tiên, định mức chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố có sự chênh lệch khá rõ ràng giữa các khối học, trong đó khối THPT bình thường, có định mức là 7,3 triệu đồng/học sinh/năm và khối phổ thông chuyên (bốn trường) có định mức từ 12-18 triệu đồng/học sinh/năm.

Giữa định mức chi của bốn trường chuyên này lại phân cấp ra làm hai nhóm với hai định mức chi trên đầu học sinh/ năm khác biệt: Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Huệ: 18 triệu đồng/học sinh/năm, Chu Văn An và Sơn Tây 12 triệu đồng học sinh/năm. Sự khác biệt này có lẽ đến từ đặc điểm trong mục đích và tính chất đào tạo của các trường, khi hai trường nhận định mức cao hơn chỉ có hệ chuyên và hệ song bằng tú tài (A - level) tức là hệ thống cho phép học sinh được sở hữu hai bằng tốt nghiệp THPT trong nước và Anh quốc sau khi học xong. Trong khi hai trường còn lại bao gồm cả hệ chuyên và hệ không chuyên với tỷ lệ xấp xỉ 50/50. Học sinh học hệ chuyên thuộc hai trường này sẽ được hưởng định mức 12 triệu đồng/năm, còn lại áp dụng định mức bình thường dành cho khối THPT .

Trong định mức chi không thường xuyên, cũng có sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường THPT không chuyên và trường chuyên. Theo phụ lục số 3, Quyết định số 2259/QĐ-SGDĐT, tổng số chi nghiệp vụ (bao gồm kinh phí thực hiện ký hợp đồng công việc, bồi dưỡng học sinh, tập huấn giáo viên, triển khai các dự án nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh, mua sắm trang thiết bị, cải tạo sửa chữa chống xuống cấp...) cho các cơ sở giáo dục đào tạo THPT dự toán năm 2020 là 500 tỷ đồng, chia cho tổng cộng 115 trường trên địa bàn, trong đó có bốn trường chuyên. Theo đó, trường Hà Nội Amsterdam nhận được số chi cao nhất là hơn 6,5 tỷ đồng, Chu Văn An là 4 tỷ đồng, hai trường còn lại mỗi trường từ 1-1,2 tỷ đồng. Số chi có sự cách biệt lớn giữa các trường, với những trường thấp nhất vào mức vài chục triệu đồng. Chỉ riêng bốn trường chuyên có một khoản đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, với mức cao nhất vẫn thuộc về Hà Nội Amsterdam là 4 tỷ đồng, Chu Văn An và Nguyễn Huệ mỗi trường 1 tỷ đồng, Sơn Tây 900 triệu đồng.

Nên trợ cấp như thế nào cho trường chuyên?

Từ các số liệu, phân tích trên, ta có thể rút ra một số kết luận và giải pháp sau:

Thứ nhất, các trường chuyên được hưởng trợ cấp theo các cách khác nhau, tùy thuộc địa phương và đặc trưng của từng trường. Do đó, ta không nên nhìn nhận mỗi trường chuyên đều giống nhau và cũng không nên áp công thức chung để cải cách hệ thống trường chuyên hoặc cách thức tài trợ cho nó.

Thứ hai, để phân bổ ngân sách được hiệu quả và công bằng hơn, các địa phương nên công khai, minh bạch nguyên tắc trợ cấp. Bên cạnh đó, cần khảo sát, đánh giá thực trạng, kết quả sử dụng trợ cấp của các trường chuyên. Ngân sách phân bổ cho trường chuyên nên gắn với kết quả đầu ra có thể đo lường được.

Thứ ba, các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM nên giảm trợ cấp cho học sinh trường chuyên và phân bổ thêm ngân sách cho học sinh các trường THPT không chuyên để tạo nguồn nhân lực giàu năng lực hơn cho chính địa phương và cũng để giảm bớt các hệ lụy xấu của bất bình đẳng và tiêu cực trong giáo dục.

Nguồn: Lê Phương Dung - Hoài Thu, Trợ cấp cho trường chuyên - nước chảy chỗ trũngThời báo Kinh tế Sài Gòn, 9/7/2020

Tài liệu tham khảo:

UIS.Stat 

National Statistic (Taiwan)

OECD, Pisa 2015

Chú thích:

(1) Tuệ Nguyễn, Bộ GD-ĐT báo cáo ra sao về hệ thống trường THPT chuyên gần 10 năm qua?​, Thanh Niên, 27/6/2020

(2) Kết quả dựa trên tính toán từ 22 tỉnh, thành phố có văn bản quy định rõ ràng các định mức

(3) Nghị định 116/2016/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn