Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang TFP
Để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế thông qua thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ), việc đo lường NSLĐ và xác định các nhân tố tác động đến tăng trưởng NSLĐ để có những chính sách hữu hiệu là yêu cầu cấp thiết. Qua nghiên cứu về đặc điểm của NSLĐ Việt Nam, tác giả chỉ ra rằng, tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Điều này cộng với dấu hiệu cho thấy hiệu ứng nội ngành đang dần dần thay thế hiệu ứng dịch chuyển để dẫn dắt NSLĐ của Việt Nam là một điều tích cực và cần được duy trì để đảm bảo tăng trưởng NSLĐ trong dài hạn.
Để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế thông qua thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ), việc đo lường NSLĐ và xác định các nhân tố tác động đến tăng trưởng NSLĐ để có những chính sách hữu hiệu là yêu cầu cấp thiết. Qua nghiên cứu về đặc điểm của NSLĐ Việt Nam, tác giả chỉ ra rằng, tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Điều này cộng với dấu hiệu cho thấy hiệu ứng nội ngành đang dần dần thay thế hiệu ứng dịch chuyển để dẫn dắt NSLĐ của Việt Nam là một điều tích cực và cần được duy trì để đảm bảo tăng trưởng NSLĐ trong dài hạn.
Định nghĩa, phương pháp và tầm quan trọng của đo lường NSLĐ
Năng suất là một thước đo then chốt về hiệu quả kinh tế, thể hiện việc các nguồn lực được kết hợp và sử dụng tốt như thế nào nhằm đạt được các kết quả cụ thể như mong muốn. Năng suất có thể được xem xét ở các cấp độ khác nhau: nền kinh tế, ngành kinh tế; ở mức độ tổ chức (nhà máy, bộ phận) và từng cá nhân [1].
Một trong những phương pháp đo lường về NSLĐ được sử dụng nhiều nhất là tỷ lệ giữa đầu ra sản phẩm/dịch vụ với đầu vào lao động để sản xuất ra lượng đầu ra đó. Cách đo lường thứ hai về NSLĐ là năng suất vốn, đó là tỷ lệ giữa đầu ra của sản phẩm/dịch vụ với đầu vào là vốn hữu hình. Năng suất vốn thường được đo lường bởi GDP/một đơn vị vốn. Khía cạnh thứ ba là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), đây là phần tăng trưởng đầu ra chưa được giải thích bởi lượng đầu vào sử dụng trong hàm sản xuất. TFP được cho là phản ánh tính hiệu quả trong việc sử dụng các đầu vào của quá trình sản xuất. So với hai chỉ tiêu năng suất (lao động và vốn), TFP đại diện tốt hơn cho mức độ hiệu quả của một nền kinh tế vì nó thể hiện khả năng cải thiện năng suất chung mà không phụ thuộc vào yếu tố đầu vào cơ bản là lao động và vốn. Hơn nữa, việc so sánh TFP trong bối cảnh quốc tế sẽ ít bị bóp méo hơn bởi sự khác biệt trong cách tính đầu ra thực tế ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc đo lường TFP lại khá phức tạp do nó phụ thuộc vào các dạng mô hình lý thuyết với những giả định khác nhau.
Việc lựa chọn sử dụng chỉ tiêu nào về năng suất phụ thuộc vào mục đích đo lường hoặc/và sự sẵn có của dữ liệu. Để xem xét xu hướng trong ngắn hạn và trung hạn (bằng hoặc dưới 10 năm), khi có sự nghi ngờ về quá trình tăng trưởng cơ bản hoặc dữ liệu về trữ lượng vốn không đáng tin cậy thì NSLĐ là một chỉ tiêu thích hợp để sử dụng. Ngược lại, chỉ tiêu TFP thường đáng tin cậy hơn khi xem xét xu hướng trong dài hạn của nền kinh tế [2]. Cả hai chỉ tiêu này nên được dùng phối hợp để đánh giá đặc điểm tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam đã và đang tăng trưởng nhanh chóng sau thời kỳ mở cửa vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày nay, các nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá Việt Nam là một trong số những điểm đến thu hút đầu tư nhất ở châu Á. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây, Vũ Minh Khương [3] đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu suy giảm sớm, trong khi thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp. Để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế thông qua thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ, việc đo lường NSLĐ và xác định các nhân tố tác động đến tăng trưởng NSLĐ để có những chính sách hữu hiệu tác động đến nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay […]
Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 10/2018