Thụy Điển có thể dạy cho chúng ta điều gì về Kinh tế học Đại dịch

Thụy Điển có thể dạy cho chúng ta điều gì về Kinh tế học Đại dịch

Truyền thông quốc tế nhận xét cách tiếp cận đại dịch COVID theo chính sách của Thuỵ Điển là “buông thả,” nhưng đúng hơn họ phải nhận định là cân bằng mới phải. Johan Giesecke, một chuyên gia nghiên cứu dịch tễ học có uy tín trên thế giới và cố vấn cho chính phủ Thụy Điển, gọi đó là phương pháp tiếp cận “dựa trên thực tế.”Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển đã sớm quyết định không thực hiện các phương án phong tỏa và cách ly toàn dân. Hầu hết mọi người chỉ chịu một vài biến chứng từ COVID-19 hoặc không có triệu chứng mắc bệnh. Nếu không có một loại vaccine hay phương pháp chữa trị hữu dụng trong tương lai gần, thì sẽ chẳng thể nào ngăn chặn được sự lây nhiễm của dịch bệnh. Thụy Điển theo đó đã tập trung vào việc bảo vệ người già và những người có thể trạng yếu trong khi “làm phẳng đường cong” và nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe.

Chính sách tương đối nới lỏng của Thụy Điển đã cho phép các trường tiểu học và doanh nghiệp tiếp tục mở cửa, nhưng trường trung học và cao đẳng thì đóng cửa, các nhà dưỡng lão không cho phép người đến thăm, tụ tập nơi công cộng bị giới hạn không quá 50 người, và các nhà hàng cũng áp dụng các lệnh giãn cách xã hội. Các nhóm có nguy cơ cao được đề nghị tự cách ly trong khi virut vẫn đang hoành hành.

Nếu như chỉ nhìn từ góc độ của đại dịch thì chính sách của Thụy Điển có thể bị xem là nhẫn tâm, nhưng cách tiếp cận của họ lại tìm kiếm “một trung điểm vàng” giữa những tai họa – và có vẻ nó rất hữu hiệu. Dr. Mike Ryan, chuyên gia về các trường hợp khẩn cấp của WHO, gần đây đã tán dương cách tiếp cận đó, nói rằng “ Thụy Điển là một một tấm gương nếu như chúng ta mong ước trở về với một xã hội mà ở đó chúng ta không có phong tỏa.”

Có những lý do chính đáng để không phải thực hiện phong tỏa trên diện rộng, và cách tiếp cận của Thụy Điển thừa nhận mặt trái của những biện pháp như vậy. Trong khi dịch bệnh lan rộng có tác dụng hạ nhiệt cho nền kinh tế, việc cả thế giới áp dụng các biện pháp cực đoan của Trung Quốc đã buộc chấm dứt sự bùng nổ nền kinh tế và đẩy chúng ta bước vào một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng rõ rệt.

Hơn 30 triệu người Mỹ đã bị sa thải, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ 3,5% lên tới 19%. Hàng chục triệu người chán nản bởi các quy định cách ly tại gia. Việc hàng chục triệu con người khỏe mạnh và năng suất đó bị mắc kẹt tại nhà càng đặt thêm nhiều gánh nặng lên các chuỗi sản xuất và cung ứng vốn đã yếu ớt. Một phần tư doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng cửa  vào tháng 6/2020 nếu những lệnh cấm không được dỡ bỏ và việc buôn bán không khá lên.

Điều này không đơn giản là vấn đề kinh tế học. Tác động kinh tế còn hơn cả những tổn thất tài chính đơn thuần. Việc kinh doanh đóng cửa làm tê liệt chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tới sự sẵn có của hàng hóa trong tương lai gần. Điều này cũng bao gồm cả việc thiếu lương thực. Có nhiều tiền hơn trong ví có thể giúp những người không có tiền tiết kiệm hoặc thu nhập thanh toán những chi phí khẩn thiết, như tiền thuê nhà và điện- nước. Nhưng tiền không thể mua thực phẩm từ những kệ hàng trống rỗng.

Nhiều tiền và các khoản chi tiêu mới mới xuất hiện, với Đạo luật CARES thì 2,3 nghìn tỷ đô la Mỹ đã vượt quá 10% GDP của cả nước, sẽ có những tác động dài hạn. Việc bơm vào lượng tiền khổng lồ này làm méo mó giá cả và theo đó là sự phân bổ các nguồn lực trong toàn bộ nền kinh tế. Kết quả là xuất hiện những khoản đầu tư chệch hướng do các doanh nhân và nhà đầu tư đưa ra các quyết định dựa trên những tín hiệu thị trường lỗi. Những hệ quả này cuối cùng đòi hỏi những sự điều chỉnh, thường là thông qua việc sa thải hoặc đóng cửa doanh nghiệp.

Nhưng khó khăn về tài chính và tình trạng bị ép buộc phải cách ly tại gia lâu dài cũng đem đến những bệnh tật khác. Đúng như dự đoán, lạm dụng tình dục trẻ em đã được báo cáo là tăng 22% trong tháng Ba. Chúng ta cũng nên lường trước những sự gia tăng của các tệ nạn khác khi mọi người ở nhà: ly dị, trầm cảm, nghiện rượu, bạo lực gia đình, tự tử, sức khỏe kém, và tỷ lệ tử vong chung tăng. Những vấn đề này chủ yếu là do sự phong tỏa gây nên.

Thụy Điển, một đất nước nhỏ, phụ thuộc vào thương mại, không bị ảnh hưởng bởi sự phong tỏa. Nhưng chính sách nới lỏng của họ giúp hạn chế thiệt hại. Thất nghiệp ở Thụy Điển được dự báo là 8,7% vào năm 2020 do khủng hoảng từ COVID và GDP được kỳ vọng là sẽ giảm 3,4% qua từng năm. Tuy nhiên, quan trọng là Thụy Điển không buộc các doanh nghiệp đóng cửa trên diện rộng và nền kinh tế của họ vẫn có khả năng hồi phục trở lại. Trong khi thất nghiệp được dự đoán vẫn tiếp tục ở mức cao, 8,9% trong năm 2021, GDP của quốc gia này được dự báo sẽ tăng 3,4%. Điều này sẽ là không thể nếu như một phần lớn các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ biến mất.

Nếu không bị chê trách bởi những người chỉ tập trung vào đại dịch, chính sách của Thụy Điển đã có thể tiến gần hơn tới điểm cân bằng giữa hai thảm họa có thể lường trước. Đến khi những hạn chế cuối cùng cũng được gỡ bỏ - tức là khi có một loại thuốc đặc trị hoặc vaccine – thì những nước áp dụng các biện pháp hà khắc hơn vẫn sẽ chứng kiến số ca tử vong tương đương như của Thụy Điển. Giesecke cho rằng “sự khác biệt giữa các quốc gia cuối cùng sẽ là khá nhỏ mà thôi.” 

Nếu điều này đúng, thì Thụy Điển đã tránh được những ảnh hưởng nặng nề nhất của các thảm họa to lớn về kinh tế, quyền cá nhân, và xã hội mà các xã hội dưới chính sách phong tỏa vừa tự áp đặt lên chính họ. Từ góc nhìn này, có lẽ không nên sợ hãi hoặc chê bai, thay vì đó, nên học hỏi, chiến lược của Thụy Điển.

Nguồn: Per Bylund, What Sweden Can Teach Us About the Economics of Pandemics, AIER, 19/5/2020

 

 
 
Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Đỗ Tiến Đức