Thị trường lúa gạo Việt Nam: Cải cách để hội nhập (Cách tiếp cận cấu trúc thị trường)
Cuốn sách này là sản phẩm của Dự án nghiên cứu “Ảnh hưởng của cấu trúc ngành lúa gạo đến lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, một hoạt động của Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam”, thuộc Chương trình “Hỗ trợ liên minh vận động chính sách” do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ và tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý.
LỜI NÓI ĐẦU
Kể từ cuối thập niên 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng. Sự gia tăng này đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong suốt một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, sự mở rộng quy mô của ngành lúa gạo Việt Nam, thay vì được hồ hởi chào đón như trước đây, giờ lại trở thành mối lo lắng trong chính sách phát triển bền vững cho ngành lúa gạo, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Sản lượng lúa tăng không những không kèm theo sự cải thiện thu nhập của người nông dân, mà còn là nguy cơ khiến đất trồng bị thoái hoá và ô nhiễm môi trường tăng cao. Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung vào phân đoạn gạo cấp thấp, kém đa dạng, và đặc biệt đang tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, sức ép giảm giá lập tức được tạo ra lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước. Hơn nữa, xu hướng tự túc lúa gạo gần đây của các quốc gia nhập khẩu gạo, đi kèm với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu của một số quốc gia như Campuchia và Ấn Độ cũng tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt tới các quốc gia xuất khẩu, khiến Việt Nam cần phải suy xét lại định hướng lớn về đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu của toàn ngành.
Chúng tôi thấy rằng đã có sự đồng thuận chung trong giới hoạch định chính sách về vấn đề này. Đó là mong muốn ngành lúa gạo Việt Nam cần chuyển dịch sang sản xuất các loại gạo chất lượng cao hơn; đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu; và cung ứng gạo chất lượng cao cho tiêu thụ trong nước. Vấn đề ở đây là làm thế nào để đạt được những mục tiêu này? Chúng tôi cho rằng dù là giải pháp nào, để đạt được mục tiêu, thì đều phải dựa vào các lực lượng của thị trường. Chỉ có lực lượng thị trường mới có thể giúp cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành lúa gạo theo định hướng mới được bền vững. Điều chúng ta có thể làm là tìm được xu hướng mà các lực lượng thị trường sẽ định hình cấu trúc thị trường lúa gạo trong tương lai, và qua đó đưa ra các giải pháp để việc định hình này có thể diễn ra nhanh hơn.
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các đặc điểm cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam trên cơ sở so sánh với các nước khác, qua đó xác định được tính hiệu quả và công bằng của cấu trúc thị trường hiện tại và ảnh hưởng của các đặc điểm cấu trúc thị trường đến quyền lợi của người sản xuất lúa gạo nhỏ. Đây là cơ sở để chúng tôi đưa ra các khuyến nghị cải cách cấu trúc thị trường trong tương lai, hướng tới việc nâng cao hiệu quả chung của toàn bộ chuỗi giá trị và đem lại vị thế công bằng hơn cho người sản xuất nhỏ trong chuỗi giá trị này.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên, chúng tôi sẽ dựa trên lý thuyết về cấu trúc - hành vi - kết quả (SCP) trong lý thuyết ngành. Cụ thể chúng tôi phân thị trường lúa gạo thành 2 phân đoạn: phân đoạn mua bán lúa để xay xát và phân đoạn mua bán gạo để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Tại mỗi phân đoạn chúng tôi sẽ xác định các đặc điểm cấu trúc thị trường. Đó là các chủ thể tham gia, chức năng và vị thế ảnh hưởng của mỗi chủ thể, khả năng lựa chọn chiến lược tham gia của mỗi chủ thể, lợi ích và chi phí gắn với mỗi lựa chọn chiến lược.
Về nghiên cứu thực nghiệm, trước tiên chúng tôi tiến hành so sánh cấu trúc thị trường lúa gạo của Việt Nam với hai nước Thái Lan và Ấn Độ dựa trên các nghiên cứu của các đồng nghiệp khác. Trên cơ sở những phát hiện khi so sánh cấu trúc thị trường lúa gạo của Việt Nam với của Ấn Độ và Thái Lan, chúng tôi xây dựng một số giả thuyết về hành vi của các chủ thể trong cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam, phỏng đoán các kết quả của thị trường khi có các thay đổi về các đặc điểm cấu trúc thị trường và thực hiện quá trình thực địa phỏng vấn sâu ở hai tỉnh An Giang và Cần Thơ. Căn cứ vào kết quả phỏng vấn sâu cộng với một số giả thiết phụ trợ, chúng tôi đưa ra những kết luận về xu hướng điều chỉnh cấu trúc thị trường lúa gạo tại ĐBSCL trong tương lai.
Do giới hạn về mặt thời gian, nguồn lực, cũng như tính khai mở của nghiên cứu, nghiên cứu này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Do vậy, nhóm nghiên cứu mong nhận được những ý kiến đóng góp, phản biện, đề xuất về phương pháp để cải thiện trong những nghiên cứu sâu hơn về đề tài này về sau.